Chủ Nhật, 11 tháng 10, 2015

Đa tình Miên Đức Thắng

Đa tình Miên Đức Thắng
Sau hơn 10 năm ở Đức, nhạc sĩ Miên Đức Thắng đã trở về Việt Nam và sống lãng tử với những sáng tác gốm sứ độc đáo, vẽ tranh và ngao du với bạn bè.
Quyết định nghỉ hưu sớm rồi trở về sống tại Việt Nam từ năm 2000 đến nay, ngoài tranh, nhạc; gốm và sứ là niềm đam mê lớn nhất của nhạc sĩ Miên Đức Thắng hiện nay. Ông say mê nói về tác phẩm gốm Buồn Vui làm bằng đất nung ở Tiền Giang, chiếc bình gốm sứ làm ở Bình Dương ghi nguyên lời bài hát Lạ Lùng của chính ông. Một tác phẩm từ khi nặn, vẽ, phơi khô, lên men và nung mất hơn 1 tháng. Riêng gốm sứ, ông có vài chục tác phẩm, tranh thì trên 50 bức. Những tác phẩm nghệ thuật của ông có một chút gì đó thong dong, thảnh thơi, song lại không giấu được vẻ phóng khoáng.
Say đắm với hiện tại
Với những nhạc phẩm như Hát từ đồng hoang, Lớn mãi không ngừng…, Miên Đức Thắng của một thời từng thổi bùng ngọn lửa khát vọng hòa bình trong lòng giới trẻ miền Nam, nay lại không muốn nói nhiều về chuyện cũ nữa. Ông bộc bạch: “Tiếng Anh có câu: I am here and now – Tôi đang sống ở đây và bây giờ. Trong cuốn Tự Do Đầu Tiên Và Cuối Cùng của Krishnamurti, triết gia người Ấn Độ, có viết: Đường đời được vẽ nên từ nhiều chấm nối lại với nhau. Nếu ta sống mỗi phút thật trọn vẹn thì sẽ có một đời sống trọn vẹn. Sống với hiện tại có ý nghĩa và đáng quý hơn cứ nhìn quá khứ để tiếc nuối, huyễn hoặc chính mình”.
Theo ông, bản thân của mỗi sự việc không có thời gian. Những con số, những khái niệm đo lường chỉ là phương tiện, quy ước mà con người đặt ra để nói với nhau. “Con người mình đôi khi rất dở. Dù thời gian đã trôi qua rất lâu nhưng khổ nhất là cứ thích nhắc lại, nhớ tới và nói về nỗi khổ. Tôi thích sự chuyển động và sáng tạo liên tục, nên tôi không thích hoài niệm. Hãy say đắm với hiện tại, như vậy thôi đã thấy cuộc đời này quý giá biết chừng nào”, nhạc sĩ Miên Đức Thắng nói.
Tiếp mạch chuyện về khái niệm thời gian, ông chỉ cho tôi xem bức tranh của người bạn Lê Thanh vẽ tặng. Tranh vẽ một chàng thanh niên khỏe mạnh, vạm vỡ, ôm đàn, bên cạnh có khuôn mặt thiếu nữ, ông già và một khuôn mặt đầy trầm tư…Từ bức tranh này, ông viết bản nhạc Đi qua sắc màu nhớ nhau tặng Lê Thanh: “Một mùa tóc xanh còn nặng/ Còn chờ vết thương ngày sau/ Tìm về nét ai thầm lặng/ Đi qua sắc màu nhớ nhau/ Đường dài cũng là một chấm thôi / Anh ơi anh ơi đời quá mộng/ Đường gần đường về một chấm thôi/ Theo nhau đi qua bóng chiều tà/ Ngồi lại hôm nay bờ bến cũ/ Để thấy bây giờ là mai sau”.
Câu cuối cùng, ông hát như đang rưng rưng. Miên Đức Thắng đa tài, hát hay và chơi thành thạo nhiều nhạc cụ: piano, keyboard, guitar, harmonica, mandolin… Nét đặc biệt của ông là gảy đàn bằng những ngón tay trái lão luyện. Những mất mát, trải nghiệm qua bao lần chứng kiến ranh giới mong manh giữa được và mất, đôi khi cũng khiến người nghệ sĩ này rơi nước mắt. Ngày còn bé, ông kể, mỗi khi đêm về thấy trăng và mưa là xúc động mạnh, buồn không ngủ được và muốn hát hò gì đó. Từ đó, hát trở thành nhu cầu khao khát ở bên trong. Còn vẽ tranh, ông không qua trường lớp, bắt đầu vẽ từ năm 1970, chỉ học qua bạn bè và suy tư từ việc đọc.
Chưa té sấp té ngửa vì phụ nữ
Vậy người đàn ông trong Miên Đức Thắng từng té sấp té ngửa trước cái đẹp chưa? Ông nói ngay: “Trước một tác phẩm hội họa, một bản nhạc không lời hoặc một cảnh thiên nhiên, kiến trúc đẹp của Ý, đôi khi tôi bị té sấp té ngửa thật. Nhưng với người đẹp thì hình như chưa”.
Đang sống yên ổn với vợ con ở Đức, một ngày, khi đã gần đến cái tuổi tri thiên mệnh, trong ông lại bùng lên khao khát được tự do sáng tạo. “Bỗng dưng tôi thấy cuộc sống của mình ở nước ngoài thừa thải và buồn quá!”, ông nói. Ông tâm sự với vợ và 4 cô con gái: “Các con để cho ba về Việt Nam, coi như ba đi xa đâu đó hoặc quên ba đi, đừng níu kéo ba nhiều quá, ba muốn bớt bận bịu để sáng tác”. Ý nghĩ đó ban đầu khiến vợ con ông bất ngờ, không mấy dễ chịu nhưng rồi cũng phải chấp nhận.
Tôi nói Miên Đức Thắng thuộc típ đàn ông đa tài lẫn đa tình. Không đồng ý mà cũng chẳng phủ nhận, ông mỉm cười: “Tôi khát khao mãnh liệt cuộc sống tự do. Chỉ có tự do sáng tạo, các cung bậc cảm xúc mới thăng hoa được”. Ông phủ nhận tư tưởng sở hữu trong tình yêu. Ông ít viết, vẽ về đề tài tình yêu. Theo ông, yêu và muốn sở hữu là giết chết tình yêu: “Người nghệ sĩ đôi khi thật lung tung và tham lam, nên ý nghĩ sở hữu đối với họ là không nên. Yêu là mênh mông, mà mênh mông thì không có giới hạn bao giờ”.
Miên Đức Thắng mê triết học, y học xã hội và ham thích tìm hiểu 2 lĩnh vực này từ nhỏ. Sang Đức, cái nôi triết học của nhân loại lại cho ông nhiều cơ hội tiếp cận và đắm chìm trong không gian của những khái niệm phản đề, tập đề, tâm lý, bệnh lý… Khi hiểu được sự thay đổi của con người qua bệnh lý thì có thể thay đổi xã hội. Tuy nhiên, ý niệm này không ít lần khiến ông mỏi mệt bởi ông hiểu, cái tận cùng, cao nhất của triết học cũng chỉ là khoảng không trống rỗng.
Không chỉ mang dáng phóng khoáng tự do trong sáng tạo của phương Tây, nhạc và hội họa của ông còn ẩn sự tinh tế trong triết lý phương Đông. Một bức tranh vẽ hồ sen của ông hội tụ 4 ý nghĩa: Sinh, lão, bệnh, tử. Ông nói, đó là chu kỳ của cuộc đời mà người ở phương nào cũng phải đi qua. “Vậy vạn vật rồi cứ phải cũ kỹ theo thời gian sao?”, “Không, có một thứ không bao giờ cũ, nếu bạn biết chọn lựa cách sống thế nào”, ông nói. Vẫn với tay trái ôm đàn, so phím lão luyện, ông hát: “Thời gian đâu có già/ Thời gian đâu có dừng/ Tâm già tâm đi quanh/ Lạ lùng thay giận hờn/ Lạ lùng thay phiền muộn/ Sao mi cứ mới toanh”.
Chia tay ông khi thành phố đã lên đèn, tôi nói vội, dường như ông đang cổ súy cho lối sống gấp? Ông lắc đầu quầy quậy: “Không phải sống gấp! Tôi ủng hộ những sáng tạo, đột phá mới mẻ và sự chuyển động. Bởi nếu trên đời này có một từ “vĩ đại” thì sống thôi là vĩ đại lắm rồi, nhất là khi đối diện với tử thần!”.
Tôi khát khao mãnh liệt cuộc sống tự do. Chỉ có tự do sáng tạo, các cung bậc cảm xúc mới thăng hoa được”.
Nhạc sĩ Miên Đức Thắng
Sinh năm 1945
Đã học Đại học Khoa học Sài Gòn, Đại học Vạn Hạnh và cao học ở Đại học Đà Lạt.
1966: Do phát hành tập nhạc Hát từ đồng hoang gồm 10 bài phản chiến, bị Chính quyền Sài Gòn kết án 5 năm khổ sai biệt xứ.
1989: Sang Đức định cư.
Các tác phẩm tiêu biểu: Hát từ đồng hoang (1966), Lớn mãi không ngừng (1966), Sóng chờ (2005).
Đưa em về quê hương - Duy Khánh
Hằng Nga 
Theo http://xunauvn.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Độc đáo Trần Hùng

Độc đáo Trần Hùng Nhà thơ Trần Hùng sinh ngày 4.12.1957, quê nội ở Hà Tây nay thuộc Hà Nội, nhưng ông sinh ra ở Yên Bái quê ngoại trong mộ...