Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2015

Lầu thơ vút cánh hạc vàng

Lầu thơ vút cánh hạc vàng 
Thế giới Đường Thi là một bức tranh thủy mặc hài hòa với những con chữ lẫn hồn thơ, ý nhạc, là một sự phối hợp tuyệt tác giữa các màu sắc tuyệt mỹ và âm thanh trầm bổng làm quyến rũ người thưởng ngoạn vô cùng…Trên thi văn đàn Trung Quốc, mỗi một thi sĩ có một cá tính sắc thái riêng biệt, một phong cách và khuynh hướng khác nhau... Kho tàng của Đường Thi chất ngất vô vàn, như khu rừng trùng trùng điệp điệp đầy hoa thơm cỏ lạ… Những người yêu thơ nhạc dầu ở cách xa nhau ngàn dặm, không nói, mà vẫn có những điểm tâm đầu ý hợp khi cảm xúc được một bài thơ hay, một câu thơ đẹp, một ý thơ thâm thúy, một âm điệu nhạc trầm bổng xao xuyến nào đó…Một nhà thơ Pháp nào đó đã nói: "La poésie, art suprême, c’est la musique qui pense et la peinture qui se meut" (Thơ là một nghệ thuật cao cả, là âm nhạc biết suy tư và bức họa có sinh động ). Thi sĩ Hải Đà -Vương Ngọc Long và nhạc sĩ  Mai Đức Vinh mong mỏi đóng góp một chút tình vào khung trời văn nghệ thi ca và văn hóa nghệ thuật.
Ngôn ngữ thơ Đường rất giàu hình ảnh và cảm xúc. Người ta thường nói "ý tại ngôn ngoại" (ý tại ngoài lời), những bài thơ Đường ngắn gọn như bát cú, tứ tuyệt, chỉ giới hạn trong một số từ ngữ nhất định, mà đã diễn đạt tất cả những suy tư cảm xúc của tác giả, mặc dầu cô động hạn chế, nhưng rất hàm súc, toàn bài thơ như đôi mắt … cửa sổ của linh hồn đã giải bày được đời sống nội tâm, trạng thái tư duy, dung hòa giữa mẫn cảm của con tim và nhận thức của khối óc.
Nhạc điệu câu thơ hài hòa, tiết tấu nhịp nhàng ngân nga, âm hưởng sâu sắc nồng nàn, tạo nên những cảm giác nhẹ nhàng êm ái dễ đi vào tâm hồn người đọc. Cái phong cách của Đường Thi là một tổng hợp tinh vi của một nghệ thuật xử dụng ngôn ngữ phong phú điêu luyện qua thi pháp, thể loại, từ điệu, âm nhạc …
Việc phóng tác thơ Đường của thi sĩ Hải Đà-Vương Ngọc Long là điều cần thiết để Nhạc sĩ Mai Đức Vinh phổ thành nhạc khúc, những bài thơ ngắn gọn, súc tích chỉ có 4 câu như Phong Kiều Dạ Bạc, Đề Đô Thành Nam Trang, Tĩnh Dạ Tứ, Du Tử Ngâm, Vọng Phu Thạch … tác giả cần tìm hiểu bối cảnh, thời gian, không gian của bài thơ, mà dưạ theo đó phóng tác thêm lời, vì lời rất cần thiết cho một bản nhạc thành hình. Cũng có những bài thơ đã đủ lời cho bản nhạc như Tiết Phụ Ngâm, Trường Can Hành. Hoặc những bài thơ dài quá như Tỳ Bà Hành, mà bài thơ nguyên Tác gồm 88 câu 7 chữ, nên tác giả chỉ đưa những ý chính để cô đọng thành bài thơ phổ nhạc chỉ gồm 24 câu, hoặc 1 chùm thơ của Lưu Nguyễn Du Thiên Thai (5 bài), nhưng tác giả chỉ dùng 24 câu, lấy từ mỗi bài thơ nguyên tác 4 câu…Có những bản nhạc tác giả đã tổng hợp lời của những bài thơ ngắn khác nhau nhưng có chung một ý từ để làm lời cho toàn bản nhạc như bài Vọng Xuân Từ, Thu Phố Ca ….
Trong cuộc lữ đi tìm cái thâm thúy của khung trời Đường Thi, dạt dào những hình ảnh sinh động phong phú, đầy những cảm xúc, âm điệu, rung động, sâu sắc, chân thật và nồng nàn .. tác giả Hải Đà có lẽ đã cảm thụ được cái hay cái đẹp, những nét thanh tao tinh tế của Thơ Đường , và muốn tự gửi gắm cái tình ý sâu thẳm xôn xao khó tả của mình qua bài thơ Đường "Xuân Tiêu Vọng Hàn Giang" (Đêm Xuân Nhớ Sông Hàn). Phải chăng đó là nỗi niềm của người thơ trên bước đường phiêu bạt, đến một lúc nào đó cảm thấy đơn lẻ, để muốn tâm hồn của mình chấp cánh bay bổng về nơi chôn nhau cắt rún…nơi đó có dòng sông của muôn vàn nỗi nhớ xôn xao, mênh mông sóng nước chập chùng. Con sông đó có tên là Sông Hàn (Hàn Giang) ở Đà Nẵng mà tác giả đã trải qua thời thơ ấu mến yêu với muôn vàn kỷ niệm luyến lưu, cồn cào xao động trong lòng.
Bích Huyền

Theo http://www.vuonghaida.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  “Khác biệt” của Đoàn Hữu Nam: Những câu thơ trôi nổi phận người Đọc kỹ Khác biệt một lần nữa tôi thấy sự xoay vần chữ nghĩa, biến hóa kh...