Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2015

Hình tượng người thầy giáo - Góc tâm tưởng trong thơ Trần Ðăng Khoa

Hình tượng người thầy giáo - Góc tâm tưởng trong thơ Trần Ðăng Khoa
Thơ Trần Ðăng Khoa được nghiên cứu, giới thiệu trên nhiều bình diện khác nhau của đời sống ở trong và ngoài nước. Có thể tiếp cận ở nhiều hướng, nhiều góc độ; Thế giới thần tiên của tuổi nhỏ, tình người nồng ấm của một hồn thơ nhạy cảm , trên tất cả là tiếng thơ tiêu biểu của thiếu nhi Việt Nam trong đạn bom, khói lửa... Trong nội hàm vấn đề, chúng tôi hy vọng tìm hiểu một góc tâm tưởng trong thơ Khoa: Người thầy giáo. Thiết tưởng cũng cần nói thêm: Sau này bên cạnh nhiều giải cao trong các cuộc thi thơ, Trần Ðăng Khoa đoạt giải A cuộc vận động "Sáng tác văn học về thầy cô giáo và nhà trường" do báo "Giáo viên nhân dân" tổ chức tháng 3/1987.
  Thơ viết về người thầy giáo là thương binh, liệt sĩ không nhiều nếu không nói là vô cùng hiếm hoi. Người thầy giáo từ trong chiến hào bước lên trang thơ của Khoa với bài "Bàn chân thầy giáo" và bài  thơ vượt qua sự sàng lọc khắt khe, nghiệt ngã của thời gian, sống mãi trong đời sống văn học nước nhà về đề tài người thầy giáo. Ðiều đáng quý, đáng trân trọng lại là bài thơ của cậu học trò 14 tuổi viết về thầy giáo của mình. Mở đầu, khởi hứng từ một trực quan sinh động:
"Thầy ngồi trên ghế giảng bài
Xếp cạnh bàn đôi nạng gỗ
Một bàn chân thầy ở đâu rồi
Chúng em không rõ."
 (Bàn chân thầy giáo)
  Cảm hứng liền mạch giữa hiện tại và quá khứ, trên trục tâm tưởng những ngày cam go, khốc liệt và vô cùng dữ dội tái hiện:
"Sáng nào bom Mỹ dội
Phượng đổ ngổn ngang, mái trường tốc ngói
Mặt bảng đen lỗ chỗ vết bom bi
Thầy cầm súng ra đi".
      (Bàn chân thầy giáo)
   "Bàn chân thầy giáo" không phải là bài thơ đầu tiên viết về người thầy giáo của Khoa. Bài thơ đầu về người thầy giáo lúc Khoa 8 tuổi là bài "Thầy giáo đi bộ đội" (4/1966) với lời đề từ: "Kính tặng thầy Việt". Chất liệu từ một hiện thực gần gũi, thân thuộc, dư âm của buổi đưa tiễn đọng lại trong tâm tưởng:
"Thầy đi bộ đội chiều qua
Chúng em thơ thẩn vào ra chúc mừng
Nhớ bao tháng năm ròng thầy dạy
Nhìn thầy vui, càng thấy thương hơn
Chúng em lòng những là buồn
Vẫn cười hát, để thầy còn đi xa"
(Thầy giáo đi bộ đội - S.Ð.D. - trang 22)
 Cả bài thơ là một bức tranh toàn cảnh được tái hiện đặc tả tâm trạng có lưu luyến, bồi hồi, và có yếu tố buồn nhưng cảm hứng chung, chính yếu vẫn là cảm hứng lạc quan, tin tưởng. Chúng em "thơ thẩn", "nhớ", "lòng những là buồn", "thương hơn"..., cả "mấy bông hoa ngoài cửa":
"Chắc hoa muốn nói mà không nói gì"
  Trong thơ Khoa: hoa, lá, cỏ, cây cũng là nhân vật trữ tình, tạo nên một thánh đường thơ ấu, một thế giới thần tiên. Cho nên điều dễ hiểu: Hoa có cùng tâm trạng. Một dạng thức tâm trạng khác "Vui" ("Thầy vui") chỉ xuất hiện một lần duy nhất trong bài. Có thể đây là hạt nhân của câu thơ sau này: "Nụ cười vẫn nguyên vẹn như xưa, nhưng một bàn chân không còn nữa" (Bàn chân thầy giáo - S.Ð.D. - Trang 114).
   Trong tình cảm, tâm tưởng của Khoa, người thầy giáo vẫn luôn luôn hiện hữu. Một con đường, một hàng cây, khi thầy đi xa đều gợi nhớ.
"Nhìn con đường nhỏ từ đây
Bâng khuâng vì thiếu bóng thầy đi qua"
           (Hỏi đường - S.Ð.D - Trang 23)
   Các câu thơ tiếp theo không chỉ là lời của một cuộc đối thoại mà còn là sự giao thoa, cộng hưởng tâm trạng, giữa hiện tại và quá khứ, giữa thực và mộng, cũng là cái tình thầy, trò, cao hơn nữa là cái tình của hậu phương:
"Ðường ơi, có nhớ chăng là
Ngày nào dạy học, thầy qua đường này?
Ðường rằng: Tao nhớ lắm thay
Khoa ơi, thầy giáo của mày đã xa
Bao giờ thống nhất nước nhà
Thầy về dạy học lại qua đường này..."
   "Con đường nhỏ" - "Rợp bóng cây" và "Thầy về dạy học" có một mối quan thiết giữa người trồng cây - trồng người của một con đường cụ tượng, con đường trong tâm tưởng, hướng đi trong tâm thức(?). Ngôn ngữ thơ Khoa hàm súc được chọn lựa, tinh luyện tới mức khái quát và tiêu biểu nhất, đã đạt tới hai phương diện cơ bản của ngôn từ là hiển ngôn và hàm ngôn.
  Tuổi thơ Khoa thuộc thế hệ "Những đồng chí của tương lai. Mang mũ rơm đi học đường dài" (Chào xuân 67 - Tố Hữu).
  Cảm thức về cuộc sống qua "Nghe thầy đọc thơ" với lời đề từ: "Kính tặng thầy Lê Thường" (1967). Qua thầy giáo, thi ca có sắc đỏ của nắng ("Tiếng thơ đỏ nắng"), sắc xanh của cây ("Xanh cây quanh nhà"), có hình ảnh của một "Mái chèo nghiêng mắt sông xa", có âm thanh của dĩ vãng, quá khứ "Vọng tiếng bà năm xưa", đặc biệt cung bậc của thanh âm:
"Nghe trăng thở động tàu dừa
Rào rào nghe đổ cơn mưa giữa trời..."
(Nghe thầy đọc thơ - S.Ð.D - Trang 25)
   Bài thơ như một nốt lắng đúng chỗ của một bản giao hưởng. Ðặt trong bối cảnh chiến tranh ác liệt mới thấy hết được sự tinh tế, mẫn cảm của hồn thơ Khoa: 'Nghe tiếng sương đọng mật" - "Nghe ri rỉ tiếng sâu" - "Nghe rì rầm rặng duối" - "Nghe hàng chuối vườn em" và nghe cả:
"Ngoài thềm rơi cái lá đa
Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng"
    (Ðêm Côn Sơn - S.Ð.D.- Trang 50)
   Những âm thanh không xác định nổi âm vực "Một tiếng gì không rõ xôn xao cả đất trời" (Nửa đêm tỉnh giấc - S.Ð.D - Trang 26). Trên tất cả những sắc màu, thanh âm, hình ảnh là dạng thái tâm trạng:
"Ðêm nay thầy ở đâu rồi
Nhớ thầy, em lại lặng ngồi em nghe..."
   Phải chăng thầy giáo là cầu nối cho sự tiếp cận giữa cái khởi đầu của con người là tuổi thơ với cái khởi đầu của văn học là thơ ca (?).
   Cũng như không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật là phạm trù của hình thức nghệ thuật, thể hiện bằng phương thức tồn tại và triển khai của thế giới nghệ thuât. Một thực tại trong một không gian xác định "Thầy ngồi trên ghế giảng bài. Xếp cạnh bàn đôi nạng gỗ". Bản thân thời gian là sự cảm nhận, trong tương quan giữa chuỗi biến cố về thời gian và sự cảm nhận thời gian, tạo nên cấu trúc thời gian miêu tả - Với các đoạn thời gian cách quãng. "Bàn chân thầy giáo" không chỉ được tạo thành bởi quan hệ các sự kiện - Các đoạn thời gian của sự kiện mà còn được tạo thành bởi tương quan của thời gian miêu tả:
"Năm nay thầy trở về
Nụ cười vẫn nguyên vẹn như xưa"
(Bàn chân thầy giáo - S.Ð.D. - Trang 114)
    Bên cạnh thế giới tuổi nhỏ kỳ diệu, thần tiên, cảnh vật trong thơ Trần Ðăng Khoa, còn có những hình tượng gần gũi, thân thuộc như: Người mẹ, em Giang, và một góc tâm tưởng trong thơ Khoa: Ðó là người thầy giáo. Hình tượng thầy giáo trở đi trở lại nhiều lần trong nhiều bài thơ với nhiều dáng vẻ khác nhau. Ðây là một đóng góp không nhỏ của Khoa cho nền thơ hiện đại trong những ngày lửa đạn chiến tranh.
Võ Vĩnh Khuyến, 
Báo TT-Huế, 20/11/99
 Theo http://vuhuu.edu.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...