Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2015

Tản mạn đầu thiên kỷ

Tản mạn đầu thiên kỷ
Khi 6 tỷ người chộn rộn lăng xăng để chờ đợi một cái gì đó thật mới, thật tinh nguyên, thật kỳ diệu, hoặc là thật thảm khốc không thể tưởng…có thể xảy ra ở một thời điểm giao thoa giữa hai giây, hai phút, hai giờ, hai ngày, hai tháng, hai năm, hai thế kỷ, hai thiên kỷ cũ-mới…thì muôn sao vẫn lấp lánh, muôn trùng vẫn cất tiếng ca, muôn cây vẫn xạc xào lay động theo gió mùa. Và đâu đó, vẫn có những bà mẹ ru con với tiếng à ơ. Người nông phu vác cuốc ra đồng. Những bầy trẻ reo vui đùa giỡn trên đường phố, trên sân chơi, bơi lội trên những con sông ngầu đục…Và đâu đó, có người lặng lẽ rót trà vào cái tách nhỏ xíu, uống một mình trong sáng tinh mơ khi bình minh vừa hiện, khai quang một bầu trời ngập nắng. Mây, mây đâu rồi? Chỉ thấy sương mù như bức màn mỏng vén lên chầm chậm, chầm chậm…
THỜI GIAN
Tương lai đã trở thành quá khứ ngay vừa khi mình chợt nghĩ đến nó trong hiện tại. Cái hiện tại mà mình dự tính sẽ viết về một cái tương lai nào đó thực ra đã từng là tương lai của một cái hiện tại ở quá khứ. Cái quá khứ nào cũng đã từng là hiện tại, đồng thời cũng đã từng là tương lai của một cái hiện tại nào đó trong quá khứ. Cái lý đó chẳng lạ lùng gì. Ai cũng biết cả rồi. Có cái gì ở thế giới huyễn mộng này mà hiện hữu một cách như thực đâu kìa? Quá khứ, hiện tại, tương lai. Chỉ là do ý niệm của mình chia chẻ ra đấy thôi. Chỉ là do sự chuyển dịch của tư tưởng nội tại và không gian ngoại tại mà bày vẽ ra đấy thôi. Mà nếu thời gian phải nhờ vào dòng ý niệm tương tục cũng như không gian chuyển dịch mới được hiện hữu thì thời gian đâu có thực. Xét ngay nơi tự thân của cái gọi là "dòng thời gian", tức là ba thì (quá khứ, hiện tại, tương lai) liên tục tiếp nối nhau, thì rõ ràng là nó cũng không thực vì nó hiện hữu bằng sự kết hợp của các điều kiện (nhân duyên). Quá khứ và tương lai là duyên của hiện tại, quá khứ và hiện tại là duyên của tương lai, hiện tại và tương lai là duyên của quá khứ. Nhờ có cái này nên mới biết là có cái kia. Không có cái này thì sẽ không có cái kia. Nếu một trong ba cái mà được chứng minh là có thực thì hai cái còn lại cũng có thực. Như vậy, nếu một trong ba cái mà được chứng minh là không có thực thì hai cái còn lại cũng tất nhiên là không thực. Theo các nhà Trung Quán thì cái gì hiện hữu do sự kết hợp của các nhân duyên thì cái đó không thực, không có tự tánh. Trong lý luận thông thường, ai cũng thấy rằng quá khứ thực ra là một hiện tại đã qua và tương lai thực ra là một hiện tại chưa tới. Như vậy chỉ có cái hiện tại là tương đối được coi là có thực. Nhưng nếu cái hiện tại đó có được là do nhờ phân biệt nó với quá khứ và tương lai thì hiện tại đó cũng không có thực. Cái hiện tại mà không thực thì quá khứ và tương lai cũng không thực. Ba cái không thực cho dù có được kết hợp thì cũng không thể tạo nên một cái thực. Ba viên gạch đất mà kết hợp thì chỉ xây nên tường đất chứ không thể xây nên tường gỗ.
Cho nên khi nhà thiền bảo rằng "hãy dứt bỏ niềm hoài vọng quá khứ và sự dự phóng tương lai, chỉ chú tâm vào hiện tại" thì đó chẳng qua cũng chỉ là một chìa khóa thật nhỏ, thật mong manh, và rất là tạm thời, để mở cửa, để bắt đầu cho một cuộc lên đường trở về thực tại. Cái thực tại đó, nói rằng nó ở trong, ở sau, ở trên, ở ngay, ở trước…gì cũng đều sai. Nó không ở nơi cái hiện tại hiện tiền nào cả. Nó ở cái chỗ mà ý niệm không vói tới được. Nó ở cái chỗ mà không còn sự phân biệt của thời gian. Nó ở cái chỗ mà không còn sự phân biệt của không gian. Mà thực ra thì nó cũng không có "ở" chỗ nào cả. Khi mình thấy nó ở giây phút hiện tại hay ở nơi chốn hiện tại thì cái đó không phải là nó (vì cái gì vô biên thì không lệ thuộc vào giới hạn không gian và thời gian; không phải nhờ có cái hiện tại hiện tiền thì thực tại mới được phát sanh hay được phát hiện). Khi mình nghĩ rằng mình nắm được nó ở giây phút hiện tiền thì cái mình nắm được cũng không phải là nó (vì có một người để nghĩ, để nắm, và có một cái bị nghĩ, bị nắm, thì đã lọt vào nhị nguyên). Khi một tâm ý lăng xăng được ngưng tụ lại một chỗ, tập trung vào một công việc nào đó chẳng hạn ngắm cảnh, cắm hoa, rửa chén, thỉnh chuông, đi bộ vân vân, và việc ngưng tụ đó được xem là diễn ra trong giây phút hiện tại, thì cái hành động ngưng tụ ấy thực ra đã có một sự chia chẻ nhị nguyên: có một nỗ lực để gom ý niệm lại (ai là người nỗ lực chú tâm?), có một thời điểm được gọi là hiện tại khác với quá khứ và tương lai, có một công việc đang xảy ra cần cái ý niệm lăng xăng kia phải gom lại và chú tâm vào….
Tất cả mọi thứ đều đã được an bài như vậy. Mọi thứ ở trần gian này đều đã được sắp xếp trong cái huyễn hoặc mộng mị của các tâm thức nô lệ và các chuyển dịch lòng vòng lẩn quẩn của những hành tinh và các động vật. Chính chúng đã tạo ra thời gian rồi tự trói mình trong dòng thời gian ấy. Dòng thời gian giống như một cơn gió thổi qua cuộc đời. Có kẻ bị gió cuốn đi. Có kẻ chạy đuổi theo gió để trì níu gió lại không cho thổi nữa. Đều bệnh hoạn cả. Đều là nạn nhân cả. Thời gian là gì nhỉ? Thời gian ở đâu nhỉ? Cái gì mới, cái gì cũ đâu kìa! Chỉ bày vẽ ra đấy thôi.
Trong khi con chó nhỏ của nhà hàng xóm vẫn tiếp tục gầm gừ những tiếng hiền lành vô tư từ một thanh quản bé xíu, còn con mèo già thì điềm đạm ung dung liếm mép ngó bâng quơ tàu lá cau đong đưa bên bờ rào thì cùng lúc, thế giới con người có vẻ ngưng tụ trong một khoảnh khắc… vì hiện tượng giới bên ngoài có vẻ như bị tác động thực sự bởi sự biến dịch chuyển động của những cái đồng hồ và những tấm lịch của loài người sản xuất. Sau đó, mọi việc trở lại bình thường ngay. Một thiên niên kỷ mới bắt đầu. Mọi người từ người lao động tay chân cho đến thương gia, thư ký, học sinh, sinh viên, nhà giáo, thi sĩ, văn gia, học giả… vân vân, đều bàn nói về một thế kỷ hay một thiên kỷ mới. Làm như thể thế giới này lần đầu tiên được khai sinh vậy! Và đâu đó ở những xó xỉnh đìu hiu quạnh vắng, vẫn có những đời sống bình thường trôi qua với những tàn cây rợp bóng nghiêng mình bên những con sông hay những ao hồ không có tên gọi. Có những con người chân không bước đi trên những con đường đất làm tung bay mịt mù những bụi bặm thơm mùi cỏ úa. Có những đạo gia ung dung rời khỏi thiền sàng, tìm một vốc nước bên bờ suối, hoặc chống gậy dạo chơi trong rừng sâu, thong dong tiêu sái một đời nhưng đôi khi cũng phương tiện diễn nói một vài pháp kệ cho những con ếch bên bờ ao sình thối. Và đâu đó ở những thành phố văn minh tráng lệ, các danh ca, các diễn giả, các nhà tu… tiếp tục những cuộc lưu diễn với những buổi trình diễn lời ca hay tiếng nói của mình trước quần chúng ngưỡng mộ theo lịch trình đã được vạch sẵn từ sáu tháng đến một năm, hai năm hoặc nhiều năm trước đó. Họ nhảy múa, ca hát, và nói về tình yêu, tình thương, về hòa bình, về sự hòa hợp vui sống giữa những sắc tộc, tôn giáo, quốc gia vân vân. Họ làm cho thính giả xúc động, có khi phải rơi lệ, có khi phải nhảy nhót và gào thét lên mới hả được niềm rung cảm nhiệt thành. Và đàng sau những buổi trình diễn, vẫn là những đời sống bình thường, rất bình thường… có khi bình thường đến độ không dám nói ra hay viết ra bằng lời.
Không phải chỉ có danh ca, tài tử, kịch sĩ và các diễn giả mới lên sân khấu thôi đâu. Tất cả mọi người đều đã và đang lăng xăng chộn rộn trên sân khấu. Thế gian như một sân khấu rộng đó mà, người ta từng nói vậy. Tô điểm và hóa trang để trình diễn thật xuất sắc, đó là công việc của mọi nghệ sĩ. Các danh ca, tài tử, kịch sĩ và diễn giả chỉ khác chúng ta, đặc biệt hơn chúng ta, là họ đóng tuồng một lần mà trên hai sân khấu. Và khi ta tìm đến họ, ta chỉ nên nhìn họ ở cái sân khấu nhỏ thôi. Đừng bám theo họ khi họ rời sân khấu nhỏ. Thế gian này bớt điên cuồng là nhờ những cuộc trình diễn trên các sân khấu nhỏ. Nhưng thế gian này muôn đời sống trong một cơn mơ mờ ảo dật dờ thì cũng nhờ những cuộc trình diễn sân khấu đấy bạn ạ.
Hãy nhìn, hãy nghe Madonna - ca sĩ được một cuộc thăm dò âm nhạc bên Anh quốc chọn là nữ danh ca có ảnh hưởng mạnh nhất của một ngàn năm qua (nam danh ca được chọn là John Lennon) hơn cả Beethoven và Mozart (về ảnh hưởng sâu rộng chứ không nói ở giá trị tự thân của các nhạc phẩm sáng tác):
You only see what you want to see
How can life be what you want it to be
You’re frozen when your heart’s not open…
(Em chỉ thấy những gì em muốn nhìn
Làm sao cuộc đời có thể diễn ra theo ý em muốn!
Tim em băng giá vì nó không chịu mở ra…)
You’re so consumed with how much you get
You waste your time with hate and regret
You’re broken / When your heart’s not open
If I could melt your heart
We’d never be apart
Give yourself to me
You hold the key…
Love is a bird she needs to fly
Let all the hurt inside of you die..
(Em đã quá bận tâm mòn mỏi với chuyện chiếm hữu gặt hái
Tiêu phí thời gian với hờn giận và nuối tiếc
Và tim em tan nát vì nó không chịu mở ra
Nếu anh có thể làm tan chảy trái tim đóng băng ấy
Chúng ta sẽ không bao giờ chia cách
Hãy đến trọn vẹn với anh hỡi em yêu
Em đã biết được cách nào để làm điều đó…
Tình yêu giống như một con chim cần tung cánh
Hãy để cho tất cả những nỗi đớn đau trong em chết đi…
Hãy đến trọn vẹn với anh, hỡi em yêu
Em đã biết cách nào để làm việc ấy…)
Madonna là một nữ ca sĩ có sức học trung bình, nổi tiếng là có lối trình diễn vừa ca vừa nhảy rất gợi dục (vào khoảng thời gian còn trẻ—bây giờ thì chững chạc, đằm thắm, trang nghiêm hơn nhiều, nhất là qua tác phẩm mới nhất Ray of Light, và qua bản Frozen (Đóng băng) được trích vài đoạn ở trên. Trong nhạc phẩm này, Madonna vận xiêm y truyền thống của phụ nữ Ấn,  lòng bàn tay xòe ra có chữ \ (A, tiếng Phạn - nghĩa là Vô).
Madonna gốc người Ý Đại Lợi, sinh ra và trưởng thành tại Hoa Kỳ, là một trong số những nam nữ tài tử và ca sĩ lừng danh của Hoa Kỳ tu theo hoặc ham thích tìm hiểu về Phật giáo như Richard Gere, Harrison Ford, Kevin Costner, Tina Tuner, Sharon Stone, Brad Pitts, Ricky Martin, Jennifer Lopez… Nội dung nhạc của Madonna không có triết lý gì cao siêu, với lối viết thật giản dị, dễ hiểu. Nhưng ảnh hưởng của nó cũng mạnh mẽ đến tâm hồn người nghe như những lời thuyết giáo trên các bục giảng của những diễn giả có học vị—dù là ảnh hưởng ở mặt khác—và dĩ nhiên là hấp dẫn hơn nhiều với những buổi trình diễn thu hút từ hàng chục đến hàng trăm ngàn khán thính giả trong một hội trường rộng lớn giành nhau mua vé đắt tiền để được tham dự.
Nhưng tại sao phải nói về Madonna kìa? Tại sao lại trích lời của một người phụ nữ Tây phương mới tập tễnh học thiền mà không nói về hoặc trích dẫn từ một người nào đó có nội lực vững vàng hay thẩm quyền chắc chắn trong địa hạt tôn giáo? – Chỉ đơn giản là vì thích mượn lời một người trong giới "xướng ca vô loại" để nói về một cái gì thật nghiêm chỉnh, thật đứng đắn, thật đàng hoàng, thật quan trọng đối với con người và cuộc đời, đặc biệt là con người và cuộc đời ấy trong viễn ảnh của một thiên kỷ mới
ĐÓNG BĂNG VÀ SÁM HỐI
Trái tim đã đóng băng thì không những tình yêu không thể phát triển mà mọi thứ đức tính, mọi thứ phẩm tính được coi là cao đẹp đạo đức khác cũng trở nên băng giá, cô kẹo lại, không sao phát triển hay nở rộ được với tha nhân.
Không thể nào khư khư ôm giữ một lối nhìn, một lối suy tư cục bộ để đánh giá hay đòi hỏi cuộc đời phải như vậy như kia theo ý riêng của mình. Muốn cuộc đời thay đổi, thực ra không thể đòi hỏi bắt buộc nó phải xoay chuyển theo mình mà chính là mình phải mở rộng và thay đổi tầm nhận thức của mình đối với nó. Nếu trong quá khứ mình đã làm điều gì khiến người khác đau khổ, hoặc ngược lại, nếu trong quá khứ, người nào khác đã làm mình đau khổ, thì việc bây giờ phải làm là quên nó đi. Let all the hurt inside of you die. Nhưng đó cũng chỉ mới là bước đầu. Còn để xây dựng một lối nhìn, một lối sống, một lối hành xử mới đối với con người và cuộc đời trong ngày hôm nay và nhiều ngày sắp tới, không phải chỉ đơn giản là quên đi quá khứ. Quá khứ thực ra là cái gì đâu? Chỉ là một hiện tại đã qua. Thế thì, nếu không chăm sóc và điều chỉnh chính mình ngày hôm nay thì cái hiện tại sai lầm, tàn ác ngày hôm nay lại sẽ tiếp tục tạo ra những quá khứ lầm lỡ khác. Rồi từ một hiện tại khác nhìn lui về quá khứ, ta lại phải ăn năn và lại phải cất lời xin lỗi, cất lời sám hối!
Cho nên, đừng co rúm lại với sự cỗi cằn của trái tim với bao ấn tượng bất hạnh của quá khứ, cũng đừng tiêu phí thời giờ với chuyện ăn năn hoặc so đo cái chuyện là mình sẽ đạt được gì trong cuộc đời khi biết phủi sạch đi quá khứ… Ăn năn chỉ là bước đầu thôi. Bước đầu ấy rất cần thiết nhưng chưa đủ. Cái điều làm cho cuộc đời, cho con người trở nên hạnh phúc hơn là ở chỗ mở rộng lòng mình ra ngay từ giây phút này, và hãy thay đổi đi cách nhìn của mình ngay từ giây phút này. Đạo gia và nghệ sĩ có thể gặp nhau ở cái điểm cơ bản như vậy thôi. Hãy lắng nghe họ, cho dù lời lẽ của họ thật giản dị, không chút màu mè tô phết như sắc diện bề ngoài cần thiết của thế giới sân khấu. Đừng bao giờ chỉ kêu gọi suông việc xóa bỏ thù hận và lỗi lầm quá khứ rồi đòi hỏi cuộc đời từ đó thay đổi, mà hãy bắt đầu bằng cái gì mình phải làm hôm nay và sẽ làm ngày mai. Tấm lòng phải mở ra và cái nhìn phải sáng suốt. Khăng khăng với một trái tim giá lạnh chỉ biết đòi hỏi được yêu thương kính trọng mà chẳng bao giờ yêu thương kính trọng ai, cố chấp giữ nguyên nhận thức chủ quan và lập trường cố định của mình đối với thế giới và con người mà chẳng bao giờ chịu tìm hiểu sự thật khách quan như thế nào trong vị thế và nhãn quan của người khác… thì làm sao thay đổi được cuộc đời, làm sao xây dựng được một thế giới mới cho thiên niên kỷ mới! Ôm lấy trái tim băng giá và đôi mắt mù mà cứ mở miệng kêu gào mãi một giọng điệu sám hối ăn năn thì phỏng có ích gì đâu. Một lời xin lỗi mong được xóa sạch một chuỗi dài đen tối thảm đạm, có được chăng? Được, với trái tim mở rộng của nạn nhân, với cái nhìn bao dung khoáng đạt của nạn nhân, quá khứ lỗi lầm đó sẽ được tha thứ, sẽ được quên. Có nghĩa rằng người tha lỗi rất cao thượng. Và để đáp lại sự cao thượng ấy, người có lỗi nên đứng qua một bên, hỗ trợ cho người kia mở ra một vận hội mới cho cuộc chung sống hòa bình an lạc. Mình đã lầm lỡ trong quá khứ mà mình cũng chưa có gì đổi thay trong hiện tại thì tốt nhất là không làm gì cả. Càng làm càng tạo thêm nhiều quá khứ lầm lỡ khác. Hãy yêu thương kẻ khác bằng cách mở rộng trái tim; hãy xây dựng cuộc đời trước tiên bằng nhận thức đúng đắn của mình. Với đôi mắt mù và trái tim băng giá, bạn là kẻ tàn bạo, nguy hiểm nhất cho thế giới này. Hãy cất bước đi ngay từ phút này. Quá khứ không là gì cả. Hiện tại không là gì cả. Tương lai không là gì cả. Nhưng tất cả đều khởi hiện từ bây giờ, từ giây phút bạn mở lòng ra, mở mắt ra. Ở đây, vì bạn chưa bao giờ hiểu và thực tập thiền, nên bạn có thể học được cái bước căn bản của các thiền sinh trên khắp các tu viện Phật giáo trên thế giới: bắt đầu từ giây phút hiện tại. Cứ tạm coi như là có một cái hiện tại để mà bắt đầu, chập chững đi vào cuộc đời bằng trái tim mới, đôi mắt mới, đôi chân mới. Nếu bạn không làm được điều đó, hãy để người khác giúp bạn. If I could melt your heart, we’d never be apart… Người khác có thể cũng chẳng giỏi hơn bạn và chẳng có địa vị nào cao cả trên cuộc đời như bạn đâu, nhưng họ khá hơn bạn một điều là họ chưa làm điều gì lầm lỡ nghiêm trọng trong quá khứ đến nỗi phải ăn năn ray rứt. Và họ, chính họ, những người không tạo lỗi và sẽ chẳng bao giờ muốn tạo lỗi, sẽ đứng lên, xây dựng cuộc đời với trái tim luôn rộng mở, rất khoáng đạt và bao dung, với đôi mắt từ bi và đầy trí tuệ.
Nào, hãy nhại theo lời Madonna, nói rộng ra, nói luôn những điều đàng sau câu nói:
Bạn chỉ thấy những gì bạn muốn nhìn mà không thấy được những gì người khác nhìn và thực tại khách quan của cái được mọi người nhìn.
Thật là điên rồ, làm sao cuộc đời có thể diễn ra theo ý bạn được chứ!
Tim bạn băng giá lâu rồi và vì thế, nó đã quen với sự hững hờ vô tâm đối với kẻ khác, và bởi thói quen và sự cố chấp ù lì, nó không chịu tan chảy để đập lại những tiết điệu khác…
Trong quá khứ, mà ngay cả đến hiện tại nữa, bạn đã quá bận tâm với chuyện chiếm hữu, gặt hái, tích lũy… những cái chẳng liên hệ gì đến tình yêu cả (thế mà bạn cứ một mực kêu gọi tình yêu thương rộng lớn này nọ!) Và bạn đã tiêu phí thời gian trong nỗi hận thù (những người không cùng chăn chiếu) và nuối tiếc đau khổ (với những điều mà những người bình thường khác không bao giờ muốn làm—ngoại trừ một trái tim vô cảm lạnh lùng và tàn ác như bạn mới làm nổi).
Nếu tôi có thể làm tan chảy trái tim băng giá ấy, chúng ta sẽ không bao giờ chia cách. Hãy đến trọn vẹn với tôi hỡi bạn ơi. Bạn đã biết được cách nào để làm điều đó…
Thiên kỷ mới, vận hội mới? Có cái gì mới sắp xảy ra chăng? Cái gì cũng mới cả và cái mới xảy ra rất nhanh - chỉ  ào có thể đo được - là nó đã biến ngay thành cái cũ. Mọi sự mọi vật đều như thế. Không ai có thể nắm bắt được thực tại bằng phương tiện thời gian hay bằng phương tiện tư tưởng. Không ai là kẻ sáng tạo hay thiên tài chi cả. Tất cả chỉ là sự lặp lại một cách rất chậm trễ, rất cũ, rất mơ hồ, rất loạng quạng, rất thiên lệch méo mó… trên một cái gì thật tinh tế và thâm sâu, biến hiện vô cùng và cũng tịch lặng vô cùng; bởi vì ngay nơi ấy, nơi cái chỗ mà tất cả mọi phương tiện muốn nhắm đến, từ ngữ ngôn văn tự đến lý niệm tư tưởng, cho đến các cách thức thực hành được coi là hữu hiệu nhất xưa nay…đều cũng phải vứt đi. Mới, không phải chỉ là vượt qua cái cũ, mà là vượt qua chính mình, chính sự ù lì dậm chân của mình nơi cái điều mà mình tưởng là mình đã đạt được.
Cuối năm 1999
 Vĩnh Hảo

1 nhận xét:

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...