Thứ Tư, 29 tháng 7, 2015

Có một tao đàn sông Thương

Có một tao đàn sông Thương
    Cách đây hơn bảy chục năm tại thị xã Phủ Lạng Thương (thành phố Bắc Giang hiện nay) đã xuất hiện nhóm bút thơ, gọi là Tao đàn Sông Thương, được giới văn chương Bắc kỳ nhắc tới, dù Tao đàn này chỉ tồn tại 5-7 năm (trước 1945). Tao đàn thơ ra đời khoảng 1937-1938. Cho đến nay vẫn chưa rõ đích xác ai là người khởi xướng đầu tiên và cụ thể là bao nhiêu người nhưng chắc chắn đã có Trịnh Quang Chấn (Đào Dương), Xích Điểu, Lã Hữu Quỳnh, Thanh Ngà, Lệ Hoa, Bàng Bá Lân, Anh Thơ.
    Những năm 70 của thế kỷ trước, ông Trịnh Quang Chấn (1908-1978) sơ tán gần nhà tôi - thôn Ngươi, xã Dĩnh Kế (Lạng Giang, sau thuộc thành phố Bắc Giang). Hồi ấy tôi vẫn còn dạy học ở Yên Dũng, thứ bảy hoặc chủ nhật mới về. Gia đình tôi cũng là dân nội thị đi sơ tán. Tôi chỉ nghe loáng thoáng ai đó nói rằng, ông Chấn là nhà thơ tiền chiến. Mãi sau này ông mất và có dịp đọc vài ba bài báo mới ngỡ ngàng biết Đào Dương chính là bút danh của ông. Trịnh Quang Chấn quê gốc Hải Dương, sinh tại Phủ Lạng Thương, từ những năm 30 đã có thơ, văn in ở các báo Ngày nay, Đông phương, Ích hữu, Bạn đường, Tiểu thuyết thứ năm. Năm 1937 hoặc 1938, Đào Dương gia nhập Tao đàn Sông Thương. Ông tham gia cách mạng rất sớm. Năm 1952 ông làm chuyên trách của Ty Tuyên truyền Bắc Giang, và cùng Tú Mỡ, Anh Thơ, Bàng Bá Lân thành lập chi hội Văn nghệ Bắc Giang. Từ đó ông công tác liên tục ở ngành văn hóa tỉnh nhà. Ông đã in 2 truyện thơ ở NXB Phổ thông: Cành hoa bến ngọc (1957), Thạch tướng quân (1958). Thật tiếc, tôi chưa được đọc những tác phẩm này. Hồi ở gần nhà ông, tôi thấy ông ít nói, không nhắc gì chuyện văn chương, vẻ mặt buồn. Không hiểu ông vốn thế hay có chuyện uẩn khúc gì ?
   Với Thanh Ngà, Lệ Hoa, Lã Hữu Quỳnh, tôi chỉ mới nghe tên, không hiểu họ đã có  nhiều tác phẩm chưa. Nghe nói, Lã Hữu Quỳnh còn là nhạc sỹ?
   Có lẽ trong Tao đàn Sông Thương chỉ nổi có ba người: Xích Điểu, Bàng Bá Lân, Anh Thơ. Xích Điểu chỉ là bút danh, tên thật là Nguyễn Văn Tước, quê ở Dục Tú, Đông Anh, Hà Nội. Ông còn có những bút danh khác: Minh Tước, Trần Minh Tước, Thương Biền. Năm 1931, đang học dở trung học chuyên khoa Hà Nội, ông chuyển sang làm báo, viết văn trên các tờ: Nông công thương thời báo, Phụ nữ thời đàm. Ngoài ra ông còn sáng tác khá nhiều truyện ngắn, viết ca kịch, tuồng. Tiểu thuyết Đề Thám được đăng tải trên báo Ngày nay đến kỳ thứ 10 thì bị Pháp đình bản. Năm 1935, ông có truyện dài Cô lái đò Sông Thương in thành  sách. Năm 1945, Xích Điểu tham gia lãnh đạo giành chính quyền cách mạng ở Đồng Mỏ (Lạng Sơn), làm chủ tịch UBHC tỉnh Lạng Sơn. 

Năm 1954, ông làm giám đốc Sở Báo chí Trung ương, sau làm Tổng Biên tập báo Thống Nhất. Ông có tiếng về thơ trào phúng, châm biếm, đả kích sâu cay bọn đế quốc và tay sai. Có lẽ  Xích Điểu tham gia Tao đàn Sông Thương không lâu vì 1940 ông bị giặc Pháp bắt giam, tù đầy ba năm ở Sơn La.
   Bàng Bá Lân (1913-1985) sinh ở phố Tân Ninh (thành phố Bắc Giang), chính quán ở xã Đôn Thư, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Ông đã từng học ở trường Vôi (Lạng Giang), trường tiểu học Phủ Lạng Thương, trường trung học Bảo hộ Hà Nội, có bằng Thành chung. Năm 1934, ông xuất bản tập thơ Tiếng thông reo, đến 1941 cùng với Anh Thơ ra tập thơ Xưa. Trong Thi nhân Việt Nam xuất bản 1942, Hoài Thanh - Hoài Chân nhận xét: “Đã lưu ý đến cảnh nào, Bàng Bá Lân thường lưu luyến cảnh ấy. Như khi người tả một buổi sáng: Cổng làng rộng mở ồn ào/ Nông phu lững thững đi vào nắng mai, ta thấy rõ người mến cảnh ấy lắm, lòng người cũng rộng mở với cổng làng và cùng vui với nông phu trong nắng sớm. Bởi thế có lúc người cảm được hồn quê bàng bạc sau cảnh vật. Tôi không biết làm thế nào nói cho ra điều này. Âu cứ trích câu thơ của Bàng Bá Lân: Quán cũ nằm lười trong sóng nắng/ Bà hàng thưa khách ngủ thiu thiu/ Nghe mồ hôi chảy đầm như tắm/ Đứng lặng trong mây một cánh diều. Cả cái hồn lặng lẽ ngây ngất của đồng quê dưới nắng trưa như ngưng lại trong mấy câu thơ ấy.” Với hai câu thơ tả cảnh trưa hè của Bàng Bá Lân: Bụi nằm lâu chán xà nhà/Nhẹ nhàng rơi phủ bàn thờ buồn thiu, Hoài Thanh - Hoài Chân viết: “14 chữ, chữ nào cùng mang nặng một chút hồn. Thiết tưởng người ta không thể đi sâu vào cảnh vật xứ quê hơn nữa.”
   Anh Thơ (1918-2005) là bút danh của Vương Kiều Ân. Bà sinh tại thị trấn Ninh Giang, Hải Dương; quê ở Phủ Lạng Thương. Là con của một viên chức nhỏ xuất thân nho học, bà không được đi học nhiều ở nhà trường nhưng vốn ham thích văn chương từ sớm và phần nào chịu ảnh hưởng của gia đình bên ngoại - cũng là gia đình nhà nho (ông ngoại là Kiều Oánh Mậu từng hiệu đính truyện Kiều), mặt khác phải sống cuộc đời tù túng, buồn tẻ của một cô gái sống trong gia đình phong kiến, giữa lúc phong trào thơ mới đang diễn ra sôi nổi nên đã tìm đến thơ ca như con đường giải thoát và tự khẳng định giá trị của người phụ nữ ở xã hội đương thời. Từ 1937, Anh Thơ đã có thơ đăng trên báo. Tập thơ đầu tay Bức tranh quê sáng tác 1939 (năm 1941 xuất bản) gồm 41 bài đã được trao giải khuyến khích trong cuộc thi do Tự lực văn đoàn phát động. Cuộc thi này, về văn có Kim Hà và Mạnh Phú Tư được giải tiểu thuyết, thơ chỉ có duy nhất giải khuyến khích, không có giải nhất, nhì. Hoài Thanh - Hoài Chân trong Thi nhân Việt Nam đã có lời bình: “Sau câu thơ, ta mơ hồ thấy một cái gì? Có lẽ là hồn thi nhân.”
   Tháng 8/1945, bà trong Thường vụ Phụ nữ tỉnh Bắc Giang. Năm 1947 lên Bắc Sơn công tác, viết Kể chuyện Vũ Lăng (tác phẩm này năm 1957 được giải thưởng của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam). Anh Thơ trải qua công tác ở nhiều NXB, toà báo. Tác phẩm của bà có nhiều. Thơ có Theo cánh chim câu, Đảo ngọc, Hoa dứa trắng, Mùa xuân màu xanh, Lệ sương…Văn: Từ bến sông Thương, Tiếng chim tu hú…Năm 2001 bà được trao Giải thưởng Nhà nước. Năm 2007, được Giải thưởng Hồ Chí Minh.
  Tao đàn Sông Thương chỉ tồn tại trong thời gian ngắn ngủi nhưng cũng vang bóng một thời, đã tô thêm nét đẹp văn hóa quê hương. Nó ít nhiều tiếp sức cổ vũ cho bao người đến và yêu văn chương, thêm nhiều nhóm bút văn học, nhiều văn nghệ sỹ thành danh suốt từ 1945 tới nay.
Giang Kế Nhân 
 

1 nhận xét:

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...