Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2015

Dấu ấn hậu hiện đại trong Cánh đồng bất tận

Dấu ấn hậu hiện đại trong Cánh đồng bất tận
“Tinh thần hậu hiện đại đã và đang phảng phất đâu đó trong văn chương Việt Nam cũng là lẽ thường tình” (VietNamNet). Không biết vài năm trước Nguyễn Ngọc Tư đã có dịp tiếp xúc với cái gọi là văn học hậu hiện đại hay chưa, chỉ biết rằng chị đã bất ngờ cho xuất hiện như một niềm kiêu hãnh trên văn đàn Việt Nam một Cánh đồng bất tận (CĐBT) pha nhuốm yếu tố hậu hiện đại.
1. Kiếp người với nỗi cô đơn bất tận.
1.1. Những thực thể người - những mảnh ghép rời rạc bên nhau
Quan hệ giữa những con người của kỉ nguyên hậu hiện đại dường như “làmảnh vỡ, là chắp nối, là những phiến đoạn chia cắt của cuộc đời” (Lê Huy Bắc). Con người hậu hiện đại vì thế cô đơn, lạc loài ngay giữa gia đình, quê hương. Giữa gia đình nhưng họ vẫn “không gia đình”, giữa quê hương nhưng họ vẫn “thiếu quê hương”.
 1.1.1. Những mảnh ghép chồng - vợ
Có một sự “lệch pha” cơ bản ngay với cả những - cặp - người tưởng chừng như “tuy hai mà một”, giữa họ rất ít sự kết dính, mỗi một thực - thể - họ là mỗi một mảnh vỡ cô đơn.
Trong CĐBT, Út Vũ cứ “hì hục lót những cục đá tảng, những thân dừa chẻ hai quanh hè, dài theo những lối đi ra vườn, ra bến” để suốt một mùa mưa, chân vợ “không bị dính sình bùn”, cứ “trải lòng yêu thương” bất tận, “gánh hết sự kiếm sống nhọc nhằn” cốt để mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho vợ mà lại không hề biết đến những “tiếng thở thườn thượt, nghe buồn mênh mông, chảy từng giọt như nước mắt” của vợ bởi hai túi áo chị quanh năm “mỏng kẹp lép”. Út Vũ không biết rằng vợ mình cùng những người đàn bà lam lũ quê mình ngày ngày trông ngóng “chiếc ghe chở đầy vải vóc”, họ “trở thành trẻ thơ khi bước chân lên ghe, tíu tít, háo hức, thèm muốn đến bồn chồn rồi dùng dằng trở lên bờ với tâm trạng tiếc nuối, ngậm ngùi”. Cả đời, cái bồ lúa lõm đi từng ngày “luôn làm lòng họ đau đáu, khi nghĩ tới bệnh tật, chuyện cất lại cái nhà, hay dựng vợ gả chồng cho con cái”. Thì ra, cái mà Út Vũ cho là lòng yêu thương bất tận, là cái - tinh - thần, còn cái mà vợ anh ta muốn nhận lại không chỉ có thế mà còn là cơm áo gạo tiền, là cái - vật - chất nữa.  
Đối với đa số những cặp vợ chồng quê mùa khác thì tình hình lại khác. Những người chồng không hề nghe thấu nỗi khát thèm tình yêu thương, sự quan tâm âm ỉ cháy bên trong những người vợ tưởng chừng như chỉ quan tâm đến cái đói, miếng ăn. Họ đã tự tay đẩy người đàn bà của mình đến với Út Vũ, bằng nhiều cách. “Họ thích uống say, họ thích dùng tay chân để tỏ rõ uy quyền. Mệt nhọc làm lụng trên đồng, người đàn ông đã trở nên khô cằn, có khi cả đời, họ không nói với phụ nữ một câu yêu thương tử tế. Họ không biết vuốt ve, âu yếm, khi cần, họ lật cạch người phụ nữ ra và thoả mãn, rồi quay lưng ngủ khò”.
Rõ ràng, sự thiếu thốn, có thể là vật chất, có thể là tinh thần, có thể là cả hai nơi con người là bất tận, dục vọng của con người là bất tận, nhưng ngay cả những người gần kề nhất cũng không thể “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu” để lấp phần nào khoảng trống trong nhau. Họ, vì thế, trở thành những - cặp - người cô đơn bất tận.
1.1.2. Những mảnh ghép cha mẹ - con cái
Trong CĐBT, khi thấy mẹ ướm thử lên người “những khúc vải rực rỡ”, “đỏ lạ lùng”, “đỏ hơn cả máu”, hai đứa nhỏ “nhìn trân trân” vì “má lạ quá”. Chúng chê nhưng bà mẹ lại tưởng là khen nên “mừng quýnh”. Và đứa con gái “muốn khóc quá chừng, má con xa lạ với nhau mà sao lại mừng?”.  
Là cha con trong gia đình nhưng sau cuối tận cùng đổ vỡ bởi cuồng tín, với hai đứa con vô tội, người cha luôn “ơ thờ, lạt lẽo, chuyện gì cần nói thì nói vài câu nhát gừng”. “Thành ra, cái ghe thấy nhỏ, lại rộng vô cùng tận, loay hoay chỉ có ba con người, nhưng nhiều năm trôi qua, hai chị em vẫn cảm thấy xa cách cha”, “chỉ dám đứng xa mà nhìn” cha, khoái chí vô cùng khi nghe cha gọi “Nương à”, “Điền ơi” (cha đóng tuồng khi có người trong xóm thăm lúa ghé qua chòi), “xốn xang” đến không muốn ngủ khi mãi sau này (trong cơn hối hận muộn mằn của người cha), mới nghe cha đứng đằng xa, bảo, “Nương, ngủ sớm đi!”. Trước đó quan hệ cha con ngày mỗi thêm rời rạc, “những bữa ăn nối tiếp nhau trong im lặng”. Cha con “tập nhìn nhau” hết sức khó khăn. Ngày đầu tiên đứa con gái có kì kinh nguyệt, nó và thằng em đã đi đến tận cùng hoảng loạn nhưng hôm ấy dù người cha có ở gần đấy thì hai đứa trẻ “cũng chẳng thể cầu cứu”. Giữa cái ghe nhỏ, giữa 3 con người là cô đơn ngập ngụa.
1.1.3. Những mảnh ghép người tình - người tình
Những người đàn bà bất tận cô đơn, bất tận khát thèm cái gọi là tình yêu cứ thay phiên nhau như những con thiêu thân lao vào Út Vũ. Và họ lần lượt, sau nhiều nhẫn nại, cố gắng, cũng chiếm được Út Vũ nhưng cái mà họ chiếm được chỉ là tấm lưng đã từng “vồng lên trong nắng sớm”, là “những thớ thịt đỏ au” của người đàn ông tứ tuần mà họ từng có dịp chiêm - ngưỡng - trộm mà thôi. Họ không thể nhìn thấu cõi lòng bất tận “hoang hoải, chán chường”, cái “vết thương cũ mở miệng toang hoác, không da thịt nào có thể lấp đầy”… nơi “người tình” của mình. Ngay cả khi họ tưởng như đạt đến “vô biên và tuyệt đích” của sự “hai trong một” thì họ cũng không biết được trong người đàn ông của mình đã “không còn một chút cảm xúc nào”, anh ta “vùi mặt vào da vào thịt, ngấu nghiến” mình mà lòng anh ta “lạnh ngắt”, anh ta “làm chuyện đó thì cũng giống như mấy con vịt đạp mái” mà thôi, họ không đọc thấu được nét mặt anh ta “tràn ngập những rắp tâm”, “toan tính chuyện phụ phàng”.  
Khi chị “đĩ” mang thân đi “đổi chác” với hai người đàn ông khác, cái tiếng gọi, “quay lại đi, Sương” từ người đàn ông (tưởng đã là) của mình chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của chị. Không những thế, sau khi chị khuất ngõ, anh ta “ngủ ngon dễ sợ”, tiếng ngáy “sao mà đều, sao mà thơ thới”.  
Và oái oăm thay, Điền lại đem lòng yêu chị “đĩ”, người của cha mình, nhưng “tình yêu đó khiếm khuyết mất rồi”, đó chỉ là “kiểu yêu tinh thần”. Chị đĩ “táo tợn làm gì đó” nơi phần bụng dưới của thằng con trai 17 tuổi chỉ để mà “phát hiện ra một mất mát lớn lao” vì bản năng của một gã đàn ông trong Điền không hề cựa quậy. Điền đuổi theo chị, trong khi “chị thì chạy theo cha. Một cuộc đua rã rượi, chẳng đến đâu”.
Như vậy, ta thấy, trong chuỗi ghép mảnh người tình - người tình, CĐBTđã “không ngại” cho xuất hiện nhiều “pha” tình dục nhưng có điều, không đi vào (hoặc không đơn thuần) miêu tả chuyện gối chăn mà cốt hướng đến kiểu tình dục mảnh vỡ, từ đó phơi lộ sự trống vắng, cằn cỗi, không tái sinh của đời sống tình cảm, đời sống vật chất của con người. Tình dục đúng nghĩa phải là nơi triệt tiêu khoảng cách cả về tâm hồn cả về thể xác giữa một cặp người. Nhưng ở đây, những chuyện tình dục được đề cập chỉ là tình dục mảnh vỡ, hoặc là tình dục không đi kèm tình yêu, hoặc là cảm xúc chỉ từ một phía, hoặc là tình dục bất lực.  
1.1.4. Những mảnh ghép đồng loại - đồng loại
Ngay đến cả những cặp - người: chồng – vợ, cha/mẹ - con, người tình - người tình mà giữa họ vẫn là bất tận trống vắng, huống là những mảnh vỡ giữa “biển người mênh mông”?
Khi nhân vật “tôi” chạy qua nhà hàng xóm để báo rằng “má đi mất tiêu rồi” mong tìm sự cầu cứu, cảm thông, chia sẻ thì… “mọi người không thất vọng”, “cả xóm tưng bừng, kẻ mừng vì vợ mình chưa bỏ theo trai, người vui vì con đàn bà đẹp nhất xóm đã đi rồi, khỏi lo ông chồng suốt ngày thòm thèm dòm ngó”. 
Và gia đình Út Vũ, 3 mảnh vỡ cô đơn bắt đầu “không gia đình”, “thiếu quê hương”, mượn cớ nuôi vịt chạy đồng để chạy trốn đồng loại, tự giam cầm trong cõi cô đơn bất tận. Để rồi, trên “cánh đồng bất tận” nơi bầy vịt đưa họ đến, hai đứa trẻ nhiều lúc “nhớ con người”. Chúng “chẳng phải bình thường”, “thấy mình nghèo rơi nghèo rớt, nghèo đến nỗi không có… ông nội để thương”. Chúng “biết đâu nguồn cội”, lạc loài giữa nhân quần. Chúng “kì dị, đến mức nhiều khi tự giật mình”. Chúng “tạm quên nỗi buồn của cõi - người” để làm bạn với vịt. Chúng dường như đã quên tiếng người. Mỗi bữa ngồi vào mâm, chúng “chan nước vào chén cơm như chan nỗi trống trải khủng khiếp”. Và khi bị lũ thằng Hận cưỡng hiếp, cô con gái đã “cười cợt” nói những lời chắc nịch: “Chúng mày có lột bỏ có trăm có ngàn, tầng tầng lớp lớp những vỏ bọc, cũng chẳng bao giờ thấu đến tận tao”. 
1.2. Những con người đổ vỡ sau cuối “cun cút tin và yêu” - nạn nhân của chủ nghĩa cuồng tín
Người cha trong CĐBT cứ đinh ninh tưởng, cứ hồn nhiên tin rằng cứ trải tấm lòng thì sẽ được đáp đền xứng đáng, vĩnh viễn nắm giữ trái tim người mình yêu thương. Nhưng hoá ra, những gì anh ta tin không có thực. Cuối cùng, tình yêu thương bất tận của người chồng tuổi tứ tuần với “khuôn mặt chữ điền ngời ngợi” “đẹp trai dễ sợ” “quyến rũ từ cái cười, từ câu nói, từ ánh nhìn thăm thẳm, ngọt ngào”… hoá vô nghĩa, phù phiếm, xa xỉ trước điều giản dị cơm áo gạo tiền, trước “chiếc ghe chở đầy vải vóc” của người đàn ông “chẳng cao ráo, đầu ít tóc”, “khuôn mặt và tấm lưng trần chi chít những nốt ruồi”. Và, cái gì đến phải đến, người đàn bà tưởng vĩnh viễn của anh ta đã “rũ một cái sột, sạch trơn” để lên ghe cùng chủ của nó đi tìm miền đất hứa, chẳng thèm mang theo thứ gì (vì xem ra chẳng có thứ gì đáng mang theo). Khi nghe tin dữ, thật chứ không hề là “chuyện giỡn”, Út Vũ từ trên ghe “tuột xuống đất, run rẩy”, rơi tõm xuống hố sâu bất tận của sự đổ vỡ. Để rồi từ đó, “đằng sau khuôn mặt chữ điền ngời ngợi là một hố đen sâu thẳm”, là “nỗi đau sâu hoắm”, là mối hận thù bất tận. Nhưng “càng gieo rắc càng đau”. Và rồi, “trong chuỗi rất dài của sự trừng phạt”, cậu con trai đã bị mất bản năng của một gã đàn ông, rồi mất tích; cô gái đã trở nên rất “quái dị, khác thường”; “trong ý thức cầu cứu, một bản năng đơn giản nhất, đứa con gái đã quên mất người cha”. Và sau cuối, lũ thằng Hận “đè nghiến”, giữ cho mặt ông hướng về phía cô con gái khi bọn chúng thay phiên nhau cưỡng hiếp, giữ cho ông chỉ một tư thế đó.  
Không chỉ riêng Út Vũ, những người đàn bà quê mùa “quá giang một khúc đời” với anh ta cũng là hiện thân nạn nhân của sự cuồng tín của chính mình. Người đàn bà ở Bàu Sen cứ buộc mình tin rằng sự chọn lựa (rất nhanh, “mặt tở mở và rạng rỡ, gần như không suy nghĩ gì”) của mình là đúng, tình yêu của mình “xứng đáng được đánh đổi. Xóm làng, ngôi nhà, vườn tược trôi tuột lại phía sau. Và đứa con gái”. Nhưng than ôi, “ngày vui ngắn chẳng tày gang”, chị bị người đàn ông (tưởng) của mình bỏ lại, khi vừa đi được một đoạn đường.  
Những người đàn bà sau này cũng cuồng tín như thế, ngây thơ tin như thế và cũng bị bỏ rơi đúng lúc như thế sau khi họ “vừa đủ yêu, vừa đủ đau, vừa đủ bẽ bàng”. “Có người vừa bán xong cái quán nhỏ của mình. Có người vừa nói xong những lời dứt tình với chồng, con. Có người vừa phũ phàng chia xong gia sản… Hết thảy đều cun cút tin và yêu”. Người đàn ông “mang họ đi một quãng đường vừa đủ để người ở lại nhìn rõ chân dung của sự phản bội, sau đó người đàn bà bị hắt lên bờ. Con đường quay về bị bịt kín”.
Và sau cuối là chị “đĩ”, sau chuỗi ngày “cun cút tin và yêu”, cun cút hướng thiện (những tưởng đã có riêng bến bờ để neo đậu “thuyền em rách nát”), đã ê chề đến chết lặng khi chứng kiến người đàn ông (cứ tưởng) của mình “thơ thới” ngủ giữa khi mình mang thân đi “đổi chác” với những thằng đàn ông khác. Cuối cùng chị cũng thức ngộ ra người vợ bỏ chồng con theo trai của anh ta “ác một” nhưng anh ta “ác tới mười”. Và rồi, chị đã “quay đi. Chân vướng dấp dúi vào cỏ. Con đường nhỏ dầm chan trong màu hoa mua tím”, tím như nỗi ê hề nhục nhã của chị - người đã từng “bao quản lấm đầu” kiếp “thân lươn”.
Đời không có gì là không thể xảy ra. Con người ta cứ tưởng, cứ tin nó là thế này nhưng hóa ra lại là thế khác. Cái triết lí sống trong đời sống cần có đức tin xem ra “lạc hậu” giữa kỉ nguyên hậu hiện đại.
2. Cái giá mà con người phải trả vì (đôi khi, một cách vô thức) không biết tha thứ là bất tận.
Chúng ta đều biết, do đổ vỡ, mất niềm tin nên Út Vũ đã nới rộng đến bất tận sân hận, triệt tiêu sân yêu, quay sang trả thù đời, trả thù thế giới phụ nữ - một nửa của nhân loại, cho nên, sau cuối, “sự trừng phạt, sự báo ứng” mà anh ta phải lãnh, như đã nói ở trên, là bất tận. Con người không nên tự biến mình thành nạn nhân của chủ nghĩa cuồng tín, con người cần phải biết “lấy ân báo oán”, thông điệp mà CĐBT  muốn nhắn gửi, phải chăng chỉ có thế?  Đúng là sự “lấy oán báo oán”, trải rộng sân hận của Út Vũ đã dẫn đến sự tiệm tiến đến tận cùng bi đát ở cuối truyện, nhưng nguồn cơn của bi kịch bất tận lại thuộc về cô con gái, nhân vật người kể chuyện xưng tôi “biết tuốt” trong truyện. Cô con gái như một thánh nhân chứng kiến, đa mang vơ vào mình tất thảy đớn đau của kiếp nạn nhân sinh, lắng nghe, thấu hiểu, luôn đặt mình vào vị trí, tình huống của người khác để tha thứ, cảm thông. Nhưng cô không thể tha thứ cho chính mình - kẻ trực tiếp đẩy mẹ ra đi, để “bi kịch chất đống lên những người ở lại”. Cái chiều định mệnh ấy, khi má hỏi “Mèn ơi, mắt con sao vậy?” (vì nhìn thấy nước mắt không ngừng tuôn rơi trên mặt thằng Điền), giá như cô đã không cay nghiệt “day day chậm rãi”: “Chắc tại nó nhìn thấy chuyện bậy đó, má. Trưa nay nó ngủ kẹt bồ lúa”… với tất cả sự “hể hả” khi thấy má “chết lặng” nhìn cô, “cái nhìn như lịm đi trên khuôn mặt đẹp não nề” thì mọi chuyện đâu ra nông nỗi này. Giá như ngày ấy, cô có ý thức “giấu kín nỗi ám ảnh trong lòng, giả đò tươi cười với má, xem như không có chuyện gì” thì sóng gió đã không cồn lên bất tận như đã từng cồn lên bất tận thế kia. Mãi sau này cô vẫn cứ “không thể giải thích vì sao tôi lại hể hả”. Vậy đó, nguồn cơn bi kịch bất tận không thuộc về người bố mà là thuộc về lời nói sướng miệng, thuộc về cái “hể hả” một cách vô thức của cô con gái – ngày ấy đang là một đứa trẻ con, chưa kịp ý thức được rằng, “là trẻ con, đôi khi nên tha thứ lỗi lầm của người lớn”. Thế ra, con người đôi khi là nạn nhân của chính cái phần vô thức trong mình, cho nên cần phải luôn biết nâng cao cảnh giác với phần chìm vô thức đó. Kiếp nạn là kiếp người. Sống trong đời sống cần biết triệt tiêu sân hận, bất tận hoá sân yêu.
3. Sự tha hoá của nhân sinh là bất tận
“Nếu chủ nghĩa hiện đại thưởng tỏ ra ưu tư chán chường trước trạng thái tha hoá của nhân sinh, thì chủ nghĩa hậu hiện đại càng dị thường hoá, ảo giác hoá sự tha hoá đó để vừa lấy làm thú vị, vừa khiếp sợ” (Phương Lựu).
CĐBT đã thành công trong việc mờ hoá ranh giới giữa người và vật (vịt), người và ma, từ đó kì dị hoá, ảo giác hoá sự tha hoá của nhân sinh, đẩy nhân vật vào sâu hơn con đường tìm kiếm tình người. 
3.1. Người bằng vịt
Đến với CĐBT, chúng ta bắt gặp một thế giới người mà kiếp họ đã thành kiếp nạn, họ sống không ra sống, nổi nênh, tao tác, rệu rời như kiếp vịt, tình người nơi họ xơ vữa như những cánh đồng “trống trơn” với “mùa hạn hung hãn”, những con kinh hoặc “khô trơ lòng”, hoặc “nước đã sắc lại thẫm một màu vàng u ám”… Rồi họ “nhảy nhót điên cuồng”, “chửi rủa chói lói” hoà âm với “tiếng bầy vịt tao tác kêu dưới sạp ghe”.
Điều kiện sống của thế giới người nơi đây đã đi đến chỗ cực hạn khi “những mảng đất đã dính khắn trên làn da mốc meo”, khi họ ước làm sao trước lúc chết “được tắm một bữa đã đời”, khi có “ba nhân khẩu” trên “chiếc ghe tơi tả” “ngang mét hai dài ba mét mốt” đêm đêm “nằm chèo queo, co rúm, chen chúc nhau” không có thói quen chiêm bao, khi “thịt vịt trở nên xa xỉ” với dân làng vịt… 
3.2. Người thua vịt
Vịt “cười nhạo” người.
Vịt “nhạy cảm khủng khiếp”, có thể nghe được “tiếng trái tim người”, trong khi đó con người bất lực trong việc nghe nhau, kề cận bên nhau nhưng vẫn là những vũ trụ ngút ngàn cô đơn.
Thế giới của vịt là thế giới “không ghen tuông, hờn giận”, cái đầu chúng “chỉ đủ cho yêu thương”. Chúng cứ thảng thốt hỏi nhau câu hỏi “thiên nan vấn”: “Vì sao tụi - người – ta lại ác?”. Mà con người ác thật, ác đến không thể ác hơn khi có thể kéo đồng loại “lê lết hết một quãng đường xóm”, rồi “giằng xé, quăng quật”, rồi “dùng dao phay chạt mái tóc dày, dục dặc, hì hục như phạt một nắm cỏ cứng và khô”, rồi (kinh hãi thay) “đổ keo dán sắt vào cửa mình” của đồng loại. Con người có thể “đem hết những bản năng hoang dã của mình ra để giành lại miếng ăn”, có thể “vừa kêu rên vừa chửi bới ngậu xị” sau khi ăn cướp giữa ban ngày, lại có thể “đè nghiến” đứa con gái mới lớn xuống bùn rồi “thay phiên nhau” cưỡng đoạt, dí ông bố của cô ta cũng dập xuống bùn, giữ cho mặt ông hướng về phía cô con gái từ chỗ bị “xé toạc” đến “rách nát, đau đớn” như thể “đang chết”. 
Con người có thể vô liêm sĩ khi không một chút ngượng mồm dõng dạc nói “Làm đĩ” khi người khác hỏi “Làm nghề gì?”, có thể tỉnh bơ nói với những đứa trẻ là mình “làm đĩ quen rồi”, cái chuyện hồi đêm vừa ngủ với cha chúng, trưa nay đã vác thân sang chỗ hai ngài cán bộ ấp xã để “đổi chác” chỉ là “chuyện nhỏ”, “nhằm bà gì” mà chúng phải buồn cho mệt. Khi “không còn mảnh vải nào trên người” trong cuộc bán thân, trước ánh mắt thiên hạ, con người vẫn có thể “điềm nhiên cười khúc khích và uốn éo thân mình chứ không trơ ra ngượng nghịu”. Con người có thể vừa ngủ với người cha hồi đêm, trưa lại “táo tợn” mân mê trong nước phần bụng dưới của thằng con trai mười bảy tuổi của chính người cha đó…
 Vịt “chẳng bao giờ cưỡng đoạt và gạt gẫm nhau”. Trong khi đó con người có thể vô cùng hoan hỉ khi “mồi chài một người đàn ông vào trò chơi giường chiếu”, để sau đó anh ta về nhà nhìn “vợ con nheo nhóc bu quanh nồi khoai luộc trong nhập nhoạng nắng chiều” còn chị ta thì đã “cuỗm” được một triệu hai trong tổng con số hai triệu mà người đàn ông kia vừa “vay xoá đói giảm nghèo”. Nét mặt con người “tràn ngập những rắp tâm, chưa gặp mặt đã tính chuyện phụ phàng”.
 “Trong sự hoan lạc (của những con vịt) đầy ắp thứ gọi là tình – yêu”. “Khoảng thời gian trước khi con trống trèo lên con mái rất thật, mềm mại, êm đềm”… Trong khi đó “nhạt nhẽo hơn cả quan hệ theo mùa, theo bản năng”, trong con người “không còn một chút cảm xúc nào”, con người chỉ biết “vùi mặt vào da vào thịt, ngấu nghiến mà lòng lạnh ngắt”.
Và không chỉ mờ hoá ranh giới giữa người và vịt, CĐBT còn đan xen vào yếu tố mờ hoá giữa người và ma. Trong sự đối sánh ấy, rõ ràng người thua ma. Người thì ác như không thể ác hơn. Trong khi đó người đàn bà, con ma mà thằng Điền gặp bên “ngôi mả lạng nằm sát đất, cỏ rời rợi xanh” hôm nào thì “thiệt hiền, chỉ đau đáu vuốt tóc nó và ánh nhìn chan chứa thương yêu”.
“Mĩ học của chủ nghĩa hậu hiện đại cho phép con người thoải mái sinh hoạt, giao tiếp qua những môi trường và hoàn cảnh khác nhau mà trong đời sống thực thì không thể nào tương thông” (Lê Huy Bắc). CĐBT với việc con người chỉ có thể tìm tiếng nói tri âm nơi thế giới vịt, tìm chút yêu thương, ve vuốt nơi thế giới ma là huyền thoại về thế giới người xơ vữa tình người. “Sự báo ứng dường như đang ở rất gần”.
“Nếu trong tác phẩm hiện đại thường sử dụng những truyện cổ và thần thoại, hoặc dẫn dụ đông tây kim cổ, hàm chứa một sự uyên bác cao sang, thì trái lại, tác phẩm hậu hiện đại thường viết dễ dãi với những sự việc đời thường, mang xu hướng thông tục hoá, thích ứng với xã hội tiêu dùng” (Phương Lựu). CĐBT không ngại khi đưa vào trang sách những cảnh đĩ đóm, kì kinh nguyệt, chó nhảy nhau, vịt đạp mái… để qua đó nói được rất nhiều chuyện nhân sinh.
 CĐBT là truyện ngắn mà sức chứa của nó tương đương với dung lượng của cả một cuốn tiểu thuyết. Thủ pháp u mua màu đen được sử dụng khá nhuần đã tạo ra một cảm xúc dự báo cho ngày tận thế. Tuy nhiên CĐBTcuốn hút sâu sắc được mọi tầng lớp độc giả là vì có một dòng chảy của chủ nghĩa nhân văn thao thiết trong đó, tác phẩm miêu tả cái cô đơn, đau đớn, bi đát, vật vã của kiếp người bằng tất cả tình yêu thương con người, bằng niềm tin không tắt vào bản năng hướng thiện của con người. “CĐBT sẽ còn sống rất lâu vì nó chạm đến những vấn đề rất sâu xa của con người” (Chu Lai). 
Tư liệu tham khảo chính:
 1. Lê Huy Bắc, 2005, Truyện ngắn Hậu hiện đại, in trong Truyện ngắn, lí luận,  tác gia và tác phẩm, Tập Hai, NXB Giáo dục, Hà Nội.
 2. Phương Lựu, 2001, Về chủ nghĩa Hậu hiện đại, in trong Tiếp tục khơi dòng, NXB Văn học, Hà Nội.
 3. Jean - Francois Lyotard, 2007, Hoàn cảnh hậu hiện đại, Ngân Xuyên dịch, NXB Tri thức, Hà Nội.
Hoàng Đăng Khoa
Theo http://www.vanchuongviet.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...