Văn học vốn có một chỗ đứng vững chắc với đối tượng
đọc ở độ tuổi thiếu nhi. Bởi đơn giản, với các em, đọc không chỉ là một trong
các nhu cầu về tinh thần như với người trưởng thành mà đó còn là con đường bước
ra với thế giới. Mỗi trang sách, mỗi bài thơ là cái ấn tượng “thuở ban đầu” đã
thành sâu sắc, mở lối bằng sự dìu dắt của ngôn từ, cho cách tri nhận, cảm quan
về thế giới:
Em nghe thầy đọc bao ngày
Tiếng thơ đỏ nắng, xanh cây quanh nhà
Mái chèo nghiêng mặt sông xa
Bâng khuâng nghe vọng tiếng bà năm xưa
Nghe trăng thở động tàu dừa
Rào rào nghe chuyển cơn mưa giữa trời...
(Nghe thầy đọc thơ - Trần Đăng Khoa)
Những ấn tượng đó được nhà thơ ghi lại không chỉ xuất phát từ
cảm tính cá nhân mà là sự nhận thức về giá trị cuộc sống ở của lứa tuổi thiếu
nhi khi được tiếp nhận các tác phẩm văn chương. Thế giới xung quanh không bàng
bạc, vô vị mà đầy sắc màu (đỏ nắng, xanh cây); không chỉ ồn ã, náo nhiệt mà
tinh tế, lắng sâu: nghe trăng thở động tàu dừa. Thế giới ấy không thể chỉ
nhìn bằng mắt mà còn phải cảm bằng tâm hồn: Mái chèo nghiêng mặt sông xa.
Bởi thế, bổn phận của người cầm bút với những độc giả nhỏ tuổi là sự khai mở
tâm hồn bằng chính sự hồn nhiên, trong sáng mà chúng ta đem tới chứ không đơn
thuần là sự phản ánh, sự kí thác những ý tưởng, triết luận đơn thuần. Hay nói
cách khác, thách thức với người viết nằm ngay ở cách tiếp cận với đối tượng đọc
của mình. Đó cũng là nguyên nhân dẫn tới sự thất bại của những ai ngộ nhận về sự
ngô nghê, giả tư duy trẻ thơ; tới sự mất dạng của nhiều tác phẩm đạt giải trong
các cuộc vận động sáng tác về đối tượng thiếu nhi.
Viết bằng những vô tư thành thật
Trước hết, phải có sự phân biệt giữa những sáng tác văn học
thiếu nhi do người lớn viết và do thiếu nhi tự viết về thiếu nhi. Nếu như ở đội
ngũ những cây bút nhí tự viết về mình đang dần đánh mất chính sự hồn nhiên, tư
duy ngây thơ về thế giới (già hóa) thì ngược lại, nhiều tác phẩm viết về lứa tuổi
nhỏ lại đang cố tạo ra sự ngây thơ một cách vụng về. Sự ngộ nhận này đến từ việc
người viết chưa thật sự thành thật trong mục đích sáng tạo. Đôi khi, người ta
chỉ coi văn học thiếu nhi là nơi ít phải cạnh tranh với các cây bút tên tuổi, dễ
truyền tải các nội dung đạo đức bù đắp cho sự non kém về ý tư tưởng nghệ thuật.
Hẳn ai cũng biết, tuổi thơ luôn gắn với những trò chơi đam
mê, những khám phá, lí giải về thế giới xung quanh. Bởi lẽ đó, chỉ khi nhà văn
dám đam mê từ bỏ những ý đồ thành bại của trang viết để trở về “hồn nhiên như
nhiên”, dám từ bỏ mọi toan tính nghệ thuật để cây bút được vui đùa với các em mới
gặt hái được những thành công. Nói cách khác, trẻ em cần ở chúng ta sự hồn
nhiên đến nhầm lẫn nhưng vẫn nhằm đến giá trị nhân văn thành thật chứ không phải
sự gò ép, định hướng. Còn nhớ trong Góc sân và khoảng trời của Trần
Đăng Khoa, những câu thơ chứa đầy những nhầm lẫn ngây thơ đến thú vị giữa việc
đàn kiến khiêng xác bác giun về ăn thịt với chuyện đưa ma thành kính:
Bác Giun đào đất suốt ngày
Trưa nay chết dưới bóng cây sau nhà
Họ hàng nhà kiến kéo ra
Kiến con đi trước, kiến già theo sau
(Đám ma bác Giun)
Chỉ với bốn câu thơ ấy, cả một thế giới loài vật hiện lên bên
cuộc sống sinh hoạt đời thường của người lớn (dưới bóng cây sau nhà). Cảnh đưa
ma cũng thật sinh động với sự quan sát tinh tế của đôi mắt trẻ thơ. Trong
khi Chú bò tìm bạn của Phạm Hổ lại như câu chuyện vui mà người lớn kể
cho con trẻ, một thứ ngụ ngôn, cổ tích bằng thơ:
Nước đang nằm nhìn mây
Nghe bò, cười nhoẻn miệng
Bóng bò chợt tan biến
Bò tưởng bạn đi đâu
Cứ ngoái trước nhìn sau
"Ậm ò" tìm gọi mãi...
(Chú bò tìm bạn)
Từ câu chuyện đơn giản, thú vị ấy, bài thơ đã để lại ấn tượng
sâu sắc trong lòng biết bao bạn nhỏ về một thiên nhiên làng quê thanh bình với
những con vật thân thiện. Phải là người thành thật như quên đi danh phận để
cùng về chơi với trẻ mới đủ vô tư để viết những vần thơ như thế.
Thiên nhiên là một yếu tố cơ bản làm nên không gian nghệ thuật
của tuổi thơ. Trí tưởng tượng, tình cảm thẩm mĩ cũng xuất phát từ sự khám phá
những điều lí thú trong thiên nhiên. Sự chở che, sự thân thiện của thiên nhiên
cũng chính là bài học vô giá cho các em. Tuy nhiên, đã từ khá lâu, thiên nhiên
thực, không gian thực đã mất dần chỗ đứng trong tâm hồn trẻ thơ (đặc biệt ở các
đô thị). Thay vào đó là không gian ảo của những hành tinh lạ, của sức mạnh siêu
nhiên, của các khu phố, thành phố ma thuật, yêu quái… Ví như: Harry
Potter; Eragon - Cậu bé cưỡi rồng; Bẩy viên ngọc rồng… Đó có thể chỉ là những
không gian kì thú thu hút sự hiếu kì của trẻ, một thứ thú vui đáp ứng nhu cầu
“cầm chân” trẻ tạm thời của cha mẹ chứ chưa thực sự là không gian để vun đắp
trí tưởng tượng để nuôi dưỡng nhân cách và tri nhận về thế giới. Dẫu biết rằng
cuộc sống hiện đại đang len lỏi tới tận thôn cùng xóm vắng nhưng không có nghĩa
chúng ta cần phải đồng nhất giữa hai không gian ấy. Một khi tâm hồn tuổi thơ
không có nơi ươm mầm đạo đức đã va vấp với hiện thực khắc nghiệt, phức tạp của
đời sống sẽ dễ bị tác động xấu. Những thế giới loài vật của Tô Hoài, Phạm Hổ,
Trần Đăng Khoa… mãi sẽ nằm chết lặng trong giá sách trước những cách làm sách của
nhiều nhà xuất bản chạy theo lợi nhuận, của nhiều người cầm bút xu thời đang tạo
tác thế giới ảo. Cũng vì lẽ đó mà càng cố gắng, văn học thiếu nhi càng mất dần
vị thế trong tâm hồn các em vào tay những phương tiện nghe nhìn, công nghệ số mới.
Hay nói đúng hơn, các em đang bị đánh cắp tuổi thơ bởi không có một chỗ dựa là
đời sống thật với những tình yêu, những rung cảm thật. Phải chăng chỉ khi dám
nhìn thẳng vào những lệch lạc đó, dũng cảm tìm lại hướng đi thật sự là tận hiến
với thế hệ thiếu nhi, những trang văn mới sống được trong tâm hồn những độc giả
trẻ.
Bùi Việt Phương
đặt vé máy bay eva air
mua vé máy bay đi mỹ hãng eva
giá vé korean airlines
vé máy bay đi mỹ giá rẻ
Vé máy bay đi canada
Những Chuyến Đi Cuộc Đời
Du Lich Tu Tuc
Kien Thuc Du Lich