Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2015

Vũ Hữu Định, người lang thang với thơ trên đôi dép cỏ

Vũ Hữu Định, người lang thang với thơ trên đôi dép cỏ
Đọc thơ Vũ Hữu Định nhiều đâm “ghiền” như “ghiền” hương thơm của người trinh nữ. Chỉ tiếc là chưa một lần gặp mặt anh qua những bức thư hẹn hò. Chúng tôi như hai con thú hoang ở hai đầu cánh rừng ngút ngàn lùm bụi, khói sương, suối sâu và bờ vực. Chúng tôi đuổi bắt nhau như bắt lấy chính bóng mình. Đó là những năm tháng kinh hoàng và mệt nhoài khoảng đầu thập niên 70. Tôi ngồi chờ anh ở nhà Hạc Thành Hoa (bên bờ kênh Cái Sơn, Sa Đéc) thì anh đã lên Sài Gòn. Phóng vội xe đò lên Sài Gòn thì hình như anh “nhìn thấy cơm sôi chợt nhớ nhà” và leo xe đò về Đà Nẵng…
Đang múa may chữ nghĩa với đám môn đệ ở sông Cửa Tiểu thì nhận được điện tín kêu “lên gấp, Định chờ cậu hai ngày nay”… Cứ như vậy, kẻ cút người kiếm và cuộc hẹn hò chỉ còn nỗi đìu hiu “văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình”… cho mãi đến ngày chia ly và tới hôm nhận được lá thư từ miềm Trung gửi vào báo tin Vũ Hữu Định vĩnh viễn bước đi trên lầu trăng vàng dải kéo tít tận trời cao thẳm… Hai con đường trăng xa lắc cõi mông huyền: một rạch đường trăng soi tận đáy sông sâu và một bước thênh thang trên đường trăng ngút ngùi vô hạn. Cách xa nhau trùng trùng thời gian không chọn lựa, nhưng đều đến chung một đích tắm đẫm trăng trong cõi bồng bát ngát…
Tới đây thấy lúa vàng đang chín
Dừng lại nhìn thôn xa khói bay
Không biết nhà ai đang nấu rượu
Thoang thoảng hương mùa đã muốn say.
Năm kia, PCS bất ngờ ghé nhà, rủ đi Pleiku. Đi khơi khơi chứ không mục đích gì rõ ràng. Tôi phóng lên chiếc xe 4 chỗ ngồi của anh, dọc theo đường 7 đi Cheo Reo, Phú Bổn lên “phố núi cao đầy sương”. Dọc đường hai anh em nhắc đến Vũ Hữu Định và đọc thơ Định với những lon bia ướp đá mang theo trên xe. Một cuộc tưởng nhớ nhà thơ theo phong cách của các đại gia lãng tử, rừng cây thưa giật lùi, gió vút xạt ra sau, quanh co đèo Tona với thung lũng Hồng sâu hoắm đá gềnh hai mép bờ sông Ba. Những cánh rừng thưa, đồng ruộng hẹp, những cánh rừng cao su thẳng tắp nối dài lên “phố núi”. Và rồi Pleiku sáng ánh đèn, đường dốc chập chùng lấp loáng. PCS lái xe đi thăm bạn bè, tôi ra vỉa hè ngồi uống cà phê ngắm “em Pleiku má đỏ môi hồng”. Em rực rỡ và ướt đẫm trong cơn mưa đầu mùa. Em lung linh trong ánh đèn treo cao trên cây, em thấp thoáng sáng tối trong bóng cây che bóng, chập chờn trong tâm thức ngái ngủ nhớ quên. Không thể dằn lòng, tôi buột miệng như một sự tình cờ:
Phố núi cao phố núi đầy sương
Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn
Anh khách la đi lên đi xuống
May mà có em đời còn dễ thương…
Chủ gánh cà phê rong là một phụ nữ, không thể đoán được tuổi tác, ở phía bóng tối tiếp lời:
Phố núi cao phố núi trời gần
Phố núi không xa nên phố tình thân
Đi dăm phút đã về chốn cũ
Một buổi chiều nào lòng bỗng bâng khuâng.
Cái thằng tôi lúc đó chợt nổi máu “cải lương” sau khi nhấp ngụm cà phê đắng ngắt mà ngọt đến lừng lựng cõi lòng tan hoang:
Em Pleiku má đỏ môi hồng
Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông
Nên mắt em ướt và tóc em ướt
Da em mềm như mây chiều trong
Xin cảm ơn thành phố có em
Xin cảm ơn một mái tóc mềm
Mai xa lắc bên đồn biên giới
Còn một chút gì để nhớ để quên.
Khách ngồi quanh là những cô những cậu trẻ măng nhìn chúng tôi như thể là đôi tình già chiều tắt nắng. Còn tôi, trong tận cùng sâu cảm, nghĩ bà chủ gánh cà phê rong, hẳn xưa kia là nữ sinh một thời áo trắng và yêu thơ Định. Tôi định bắt chuyện, nhưng lòng thì ngại ngùng đám con cháu ngồi quanh, chưa tìm ra câu mở đầu thì PCS tới. Hắn đưa tôi ra nhà hàng xa ngoài thành phố. Các quí ông quí bà đã ngồi sẵn quanh chiếc bàn rộng. Chào nhau. Mở champagne và nâng ly xã giao kiểu cách. Họ nói những chuyện phù phiếm về ca sĩ VN, về những bộ phim kích dục. Những món ăn phù phiếm bắt chước phương tây, rượu tây… rồi kéo nhau ra sàn nhảy. Bạn tôi cũng mê đắm xoay tròn điệu valse trắng lóa, đỏ lừ hừng hực tango như muốn cấu xé ngay bà mệnh phụ trong vòng tay chặt. Tôi mở trừng mắt nhìn màu hổ phách, nhìn đèn chiếu hư ảo trên vách trắng tòe màu tựa con thiên nga phun những giọt máu cuối cùng trước khi ngã gục bỡi phát đạn của kẻ a tòng. Con thiên nga bẹp dí trên bãi cỏ xác xơ, giấu kín tiếng kêu bi thương dưới lớp lông trắng nuột:
Cũng có lúc tới với đời dư dả
Có quanh anh lời hạnh phúc của người
Đông đủ những vẻ giàu vẻ đẹp
Lời hẹn hò xanh, đưa đón hồng tươi
Trong đám đông anh lại càng cô độc
Bỡi một nơi đâu cũng ăn tạm ở nhờ
Nhạc phập phừng trong lớp sáng tối chao nghiêng. Tôi ngán ngẩm xô ghế đứng lên và bước ra. Con đường rộng thênh sáng hắt hiu. Đêm về khuya lạnh. Sương thả nhẹ đủ vuốt lạnh cỏ cây, đồi núi và lạnh xiết trong lòng. Ngày xưa, Định có đi ngang qua con đường hoa cỏ này để thốt lên cõi bạc lòng như anh đã từng thất tình về một cánh bướm, con chim, dòng suối:
Rằng đá sỏi cũng đau như là nước
Anh biết mây cũng một chút muộn phiền
(…) Sáng khi đứng trên đèo cao cũng nhớ
Chiều anh đi theo con suối ngoằn ngoèo
Em còn bóng mà tăm thì đã mất
Em ở nơi nào, anh vẫn đi theo.
Và “anh đi theo” thật. Anh lang thang với bóng hình biệt tăm kia trên đôi dép cỏ của người lữ hành muôn năm cô độc. Anh đi về phương Nam. Anh vòng ra phương Bắc và vĩnh viễn về phương Tây với cơn say túy lúy, nghiêng ngã đất trời bỡi bóng hình Em vô tưởng. Những bước chân trên đôi dép cỏ lang thang cùng trời cuối đất chưa dằn nổi lòng trống trải, chưa tịnh được cõi mộng kéo dài lê thê, bướ chgập chờn trên những nẻo đường gãy khúc, buồn lòng ghé “quán cô hồn” một cách tình cờ, để nhận ra nỗi cô đơn thứ hai khủng khiếp hơn:
Chiều khó thở ngồi bên quán xép
Một miếng khô, một xị rượu nồng
Nhai là nói với đời lận đận
Uống là nghe sầu cháy long đong
Khi cô quán đốt đèn dầu hỏa
Nhan sắc cô em buồn bã vô cùng
Khi nghe tỏ: cô mới làm quả phụ
(Thời yêu nhau chưa hết một mùa đông)
Muốn nói cùng cô đôi điều an ủi
Nhưng có điều gì để đáng nói đâu
Ta là khách. Còn cô hàng là chủ
Cũng có trong lòng một hố sâu
Quành trở lại gánh cà phê rong trên vỉa hè, nhưng chỉ thấy những tàn thuốc vương vãi. Định bụng chia sẻ về một quá khứ xa xôi đã không thành. Định bụng tỉ tê về một bạn thơ và những bài thơ tình, thơ rượu đã lặn sâu sau ánh đèn vàng vọt trên “phố núi “ của anh một thời yêu dấu. Tôi lang thang dưới cơn mưa khuya heo hắt và tưởng tượng những bước chân lang thang cùng trời cuối đất của anh ngày nào. Chớ chi mà giờ này còn một quán rượu nghèo. Chớ chi mà đêm trở giấc là ngày, là buổi chiều lấm thấm mưa bay là buổi tối mưa bay lấm thấm để ngồi uống một ly rượu nhạt nói với anh câu hư vô trong cõi tịnh yên. Và bỗng nhiên tôi nhớ đến bài thơ “thiếu rượu” của Định viết hồi năm 73. Không phải cách thiếu rượu của Nguyễn Bắc Sơn tan nát anh hùng: “Mùa này gió núi mưa bưng/Trong lòng thiếu rượu anh hùng nhát gan/Mùa này gió bãi mưa ngàn/Trong lòng thiếu rượu hoang mang nhớ nhà”; mà là một nỗi buồn mênh mông như lớp sương mù che kín sóng biển khơi.
Tôi nhớ mãi bài thơ này, bài Đêm Mưa Thiếu Rượu Nhớ Lý Hạ là lúc chúng tôi chạy vòng vòng đuổi bắt nhau mà không nắm được tay nhau, không nhìn được mặt nhau, nói dăm ba câu thơ thẩn, chỉ có mẫu giấy vàng ố, to hơn bàn tay xòe, chữ bút bi nhòe sũng nước. Tôi giữ mẫu giấy của anh mãi đến ngày cuối cùng năm 75 thì mảnh giấy kia cũng tan theo thế cuộc. Nhưng hề chi, trong đầu tôi, lúc buồn buồn vẫn rung lên bài Lý Hạ:
Lý Hạ xưa say bằng huyễn mộng
Ta nay say bằng rượu pha cồn
Cảm đau nhân thế người trong sử
Rượu đắng cay mà sao thấy ngon
Lý Hạ yêu người mà hóa quỷ
Ta yêu người nên nghèo rớt mồng tơi
Đêm mưa thiếu rượu thương người cũ
Ngâm vài câu Lý Hạ, rợn người
Cứ tưởng nằm kề bên họ Lý
Gác chân nhau nói chuyện biển dâu
Ma quỷ sợ tâm hồn ướt rượu
Gối chai không mà thương nhớ nhau
Thời đại thánh thần đi mất biệt
Còn lại bơ vơ một giống sầu
Rót mãi, bao nhiêu tình cũng cạn
Nâng ly, nhìn thấy tóc bạc mau
Mưa nhức, mưa như cuồng, tức thở
Thịt rồng đâu, nem phượng ở đâu?
Đũa ngọc, chén vàng đâu mất cả
Mắm ruốc, me chua cũng cháy hết sầu
Mời nhau một chén đêm huyền sử
Lý Hạ đâu – Còn ta ở đâu?
Đôi khi, buồn, tỗi vẫn nhẩn nha câu hỏi này để tự hỏi về số phận của những người viết văn làm thơ, những kẻ lang thang trong chính cõi lòng của mình.
Viết mấy dòng này như một nén nhang để tưởng nhớ anh. Vũ Hữu Định, người bạn thơ chưa từng thấy mặt, chưa từng ngồi trong quán cóc với “ mắm ruốc, me chua cũng cháy hết sầu”.
Tháng 2-2002
Nguyễn Lệ Uyên
Theo http://www.vanchuongviet.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...