Nghệ An là một vùng quê khó khăn với đầy rẫy các
thách thức và khó phát triển. Con người ở đây chịu khó nhưng nhiều khi cũng
không sống được với thiên nhiên khắc nghiệt ở nơi này. Nhiều gia đình đã phải
di cư đi nhiều nơi để tìm cuộc sống mới với hy vọng khấm khá hơn. Đến nay, gần
như trên mọi miền tổ quốc đều có những con người xứ Nghệ di cư đi làm ăn. Tinh
thần cố kết cộng đồng và lòng yêu quê hương là một nét đặc trưng, là sợi dây
liên kết để gắn bó những người con xứ Nghệ ở mọi miền với nhau. Các xã, huyện
và tỉnh có người Nghệ sinh sống đều có những hội đồng hương được thành lập để
tương trợ lẫn nhau. Là con em xứ Nghệ, dù sống ở đâu thì họ vẫn luôn có một tấm
lòng hướng về quê hương. Nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Hội đồng hương Nghệ
An ở hai xã Đinh Lạc và Tân Nghĩa, thuộc huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng
(1995-2015), VHNA xin giới thiệu một số hoạt động của hội và đời sống của một cộng
đồng người Nghệ di cư vào Tây Nguyên lập nghiệp trong những thập niên cuối của
thế kỷ trước.
Sự di cư của nhóm người Nghệ vào vùng Di Linh, tỉnh Lâm Đồng
Đầu những năm 1980, vùng xung quanh thị trấn Di Linh, tỉnh
Lâm Đồng vẫn còn là một vùng cao nguyên thưa thớt dân cư. Ngoài một bộ phận người
Kinh sinh sống ở thị trấn và vùng ven quốc lộ 20 thì còn lại chủ yếu là các đồng
bào dân tộc, trong đó người Cơ Ho (hay Kơ Ho) là chủ yếu. Theo ông Nguyễn Văn
Uyển, một trong những người Nghệ An đầu tiên chuyển đến vùng Đinh Lạc sinh sống
thì những người Nghệ đầu tiên di cư vào đây lập nghiệp từ giữa những năm 1980.
Tuy nhiên, phải cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990 thì số người Nghệ di
cư vào đây mới trở nên đông đúc. Điều này dễ hiểu vì đây là quãng thời gian
kinh tế ở xứ Nghệ gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh chung của cả nước. Từ năm
1986, đất nước đi vào công cuộc Đổi mới, nhưng lúc đó chưa tác động làm thay đổi
nhiều đến kinh tế ở vùng xứ Nghệ. Bên cạnh đó, thiên tai là một nguyên nhân khiến
cho vùng này đã nghèo lại càng khó hơn. Năm 1988 là trận lụt lịch sử khiến cư
dân các huyện ven các con sông lớn, đặc biệt là vùng ven sông Lam bị thiệt hại
nặng, hoa màu bị hư hại, nhà cửa bị đổ, đê điều bị hỏng, ruộng đồng phải bỏ
hoang. Sự thiệt hại còn chưa kịp phục hồi thì trận bão lịch sử năm 1989 lại đổ
bộ vào khiến khó khăn chồng chất khó khăn. Bởi thế, trong thời gian này, người
Nghệ đã di cư tới nhiều nơi để kiếm sống. Một bộ phận đã di cư vào vùng Di
Linh, Lâm Đồng xây dựng kinh tế và cuộc sống mới. Bộ phận này gồm nhiều vùng
khác nhau ở Nghệ An, nhưng chủ yếu là dân ở các huyện Đô Lương, Thanh Chương,
Nam Đàn, Nghi Lộc, Yên Thành... vốn là những nơi chịu nhiều ảnh hưởng của trận
lụt 1988 và cơn bão 1989. Trên vùng quê mới, tinh thần đồng hương đã gắn kết họ
với nhau để sẻ chia ngọt bùi và giúp nhau vượt qua gian khổ. Sau nhiều năm, số
lượng đồng hương ngày càng tăng lên và tinh thần Nghệ ngày một lên cao. Họ tìm
đến với nhau, cố kết lại thành cộng đồng, thành lập hội đồng hương để giúp đỡ lẫn
nhau. Năm 1995, Hội đồng hương Nghệ An ở hai xã Đinh Lạc và Tân Nghĩa, huyện Di
Linh chính thức được thành lập với hơn ba mươi hộ gia đình. Đến nay, hội có hơn
năm mươi hộ và duy trì được mọi hoạt động thường niên để ôn lại truyền thống và
hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển.
Theo ông Nguyễn Văn Uyển và ông Nguyễn Đình Đồng, những người
tiên phong vào đây kể lại, cuộc sống những ngày đầu vô cùng khó khăn. Mặc dù
nhà nước có hỗ trợ về hoạt động nông nghiệp dành cho người dân vào xây dựng
kinh tế mới song không đáng kể. Những người vào định cư ở đây đối diện với sự
thiếu thốn cây trồng, con giống phân bón, khó khăn trong đi lại. Trong khi đó,
việc tiếp xúc với các cư dân bản địa lại hạn chế vì không hiểu về văn hóa, ngôn
ngữ. Mối liên hệ với anh em họ hàng ở Nghệ An cũng hạn chế vì giao thông chưa
thuận tiện. Chính vì vậy, họ chỉ còn cách nương tựa lẫn nhau, giúp đỡ nhau để
sinh sống trên vùng quê mới. Họ cùng nhau dựng nhà, chia sẻ những thứ có được với
nhau, người vào trước giúp đỡ người vào sau. Từ năm 1995, những người đầu tiên
vào đây đã tập hợp mọi người lại trong Hội đồng hương Nghệ An để tổ chức các
sinh hoạt và giúp đỡ lẫn nhau. Từ đó đến nay, Hội không ngừng đóng góp và duy
trì một số quỹ khoảng 70 triệu đồng để làm cơ sở giúp đỡ những gia đình khó
khăn. Bên cạnh thăm hỏi lúc ốm đau, chia sẻ khi tang gia, hiếu hỷ, hội còn giúp
đỡ một số hộ có hoàn cảnh thông qua cho vay vốn hỗ trợ để sản xuất kinh tế. Như
anh Bùi Thanh Phong năm 2011 gặp tai nạn nên gia đình khó khăn, được sự giúp đỡ
của hội, đến nay đã ổn định làm ăn. Hay gia đình anh Nguyễn Văn Chiến, một mình
nuôi cha mẹ già, con nhỏ, nhờ được Hội giúp đỡ vốn nên đã tăng cường sản xuất,
trồng tiêu, trồng điều, làm vườn mà cuộc sống gia đình ngày càng khá hơn. Hội
còn tổ chức chia sẻ kinh nghiệm làm ăn và hợp tác với nhau trong sản xuất kinh
tế. Đa phần các hộ gia đình trong hội chủ yếu sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp,
chủ yếu làm vườn cà phê, trồng tiêu, điều và một số loại cây khác cùng rau, quả,
phần còn lại hoạt thương nghiệp nhỏ và dịch vụ. Các hoạt động của hội được các
hộ gia đình ủng hộ nên càng ngày, quỹ của hội được tăng cường hơn và sự giúp đỡ
lẫn nhau càng trở nên thiết thực hơn.
Luôn gìn giữ truyền thống quê hương xứ Nghệ
Ở Di Linh có nhiều hội đồng hương Nghệ An ở các xã khác nhau.
Đa phần đều tổ chức sinh hoạt họp mặt vào đầu năm hay theo định kỳ nhất định do
Ban liên lạc khởi xướng. Với Hội đồng hương Nghệ An hai xã Đinh Lạc và Tân
Nghĩa thì mỗi năm có hai cuộc hội họp quan trọng. Cuộc họp đầu năm để chúc mừng
năm mới, thăm hỏi lẫn nhau, trao đổi về các hoạt động của hội trong năm và
thông qua việc giúp đỡ các gia đình khó khăn. Cuộc họp thứ hai vào đầu tháng 9
dương lịch hàng năm để chuẩn bị kỷ niệm ngày Xô viết Nghệ Tĩnh (lấy ngày
12-9-1930, ngày diễn ra sự kiện người dân huyện Hưng Nguyên biểu tình và sau đó
lan rộng ra các vùng khác). Sở dĩ họ chọn thời điểm này vì những người vào đây
lập nghiệp muốn con cháu nêu cao tinh thần yêu nước mà tinh thần Xô viết Nghệ
Tĩnh được xem là tấm gương điển hình. Trong cuộc gặp mặt đầu năm, bên cạnh thăm
hỏi lẫn nhau và thông qua các hoạt động lớn của hội, còn tổ chức trò chuyện về
truyền thống hiếu học, tinh thần cách mạng của quê hương xứ Nghệ cho các con em
biết thêm.
Cuộc gặp mặt tháng 9 thường để trao thưởng cho con em có thành tích tốt trong năm học và xem lại các hoạt động tương trợ của hội. Bên cạnh đó là nói chuyện về tinh thần cách mạng của quê hương, tình hình quê hương hiện nay để mọi người có thể nắm bắt, cập nhật. Như ông Nguyễn Văn Dục, Trưởng ban liên lạc của Hội trao đổi thì “Trừ những người lớn lên ở Nghệ An rồi mới vào đây lập nghiệp có hiểu về truyền thống quê hương, còn các cháu sinh ra và lớn lên ở trong này không biết nhiều về quê mình. Thỉnh thoảng có về quê thăm anh em họ hàng thì cũng không được nhiều lắm. Vậy nên hội muốn thông qua các hoạt động để nói cho lớp sau biết về quê hương và giáo dục tình yêu quê hương cho lớp trẻ. Dù không được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất quê hương nhưng các cháu có quyền tự hào về quê hương xứ Nghệ anh hùng”.
Cuộc gặp mặt tháng 9 thường để trao thưởng cho con em có thành tích tốt trong năm học và xem lại các hoạt động tương trợ của hội. Bên cạnh đó là nói chuyện về tinh thần cách mạng của quê hương, tình hình quê hương hiện nay để mọi người có thể nắm bắt, cập nhật. Như ông Nguyễn Văn Dục, Trưởng ban liên lạc của Hội trao đổi thì “Trừ những người lớn lên ở Nghệ An rồi mới vào đây lập nghiệp có hiểu về truyền thống quê hương, còn các cháu sinh ra và lớn lên ở trong này không biết nhiều về quê mình. Thỉnh thoảng có về quê thăm anh em họ hàng thì cũng không được nhiều lắm. Vậy nên hội muốn thông qua các hoạt động để nói cho lớp sau biết về quê hương và giáo dục tình yêu quê hương cho lớp trẻ. Dù không được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất quê hương nhưng các cháu có quyền tự hào về quê hương xứ Nghệ anh hùng”.
Một mong muốn nhỏ đầy ý nghĩa
Phải xa quê hương để tìm cuộc sống mới với hy vọng đỡ khổ
hơn, những người vào đây không ngại khó khăn, làm tất cả vì mong muốn thế hệ
sau sung túc hơn, giàu đẹp hơn. Sống xa quê hương, xa mồ mả tổ tiên, anh em họ
hàng, làng xóm… nhưng trong họ luôn đau đáu tấm lòng nhớ về quê. Và giờ, những
người lớn tuổi đang lo một nỗi lo khác: Lo con mình, cháu mình rồi mai này sẽ
ít hiểu về quê hương hơn, ít yêu quê hương hơn. Nỗi lo đó có thực khi nhịp sống
ngày một hối hả, người ta bị cuốn vào guồng quay của cuộc mưu sinh. Và nỗi lo
đó đúng vì càng về sau, những người con, cháu họ, dù vẫn nhận quê mình là xứ Nghệ
nhưng không được sinh ra và lớn lên ở xứ Nghệ, không hiểu và biết nhiều về quê
hương. Để giảm bớt điều này, những người lớn tuổi luôn mong muốn xây dựng được
một tủ sách về truyền thống của quê hương xứ Nghệ cho con em trong vùng có thể
đọc và trao đổi. Họ mong rằng qua sách vở, lớp trẻ sẽ biết nhiều hơn để từ đó
thêm lòng yêu mến quê hương. Song đến nay mong muốn ấy vẫn chưa thành hiện thực.
Một trong những lí do chủ yếu là bởi thiếu sự giúp đỡ trong việc hỗ trợ và tư vấn
cách xây dựng, lựa chọn các loại sách phù hợp, cần thiết.
Có lẽ, trên mọi miền đất nước, những cộng đồng người Nghệ sống
xa quê như các gia đình ở hai xã Đinh Lạc và Tân Nghĩa là rất nhiều. Họ cũng có
những hoạt động, những tâm nguyện dành cho quê hương. Dù hoạt động đó đã được
nhiều người biết đến hay chưa thì đó cũng là kết tinh của tấm lòng yêu quê
hương, của tinh thần cố kết cộng đồng. Điều đó một lần nữa khẳng định: dù ở bất
cứ nơi đâu, người Nghệ vẫn luôn thể hiện khí chất của mình: yêu quê, yêu nước,
yêu người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét