Thứ Năm, 30 tháng 7, 2015

Dòng sông tuổi già

Dòng sông tuổi già
Chừng như, chỉ có thể nhìn thấy tháng năm của sông qua những đời người lênh đênh trên bến dưới thuyền. Với sông Hoài, đó là nổi trôi của những phận người, mà đời họ đã gắn chặt vào đời sông để tạc nên hình hài một “dòng sông tuổi già”...

Nắng loang loáng lòng sông rộng. Chúng tôi mang theo những xúc cảm đầu nguồn chớp bể, chòng chành bám víu trên chiếc thuyền con ở nơi cuối nguồn Thu Bồn. Đã từng một lần theo “đò dọc sông Thu” để lắng nghe những tiếng thở vắn dài của tóc xanh tóc bạc nơi triền sông, nhưng câu chuyện không đầu không cuối của những người tuổi xế chiều trên dòng Hoài giang một lần nữa tạc thêm những mảnh ký ức cho sông Mẹ. Câu chuyện của họ, cứ rì rầm theo mê mải dòng chảy của sông, cất lấy cho mình, cho đời những phù sa trí nhớ…
Bà Bùi Thị Xong trong những bức ảnh 
của nhiếp ảnh gia Réhahn.
Người đưa đò cho chúng tôi, là hai vợ chồng già mù chữ, chỉ “giàu có” thứ duy nhất là nụ cười trên những nếp nhăn của tuổi bát tuần. Nụ cười ấy, thú vị thay, trở thành cơ duyên cho một người khác cách Hội An hàng trăm ngàn cây số: nhiếp ảnh gia người Pháp Réhahn. Là nhiếp ảnh gia nổi tiếng toàn cầu với những bức chân dung đặc tả gương mặt, nụ cười, hay ánh mắt, Réhahn có mối duyên lạ lùng với dòng sông Hoài. Ông quyết định mở một phòng tranh với cửa hướng ra sông.  Khoảnh khắc bắt gặp nụ cười già nua đầy những nếp nhăn, ánh mắt rất sâu của bà Bùi Thị Xong mang lại cho ông rất nhiều giải thưởng nhiếp ảnh quốc tế. Đó cũng chính là cơ duyên khiến ông chọn Hội An làm nơi dừng chân.
Và, điều này cũng mang lại cho vợ chồng ông bà Bùi Thị Xong - Đỗ Tới (đôi vợ chồng già lái đò - NV) những niềm vui bất ngờ, cái vui của người già cả đời bám vào sông nước. Chúng tôi đã đi lại hành trình của Réhahn, duy chỉ có con đò trong tấm ảnh nổi tiếng đã được thay bằng một con đò mới, tươm tất hơn, cũng chính là quà tặng của Réhahn như một ân tình đặc biệt. Ông bà mải miết chèo giữa trời trưa nắng gắt, mặc cho chúng tôi nói chỉ cần ở yên một chỗ trò chuyện cũng được. “Cô chú cứ để yên cho vợ chồng tui chèo, ngó nắng vậy chứ đi trên sông mát lắm” - bà cười, vẫn nụ cười thường trực. Chẳng cần nhìn dòng sông, bà vừa bỏm bẻm nhai trầu vừa khuấy nhẹ tay chèo, còn ông lão Tới thì bập thuốc, phả khói trắng vào trời trưa. Hai ông bà cứ vậy đưa chúng tôi từ cầu An Hội đến tận bãi bắp Cẩm Nam. Những câu chuyện trên sông cứ dềnh dàng như sóng nước. Ông Tới nói có ba đứa con thì hai đứa đã có gia đình riêng, còn một anh thì cứ “nhỏ mãi không lớn”, giờ ở nhà chơi với tụi con nít trong xóm, đến chiều đợi ông bà về. Cả đời ở trên sông, lúc trẻ thì đi rớ, đánh cá, về già không leo nổi những bậc cấp dẫn từ bến sông lên chợ, ông bà chuyển sang làm nghề này. Gọi là “nghề”, bởi bây giờ có nhiều người cùng làm như ông bà. Sông Hoài bỗng chốc trở thành một dòng sông để những người già nơi này nương tựa. Họ đến đây từ sáng sớm, chống cây sào và ngồi yên trên ghe, nhìn lên bờ. Bờ là con đường Bạch Đằng với hằng hà người qua lại, Tây, ta đủ cả. Những người già thì không bao giờ mời gọi khách, họ im lặng chờ một ánh nhìn. Lão Tới, cụ Xong không biết chữ. Giấy tờ gì cũng nhờ người ta đọc, rồi lăn chỉ tay điểm mực vào, ông bà sống “trật trờ” vậy đã gần 80 năm. Hơn 5 năm trở lại đây thì chèo đò chở khách du lịch thăm thú sông nước, coi vậy mà đỡ cực hơn ngày còn rớ cá. “Có bữa đông, ngày chèo được hai, ba chuyến. Mỗi chuyến vậy 50 ngàn đồng thôi. Có bữa thì cả ngày chờ đến chặp tối cũng không thấy người nào ngoắc vào đi” - lão Tới nói.

Những con đò đợi trên sông Hoài.
Soạn bữa cơm trưa mang theo từ lúc sáng, sơ sài với vài con cá sông kho, chén mắm cái, dĩa rau luộc, họ ăn ngon lành, trong lúc đợi một cuốc khách khác. Đầu tháng 5 này, lần đầu tiên bà cụ Xong biết tới bánh sinh nhật, khi Réhahn quyết định tổ chức cho cả Réhahn lẫn bà vì 2 người có chung ngày sinh. Cả đời đìu hiu với sông, không dưng những ngày tuổi già, trôi theo dòng nước, lại có những niềm vui mong manh… Trên dòng sông Hoài, chung cuộc mưu sinh không chỉ có đôi vợ chồng lão Tới, cụ Xong. Bà Lái, bà Quyền, rồi ông Lam, ông Thửng… nhiều lắm những người già về cuối đời chọn khúc sông này. Mỗi mắt cửa hướng ra dòng sông là một con bến của mỗi người. Vợ chồng ông Tới là bến Du Thuyền (café, nhà hàng Cargo – NV). Ông Thửng đậu ở bến cách đó không xa. Lão nằm dài trên ghe, mắt dướn lên bờ, nhưng chẳng buồn gọi khách. “Ai người ta thích thì đi, đi trên sông thú lắm chứ. Mình mời họ lại đâm ngại” - lão nói.
Bữa trưa của vợ chồng ông bà Bùi Thị Xong, Đỗ Tới.
Chuyến đò đưa chúng tôi trôi dọc sông, níu lại ánh nhìn vào ồn ào trên chợ. Ở đó, chúng tôi lặng người nhìn những lưng còng khom xuống dòng sông để rửa rau, rửa cá. Từ khúc sông này, chỉ còn khoảng hơn một cây số nữa, sông Thu Bồn sẽ thành cửa biển. Lẽ mưu sinh vì thế cũng khó nhọc, mênh mông hơn. Trên hành trình giữa dòng sông cùng vợ chồng ông Tới, như những lữ khách lần đầu tiên đặt chân tới Hội An, cảm giác phố phường lướt theo nhịp chèo, nhà cổ chao nghiêng theo mỗi đợt nhấp nhô của sóng, phận người trên sông cũng như thể chênh chao. Hơn chục người già bám vào dòng sông, là hơn chục cuộc đời mà cả tuổi thơ, khi trưởng thành lẫn lúc già nua, đều sống trên sông. Một anh đồng nghiệp người Hội An nói với chúng tôi, “nếu như những cư dân trên bờ của Hội An sở hữu những căn nhà cổ vô giá, có thu nhập bình quân mấy ngàn đô la Mỹ mỗi năm thì dưới kia là một mảnh gương tương phản bọt bèo... Nhưng họ là linh hồn của dòng sông, xua đi hoang vắng bằng ánh đèn dầu, bằng hoa đăng những đêm rằm lung linh phố cổ…”.
Phận người, đời sông, chừng như chỉ có thể nhìn thấy tháng năm của sông qua lam lũ hình hài những con người lênh đênh bến thuyền trên con nước. Vậy đó, nên có một “dòng sông tuổi già” của những nổi trôi số phận gắn mình vào sông. Trên sông, họ không cô độc, không phải sợ nỗi sợ lớn nhất của những người già. Cứ nhìn vào nụ cười bà Xong, ông Tới, nhìn cách ông nhả từng làn khói thuốc vào mênh mang sóng nước sông Hoài, đủ để tin rằng hạnh phúc nhiều lúc giản đơn như một bữa cơm trưa trên ghe, như lần đầu tiên sau 80 năm trời được nhìn thấy chiếc bánh sinh nhật của mình. Cái vui của tuổi già, là chầm chậm sống đời mình mặc kệ cho những tất bật mưu sinh, những ồn ào phố thị đang ngược xuôi trên bờ…
Thời gian phủ vùi rêu phong lên lớp áo thị thành của phố, cất giữ trăm năm dưới mái xưa nhà cổ của Hội An. Nhưng có một cách tìm thấy chuyện của phố dễ dàng hơn, là trong ký ức của những người già nhặt chuyện như ông Tới, bà Xong. Lặng lẽ và giản dị như thói quen, nếp sống của chính mình, họ kể chuyện phố, chuyện sông trong chuyến đi của khách dọc theo sông Hoài. Đưa người đi trên sông, mà như đưa người ngược về những ngày xưa của Hội An, của bến thuyền. Chúng tôi tin rằng, trong câu chuyện của họ, thời gian đang là những thước phim quay rất chậm, rất thực, nơi mà phố là mảnh ký ức của gần một đời người, của “dòng sông tuổi già” chầm chậm trôi dưới ánh đèn lồng phố cổ…
Ghi chép Song Anh - Phương Giang
Theo http://www.baoquangnam.com.vn/


1 nhận xét:

  Dấu chấm thang – Chùm thơ của Trần Hương Giang 4 Tháng Sáu, 2023 Biết thương cuộc sống ta bà/ Đổi thay, tôi lại thiết tha yêu đời/ Dù ...