Nhà thơ Lê Thị Thu Tuyết
Chân dung Lê Thị Thu Tuyết
Tiểu sử văn học: Lê Thị Thu Tuyết
Tên thật: Lê Thị Thu Tuyết
Sinh năm 1958 Nơi sinh: Phú Yên.
Tốt nghiệp Đại học Sư phạm, Tp. HCM
Tốt nghiệp MBA, Trường California Miramar, USA.
Giảng viên trường Đại học Tài Chính - Marketing. Hiện đang tu
nghiệp tại AUSTRALIA.
Có thơ đăng trên tạp chí: Văn Nghệ Thành Phố Hồ Chí Minh và
trong những tuyển tập: Hạt Bụi Vàng, Thơ Văn Giữa Đời Thường, Duyên Thơ 4,
Nghìn Năm Thăng Long….
Là cây viết về mảng kinh tế trên tạp chí của trường Đại Học
Tài Chánh Marketing và kỷ yếu của những hội thảo khoa học được tổ chức bởi một
số trường Đại học và báo Tuổi trẻ.
Thơ Lê Thị Thu Tuyết
MẸ TÔI
Bàng bạc màu khói sương
Bao nỗi niềm con vương
Tháng năm đầy tiếc nhớ
Khói hoàng hôn trong vườn
Ngày đi qua ngõ vắng
Lặng lẽ bóng mẹ già
Lom khom chiều nhạt nắng
Gánh hao gầy xót xa
Lối mòn chân bước vội
Muốn thời gian ngừng trôi
Lá tre vàng ngập lối
Lót bàn chân mẹ tôi
Ánh đèn qua cửa ngõ
Thoáng thấy bóng mẹ về
Đàn con như rạng rỡ
Bởi nhà thiếu vắng cha
Bữa cơm chiều đạm bạc
Cũng đã vắt kiệt hơi
Oằn đôi vai nặng trĩu
KHUYA VẮNG
Dòng đời vẫn cứ trôi
như dòng chảy của những ánh đèn lung linh trên lộ tối.
Tôi đếm bước thời gian
để tuổi xuân ơi, xin dừng lại một chút bên lề cuộc sống.
Để uống từng giọt nắng đầu ngày làm tươi suy tư đã nhuốn muộn
phiền,
và tắm gội tâm hồn bằng những cơn mưa rào tháng hạ
Để tìm chút hồn nhiên còn sót lại của tuổi thơ
như một khoảnh khắc thư giãn của kiếp người.
Dòng đời trôi, lộ vắng trôi và con sông cũng hững hờ, mặc
nhiên mọi thứ.
Anh có đến, sớm hay trưa cũng chỉ là sự ghé qua của một chặng
đường.
Thành phố về khuya vẫn lung linh ánh sáng,
vẫn rực rỡ muôn màu như những hào nhoáng tự nhiên của cuộc đời
Chuyện một chiếc cầu từng đi vào ký ức của tuổi thơ,
từng làm tôi xúc động bàng hoàng…
Và hôm nay, chiếc cầu ngoài kia với bảy sắc cầu vòng
như nhấn chìm vùng trời bình yên vào cõi lãng quên…
Lê Thị Thu Tuyết
LÊ THỊ THU TUYẾT,
CÁM ƠN ĐỜI GỞI GIÓ LỜI RU
NGÔ NGUYÊN NGHIỄM
Mang nặng hành trang phiêu bạt vào cõi lãng du của thế giới
văn nghệ, chắc hẳn người nghệ sĩ đã đặt nặng một dấu ấn nghiệp chướng trong vai
trò sáng tạo đa mang. Tôi luôn luôn giật mình và tâm đắc với phát biểu của nhà
thơ Hạc Thành Hoa, xem một người cầm bút tâm huyết với sự lựa chọn một vũ trụ
quan nghệ thuật cho chính mình, là một định danh vào sổ đoạn trường. Thật sự,
những khinh khoái của người làm văn nghệ được tôn vinh như thế nào, sáng
tác bộc phá có làm cho sự góp mặt với nghệ thuật thay đổi được chân thiện mỹ cuộc
sống? Nhưng tất cả say mê như dâng hiến, đã làm rõ ràng một ước vọng hoàn thiện
cho tương lai, đến ngôn ngữ dù còn quá hạn hẹp trong trình diễn được hiện diện
bằng tất cả tâm huyết, còn chút suy nghĩ lãng du của người phê bình ngoài cuộc.
Cái say mê trong sáng tạo, đã lập dựng một thế giới riêng tư cho tâm hướng
trong lành của nghệ sĩ. Một thế giới chắc còn nhiều suy nghĩ về dự phóng vĩnh cửu
còn nằm khuất trong một con đường trước mặt mù mờ và khá gay go. Nhưng cây bút
của kẻ sáng tạo, vẫn hình dung viễn tượng và kẻ vạch cho mình một hướng đi
ngang trời, bằng những tạo dựng phi thường của nghệ thuật và sáng tạo.
Tôi đồng ý với nhà thơ J. Huỳnh Văn khi phát biểu: Mỗi
chuyến đi ấy luôn luôn chờ đợi những hiểm nguy…Những hiểm nguy sống chết ấy,
thi sĩ đã nhận chịu đi theo cuộc lữ. Vì đâu người thi sĩ ấy nói tới ra đi, sẽ
không cần trả lời nữa, bởi vì đã đến lúc ra đi…
Cái phân biệt của một sự chính thống nghệ thuật là người nghệ
sĩ dấn thân bằng những sức lực sáng tạo và hy sinh. Trên con đường xa vời của
viễn tượng, bao nhiêu giăng mắc cạm bẫy và mặt nạ hiển hiện khắp cùng ngõ
tới. Cái chính tâm của người làm thơ là biết tạo lập một vũ trụ quan sáng tạo
riêng mình, mà kiên trì bước vào định mệnh, như một thánh chiến hy sinh, cho thần
trí nghệ thuật và nghệ sĩ.
Tôi biết cái quyết tâm của nhà thơ Lê Thị Thu Tuyết cộng dồn
những hy sinh cho sự đam mê nghệ thuật, tạo lập riêng cho nhà thơ một bước đứng
kiên trì vững chãi cho Thơ suốt một đoạn đường chiều dài cuộc sống. Mặc
dù những vướng mắc vì đời thường và nghiệp vụ, vẫn làm chị bâng khuâng trước bước
đi tinh thần đầy vĩnh cửu của nghệ thuật. Đã có thêm một hồn thơ ghi vào sổ đoạn
trường, mà nhà thơ nhà giáo ưu tú Hạc Thành Hoa đã phát biểu, nhiều phen suy
nghĩ rúng động cả tâm can, khi tưởng tượng vùng trời trước mặt đầy định mệnh
nghiêm khắc. Nhưng hùng dũng kiên định thay người văn nghệ sĩ vẫn tự nguyện
thánh hóa, vững chãi bước đi trên thơ…
Hôm được anh em báo Văn Nghệ Thành Phố tặng tờ Tuần Báo Văn
Nghệ số 114, tôi bất chợt bắt gặp lại phong thái của nhà thơ Lê Thị Thu Tuyết
trong phần giới thiệu của trang thơ. Thơ Lê Thị Thu Tuyết trẻ với đề tài tình
yêu và sự trải nghiệm mang chút triết lý cuộc sống nhưng trên hết vẫn là một hồn
thơ nồng nàn, đậm nữ tính. Sự xuất hiện của nhà thơ ở những năm gần đây, sau một
thời gian dài ẩn mặc, một phần công việc đời thường của một giảng viên, nhiều
phen tu nghiệp tận phương trời xa, một phần bản chất của một người thơ nữ còn
mang nặng gia phong và giáo nghiệp, nên nhà thơ Lê Thị Thu Tuyết ẩn mình quá
sâu vào bản thể, lập dựng cho thơ, cho riêng mình một nơi cư trú nặng tố chất
huyền mặc đông phương. Tôi nghĩ điều đó làm cản trở bước đi phiêu bạt của dòng
thơ Lê Thị Thu Tuyết, dù rất quý chị bằng tất cả cảm thông khi chị đang khoát lớp
áo giảng viên. Vì vậy, có lúc tôi hỏi chị có bị ảnh hưởng gì không với nghề
nghiệp, nhà thơ khiêm tốn trả lời: “Là một nhà giáo tôi tự khép mình vào một
cái khung như một lối sắp đặt của cuộc đời, hay chính xác hơn là của xã hội Á
Đông, còn bị ảnh hưởng bởi triết lý của Nho giáo. Đôi lúc tôi muốn phá bỏ
một số định kiến lỗi thời như một cuộc cách mạng cho riêng mình và cho những bạn
bè nữ nói chung, nhưng tôi không thể… Vì vậy, tôi đã trút lên thơ như một nỗi
niềm”.
Cách đây gần 3 năm, nhiều tuyển tập thơ ra mắt bàng quan
thiên hạ, phần đông có hiện diện của nhà thơ Lê Thị Thu Tuyết, tuy nhiên có lẽ
những quan niệm chủ quan của nhóm chủ trương quả lỏng lẻo nên ý kiến về những
người tham dự đều được viết với ý kiến cực đoan gây biết bao nhiêu sự bất đồng
của nhiều nhà thơ có mặt. Với Lê Thị Thu Tuyết cũng vậy, những ý kiến chủ quan
đã viết sai về ý hướng sáng tác của một nhà thơ đã có một quá trình tham gia
văn học nghệ thuật đã khiến chị cẩn thận hơn với những lời mời cộng tác ở nhiều
thi tuyển khác…
Trước ngày đất nước quy về một mối, nhà thơ còn mang nặng
tính chất đam mê văn nghệ của một nữ sinh tỉnh lẻ, nhưng những dòng thơ mang
bút hiệu Lê Anh, LTT… cũng đã góp mặt với trào lưu văn học miền Nam bằng nhiều
thi phẩm, khi còn cắp sách tận Tuy Hòa. Phải chăng đó đã minh chứng cho cái
nghiệp chướng văn chương mà nhà thơ đã đa mang đến tận hôm nay.
Nhắc đến Tuy Hòa, một vùng đất nẩy sinh biết bao nhiêu tài
hoa văn nghệ, bên cạnh những địa linh hùng vĩ của sông núi thiêng liêng đất nước.
Những anh em văn nghệ đồng thời với tôi đã nổi danh như một vốn quý hiếm hoi mà
nhìn lại tất cả các vùng đất quê hương đều quy lập tượng hình được
những uy mãnh trong vườn hoa nghệ thuật. Một nhà thơ, nhà giáo Trần Huyền Ân suốt
đời tận tụy nghiệp chướng văn chương, đã định hình một bề dầy nhiều tác phẩm
văn thơ biên khảo giá trị. Một Nguyễn Lệ Uyên, Hoàng Đình Huy Quan, Mang
Viên Long và nhóm tạp chí Sóng, Hiện Diện… đã ghi được một dấu ấn cho lịch sử
văn học tỉnh nhà. Phần đông các nhà văn đều là những nhà giáo tận tụy với
nghệ thuật cần mẫn trong những sáng tạo tuyệt vời, đan đầy trong tâm hồn
một tình người chân chất… Gần nhất, là một nhà giáo nhà văn Nguyễn Thị Thu
Trang, một thạc sĩ đang giảng dạy tại Tuy Hòa, có lẽ cũng đồng song với nhà thơ
Lê Thị Thu Tuyết, bằng tất cả tâm huyết cho nhiều sưu khảo có giá trị… Hôm nhận
được quyển sách sưu khảo về nhà văn Võ Hồng, tôi thật sự cảm động cái nhiệt
tình của kẻ hậu bối đối với người lão thành một cách chân tâm. Vì vậy, cái để lại
cho thế gian là điều cần thiết, mà phải công tâm để nói rằng làm được gì không?
Chứ không phải nhận được gì không? Khi cuốn biên khảo Tác Giả Tác Phẩm, Người Đồng
Hành Quanh Tôi, tập 1 ra mắt dư luận phê bình nhiều có lúc tôi cũng ái ngại như
nhà thơ Lê Thị Thu Tuyết về sáng tác, phải khiêm tốn, tri túc đãi túc…
Nhưng làm sao vừa lòng hết mọi người!? Thôi thì cứ sáng tác, cứ xuất hiện trong một khung trời bất khả xâm phạm của một nghệ sĩ.
Nhưng làm sao vừa lòng hết mọi người!? Thôi thì cứ sáng tác, cứ xuất hiện trong một khung trời bất khả xâm phạm của một nghệ sĩ.
Tôi đi đến thơ văn của nhà thơ Lê Thị Thu Tuyết như một cuộc
tình cờ, như ở giữa một không gian chợt nắng chợt mưa, nhưng sự bất chợt đó
cũng không làm tôi có thiên kiến phiêu bồng về những dáng thơ của nhà thơ. Cái
cảm nhận sơ khởi khi qua một quá trình tôi được đọc của nhà thơ, có lẻ hơn 60
bài thơ mới nhất mà tôi tạm chia ra 3 giai đoạn cho 3 hình thức thơ Lê Thị
Thu Tuyết: Vần thơ cho mẹ, những vần thơ 7 chữ, và những vần thơ ngũ ngôn…Thơ
Lê Thị Thu Tuyết hiền dịu quá đỗi, khiến tôi nhớ có lần khi về Thất Sơn,
tôi có tâm sự với nhà thơ Lê Thanh My, nay là tổng biên tập tạp chí Thất Sơn, về
việc hiền quá đỗi này, đã khiến dòng thơ tình Lê Thanh My còn nép mình ảnh hưởng
của dòng thơ Trịnh Bửu Hoài, Nguyễn Tất Nhiên. Tôi cũng cảm nhận Lê Thanh My vẫn
cố gắng vượt thoát qua ngõ hẹp mà còn giăng mắc trong thơ, nhưng nhiều khi công
việc đa đoan, đầy rẫy trong hành trình của Hội Văn Học Nghệ Thuật An Giang, đã
khiến nhà thơ cũng phải công tác phiêu bạt đến nhiều nơi trên đất nước. Điều nầy,
có lẽ cũng ảnh hưởng phần nào đến sáng tác. Đến khi tập thi phẩm Trôi của
Lê Thanh My ra mắt năm 2007, thì quả thật Lê Thanh My đã lột xác hoàn toàn cho
thơ, và nhà thơ đã rực rỡ như chiếc ráng vàng giăng mắc tuyệt vời giữa
vùng trời biên giới Thất Sơn.
Thơ Lê Thị Thu Tuyết cũng thế, hiền dịu và chân thật đến
không ngờ trước được, ngoài 3 giai đoạn thơ đã giới thiệu ở phần tác phẩm, thật
tôi cũng bất chợt gặp lại những dịu dàng và ước vọng giữa một thời gian
xuôi ngược trước khung cửa sổ: Sầu đông còn ngậm hồn băng lạnh / Vẫn mãi
mình tôi đếm sao rơi.
Tình cảm bàng bạc như khói sương, một khoảng khắc hoàng hôn
trong khu vườn ký ức, ngày qua tháng lại chỉ còn là một khúc giao mùa đưa
đẩy tâm hồn người làm thơ bước vội qua những ký ức còn đang đầy trong tiềm thức.
Sự chao đảo tâm hồn cũng là một sự cảm nhận vô hình còn sót lại trái tim của
người đông phương, đặt nặng đầy rẫy những hướng tâm chân thành khép kín gần
giáo lý của Đạo. Đến một khi chợt nhận ra trên khoảng đường vắng đã đi qua, vẫn
còn chan chứa một thiếu sót gì của trái tim, của những hơi ấm vượng lên thành
người, mà : Ngày đi qua ngõ vắng/ Lặng lẽ bóng mẹ già/ Lom khom chiều nhạt
nắng/ Gánh hao gầy xót xa.
Cách đây khoảng 20 năm, khi tôi ra mắt thi phẩm Chớp Bể Mưa
Nguồn, tôi chia tập thơ thành 4 chương: Chương I: Mẹ; Chương II: Hương Hỏa;
Chương III: Cố Xứ; Chương IV: Nhập Đinh. Chương I dành cho Mẹ chỉ có 1
bài A La Hán: Mỗi phút giây nào/ Tên phiêu bạt/ Chạnh lòng quẳng hết
gánh giang hồ/… Khoảnh khắc bỗng dưng khách hiểu rằng/ Đất trời nào uy nghi
hơn/ A La Hán/ Có mẹ ta già đầu bạc như bông/ Lặng lẽ gánh đời dâu biển. Nhà
thơ Thanh Việt Thanh, phê bình tôi dành cho mẹ chỉ có một bài thơ (Chương I, chỉ
có một bài). Tôi cười, đã là A La Hán, thân vàng nghìn kiếp hóa thân.
Đau lòng đến như vậy, chẳng trách gì phải đồng cảm với nhà
thơ Lê Thị Thu Tuyết, khi nghẹn ngào: Lá tre vàng ngập lối/ Lót bàn chân
mẹ tôi..
Những tâm huyết với gia đình, cuộc đời và ngõ ngách cuộc sống
của chính mình, được hiển hiện rõ rệt trong thơ. Đó là một sự chân thành của cội
nguồn và đạo nghĩa, vì vậy, khi bước qua vài thể thơ khác của nhà thơ, sự hiền
dịu và chân thành vẫn là một cấu trúc, một yếu tố vĩnh cửu của một tâm hồn.
Tình cảm đã khiến con người tạo lập lẽ sống tràn đầy nhân nghĩa, cứ bước thẳng
vào cuộc đời mà đi, trên lối tới sẽ tràn ngập chông gai, mà kẻ lữ hành đơn độc
chỉ trông cậy vào chiếc gậy vô tri chỉ dẫn đường về. Cái vô tri vô giác của vật
thể, làm sao sánh bằng cả một huyền thiên vũ trụ của sự chân thật tình người. Lẽ
sống ươn mầm bằng giọt máu trái tim, sẽ tưới ươm đầy cho vườn hoa thiên cổ hiện
hình. Bước du hành tràn ngập sự hân hoan, đồng cảm với sự hòa điệu được chan
hòa trong khúc tình ca của vũ trụ, của lòng người. Cái sống được vươn lên như một
cố định của chân lý, tuy nhiên trong cái thường hằng nào cũng gặp nhiều cơn gió
thoảng u buồn vương mắc bên hàng rào của thế sự: Ta ngậm trong hồn màu
trăng cũ/ Trăng của ngày xưa trôi về đâu/ Cuối trời mây đụn làm trăng khuất/
Còn một mình thôi, buồn rất sâu!
Cái buồn rất sâu của nhà thơ, đã như báo hiệu một nghiệp
ngã mà tạo hóa đã giành riêng cho thi nhân. Như Chu Hy (1130 - 1200) viết bài tựa
tập truyện Kinh Thi (Tản Đà dịch): Có người hỏi rằng: Thơ làm sao mà ra?
Ta trả lời rằng : người ta đẻ ra mà tĩnh là tính trời cho nguyên như thế. Cảm ở
vật ngoài mà động, thời ấy mới là sự muốn của tính. Đã có muốn, thời phải có
nghĩ, đã có nghĩ phải có nói. Đã có nói thời những cái ý nhị không thể nói hết
ra được . Ấy tại thế mà sinh ra có thơ.
Nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc diễn giải rằng: Thơ là nỗi lòng, là tiếng
lòng, cảm ở vậy ngoài mà động, trong lúc ngậm ngùi ngợi than đã tự nhiên tạo ra
những giọng điệu cung bậc. Từ nỗi lòng đó, tiếng lòng đó tự tuôn ra như không
thôi đi được, không ngưng lại được, nên nó ắt phải rất chân thật, không màu mè,
không hình thức.
Mượn diễn giải đó làm lời kết, cho Tháng năm đầy tiếc nhớ/ Khói hoàng hôn trong vườn, dù rằng Hoa phủ vàng trước ngõ/ Nghe
chiều thêm bâng khuâng, đã giúp hồn thơ Lê Thị Thu Tuyết có một sức sống chân thành, ngan ngát đang phủ trùm dịu dàng quanh cuộc đời đầy kỷ vãng của một
người thơ …
Mùa hạ 2010 tại thư trang Quang Hạnh
Ngô Nguyên Nghiễm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét