Thứ Tư, 29 tháng 7, 2015

Chữ và Nghĩa

Chữ và Nghĩa
Chữ viết thuộc hệ thống tín hiệu thứ hai của con người và chỉ có con người mới có, nhằm biểu đạt tư tưởng và tình cảm. Một từ có thể là một chữ (từ đơn) hoặc nhiều chữ (từ ghép, từ phức).
Xưa nay chúng ta sử dụng từ theo thói quen, mặc dù nó rất phổ biến và được xã hội chấp nhận như một lẽ đương nhiên. Nhưng có một số trường hợp, nếu xét về nguồn gốc của từ (từ nguyên) thì sẽ thấy không đúng, ví dụ: Từ chung cư (nguyên nghĩa chữ Hán là chúng cư – chúng: đông, nhiều).  Thỉnh thoảng báo chí hay đưa tin: Tên trộm X đã thực hiện một phi vụ ở Y lấy đi số tiền... Từ phi vụ (phi, chữ Hán nghĩa là bay) có nguồn gốc từ thời chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc những năm 60 của thế kỷ trước,  để chỉ những đợt máy bay bay vào oanh tạc. Tên trộm có bay đi ăn trộm đâu mà gọi là phi vụ.
Những năm gần đây người ta hay dùng từ tựa đề thay vì dùng đầu đề hay nhan đề. Tựa nghĩa là bài viết ở trang đầu quyển sách nhằm giới thiệu một số điều hoặc giải thích những gì thuộc về quyển sách. Vì thế lời tựa hoàn toàn không phải là đầu đề, nhan đề của quyển sách hay bài hát. Ta còn thấy trên báo chí, truyền hình và các biển quảng cáo đề Khuyến mại. Thực ra khuyến mãi mới đúng vì mại chữ Hán nghĩa là bán, mãi là mua. Người bán hàng bằng các chiêu thức như giảm giá, tặng thêm sản phẩm để khuyến khích người mua nhằm tăng doanh số bán hàng, vì thế phải gọi là khuyến mãi mới chính xác.
Trong giao tiếp hàng ngày cũng như  trên sách, báo người ta hay dùng từ chất lượng. Xin thưa chất và lượng là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.  Theo Hán - Việt từ điển của Nguyễn Văn Khôn, chất nghĩa là bản chất, bản tính, bản thể. Lượng có hai nghĩa:
1. Đồ dùng để đong như cái đấu, cái hộc.
2. Chữ dùng để đếm cỗ xe (như nhất lượng là một cỗ xe)
Vậy chất nghĩa là phẩm chất, chỉ sự tốt, xấu ở các mức độ khác nhau. Còn lượng là số đếm, chỉ sự nhiều, ít, nó luôn đứng trước danh từ để làm nhiệm vụ tính từ, chất tiếng Anh là Quality, Tiếng Pháp: qualité, matière. Lượng, tiếng Anh quantity, tiếng Pháp: quantité. Ta hãy xét 2 cụm từ sau đây:
1. Tiếng Anh: Transition from quantity to Quality (biến đổi từ lượng thành chất)
2. Tiếng Pháp: Préferer la qualité à la quantité (coi chất hơn lượng)
Qua đó ta thấy không thể ghép hai chữ chất và lượng thành một từ mang ý nghĩa đồng nhất. Nếu ta nói chất lượng rồi ta lại nói số lượng, vậy chữ lượng ở đây đóng vai trò gì? Do đó, tôi xin thử nêu ý kiến là ta nên viết phẩm chất thay vì chất lượng.
Việc hiểu đúng nghĩa của từ là rất quan trọng. Nó giúp cho người viết diễn đạt một cách mạch lạc, sáng sủa và không làm cho người đọc hiểu sai ý của mình. Ví dụ: Một tờ báo đã viết một câu thế này: Tai nạn giao thông ở Nam Định, 7 người thương vong, 6 người chết. Có lẽ tác giả muốn viết 7 người bị thương, nhưng bị thương và thương vong là hai từ hoàn toàn khác nghĩa. Nghĩa chữ Hán vong là mất, chết. Do đó thương vong nghĩa là bị thương rồi chết.
Ai cũng biết trải qua một ngàn năm Bắc thuộc, cộng với ảnh hưởng nặng nề của văn hoá Trung Quốc khiến cho tiếng Việt ta có chứa đến sáu mươi phần trăm là từ gốc Hán. Riêng lĩnh vực khoa học, triết học, kinh tế, học thuật có thể nói tới một trăm phần trăm từ gốc Hán. Chữ Hán  đã ngấm vào tiếng Việt và biến (Việt hoá) thành tiếng Việt đến nỗi có những từ ta tưởng là thuần Việt như tham lam (tham = ham của cải – thuộc bộ bối, lam = ham ăn uống – thuộc bộ nữ). Có những từ do bởi ghép giữa một từ gốc Hán và một từ gốc Việt như giả dối (giả: gốc Hán: không thật – thuộc bộ nhân đứng). Về sau, dưới sự thống trị của người Pháp thì văn chương Pháp, văn hoá Pháp, tiếng Pháp cũng thâm nhập vào tiếng Việt đến nỗi dân có học ở thành thị xưng hô với nhau bằng toi, moi thay vì nói anh, tôi dùng ở ngôi thứ nhất và thứ 2 số ít. Một số từ tiếng Pháp được Việt hoá như: vải bạt (bacche), sen đầm (gendarme), taxi (tacxi), bồi (boy) ...
Những năm gần đây, do sự hội nhập quốc tế đẩy mạnh nên nhiều từ tiếng Anh đã trở thành từ mới của tiếng Việt, bởi nó không được hoặc không cần dịch sang tiếng Việt, nhất là trong công nghệ thông tin như: Hotline, website, facebook
 ... Điều này làm phong phú thêm tiếng Việt. Tuy nhiên, việc sính dùng tiếng Anh, lạm dụng tiếng Anh thái quá, đang là một thảm hoạ. Có những trường hợp tiếng Việt hoàn toàn đủ khả năng diễn tả nhưng người ta không chịu dịch, mà để nguyên tiếng Anh khiến cho một bộ phận không nhỏ khán giả, độc giả khó chịu như: got tallent (tìm kiếm tài năng ...), festival, carnaval (lễ hội) ...
Chữ viết là cái vỏ, là hình thức, còn nghĩa là tư tưởng, là nội dung, chữ và nghĩa luôn gắn kết với nhau để diễn đạt ý tưởng, tình cảm. Nhưng ngay cả khi ta sử dụng từ ngữ đúng, mà chấm phẩy không đúng chỗ cũng làm ý nghĩa câu văn sai lạc đi.  Xin nêu một ví dụ: Ngày xưa có ông lão nhà giàu tuổi đã cao,  mà con trai còn nhỏ.  Ông có một chàng rể. Để khuyến khích chàng rể hăng hái làm việc, phụng sự cho mình, ông lão nhà giàu liền gọi chàng rể đến và trao cho chàng rể một bản di chúc ghi rằng: Gia tư điêền sản giao tử tế ngoại nhân bất đắc cộng tranh (Gia tài ruộng đất giao cho chàng rể người ngoài không được tranh giành).
Nhưng oái oăm ở chỗ ông lão nhà giàu đã đánh dấu phẩy (,) ở chữ tử (con trai) cho nên câu văn lại có ý nghĩa: Gia tài ruộng đất giao cho con trai (tử), con rể (tế) là người ngoài không được tranh giành. Sau này cậu con trai lớn lên, nhờ có dấu phẩy (,) đó thắng kiện lấy lại được toàn bộ gia tài từ anh rể.
Trong lĩnh vực văn chương, thi, phú, ta thường có thói quen viết dài, sợ người đọc không hiểu, sai lầm này thường gặp ở người mới cầm bút. Nhà đại văn hào Nga Lev tolstoy (1828 - 1910) từng nói: Khi tôi viết xong, tôi cố gắng xoá bớt càng nhiều càng tốt. Thật vậy, việc  xoá đi những chữ  thừa làm cho câu văn bớt lê thê, rườm rà.
Hẳn nhiều người biết Vương Bột, nhà thơ đời Đường nổi tiếng với bài phú Đằng vương các tự. Nhắc đến ông người ta nhớ đến 2 câu thơ nổi tiếng:
Lạc hà dữ cô vụ tề phi
Thu thuỷ cộng tràng thiên nhất sắc.
(Ráng chiều còn rớt lại và cánh cò đơn độc cùng bay
Nước mùa thu cùng với trời xanh một màu).
Thơ hay như vậy mà vẫn có người chê dốt. Điều này làm Vương Bột day dứt mãi cho đến khi chết. Hồn ma Vương Bột đêm đêm ra chặn đường người ta hỏi: Dốt ở chỗ nào? Mãi sau mới có người trả lời là 2 câu thơ ấy thừa mất 2 chữ: Dữ (và) cộng (cùng). Nếu bỏ đi 2 liên từ dữ và cộng thì câu thơ sẽ gọn hơn, súc tích hơn.
Người viết tuy viết đúng nhưng nếu không hiểu được xuất xứ của câu văn mà mình trích dẫn sẽ làm cho câu văn thiếu sức thuyết phục. Có một nhà thơ viết: Vạn thế sư biểu (bậc thầy muôn đời) - Chu Văn An. Vẫn biết Chu Văn An (1292 - 1370) hiệu Tiều An,  tự Linh Triệt đời vua Trần Minh Tông. Ông là bậc thầy khả kính. Học trò của ông như Phạm Sư Mạnh, Lê Bá Quát đều đỗ đại khoa và làm quan to trong triều đình. Chính ông đã dâng Thất trảm sớ  lên vua xin chém đầu 7 gian thần.
Tuy nhiên cụm từ Vạn thế sư biểu là của người Trung Quốc, lẽ đương nhiên là nói về người Trung Quốc, chính là Đức Khổng Tử (551-479 trước công nguyên). Khổng Tử tên thật là Khổng Khâu, tự Trọng Ni. Học trò của ông có tới 3000, trong đó có Tử Cống, Tử Lộ, Nhan Uyên... nổi tiếng và thành đạt. Ông là thuỷ tổ của đạo Nho. Học thuyết và những lời giảng dạy của ông vẫn được coi trọng và lưu truyền suốt 2500 năm.  
Chữ và nghĩa là vấn đề lúc nào cũng đặt ra với người cầm bút. Viết đúng, viết đủ, không thừa, không thiếu là điều rất khó. Nó đòi hỏi người viết trau dồi, học hỏi không ngừng. Người viết mà đạt đến trình độ vi ngôn đại nghĩa (lời ít, ý nhiều) hoặc ý tại ngôn ngoại (ý ở ngoài lời) là bậc thượng thừa. Người xưa nói “văn dĩ tải đạo” (văn để chở đạo). Bởi thế, muốn viết văn hay thì cái tâm phải trong sáng, ngay thẳng. Chữ dùng đắt như văn hào Rydyard Kipling người Anh (1865-1936) đoạt giải Nobel Văn học năm 1907, đến nỗi mỗi chữ ông viết ra được trả 1 Siling vàng. Đó là niềm mơ ước của biết bao người cầm bút.
Hoàng Chí Quang
Theo http://www.tapchisongthuong.com/


1 nhận xét:

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...