Đồng bằng sông Cửu Long là một
khu vực trù phú, bao gồm nhiều tỉnh thành có nét đặc thù riêng biệt, mang sắc
thái đa dạng về xã hội, nhân sinh và thiên nhiên…Lữ khách tứ phương trôi dạt về
tận phương trời này, cũng đều ghi trong tâm thức nhiều dấu ấn nghĩa tình, với
nơi vừa lưu trú. Sự hiền dịu và mến khách, phát sinh từ chân tâm mộc mạc trong
lành của dân bản xứ, khiến người đi vẫn rơi rớt lại những cái ngoáy nhìn lưu
luyến. Trà Vinh dày đặc những hàng cổ thụ trăm năm, như khu rừng nhân tạo phủ
trùm lên toàn cảnh thị xã, với môi trường sinh thái có một không hai, mà nét đặc
biệt tuyệt vời không nơi nào có được. Đằng đẳng hơn 40 năm qua, tôi ít dịp đi –
về với phố thị Trà Vinh, dù rằng nơi này đã thấm đẫm nhiều kỷ niệm mà lâu nay
tôi hằng đặt trọn tin yêu.
Những năm thập niên 60-70,
thời buổi còn quá nhiều khó khăn, bởi chiến cuộc dàn trải khắp mọi chiến trường
miền Nam. Trà Vinh cũng không ngoại lệ, giao thông càng lúc càng hiểm trở, từ tỉnh
lỵ này sang tỉnh lỵ kế cận, chỉ cách khoảng nhau chừng 50-60 cây số, muốn di
chuyển được nhanh chóng chỉ còn một phương cách là sử dụng xe gắn máy cá nhân,
vừa tránh những tra xét hàng chục trạm gác ven tỉnh lộ, vừa thâu ngắn khoảng
cách lộ trình. Hè 1969, tôi có một thời gian về thăm lại quê nhà chất đầy kỷ niệm
thời thơ ấu. Tiếng chim rúc trên những con đường núi quanh co, hay những buổi
bình minh lãng đãng sương bay giữa những hồi chuông công phu, khoan thai âm vọng
giữa không gian trầm mặc của phố núi. Những lần như thế, tôi có thói quen thức
dậy rất sớm, một mình đi rong ruổi trên những con đường vắng lặng còn mờ mịt
hơi sương. Một buổi còn tờ mờ sáng, phố núi đã lui đèn, chan hòa gió lùa ướt đẫm
giữa cơn mưa lất phất nhẹ hạt. Tôi vội vã ghé tạt vào một quán cóc nằm ven dòng
sông Hậu, khí hậu ẩm thấp nên có gì hạnh phúc bằng ngồi lẳng lặng uống từng ngụm
cà phê nóng ấm nhìn ra thiên hạ bắt đầu nhộn nhịp mưu sinh.
Chuyện đời trôi chảy như một
định mệnh, bất chợt một bóng dáng thân quen kéo trệt chiếc nón lưỡi trai, vừa
cười vừa đấm vào vai tôi vừa hỏi một cách giang hồ, ê mới về hả, chưa chết
sao? Trong giây phút hốt hoảng tôi chợt nhận ra người bạn thân từ thuở thiếu
thời, đã bấy lâu không gặp gỡ. Anh là võ sư chưởng môn một môn phái võ Thất
Sơn, mà hồi còn học trung học, thường rủ rê tôi dạo khắp miền Tây sông nước, với
những cuộc hẹn hò so tài, tỉ thí võ thuật với các bằng hữu rải rác Nam kỳ lục tỉnh
xa xưa. Sau cơn bàng hoàng, tôi định thần kéo ghế mời võ sư Hồ Minh Triều ngồi
thù tạc. Vóc dáng cũng như ngày nào, phong sương tràn đầy trên nếp áo, nhưng
ngoài vẻ nhanh nhẹn của tuổi thanh niên, đặc biệt ở chàng còn vướng víu chuyện
say mê thi phú. Chính điểm đặc biệt này, mới dẫn dắt tôi quen biết thêm các nhà
thơ - nhà văn - họa sĩ - nhạc sĩ như: Tô Nhược Châu, Phố Thu, Diệp Hồng Phương,
Hoài Giang Lê Bá Diệp, Sa Vũ, Hồ Thủy, Hồng Băng… của vùng quê hương Trà Vinh
tràn đầy thắng cảnh như Ao Bà Om đầy truyền thuyết… Hồ Minh Triều cho tôi biết
đang làm việc tại Ngân hàng Nông nghiệp Trà Vinh, và có quen biết với anh em
văn nghệ xứ nhà. Hôm nay là ngày phải trở lại Trà Vinh, hứng khởi anh rủ tôi
tháp tùng để giới thiệu với bạn bè.
Dự tính tôi cũng sẽ về Sài Gòn sau hơn hai tuần về thăm song thân, nên chấp nhận rong ruổi một phen với Triều, chuyến phiêu lưu mới cho thỏa bước giang hồ. Từ Trà Vinh về Châu Đốc, Hồ Minh Triều thong dong trên con ngựa sắt 67, nên anh đề nghị tôi tháp tùng một xe cho tiện đồng hành. Tính khí Hồ Minh Triều dù chân chất, nhưng là con nhà võ nên bộc trực và bồng bột, chính vậy tôi dành lái xe, một là an tâm trên đường đi, hai là xuyên ngang tỉnh thành nào cũng có thể chủ động ghé thăm bằng hữu văn nghệ. Thời gian hạn hẹp, nên chỉ ghé Cần Thơ thăm Trần Kiêu Bạt rồi quầy quả về thị xã Trà Vinh cho kịp trong ngày. Hồ Minh Triều rất hồ hỡi và tinh tế, vừa vứt xe trong phòng trọ, là một mạch chạy báo tin với Tô Nhược Châu, Hoài Giang Lê Bá Diệp để quy động anh em làm một cuộc tẩy trần. Thời buổi trước 1975, rượu là một thứ xa xỉ sức khỏe, nên anh em họp mặt đầy đủ tại một quán cà phê nhạc khang trang trong phố chợ…
Dự tính tôi cũng sẽ về Sài Gòn sau hơn hai tuần về thăm song thân, nên chấp nhận rong ruổi một phen với Triều, chuyến phiêu lưu mới cho thỏa bước giang hồ. Từ Trà Vinh về Châu Đốc, Hồ Minh Triều thong dong trên con ngựa sắt 67, nên anh đề nghị tôi tháp tùng một xe cho tiện đồng hành. Tính khí Hồ Minh Triều dù chân chất, nhưng là con nhà võ nên bộc trực và bồng bột, chính vậy tôi dành lái xe, một là an tâm trên đường đi, hai là xuyên ngang tỉnh thành nào cũng có thể chủ động ghé thăm bằng hữu văn nghệ. Thời gian hạn hẹp, nên chỉ ghé Cần Thơ thăm Trần Kiêu Bạt rồi quầy quả về thị xã Trà Vinh cho kịp trong ngày. Hồ Minh Triều rất hồ hỡi và tinh tế, vừa vứt xe trong phòng trọ, là một mạch chạy báo tin với Tô Nhược Châu, Hoài Giang Lê Bá Diệp để quy động anh em làm một cuộc tẩy trần. Thời buổi trước 1975, rượu là một thứ xa xỉ sức khỏe, nên anh em họp mặt đầy đủ tại một quán cà phê nhạc khang trang trong phố chợ…
Cách đây hơn 40 năm, phong
thái của Hoài Giang Lê Bá Diệp và anh em văn nghệ trẻ đều mang nặng trong tâm
thức một nét sống khuynh khoái, chân thành và tài hoa. Trà Vinh có nhiều khuôn
mặt văn nghệ lừng lẫy, tạo dựng cho địa phương một sức sống tinh thần hào
nhoáng, đầy sinh khí. Đến nay, người còn người mất, lớp kế thừa vẫn còn mang nặng
dáng dấp của những người cầm bút đi trước, chan hòa tình thâm như Vĩnh An, Nhạn
Trắng…
Tôi hân hạnh tiếp xúc với Lê
Bá Diệp từ giai đoạn đó. Thơ anh đã đăng rải rác trên các báo chí từ những năm
1960, và nhận được nhiều đồng điệu của chư vị văn nhân trang trọng tán thưởng
trên các tạp chí, chương trình thi ca của đài phát thanh. Lê Bá Diệp sáng tác
như một nghiệp dĩ, mang nặng trong số kiếp của người làm thơ là một quá
trình sáng tạo công phu và vật vã. Sự kim chỉ thận trọng trong sáng tác giúp
anh tạo dựng được một dáng đứng uy mảnh trên văn đàn. Khi nhắc đến Trà Vinh, thời
đó tên tuổi Hoài Giang Lê Bá Diệp đã là một biểu tượng rực sáng. Tôi đọc thơ
anh không nhiều, vì hầu như gia tài đồ sộ của nhà thơ đã bị thất lạc sau cái chết
đau thương của anh.
Đến nay không hiểu trên thế
gian này, những đứa con tinh thần của Hoài Giang còn sót lại bao nhiêu? Năm
2000, thiên niên kỷ trôi qua khép lại một phần quá khứ, tôi được nhà thơ Hồng
Băng chuyển lên Sài Gòn, một thi tập Những Sợi Tóc Bạc, toàn bộ viết bằng
thủ bút của nhà thơ trước khi lâm chung. Trang cuối cùng, là một bài thơ chép
tay còn màu mực học trò, có lẽ trong giai đoạn sức cùng lực kiệt, anh đã nhờ một
cháu gái trong gia đình lưu lại cho anh một hơi thở cuối cùng, và có chữ ký Lê
Bá Diệp của anh dưới góc bài thơ Nhà Mới.
Kiếp tầm Hoài Giang Lê Bá Diệp
một đời nhả tơ, gói ghém lại gần cả ngàn bài, nhưng giữa đời sống vô cùng lận đận,
thì bóng dáng thơ lại là nguồn an ủi duy nhất đồng hành suốt lộ trình lang bạt ở
cõi thế gian này. Hôm anh lên Sài Gòn ghé thăm tôi, khoảng năm 1988, mái tóc
ngày xưa đã bạc trắng từng giờ giữa cơm gạo bạc tiền. Nét già dặn trước
tuổi, và sự hào nhoáng còn sót lại trong ngôn ngữ là một cách thức làm trầm đi
nỗi suy tư trăn trở của anh. Đêm đó tại thư trang của tôi, anh cụng từng ly hạnh
phúc với nhiều bạn bè văn nghệ Sài Gòn như Nguyễn Thành Xuân, Nguyễn Phan Thịnh,
Yên Bằng, Phan Tấn Thi, Minh Nguyễn… Vẫn thói quen của một thời kiêu bạt làm thấm
đẫm bóng mình trong cõi siêu nhiên của thi ca, Hoài Giang Lê Bá Diệp cao hứng đọc
vài bài thơ trong cơn túy tửu tuyệt cùng. Sự thư thả hào phóng với văn nghệ,
đưa đẩy anh trở lại hình dáng thực của mình mà anh tâm sự ngàn ngày có một. Tôi
không hiểu sao, quá nhiều bằng hữu cùng một thời lao mình vào thơ, phần đông đều
gánh những cái bất hạnh giữa cuộc đời, làm gẫy đỗ tất cả ước vọng. Ở nơi đô thị,
ánh sáng văn hóa cũng chập chờn rào đón, nhưng anh em văn nghệ vẫn cố sức truyền
hơi thở cho nhau, bằng tác phẩm hằng ngày được trao tay trong những buổi tọa
đàm gặp gỡ. Nhưng ở vùng quê, cái cùng cực của người làm nghệ thuật bị khu trú
nhiều do điểm chỉ văn nghệ, và do đời sống suy thoái khổ đau làm sụp hẳn nhiều
khung trời.
Tâm huyết của Hoài Giang Lê
Bá Diệp cũng không khác gì bạn văn nghệ đồng lứa, cũng đau xót quê hương trong
khói lửa, cũng dằn dặt cơm áo gia đình, cũng vật vã con tim khi chấp bút ngập
ngừng không lối thoát… Đầu năm 1996, tôi về Trà Vinh, lo trước lễ thanh minh
cho tổ phụ và bà con còn nằm rải rác ở tỉnh nhà, Hoài Giang Lê Bá Diệp có gởi
cho tôi một bài thơ mà anh cho là tâm đắc, khi anh vừa độ 20 không thể cầm lòng
trước những giọt đàn của lão nghệ sĩ mù trên bến Bắc Mỹ Thuận, tôi ghi lại bản
gốc có khác với bài thơ đã chỉnh sửa biên tập sau này:
Bài vọng cổ và người đánh
đàn ở bắc Mỹ Thuận
Trong đôi mắt mù
Bản đàn tuyệt vọng
Cung buồn đâu đâu
Bàn tay núi đá
Thoi vào cung đàn
Dây đồng thở vội
Điệu buồn miên man
Trưa sa mạc chở về muôn chuyến
nắng
Đổ xuống thềm hoang
Ông lão già lần theo những
phút những giây
Những giờ mắt đỏ
Điệu đàn chơi vơi
Giọng ca khàn đục
Những bước chân người
Qua rồi. Tiếp nối
Những bài vọng cổ
Đã mòn như răng
Những lời phỉ nhổ
Chẳng buồn ăn năn!
Dạ cổ hoài lang
Líu sự líu xang
Ông hát cho mình
Tiếc thân tàn tật
Ông hát tặng Đời
Đua đòi đen bạc
Những đồng bạc kẽm
Trong lon sữa bò
Những hòn sạn nhỏ
Đã thành lệ khô!
Chợ Quán, 1965
Suốt đời, sống trong một
không gian tịch mịch, gia đình và bằng hữu là những bóng dáng giúp Hoài Giang
Lê Bá Diệp đứng vững giữa không gian thi ca. Chính vậy, thi hào Vũ Hoàng Chương
phát biểu: “Chúng ta không khỏi xúc động sâu xa, khi đọc trọn những điều tác giả
giải bày ký thác…”(Báo Đại Từ Bi, tháng 3/1965).
Kết bài, trích lời nhà thơ Hồng
Băng ước vọng: “Hy vọng với những sợi tóc bạc, trên Sài Gòn có thể làm được
một chút gì về anh Hoài Giang Lê Bá Diệp”.
Viết tại Thư trang Quang Hạnh
(Mùa đông 2009, nhuận sắc mùa hè 2011)
Ngô Nguyên Nghiễm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét