Cơm âm phủ
Có những bước lỡ chân quá đà
vì cao hứng, hay những lúc làm ra vẻ lịch lãm về một điều mà thực ra, mình chưa
bao giờ nếm thử... để rồi, ba bốn chục năm sau, nằm vắt tay lên trán, hồi
tưởng lại còn cảm thấy “ốt dột” đến cong người. Cái “ốt dột chưa tề” của Huế
không nặng nề như cảm giác “xấu hổ” của miền Bắc; cũng không nhẹ nhàng như nỗi
“mắc cỡ” của miền Nam, nhưng nó lại tê tê, buồn buồn, nhồn nhột, ray rức với một
cảm giác mất mát mơ hồ vào cả trong giấc ngủ.
Một cảm giác “ốt dột” nhẹ
nhàng nhưng lại đeo đẳng lâu nhất trong đời tôi đã bắt nguồn từ lần đầu tiên đi
ăn cơm âm phủ. Đó cũng là lần đầu tiên tôi cầm được món tiền học bổng ba tháng
đầu năm của đời sinh viên sư phạm Huế với cảm giác lên hương, xu hào rủng rỉnh.
Đã có chút “phú quý” rồi thì cứ thế mà sinh ra lễ nghĩa. Xin tạm giã từ quán
cơm Xã Hội và quán cơm Sinh Viên năm ba đồng một bữa để tận hưởng phong vị cao
sang “vào ttrong phong nhã ra ngoài hào hoa”. Tôi hạ quyết tâm đi ăn cơm âm phủ
và không quên mời giai nhân cùng chia xẻ “vinh hoa”. Tôi cẩn trọng đạt lời
mời tới cô em ban C Đồng Khánh ở cửa Đông Ba trước cả tuần lễ. Dĩ nhiên là cô
em cũng ra chiều cảm động, chớp chớp đôi mắt ướt và ửng hồng đôi má nhỏ nhẻ nhận
lời.
Đến hẹn, tôi hiên ngang tiến
về phía sân vận động Tự Do, loay hoay mãi mới tìm ra quán cơm Âm Phủ không biển,
không hiệu, nằm khiêm tốn ở góc đường. ở Huế trên mười năm, tôi chỉ nghe qua và
đinh ninh rằng, có một loại cơm đặc biệt nào đó gọi là cơm Âm Phủ giống như bún
bò Huế, mì Quảng, hủ tiếu Mỹ Tho, phở bò Hà Nội... nơi cái đất Cố Đô “đá mòn
reu nhạt” nầy. Cơm âm phủ tuởng tượng trong mớ kiến thức văn minh miệt vườn
của tôi nó rất ly kỳ như kiểu “Thịt oan cừu nướng đuốc ma trơi...”
Khi vào quán, ngồi xuống bàn
ăn, tôi còn thò tay vào túi quần sờ lại xấp giấy bạc cho chắc ăn và mĩm cười,
ngó quanh một cách đầy lịch lãm. Có tiếng em bé gái hầu bàn hỏi:
- Dạ thưa o chú muốn ăn chi?
Tôi đã chuẩn bị tư tưởng sẵn
sàng nên gọi hàng một cách đầy khí thế tự tin:
- Cho hai “cái” cơm âm phủ.
Tôi cảm thấy mình rất thông
minh và khôn khéo khi dùng tiếng “cái” để khỏi xác định một loại cơm nổi tiếng
mà mình chưa hề biết nó chứa trong mâm hay trên thớt, đựng trong chén hay trong
tô, và nó tròn hay méo như thế nào.
Em bé hầu bàn có vẻ hơi lúng
túng:
- Dạ, cơm chi ạ?
Tôi cao giọng:
- Thì cơm Âm Phủ chớ còn cơm
chi nữa!
Em bé lại tỏ ra càng lúng
túng hơn:
- Ơ...! Mà cơm Âm Phủ nớ là
cơm chi rứa?
Tôi nổi nóng:
- Quán bán cơm Âm Phủ mà hỏi
chi loạng quạng rứa hè?!
Cô bé có vẻ lo lắng chạy biến
vào trong. Lát sau ông chủ quán ra một mình hỏi lại là chúng tôi muốn ăn món
cơm gì. Cơm dĩa, cơm bữa, cơm chiên thập cẩm... hay cơm gì nữa. Tôi nhắc lại mấy
lần là tôi muốn ăn cơm Âm Phủ, nhưng ông ta lại cũng đớ người ra vì không hiểu.
Nghe có tiếng to hơi bất thường, thằng Vĩnh Trung, dân sư phạm sử địa, cũng vừa
lãnh học bổng như tôi, đang ăn đâu đó trong quán bước tới, kéo tay tôi ra
ngoài, lên tiếng:
- Mi là thằng ngố quê
một cục. Làm quái chi có cơm âm phủ trên trần gian nầy. Âm Phủ là tên quán ăn
thôi. Họ bán đủ thứ cơm, nào là cơm dĩa, cơm bữa, cơm sườn, cơm gà, cơm
chiên... Ưa cơm chi thì cứ gọi.
Tôi thất thểu trở vào quán.
Giai nhân nhìn tôi ngờ ngợ. Khí thế mười thành công lực lúc đầu giờ ỉu xìu như
đã bị cao thủ phế hết nội công. Biết ăn nói làm sao bây giờ. Nguội điện. Tôi bỗng
trở thành ngoan ngoãn như thằng Bờm vớ được nắm xôi, nói nho nhỏ với em bé hầu
bàn còn đang chờ ở đó:
- Cơm chi cũng được.
- Cơm chiên thập cẩm chú hỉ?!
Cái “ốt dột” nhỏ xuống từng
giọt làm cho tôi trí óc tôi bốc hơi. Tôi ngồi khêu từng hột cơm chiên, những hột
cơm lặng lẽ buồn thiu như lời an ủi bâng quơ mà thâm trầm đáo để của cô em Đông
Ba đang cười nụ, không biết để làm duyên hay để “nói khơm” người anh hùng lỡ vận
như tôi:
-Ăn rành chưa chắc đã
rành ăn!
Tôi bỗng thấy giận đời mờ mịt
mà không biết giận ai.
Việt Nam là quê hương của cổ
tích nên dường như con người, món ăn, tình cảm và tình yêu cũng đượm màu cổ
tích. Trong khu rừng thần thoại đó, Huế nhỏ nhoi nhưng lại lại xinh xinh như
chiếc hài của cô Tấm ngày xưa.
Tôi nhớ thuở đi học, lớn tồng
ngồng rồi mà vẫn còn thương lịch sử hưng vong của quê hương một cách mơ mơ,
màng màng như thương như trái thị vàng còn thơm trong chiếc bị. Tôi làm sao
quên được thầy Lê Khắc Phò khi dạy về lịch sử Pháp xâm lăng. Dáng thầy đăm
chiêu, mắt thầy xa vắng và tiếng thầy trầm trầm, đứt đoạn: “...đến năm 1884,
giang sơn Việt Nam đã hoàn toàn rơi vào tay quân Pháp, tổ quốc Việt Nam chỉ còn
trong lòng người dân Việt!”. Giọng Thầy bỗng nghẹn ngào. Thầy rút chiếc khăn
mù-xoa trong túi áo ra chặm nước mắt cùng lúc với tiếng chuông báo hiệu hết giờ.
Giọt nước mắt muộn màng của người thầy xứ Huế, sẽ hòa vào biển nước mắt của
ngưòi dân Huế gần một trăm năm về trước đã đổ xuống trong cảnh nước mất nhà
tan.
Năm 1884, Pháp đã chiếm trọn
hai miền Nam Bắc. Huế như một trái tim của đất nước trong cơn nguy biến mà mọi
người dân Nam đang lâm vòng nô lệ nhìn về. Tổng tư lệnh lực lượng viễn chinh
Pháp ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, Roussel De Courcy, là một phần tử đang điên cuồng
theo chủ nghĩa thôn tính đã tuyên bố: “Cái gút thắt của vấn đề Việt Nam là ở Huế”.
Nguyên nhân sự xâm lăng của Pháp đã có sẵn, việc còn lại là tìm cho ra nguyên cớ
để đánh bạt hy vọng cuối cùng của người dân Việt. Nguyên cớ phải xẩy ra ở Huế,
với triều đình Huế.
Ngày 2 tháng 7 năm 1885 De
Courcy đã đưa quân vào cửa Thuận An, rồi sau đó hống hách đòi hỏi triều đình Huế:
“Nếu muốn được yên ổn thì phải nộp cho chúng tôi hai vạn thoi vàng, hai vạn
thoi bạc và hai vạn quan tiền...” De Courcy tiến vào Hoàng Thành và đòi hỏi
vua Hàm Nghi phải bước xuống ngai vàng, đích thân ra đón. Roussel còn đòi hỏi tất
cả phái đoàn của Pháp từ quan đến lính quèn phải được đi vào Đại Nội bằng cửa
chính Ngọ Môn, trong khi cửa này chỉ để dành riêng cho Đại Nam Hoàng Đế. Sự ngạo
mạn và lăng nhục của quân xâm lăng thiêu đốt hết mọi thiện chí ngoại giao. Sự bức
xúc của vua quan và dân dã Việt Nam đã ngùn ngụt cháy thành lửa đỏ.
Tối 22 qua rạng ngày
23 tháng 5 năm Ất Dậu tức là đêm mồng 4 rạng ngày mồng 5 tháng 7 năm 1885, Thượng
Thư Bộ Binh Tôn Thất Thuyết và Đề Đốc Trần Xuân Soạn đã chỉ huy 20.000 binh
lính mở cuộc tổng tấn công vào thành lũy của quân Pháp ở Toà Khâm và Mang Cá.
Giữa đêm khuya, bên này sông Hương, Đồn Mang Cá bỗng nghe tiếng hô thúc quân
vang dậy, súng nổ rền trời. Bên kia sông Hương, khu lính lệ Toà Khâm lửa khói bốc
cao ngùn ngụt. Rạng sáng, quân Pháp bắt đầu phản công dưới sự chỉ huy của
Pernot.
Pháp đã chia quân làm ba ngã
để tiến vào kinh thành. Từng đợt xung phong chiếm lĩnh các vị trí cửa chắn then
chốt để tràn vào các cửa Đông Ba, Thuợng Tứ, Chánh Đông, Chánh Tây, An Hòa.
Toán từ Cửa Trài, phá cầu Thanh Long, vượt sông Ngự Hà, tiến vào Lục Bộ, cố tấn
công cửa Hiển Nhơn để mở đường vào Hoàng Cung. Toán quân thứ hai vượt Cầu Kho tấn
công quân triều đình đang tử thủ vườn Ngự Uyển để tiếp ứng toán quân đang cố
phá đổ một cách vô hiệu quả cửa Hiển Nhơn vẫn đứng trơ gan trong khói lửa. Quân
triều đình không giữ nổi thành phải tháo chạy về phía Lục Bộ và tràn ra cửa
Đông Ba đã bị toán quân Pháp từ phía Cửa Trài tiến lên chiếm ngự. Cuộc chém giết
trời sầu đất thảm đã xảy ra nơi mà trăm năm sau vẫn còn ghi dấu: Miễu Âm Hồn.
Cuộc chiến đấu không ngang tầm
vũ khí, nhưng quân ta đã đứng trên quá tầm cao của mặt trận lương tri, liều
thân vì danh dự của giống nòi và tổ quốc.
Trong niềm đau chung của
toàn đất nước, Huế đã quặn mình gánh chịu những tang thương trực tiếp trên tấm
thân gầy “mùa Đông thiếu áo, Hè thời thiếu ăn”. Kinh đô thất thủ, De
Courcy ra lệnh cho lính Pháp tự do hành động trong vòng 48 tiếng đồng hồ:
Mặc sức cướp phá tài sản trong Hoàng Cung, vơ vét của cải nhà quan. Giặc Pháp cứ
gặp ai tha hồ giết nấy, đốt cái gì có thể đốt được, cướp cái gì có thể cướp được,
hiếp ai có thể hiếp được... (Theo Trần Văn Giàu; Tôn Thất Hứa, Wuerzburg,
1997.)
Sau ngày thất thủ kinh đô,
cơn ác mộng kéo dài trên đất Huế. Bao kẻ hiền tài, người lương thiện chỉ qua một
đêm là có thể thành tên tử tội, cơ nghiệp tan tành, chỉ vì bị bắn tiếng là theo
Cần Vương mà không cần chứng cớ. Sông Hương biến thành “nhất giang lưỡng
quốc”. Bên kia sông là giang sơn của Pháp với tòa Khâm Sứ, phố Mô-Ranh,
nhà hàng Sạc-Măng-Rông, sàn nhảy, hồ bơi “Xẹc-Xì-Bo”... thế giới nhỡn nhơ hưởng
thụ của Tây Đầm. Bên nầy sông vẫn là Hòang Thành rêu phong sương phủ...
là thế giới u trầm, cúi mặt của vua quan. Tám cửa thành không che được mưu toan
cứu nước Trần Cao Vân, Tăng Bạt Hổ.
Cung đình thì cũng là cá chậu chim lồng nhốt vua Thành Thái, vua Khải Định, vua Bảo Đại trong chiếc ngai vàng lấp lánh kiếm quang của toàn quyền và mật thám.
Cung đình thì cũng là cá chậu chim lồng nhốt vua Thành Thái, vua Khải Định, vua Bảo Đại trong chiếc ngai vàng lấp lánh kiếm quang của toàn quyền và mật thám.
Giấc mơ “xênh xang áo gấm về
làng, ngựa anh đi trước võng nàng theo sau” chỉ còn là vang bóng của ngày qua.
Đã lác đác có những nhóm dân nghèo từ làng quê lên Dinh làm thuê, ở mướn cho
các ông Tây, bà Đầm, mong thoát khỏi cảnh bùn lầy nước đọng. Phải
chăng “Chén Cơm Âm Phủ” bắt đầu từ đó:
Kể từ ngày thất thủ Kinh Đô,
Tây qua giăng giây thép, Họa
địa đồ nước Nam.
Lên Dinh ở tớ Toà Khâm,
Chén cơm âm phủ, áo đầm mồ
hôi...!
(Vè Thất Thủ Kinh Đô)
Trong tâm thức của người
bình dân xứ Huế, “Cơm Âm Phủ” là miếng cơm kiếm được bằng nỗi nhục nhằn, lao khổ;
miếng cơm đổ mồ hôi, sôi nước mắt của kiếp người gian nan bất hạnh.
Thế rồi... mười, hai mươi,
ba mươi năm sau, sông Hương vẫn âm thầm cưu mang “hai nước”. Nếu chỉ nhìn
trên bề mặt thì trong mối giao tình, giữa thiên nhiên và ngoài xã hội, Tây vẫn
là Tây; Ta vẫn là Ta; Huế vẫn là Huế xưa dịu dàng, thanh bạch như những giòng
sông Xuân sau mùa lũ lụt. Nhưng trong thâm sâu, Huế mang chung thân phận
trôi nổi của một đất nước mất chủ quyền. Đó là khi tuổi già mất dần lòng
tự hào quá khứ và tuổi trẻ không màng đến tương lai.
Hoàn cảnh mới đã tạo nên
vùng đất mới. Vùng đất lau lách phía Đông tiếp giáp với đồng An Cựu trở
thành vùng Đất Mới. Trên từng rẻo đất của quê hương, nếu phải có những bờ lau
ruộng đước để hút bớt phèn chua, nước độc của vùng châu thổ sông Hồng; phải có
những rừng mắm để làm thuần những vùng đất mới Cà Mâu, thì phải có những tâm hồn
trôi nổi quen chịu cay đắng giữa đời để làm thuần những vùng đất mới của Huế.
Nơi vùng đất mới chưa thuần đó, mọc lên những đồn lính Tây Khố Xanh, Săng Đá; nổi
lên những khu nhà mới chứa gái giang hồ; chỗ trọ qua đêm của những con buôn tứ
xứ. Trên một gò đất cao tiếp giáp với con đường mòn có hai dãy hàng me dẫn ra bến
sông Hương là cái chòi tranh mới mọc, xung quanh là ruộng nước mênh mông.
Đó là cái quán cơm bên đường lộng gió mùa Hè và khép nép gió mùa Đông.
Quán cơm bình dân không tên không tuổi mọc lên cùng thời với sự khởi công
xây dựng sân vận động Huế (Stade Olympique). Đây là sân vận động độc nhất
tại Đông Dương có vòng chảo đua xe đạp (stade vélodrome) đã được khánh thành
năm 1936 với sự hãnh diện của người Pháp bày tỏ công khai trên báo chí đương thời.
Quán cơm bình dân nầy là tiền thân của quán Cơm Âm Phủ, nằm ngay trước mặt
Stade Olympique Huế.
Quán hoạt động từ 11giờ đêm
đến 5 giờ sáng, khi có 3 phát súng lệnh của thành phố nổ rền báo hiệu sinh hoạt
của một ngày mới bắt đầu. Đương lúc cả thành phố ngủ say là lúc quán và
khách bắt đầu sinh hoạt. Giữa vùng đồng hoang hiu quạnh tối đen, ánh đèn dầu
leo lét và bếp lửa lập lòe nhảy múa theo gió khuya, soi bóng nhạt nhòa của những
khuôn mặt mệt mỏi, xanh xao vì mất ngủ; hay những dáng dấp còm cõi, mắt sâu, má
hóp của những người lao động no sương nắng, mà đói áo cơm. Trong cái chòi
tranh không bàn, không ghế, chỉ có những cái đòn thô sơ trên nền đất. Cái
đòn tre vừa đủ giúp cho khách tựa mông ngồi chò hõ mỗi tụm năm ba người; chia
nhau chút ánh sáng vàng vọt và mảnh không gian trong quán xào xạc mái lá với bốn
bề gió lộng. Trong cái vắng lặng hoang sơ của vùng đất mới, có một thế giới
nhỏ bé đang sống về đêm với một nếp sống âm u, ẩn hiện trong ánh sáng mờ mờ gần
như tan loãng vào bóng tối mông lung. Thế giới kia vụt biến mất giữa ánh
sáng ban ngày như những hồn ma đã tìm về cổ mộ trước bình minh: Đó là thế
giới lạ lùng, cô quạnh và kỳ bí của Âm Phủ. Cho nên cái quán cơm nhỏ bé
vô danh sống về đêm đó, đã được người đời đặt tên là quán Cơm Âm Phủ.
Chủ nhân đời thứ ba của quán
Cơm Âm Phủ là ông Tống Phước Thôi, một cầu thủ đá banh xuất sắc của đội bóng
tròn Công An Huế thuộc thế hệ “Tây Tiến” hơn năm mươi năm về trước. Kiện
tướng sân cỏ vang bóng một thời, nay là ông già tuổi ngoại lục tuần nho nhã, ngồi
nhớ lại chuyện ngày qua để giở lần từng trang quá khứ...
Thực khách là loài chim ăn
đêm: Những người kéo xe, những cô gái ăn sương mà tụ điểm là những quán
tranh lụp xụp quanh khu Xóm Mới. Đội ngủ gái ăn sương thuở đó có gần cả
trăm nàng, được nhà nước Tây “bảo hộ” cấp giấy môn bài, thu thuế du dương và
khám “lục xì” (Luxir) định kỳ để tránh bệnh phong tình cho đám con cháu
Gaulois. Khách khuya khoắt nhất là các chú lính tuần canh; những nghệ
nhân lang thang đờn ca xướng hát, phục dịch những trò vui suốt sáng, trận cười
thâu đêm cho người mua vui. Khách nửa đêm về sáng là những con bạc đò đêm xuôi
ngược lên về sòng bạc lớn ở Kim Long mà chủ sòng là một bà chúa. Khách ăn
đêm phần lớn là sản phẩm của một xã hội thời Tây đô hộ: Cơ cực, lang bạt,
chẳng buồn nghĩ đến ngày mai.
Thực khách thì từng chặng, từng
nhóm trong đêm mà quán thì phải phục vụ thâu đêm.
Mỗi người khách đều có một cảnh
đời khác biệt, nhưng lại gặp gỡ nhau qua hai món ăn “âm phủ” vừa hợp với cái khẩu
vị cao lương cũng tốt, muối hột cũng xong; vừa hợp túi tiền khi xu hào rủng rỉnh,
khi không còn dính một trự ăn ba; vừa no lâu, vừa đằm bụng: Đó là thịt
heo dưa giá và cá sông “7 món”, ăn với cơm nóng thơm phưng phức suốt bốn mùa.
Thức uống thì có rượu đế từng ly hay nước chè xanh có vài miếng gừng đập
dí. Khí hậu về đêm, cho dẫu là đêm mùa Hè, cũng rất cần đôi miếng gừng
cay. Quán Cơm Âm Phủ đã trở thành điểm hẹn cho những “con ma sống” dọc đường
gió bụi rủ nhau về dừng chân ăn đêm.
Món đưa cơm chủ lực, dưa giá
Huế, là một tổng hợp cây trái thổ sản địa phương đầy màu sắc: Màu xanh của
cây kiệu, màu vàng của măng tre xắt thành sợi, màu đỏ của ớt trái chín xắt
dài, màu trắng của giá đậu xanh. Tất cả dầm với muối thành dưa, ngã vị
hơi chua chua và mùi nồng nồng đậm đà hương vị. Thịt heo lý tưởng là thịt ba chỉ
đủ da, đủ nạc, đủ chút viền mở thanh thanh. “Heo Huế nhỏ con mà thịt săn mềm,
thớ mịn, luộc phay chấm nước mắm Hòn thì ngon không chỗ nói “ (Vương Hồng Sển;
Tôi Nhớ Huế, 1968). Dưa giá kẹp với thịt heo ba chỉ, chấm với nước mắm có
pha chút đường, ớt, tỏi, ngọt thơm dìu dịu ăn một lần nhớ tới... chín tháng mười
ngày. Làm dưa giá phải “có tay”. Gặp người có tay “lục bại”, làm
dưa giá sẽ không “chín” mà sẽ biến thành một mớ eo xèo, ma đói cũng lơ
ăn!
Người Huế thường mang tiếng
là hay “làm đày” và “xét nét” vì cái bản chất nhạy cảm và nhiều mặc cảm không
tên tuổi, chỉ có thể “cảm” mà không giải thích đuợc. Vì vậy, chiếc nón
bài thơ nghe đâu để che nắng, che mưa là việc phụ, mà công dụng chính là để ra
đường ngăn tia nhìn phóng xạ của người đời “Răng em biết anh nhìn mà em nghiêng
nón, trời mùa Thu mây che có nắng mô em...” Ra đường thì vậy mà ngược lại,
cái triết lý về nhà mẹ hỏi của Huế thật là gần gũi: “Chi cũng không bằng cơm với
cá, chi cũng không bằng mạ với con”. Cá sông “bảy món” của quán Cơm Âm Phủ
được ưa chuộng trong bao nhiêu năm dài cũng là một phần hình ảnh về nguồn đơn
giản mà thân thương đó.
Trong một bài khảo cứu về Huế,
khi nói về cá tôm, (Thạch Nhân, St. Louis 1998) đã viết: “Nếu có đi nhiều nơi,
ăn nhiều chốn mới thấy được cá Huế ngon là dường nào. Cá bất cứ ở đâu, nếu
tươi, thì cũng chỉ béo và ngọt. Riêng con cá Huế đến mùa(!) còn có chất thơm nữa.
Đến mùa cá, chỉ cần một khúc cá kho ớt bột (khô hoặc nước), một dĩa nước mắm
cay, nếu có thêm môt ít mắm ruốc nữa càng tốt, và một nồi cơm nóng là đã có được
một bữa ăn ngon hơn nem công chả phụng.” Đọc xong đoạn văn “ngon nhức
răng” trên, có người sẽ chảy nước bọt và hoang mang tự hỏi, không biết ông Thạch
Nhân đã ăn nem công chả phụng lần nào chưa mà lại “làm hoanh” so sánh với cá Huế
một cách rất chi là hào sảng như vậy.
Cá sông ở Huế có khá nhiều
loại, nhưng chỉ có một số loại cá ngon như: Cá phác lác, cá kình, cá rô,
cá diếc, cá tràu, cá trê, cá gáy, cá đối, cá ngạnh, cá cấn, cá mại, cá hỏn...
Nhưng đặc biệt và ngon nhất vẫn là cá bống. Cá bống chia làm nhiều loại:
Cá bống cát, cá bống thệ, cá bống mủ (hay còn gọi là cá bống trứng). Món cá bống
Huế trứ danh là cá bống thệ nấu canh thơm, hoặc canh rau răm cho nhiều
tiêu. Cá bống thệ kho riêng hay kho chung với thịt ba chỉ xắt mỏng.
Một lớp cá, một lớp rau răm, ớt bột, đường, nước mắm, nước màu, tiêu sọ.
Đun lửa riu riu cho đến khi thịt cá săn lại, dẽo quẹo mà dòn tan, ăn với cháo gạo
buổi sáng hay với cơm nóng sẽ làm cho khách bỗng sinh ra chút yêu đời đầy ngũ uẩn,
hít hà mà phát hiện ra rằng, thì ra đời cũng có lúc đáng “sống để mà
ăn!”. Cá bống mủ kho tiêu cũng là một lọai cá kho cao cấp vì mắc và hiếm
nên thường dành đặc biệt cho các bà trong thời gian sinh đẻ còn ở cữ. Bởi
vậy mà có bà đã khoe là nhờ ăn cá bống mủ kho tiêu thời son trẻ, nên lúc về
già, gõ lên cái bụng còn chắc nịch nghe “bong, bong” như chén sành Thượng Hải(?!)
Thử nghe Vương Hồng Sển, nhà
khảo cổ học Việt Nam được thế giới bên ngoài biết tiếng, diễn tả lần đầu ra Huế
ăn cá bống ở quán ăn ở cửa Thượng Tứ: “Con cá bống... ngon quá thế, ăn giòn đến
xương cũng giòn; kỳ vĩ đều giòn, nhứt là cái đuôi vàng cháy, thật là giòn khớu,
giòn rụm, hằm bà lằng giòn. Ăn mút từ miếng xương đầu, gặm từ khớp xương đuôi,
ăn rồi bữa cơm xương rãi đầy mặt đất, giựt mình nhớ lại thấy thú quá!” (Bách
Khoa 272; tháng 5-1968)
Chỉ cần một loại cá phác lác
thôi nhưng qua tay các bà nội trợ, đã được chế biến thành lắm món: Cá phác lác
vằm nhuyễn để ram vàng hươm, có vị thơm và ngọt thanh hơn cả món chả chiên truyền
thống bằng thịt heo, thịt bò. Cá phác lác lóc thịt vằm mịn để nấu canh;
nước canh trong, thịt cá trắng, bát canh ngọt tự nhiên và đầy hương vị.
Cá phác lác kho nước, cá phác lác kho khô, cá phác lác nguyên con chiên vàng rộm,
ăn dòn tan cả xương lẫn thịt.
Chủ nhân đầu tiên của quán
Cơm Âm Phủ tuy chỉ dựng cái chòi tranh sơ sài nơi Xóm Mới, nhưng đã biết dựa
trên nền móng vững vàng của thủy thổ và sản vật phong phú địa phương.
Thêm vào đó, là sự khai thác khéo léo nhu cầu sinh sống của một tầng lớp khách
hàng có nếp sinh hoạt “bềnh bồng” độc đáo về đêm: Làm về đêm, ăn về đêm, chơi về
đêm, bán mình về đêm... và đêm về mới sống thật.
Lịch sử Huế, trong suốt thời
Pháp thuộc đến hôm nay, là một giòng lịch sử đầy biến cố nổi trôi theo số phận
chung của toàn đất nước. Nhưng quán Cơm Âm Phủ trong lịch sử lâu dài đó vẫn
không có gì thay đổi. Cũng theo Đoàn Tuyền Châu, nhà dịch lý đất Lương Y, thì
cái tên Âm Phủ vốn đã mang sẵn tính “tiền định”. Âm Phủ là cõi siêu hình,
tồn tại như một “linh thể”; cái biến dịch chỉ dành cho dương thế.
Ngày nay, quán Cơm Âm Phủ
không còn dừng lại trên hai món chủ lực đầu nguồn là dưa giá thịt heo và cá
sông kho “7 món” nữa, mà đang chế biến các đặc sản thực phẩm của Huế theo sát với
khẩu vị và nhịp sống của con người “dương gian” trước mắt. Từ dĩa cơm thập
cẩm đến khúc cá chình, dĩa lươn um hay món dôi trường và môi mép bò chấm mắm
nêm... vẫn còn mang một hương vị hay hay, trong một khung cảnh là lạ riêng, rất
chi là... âm phủ.
o0o
Thì cũng chỉ là một buổi hẹn
hò trong quán nhỏ, nhưng mấy ai khỏi giật mình thảng thốt khi chợt nghe lời
tình tự của đôi tình nhân Thành Nội xứ Huế: “Chiều tối gặp nhau ở ngã tư
Âm Hồn rồi đi ăn cơm Âm Phủ!”
- Lời hẹn hò nghe mà dễ sợ
chi lạ, giống như ma, như quỷ dưới âm ty!
Một Dì Huế răng đen tóc bối,
ngày xưa cha mẹ đặt đâu ngồi đó, cứ nghĩ chuỵện tình yêu là sản phẩm của Tây Đầm,
nên “ưng” nhau ba năm chưa dám cầm cái tay, nói chi tới chuyện dễ sợ là hôn lên
cái má, dù chỉ là chút trao gởi âm thầm riêng lẻ. Dì kỷ đáo để. Dì đợi
cho đến ngày cưới mới chịu cầm... luôn cả cuộc đời người “nớ”. Lửa thời
gian đốt tóc dì cháy bạc, nhưng dì chưa hề được sưởi ấm bằng những cơn sốt của
tình yêu, nên dì mới dại miệng dại mồm, vừa móm mém nhai trầu, vừa đỏng đảnh
bình luận như vậy.
Trong khung cảnh phong
ba đã thành rêu phong của Huế thì lời hẹn hò trên đây có sức lôi cuốn mạnh hơn
muôn lần những đợt sóng tình lao xao tới bạc đầu mà chưa gối được lên bờ.
Thôi thì cứ tưởng tượng cô bé có vầng tóc mây dài gần che kín mặt, thập thò đợi
“người nớ” dưới gốc đa già có rễ lạnh lùng như những chùm râu mọc ra từ tượng
đá. Trong bóng chiều của Huế, hoàng hôn chưa tím mà nhà Thành Nội đã lên
đèn vì rợp bóng cây xanh. Ngọn đèn lắt lay từ trong Miễu Âm Hồn như đôi mắt
của linh hồn mở ra trừng trừng, chờ đợi. Một ngọn lá rơi trên tóc cũng
làm cho cho cô bé giật mình, lạnh cóng, huống chi là bàn tay ấm áp của người
tình. Cho nên, cái bản lĩnh của những chàng trai Thành Nội là biết chọn địa
điểm hẹn hò. Một lần hẹn gặp ở miễu Âm Hồn sẽ thu ngắn bớt còn đường ba năm viết
thư tình, cùn bao nhiêu là bút sắt, cạn mấy hồ mực mà sương khói vẫn cứ bay
hoài trong mơ mộng. Có phải chăng vì ở Nội Thành đi đâu cũng có cảm giác
chập chờn “sợ ma dễ sợ!” kể từ thời thất thủ kinh đô, đi về cần có chung hai bóng,
mà người Huế Thành Nội thường “có đũa, có đôi” sớm hơn là nguời Huế Bến Ngự,
Nam Giao. Nữ sĩ Phan Mộng Hoàn đã ví von những cô gái Huế Nội Thành như những
con “ốc bung”. Một khi đã “bung” ra khỏi vỏ, những con ốc ngỡ như chỉ biết
cuộn mình thầm lặng muôn năm trong vỏ sẽ vươn vai như thần đèn A-La-Đanh vừa
thoát ra ngoài rún biển.
Khi chuyện ngày qua đã thành
chuyện kể; khi vận nước thăng trầm đã thành lịch sử ; khi sự cố đã thành cố sự
và con đường Âm Hồn một thuở đã phôi pha dấu tích được thay tên thì Huế xưa vẫn
còn đó: Nhỏ nhắn, trầm tư trong nắng vàng hổ phách mùa Hạ và nhuộm tím trong những
chiều đầu Thu có mây làm dịu nắng.
Có người tự hỏi, nếu quân
Tây đừng xâm lăng nước mình, thì Huế có Miễu Âm Hồn, có quán Cơm Âm Phủ hay
không?
Hình như đã có một thi sĩ
tài hoa ở phố Đạm Tiên của Huế, đã trả lời tỉnh tỉnh mà không trả lời chi cả:
Nếu không có ai sinh ra trên
mặt đất,
Ai biết màu trời của buổi
Nguyên Sơ.
Rồi tới cái tỉnh khô tuyệt vời
hơn nữa là từ một người học trò trong Quảng ra học trường Quốc Học Huế, “quậy
sĩ tài danh” của nền thi ca Việt Nam, Bùi Giáng:
Dạ thưa xứ Huế bây giờ,
Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông
Hương.
Rứa, nhưng mà cái tỉnh nào rồi
cũng chào thua cái tỉnh rót đáo để của mấy o Huế rặt:
Có nhiều lúc hỏi răng mà như
rứa?
Đành trả lời như rứa chứ mằng
răng (!)
Trần Kiêm Đoàn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét