Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2015

Thơ, văn, âm nhạc - Nơi trải lòng của người cao tuổi

Thơ, văn, âm nhạc - Nơi trải lòng 
của người cao tuổi
Sau bao năm cống hiến cho công việc cho đến khi về hưu, những bậc cao niên lại tìm niềm vui bên các trang thơ, cuốn truyện hay điệu nhạc. Qua những tác phẩm họ được trải lòng, tìm thấy những trái tim đồng điệu. Họ thấy cuộc sống này thật đẹp, ý nghĩa biết bao để tiếp tục dâng cho đời hàng ngàn, hàng vạn lời ca.
Hội viên Phân hội Văn học, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh trao đổi kinh nghiệm sáng tác.
Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh hiện có gần 200 hội viên thì có đến hơn nửa số hội viên tuổi đời trên 60. Các tác giả là người cao tuổi ở Phân hội Âm nhạc, Văn học là những hội viên có những đóng góp tích cực nhất cho văn học, nghệ thuật tỉnh nhà. Các tác phẩm của họ đã xuất hiện thường xuyên trên các trang báo của Trung ương, địa phương, trên các thi đàn văn chương và trong các chương trình biểu diễn lớn của tỉnh, của huyện, thành phố. Tiêu biểu có thể kể đến các nhà thơ Ngọc Hiệp, Lê Na, Cao Xuân Thái; các nhà văn Trịnh Thanh Phong, Trần Huy Vân, Nguyễn Đình Lãm; các nhạc sỹ Đinh Quang Minh, Trần Ngoan, Vương Vình, Tân Điều… Với họ, khi đã ở tuổi xế chiều, họ tìm đến thơ, văn, âm nhạc để bầu bạn và trải lòng. Từ đó, họ tìm thấy nguồn vui, có thêm bạn bè, học hỏi được nhiều hơn về cuộc sống và đặc biệt là họ thấy sống vui, sống khỏe, sống có ích hơn.
Nhà thơ Ngọc Hiệp chia sẻ, đối với ông, thơ là một người bạn, một niềm vui bất tận của tuổi già. Qua thơ, ông muốn truyền tải đến bạn đọc những tình yêu quê  hương, đất nước, tình cảm vợ chồng, bè bạn, anh em… Cũng từ thơ, ông nhận lại được ở bạn đọc sự đồng điệu, chia sẻ, động viên. Có nhiều bài thơ ông sáng tác đã để lại những ấn tượng đẹp trong lòng bạn đọc. Bài thơ Xuân đêm hội đã gây xúc động lòng người bởi những vần thơ dung dị: “Tôi thương tôi đến dỗ dành em/Thiên hạ khối người đấy em xem/Giữa đường quang đứt đòn gánh gãy/Cánh cửa yêu thương chẳng buông rèm…”. Có lần, một bạn đọc ở tận đất mũi Cà Mau - cực Nam của Tổ quốc đã viết thư cảm ơn vì nhà thơ đã nói được hết tâm tư, tình cảm mà bấy lâu chị mang trong lòng. 
Nhiều nhạc sỹ lại tìm được sự đồng điệu về cuộc sống với nhà thơ qua các vần thơ. Trong số 6 tập thơ Ngọc Hiệp sáng tác đã có hơn 60 bài thơ được Đức Liên và Vương Vình phổ nhạc và đều trở thành những ca khúc hay, nổi tiếng ở địa phương như Về Tuyên, Lên Nà Hang, Điện về bản em… do nhạc sỹ Đức Liên phổ nhạc hay bài hát Mùa trăng, do nhạc sỹ Vương Vình phổ nhạc. 
Nhà thơ Nguyễn Kim Thanh năm nay đã 82 tuổi nhưng ông vẫn gắn bó với trên 80 hội viên ở Câu lạc bộ thơ Việt Nam Thành Tuyên. Từ việc sinh hoạt câu lạc bộ thơ, ông có thêm nhiều bạn bè, tri kỷ. Câu lạc bộ thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt; tham gia các đợt hội diễn, hội thi, giao lưu với các câu lạc bộ khác giành các giải thưởng cao.
Qua đó, các hội viên có dịp trao đổi để khả năng sáng tác ngày càng tiến bộ, tạo cho nhau niềm vui, nguồn động viên to lớn để vượt qua hoàn cảnh, bệnh tật, tuổi tác. 
Đối với các nhà văn Nguyễn Văn Mạch, Trần Huy Vân, Nguyễn Đình Lãm…, tuy mái tóc đã nhuốm màu thời gian, sức khỏe đã giảm sút nhưng sức viết của họ vẫn còn rất khỏe, rất sắc. Phải chăng chính tình yêu văn chương đã tạo cho họ niềm vui trong cuộc sống, sức khỏe để họ không ngừng viết, cống hiến cho đời thêm nhiều trang viết đầy tính nhân văn. Qua mỗi đứa con tinh thần được sinh ra, họ lại thấy cuộc sống này ý nghĩa biết bao.
Không chỉ làm thơ, viết văn hay sáng tác ca khúc, nhiều nhà thơ, nhà văn, nhạc sỹ cao tuổi còn tích cực đang tham gia các tổ chức hội, công tác xã hội của địa phương. Họ trở thành những tấm gương mẫu mực cho con cháu học tập, noi theo, góp phần xây dựng cuộc sống ngày càng đẹp hơn.    
 Bài, ảnh: Thu Hương
Theo http://www.baotuyenquang.com.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dây tơ đồng

Dây tơ đồng 1. Cún Ngày mới chào đời, tôi cũng có tên Tây tên Mỹ như ai, nếu tôi nhớ không lầm tên tôi là “Cool”, thế mà từ ngày ông chủ M...