Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2015

Gió trời xin ngủ bình yên

Gió trời xin ngủ bình yên
Trong những lời nhạc Trịnh Công Sơn, người ta nhặt được rất nhiều cái mới, từ cách dùng chữ cho đến những ý tưởng. Về màu sắc chẳng hạn, trước đây ta đã có xuân hồng, hạ đỏ, thu tím, thu vàng...thì nay lại có thêm "hạ trắng" và cả những cơn "mưa hồng" (của những cánh phượng rơi), "mưa xanh" (của những lá me bay) cho đủ sắc màu. Về nắng thì có "nắng thủy tinh vàng". Sau tóc mềm, tay mềm, vai mềm, nay lại có thêm "ngoài kia không còn nắng mềm" (Chiều một mình qua phố). Đôi lúc cái mới được đẩy đi quá đà : hết nắng sớm, nắng chiều, lại đến "có khi nắng khuya chưa lên" (vẫn Chiều một mình qua phố). tại sao không? Nhạc sĩ họ Trịnh có thể nói "có mưa khuya thì cũng phải có nắng khuya chứ". Và "nắng như môi hoàng hôn trên phố" (Chiều trên quê hương tôi) cũng phải được kể là một loại...nắng mới. Ta có nghe bể mắt, hồ mắt, giếng mắt...chứ chưa nghe ai nói "chiều đã đi vào vườn mắt em" (Nắng thủy tinh). Ta có nghe giọt buồn (chắc là giọt cà phê), sợi buồn (con nhện giăng mau) chứ chưa thấy ai nói "ta thấy em trong tiền kiếp với cọng buồn cỏ khô" (Rừng xưa đã khép). Nghe hay hơn là "cọng cỏ khô buồn". Tương tự, "tóc xanh mấy mùa", "hoa vàng mấy độ", "sen hồng một nụ", "quỳnh hương một đóa" nghe hay hơn là mấy mùa tóc xanh, mấy độ hoa vàng, một nụ sen hồng, một đóa quỳnh hương. Ta cũng đã nghe giọt mưa, giọt đắng, giọt sầu...nay lại có thêm "giọt chiều trên lá, như mắt người cười giữa chiều phai" (Chiều trên quê hương tôi). Có rất nhiều những cái mới như vậy trong lời nhạc TCS. Lối sử dụng tính từ như một danh từ và ngược lại, trước ông vẫn có người dùng, thế nhưng những chữ ông dùng nghe vẫn cứ mới và thú vị, như "nghe những tàn phai", "tôi là ai mà còn trần gian thế... ?" Có những chữ dùng rất cũ, qua tay TCS, như được làm mới lại. vì được sử dụng với những ý mới mẻ. "Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt, rọi suốt trăm năm một cõi đi về" (Một cõi đi về). "Nhật nguyệt" là những chữ thật xưa cũ, đi với "trên gai vai ta"
và "rọi suốt trăm năm" lại nghe như có vẻ mới. Chữ "cõi" trong cõi sống, cõi chết, cõi nhân gian, cõi người ta..., dùng trong "Một cõi đi về" như được khoác cho chiếc áo mới. Nói "Một chốn đi về" nghe vừa hẹp, vừa không được trọn ý. "Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng..." (Một cõi đi về). "Nhân gian" thì cũ nhưng "đôi tay nhân gian" quả là chưa có ai dùng, và cũng không thể tìm ra được chữ nào hay hơn để thay thế. "Em theo đời cơm áo, mai ra cùng phố xôn xao..." (Yêu dấu tan theo). "Cơm áo" là chữ dùng quá thường, nhưng "đời cơm áo" thì nghe lại mới, nhất là đi với "phố xôn xao". "Thôi em đừng khóc nuối, cho môi còn chút thanh tân..." (Yêu dấu tan theo). Thực khó tìm ra được chữ nào hơn "thanh tân" để chỉ đôi môi chưa hôn ai một lần. Chữ "chút" trong câu trên cũng hay được ông dùng.
Cái gì cũng chỉ chút chút thôi, không nhiều lắm, chỉ là một thoáng mong manh. Chữ ấy tuy cũ mà lại mới, làm đẹp thêm câu hát. "Có chút tình thoảng như gió vội..." (Như một lời chia tay), "có chút nắng trong tiếng gà trưa..." (Em còn nhớ hay em đã quên), "đi về đâu hỡi em, khi trong lòng không chút nắng..." (Đời gọi em biết bao lần), "tôi xin làm chút gió, mát thêm những bờ vai..." (Vì tôi cần thấy em yêu đời), "tóc nào hãy còn xanh, cho ta chút hồn nhiên..." (Ru ta ngậm ngùi), "dịu dàng trao chút hương hoa mùa xuân..." (Vẫn có em bên đời), "cho ta còn mãi mãi, chút mùi phấn hương bay..." (Yêu dấu tan theo). Có rất nhiều "chút" như vậy trong những lời nhạc TCS. Khi nói "tự do như gió thổi trên đồng ruộng", hoặc "hạnh phúc như đón mẹ đi chợ về" là mượn hình ảnh để cụ thể hóa những ý niệm trừu tượng. Ở TCS, ta gặp rất nhiều những lối diễn đạt như vậy. Sau mỗi chữ "như" là mỗi hình ảnh, mỗi ý tưởng giàu tính sáng tạo. "Tôi như từng cánh diều vui..." (Nguyệt ca), "chuyện trò với lá cây, rồi buồn như lá bay..." (Tình sầu), "nhìn người đi như mây vô danh..." (Hãy cứ vui như mọi ngày), "em cười em nói, như sóng đùa biển khơi..." (Tuổi đời mênh mông), "đời sao im vắng, như đồng lúa gặt xong, như rừng núi bỏ hoang..." (Ru ta ngậm ngùi), "cho con mắt người tình, ấm như lời hỏi han..." (Những con mắt trần gian).
Có rất nhiều, rất nhiều những cái "như" như vậy trong lời nhạc TCS. Ta còn gặp những cách ví von khác, "chiều nay em ra phố về, thấy đời là những quán không..." (Nghe những tàn phai) hoặc "đời ta có khi tựa lá cỏ, ngồi hát ca rất tự do..." (Đêm thấy ta là thác đổ). Trái tim TCS dễ bắt được những rung động của thiên nhiên. Trong những lời nhạc của ông, hoa cỏ, núi đồi, sông suối, nắng gió, mùa màng...cũng đều biết cảm xúc, biết nhớ biết thương, biết cười biết khóc, biết vui biết buồn. "Tóc em cười trong gió..." (Yêu dấu tan theo), "gió đến chơi từ biển xa..." (Chiều trên quê hương tôi), "gió sẽ mừng vì tóc em bay, cho mây hờn ngủ quên trên vai..." (Như cánh vạc bay), "dưới chân ngày cỏ xót xa đưa..." (Cỏ xót xa đưa), "nhớ gì mà nắng vàng cánh rừng..." (Vẫn có em bên đời), "ngày mai em đi, đồi núi nghiêng nghiêng đợi chờ, sỏi đá trông em từng giờ..." (Biển nhớ). Phải có một trái tim thật là nhạy cảm, những giác quan thật là bén nhạy, mới có thể đọc được, nghe được và hiểu được ngôn ngữ kỳ diệu của thiên nhiên, mới có thể "chuyện trò với lá cây" hay "hôn một nụ hồng, hỏi thăm về giọt nắng" hoặc "đi trong sương mù, gọi cây lá vào mùa" Thử làm một sự so sánh giữa TCS và các nhạc sĩ khác trong cách diễn đạt lời nhạc. Trong lúc Phạm Duy viết "nghìn trùng xa cách, người đã đi rồi..." (Nghìn trùng xa cách) thì ông viết "từ lúc đưa em về, là biết xa nghìn trùng..." (Như cánh vạc bay). Cung Tiến viết "lòng cuồng điên vì nhớ..." (Hoài cảm) thì ông viết " chợt từng bước em là từng mũi đinh cuồng điên..." (Tưởng rằng đã quên). Phạm Đình Chương viết "người đi qua đời tôi..." (Người đi qua đời tôi, thơ Trần Dạ Từ) thì ông viết "đời tôi có ai vừa qua..." (Đêm thấy ta là thác đổ). Ngôn ngữ TCS đôi lúc cũng được đi vào những sinh hoạt thường ngày trong cuộc sống. Bạn hỏi thăm sức khỏe: "Hồi này có gì lạ?", trả lời: "Thì cũng một ngày như mọi ngày thôi". Bạn hay nhắc chuyện xưa tích cũ, cắt ngang: "Xưa rồi Diễm". Bạn rủ ra quán nhậu, không muốn đi, sợ vợ la, sợ vợ nghi mấy ông đi uống bia ôm, bèn nói: "Ngồi nhà nhậu thoải mái hơn, đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt". 
                                                        Lê Hữu
Theo https://vn.answers.yahoo.com

1 nhận xét:

  Dấu chấm thang – Chùm thơ của Trần Hương Giang 4 Tháng Sáu, 2023 Biết thương cuộc sống ta bà/ Đổi thay, tôi lại thiết tha yêu đời/ Dù ...