Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2015

Điều gì đã làm nhạc Trịnh bất hủ theo thời gian

Điều gì đã làm nhạc Trịnh bất hủ theo thời gian

Điều gì tồn tại với xã hội, điều đó bất hủ với thời gian, điều gì tồn tại với thời gian, điều đó phải liên quan đến tính nhân bản của con người. Nhạc Trịnh cũng vậy, hiện diện bên đời như ngọn lửa đêm thâu, chiếu soi ngóc ngách cuộc đời, làm con người nhìn rõ giá trị thật của một đời người như chính họ vậy.
“Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
Rọi suốt trăm năm một cõi đi về”
(Một cõi đi về)
Vầng nhật nguyệt một khái niệm của ngày và đêm, khái niệm của thời gian, khái niệm của sự xoay vần. Thời gian cứ xoay, dòng đời cứ trôi và đời người cứ đi, đi từ sanh cho đến chết, từ trẻ cho đến già, từ ba cõi cho đến sáu đường. Ta đi, đi như một lữ khách, mỏi gối chùng chân, loanh quanh mỏi mệt đến nỗi “chẳng biết nơi đâu là chốn quê nhà”.
Vầng nhật nguyệt phạm trù của thiện và ác. Con người từ lúc sanh ra cho lúc chết đi, của cải, vật chất, vợ con, họ hàng, v.v… không thể mang theo, chỉ có những nghiệp lành, dữ theo ta để định hướng tái sinh. Tại sao vậy? Có lẽ, từ vô thủy ta đã si mê, tham ái, điên đảo nhận ngũ uẩn là thật, thế gian này là thật, ngông cuồng tranh giành giọt mật nơi lưỡi kiếm, vơ vét những cặn bã lợi danh vì ngỡ đó là những gia tài thất bảo, mà đâu hay nó vốn vô thường. Vì tranh giành nên ta đã tạo vô số những nghiệp thiện và bất thiện, cho nên dù đi đâu, về đâu, kiếp này kiếp khác, bên cạnh ta duy nhất hai vầng nhật nguyệt, rọi suốt một cõi đi về.
Cũng vì nghiệp đeo bám, nên “một ngày tình cờ biết em, là ngày lạ lùng biết trần gian” biết trần gian chính là biết cõi Ta bà lắm phù phiếm, vì phù phiếm mà lạ lẫm đê mê, đắm chìm trong đó, để rồi trở thành kẻ lãng tử vay, trả cả cuộc đời.
“Bao nhiêu năm em nợ bạc đầu
Trả nợ một đời không hết tình đâu
Bao nhiêu năm em nợ ngọt ngào
Nợ lại lần này trong cõi đời nhau”.
(Trả nợ một đời)
Vô lượng kiếp về trước và ngàn kiếp trở về sau, ta mãi mãi “nợ lại lần này trong cõi đời nhau”, và “nợ bạc đầu chẳng trả được đâu”! Vì đâu ra nông nổi? Vì cuộc đời là một bóng đêm, mà ta cứ ngỡ lâu đài hạnh phúc. Vì đời người là “sóng sò lầu bể” mà ta cứ ngỡ trường cửu thủy chung, nên khi vừa lọt lòng mẹ đã đi kiếm tìm mộng mị.
Không chỉ dừng lại ở đó, con người còn khát vọng một hoa đốm hư vô, một “sóng nắng mặt trời”, đi vào đường mòn vô định.
“Đường chạy vòng quanh một vòng tiều tụy
Một bờ cỏ non một bờ mộng mị”.
(Một cõi đi về)

Buồn chăng một kiếp người! kinh Pháp Hoa dạy rằng chúng ta là gã cùng tử lang thang đói rách, vì không biết có viên minh châu trong chéo áo, nên cứ đi hết nơi này đến nơi khác để tìm miếng ăn, vì không biết giá trị của viên minh châu nên suốt đời làm lữ khách, một lữ khách:
Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ
Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà”.
(Một cõi đi về)
Có phải nhạc Trịnh đã gặp được tư tưởng kinh Pháp Hoa? Hay nhạc Trịnh hòa nhập trong pháp giới của kinh Pháp Hoa, viên minh châu bỏ quên trong chéo áo, trong nhạc Trịnh chính là:  “sen hồng một nụ, em ngồi một thuở, một thuở yêu nhau, có vui cùng sầu”, nhưng vì không biết có trong chéo áo nên:
“Em phụ tôi một đời bé dại
Thơ dại ra đi không nhớ gì tôi
Thơ dại ra đi quên hết tình tôi”.
(Xin trả nợ người)
Thơ dại ra đi nên ta là cùng tử, thơ dại ra đi nên ta lăn trên đường mòn và “ta trôi trong cuộc đời, ta phiêu du một đời, không còn không còn ai”.
Tình tôi ở đây và viên minh châu có gì là khác? Nếu viên minh châu trong kinh Pháp Hoa là trí tuệ tròn đầy, bàng bạc khắp hư không, thì tình tôi là chơn tâm, một chơn tâm uyên nguyên chưa từng sanh diệt. Vì mãi phụ chơn tâm nên ta luân hồi nhiều kiếp “tim nào có bình yên” vì mãi phụ chơn tâm mà ta rêu rao đời mình “bỏ mặc nơi đây bỏ mặc người, bỏ trăm năm sau ngàn năm nữa”. Và hơn thế nữa, ta không còn là ta, ta mãi đi xa, đi trên đường mòn vô định của ngã ái chấp thủ, ta lăn trong màn thẳm tối tăm, nhạc Trịnh khúc chiếc một nổi lòng:
“Mang nặng hồn tả tơi…
Đau nặng từng lời nói….
Từng mạch đời trăn trối…
Quanh đời mình chợt tối…
Giọng buồn lên tiếp nối…
Từng chiều lên hấp hối…
Bóng đổ một mình tôi…”
(Một ngày như mọi ngày)

Ôi! Thương thay, ta đây ư? Nghe như thán như hờn, có con đường nào đưa ta về bến giác? Có lối rẽ nào đưa ta về chỗ uyên nguyên? Sao ta còn đây mà mãi thấy cõi hư vô, đời còn đây mà  không chốn quay về? Trong hoang vắng, ta “như trẻ nhỏ ngôi bên hiên nhà, chờ nghe thế kỷ tàn phai, ta như trẻ nhỏ tìm nơi nương tựa, mà sao vẫn cứ lạc loài…”, để rồi khoảnh khắc tuyệt vọng:
“Tôi là ai mà còn ghi dấu lệ
Tôi là ai mà còn trần gian thế
Tôi là ai ? Là ai? Là ai?”
(Đừng tuyệt vọng)
Một dấu hỏi lớn, hỏi ai? Ai đáp? Phải chăng trong dòng tử sanh, vì không nhận ra cuộc đời vốn huyễn hoặc, kiếp người giống như con thiêu thân, lại thấy ánh lửa cứ cho là cõi mộng, điên cuồng lao đến để rồi cay đắng ngậm ngùi:
“Một mình giữa đêm tối, thướng nhớ về nơi xứ người
Một mình giữa đêm tối, nghe nỗi đau lạc loài biển khơi”.
(Đêm cô đơn – Nguyễn Nhất Huy)
Lại có lúc tê tái một cõi lòng khi “một chiều tóc trắng như vôi, lá úa trên cao rụng đầy, cho trăm năm vào chết một ngày” cũng là lúc ta đang là:
“Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai tôi trở về làm cát bụi
Ôi cát bụi mệt nhòa”.
(Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi)
Nơi đây ta có thể cảm nhận chăng! Một dòng sinh mệnh, hay một dòng chảy cuộc đời? Chết là điểm cuối cùng của một cuộc đời con người, là chuỗi mắc xích của mười hai nhân duyên, chết không có nghĩa là hết, chết là một hình thức kết thúc việc tạo tác từ thân khẩu ý trong một thời gian nhất định, và là khởi nguồn cho một sự tái sanh. Vậy đừng cho rằng chết là hết, đối với nhạc Trịnh thì cuộc đời là cõi tạm, là phù du cát bụi, là “sinh ký, tử quy”, là những gì liên quan đến phận người. Mà thân phận con người thì vừa cao cả, vừa bi đát, vừa thấy những tia sáng lóe lên, vừa dò dẫm bước đi trong bóng tối, vừa là tiếng kêu vô vọng, vừa là sự thúc bách “sống còn” tự “thâm sâu”, tất cả đều được nhạc Trịnh cưu mang trong từng câu ca, từng điệu nhạc. Nơi dấu chấm cuối cùng của cuộc đời, Ta lại gặp nhạc Trịnh ở ngay lối rẽ:
“Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng
Nắng vàng phai như một nổi đời riêng
Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng
Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh
Có đường xa và nắng chiều quạnh quẽ
Có hồn ai đang nhẹ nhẹ sầu đêm…”
(Đừng tuyệt vọng)
Con người hôm nay hình như đã đánh mất đi cái cảm nhận sâu thẳm của một người trèo núi ngồi bên bờ vực thẳm, thì ca khúc của Trịnh Công Sơn lại là bài kinh cầu bên bờ vực thẳm đó. Nó có sức lay động ý thức về thân phận ở bất cứ một ai mê muội định tìm một chỗ ẩn trốn an toàn ở đời. Và vì vậy ca khúc của Trịnh Công Sơn không hẳn chỉ là những bông hồng dâng tặng cho đời mà chứa đựng tất cả những tâm trạng lo âu, sao xuyến của một con người nhạy cảm nhìn ra thế giới hiện đại:
“Thương ai về xóm vắng
 Đêm nay thiếu ánh trăng
Đôi vai gầy ướt mềm
Người lạnh lắm hay không”
(Thương một người)
Cũng có những lúc ta bắt gặp nhạc Trịnh chứa đựng một âm vang ngạo nghễ “Con chim ở trọ cành tre. Con cá ở trọ trong khe nước nguồn. Sương kia ở trọ miền xa. Cơn gió ở trọ bao la đất trời. Tôi nay ở trọ trần gian. Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời”. Và hơn thế nữa, một cách ví von đời người trong thế giới phù dung như một cung bậc của tiếng đàn, làm lòng người xa dần ngã chấp:
“Em đi qua chuyến đò, ối a vui như ngày hội
Tôi xin làm quán đợi, buồn chân em ghé chơi.
Em đi qua chốn này, ối a sao em đành vội
Tôi xin làm đá cuội,và lăn theo gót hài”.
(Ở trọ)
Nhạc Trịnh cho rằng chỉ có nhìn đời như vậy ta mới buông dần cái gọi là “của ta”, biết đời như vậy, ta sẽ thương ta, thương người, thương cả cuộc đời, và mạnh mẽ “sống trong đời sống cần một tấm lòng”. Cho dù “mùa xuân không về, mùa thu ra đi, mùa đông vợi vợi, mùa hạ khói mây” thì hãy “yêu ngày tới dù quá mệt kiếp người còn cuộc đời thì ta cứ vui” hay có thể trong sát na “từng lời tà dương là lời mộ địa” thì “dù đến dù đi tôi cũng tạ ơn người, tạ ơn đời, tạ ơn ai” cho tôi hiểu “em là tôi và tôi cũng là em” có như vậy trong ta khoảnh khắc hiện hữu “con tim yêu thương vô tình chợt gọi, lại thấy trong ta hình bóng con người”. Và chính điều này làm ta khẳng định rằng đạo Phật có trong nhạc Trịnh, và nhạc Trịnh thấm nhuần tư tưởng của đạo Phật. Nhạc Trịnh đi từ thô đến tế, từ thấp đến cao, từ ngoài vào trong, để đưa chúng ta đến một thế giới hạnh phúc, thế giới của tình thương, thế giới của sự sống. Và “con người” ở đây chính là một chơn tâm thường hằng, bất biến, đồng thời cũng chính là nơi về của đạo Phật. Tám mươi bốn ngàn pháp môn trong đạo Phật không ngoài đưa ta về chỗ này. Có thể nói nhạc Trịnh tận cùng sâu thẳm đã hiểu được “bao sông có nước bao trăng hiện, mấy dặm không mây mấy dặm trời”?.
Vậy điều không ngoa, chính nhạc Trịnh sống mãi trong lòng người là ở chỗ mỗi ca khúc của Ông là một triết lý sống đặc thù và điều này đã làm nhạc Trịnh bất hủ theo thời gian vậy.


1 nhận xét:

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...