Thứ Tư, 29 tháng 7, 2015

Chế Lan Viên và quan niệm về thơ

Chế Lan Viên và quan niệm về thơ
    Cũng như một số nhà thơ khác, Chế Lan Viên đã bàn luận khá nhiều về thơ qua văn xuôi chính luận và sau này được tập hợp lại trong những cuốn tiểu luận phê bình như: “Suy nghĩ và bình luận”, “Phê bình văn học”, “Bay theo đường dân tộc đang bay”, “Từ gác Khuê văn đến quán Trung Tân”, “Nghĩ cạnh dòng thơ”, “Ngoại vi thơ”, “Nói chuyện thơ văn”, “Vào nghề” ... Ông cũng bộc lộ quan niệm của mình về thơ qua các bài giới thiệu, các bài “tựa” và “bạt” cho một số tác giả mà ông am hiểu và quý trọng như Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Yến Lan, Tế Hanh. Bằng vốn sống và vốn văn hoá uyên bác, bằng trí tuệ sắc sảo và trực cảm nghệ thuật tinh tế, những trang tiểu luận - phê bình thơ của Chế Lan Viên đã đem đến nhiều thú vị bất ngờ cho độc giả.
 Phát biểu, bàn luận về thơ qua hàng loạt những bài văn chính luận kể trên, dường nhưChế Lan Viên vẫn cảm thấy mình chưa nói được nhiều về thơ. Sự suy nghĩ, trăn trở của ông còn được tiếp nối liên tục qua một loạt các bài thơ viết về thơ. Đó chính là những quan niệm, những nung nấu, kiếm tìm của Chế Lan Viên về thơ nhưng đã được hoá thân thành các hình tượng lung linh lắm sắc màu. Ở những bài thơ ấy, những nguyên lý trừu tượng khô khan đã được ông nâng lên thành cảm xúc, hình ảnh, âm điệu ... nên dễ đi vào lòng người và để lại ấn tượng lâu bền. Từ mấy chục năm qua, Chế Lan Viên đã được nhiều người thừa nhận là “nhà vô địch” về các tuyên ngôn thơ cả trong lý luận và trong sáng tác. Và khi cần đến những dẫn chứng làm sán tỏ lý luận về thơ, mọi người thường nghĩ ngay đến Chế Lan Viên. Nhìn tổng quát, chúng ta có thể thấy những quan niệm về thơ của Chế Lan Viên phát triển, biến đổi song hành cùng các chặng đường tư tưởng và sáng tác của ông. Nếu xét theo chiều lịch đại, quan niệm về thơ của Chế Lan Viên vận động qua ba thời kỳ: trước năm 1945, sau năm 1945 đến hết thập niên 70 và những năm 80 được thể hiện tập trung qua ba tập Di cảo thơ.
1.Trước cách mạng, cùng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên là chủ tướng của nhóm thơ Bình Định với cái tên khá rùng rợn Trường thơ loạn. Thay mặt cho nhóm thơ này, ChếLan Viên đã có một tuyên ngôn về thơ nổi tiếng trong lời tựa tập Điêu tàn: “Hàn Mặc Tử nói: làm thơ tức là điên. Tôi nói thêm: làm thơ là sự phi thường. Thi sĩ không phải là người. Nó là người Mơ, người Say, người Điên. Nó là Tiên, là Ma, là Quỷ, là Tinh, là Yêu. Nó thoát hiện tại, nó xối trộn dĩ vãng. Nó ôm trùm tương lai”. Chính cái quan niệm độc đáo khác người này đã hướng hồn thơ Chế Lan Viên đến một thế giới đầy “Kinh dị, lẻ lo và bí mật” như Hoài Thanh đã nhận xét về Điêu tàn.
      Tuy không có bài thơ nào viết riêng về thơ, nhưng rải rác đây đó trong tập Điêu tàn, chúng ta có thể thấy có một số câu đã thể hiện khá đậm quan niệm của Chế Lan Viên về thơ.
      Đối với ông, thi sĩ phải là người thoát ly triệt để thực tại để tìm giải thoát ở cõi siêu hình bất tận:
      Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh
      Một vì sao trơ trọi cuối trời xa
      Để nơi ấy tháng ngày tôi lẩn tránh
      Những ưu phiền, đau khổ với buồn lo.
                  (Những sợi tơ lòng)
      Đối với ông, cảm xúc thẩm mỹ lẫn đối tượng thẩm mỹ của thơ chính là nỗi đau khổ khôn cùng của thi nhân trên cõi trần gian.
      -Trời hỡi trời hôm nay ta chán hết
      Những sắc màu hình ảnh của trần gian
                  (Tạo lập)
      -Vì u buồn là những đoá hoa tươi
      Và đau khổ là chiến công rực rỡ
                  (Đừng quên lãng)
      Với một quan niệm về thơ như vậy lại gặp điều kiện mảnh đất Bình Định với gợi mở là thành cổ Đồ Bàn cùng những ngọn tháp Chàm chứng tích của một dĩ vãng đau thương, uất hận đã hướng thơ Chế Lan Viên càng ngày lạc sâu vào cõi siêu hình, mờ ảo để đến mức ông phải hoảng loạn thốt lên “Có ai không nắm giùm tay ta lại! Hãy bẻ giùm cán bút của ta đi ! Lời thơ ta đầy những điệu sầu bi. Đầy hơi thịt, yêu ma cùng sắp chết” (Tiết trinh). Và ông nghi ngờ chính sự tồn tại, hiện hữu của mình “Ai bảo dùm: Ta có, có ta không?”.
      Cũng chính quan niệm “làm thơ là làm sự phi thường”, quyết không đi lại những con đường của các nhà Thơ Mới thời ấy, đã khiến cho Điêu tàn trở thành hiện tượng độc nhất vô nhị trong lịch sử thơ ca dân tộc. Ngay từ lúc ấy, chính Chế Lan Viên đã ý thức được sự cô đơn trên nẻo đường riêng của thơ mình:
      Đường về thu trước xa lắm lắm
      Mà kẻ đi về chỉ một tôi.
2.Trong lúc Chế Lan Viên đang lạc vào cõi hư vô, siêu hình và ngày càng bi quan; bế tắc vì chưa tìm được hướng đi cho đời, cho thơ mình, thì cách mạng Tháng Tám bùng nổ. Chính cách mạng đã làm “Thay đổi đời tôi, thay đổi đời tôi” như sau này ông từng khẳng định. Từ một người mộng mơ, suy tưởng về thế giới huyền ảo, ông trở thành một người hành động. Ông chân thành tham gia vào hoạt động cách mạng cùng quần chúng nhân dân. Ông sung sướng “được quên thơ đi” như quên một cái già không thiết thực với cuộc sống sôi động trước mắt. Tuy tư tưởng chính trị và tình cảm của ông rất gần với cách mạng, với nhân dân, nhưng tư tưởng nghệ thuật và tư duy nghệ thuật của ông vẫn còn một khoảng cách khá xa. Do đó, phải mất hơn 10 năm trăn trở trong cuộc “nhận đường”, Chế Lan Viên mới có được sự thay đổi căn bản về quan niệm nghệ thuật và tư duy thơ. Tập thơ Ánh sáng và phù sa ra đời vào năm 1960 đã đánh dấu một bước ngoặt trong sự nghiệp thơ của Chế Lan Viên. Ánh sáng của Đảng và phù sa của cuộc đời đã giúp ông chiến thắng được nỗi đau riêng để vương tới niềm vui chung của dân tộc. Và từ đây, những bài thơ hay nhất của ông lần lượt xuất hiện. Và cũng từ đây, thơ ca cách mạng có được một loạt bài thơ viết về thơ mang dấu ấn phong cách rất đậm nét của Chế Lan Viên.
      Qua thơ viết về thơ của Chế Lan Viên, chúng tá có thể thấy rõ quá trình chuyển hướng thơ của ông hoàn toàn không dễ dàng, đơn giản.
      Xưa phù du mà nay đã phù sa
      Xưa bay đi mà nay không trôi mất
      Cho đến được lúa vàng đất mật
      Phải trên lòng bao trận gió mưa qua.
                  (Thư gửi Tế Hanh)
      Và cũng chính là nhờ “bao trận gió mưa qua” ấy trong cuộc đấu tranh, phấn đấu để tự vượt lên mình đã giúp Chế Lan Viên “sáng mắt sáng lòng” trên con đường thơ cách mạng, để ông càng thêm tin tưởng, tự hào thực hiện sứ mạng vinh quang của một nhà thơ chiến sĩ.
      Trước hết, Chế Lan Viên đặc biệt quan tâm đến những vấn đề cơ bản nhất của thơ. Đó là mục đích của thơ, đối tượng và mạch nguồn sức sống của thơ, là nhiệm vụ của nhà thơ trong sự nghiệp cách mạng. Và để giải đáp được các vấn đề trên, Chế Lan Viên đã trả lời dứt khoát được câu hỏi về bản thể từ lâu đã làm ông suy tư, trăn trở:
      “Ta là ai? Như ngọn gió siêu hình
      Câu hỏi hư vô thổi nghìn nến tắt
      “Ta vì ai?” Khẽ xoay chiều ngọn bấc,
      Bàn tay người thắp lại triệu chồi xanh.
                  (Hai câu hỏi)
      Từ “Ta là ai?” đến “Ta vì ai?” là cả hai chân trời khác nhau trong sáng tạo thơ ca, là cả hai hướng đối lập nhau trong quan niệm nghệ thuật. Mục đích của thơ ông giờ đây đã khác xưa: thơ phải vì cách mạng, vì nhân dân mà phục vụ, mà hướng tới. Mục đích đã thay đổi thì đối tượng thơ cũng thay đổi. “Tôi viết cho ai? Cho tất cả mọi người... Cho ai cũ thơ tôi làm ướt áo. Nay họ về sưởi ấm giữa thơ tôi” (Nghĩ về thơ).
      Sống gắn bó với nhân dân, với thực tiễn cuộc đời, Chế Lan Viên đặc biệt quan tâm đến mối quan hệ gắn bó hữu cơ giữa thơ và đời, đời và thơ. Cũng là một nguyên lý quen thuộc của quan niệm Mácxít về văn nghệ: cuộc đời là cội nguồn, là sức sống của nghệ thuật, nhưng vào thơ Chế Lan Viên, chân lý ấy trở nên cụ thể hơn, sinh động hơn, dễ đi vào lòng người hơn nhờ những cách diễn đạt lung linh hình ảnh đa dạng của thơ ông:
      -Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép.
      -Cuộc sống đánh vào thơ trăm nghìn lớp sóng.
      Chớ ngồi trong phòng ăn bọt bể anh ơi!
      -Sau câu thơ hồi hộp những tâm tình
      Những vui buồn đời ký thác cho anh.
      Từ tháp ngà của nghệ thuật, của cái tôi cá nhân quẩn quanh bế tắc trước đây, Chế LanViên đã từng xót xa và thấm hiểu thứ thơ “vô ích” “cách xa” “đối lập” với cuộc đời thực: “Thơ xuôi tay như nước chảy xuôi dòng”, từ đó ông càng thấm thía thơ hôm nay cần có ích. Hãy bắt đầu từ nơi ấy mà đi. Và để thơ hoàn thàNh sứ mệnh cao cả, nhà thơ cần hoà mình vào cuộc sống của nhân dân, phải đi đến “Trăm miền đất nước”, để lắng nghe và rung động với âm thanh ríu rít, tràn đầy sức sống của cuộc đời.
      Đi ra, lấy cuộc đời dân làm cuộc đời mình
      Cơn nắng, cơn mưa làm điều suy nghĩ
      Một tiếng chim gù cũng đến nơi rừng lạ để mà nghe.
                  (Nghĩ về nghề, nghĩ về thơ, nghĩ...)
      Một lần khác, quan niệm “nhà thơ phải bám sát cuộc sống hiện thực” lại được ChếLan viên hình tượng hoá thành hình ảnh con tằm ăn trăm vạn lá dâu xanh, con ong cần mẫn hút nhụy của những vườn hoa trăm miền để tạo ra thứ tơ óng ả, tạo nên chất mật ngọt cho đời.
      -Nhà thơ như con ong biến trăm hoa thành mật
      Mỗi giọt mật thành đòi vạn chuyến ong bay
      Nay rừng nhãn non Đoài mai rừng cam xứ Bắc
      Ngọt mật đồng bằng mà hút nhụy tận miền Tây.
                  (Ong và mật)
      -Dù ong phải bay ngàn cánh bay mới giọt mật
      Hay tằm giam mình tại chỗ nhả ra tơ,
      Trong sáng tạo chúng ở hai đầu cực
      Nào con nào đã được nhởn nhơ.
                  (Thơ bình phương - Đời lập phương)
      Như vậy hiện thực cuộc sống chính là cội nguồn, bầu sữa mẹ nuôi dưỡng mọi hồn thơ chân chính. Song, đến cuộc sống như thế nào lại là điều Chế Lan Viên luôn nghĩ suy để tìm câu trả lời đúng nhất. Đối với ông, thu thập vốn sống mới chỉ là bước khởi đầu, bởi sáng tạo thơ không phải là sự sao chép một cách thụ động những gì trông thấy, nghe thấy, mà l à một quá trình lao tâm khổ trí, là sự nghiền ngẫm về hiện thực, là ấp ủ nung nấu sáng tạo lại vốn sống, vốn thực tiễn để tạo nên chất thơ tinh lọc, đẹp đẽ bởi trí tuệ, tài năng và tâm hồn của nhà thơ. Đó là thứ “muối thơ” kết tinh từ đại dương bao la của hiện thực.
      Cái kết tinh của mỗi vần thơ và muối bể
      Muối lắng ở ô nề và thơ đọng ở bề sâu.
                        (Nghĩ về thơ)
      Hiện thực cuộc đời phải biến thành câu chữ, hình ảnh, âm điệu trên mỗi trang thơ và từ đấy sức mạnh, sức nặng của sự sáng tạo nghệ thuật mà nhà thơ tác động trở lại với cuộc đời, và tô điểm thêm cho bao sắc đẹp của sự sống.
      Mỗi câu thơ là một lần lặn vào trang giấy.
      Lặng vào đời rồi lại ngoi lên.
                        (Nghĩ về đời, nghĩ về thơ, nghĩ ...)
      Chế Lan Viên là người trở đi trở lại nhiều lần bàn luận và khẳng định con mắt nhìn đời của nghệ sĩ. Đó không phải là cách nhìn một chiều, xuôi chiều đơn giản về hiện thực, mà là cái nhìn đầy sức phát hiện ở “cái bề sâu, ở cái bề sau và ở cái bề xa”.
      Thơ không chỉ đưa ru mà còn thức tỉnh Không chỉ “ơi hời” mà con đập bàn quát tháo lo toan,....
      Trong xu hướng thơ của ta trong những năm 60,70 đang còn quá thiên về việc làm say mê người đọc hơn là tác động vào trí tuệ của họ thì hướng thơ có tác dụng thức tỉnh con người trên đây của Chế Lan Viên là một khuynh hướng thơ có nhiều ý nghĩa đổi mới. Muốn làm được điều này, Chế Lan Viên quan niệm nhà thơ phải “chịu suy nghĩ”, phải đào sâu, lật đi lật lại các vấn đề để phát hiện ra cái mới trong mạch ngầm của hiện thực, để có cách nói mới, tác động sâu sắc vào trí tuệ người đọc. Do đó chúng ta hiểu vì sao ngay từ cách đặt tiêu đề các tập thơ và cách đặt tiêu đề các tập thơ và các bài thơ như: Ánh sáng và phù sa, Hoa ngày thường chim báo bão, Hoa trên đá, Người đi tìm hình của nước, Đối thoại mới về câu chuyện cổ v.v... và hàng loạt bài thơ có tiêu đề “nghĩ” (Nghĩ suy 68, Nghĩ về thơ, nghĩ...) đã là sự biểu hiện cho những nghĩ suy, trăn trở thường trực trong tư duy thơ của Chế Lan Viên. Ta hiểu vì sao phẩm chất trí tuệ trong thơ ông lại trở thành một hạt nhân toả sáng lấp lánh bao sắc màu trên mỗi trang thơ, trở thành một nét phong cách tiêu biểu nhất của thơ ông.
      Không chỉ quan tâm và bộc lộ quan niệm của mình về các vấn đề cốt lõi của nội dung thơ, Chế Lan Viên còn hết sức chú ý đến các vấn đề của hình thức thơ. Ông đã công khai tuyên ngôn rất hàm súc, rất ấn tượng về sức mạnh và vai trò của hình thức trong thơ:
      Hình thức cũng là vũ khí
      Sắc đẹp câu thơ cũng phải đấu tranh cho chân lý
                        (Nghĩ về thơ)
      Bây giờ đọc lại những câu thơ này có lẽ mọi người chẳng thấy điều gì mới mẻ. Nhưng nếu ta đặc nó vào thời điểm những năm 60, khi ý thức nghệ thuật của toàn xã hội (từ sáng tác, nghiên cứu đến phê bình, tiếp nhận nghệ thuật) trong một hoàn cảnh chiến tranh ác liệt đã đặc biệt đề cao mặt nội dung tư tưởng của tác phẩm, đề cao chức năng giáo dục của văn nghệ thì dĩ nhiên rất nhiều người sợ bị quy cái mũ “duy mỹ”, “vị nghệ thuật”, nếu đề cao vấn đề cái đẹp, đề cao hình thức của nghệ thuật. Do vậy, quan niệm trên đây của ChếLan Viên trở nên khá táo bạo. Trong tiểu luận, phê bình, ông cũng khẳng định: “Đi tìm cái thiện, cái chân nhưng phải biểu hiện ra bằng hình thức đẹp” (Nghĩ cạnh dòng thơ – tr.136). Ở một bài thơ khác, Chế Lan Viên lại nhắc quan niệm trên bằng hình ảnh khác:
      Đời một thi sĩ là thơ, như đời một nông dân là lúa
      Nhan sắc của viên ngọc ư? Có khi là nhiệm vụ nó đấy rồi!
                        (Sổ tay thơ)
      Xét cho cùng, cái cốt tử làm cho tên tuổi nhà thơ, cái cốt tử khiến cho thơ sống mãi không chỉ là ở tư tưởng, ở nội dung hay câu chữ. Tất cả là sẽ vô nghĩa nếu nó nằm trong bài thơ dở. Thơ hay, đó là mục đích tối hậu, là cái duyên chinh phục của thơ. Chế LanViên đã nhận thức rất rõ điều ấy:
      Câu thơ hay như người con gái đẹp
      Ở đâu, đi đâu cũng lấy được chồng.
                        (Sổ tay thơ)
      Và muốn trở thành cô gái đẹp ấy, nhà thơ phải luôn tìm tòi, đổi mới, sáng tạo về hình thức (“Cuộc đời cần đẻ ra nhiều hình thức/ Dù là ngọc thì cũng nhiều viên ngọc/ Chứ phải đâu cứ xanh xanh vĩnh viễn một màu”). Nhiều khi nhà thơ phải biết vượt qua văn phạm cứng nhắc, vượt qua những “xác chữ” để vương tới vẻ đẹp “phi lý” của thơ:
      Đừng làm những câu thơ khuôn mình theo văn phạm
      Như những cây quá thẳng chim không về.
                        (Sổ tay thơ)
      Cũng có khi nhà thơ phải là người “làm xiếc với ngôn từ” để sáng tạo ra những hình ảnh, những ý tứ mới lạ trong thơ:
      Căng cái dây hình ảnh ngữ ngôn ngang qua
      Vực tâm hồn sâu thẳm
      Không bao giờ anh ở độ chùng dây.
                        (Nghĩ về thơ)
      Hình thức thể loại đối với Chế Lan Viên là phải hợp lý, cái gì đáng viết dài, cái gì đáng ngắn gọn là nội dung quy định. Ông khuyên người và cũng tự nhắc mình:
      Đừng bóp cây đa thành củ thuỷ tiên
      Cô đúc bản trường ca thành bài tứ tuyệt
                        (Sổ tay thơ)
      Chế Lan Viên cũng là người sớm nhận ra một điều rất quan trọng của thơ: cần phải có giọng điệu thơ thích hợp với thời đại mới:
      Xưa tôi hát mà bây giờ tôi tập nói
      Chỉ nói thôi mới nói hết được đời
      Bao giờ thuộc hết tiếng của đời, ta xin hát lại
      Khúc hát hay đâu có lắm lời
                        (Sổ tay thơ)
      Nói đúng ra, xưa, ông có giọng thơ ảo não, đau thương, rên rỉ. Ông khóc than cho một dân tộc đã bị tiêu vong, ông gào thét một nỗi chán chường, uất hận trước thực tại. Nay, thơ ông cần phải là tiếng nói khoẻ khoắn về cuộc đời, là tiếng thét căm thù quân xâm lược, là khúc ca hùng tráng ngợi ca Tổ quốc, là tiếng thủ thỉ tâm tình với người thân và bè bạn... Và như vậy, tựu trung lại khi bàn luận, phát biểu quan niệm của mình về hình thức thơ,Chế Lan Viên sớm nhận ra từ kinh nghiệm từng trải của mình cái lý của hình thức. Đó không chỉ giản đơn là các biện pháp nghệ thuật, mà sâu xa hơn, đó là bản chất của sự thống nhất giữa nội dung và hình thức để tạo nên một bài thơ hay. Đó cũng chính là một đóng góp của Chế Lan Viên vào lý thuyết thi pháp học hiện đại.
3.Khi viết bài thơ đề tựa cho tập thơ “Hoa trên đá”, xuất bản năm 1984, Chế Lan Viên thổ lộ:
      Đời ngoài tuổi năm mươi
      Mong gì hương sắc lạ
      Mọc chùm hoa trên đá
      Mùa xuân đâu chịu lùi.
      Không phải. Bạn đọc nào cũng nhận ra rằng mùa xuân trong thơ ông vẫn bừng nở những hương sắc mới lạ, lại quyến rũ bao người, ngay cả khi ông ngoài sáu mươi, thậm chí cận kề cái chết. Với ba tập Di cảo thơ, mà phần lớn những bài thơ này được viết ở cuối đời, ông vẫn tiếp tục làm ngạc nhiên độc giả. Hàng loạt những bài thơ trong di cảo vẫn tiếp nối những suy nghĩ không ngừng, không nghỉ của Chế Lan Viên trong quan niệm về thơ ở một hoàn cảnh xã hội mới.
      Nếu nhìn khái quát cả ba tập di cảo, chúng ta có thể nhận ra khá rõ điều này: quan niệm về thơ ông có nhiều thay đổi, thậm chí đối lập với các thời kỳ trước.
      Chẳng hạn, nếu ở giai đoạn thơ chống Mỹ, Chế Lan Viên sung sướng tự hào biết bao khi nhà thơ có sứ mạng vinh quang của một nhà thơ – chiến sĩ: “Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến luỹ / Bên những chiến sĩ ngoài đồng và hạ trực thăng rơi”, thì nay trở lại đời thường, vị trí của nhà thơ trở nên thật khiêm tốn:
      “Tôi chỉ là một nhà thơ cưỡi trâu
      Đánh giặc cờ lau...
      Đã lâu ta không còn nghe hồn lau gọi nữa
      Chỉ nghe danh vọng ầm ào
      Vinh quang xí xố ....”
                  (Cờ lau Đinh Bộ Lĩnh)
      Và trong một hoàn cảnh xã hội đầy biến động phức tạp, các thang giá trị thay đổi đến bất ngờ, có lúc ông đã phẫn uất thốt lên:
      “Giờ là thế giới của xe cúp, tivi, phim màu ngũ sắc
      Của quyền lực tuổi tên đốp chát
      Vị trí nhà thơ như rác đổ thùng”
                  (Thời Thượng)
      Nếu trước đây, ông đề cao, khẳng định và ước mong thơ mình thành “Tiếng sáo thổi lòng thời đại/ Thành giao liên dẫn dắt đưa đường”, thì nay ở những năm tháng cuối đời, ông thật sự xót xa, cay đắng nhận ra
      “Tôi chưa có câu thơ nào
      Giúp người ấy nuôi đàn con nhỏ
      Giữa buồn tủi chua cay vẫn có thể cười”
      “Ôi văn chương có lỗi với bao người”,
      “Nghìn lẻ câu viết ra
      Người ta quên cả một nghìn”
      “Chữ nghĩa thơ anh, nước ốc nhạt phèo”....
      Chế Lan Viên cũng viết nhiều bài thơ có tính chất tổng kết về đời thơ mình. Nhưng khác với một số bài thơ “nhìn lại” thời “Ánh sáng và phù sa” trước đây (nhìn lại là để tự kiểm điểm, nhằm dứt khoát dứt bỏ một giai đoạn thơ lạc hướng trước cách mạng, để thêm tin tưởng vào hiện tại), những bài thơ sau này như đem toàn bộ thơ ông lên bàn cân để chính ông ngồi trầm tư cân đong thành những còn - mất, được – thua, để nhận ra những khiếm khuyết của thơ mình mà một thời khó có thể nói ra. Tổng kết lại thơ mình không phải để phủ nhận, quay lưng, chối bỏ quá khứ mà là sự phản tỉnh, tự vấn đầy ý thức trách nhiệm với thơ của mình hôm nay. Nhờ cái bất ổn, cái xôn xao, xáo động của tư tưởng và tâm hồn ấy mà Chế Lan Viên đã gợi mở biết bao điều thú vị, bất ngờ qua các trang di cảo:
      Câu thơ phải luôn luôn bất ổn và xôn xao
      Không thể nằm yên mà ngủ được nào.
                        (Bất hoàn toàn)
    Góc nhìn, tầm nhìn của thơ ông giờ đây không còn ở tư thế cao vòi vọi – tư thế của cái ta cộng đồng đứng ở đỉnh cao của thời đại để phát ngôn cho toàn dân tộc mà chính từ đời thường, từ chính cuộc sống cá nhân với bao đa đoan, phức tạp của kiếp người. Trước đây, dù ông luôn tâm niệm nhà thơ “phải đào, phải xới, phải chắt, phải lọc” các chất liệu của đời sống, phải nhìn vào ba chiều của hiện thực để đưa vào trang thơ “hai mặt phẳng”, thì vẫn chỉ để đi đến một mục đích: tìm ra chất thơ cao đẹp của cuộc đời. Giờ đây, cuộc sống vào các trang thơ từ nhiều phía, nhiều góc độ: mặt phải và mặt trái, bề nổi và chiều sâu, niềm vui và nỗi đau, thế giới hữu hình và vô hình... Do đó, nhiều mặt còn khuất lấp của hiện thực và tâm trạng như được phơi trần trên các trang thơ di cảo. Đó cũng chính là hành trình đi tìm lại chính mình của Chế Lan Viên
      “Con rồng ôm hạt châu
      Rồi nhả ra
      Rồi tìm lại
      Ta là ta mà luôn bối rối?
      Tìm lại ta ...”
            (Bất hoàn toàn).
      Để tiếp tục sáng tạo ở tâm thế mới của đời thướng, Chế Lan Viên đã chủ động thay đổi giọng điệu trang nghiêm xen vào giọng điệu cười cợt, giọng xót xa phẫn uất, xen lẫn giọng tự trào hóm hỉnh, giọng độc thoại đan vào giọng đối thoại, giọng trữ tình thấm đẫm cảm xúc bên cạnh giọng tự sự khách quan lạnh lùng, v.v...Nhưng nổi bật hơn cả vẫn là cái giọng trầm buồn của một thi nhân đang trầm tư, chiêm nghiệm, triết luận về thế sự và con người.
      Ba tập di cảo thơ của Chế Lan Viên ngổn ngang bao ý tưởng, quan niệm về thơ còn đang ở dạng phác thảo: từ những vấn đề cốt thiết của bản chất thơ đến bao chuyện thuộc về kỹ thuật của công việc làm thơ. Ông đã ra đi nhưng còn bao dự định chưa thành, bao câu hỏi còn vương vấn chưa đủ lời giải đáp. Và những câu trả lời của Chế Lan Viên không phải không còn những điều bất cập. Song có một điều mà không ai có thể phủ nhận được – Đó là ý thức trách nhiệm rất cao của ông về thơ trong suốt cả cuộc đời. 
Nguyễn Quốc Khánh
Theo http://www.lichsuvietnam.vn/


2 nhận xét:

Xin làm gió thổi lại đôi

Xin làm gió thổi lại đôi Về thăm nhánh cỏ bên đường/ thuở chân em dẫm vô thường mà say/ nhành hoa trên áo lung lay/ chỉ thương ...