Văn Cao, tiếng hát
Thiên Thai và Trương Chi là hai ca khúc nổi tiếng
từ nửa thế kỷ trước, cấu trúc trên hai truyền thuyết được lưu hành lâu đời. Thiên
Thai là chuyện Lưu Nguyễn lạc vào cõi bồng lai, Trương Chi kể lại
niềm đau đớn của chàng ngư dân có tiếng hát hay, tuyệt vọng vì tình: ai
cũng hiểu như thế và hiểu đúng. Gần đây, Phạm Duy có phát triển thêm ý nghĩa của
hai bài hát, trong một loạt bài rất hay đăng trên Văn Học.
Nay chúng tôi muốn đưa một lối nhìn khác về hai nhạc phẩm,
không phải để đi tìm cái độc đáo, lập dị, mà để đưaThiên Thai và Trương
Chi vào toàn bộ sự nghiệp thơ – nhạc – họa của Văn Cao, như một đồng bộ thống
nhất: hai bài hát đó, chúng tôi xem như là tuyên ngôn nghệ thuật của Văn Cao –
những nguyên tắc thẩm mỹ được đưa ra từ thuở hai mươi, sẽ chung thủy với Văn
Cao đến tuổi xế chiều.
Thiên Thaimở ra bằng một tiếng hát:
Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng…
Bồng lai, ở đây, chỉ là tiếng hát: Thiên Thai là lịch
sử một tiếng hát, một tác phẩm nghệ thuật lừng danh và vô danh. Tiếng hát,
không à ơi trên võng, không tỉ tê bên gối, không ê a dưới ánh đèm màu, không rè
rè qua máy phát thanh, và vang lừng trên sóng, vượt tới vũ trụ và lấn át vũ trụ.
Tiếng hát át tiếng sóng là một âm thanh tự thức đè lên một âm thanh vô thức. Tiếng
ai hát… ai hát?. Ta không biết và không cần biết. Một tác phẩm nghệ thuật,
khi lìa tác giả, không còn cần tác giả, như đứa con khi trưởng thành không còn
cần mẹ như trước: chúng ta yêu Truyện Kiều mà không cần biết Nguyễn
Du. Biết, dĩ nhiên, «thì cũng tốt thôi»nhưng không phải là điều chính yếu
trong nghệ thuật. Cái sai lầm của cô Mỵ Nương là đã muốn đồng hóa tiếng hát với
người hát: «Anh Trương Chi. Người thì thậm xấu hát thì thậm hay… Hồ
nghe tiếng hát thì thương… Hồ trông thấy bóng anh chàng thì chê»như lời ca dao
quê Văn Cao mà Nguyên Hồng và sau này Phạm Duy, có kể lại. Mà không cứ gì một
cô bé lầu Tây sai lầm, mà cả nền văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa (đã) sai lầm,
khi đánh giá những bài hát nói Nguyễn Công Trứ qua Nguyễn Công Trứ, đánh giá tiểu
thuyết Nhất Linh qua con người Nhất Linh – mà lại đánh giá sai.
«Thiên Thailà gì? là cả một thiên thu trong tiếng
đàn chơi vơi». Sự đối lập, hay song lập giữa vĩnh viễn và mong manh, giữa những
định hình và những chơi vơi, là thế giới nghệ thuật. Nụ cười mong manh trở
thành miên viễn trong bức họa La Joconde. Cái không gian như cái giây tơ,
bước đi sẽ đứt động hờ sẽ tiêu trong buổi chiều Xuân Diệu – hay buổi chiều
Nguyễn Du, bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha, những ánh sáng mong manh ấy, là
cả một thiên thu.
Một mặt, nghệ thuật là tiếng « đàn xui ai quên đời
dương thế… nhớ quê chiều nào xa khơi… chắc không đường về tiên nữ ơi»,
tách rời khỏi thực tế: nghệ thuật là một thế giới riêng, với những quy luật
riêng, bảo vệ và phát huy bản năng sáng tạo, độc lập với hiện thực. Mặc khác,
nghệ thuật cần bám rễ vào thực tại để phát triển, và phả sắc, nhả hương về lại
trần gian. Nói giản dị hơn: nghệ thuật cần thực tại để nảy sinh và cần quần
chúng để trưởng thành và tồn tại, nghệ thuật là ánh trăng thanh mơ tan
thành suối trần gian. Nghệ thuật là một mùa đào dòng ngày tháng chưa tàn
qua một lần, là những cánh hoa trong một bức tranh tuyệt mỹ, không nở không
tàn, nhưng chỉ sống thực khi gặp cái nhìn của người xem: sóng mắt con người
đánh thức cành hoa trong hội họa, và trong ánh mắt đó, nó sẽ nở sẽ tàn như mọi
thứ hoa trần thế ; và chỉ có phút bừng sống đó, cành hoa nghệ thuật mới đạt
tới đời sống thực và có khả năng trở thành một cành hoa lý tưởng. Trong khi chờ
đợi, cành hoa huệ của Tô Ngọc Vân, cành hoa cúc của Lê Phổ… vẫn là những
hoa xuân chưa gặp bướm trần gian.
Người nghệ sĩ khi cầm cây cọ ngòi bút tên tay đều biết rằng ái
ân thiên tiên, em ngờ phút mê cuồng có một lần – một lần thôi, nếu có. Và
có thể cái phút mê cuồng ấy không đến: phút linh cầu mãi
không về như lời thơ Hồ Dzếnh. Hoặc đến không phải nơi phải lúc. Phút mê
cuồng ấy linh thiêng, tuyệt đối, là động cơ sâu xa của sáng tạo mà mỗi nghệ sĩ,
mỗi xã hội đều có nhiệm vụ bảo vệ, vì nó chỉ có một lần. Và khi khai triển
chuyển phút có một lầnthành cả một thiên thu, người nghệ sĩ lại phải
tỉnh táo: trước cái phút mê cuồng đó để chuẩn bị, và sau đó, để
hoàn tất. Lúc tỉnh táo, trước và sau đó, anh là người thợ, phải có dụng cụ, có
tay nghề. Anh đừng cả tiếng khinh thường thợ thơ, thợ vẽ: không có người
thơ trong tay, anh suốt đời chỉ nghệch ngoạc, hoặc rung đùi đợi vợ con hầu rượu
hoặc lạc rang, và chửi đời «không có trình độ».
Thiên Thailà luồng điện hai chiều: người trần thế mê hạnh
phúc bồng lai trong khi những tiên cô khao khát «khúc tình duyên»trần thế.
Lưu Nguyễn khi ở Thiên Thai đã «quên trần hoàn», khi về trần, muốn tìm lại
cõi tiên thì Đào nguyên nơi nao? . Nghệ thuật cũng vậy. Nghệ thuật là cuộc
đời muốn hóa thân thành màu sắc, âm thanh; mà cũng là những âm sắc khô cứng muốn
trở lại làm hoa làm lá. Nghệ thuật là đóa hoa mong chín mọng thành trái đầu
mùa, mà cũng là quả cây chín muộn, nhung nhớ cánh bướm hoang đường từ một mùa
xuân xa vắng. Là những lối đi trùng với lối về, nghệ thuật là cõi hẹn hò ngang
trái. Mỗi ngang trái là một chung thủy và hạnh phúc của sáng tạo nảy sinh từ sự
thủy chung đó. Nghệ sĩ cùng bầy tiên đàn ca bao năm, không còn nhớ đường về;
anh sống với nghệ thuật cũng vậy: trước giá vẽ, anh chỉ biết vui với cây cọ và
màu sắc, mà không cần nhớ cuộc sống, không nên thêm vào một bó hoa hồng để
tranh dễ bán, không nên bớt đi một đóa sen cho hợp với đường lối, lập trường.
Anh vẽ cuộc sống, nghĩa là vẽ cuộc sống trong anh; dù là vẽ cái ly trước mặt,
anh vẫn vẽ ra hàng ngàn cái ly chứng kiến đời anh, bằng một cái ly trong tâm tưởng.
Tĩnh vật trước mặt chỉ là cái cớ, làm trung gian giữa tác giả và người xem
tranh. Những mối tình lớn không cần trung gian. Những họa phẩm lớn không cần đề
tài. Nhưng ngược lại, khi rời khỏi giá vẽ, trở lại đời sống bình thường của xã
hội, thì anh lại phải sống bình thường, đau cái đau của con người, vui cái vui
của vợ con, buồn nỗi buồn của dân tộc. Nguyễn Du không lăn lóc suốt đời thì
không thốt lên được tiếng đoạn trường. Nguyễn Khuyến không lo sốt vó vì lụt lội
mất mùa, phần thuế quan thu, phần trả nợ thì không viết nổi câu nước
trong veo. Nói vậy để trả lời những người hỏi Văn Cao: Sao tài hoa xuất chúng
mà đi lãnh việc trong ban khủng bố? Sao lại không? Chẳng lẽ là tài hoa,
anh lãnh phần làm nhạc quốc ca thôi, còn việc bẩn thỉu thì để người khác làm
thay? Hỏi như thế thì khác gì trách Nguyễn Công Trứ cầm quân dẹp loạn,
hay trách André Malraux chỉ huy lữ đoàn thép Alsace Lorraine? Văn Cao có câu
thơ thật hay:
Cuộc đời ôm tôi như trong một cái bình
Một tiếng vang vang cả lòng cả đáy
Văn Cao là vậy, luôn luôn là vậy, một tiếng vang vang cả
lòng cả đáy, dội về biển lớn, vang lừng trên sóng.
Thiên Thai là cõi vô thủy vô chung, không có thời gian. Mà
không có thời gian thì không có Âm Nhạc. Lô gíc. Không có khúc nghê thường. Gió
hát trầm tiếng ca, tiếng phách ròn lắng xa là nghệ thuật, là trần gian, là
ý thức của hủy thể. Âm ba thoáng rung cánh đào rơi trong mộtmùa đào
dòng ngày tháng chưa tàn qua một lần. Nghệ thuật đã là rụng chiếc lá đầu tiên
xuống Đào Nguyên. Nghệ thuật là cố gắng của con người vượt qua khỏi vật thể, tội
lỗi và cái chết trong trần thế và đã đưa những khái niệm ấy vào Thiên Thai qua Đào
Nguyên Hành của Vương Duy hay chuyện Lưu Thần, Nguyễn Triệu trong
thơ Tào Đường mà Văn Cao có chịu ảnh hưởng như anh đã ghi nhận (1944). Nhưng
Lưu Nguyễn chỉ là nhân vật, nên đã thong dong trở về trần. Còn Trương Chi là
người hát, có thể là tác giả những bài hát, nên phải trả một cái giá đắt hơn.
TRƯƠNG CHI
Có nhiều huyền thoại Trương Chi. Tình sử Trung Quốc kể chuyện
một cô gái mê tiếng hát một người lái buôn rồi chết, tim hóa đá, cho đến khi
người đàn ông trở lại, nhỏ một giọt nước mắt, khối tình mới tan. Theo truyền
thuyết Việt Nam, người đàn ông là một người thuyền chài, có tiếng hát hay,
nhưng bị chê nghèo (hoặc xấu); nhân vật nữ là cô Mỵ Nương. Có thuyết cho là
nàng chết, thuyết khác cho chàng chết, tim hóa gỗ bạch đàn hay ngọc đá. Văn Cao
nhấn mạnh hai chủ đề nhạc và giai cấp, và chuyện chấm dứt ở cái chết của Trương
Chi, chỉ còn lại tiếng hát nức nở bên sông. Không có chuyện trái tim và nước mắt,
Phạm Duy, trong Khối Tình Trương Chi (1945) kể lại truyền thuyết từ đầu
đến cuối. Hai bản nhạc đồng thời với nhau và Phạm Duy đã có lần giải thích rất
hay tác phẩm bạn mình (báo Văn Học, đã dẫn).
Bài hát Trương Chi mở đầu cho một thế giới sơ khai: Một
chiều mưa trăng nước chưa thành thơ, một thế giới chưa có nghệ thuật, chưa có
sáng tạo ; sau đó không gian mới rung thành tơ: con người đã phát triển
được bản năng thẩm mỹ, bằng cách tiếp thu một cách tiêu cực vẽ đẹp của vũ trụ,
rồi dần dần sáng tạo ra nghệ thuật, ôi tiếng cầm ca thu tới bao giờ. Con
người trước tiên tiếp xúc với vũ trụ để tự vệ và sản xuất, nhờ có nghệ thuật, họ
đã bằng những rung cảm mới, ngoài phạm vi nhu cầu tồn tại. Tương quan giữa tiếng
cầm ca và thu tới bao giờ là tương quan giữa bản năng thẩm mỹ, bản
năng sáng tạo và cái đẹp của thiên nhiên. Thiên nhiên thì vẫn vậy thôi, hay chuyển
hóa rất chậm và rất ít, theo chu kỳ, nhưng ý thức thẩm mỹ của con người ngày
càng phát triển nhanh, càng tiếng bộ, trở thành phức tạp, tinh tế. Cho đến một
lúc nào đó, con người bỗng thấy lòng chiều bơ vơ lúc thu vừa sang… Buổi
chiều. Mùa thu. Niềm bơ vơ: chúng ta đã đến những chủ đề cổ điển của văn
thơ thế giới, từ nhiều nguồn văn minh khác nhau. Con người chủng tộc, văn hóa
khác nhau có thể cùng rung cảm như nhau, vì cái đẹp khách quan bàng bạc dưới
ánh sáng hài hòa của vũ trụ và cái đẹp chủ quan ấp ủ trong bản năng thẩm mỹ của
con người, bản chất gần nhau. Từ đó, nghệ thuật là mớ vốn chung cho toàn thể
nhân loại, nó phải có tham vọng đáp ứng lại nhu cầu thẩm mỹ của con người – dĩ
nhiên là qua lăng kính ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc một. Sáng tạo nghệ
thuật làm vũ trụ và con người càng ngày càng giàu có thêm. Buổi chiều, cũng như
buổi sáng, buổi trưa, không đẹp, không xấu: buổi chiều là giờ an nghỉ,
phút chia tay, một ánh trầm tư, một thoáng u hoài trước cảnh vật phai màu nhạt
sắc. Buổi chiều, một thoáng bơ vơ, trở thành một tình cảm văn nghệ. Có
nghĩa gì đâu một buổi chiều (Xuân Diệu).
Nhưng theo đà tiến hóa, nghệ thuật – và con người nữa, cách
ly ra khỏi thiên nhiên, độc lập và có khi đối lập thiên nhiên, công phá thiên
nhiên. Nghệ thuật ngày một ngày hai trở thành một hoạt động chuyên nghiệp có
quy chế trong xã hội. Ngày nay, ai thích lời chim hót ríu rít tiếng oanh
ca không nhất thiết phải thích âm nhạc; ai yêu phong cảnh sông Lô bến
sóng vàng từng nhà mờ biếc chìm một màu khói thu, người ấy không nhất thiết
phải yêu hội họa.
Nhưng nghệ thuật, cụ thể là âm nhạc, hội họa và văn thơ khơi
sâu ý thức về cái đẹp, gọi là mỹ cảm trong con người, giúp con người yêu thêm,
yêu sâu sắc hơn ngôn ngữ và những âm sắc thiên nhiên. Không phải tự nhiên mà
con người nghe suối hát theo đôi chim quyên hay ngoài song mưa
rơi trên bao cung đàn… còn nghe như ai nức nở và than… trầm vút tiếng gió mưa…
cùng với tiếng nước róc rách ai có buồn chăng… Trong trường caNhững Người
Trên Cửa Biển, Văn Cao nói rõ hơn:
Có người không biết trăng là đẹp
Bỗng nhiên chiều đứng ngắm trăng lên
Nghe như ai hát trong lòng…
Có người quên hàng chục năm dĩ vãng
Chợt nhớ ra tất cả những ước mơ
Của những ngày niên thiếu
(Lá, tr. 72)
nhờ một câu thơ, một khúc nhạc. Nghệ thuật là bội số của cuộc
đời, nhân cuộc đời thành hàng vạn giấc mơ, từ đó, Văn Cao đã có thể khẳng định những
bức tranh tăng dân số chúng ta. Và anh giải thích:
Bao tình yêu khát khao hy vọng
Gửi từng cuộc đời nhỏ bé
Từng thế giới con con
Với tôi tất cả
Đều rộng lớn vô cùng
vì những nhỏ bé con con ấy lớn lên trong nghệ thuật,
đều trở thành cái vung tay hùng tráng của người gieo – (le geste
auguste du semeur).
Nhưng cái đẹp trong nghệ thuật không phải lúc nào cũng lung
linh ánh trăng, long lanh tiếng suối, lóng lánh hơi mưa, nó có thể lem
nhem than khói:
Nhạc đang biến thành sự thực quanh ta
Tôi càng yêu hơn
Những cuộc đời sau bức tường xám xa lem nhem than khói
Những lá thuyền chen chúc nép bên nhau
Qua chiếc lưới phới thấp thoáng bóng người
Cả đến cuộc đời những con hà lóng lánh
(Lá, tr. 71)
Tác dụng của nghệ thuật thật lớn lao trong cuộc sống của loài
người. Cô Mỵ Nương vốn ở lầu Tây, con quan Thừa Tướng ngày ngày cấm cung trong
ca dao làm sao có tầm hiểu biết như thế.
Tây hiên Mỵ Nương khi nghe tiếng ngân hò khoan
Mơ bóng con đò trôi
Giai nhân cười nép trăng lả lơi
Lả lơi bên trời
Sai lầm của cô gái lầu Tây là đã mơ người hát qua lời hát, mơ
tác giả qua tác phẩm, sau đó muốn chiếm hữu tác giả – nghĩa là chiếm hữu toàn bộ
tác phẩm lẫn nguồn sáng tạo cho riêng một mình – rồi lại chê nhặt chê khoan. Cô
là hiện thân của hệ thống chính trị cưỡng đoạt văn nghệ từ xưa đến nay. Đường
Minh Hoàng yêu chuộng Lý Bạch, Louis nâng đỡ Molière, bất quá là để mua vui như
Lê Thánh Tông dùng nhạc Lương Đăng; còn chế độ chuyên chính vô sản, từ Staline
đến nay, chiếm đoạt nghệ thuật ra sao thì chúng ta không cần dài lời. Trong bài
hát, Văn Cao phớt qua hình ảnh Mỵ Nương, chút nhan sắc của cô bé dậy thì này
không đáng cho chúng ta dừng mắt lại lâu, như lời chàng Nguyễn Huy Thiệp chịu
khó quan sát, những cô gái mới lớn hết sức đức hạnh và trong trắng lại lén lút
đi đọc những chuyện nhảm nhí. Người anh hùng của các thiếu nữ hoa niên là một
gã Đông Juăng nào đó (Sông Hương, số 42, 1990). Điều này, dĩ nhiên là
không làm vinh dự cho anh Trương Chi, anh chỉ trách ai khinh nghèo quên
nhau. Quên nhau là thôi, là hơn. Trương Chi dừng chèo là Văn Cao dừng chuyện.
Không cần gì mà phải tim hóa đá để đòi nợ nước mắt. Vì không ngọc đá nào quý bằng
trái tim con người, trái tim biết yêu, biết nhớ, trái tim ngừng đập là tan với
cỏ cây. Trái tim Trương Chi, trái tim Văn Cao không có gì sánh được. Còn món nợ
kia? Ở đời, một anh «phủi»nợ, thì hết vấn đề. Hai là anh nhận nợ, thì
không bao giờ anh trả hết: chết đi, chết kiểu gì đi nữa, thì anh cũng chỉ mới
thoát nợ chứ chưa phải là trả nợ.
Lẩn thẩn mà Văn Cao đòi nợ thì phiền lắm: cả nước nợ anh một bản quốc ca, mỗi chúng ta còn nợ anh một vài bản nhạc tình, cả mấy cô tiên trên Thiên Thai cũng còn nợ Văn Cao trái đào thơm. Năm nay bảy mươi tuổi, Văn Cao đã ăn được trái đào thơm nào đâu? Còn quả đắng, thì suốt một đời, anh phải ăn nhiều lắm. Văn Cao là chú đạo đồng dâng mật ngọt cho bữa tiệc trần gian rồi suốt đời phải ăn trái đắng.
Lẩn thẩn mà Văn Cao đòi nợ thì phiền lắm: cả nước nợ anh một bản quốc ca, mỗi chúng ta còn nợ anh một vài bản nhạc tình, cả mấy cô tiên trên Thiên Thai cũng còn nợ Văn Cao trái đào thơm. Năm nay bảy mươi tuổi, Văn Cao đã ăn được trái đào thơm nào đâu? Còn quả đắng, thì suốt một đời, anh phải ăn nhiều lắm. Văn Cao là chú đạo đồng dâng mật ngọt cho bữa tiệc trần gian rồi suốt đời phải ăn trái đắng.
Trái tim Trương Chi thì đã tan rã. Nhưng tiếng hát vọng
ngàn xưa còn rung. Đây là định mệnh của tác phẩm nghệ thuật, là ý nghĩa đặc biệt
của nhạc phẩm Trương Chi, chứ không phải là chuyện tình lẩn thẩn. Phải hiểu
như thế mới bắt được mạch thơ Văn Cao
Đêm nay dòng sông Thương dâng cao
Mà ai hát dưới trăng ngà
Ngồi đây ta gõ ván thuyền
Ta ca trái đất còn riêng ta
Ta ở đây không phải là cá nhân Trương Chi, cũng không phải là
Văn Cao, mà là Con Người, Nhân Loại sáng tạo ngôn ngữ, rồi sáng tạo nghệ thuật,
khoa học, kỹ thuật, văn minh, văn hóa để làm chủ trái đất còn riêng ta.
Con người gõ ván thuyền mà ca, giữa cảnh trăng nước sông Thương đó, đẹp hơn cả
hình ảnh Trang Sinh khi vỗ bồn mà hát. Hát rằng: ta có trời đất làm quan
quách, nhật nguyệt làm ngọc bích, tinh tú làm ngọc châu, vạn vật làm lễ tống…
Mà còn thêm chi cho lắm việc (Liệt Ngự Khấu, Ngoại Thiên). Bối cảnh có
khác nhau, nhưng nội dung chính yếu của chuyện gõ thuyền, gõ chậu mà ca không
khác nhau: con người tự thức, làm chủ thể của ý thức và ngoại vật. Tự thức ở
Trang Tử là tư tưởng lớn lao của ông, tự thức của Văn Cao là nghệ thuật của
mình, là tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng, mà cũng là tiếng
sóng. Tiếng sóng Kêu khát suốt ngày đêm – Suốt ngày đêm kêu khát. Nghệ
thuật phải là những làn môi. Những làn môi nóng bỏng căng mình
chờ đợi:
Nước ngọt của dòng sông
Bao giờ đổ đầy lòng biển
(Câu khép trường ca Những Người Trên Cửa Biển)
TỪ SUỐI MƠ ĐẾN BẾN XUÂN
Những tình khúc đầu mùa của Văn Cao là Thu Cô Liêu, Buồn
Tàn Thu (1939), Cung Đàn Xưa, Bến Xuân (1942),Suối Mơ (1943) đã
ghi lại những thành công trong thời kỳ phôi thai của nhạc mới, những năm 1940
và bây giờ vẫn còn nhiều người hát; và nghe lại, ta vẫn thấy hay, trong khi một
số ca khúc đồng thời của Thẩm Oánh, Dương Thiệu Phước… đã trở thành những âm
hao lạc lõng. Giải thích hiện tượng này, Phạm Duy đã có một loại bài hát hay,
và anh là người có nhiều thẩm quyền nhất để phán: anh sống, sáng tác và và ca
diễn vào thời điểm đó, anh nắm vững lịch sử tân nhạc và tâm lý quần chúng; về
nhạc thuật, Phạm Duy là vua. Vậy chúng tôi tựa cột mà nghe Phạm Duy
Phải đợi cho tới khi tân nhạc ra đời vào những năm cuối 30 và
đầu 40 thì chúng ta mới có được một loại nhạc tình lãng mạn do các người tình
tiền phong của thời đại như Dương Triệu Tước, Thẩm Oánh, Lê Thương, Văn Chung,
Dzoãn Mẫn…tung ra (…). Tuy nhiên, loại nhạc tình lãng mạng đó chỉ có thể được gọi
là đạt tới độ hoàn mỹ khi nó được phát xuất ra từ một con người tài hoa bật nhất
của thế giới nghệ sĩ trẻ lúc bấy giờ. Người đó là Văn Cao.
Cái mới, điểm tiến bộ đầu tiên Văn Cao đưa vào nhạc mới là
người đàn bà đẹp, kiều diễm, trang trọng, cao quý, khác với Cô Hái Mơ, Cô
Lái Đò, Cô Lái Thuyền, Cô Hàng Bán Hoa, Cô Hàng Cà Phê, Cô Láng Giềng trong
những bài hát thịnh hành thời đó. Xã hội Việt Nam ngày xưa không tạo cơ hội cho
trai gái gặp nhau, ngoài sinh hoạt công cộng nơi đồng án hay hội hè – vốn hiếm.
Nơi công cộng, nếu không gặp cô thôn nữ tát nước bên đàng, thì cùng là cô sơn nữ,
cô hái hoa gì đó, vì trai gái không có quy chế (statut) gặp gỡ. Phải đợi đến
Văn Cao, cô gái mới đi thẳng đến nhà người yêu bên chiếu cầu soi nước để hát
theo đàn rồi hẹn mùa xưa cùng xây nhà bên suối. Người con gái, có thể là
khuê các, có thể ngồi trong nhà mà nhớ người yêu: Ôi vừa thoáng
nghe, em mơ ngay bước chân chàng. Đặt biệt là chữ «ngay»như một phản xạ, một
tự do. Phải rồi. Cô gái trong tình khúc Văn Cao là cô gái tự do, báo hiệu cho một
nền văn minh mới. Cô lại đẹp tuyệt vời, huyền diệu:
Chiều năm xưa
Gót hài khai hoa
Mắt huyền lưu xuân
Dáng hồng thơm hương
Người đẹp kiêu sa này, đi vào kháng chiến sẽ để lại những
lối mòn thơm mãi dấu chân em trong thơ Nguyễn Đình Thi; ra khỏi kháng chiến
thì:
Em đài các lòng cũng thoa son phấn
Hai bàn chân kiêu ngạo dẫm lên thơ
trong Mê Hồn Ca của Đinh Hùng.
Nhất Linh đã bảo vệ người phụ nữ, Dương Thiệu Tước đã mơn trớn, và Văn Cao đã kính trọng người phụ nữ.
Nhất Linh đã bảo vệ người phụ nữ, Dương Thiệu Tước đã mơn trớn, và Văn Cao đã kính trọng người phụ nữ.
Một đặc điểm khác trong tình khúc Văn Cao là toàn bài hát được
cấu trúc như một tác phẩm hài hòa và toàn bích, như một bài thơ độc lập, có giá
trị nhất quán và tự tại. Phạm Duy công nhận: Nếu đem so sánh với những bản
nhạc tình của thời đó thì bài Suối Mơ với Bến Xuân là cực điểm của lãng mạn
tính trong ca nhạc. Lúc đó các nhạc sĩ còn đang lẩn quẩn trong cách xếp đặt chữ
nghĩa trong ca khúc thì Văn Cao đã viết hẳn ra một Bài Thơ Bên Suối.
Cung Đàn Xưa kết hợp nhuần nhuyễn những lời thơ thiết tha da
diết, xoắn sâu vào nỗi đau thương:
Cung thương là tiếng đàn
Cung Nam là tiếng người
Ai oán khúc ca cầm châu rơi
Tình duyên lãng đãng nhớ thương dần pha phôi
Cung đàn ngân
Buồn xa vắng trong tiếng thầm
Buồn tê tái trong tiếng ngân
Buồn như lúc xuân sắp tàn
(…) Giờ còn mong chi người hát theo đàn.
Trong thơ mới, có lẽ ngoài Hàn Mặc Tử ra, chúng ta cũng ít
khi thấy ngôn ngữ thê thiết dồn nén đến mức ấy. Ngôn ngữ Văn Cao thật mới:
trong khi các nhạc sĩ khác còn vân vê hình ảnh hoa rụng thuyền trôi, thì Văn
Cao đã có những sáng tạo:
Hồn cầm phong hương hình bóng xuân tàn
... Hồn cầm lắng tiếng đời
… Cánh nhạn vào mây thiết tha
… Có một mùa đào dòng ngày tháng chưa tàn qua một lần…
Đó là đặc sắc trong lời ca. Về nhạc lý, chúng ta nghe Phạm
Duy phê phán nhạc tình thời đó: Về phần nhạc thuật ta thấy rằng tất cả những
bài hát đó chỉ được coi như là phó sản của những nhạc phẩm đã được sản xuất trước
đây. Tất cả đều nằm trong một khuôn khổ có sẵn (thể nhạc khiêu vũ tango hay
rumba) với những âm hình (dessins melodiques) mà ta có thể gọi được là
cliches. Những tình cảm trong các bài này cũng đều na ná như nhau, nói chung là
tiếng gọi gái của những thanh niên thất tình (Văn Học, tháng 12, 1986).
Theo Phạm Duy, phải đợi đến Cung Đàn Xưa, Văn Cao mới đưa
nhạc tình trong năm 1943 này lên tới đỉnh cao nhất của những bài ca ái tình (Văn
học, số 15, 1987).
NHỮNG HÀNH KHÚC
Song song với những tình khúc đầu mùa, mà Phạm Duy gọi bằng
tiếng Pháp là le temps de l’innocence – thời ngây thơ, vào những năm
đầu thập niên 1940, một nhạc trào khác phát triển mạnh là nhạc hùng, những bài
hát khỏe, vui của hướng đạo, học sinh, đề cao lịch sử, đất nước, sức khỏe, bắt
đầu từ nhóm Đồng Vọng của Hoàng Quý tại Hải Phòng đến Hùng Lân, Lưu Hữu Phước.
Những hành khúc này có những động cơ xã hội hay chính trị, hoặc tự nhiên hoặc
có lãnh đạo.
Văn Cao là tư tưởng tự do và tiến bộ, trong thể loại nào cũng
giữ hai nét đặc biệt ấy.Văn Cao yêu lịch sử dân tộc nhưng không nô lệ: tự hào về
quá khứ đất nước anh vẫn xem như là một kỷ niệm đã qua – và tâm thức dân tộc cần
phải được vượt qua để tồn tại và tiến hóa.
Trận Đống Đa là chiến thắng thần tốc oanh liệt nhất của chiến
thuật Việt Nam, của chiến tranh nhân dân và phong kiến, của bạo lực và chính
nghĩa, của chiến lược thuần túy. Nhưng Văn Cao không hề bị choáng ngợp trước đỉnh
cao lịch sử đó, ngược lại, trong Gò Đống Đa, anh khẳng định:
Thề quyết phấn đấu
Đồng tâm hy sinh
Làm sao cho hơn thời xưa
Thăng Long Hành Khúc Ca, cũng nhắc lại chiến công Tây Sơn,
Văn Cao nhìn về toàn bộ lịch sử dân tộc qua hình ảnh cố đô:
Thăng Long thành xưa
Thăng Long ngày nao
Cờ khoe sắc phất phới
Nhưng hiện tại thì khác. Việt Nam, lúc đó, là một nước nô lệ
lầm than, lạc hậu. Hà Nội là một thủ phủ thuộc địa:bao năm qua khắp chốn cũ
cũng đã mất hết tinh anh. Dù cho bao người bao nhiêu luyến tiếc… này phường
phố cũ, này đường về ô xưa… bóng xưa ngàn năm, thì giờ đây chỉ còn lại một u
hoài xa vắng, hồ phai khi tàn mơ. Muốn dân chúng sống yên vui, thậm chí sống
oai hùng, tiếp nối với truyền thống thì phải biết đổi mới, tiếp thu khoa học và
dân chủ – những giá trị phương Tây mà Nguyễn Trường Tộ đã trình bày – phải mở
tim mở óc chờ gió mới bay về… bao ánh sáng phương tây từ khắp chốn bay về.
Lấy một ví dụ khác: chủ đề sông Bạch Đằng. Chiến công hiển
hách này được nhiều người đưa ra như một tiêu chuẩn, một giá trị miên viễn.
Hoàng Quy, đồng hương, bạn và thầy nhạc Văn Cao viết:
Đến bây giờ mỗi khi đi trên sông Bạch Đằng…
Thì anh em ta vui ca rằng:
Trên sông Bạch Đằng dân Nam hò reo
Lưu Hữu Phước cũng cho rằng Đằng Giang vẫn sáng để cho
nòi giống soi chung, trong khi đó Văn Cao, trên con sông quê hương thì buồn
thiu:
Bạch Đằng giang sầu mơ bên lau xanh
Với bến nước xa xôi
… Buồn ai đứng nhìn con sông xanh biếc ngày xưa
Mà nước mắt mờ rơi…
Đã đành, ở đây lãng đãng nét u buồn lãng mạn vẫn cố hữu trong
nhạc Văn Cao, nhưng không thể phủ nhận tư tưởng cầu tiến và duy tân của anh.
Lưu Hữu Phước thường nói đến nòi giống. Có khi rất hào hùng. Hào hùng lắm thì kỳ
thị:
Đây Bạc Đằng giang sông hùng dũng
Của nòi giống anh hùng, giống Tiên Rồng, giống Lạc Hồng.
v.v.. .
Thì, trong một đề tài khác, Văn Cao thực tế và thắm thiết và
thân thiết mong:
Dắt giống nòi quê hương qua nơi lầm than
Cùng chung sức phấn đấu xây đời mới…
Thời đó, Văn Cao đã có cái nhìn rất thoáng, rất rộng về dân tộc
trong một cộng đồng nhân loại lớn lao: Trong Công Nhân Việt Nam (1944),
bài hát chính thức của Tổng Công Đoàn Việt Nam hiện nay, anh viết:
Ngoài kia lời non nước đang nhắc ta
Mau nhấc cao giống nòi
Yêu mến muôn giống người
Tranh đấu cuối cùng
Là đời sống mới dâng xa
Một tình cảm tiến bộ, lành mạnh. Nói rằng những tư tưởng kia
có lãnh đạo, cũng không giảm giá cá nhân Văn Cao. Tố Hữu cũng được lãnh đạo –
và lãnh đạo kẻ khác – tuổi đời và tuổi đảng cao hơn Văn Cao, mà tư duy chính trị,
ở thời điểm đó, còn hạn chế. Tư tưởng tiến bộ của Văn Cao đã từng lưu
hương yêu dấu với suối xưa trôi nơi đâu trong những phím tơ lưu luyến
mấy cung u huyền trong tiếng hát vọng ngàn xưa còn rung – buồn xa vắng
trong tiếng thầm buồn tê tái trong tiếng ngân – như mùa thu chết rơi theo lá
vàng, tâm hồn hoài cổ ấy lao vào những kỷ niệm vang vang hùng khí: Bừng
nghe dư âm mênh mông khúc anh hùng ca ra nơi biên cương. Bao chiến mã lên đường… nhưng
cái bất ngờ là Văn Cao không dừng lại ở những «dư âm mênh mông»ấy, anh còn
đòi:
Lập quyền dân tiến lên Việt Nam
Những yêu cầu thiết yếu mà ngày nay, sau nửa thế kỷ xương máu
và lầm than dân tộc ra vẫn chưa đạt tới. Và vẫn còn có thể hát đắng cay: Tiếng
than nơi nơi… Tháng năm dần trôi. Về nhạc thuật, Phạm Duy đánh giá cao bàiChiến
Sĩ Việt Nam: Với tài năng tuyệt vời của một họa sĩ, Văn Cao vẽ ra
hình ảnh chiến sĩ Việt Nam phi ngựa trên đường xa (…). Tài soạn nhạc của anh tới
lúc này đã bỏ xa những nhạc sĩ chuyên nghiệp khác, đừng nói gì tới những tay soạn
nhạc tài tử như Nguyễn Đình Thi hay Đỗ Nhuận. Trong khi nhạc hùng của Hoàng
Quý, Lưu Hữu Phước dù hay đến mấy cũng không vượt ra ngoài khuôn khổ của những
ca khúc rất chân phương, rất cân đối, rất sách vở…thì Văn Cao trổ tài soạn nhạc
hành khúc như bài Chiến Sĩ Việt Nam này. Câu nhạc thứ hai dài dằng dặc, với nhịp
điệu dồn dập, thay đổi hơi thở luôn luôn khiến cho câu ca có sức sống mãnh liệt: « Ngựa
phi nơi xa xa kìa nghe súng vang bên trời điệu kèn rộn ràng ». Tiếp tới là
sự nhắc lại đề (…) Cái hay của tác giả là đã chuẩn bị để vào cuối câu nhạc sẽ
chuyển qua một nhạc đề khác, để chứng tỏ sự phong phú của bàn tay sáng tác(Văn
Học, số tháng 10, 1986).
(Tư liệu: 1944, Văn Cao làm xong Tiến Quân Ca thì
Nguyễn Đình Thi là người xướng âm đầu tiên. Sau đó, cao hứng Thi rủ Văn Cao làm
một bài khác, và làm xong Diệt Phát Xít trước bài Chiến Sĩ Việt
Nam của Văn Cao).
Dân quân du kích cách mạng bùng mùa thu
Sao vương bóng cờ bay trên chiến khu…
Đây là hình ảnh đẹp đầu tiên của cách mạng Việt Nam, giải
phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Con người sống thực
tại như một giấc mơ, sống lịch sử như một nghệ thuật, sống đất nước như một
bích họa: ôi còn đâu đây sắc chàm pha màu gió… Ai về châu xưa nhớ hồi máu
thắm cây rừng. Bài hát Bắc Sơn, nguyên thủy là sáng tạo cho vở kịch Bắc
Sơn của Nguyễn Huy Tưởng, nhưng vượt khỏi đề tài, trở thành bài hát của
người du kích. Cũng như Tiến Quân Ca, lúc đầu là bài hát làm cho một
khóa quân sự kháng Nhật, sau trở thành quốc ca. Văn Cao năm 1977 đã viết một đoạn
hồi ký dài hai ngàn chữ về bài này ; quốc ca là sở hữu của dân tộc và lịch
sử, chúng tôi không bàn tới trong bài này – vì không phải nơi, không phải phép.
Cách mạng tháng Tám 1945 đã đưa dân tộc vào một khúc quanh.
Văn Cao làm bài thơ Chiếc Xe Xác Qua Phường Dạ Lạc đăng trên báo Tiền
Phong, bài thơ quan trọng đầu tiên của anh, sau đó là Ngoại Ô Mùa Đông1946 đăng
trên báo Văn Nghệ thời kháng chiến, 1948. Bài thơ mới mẻ, mạnh bạo đã
có nhiều nét báo hiệu phong cách thơ Văn Cao về sau.
Toàn quốc kháng chiến. Hà Nội chiến đấu. Mùa Xuân về, giữa
chiến hào xa. Văn Cao ra đi, rạo rực phơi phới với hai mối tình lớn: đất nước
và người yêu. Xuân kháng chiến cũng là Xuân trăng mật. Bài hát Làng Tôi mang
những âm hưởng đằm thắm, dịu dàng, phấn khởi chưa từng thấy trong những ca khúc
trước đó. Văn Cao vốn tiết kiệm tâm sự, kín đáo về đời tư, nên mãi đến năm
1974, anh mới có bài thơ về chị ấy, Khuôn Mặt Em, nhưng cũng không lấy gì
làm rõ nét. Chúng tôi chỉ phỏng đoán vì hai câu cuối:
Ôi khuôn mặt sáng trong và bình lặng
Tôi được đầu tiên và còn lại cuối cùng
Làng Tôilà tình khúc thiết tha dịu mát. Trăng mật của lứa đôi
soi óng ánh vào quê hương yêu dấu:
Làng tôi xanh bóng tre
Từng tiếng chuông ban chiều
Tiếng chuông nhà thờ rung
Đời đang vui đồng quê yêu dấu
Bóng cau với con thuyền một dòng sông
Tuy là một ca khúc chiến đấu, Làng tôi theo đoàn quân du
kích… nhưng âm hưởng lưu lại một nguồn sáng lung linh dịu mát trong niềm
nhớ mông mênh, như rừng chiều nhớ cánh đồng chiều xưa… Có lúc rộn lên với Ngày
Mùanhanh nhẹn tươi vui:
Với hình tượng lý tưởng súng tì tay anh đứng, em ngừng
liềm trông sang, có thể không phản ánh lại những gian lao của những năm chống
Pháp nhưng nói lên những ước mơ của người nghệ sĩ trong kháng chiến.
Nhưng phải đợi đến trường ca Sông Lô, Văn Cao mới nói
lên được trọn vẹn vẻ đẹp của quê hương, hoang sơ nhưng thân mật, đơn giản mà
hùng tráng, đẹp như một bức tranh. Sông Lô là một bức tranh:
Sông Lô sóng ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau núi rừng âm u
Thu reo bến sóng vàng
Từng nhà mờ biếc chìm trong một màu khói thu
Những nét đạm thanh ẩn hiện trên nền màu mờ nhạt, khi nhịp điệu
câu ca loang dần ra xa; những hình ảnh liên tục tạo ra không gian mênh mông,
hoang dại và huyền bí. Khí hậu lặng lẽ và lạnh lẻo bỗng bừng lên ánh sáng ngọn
lửa chiến đấu
Sông Lô sóng ngàn kháng chiến cháy bờ lau thưa
Tiếp theo là ánh sáng của bình minh: thiên nhiên như hồi
quang ý chí con người. Bài hát trở thành lời đối đáp giữa ánh sáng và ánh sáng
Ai qua bến nắng hồng lặng nhìn màu nước sông Lô
Rồi vũ trụ bỗng chan hòa âm thanh, bao la, rộn rã, của tiếng sóng
reo vi vu… gió lá vi vu
Sông mênh mông như bát ngát hát
Bao rừng thu như bát ngát cười
Lời hát say sưa ngợi ca đất nước và con người nhắc chúng ta
khí thế lúc đó, như trong thơ Nguyễn Đình Thi gió thổi rừng tre phất phới.
Trong biếc nói cười thiết tha, hay trong tùy bút kháng chiến của Nguyễn Tuân chúng
tôi đang mơ chung một cơn hỏa mộng…
Văn Cao vẫn bám vào hiện thực, trong chiến thắng hân hoan,
anh nghĩ ngay đến đời sống thường nhật của người dân buông lưới. Phạm
Lương vui bóng chuyền, lều dựng lên ven sông. Phút vẻ vang, phút hùng tráng là
chuyện cực chẳng đã phải làm, để bảo vệ cuộc sống tầm thường, trong trần gian
êm ả
Dòng sông Lô trôi
Mùa Xuân tới
Nước băng qua ngàn
Nước in ven bờ xanh ôm bóng tre
Trận sông Lô, 1947 là chiến công đầu tiên của quân đội Việt
Nam non trẻ, đặc biệt của ngành pháo binh mới phôi thai: thời đó, khi sử dụng đại
bác bắn vào tàu địch trên sông, ta chưa biết tính đạn đạo vòng cung, phải kê
ngang nòng súng mà bắn như súng trường. Nhưng chiến công, ngoài tầm quan trọng
quân sự, đã có tác dụng tâm lý lớn lao và gợi cảm hứng cho nhiều văn nghệ sĩ.
Về nhạc thuật, Sông Lô được xem như là đỉnh cao
trong sự nghiệp Văn Cao. Anh đã vượt lên khỏi những tiết tấu đơn giản của ca
khúc, đi tới một hợp tấu dài hơi, với nhiều tầng lớp nhịp độ khác nhau lôi cuốn
chúng ta theo điệu nhạc, lời thơ, màu sắc, như một dòng sông lớn.
Niềm hăng say có lúc chủ quan và lạc quan quá mức; như Nguyễn
Tuân mơ những khải hoàn môn kết toàn bằng bích đào, Văn Cao trong
giai đoạn kháng chiến gian lao, 1949 đã đòi Tiến Về Hà Nội
Như đài hoa đón mừng
Nở năm cánh đào chảy dòng sương sớm long lanh
Ôi phố phường Hà Nội xưa yêu dấu
Những bông hoa ngày mai
Đón tương lai vào tay.
Giọng ca đã khác với bóng xưa ngàn năm, hồ phải khi tàn
mơ. Nhưng vẫn sắc đá một niềm tin ôi Thăng Long ngày mai, xây đắp dưới
vinh quang bằng chí anh hùng. Từ nhận xét này, chúng ta có thể nới rộng tầm nhìn vào tác phẩm
Văn Cao, về nhạc, họa cũng như thơ. Một toàn bộ phong phú, đa dạng mà lúc nào
cũng đặc sắc, chung thủy với vài ba ý chính và một phong cách riêng. Gắn bó với
thời đại, Văn Cao thường xuyên tra vấn thân phận làm người trong và ngoài lịch
sử.
Thơ, nhạc, họa Văn Cao là những triều sóng triền miên lớp lớp
xô buồn vui của đại dương vào với đất liền. Tác phẩm Văn Cao là hơi thở cuộc sống,
ngất ngây giông bão và đằm thắm trăng sao. Nó chắt lọc nhân phẩm con người để dựng
lên tinh hoa của thời đại.
Tác phẩm Văn Cao, còn lại là đóm lửa Văn Cao. Đóm lửa đâu
đây: trong bếp nghèo bến Cảng, trong núi rừng Việt Bắc hay trong cõi biển
rộng trời xa. Một ngọn lửa không quay đầu theo gió.
Văn Cao, đóm lửa bập bùng trong ý thức chúng ta.
eva air vn
phòng vé máy bay đi mỹ
dai ly korean air
đặt vé máy bay đi mỹ ở đâu
vé máy bay đi canada tháng nào rẻ nhất
Những Chuyến Đi Cuộc Đời
Du Lich Tu Tuc
Kien Thuc Du Lich