Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2015

Nguyễn Tuân - Một chuyến đi

Nguyễn Tuân - Một chuyến đi
Rượu giang hồ
Bữa tiệc tẩy trần
Bèo Thượng Hải bến Hồng Kông
Khói muôn năm!
Dúm cỏ tương tư
Ăn tết Hương Cảng
... bên ấy có hay không?
Một chuyến thăm dân ngày Tết
Vẽ nhọ bôi hề... cho giặc
Trước năm ấy chắc cũng đã khá nhiều người Việt Nam có dịp đặt chân tới Hồng Kông. Mỗi người một “dịp”. Như Phan Bội Châu cùng nhiều nhà ái quốc khác ghé Hồng Kông vào đầu thế kỷ 20 trong lúc bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước. Tới mà “thăm thú” không biết đã những ai, chỉ biết đến năm 1938 thì có Nguyễn Tuân.
Chính thức, Nguyễn Tuân qua Hồng Kông để đóng phim. Nhưng đó chỉ là cớ để nhà văn thỏa mãn cái sở thích xê dịch rồi sẽ nổi tiếng của mình. Với Nguyễn, ÐI đã là ÐẾN rồi! Nếu chỗ đến lại đáng thăm nữa, càng hay.
Ði xa, dễ thấy nhiều cái lạ. Chỉ kể những cái mà mắt ai cũng thấy được, bằng những lời mà ai cũng viết được, đã đủ lôi cuốn nhiều người đọc. Huống chi Nguyễn Tuân nhìn vừa bằng mắt y như mọi người vừa bằng một tâm hồn nhậy cảm khác thường và kể cái thấy của mắt của lòng thành một thứ văn xuôi đẹp đẽ.
Viết về “Một chuyến đi” xa, có khi Nguyễn không kể chuyện lạ nào hết, mà say sưa vẽ tâm trạng Nguyễn. Vẫn là mình, nhưng có khi ở nơi xa mình mới dễ thấy một nét chân tướng của mình!
Sau đây là một số “trích đoạn của trích đoạn”(1) từ tác phẩm du ký dài duy nhất viết thời tiền chiến của Nguyễn Tuân. Các nhan đề đều do người chọn tạm đặt.
Rượu giang hồ
Ồ, cái tả mới gợi sao. Gợi ngay từ lúc tầu Kinh Châu chưa dịch đít, còn nằm bất động dưới “vòm trời thấp tịt như cái vung nồi” nơi bến Hải Phòng...
“Biển lớn bắt đầu (...) Tôi tập tễnh đi (trên boong) (...) Tôi thấy (...) cặp chân vững chãi của tôi đã đến lúc đặt nhầm chỗ và có lúc lại không nhận thấy chỗ mà đặt nữa (...) Tôi thấy choáng váng tâm óc và say sưa vô cùng.”
Nguyễn say rồi. Dĩ nhiên nhà lãng tử chuyên nghiệp của chúng ta không phải say sóng, sắp nôn tới mật xanh mật vàng, mà say ÐI, say “rượu giang hồ”. Men kỳ này nồng lắm, vì đây chính lần đầu Nguyễn được đi tầu biển xa thế, đi đến tận Hồng Kông.
Nguyễn vui thú giang hồ đến “ngây ngất, lảo đảo”, rồi Nguyễn kêu buồn, kêu thiếu tri kỷ. À..., “sao lúc này người ấy lại chẳng cùng tôi”, câu nói thầm trong lòng một chiếc thuyền bồng trôi dưới mưa (2), câu ấy đang tự lặp lại thiết tha...
Ði, khối người đã đi xa đi nhiều hơn “tôi” không biết bao nhiêu. Nhưng mấy ai. Dĩ nhiên. Mấy ai có được cái tâm hồn đa cảm, phức tạp như tâm hồn Nguyễn.
Buổi chiều mùa đông ấy, tầu Kinh Châu rút neo vào khoảng bốn giờ. Trời không sáng và cũng không tối. Mặt nước thương khẩu Hải Phòng lẫn lộn vừa nước ngọt vừa nước mặn, phản chiếu ánh sáng lạnh một vòm trời thấp tịt như cái vung nồi đè nặng trên lữ hành.
Từ ruột con tàu bể, nổi lên mấy tiếng phì! phì! làm rạo rực lũ người đứng trên boong muốn nói nốt chuyện với bọn người đứng dưới bến. Tiếng còi tràn qua sự buồn rầu của cuộc tiễn biệt và chạy dài đến giang thôn kia thì chết hẳn. Hồi chuông báo hiệu lắc mạnh. Con tầu dịch đít. Sườn tầu nhẵn nhụi còn gợn mẩu cầu chưa rút hết, lừ lừ nhả thành đá nơi bến. Cái quãng trống từ thành đá đến thân tầu sáng dần ra và rộng thêm mãi. Con tầu cựa mình làm mặt nước rạt rào vỗ mạnh vào chân đập bến lởm chởm gắn những mảnh hầu và vỏ sò. Luồng khói trắng, loãng, cao và dựng đứng trên nền mây chì đã nhường chỗ cho thứ khói đen và đặc. Con tầu tuôn mùi than đá nồng nặc làm người ta có thể mửa được đến mật xanh mật vàng. Gió bấc một buổi chiều khởi hành đè rạp luồng khói xuống mặt nước phù sa (...) (Trích từ chương Một Con Tầu Say Rượu)
Bữa tiệc tẩy trần
Tưởng tượng từ Hà Nội xe kéo qua Hồng Kông xe tắc-xi. “Chiếc xe vùn vụt. Như một hòn chì đạn sau tiếng nổ bấm cò súng”! Trong lòng hòn chì đạn, là... Nguyễn Tuân! “Tôi (...) say sức nhanh (...) Tôi ngây ngất (...) tôi ngà ngà”...
Nguyễn sẽ còn ngà ngà nhiều thứ mới mẻ nữa trong cái đêm đầu tiên ấy. “Một chuyến đi” rồi sẽ có những “phút nhục”, đêm nay là một “phút vinh”.

Bữa tiệc tẩy trần của hãng phim Nàm Duỵt linh đình lắm, nhưng những xúc cảm độc đáo nhất của Nguyễn thì lại do mấy tiếng đàn nghe ké vẳng lại từ các buồng bên. Nguyễn nghe đàn mà uống rượu đến “gần nhừ”, đến tưởng người mình sắp biến thành một con sứa! Buổi sơ ngộ Cảng, thế cũng coi như là được.
Chưa bao giờ tôi được say sức nhanh đến thế, ở giữa những phố đông người sang ngang, trong làn ánh sáng xanh, đỏ, trắng, tím, vàng phát từ muôn nghìn thước ống thủy ngân, uốn theo hình chữ quảng cáo của một thành phố anh chị trong việc buôn bán ở Cực Ðông.
Tôi ngây ngất. Tốc lực tắc-xi đã làm cho tôi ngà ngà. Thế mà tài xế còn chưa cho là đủ. Hắn còn rú mãi ga. Chiếc xe vùn vụt. Như một hòn chì đạn sau tiếng nổ bấm cò súng. Ðôi đèn pha rọi đường cho xe, không là cần dùng nữa. Ðôi con mắt điện kia chỉ còn có tính cách trang điểm thôi. Vì ánh sáng của nó không trội được trên dải phố lát nhựa nó như lóe ra được hào quang chói mắt.
Ðêm nay là đêm đầu tiên của tôi tại Hồng Kông. Ánh sáng của Hồng Kông là ánh sáng một kinh thành tự cháy bùng lên theo điện học, làm mờ mắt và nóng mặt những lữ khách chưa quen với sức sáng gắt gỏng, lọc lõi và dữ dội này. Ngồi trong xe hơi, tôi có cảm giác chơi hú tim với ánh sáng rọi qua cửa kính. Xe chạy nhanh, chốc chốc lại hãm phanh dựng đứng xe lên được vì có một sính sáng Trung Hoa đang mải đọc một tờ báo Tầu đi từ lề đường bên này qua hè bên kia. Ấy ở Hồng Kông, nó có những cuộc gặp gỡ của cực đoan quái lạ như vậy (...) (Trích từ chương Hoa, Ánh Sáng Và Nước)
Bèo Thượng Hải bến Hồng Kông
Nguyễn Tuân ngồi tiệm nhẩy? Hình như chỉ trong “Một chuyến đi”, chỉ ở Hồng Kông.
Hà Nội cũng có vũ quán. Nhưng Nguyễn thấy mình gần với thời vang bóng hơn, ở nhà Nguyễn thích đi hát cô đầu hơn.
Người quen Khâm Thiên thấy tiệm nhẩy nó thế nào? “Ở đây, màu sắc (...) cử động. Trong mọi thanh âm, hình như có người pha trộn các thứ phẩm tươi màu.” Mầu đèn thì biết... nhẩy, còn tiếng nhạc hơn hớn, hơn hớn...
Nguyễn “ngồi tễu”, bỡ ngỡ, nhưng trông lại ra “thờ ơ lạnh lùng”. Không biết có phải phần nào nhờ “cái dửng dưng trời in vào một bộ mặt” ấy mà Nguyễn được hết tễu ngay. Ðêm nay ở bến Hồng Kông, “nước” Hà Nội gặp một lúc những bốn cánh bèo Thượng Hải.
Duyên bèo nước chấm dứt bằng một cái hôn vọng. Nguyễn hôn ai trong văn mình bao giờ chưa nhỉ? Nếu chưa, cũng là một dịp đích đáng chứ sao.
Ðêm nay, tôi ngồi tễu trong một tiệm nhẩy. Chung quanh những bàn ghế xinh xắn, có đến linh trăm con người ngọc ngồi tản ra từng tốp vây lấy sàn nhẩy. Gian buồng khiêu vũ China Emporium là một thế giới mê hồn thu nhỏ lại. Từ mấy phía tường thấm, lậu, rỉ ra những tiếng thở dài của bản đàn lãng mạn thương vay cho những cuộc tình không có ngày mai. Ở đây, màu sắc sự vật đều cử động. Trong mọi thanh âm, hình như có người pha trộn các thứ phẩm tươi màu. Và mùi hương lại gây mùi nhớ và muốn lên tiếng kể những chuyện ngày xưa.
Tôi ngồi yên. Với một cốc rượu mạnh, một cái tẩu thuốc lá tắt và một người bạn, nhận làm hướng đạo và thông ngôn. Tôi soi mặt tôi vào chất pha-lê thuần túy chiếc cốc trong trẻo phô rõ chất máu rượu ngon không cấn. Mầu sáng bóng pha-lê phản chiếu, trả lại cho tôi một bộ mặt vô sự. Một vài vũ nữ đẹp, đứng tuổi đã nhầm cái thờ ơ lạnh lùng của một khuôn mặt. Họ tưởng tôi là một người đã chán cả với hoa nguyệt dưới gầm trời. Cái dửng dưng trời in vào một bộ mặt lại cho tôi có dịp mời người đẹp ngồi, uống rượu và nói chuyện. Người đẹp đẹp lắm. (Trích từ chương Hoa, Ánh Sáng Và Nước)
Khói muôn năm!
Loài người dễ chưa có ai đáng được... hít khói hơn Nguyễn Tuân, bằng Nguyễn Tuân. Và riêng đối với các hiệu thuốc lá, thì những dòng tùy bút sau đây thực đáng trân trọng quá chừng, đáng kẽ chữ vàng lên biển son mà treo làm quảng cáo (ở những nơi còn cho quảng cáo thuốc lá).
Cái “tập hình thức” khói của “tôi” còn mỏng lắm, còn thêm được vô số “trang”. Có thứ khói khi gặp chắc “tôi” cũng sẽ yêu khá dễ dàng, như khói đốt đồng ở Nam bộ. Có thứ, chỉ mấy năm sau khi kêu “Khói muôn năm!”, tôi đã được gặp, và hẳn tôi không yêu, không xem là “nhân tình cần thiết”. Đó là khói lửa!
Tôi yêu đêm. Đấy là những giờ quý báu nhất trong thời biểu một ngày mà một người biết nói thầm với một người. Tôi sống cuộc đời tiềm tàng của tôi vào lúc khí âm thịnh.
Có nhiều đêm, tôi lại không ngủ, không phải để nghiền ngẫm tư tưởng chứa trong trang sách, hay là biên chép ý nghĩ vụn của mình trên mảnh giấy. Dưới ngọn đèn, tôi chỉ thức để không ngủ, để ngắm bóng tôi in hình đen trên tường tối. Và như thế thỉnh thỏang tôi lắng thấy tiếng của những ngày chết dội về. Trong phút nói chuyện với bóng, gợi lớp tro lòng nguội, tôi thấy đêm không ngủ có một vẻ đẹp thần bí nếu tôi lại được ngửa mặt lên trần nhà mà hút thuốc lá. Khói thuốc càng đầu độc mấy thước khối không khí trong phòng hẹp bao nhiêu, thì trong sọ tôi, đám rước của kỷ niệm càng kéo đông và không ngừng bấy nhiêu. Người xưa, thắp đuốc đi chơi đêm để làm cho dài thêm cuộc đời ngắn ngủi. Tôi, sống những đêm trắng, hút thuốc lá để cho đời tâm tưởng được nhiều và rộng. Hay ít ra, tôi đã nghĩ như vậy. Khói thuốc lá có công to giúp tôi nhận rõ được tôi, trong khi tôi âm thầm, rủ rỉ ngồi chơi với tôi, lắng hồi mõ điếm giao canh hay tiếng gà gọi con nước lên. Tôi thức đêm để hút thuốc lá. Tôi hút thuốc lá để thức đêm (...)(Trích từ chương Dúm Cỏ Tương Tư)
Dúm cỏ tương tư
Bơ vơ đất khách mà nghe “âm nhạc quốc ca”, nghẹn ngào là phải.
Vẫn cái “đám khói xanh cuồn cuộn từng vòng đặc” ấy, khi người ta ở trong xứ người ta nó chẳng vẽ nên hình ảnh gì. Mới hay quê hương có khi chỉ đơn giản là... dúm thuốc lào. À, không, là “dúm cỏ tương tư” chứ.
Ấy thế mà cái sướng được hút thuốc lá sau những ngày đêm nhịn nhục như thế lại là chưa đáng kể. Tôi đã được hút thuốc lào kia! Giữa hôm Tết, ở nhà ông cụ Th., sau một tháng thèm thuồng, nhắc nhỏm tới nó.
Tôi rít hơi thuốc tưởng tụt được nõ điếu. Tiếng nước kêu lóc cóc, giòn giã trong điếu bát như tiếng âm nhạc quốc ca. Trông đám khói xanh cuồn cuộn từng vòng đặc, tôi thấy hình ảnh của cả một quê hương. Ðấy, chỉ một tị tẹo như thế ở đất khách đủ làm cho người ta nặng lòng quê hơn một bài quốc sử thì có lạ không? Trong lúc ngây ngất chỉ còn thiếu có nước đâm đầu vào ông đồ rau, - ví cái phòng khách sang trọng này là một cái bếp lửa -, giấc hương quan đã viếng tôi một cách thấm thía. Ông cụ Th. cười:
- Coi bộ đầu năm hút điếu thuốc lào thú lắm há!
Tôi nghẹn ngào không nói gì, nhìn ông già đó như cám ơn và đưa điếu bát cho Ðàm Quang Th.... Tôi ngâm rất khẽ:
“Nhớ ai như nhớ thuốc lào...”
Tôi ngâm đủ cho tôi nghe thôi.
Và tôi khâm phục cái người nào đã lấy chữ Hán đặt tên chữ cho thuốc lào là tương tư thảo. Cỏ tương tư!... Hay quá! (...) (Trích từ chương Dúm Cỏ Tương Tư)
Ăn tết Hương Cảng
Thế là Nguyễn cùng anh em diễn viên phim Cánh Ðồng Ma phải ở lại Cảng Thơm đến sau Tết.
Ăn cái Tết Tàu cho biết cũng hay, sao lại “phải”?
Ấy vì một số lẽ, “đối với mũi họ, cái cảng lớn này đã hả hết mùi thơm”. Bị cầm chân ở một nơi không thơm vào cái dịp hương quê nó cứ lên ngát cả hồn, nên “tôi, chiều nay, hằn học với số phận, dám cáu kỉnh cả với cuộc đời phiêu lưu mà xưa nay tôi vẫn ca ngợi”.
Chiều chót của năm sắp cũ. Nguyễn trông người Tàu đốt pháo mà nhớ Hà Nội. “Giữa cái tưng bừng (...) tôi lang thang, cô độc như một kẻ bị đi đày”. Và y như một kẻ đi đày, túi “tôi” rất cạn, nên “tôi” ôm hận “không đủ tư cách để làm nổi một việc xa xỉ” chẳng mấy xa xỉ là mua một cành đào về cắm cho đỡ nhớ quê.
Chiều rồi đêm. “Ðêm Hương Cảng đỏ rực hẳn lên”. “Mọi người đều vui vẻ, tôi không muốn buồn nữa”. Thế là “tôi (...) nhẩy luôn vào cái dòng người đang chẩy của đêm hội” mà... trôi, mà trong một lúc quên đi được “những sự thiếu thốn của lòng mình”...
Ðêm Hương Cảng đỏ rực hẳn lên.
Phiên chợ đêm tết Hương Cảng đem những tiếng ồn ào của nó đến cả cặp tai lơ đễnh của khách ngụ cư chỉ đi qua cuộc sống trên hòn đảo, trong có một thì. Rồi cái nhộn nhịp trong chợ tết hút luôn cả những linh hồn tạm bợ đó vào cái huyên náo của nó.
Chợ tết đêm nay thực là cuộc chợ phiên vĩ đại, họp ngay đường cái. Hôm nọ đây, con đường Cáo Ðạo rộng thênh thang này, còn là một đại lộ xe tầu chạy như mắc cửi. Như cảnh bài trí trong một chuyện thần tiên hay một chuyện Liêu Trai, trên mạch máu cái này của thành phố, bây giờ những gian hàng nhan nhản mọc đầy rẫy, như có một bàn tay hồ quỷ xây dựng lên bằng tà thuật. Người ta đi trẩy chợ tết, cọ xát vào nhau, ép sát vào nhau không để hở một kẽ nào. Người đi lên, kẻ đi xuống đã chia cái rồn rập này ra làm hai dòng: một dòng ngược và một dòng xuôi. Xuôi ngược đôi dòng, lớp người đi trong đêm sáng, cứ xô bồ cuồn cuộn, không khác dòng thác nước lũ mùa thu lôi cuốn những thân cây tươi và đám lá úa trong cái hỗn độn của thảo mộc lìa ngàn.
Cùi tay tôi làm việc nhiều. Tôi đẩy người đi trước chưa kịp dọn lối tiến thì người đi sau tôi đã đẩy mạnh tôi.
Tôi tức giận. Quay lại, tôi nhìn thấy một thiếu phụ Trung Hoa mặt đỏ bừng, tay nâng cao một củ thủy tiên. Nàng đang ngây ngất vì cái huyên náo của dòng thác người chơi hội trừ tịch. Tôi chỉ kịp nhìn nàng hé một nụ cười. Nàng lấy tay ủn tôi; tôi vô tình đã dẵm cả vào mũi giầy nàng (...) (Trích từ chương Một Ngày Một Đêm Cuối Năm)
... bên ấy có hay không?

Ðại sự gì mà đến nỗi kể thiếu thì bao nhiêu tuyết trắng trên núi Phú Sĩ đều hóa tro và muội, thì “mầu mây trời La Mã (...) trở nên buồn như tang”, thì hết thảy sự lớn nhỏ khác đã kể coi như “vứt”?
Ấy là cái sự... tình, như trong “thăm dân cho biết sự tình”!
Hễ đi xa (Hà Nội vào Huế đủ xa), muốn thăm thú núi non sông nước gì đấy thì cứ tha hồ nhưng chớ quên thăm “người đàn bà bản xứ” để khi về còn “tả” cho anh em nghe lúc tửu hậu, cà-phê dư! Nếu không thế, người trở về là “một du tử, một khách giang hồ không biết tự trọng”!
Nguyễn dĩ nhiên tự trọng. Và lại nền nếp. Nên trước khi kể chuyện ấy ở bên ấy, Nguyễn bắt ta nghe hẳn một khúc... e hèm!
Người ta, một khi ở phương trời xa lạ được trở lại quê nhà, thường phải cái nạn kể chuyện cho bạn, cho bà con, cho tất cả mọi người đến thăm mình vừa đi vắng về. Tả cái ngộ nghĩnh, quái gở của hòn đất, dải sông, tảng núi; tả cái kỳ dị của phong tục, cái đẹp của tính tình dân tộc.
Tự nhiên, mình thành ra cái đĩa nhựa máy hát. Và phải quay cả hai mặt đĩa, mỗi lúc gặp bạn cũ bắt nói chuyện.
Nhưng nguy hiểm hơn hết, là câu hỏi của người bạn hiền, lúc đã lả lơi:
- Ðàn bà bên ấy có hay không?
Trong một bầu không khí thân mật, sau một bữa ăn thịnh soạn mà mình là vị thực khách danh dự đến nhờ chén rượu ngon bữa tiệc rửa những hạt bụi đường xa bám nơi manh áo, người ta lặng lẽ chờ miếng đường tan đều trong chén cà-phê đặc, thỉnh thoảng thúc giục bạn kể cho nghe cái chuyện “người đàn bà bên ấy” (...) (Trích từ chương Duyên Bèo)
Một chuyến thăm dân ngày Tết
Tết là đi thăm. Nhưng thăm ai, khi người ta đang ở quê người?
Lòng trống, “thịt (...) đòi một sự cần dùng”, lại “ngựa quen lối cũ” (bao nhiêu lần rồi mà quen?), Nguyễn thấy mình bỗng hóa một “tiên sinh” đứng trước “đấng tiên sư”, chuyện thật tự nhiên.
Gái trong lòng khách, tay gái trong tóc khách, khách và gái mạnh ai nấy nói bằng thứ tiếng nói riêng của dân tộc mình và bằng thứ tiếng không nói chung của cả nhân loại, thú lắm. Nhưng “mặt người đàn bà ấy đỏ ửng như một hòn than luyện”? Ấy, đi thăm mà gặp được “dân” hào hứng như vậy, chả mấy khi đâu, Nguyễn năm nay đỏ rồi!
“Ðêm thổn thức đi...”. Xong một lá thiếp phấn hồng. Xong một “tư tưởng” độc đáo...
Chuyện ấy bên ấy, các bạn của Nguyễn nghe chừng ấy, không biết đã thỏa hay chưa...
Ngựa quen lối cũ, tôi lại lần mò đến khu Aberdeen Street.
Hăng hái bước vào nhà chứa, tôi vênh mặt lên để nhận lời chúc mừng năm mới của một “ả sẩm” gọi tôi là sính sáng.
Ðèn nến sánh như trong một buổi dạ hội. Một cành hồng mai to chặt sát gốc, một cành bạch đào có tết lụa điều cũng chặt sát gốc, chắn hết cả lối hành lang. Ở bàn giữa phòng tiếp khách, la liệt hoa quả, bánh mứt và rượu dán đủ các nhãn thương tiêu. Tôi nhìn kỹ bức tranh trung đường treo trên bàn thờ vẽ toàn thân một vị thần, lớp phấn trắng tô cặp lông mày đã mờ nhạt. Ðấng tiên sư đấy! Mấy ông sính sáng Tầu chân chính nhìn tôi cười. Ả sẩm kéo hai bạn tôi và tôi vào buồng. Tôi lật trang cuốn Việt Hoa thông thoại để tìm những chữ cần dùng nói chuyện.
Người ta bưng vào buồng một quả mứt đầy. Tôi mở quả mứt, mời các bạn và vui vẻ nói:
- “Cẩm” như xóm cô đầu bên mình. Bạc lẻ, hào lẻ đâu bỏ ra mà mừng tuổi!
Hai ông bạn tôi hình như chưa tập được lối ăn uống của người giang hồ, vẫn rụt rẻ chưa chịu bỏ quả táo tàu và những hột sen trần vào mồm. Nếu sẵn kính hiển vi trong tay, chắc các ông ấy không ngần ngại soi kỹ hạt mứt, ngõ hầu kiếm lấy ít con vi trùng hoa liễu.
Người ta cất quả mứt với những tiếng “cống hỉ” ầm ĩ khi đã thấy bọn tôi bỏ vào đấy những chiếc phong bì xinh đẹp, đỏ chói và cồm cộm hào (...) (Trích từ chương Duyên Bèo)
Vẽ nhọ bôi hề... cho giặc
Dĩ nhiên Nguyễn qua Hồng Kông đâu có phải chỉ để đi ăn tiệc yến ở đại tửu lâu, với lại đi ngồi tiệm nhẩy, với lại đi hút thuốc phiện, với lại thỉnh thoảng ghé... thăm “dân”.
Mới “nợ áo cơm” sơ sơ đã phải “trả đến hình hài”, huống chi nợ xa xỉ đến nơi đến chốn như Nguyễn. Trát tí phẩm tươi lên... mắt, cái giá chơi bời rẻ chán.
Còn cái đám giặc Tầu ở Hồng Kông, thì cho đến tận năm 2011, đám ấy vẫn nguyên là “giặc trong nghệ thuật nhựa”. (Khác chăng là khắp thế giới bây giờ, coi như tất cả các đám khác cơ bản cũng đều đã hóa giặc!)
Soi gương, tôi tự nghĩ:
“Ông cố nội tôi, khi ngồi trong Cẩn Tín Viện nhà vua với cái nhân phẩm và cái nết trì thủ của một ông nghe bút thiếp dưới triều Tự Ðức, hẳn không bao giờ tưởng sau này sẽ có một đứa cháu đích tôn sang Hương Cảng để bôi rất nhiều nhiều phẩm tươi vào mặt.” Tôi thấy tôi rất ngố trong tấm gương, vội kêu to:
- Mẹ kiếp thật là vẽ nhọ bôi hề!
Ðàm Quang Th... vội bắt lấy câu ấy, nói tiếp:
- “Nợ áo cơm phải trả đến hình hài” đấy. Ha! Ha! Thôi vẽ mau lên. Còn đến tua người khác. Toa không thấy anh em đang chờ một chỗ ngồi hay sao!
(...)
Nói đến nghề làm phim ảnh của người Tầu, phê bình đến họ thì chỉ có thể lấy cái lòng từ thiện ra mà nói thôi (...) Người Tầu, thật là bọn giặc trong nghệ thuật nhựa. Tôi đã từng gặp nhiều chú khách cổ cao một ngấn, hai ba cái cằm in nét ở mặt, về quan niệm mỹ thuật mù tịt, đứng làm giám đốc về việc bài trí những phim ảnh. Một truyện phim đầy sinh khí, đầy thơ mộng, vào tay họ, thế nào cũng thành truyện kiếm hiệp, nếu không là trinh thám (...)
(Trích từ chương Đoạn Chót Bản Hợp Đồng và chương Ấn Tín Người Con Hát Tỉnh Việt)
(1) Ðể xem trọn các trích đoạn, xin viếng trang gocnhin.net.
(2) Xem bài Chiếc Va-Ly Mới trong tập Tùy bút.

 Thu Tứ
Theo http://www.gocnhin.net/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...