Thứ Năm, 30 tháng 7, 2015

Sau cánh cửa là cuộc đời

Sau cánh cửa là cuộc đời
37 truyện ngắn trong tập truyện ngắn “Đột nhiên có tiếng gõ cửa” củaEtgar Keret như những mảng màu tối sáng của bức tranh thoạt nhiên không dễ cảm nhận, nhưng khi dẹp hết những định tính, người đọc bắt gặp chính mình và cuộc đời trong đó qua những truyện rất ngắn, dí dỏm, hài hước, châm biếm, sâu lắng.
Bìa sách
Nhà văn Israel đương đại đã hấp dẫn người đọc từ trang truyện đầu đến trang cuối. Có những truyện kết thúc lửng lơ, nghĩ rằng còn nữa nhưng tác giả đã để chúng ta tiếp tục suy nghĩ, tự tìm cách cho kết thúc mới của câu chuyện, cũng có những truyện kết thúc như nốt nhạc còn ngân mãi âm thanh trong trẻo hoặc có âm thanh buồn thương xa vắng.
Đọc “Miền nói dối” dường như có bóng hình của tất cả chúng ta đã, đang từng sống trong sự dối trá. Vì mưu cầu lợi ích của bản thân, dù nhỏ nhặt, vẫn cố nghĩ những điều dối cho phù hợp ngữ cảnh với người đối diện. Nói dối trở thành căn bệnh miễn nhiễm của nhân loại.
“Nhắm mắt” kết thúc bất ngờ đến ngỡ ngàng, nhưng hình ảnh nhắm mắt để mơ tưởng về ngôi nhà hạnh phúc, về chốn bình yên, về dư vị ngọt đẹp của cuộc sống cứ ám ảnh người đọc. Đoạn kết làm day dứt mãi những ai muốn dối lừa một nửa kia của mình để tìm hạnh phúc mới. Người chồng tuy luôn nhắm mắt để mơ mộng nhưng anh ta tỉnh táo biết bao: “‘Nhà tôi’, anh ta nói, ‘ngay trung tâm Tel Aviv. Đẹp tuyệt, với một cây dâu ngay bên ngoài cửa sổ, nhưng nó rất nhỏ, quá nhỏ. Tôi cần một căn phòng nữa.Vào mỗi dịp cuối tuần, khi đón bọn trẻ về, tôi buộc phải kéo sofa ra thành giường ngủ. Đó thực sự là một chuyện khó chịu. Nếu đến mùa hè mà vẫn không tìm ra được giải pháp nào, tôi sẽ chuyển nhà luôn”.
Khi mất đi hạnh phúc gia đình, giá trị cuộc sống như thể lụi tàn, Miron kéo mình ra vũng cô đơn bằng cách mỗi sáng điểm tâm ở quán. Tại đây, mỗi ngày anh đã thử thách với chính mình bởi những tình huống nhầm người. Có vui, buồn, đau nhưng anh cảm nhận được sự sống vẫn đang tồn tại trong anh và anh bắt đầu khởi động cuộc đời mình. Vì chia tay vợ không hẳn là mất hết (Khởi đầu lành mạnh).
Trong truyện “Phối hợp”, tác giả đã cho những ông bố, bà mẹ một cảm nhận rất thật. Không thể nói dối với con nít, không thể nói khác hơn sự vật, sự việc đang và sắp diễn ra. Người mẹ sợ con đau khi sắp tới bác sĩ để tiêm vacxin nên phải huyên thuyên và ví dụ đủ thứ trên đời để con khỏi sợ, nhưng người cha chỉ nói: “Ở đó sẽ có một cô với một cái kim sẽ làm con đau - nhưng chúng ta chẳng thể làm gì với chuyện đó được. Có những điều trên thế giới này chỉ đơn giản là chúng ta phải chấp nhận”. Và thằng bé có sợ nhưng đã thấy mọi việc diễn ra như lời của bố đã nói, nó đã chấp nhận “như một người đàn ông bé nhỏ”.
Tuyên ngôn của tác giả chăng? - Đừng bận tâm với việc lục tung đề tài, cách viết, hãy để cuộc sống tự đến gõ cửa và buộc lòng phải vì chúng, biết đâu lại có tác phẩm lớn?! - “Kể cho bọn tao một câu chuyện. Thời thế khắc nghiệt lắm, mày biết mà. Thất nghiệp, đánh bom liều chết, người Iran. Dân tình đang thèm thứ gì khác. Mày nghĩ cái gì đã đẩy những gã vốn tôn trọng luật pháp như bọn tao đến nước này? Bọn tao tuyệt vọng, anh bạn ạ, tuyệt vọng”… “Đừng có trút thực tế xuống đầu bọn tao như một cái xe chở rác thế. Hãy dùng đến trí tưởng tượng của mày ấy, ông bạn. hãy hư cấu, sáng tạo ra nó hoàn toàn” (Đột nhiên có tiếng gõ cửa).
Trên hết là tấm lòng của nhà văn muốn tất cả chúng ta sống vị tha, tốt đẹp hơn!.
Trần Huy Minh Phương

 Theo http://vanhocquenha.vn/
Dòng thời gian
Nói về thời gian, người ta thường ví với dòng sông. Có lẽ vì cũng như sông chảy theo dòng về phía trước, thời gian cũng một chiều từ hôm qua đến hôm nay sang ngày mai. Thời gian như dòng sông cũng chảy qua nhiều khúc quanh, chỗ ngoặt, có khi ta biết nó chảy về đâu, có khi ta không biết đâu là nơi nó chảy. Ta nói thời gian trôi cũng như sông trôi. Cái đã trôi qua không trở lại. Và trong dòng chảy trôi ấy của sông, của thời gian, muôn vật biến đổi không ngừng nghỉ. Khổng Tử ở phương Đông đứng bên trên sông ngắm nhìn dòng nước mà nói với các học trò: "Thệ giả như tư phù; bất xả trú dạ" (Mọi vật đi qua như nước này chảy đi; ngày và đêm không có vật chi ngừng nghỉ). Heraclit của phương Tây thấy sông là thấy sự chuyển động: "Không ai tắm hai lần trong một dòng sông". Nhưng không chỉ vì sông trôi nên nước tắm ta lần trước đã không còn phải là nước tắm ta lần sau. Mà còn vì thời gian trôi, ta ở lần tắm sau đã khác ta ở lần tắm trước. Nghĩa là thời gian làm cả sông và ta thay đổi.
Xuân Diệu (1916 - 1985) thi sĩ yêu đời cuồng nhiệt nên luôn cuống quít với bước đi của thời gian. Ông thúc giục con người phải vội vàng để sống hết cõi sống trần gian, căng hết các giác quan để tiếp nhận và cảm thụ hết mọi hình bóng mùi vị thanh âm hương sắc cuộc đời. Nói về thời gian ông có một bài thơ thật hay lấy chuyện đi thuyền để nói. Con thuyền đi trên sóng nước dòng sông cụ thể, nhưng đời người ta cũng là con thuyền trôi trên sóng nước cuộc đời mà mỗi khắc mỗi giây luôn thay đổi cùng với sự đổi thay của đất trời, vũ trụ, của chính cơ thể mình nữa.
Thuyền đi mà nước cũng trôi
Lại thêm mây bạc trên trời cũng bay
Tôi đi trên chiếc thuyền này
Lòng thơ mơ tưởng cũng thay khác rồi
Cái bay không đợi cái trôi
Từ tôi phút trước sang tôi phút này
Thuyền chuyển động, nước chuyển động, mây chuyển động, tôi chuyển động. Bốn cái động tương tác thành chuyển hóa của "tôi" phút trước sang "tôi" phút này. Dòng sông thời gian trôi lững lờ, dửng dưng, chỉ con người là thấy nó như nước chảy mây trôi khi êm đềm, khi bão tố. Mỗi con người chỉ ngụp lặn một thời đoạn trên dòng sông thời gian. Nhân loại thì sống với dòng sông ấy kiếp này qua kiếp khác.
Thời gian một đi không trở lại nên con người sống là phải chạy đua với thời gian, phải tận hưởng những lạc thú ở đời. Trong những lạc thú ấy có rượu. Rượu uống để say đê mê, để quên những phiền muộn, để được ảo giác thăng hoa, và cái chính là để quên đi cái kiếp người hữu hạn trên dòng thời gian. Lý Bạch (701 - 762) ca khúc "Tương tiến tửu" vì ngẫm đời người sáng tóc còn xanh chiều đã bạc trắng, như nước sông Hoàng Hà chảy ra biển khơi khôn vời lại được. Vậy nên "Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch / Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh" ( "Thánh hiền bặt dưới cỏ xanh / Chỉ phường bợm rượu lưu danh trên đời" - câu dịch của nhà thơ Lê Đạt). Uống rượu như thế là một cách chống chọi với sự chảy trôi của thời gian, một cách tìm ý nghĩa sự tồn tại của đời người.
Nguyễn Du (1765 - 1820) cũng chung một ý này: "Sinh tiền bất tận tôn trung tửu / Tử hậu thùy kiêu mộ thượng bôi?" ("Rượu không uống cạn sinh thời / Tới khi xuống mộ ai người tưới lên"). Nhà thơ của chúng ta khi qua một con sông cũng thấy nước chảy về đông "thao thao cánh bất hồi" ("cuồn cuộn trôi đi không trở lại"). Trong một giấc mộng ông cũng lại thấy "Thệ thủy nhật dạ lưu" ("Dòng nước ngày đêm chảy mãi") mà người đi xa mãi không về ("du tử hành vị quy"). Một lần nhìn sông Lam nước lên to, ông ngẫm ngợi kiếp người sao cứ liều mình vào chỗ hiểm nguy, "khứ giả hà thao thao / lai giả thượng vị dĩ" ("Người trước đã cuồn cuộn qua rồi / Người sau còn đến tiếp không ngớt"). 
Biết sao được, dòng sông thời gian cứ thế cuốn ta đi. "Nước thời gian nhuộm tóc trắng phơ phơ" (Đoàn Văn Cừ) Nhưng "nước đi ra bể lại quay về nguồn" (Tản Đà), mỗi con người, mỗi thế hệ người lại nối tiếp nhau trên dòng thời gian đi tới phía trước, mang theo tất cả những nỗi niềm nhân sinh của bao đời bao kiếp như thuở ban đầu, mà chừng như nhân loại không bao giờ thỏa mãn, bằng lòng. Chàng Faust từng kêu lên "thời gian ơi, ngừng trôi", nhưng có bao giờ nước ngừng trôi từ sông ra bể. Có chăng, là một tâm trạng bùi ngùi "Đến đây gần bể xa nguồn / Con sông chảy chậm nỗi buồn tan lâu" (Vũ Quần Phương). Không ai cưỡng được dòng chảy thời gian, nhưng là con người, ai cũng có thể dùng tâm trí tâm tưởng tách mình lên trên dòng chảy, ngoái nhìn những bờ bãi đã qua, vọng tới những chân trời sắp tới, để vừa hoài niệm vừa hy vọng, trông chờ. Nhất là mỗi độ chuyển mùa...
Hà Nội 12.2010
Phạm Xuân Nguyên
Nông Thôn Ngày Nay số tết Tân Mão, 2011


1 nhận xét:

  Dấu chấm thang – Chùm thơ của Trần Hương Giang 4 Tháng Sáu, 2023 Biết thương cuộc sống ta bà/ Đổi thay, tôi lại thiết tha yêu đời/ Dù ...