Thứ Ba, 28 tháng 7, 2015

Trần Đình Hượu – Từ điểm nhìn hiện đại

Trần Đình Hượu – Từ điểm nhìn hiện đại
Định mệnh có những sự sắp đặt kì lạ. Từ một người nghiên cứu lịch sử tư tưởng Trung Quốc cổ đại, những biến động của lịch sử đã sắp đặt Trần Đình Hượu rẽ theo hướng trở thành một nhà nghiên cứu lịch sử văn học và còn éo le hơn nữa khi mà công trình lịch sử văn học quan trọng nhất trong sự nghiệp nghiên cứu của ông lại không nằm trọn trong những giới hạn của văn chương Trung đại bằng chữ Hán và chữ Nôm, lĩnh vực gần gũi với xuất phát điểm tri thức ban đầu của ông mà lại là cuốn giáo trình Văn học Việt Nam giai đoạn giao thời 1900 – 1930 – giai đoạn chuyển đổi loại hình của văn học Việt Nam, giai đoạn cầu nối từ văn học Hán Nôm sang văn học Quốc ngữ. Đối với mỗi con người, những bão tố của số phận có lẽ là một thứ đá thử vàng. Hoặc nó sẽ làm con người quỵ ngã, hoặc sẽ đánh thức những phẩm chất cao quý bên trong và khiến cá nhân toả sáng. Sự nghiệp nghiên cứu của Trần Đình Hượu có lẽ chính là một minh chứng cho quy luật nghiệt ngã đó.
Cho đến nay, với độ lùi thời gian và nhờ những nỗ lực to lớn của các thế hệ học trò của Trần Đình Hượu, di sản tinh thần của ông gần như đã được khôi phục một cách tương đối đầy đủ. Điều đó cho phép chúng ta hình dung được tầm vóc và vị trí vô cùng quan trọng của ông trong nhiều ngành nghiên cứu, từ lịch sử văn học, lịch sử tư tưởng đến văn hoá học và xã hội học lịch sử. Chỉ riêng đối với bộ môn nghiên cứu lịch sử văn học, vị trí và những đóng góp của Trần Định Hượu trong việc nghiên cứu văn học Trung đại, từ Nguyễn Trãi đến Nguyễn Công Trứ đã được làm rõ ở nhiều phương diện. Tất nhiên, không phải không còn những khoảng trống. Chẳng hạn như việc phạm vi khảo sát văn chương Trung đại của ông bắt đầu ở Nguyễn Trãi và dừng ở Nguyễn Công Trứ. Văn học Phật giáo Lý Trần gần như không hiện diện trong những mối quan tâm của ông. Và cũng gần như không/chưa có một chuyên luận nào trực diện bàn về Nguyễn Du, tác giả được coi như “phép thử” của gần như bất cứ nhà nghiên cứu nào dấn thân vào sự nghiệp nghiên cứu văn học Trung đại Việt Nam. Tuy vậy, ở đây, tôi muốn nói về vị trí của Trần Đình Hượu đối với lịch sử nghiên cứu văn học Việt Nam từ một góc nhìn khác: góc nhìn của nghiên cứu văn học hiện đại, nền văn học được kiến tạo từ giai đoạn thuộc địa, từ cuộc va chạm và đối thoại văn hoá giữa Việt Nam và phương Tây.
1. Trần Đình Hượu không phải là một chuyên gia nghiên cứu văn học hiện đại đúng nghĩa, nếu ta hình dung văn học hiện đại Việt Nam chỉ thực sự định hình từ 1932, thời điểm phong trào Thơ mới bắt đầu và chưa đầy một năm sau đó, Tự lực văn đoàn, tổ chức văn chương hiện đại đúng nghĩa đầu tiên ở Việt Nam được thành lập. Bài viết duy nhất của ông về văn học hiện đại là tiểu luận về Tự lực văn đoàn: TLVĐ, nhìn từ góc độ tính liên tục lịch sử, qua bước ngoặt hiện đại hoá trong lịch sử văn học phương Đông. Công trình văn học sử quan trọng nhất của ông dừng lại ở thời điểm 1930 và tập trung vào giai đoạn mà văn học hiện đại vẫn đang tồn tại ở trạng thái phôi thai. Nếu nhìn vào mục lục của Tuyển tập, chiếm số lượng lớn các bài viết của Trần Đình Hượu để lại cũng là những nghiên cứu về lịch sử tư tưởng phương Đông và văn học Trung đại Việt Nam. Dẫu vậy, tôi vẫn cho rằng không phải vô lí khi những bài viết gần như cuối cùng của cuộc đời ông lại được tập hợp trong tập sách có nhan đề Đến hiện đại từ truyền thống. Không phải vì đó là một đề tài mà ông được giao, một nhiệm vụ khoa học, như ngày nay, ta vẫn nói thế, của người cán bộ khoa học. Có lẽ, có một mối quan tâm, một quan tâm mang tính lí thuyết thường trực trong cuộc đời ông nhưng hiện diện rất rõ nét ở những năm cuối đời đó là tìm ra một phương cách mô tả toàn bộ tiến trình văn học như một tiến trình thống nhất, trong tính liên tục của nó chứ không phải như những thời đại đứt đoạn được miêu tả bằng những công cụ lí thuyết khác nhau. Có lẽ, chỉ ở những bộ óc vĩ đại mới có những băn khoăn như thế. Giống như phần cuối đời của A. Einstein, sau khi tìm ra thuyết tương đối phổ quát, ông đã băn khoăn về một lí thuyết thống nhất lớn, một lí thuyết tối hậu, mô tả được toàn bộ thế giới vật chất, từ quy mô của những hành tinh đến quy mô cuả những hạt cơ bản.
Hơn ai hết Trần Đình Hượu là người thoát khỏi được những ảo tưởng dân tộc chủ nghĩa. Tôi vẫn nhớ sau khi ông mất đã lâu khi có giáo sư phát biểu về tầm vóc của nền dân tộc, có người vẫn còn có thể kích động dư luận xã hội về việc cho rằng văn học Việt Nam không nhỏ nhưng cũng không phải là một nền văn học lớn đồng nghĩa với việc “hạ thấp văn học dân tộc”. Và cho đến tận cách đây không lâu, không ít trí tuệ lớn vẫn bị cuốn vào những tranh luận mà tôi e rằng sẽ không thể có hồi kết về việc “nước Việt Nam lớn hay nhỏ”.  Trong nghiên cứu của Trần Đình Hượu, có thể thấy ông hoàn toàn thoát khỏi những ảo tưởng về dân tộc hoặc những cái bẫy của cảm tính kiểu như vậy, bằng con đường của tính khách quan khoa học. Ở ông, không có ảo tưởng về những sáng tạo thần kì của dân tộc, về những sự khởi sinh từ hư không. Một cách dứt khoát, trong hình dung của ông, ở hai thời điểm quan trọng của lịch sử dân tộc, thời điểm kết thúc thời kì Bắc thuộc và thời điểm bắt đầu Pháp thuộc, văn học Việt Nam  đã thành hình và chuyển đổi loại hình, không phải như một tiến trình tự nhiên, liên tục từ văn học dân gian đến văn học viết mà theo con đường du nhập, bản địa hoá mô hình ngoại lai (văn học Trung Quốc và văn học Pháp). Cũng chính ông là người nhìn thấy thực tế có thể khó được chấp nhận dưới nhãn quan dân tộc chủ nghĩa cực đoan: ảnh hưởng của văn học Trung Quốc đối với văn học Việt Nam chẳng những không bị xoá bớt mà còn được tăng cường trong thời kì độc lập. Chính cái nhìn mang tính khách quan khoa học đó đã dẫn đến một ý thức rất rõ rệt về sự đứt gẫy văn hoá diễn ra trong những giai đoạn chuyển đổi hệ hình của nền văn học, khi toàn bộ xã hội Việt Nam hiện đại hoá, từ bỏ chữ Hán và văn hoá Hán Nôm.
Từ một phía khác, tôi cho rằng cần phải nhìn Trần Đình Hượu như một nhà nghiên cứu văn học so sánh có tư tưởng đi trước thời đại. Ngay từ những nghiên cứu về văn học Việt Nam giai đoạn giao thời, ông đã thể hiện một ý thức sâu sắc về quan hệ giao lưu và ảnh hưởng giữa các nền văn học, giữa nền văn học kiến tạo vùng (như Trung Quốc) và các nền văn học chịu ảnh hưởng (như Việt Nam). Nếu như cái mô hình tái hiện lại tiến trình hình thành những thời đại lớn của văn học dân tộc được khởi đầu bằng sự tiếp nhận thì chính mô hình đó cũng được tiếp tục bằng sự bản địa hoá và những sáng tạo mang tính “đặc định dân tộc”. Không phải là vô lí khi trong bài viết về việc Xác định cái dân tộc, cái cổ điển làm cơ sở để phân kì lịch sử văn học, Trần Đình Hượu đã nói về hai thời kì của văn học cổ điển trong văn học truyền thống, thời kì mà đỉnh cao là Nguyễn Trãi và thời kì mà đỉnh cao là truyện Nôm, ngâm khúc, hát nói. Chính điều đó cho thấy ý thức sâu sắc trong tư duy của ông về vai trò của chủ thể tiếp nhận trong các tiền trình tiếp nhận ảnh hưởng, về vai trò chọn lọc, bản địa hoá, về cái ngưỡng của sự tiếp nhận do chính đặc điểm của chủ thể tiếp nhận quy định. Chính tại điểm này sẽ cho thấy một mặt khác trong tư duy nghiên cứu văn học sử của Trần Đình Hượu: ý thức về tính liên tục của tiến trình văn học dân tộc. Mọi sự tiếp nhận cái ngoại lai đều sẽ phải trải qua sự sàng lọc của cái bản địa, phải thoả hiệp theo cách này hay cách khác, ở những mức độ khác nhau với cái bản địa, cái truyền thống, nói cách khác, bị cái truyền thống, cái bản địa tái cấu trúc. Chính điều đó sẽ khiến cho toàn bộ tiến trình văn học liên kết trong một hệ thống có tính thống nhất, “đến hiện đại từ truyền thống”, như cách nói của ông.
Đây chính là một trong những điểm mà theo chúng tôi là có đóng góp quan trọng nhất của Trần Đình Hượu đối với nghiên cứu văn học hiện đại. Cần phải thừa nhận một thực tế trong nghiên cứu văn học ở Việt Nam là giới nghiên cứu văn học hiện đại và văn học Trung đại thường có những khoảng cách về tri thức, phương pháp luận, lí thuyết. Người nghiên cứu văn học hiện đại thường tích luỹ tri thức theo hướng tiếp nhận kiến thức hiện đại từ phương Tây trong đó người nghiên cứu văn học Trung đại thường có một bề dầy kiến thức văn hiến truyền thống. Điều này có tính hữu lí riêng nhưng nó không khỏi để lại hệ quả là việc nghiên cứu văn học hiện đại thường xuất phát từ những mô hình và công cụ lí thuyết mang tính ngoại lai và áp đặt vào nghiên cứu văn học dân tộc, từ mô hình về thể loại đến mô hình về phương pháp sáng tác. Điều này không phải không có hạt nhân hữu lí bởi lẽ khi xã hội Việt Nam vận động trong quỹ đạo chung của thế giới hiện đại thì việc có những tương đồng loại hình là một tất yếu. Dẫu vậy, điều này cũng đặt ra một vấn đề đó là mối quan hệ giữa cái hiện đại và toàn bộ truyền thống. Nếu không giải quyết được một cách khách quan điều này, văn học hiện đại sẽ trở thành một vật thể ngoại lai được cấy trồng vào một môi trường bản địa.
Có thể nói, hơn ai hết, Trần Đình Hượu là người có một ý thức sâu sắc về tính liên tục trong sự phát triển của tiến trình văn học có dân tộc. Giáo trình Văn học Việt Nam văn học giao thời là giáo trình đặt vấn đề một cách triệt để nhất và mô tả hết kiệt nhất về những ngả đường của sự vận động từ văn chương truyền thống đến văn học hiện đại trong giai đoạn giao thời. Ông là người mô hình hoá một cách triệt để nhất về hai ngả đường của tiến trình hiện đại hoá: đổi mới văn học truyền thống và du nhập, mô phỏng, bản địa hoá văn học phương Tây. Không những thế, ông là người mô tả một cách đầy đủ nhất sự vận động đặc thù của mỗi ngả đường: điểm dừng của những người cách tân văn học truyền thống (như Phan Bội Châu, Tản Đà), điểm dừng mà từ đó, những người tân học sẽ tiếp tục (qua việc nhấn mạnh một hiện tượng độc đáo: Thi nhân Việt Nam mở đầu bằng việc “cung chiêu anh hồn Tản Đà”), những bộ phận văn chương truyền thống chuẩn bị cho văn học hiện đại (văn học trào phúng); song song với tiến trình đó là sự thoả hiệp của văn học hiện đại với truyền thống để có thể hoà nhập vào tiến trình chung của văn học đương đại. Theo nghĩa đó, có thể nói Giáo trình văn học Việt Nam giai đoạn giao thời đã lấp đầy khoảng trống giữa hai thời đại lớn của văn học dân tộc, đã tạo nên một định hướng mà điều đáng tiếc là cho đến nay vẫn chưa có một sự tiếp tục một cách rốt ráo. Cảm hứng về tính liên tục của tiến trình văn học cũng thấm nhuần trong các công trình của Trần Đình Hượu từ những bài viết Thực tại, cái thực và vấn đề chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam trung cận đại khi ông gợi ý về tính liên tục từ văn học trào phúng đến các sáng tác hiện thực phê phán của Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan và Vũ Trọng Phụng cũng như công trình về Tự lực văn đoàn, nhìn từ góc độ về tính liên tục của lịch sử…Có thể nói, đó là công trình quan trọng nhất trong việc định vị TLVĐ trong tiến trình văn học dân tộc. Nó là lời bào chữa để tổ chức văn học này không bị coi như một thứ “thất cước lạc loài”.
2. Bên cạnh ý thức về tính liên tục của tiến trình lịch sử văn học dân tộc là nỗi băn khoăn về căn cước dân tộc, về bản sắc dân tộc và tính đặc định dân tộc. Xét một cách công tâm, chủ đề về tính đặc định dân tộc, về bản sắc dân tộc, về căn cước dân tộc hay “đặc sắc dân tộc” là một quan tâm hiện diện trong nghiên cứu của không ít nhà nghiên cứu khác. Chính điều đó làm nên cái tâm thế đối thoại hiện diện trong bài viết của Trần Đình Hượu về Vấn đề tìm đặc sắc văn hoá dân tộc. Có điều, mối quan tâm này ở Trần Đình Hượu được đặt trên những nền tảng lí thuyết hoàn toàn khác. Như trên đã nói, có thể định vị Trần Đình Hượu như một người nghiên cứu văn học so sánh điển hình. Trong những nghiên cứu  văn học sử ở ông, luôn thường trực một cái nhìn mang tính đối chiếu giữa văn học Việt Nam và những nền văn học có ảnh hưởng như văn học Trung Quốc và văn học Pháp. Điều độc đáo là không chỉ am hiểu một cách sâu sắc văn học Trung Quốc mà Trần Đình Hượu còn có một hiểu biết rất sâu sắc về văn học Pháp những nhận xét của ông, dù chỉ thoáng qua, về chủ nghĩa hiện thực kiểu phương Tây chính là phần nổi của tảng băng chìm uyên bác đó. Tuy nhiên, điều quan trọng không phải là sự uyên bác. Như đã nói, ở Trần Đình Hượu, có một ý thức rất sâu sắc về những nền văn học kiến tạo vùng và những nền văn học bị thu hút vào quỹ đạo của những nền văn học kiến tạo vùng. Điều độc đáo ở Trần Đình Hượu là trong khi nhiều nghiên cứu mang tính so sánh văn học đồng thời và thậm chí sau ông đều chỉ tập trung vào những quan hệ ảnh hưởng với một cái nhìn vừa thực chứng vừa có phần cơ giới luận (nghĩa là tìm kiếm những gì thuộc về nền văn học phát ra ảnh hưởng hiện diện trong nền văn học chịu ảnh hưởng) thì ở Trần Đình Hượu cái ông nhìn thấy lại là những điều mà lẽ ra theo một vận động thông thường sẽ phải hiện diện nhưng lại hoàn toàn vắng bóng trong văn học dân tộc. Theo cách nói của GS. Trần Ngọc Vương thì Trần Đình Hượu không chỉ nghiên cứu về cái có mà còn tìm kiếm cả những cái lẽ ra phải có nhưng  lại vắng bóng trong thực tế văn học dân tộc. Đó chính là phát hiện về sự thiếu vắng bộ phận văn học đô thị ở thời Trung đại hay sự thiếu vắng tham vọng khảo sát khoa học trong các sáng tác hiện thực chủ nghĩa thời hiện đại ở Việt Nam. Dầu không trực tiếp nói ra nhưng qua nghiên cứu của Trần Đình Hượu, có thể hình dung về một thứ chủ nghiã hiện thực mang màu sắc đạo lí rất đặc trưng của Việt Nam và rất khác với văn học phương Tây. Cuộc tìm kiếm những yếu tố đặc định dân tộc ở Trần Đình Hượu xuất phát từ chính nhữn khoảng khoảng trống như thế. Đó là một nết độc đáo về mặt phương pháp luận.
3. Xét đến tận cùng, Trần Đình Hượu là một nhà nghiên cứu mang cốt cách của một nhà Nho hành đạo. Ý thức về tính liên tục của lịch sử văn học dân tộc, ý thức đến hiện đại từ truyền thống, ở một góc độ, chính là sự thể hiện tâm huyết của người nghiên cứu đối với cái hiện đại và thậm chí, đương đại, cái ngày hôm nay, cái thời hiện tại đang tiếp diễn. Đó là ý thức trách nhiệm của người nghiên cứu đối với cái đương đại. Nghiên cứu, đến cùng, không phải là cuộc chạy trốn hiện tại, khép kín trong quá khứ mà trái lại, việc tìm hiểu quá khứ chính là một tiền đề để soi sáng cái hiện tại, tiền đề để thể hiện trách nhiệm với cái hiện tại. Đó chính là cảm hứng bao trùm toàn bộ Đến hiện đại từ truyền thống, khi ông bàn về di sản của Nho giáo với xã hội hiện đại, về ông quan và ông quan liêu, về làng họ, gia đình truyền thống và con đương đi thích hợp với thực tế phương Đông lên chủ nghĩa xã hội.
Một cách tất yếu, chính con người Nho giáo trong Trần Đình Hượu sẽ dẫn ông đến với xã hội học văn học. Nói theo ngôn ngữ hiện đại, các đọc lịch sử văn học cũng như đọc các hiện tượng văn học ở Trần Đình Hượu là một cách đọc xã hội học: nhìn quá trình sáng tạo văn chương trong mối tương tác với văn cảnh xã hội  - văn hoá – ý thức hệ, nhìn văn chương như một yếu tố nằm trong sự phản ứng của người viết với các vấn đề của thực tại và điểm tối hậu của việc đọc văn bản văn chương là đọc nội dung tư tưởng – cái nhìn, tư tưởng của nhà văn về thực tại. Nếu áp dụng chính phương pháp của Trần Đình Hượu khi nghiên cứu văn học so sánh vào việc phân tích các tác phẩm của ông, có thể nói, trong khi đa số những nghiên cứu xã hội học văn học ở những người cùng thời với Trần Đình Hượu dừng lại ở giai đoạn tiền Lukacs thì Trần Đình Hượu đã đạt đến giai đoạn Goldmann. Có một sự tương đồng kì lạ về phương pháp luận giữa cách đọc xã hội học ở Trần Đình Hượu và các đọc xã hội học của Goldman trong Chúa trời ẩn dấu. Những nghiên cứu xã hội học văn học ở Trần Đình Hượu đã hoàn toàn thoát khỏi được khuynh hướng chính trị hoá một cách máy móc nghiên cứu văn học. Ông cũng không bị giới hạn việc đọc xã hội học ở một cấp độ bề mặt nghĩa là tìm hình chiếu của thực tại trong tác phẩm văn học theo một tinh thần phản ánh luận đơn giản. Trần Đình Hượu nhìn thấy sự ảnh hưởng ở cấp độ ý thức hệ của xã hội đối với nhà văn. Nói một cách đơn giản, mô hình của Trần Đình Hượu là ông nhìn thấy sự quy định của các cấu trúc tư tưởng – ý thức hệ của các tôn giáo – hệ tư tưởng lớn như Nho giáo, Phật giáo hay Đạo Lão Trang đến cấu trúc tư tưởng của tác giả văn học và nhìn thấy sự thể hiện của cấu trúc tư tưởng đó trong thực tiễn sáng tác. Ông nhìn thấy sự quy định của ý thức hệ, của nguồn gốc văn hoá – học vấn, của những giá trị có tính địa phương, của truyền thống gia đình và tiểu sử cá nhân đến sáng tác của nhà văn trong việc hình thành nên một thế giới quan, một “cái nhìn thế giới” (theo cách nói của Goldmann), một “lăng kính” (theo cách nói của Trần Đình Hượu) của nhà văn để từ đó chi phối quá trình sáng tác tác phẩm. Đọc văn học đối với Trần Đình Hượu chính là tìm ra được những cấu trúc ngầm ẩn đó để giải thích ý nghĩa tác phẩm và tìm ra đươc những nội dung tư tưởng của tác phẩm. Đối với ông, văn chương không bao giờ là một trò chơi thuần tuý hình thức mà là một hành vi văn hoá, một sự dấn thân, một tư tưởng về thực tại. Trong hoàn cảnh hiện nay, khi mà lí thuyết càng ngày càng trở thành mối quan tâm lớn của giới nghiên cứu và đi kèm với nó là những trạng thái cực đoan sùng bái lí thuyết, khi mà việc chạy theo lí thuyết một cách điên cuồng đôi khi dẫn đến việc biến phân tích văn học thành một trò chơi thuần tuý hình thức, thành một lối đọc thủ pháp nghệ thuật thì bài học từ lối đọc văn học của Trần Đình Hượu vẫn còn nguyên giá trị.
4. Nghiên cứu Trần Đình Hượu từ điểm nhìn hiện đại chắc chắn sẽ là một công việc thú vị và lâu dài, đồng thời cũng hết sức bổ ích. Tuy vậy, một cách sòng phẳng, cũng không thể không nói về những điểm dừng trong cách đọc văn học ở ông. Có thể khẳng định, so với nhiều nghiên cứu cùng thời, cái nhìn của Trần Đình Hượu về con người rõ ràng phức tạp và sâu sắc hơn. Dẫu vậy, trong cách hình dung ấy, con người vẫn được nhìn hết sức sâu sắc và lệch hẳn về phía con người xã hội, con người tư tưởng. Ông có thể nói về những khát vọng giải phóng cá nhân trong truyện Nôm, trong ngâm khúc, nói về lăng kính phong tình ân ái ở Tản Đà, nhưng có thể nói, với tư cách một người đọc văn chương, có lẽ ông gần với Nguyễn Trãi ở phương diện nhà Nho hành đạo, với những nhà Nho Duy Tân, với cái hùng tráng kịch liệt ở Phan Bội Châu hơn là cái phương diện con người hưởng lạc, con người của những lạc thú trần gian. Phải chăng đó cũng chính là lí do khiến ông không có một công trình, bài viết nào trực diện về Nguyễn Du và Truyện Kiều. Cái nhìn có phần khắc kỉ đó không phải là không có những giới hạn khi đối diện với con người ở thời hiện đại và đương đại.
Từ một góc nhìn khác, cái nhìn của Trần Đình Hượu đối với tác phẩm nghệ thuật ngôn từ vẫn là một cái nhìn trong suốt. Trong cái nhìn ấy, ngôn ngữ và các cấu trúc hình thức vẫn là một cái gì hoàn toàn trong suốt, là một công cụ trung thành và đắc lực của tư tưởng. Nó là một hành trình “thẳng tắp” từ tư tưởng nhà văn, xuyên qua các lớp ngôn ngữ và hình thức nghệ thuật để kiến tạo nên nghĩa. Và có lẽ là đơn nghĩa. Dường như ở Trần Đình Hượu ít có sự quan tâm về vai trò của các cấu trúc hình thức, thể loại, về tính tự trị của ngôn ngữ và tính quy định ngược của ngôn ngữ đối với sáng tạo, điều ít nhiều đã hiện diện trong những nghiên cứu về phong cách học và thể loại của Phan Ngọc. Tất nhiên ở Phan Ngọc, đó là tính quy định có tính tự nhiên của công việc. Dẫu vậy, vẫn phải thừa nhận, đó là một điểm dừng trong cách đọc văn chương của Trần Đình Hượu.
Những điểm dừng đó cho thấy việc tiếp nhận và tiếp tục di sản nghiên cứu của Trần Đình Hượu đòi hỏi một phương cách có tính tự do. Đó phải là một cuộc đối thoại tự do của tư duy với đầy đủ sự tri ân đối với những gợi ý phương pháp luận cũng như ý thức về những điểm dừng. Và suy cho cùng, đó cũng là một thứ định mệnh của khoa học. Mỗi con người vĩ đại sẽ đi qua như một người gieo hạt trong buổi bình minh và cánh đồng với những mùa vụ sẽ là công việc của những người đến sau.
Phạm Xuân Thạch 


1 nhận xét:

  Dấu chấm thang – Chùm thơ của Trần Hương Giang 4 Tháng Sáu, 2023 Biết thương cuộc sống ta bà/ Đổi thay, tôi lại thiết tha yêu đời/ Dù ...