Thứ Tư, 29 tháng 7, 2015

Tiếng vọng của những trường liên tưởng và cảm xúc

Tiếng vọng của những trường liên tưởng và cảm xúc
Thật ngạc nhiên khi nhà thơ Anh Vũ trong mấy năm gần đây liên tục cho ra đời những tập trường ca. Theo định nghĩa hiện nay, trường ca là một tác phẩm thơ có dung lượng lớn, thường có cốt truyện hoặc trữ tình (trước đây, trường ca dùng để gọi các tác phẩm sử thi thời cổ đại và trung đại, khuyết danh hoặc có tác giả).
Anh Vũ đã vận dụng tối đa khả năng ngôn ngữ nhằm phát huy cao nhất đặc trưng trữ tình của trường ca hiện đại đó là sự thể hiện cảm xúc của cái tôi cá nhân đối với truyền thống văn hoá - lịch sử của dân tộc. Đồng thời, chất sử thi hùng tráng còn phảng phất bên cái trữ tình chủ đạo.
Hẳn bạn đọc còn nhớ “Một lòng chảo khác” với cái bi tráng của Điện Biên máu và hoa, nhớ một “Mặt trời trắng” viết về một người anh hùng và mối tình hữu nghị Việt - Lào, một “Khau Vai…” viết về Hà Giang hùng vĩ. Ở những trường ca ấy, tác giả đã xác lập một cảm quan thẩm mỹ rộng lớn, một lối viết có nhiều cách tiếp cận khác nhau theo mạch ngang hay dọc của ý tưởng. Riêng Người hát sử thi Đề Thám dường như khác hẳn. Câu chữ được chiết xuất từ mạch nguồn cảm xúc từ sử thi, từ những bài vè, câu ca dân gian về người anh hùng Đề Thám và vùng đất thiêng Yên Thế mang đậm chất suy tưởng nội tâm.
Trường ca chia thành năm chương: Đất cất lời; Trăng mưa vườn bụt; Cầu Vồng; Lửa đường lên; Phục sinh. Mỗi chương có một đời sống khác, được gắn kết bởi mạch nguồn cảm xúc của nhà thơ. Đất cất lời là những khắc hoạ về đất đai, sông núi một vùng rừng Yên Thế, nơi những câu vè, những bài ca dân gian đã hoá thân, chìm khuất, sống mãnh liệt trong mỗi người, mỗi cỏ cây, hoa lá. Phần nào tác giả muốn lí giải nguồn cội của người hát sử thi Đề Thám, họ là ai, họ hát gì về người anh hùng áo vải đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa nông dân vĩ đại suốt 30 năm chống thực dân Pháp? Phải chăng họ chính là nhân dân, là sông núi, là tiếng nói tâm tưởng trong lòng người mọi thế hệ mà nhà thơ là một hiện sinh:
“Rầm rì rầm rì
Ông cụ hát hay bà cụ hát
Giọng đều đều hơi thở thời gian
Vè Yên Thế sử thi Yên Thế
Như núi như rừng
Chất chồng tháng năm nhắc nhở
Rầm rì rầm rì
Vè Yên Thế sử thi Yên Thế
Người kể cả năm ròng còn tươi đuốc lửa…”
Sức sống của sử thi về vùng đất Yên Thế và hùm thiêng Đề Thám được phản ánh trong lối tư duy đối trọng giữa quá khứ và hiện tại:
“Tôi đã lắng, tôi đã nghe
Tôi đã nhìn tận mắt
Tôi đã cầm tận tay
Bao nhiêu bài vè Yên Thế sử thi Yên Thế
Trong giọng kể phì phò người già
Trong giọng ca vói lên sức người trẻ
Trong bó sách khắc trên thẻ tre
Trên gỗ trên đá trên đồng
Trên tàu khô lá cọ lá kè…
… Bia miệng còn Yên Thế còn
Không khí cho ta hít thở
Sự sống cho ta tin yêu
Và anh, và em…” 
Rồi trên cái nền sử thi ấy, lấy cái cớ “anh” tâm tình với “em” mà “tôi”, nhân vật trữ tình trong trường ca đã bộc lộ một đời sống tinh thần nhiều cung bậc và hết sức tự do trong cái nhìn duy mỹ về sự hiện sinh, dịch chuyển hay tái tạo của đời sống.
Trăng mưa vườn Bụt đã khắc hoạ lại không gian thực bên cái hiên nhà và khu vườn Bụt của nhà thơ. Nơi ấy gia đình con cháu của nhân vật “tôi”, quây quần sống cùng những hồi ức về tuổi thơ, về tình bạn, tình yêu, về nguồn cội, về sự phồn sinh của cuộc sống con người. Bên cạnh đó là cái không gian ảo của núi rừng Yên Thế - nơi nuôi giấu nghĩa quân Đề Thám năm xưa được tái hiện trong ký ức của nhân vật trữ tình qua dư âm những bài vè day dứt:
Những con đường còn hập hơi khói đạn
nhịp bước theo chân người kể vè…
Nghe nghe
Nghe nghe
Tiếng tăm tối của ruột rừng khe suối
Tiếng quằn quại từng hồn cốt phiêu linh
Tiếng Nguyễn Du tế “Thập loại chúng sinh”
Tiếng Nguyễn Gia Thiều ngâm “Cung oán khúc”
Tiếng Cai Kinh đá núi dựng thành
Tiếng Đàm Thuận Huy dựng cờ tiết nghĩa…”.
Có thể thấy, cá nhân nhà thơ - chủ thể trữ tình trong trường ca đã mở rộng biên độ cảm xúc và tư duy về lịch sử đất nước. Điều này người đọc cũng từng gặp trong trường ca Người cùng thời của Mai Văn Phấn (1999) và Đổ bóng xuống mặt trời của Trần Anh Thái (1999).
Trong những hồi ức ấy có một đoạn đối thoại giữa cháu và bà, cụ thể hơn là cháu nói với bà trong tâm tưởng, người bà đã nuôi cháu từ tấm bé, gồng gánh cháu đi tản cư. Người cháu có một cơ duyên làm nghệ sĩ điêu khắc đắp tượng Đề Thám “Nhờ đất làm cốt/ Dựng nên hình tượng người anh hùng/ Sừng sững khoảng trời riêng Yên Thế/…”. Người cháu ấy chính là nhà thơ, hoạ sĩ Anh Vũ. Tôi chắc rằng ông đã ấp ủ trường ca này sau nhiều ngày tháng nằm gai nếm mật tại vùng quê Yên Thế để đắp tượng Đề Thám và nghe trong dân gian những bài ca bất tử.
Vì thế mà cuối trường ca, trong chương Phục sinh ta thấy nguyên sự run rẩy, thảng thốt của một người nghệ sĩ làm tượng khi phút cuối ngắm nhìn khuôn mặt Đề Thám hiện ra trên bức tượng đồng: 
Hôm mở mặt tượng
Tôi lặng lẽ nhặt lên mảnh khuôn nung
Mảnh thao đất nâu đen
Mảnh máu thịt Yên Thế tự bóc ra
Những nghìn độ thoát thai
Hiện thực hay huyền thoại…
Từng đôi chim Việt Cầu Gồ Phồn Xương 
Phượng hoàng phượng hoàng
Nhảy vào lửa
Và phục sinh từ lửa…” 
Cuộc đời bi tráng của anh hùng Đề Thám đã bất tử khi hoá thân thành đất, nhập vào hồn tượng đồng, và thổn thức trong những lời hát dân gian.
Anh Vũ đã dùng phép lạ hoá các ẩn dụ, biến tấu những bài vè dân gian thành những hình tượng thơ giàu sức gợi. Điều đó thể hiện rõ trong chương thứ ba Cầu Vồng. Tác giả dùng lối tư duy phổ quát để dựng lại toàn bộ thời kỳ tao loại, đen tối, cuộc sống khổ đau bế tắc của vùng quê Yên Thế khi chưa có sự  xuất hiện của hùm thiêng Đề Thám. Và chỉ có Đề Thám mới là người: “Chân đo từng bước rộng dài/ Núi rừng Yên Thế/ Chấp ngoài tầm tên…”.
Bằng “cái nhìn bề xa” để kéo quá khứ lại gần, tạo cho nó sự hoà quện ngay trong ký ức đã dẫn dụ người đọc đến với những ẩn ức phải khám phá. Chương bốn Lửa đường lên đã dựng lại một cuộc tản cư của lớp lớp con người tụ về tìm đất Yên Thế mà sinh sống. Nhân dân đã tin yêu và trao số phận cuộc đời mình cho Đề Thám, tin vào cuộc khởi nghĩa chống lại thực dân xâm lược mà ông là thủ lĩnh. Bản thân nhà thơ cũng là một trong những đứa bé tản cư, lớn lên cùng biết bao sử thi về người anh hùng…
Bằng cách sử dụng xu hướng nghệ thuật của văn xuôi hiện đại đó là thủ pháp dòng chảy ý thức, nhà thơ Anh Vũ đã đưa người đọc đi từ sự kiện này đến sự kiện khác thuộc nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau, nhiều không gian khác nhau, đạt được giá trị thẩm mỹ cao.
Thời gian lịch sử trong trường ca cũng đã được thay thế bằng thời gian tâm linh, đó là một thời gian mơ hồ, vô định, một hình thức tồn tại của xu hướng trữ tình, suy tư, trở về chốn nội tâm.
Một không gian rộng mở của vùng quê Yên Thế được dựng lên đủ cho nhân vật “quẫy đạp” và làm sống lại một hình tượng anh hùng dân tộc. Hình tượng thơ được viết từ lòng ngưỡng mộ, tôn kính, và từ trái tim giàu rung động. Một không gian thơ không bị khuất lấp bởi địa danh, mà được nối tiếp bằng những trường liên tưởng. Các cặp khái niệm mất - còn; chết - sống; hy sinh - phục sinh; giản đơn - vĩ đại đã tạo nên dòng chảy ngầm của liên tiếp những hồi ức của nhiều con người trong một con người nhà thơ tạo nên chân dung Đề Thám hùng vĩ mà chân thật. 
Có thể nói rằng Anh Vũ viết trường ca này bằng trực giác (chủ yếu là nghe, nhìn thấy) và linh cảm, bằng tiếng vọng của liên tiếp những trường liên tưởng cảm xúc dồn nén. Hơi tiếc, nếu tác giả tiết chế câu chữ ở một số đoạn thì tác phẩm sẽ không bị có cảm giác dàn trải. Nhưng không, dụng ý của nhà thơ là vậy, bởi “Người hát sử thi Đề Thám” luôn muốn sử thi được đầy lên…
Mai  Phương
Theo http://www.tapchisongthuong.com/

1 nhận xét:

  Dấu chấm thang – Chùm thơ của Trần Hương Giang 4 Tháng Sáu, 2023 Biết thương cuộc sống ta bà/ Đổi thay, tôi lại thiết tha yêu đời/ Dù ...