Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2015

Ca khúc vượt thời gian của Nhạc sĩ Thẩm Oánh

Ca khúc vượt thời gian của Nhạc sĩ Thẩm Oánh

Ca khúc vượt thời gian - “Tiếng khóc trong phòng the”, “Nhà Việt Nam”, “Thiếu phụ Nam Xương”, “Nhớ nhung”, “Vương tơ”, “Giấc hoàng lương”, “Xuân về”, và “Thích Ca Mâu Ni Phật” của Nhạc sĩ Thẩm Oánh.
Nhạc sĩ Thẩm Oánh tên thật là Thẩm Ngọc Oánh, sinh ngày 14 tháng 8 năm 1916 trong một gia đình trung lưu ở Hà Nội. Thuở nhỏ ông học nhạc qua sách viết bằng tiếng Pháp. Ông là một nhạc sĩ nổi tiếng của dòng Nhạc Tiền Chiến trước 1945.
Năm 18 tuổi, nhạc sĩ Thẩm Oánh bắt đầu dạy nhạc tại vài trường trung học như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Trưng Vương.
Năm 1945, ông thành lập đài phát thanh Hà Nội (thay cho đài của người Pháp trước đó).
NS Thẩm Oánh thời trẻ
Bà Tô Anh Đào và Thẩm Ngọc Oánh thời trẻ
Nhớ Nhung - Ca sĩ Mộc Lan & Tuyết Hằng
Năm 1955, ông giữ chức Giám đốc “Trường Ca Vũ Nhạc Phổ Thông Sài Gòn” cho đến khi trường đóng cửa năm 1958. Ngoài ra, ông còn giữ chức Phó Hội Trưởng “Việt Nam Nhạc Hội”, chủ bút nguyệt san “Việt Nhạc”.
Năm 1948 ông kết hôn với NS dương cầm Tô Anh Đào, em họ của NS Dương Thiệu Tước. Hai ông bà sống hạnh phúc với nhau cho đến ngày ông qua đời năm 1996 tại bang Virginia, USA.
Nhạc sĩ Thẩm Oánh nổi tiếng là một nhạc sĩ khiêm tốn, thầm lặng, là một người sống rất tình cảm với những người thân quen, nhất là đối với những người hậu bối cần ông hướng dẫn và hổ trợ.
Ông Bà Thẩm Ngọc Oánh và Tô Anh Đào - tháng 2, 1994
NS Thẩm Oánh sinh hoạt với nhóm Văn Nghệ Nhà Nam - Noel 1992
Ông Thẩm Oánh và Tô Anh Đào sinh hoạt với nhóm Văn Nghệ Nhà Nam - Noel 1992.
Mình và anh Hoành có duyên may được đón tiếp ông và phu nhân của ông, NS dương cầm Tô Anh Đào, đến sinh hoạt, chia sẻ, hết lòng chung vui với nhóm “Văn Nghệ Nhà Nam” (do đôi nghệ sĩ Nga Mi & Trần Lãng Minh sáng lập) cùng với NS Nguyễn Túc mùa Giáng Sinh năm 1992 trong một chương trình ca nhạc dân tộc truyền thống tại thành phố Arlington, bang Virginia. Ông và phu nhân của ông đã dành cho những khách mộ điệu có mặt đêm hôm ấy những nụ cười hiền hòa đầy tình cảm nồng ấm. NS Nguyễn Túc có ghi lại sự kiện đêm hôm đó trong một video clip mình chia sẻ với các bạn ở phần cuối bài này.
Dưới đây mình có các bài:
– Phạm Duy viết về Nhạc sĩ Thẩm Oánh
– Nhạc sĩ Thẩm Oánh (của nhà văn Lê Văn Phúc sẽ hướng dẫn các bạn tìm hiểu thêm chi tiết về sự nghiệp của cây đại thụ tài hoa của nền Tân Nhạc Việt Nam và người nhạc sĩ bạn đời của ông mà rất ít người trong các thế hệ sau trong chúng ta biết đến).
Đồng thời mình còn có 9 clips tổng hợp các ca khúc “Tiếng Khóc Trong Phòng The”, “Nhà Việt Nam”, “Thiếu Phụ Nam Xương”, “Nhớ Nhung”, “Vương Tơ”, “Giấc Hoàng Lương”, “Xuân Về”, “Thích Ca Mâu Ni Phật”, và tuyển tập ca khúc của NS Thẩm Oánh do các ca sĩ xưa và nay diễn xướng để các bạn tiện việc tham khảo và thưởng thức.
Mời các bạn.
Túy Phượng
(Theo Wikipedia & cothom.com)
NS Thẩm Oánh (1938)
Phạm Duy viết về Nhạc sĩ Thẩm Oánh
(Phạm Duy)
Sau khi Nguyễn văn Tuyên làm công việc ”hô hào âm nhạc cải cách” và khi các nhóm âm nhạc ở miền Bắc thi đua nhau tung ra các bài hát mới thì xem chừng nhóm MYOSOTIS là nhóm có chủ trương rõ rệt nhất. Tuy về sau này, ta mới thấy họ công khai viết trên một tờ báo chuyên về âm nhạc là tờ Việt Nhạc (số 5, ngày 16-10-1948) về lối soạn nhạc của họ, nhưng qua một số bài được in ra và hát lên trong hai năm đầu (38-39) ta cũng thấy rõ ràng là họ đã và sẽ phải làm như Nguyễn văn Tuyên: xây dựng nhạc mới trên âm giai thất cung Tây Phương hay trên thang âm ngũ cung Việt Nam. Kể ra thì họ cũng còn một chọn lựa thứ ba nữa: soạn một ca khúc dung hòa cả hai hệ thống âm giai ngũ cung và thất cung.
Trong nhóm MYOSOTIS (tức là Hoa Lưu Ly), nổi bật lên trên hết là hai nhạc sĩ Thẩm Oánh và Dương Thiệu Tước. Thẩm Oánh thì rõ ràng là muốn soạn nhạc mới theo ngũ cung. Bài Khúc Yêu Ðương được đăng trên báo Ngày Nay vào cuối năm 1938 có thể được coi như bản đầu tay của họ Thẩm:
Ngọn trào đưa sóng
Về tới nơi đâu
Chiếc thuyền tình xa chìm nổi
Thuyền ơi hãy ghé vào bờ
Ðể tôi đỡ phải mong chờ
Mượn mái chèo mà đi kiếm người mơ…
Ðúng như Thẩm Oánh tuyên bố sau này trong tờ báo kể trên: “Âm Nhạc Cải Cách phải theo ý nhạc Việt Nam và phải có cảm tưởng thuần túy Á đông”, nhạc điệu của bài Khúc Yêu Ðương này có phảng phất một nét nhạc ngũ cung mà tôi cho là gần gũi nhất, tự nhiên nhất đối với lỗ tai người Việt. Ðó là ngũ cung Do Ré Fa Sol La.
Tuy nhiên nếu ta dựa vào nhạc diatonique Tây Phương thì ta cũng có thể nói rằng bài Khúc Yêu Ðươngđược soạn với những nét nhạc “âm chuỗi” (arpege): Do Fa La Do Fa vì lối hành âm của bài này. Chắc chắn vào lúc đó, Thẩm Oánh muốn bài hát của mình phải “theo ý nhạc Việt Nam và có cảm tưởng Á đông” nhưng chưa chắc ông đã có ý thức rõ rệt về hai loại nhạc ngũ cung và thất cung. Ông cũng chưa phân biệt được sự khác nhau của ngũ cung Việt Nam và ngũ cung Trung hoa cho nên đã đưa ra bài Xuân Vềtrong đó ông dùng ngũ cung Trung Hoa có “biến cung” (pien):
Xuân về rồi muôn đoá hoa đào tươi
Cười trong nắng sáng tươi
Buông mành xuống tơ liễu soi hồ gương
Rờn màu sắc Xuân vừa sang
Ngàn muôn tiếng vang lừng ca
Chim ghép đôi tung trời bay
Và âu yếm bên ngàn hoa
Cô gái mơ màng say…
Nếu phân tích theo nhạc diatonique thì bài Xuân Về này được soạn với âm giai thất cung Sol La Si Do Re Mi Fa# Sol. Nhưng nếu phân tích theo nhạc ngũ cung thì ta thấy đoạn A và đoạn C được soạn với ngũ cung Ré Mi Sol La Si có biến cung Fa# và câu đầu của đoạn B được soạn với ngũ cung Ré Mi Sol La Si có biến cung Do. Tôi hồ nghi Thẩm Oánh là người thuộc dòng dõi Trung Hoa bởi vì họ Thẩm không phải là một họ thông thường của người Việt. Khi Thẩm Oánh chủ trương nhạc Việt Nam cải cách phải có cảm tưởng Á đông thì cái ngũ cung Trung Hoa từ trong mạch máu của ông đã tuôn ra một cách rất tự nhiên.
Tuy nhiên, phân tích là để hiểu thêm về tác giả, ta sẽ thấy rằng dù bài Xuân Về có được soạn bằng âm giai ngũ cung Trung Hoa đi nữa, bài này vẫn được hát vang trên các đài phát thanh ở miền Nam cho tới hết mùa Xuân 1975.
Trong thời gian hình thành của Nhạc Cải Cách, Thẩm Oánh còn tung ra nhiều bài hát thuộc nhiều loại khác nhau: Hồ Xưa, theo nhịp ba sở trường của ông; Hồn Xuân với nhip fox trot khá giật gân; Có Ai Sang Ðò (soạn chung với D.T.Tước); Cô Hàng Hoa… Nếu ta coi lại những bản nhạc đầu tay của Thẩm Oánh, ta sẽ thấy tuy ông muốn soạn nhạc ngũ cung để cho bản nhạc có cảm tưởng Á đông nhưng nhiều khi ông lấn qua nhạc diatonique. Ví dụ trong bài Hồ Xưa, câu đầu thì chắc chắn là nét nhạc ngũ cung Sol La Do Ré Mi:
Hôm xưa trên nước lờ đờ
Hai chúng ta đã say sưa
Lái một chiếc thuyền mơ
… nhưng qua câu thứ hai thì lại lòi ra cung Fa (ở chỗ thuyền trôi) nghĩa là từ thang âm ngũ cung Sol La Do Ré Mi chuyển qua thang âm ngũ cung Do Ré Fa Sol La:
Thuyền trôi êm ái vô ngần
Trên sóng lăn tăn…
… rồi lại quay trở về thang âm Sol La Do Ré Mi:
Mà đến hôm nay
Hôm nay vẫn nước hồ này
Ôi đắng cay có mình tôi
Lái thuyền, nước lênh đênh…
Nếu theo quan niệm nhạc có chủ âm (musique tonale) hồi đó, câu đầu thuộc giọng Do majeur và Sol 7 thì câu thứ hai đã chuyển qua Fa majeur (sous dominate), rồi lại trở về Do majeur v.v… Lúc đó chưa có ai nghiên cứu và lập luận về nhạc ngũ cung (như các giáo sư Constantin Brailiou, Jacques Chailley sẽ làm trong thập niên 50 tại giảng đường của Institut De Musicologie ở Paris) cho nên chưa ai biết đến “hiện tượng chuyển hệ” (métabole), nghĩa là một đoạn nhạc đang ở một hệ thống ngũ cung Sol La Do Re Mi có thể chuyển qua một hệ thống Do Re Fa Sol La để cho nét nhạc ngũ cung thêm phong phú. Thẩm Oánh đã làm đúng như vậy một cách vô tình mà thành ra rất trung thành với chủ trương soạn nhạc có cảm tưởng Á đông của mình.
Sau khi đã soạn bài: Hồ Xưa, Thẩm Oánh đưa ra bài Có Ai Sang Ðò, lần nay ông dùng ngũ cung rất là thuần túy : Do Ré Fa Sol La với Dạng (aspect) Ré Fa Sol La Do, và có chuyển hệ qua Sol La Do Ré Mi. Chắc chắn vào lúc này ông vẫn đinh ninh là mình soạn nhạc với nhạc pháp Tây Phương, dù rằng vẫn chủ trương giữ vẻ nhạc Á đông, cho nên trong một bản nhạc ngũ cung không có một nốt Si bemol nào, ông cũng để một dấu “giáng” tại đầu khóa (armature), chủ ý cho ta thấy bài này nằm trong giọng Fa majeur hoặc Re mineur. Ðược soạn với giai điệu ngũ cung, nhưng lại lồng vào một nhịp điệu giống như tango, với câu cú 8 mesures, toàn bài gồm ba đoạn, theo đúng nhạc pháp soạn nhạc Tây Phương hiện đại, bàiCó Ai Sang Ðò này không được phổ biến lắm, nhưng tôi cũng xin ghi lại đây để chúng ta biết qua “đường đi nước bước” của các vị đi trước:
Trăng vừa lên mơn nước trôi
Trăng vừa lên đắm say soi lòng sông
Bóng đêm tan giờ chờ mong
Nhớ nhung nhường cho ái ân
Trăng vừa lên mơn nước trôi
Trăng vừa lên âu yếm soi lòng sông
Có cô du thuyền tìm Xuân
Tiếng oanh mê hồn ca rằng
Có ai sang đò
Xuống thuyền em chèo giúp cho
Xuống đây lái chung con đò
Trên dòng ta cùng khoan hò
Tuy vậy, trong bài Hồn Xuân (trùng tên với một bài hát của Nguyễn Xuân Khoát) soạn với một nhịp điệu giống như Fox Trot rất vui tươi, Thẩm Oánh đã dùng những nét nhạc chỉ có trong nhạc Pháp: Re Fa Si La Sol hay Do Si La Si Sol Do:
Hồn xuân, bát ngát hương Xuân
Ngập vườn, ong chuốt thanh tân
Rực mầu đắm sắc dương trần
Cho đời diêm dúa
Âm khúc ca ngân…

Nhạc Pháp soạn nhạc có “cảm tưởng Á đông” của Thẩm Oánh thì ta đã biết. Còn về “ý nhạc” thì như ông ước mơ, đúng là những ý tưởng của văn nghệ sĩ Việt Nam hồi cuối thập niên 30: tình cảm thiên nhiên (sentiment de la nature), than mây khóc gió, xưng tụng mùa Xuân, đôi tình nhân nào cũng chỉ muốn bơi trên “chiếc thuyền tình”. Mấy bài nhạc tình của Thẩm Oánh đều là “gọi đò”, đều là “tình yêu trên sông trên hồ” cả. Ta sẽ còn thấy ý nhạc đó trong Văn Chung với bài Hồ Xuân và Thiếu Nữ (phổ thơ Thế Lữ), trong Dzoãn Mẫn với bài Cô Lái Thuyền, trong Nguyễn Ðình Phúc với bài Cô Lái Ðò (phổ thơ Nguyễn Bính). Ðúng là thời đại ngây thơ (le temps de l’innocence) mà chúng ta sẽ bị mất đi trong những thập niên tới.
Thẩm Oánh sẽ không ngừng ở đó. Trong những năm tới, với sự phát triển của Tân Nhạc, nhất là khi ông giữ chức vụ cao ở Ðài Phát Thanh Saigon, ông còn cống hiến cho chúng ta nhiều tác phẩm khác trong nhiều thể loại khác nhau. Cho tới 1953-54 là lúc Tân Nhạc đang sửa soạn bước vào thời kỳ phát triển 2, Thẩm Oánh đã có hàng chục nhạc phẩm nằm trong cả hai xu hướng nhạc tình và nhạc hùng. Ông cũng thử thách soạn truyện ca như bản Thiếu Phụ Nam Xương và nhạc kịch Quán Giang Hồ. Nhạc kịch này chưa hề được in ra và trình diễn.
Sau 1975, Thẩm Oánh ở lại Việt Nam cho tới 15 năm sau thì ông qua sống ở Hoa Kỳ rồi mất vào năm 1996.
Nhạc sĩ Nguyễn Túc (trái), nhà văn Lê Văn Phúc (phải)
Nhạc sĩ Thẩm Oánh (1916-1996)
(Lê Văn Phúc – 12/2004)
Lời nói đầu: Trong giới văn học nghệ thuật có thông lệ là mỗi khi nhắc đến tác giả nào, người ta thường chỉ gọi bằng tên hay bút hiệu. Đó là một sự quý trọng dành riêng cho người sáng tác chứ không lấy tuổi tác để đo mốc thời gian.
Theo thông lệ đó, danh xưng trong bài này được gọi là “Nhạc sĩ Thẩm Oánh” hoặc “Thẩm Oánh”.
Phần sau, chúng tôi nói dến cuộc viếng thăm phu nhân của nhạc sĩ Thẩm Oánh. Năm nay cụ 85 tuổi, hiện cư ngụ tại Virginia. Cụ coi chúng tôi như em út nên xưng hô là “Chị”, “Em” trong khi đàm đạo.
Bài này, chúng tôi cũng tham khảo tài liệu qua các bài viết của nhà văn Biển Nhớ trên Web Đặc Trưng, nhà văn Trần Long Hồ (tức bác sĩ Trần Trúc Quang) và nhạc sĩ Nguyễn Hiền.
Phần quan trọng nữa là những bản nhạc từ thời xa xưa cùng một số tài liệu đã được nhạc sĩ Nguyễn Túc sưu tập cho mượn cũng như hướng dẫn tôi đến thăm cụ bà Thẩm Oánh.
MỘT ĐỜI CHO ÂM NHẠC
Nhạc sĩ Thẩm Oánh tên thực là Thẩm Ngọc Oánh, sinh năm 1916 tại Hà-Nội.
Học vỡ lòng với một thầy đồ tại nhà riêng. Thầy đồ này lại biết chơi đàn Tầu nên cậu bé Thẩm Ngọc Oánh mê nhạc ngay từ hồi lên 6 tuổi.
Được khoảng 4 năm thì thầy đồ trở về quê vì tình hình chiến sự.
Thẩm Oánh đã học âm nhạc qua một số sách viết bằng tiếng Pháp. Và khi học xong bậc trung học tại các trường Clémenceaux, Albert Sarraut va Puginier thì Thẩm Oánh bắt đầu dậy nhạc từ năm 1934, khi mới 18 tuổi.
Thẩm Oánh sáng tác hơn 1,000 bản nhạc nhưng những bản đắc ý nhất, được phổ biến rộng rãi nhất không quá vài chục bài.
Nhạc của Thẩm Oánh có thể tóm tắt trong 4 đề tài:
– Nhạc anh hùng ca
– Nhạc Phật giáo
– Nhạc nhi đồng
– Nhạc tình cảm
Ngoài các thể loại trên, Thẩm Oánh đã viết 3 vở nhạc kịch: Quán Giang Hồ, Bá Nha-Tử Kỳ, Đoàn Kết Là Sức Mạnh.
Nhạc sĩ Thẩm Oánh còn cộng tác với các tạp chí Việt Báo, Tiểu Thuyết Thứ Bẩy, chủ bút nguyệt san Việt Nhạc; giữ các chức vụ Giám Đốc đài phát thanh Hà-Nội, Trưởng Ban Việt Nhạc, Giám đốc trường Ca Vũ Nhạc Phổ Thông (thuộc Bộ Thông Tin và Thanh Niên), Phó Hội Trưởng Việt Nam Nhạc Hội, dạy nhạc và ngọai ngữ tại một số trường trung học.
Gia đình nhạc sĩ Thẩm Oánh sang Hoa Kỳ năm 1991.
Đến tháng Tư năm 1993, Nhóm Trưng Vương Vùng Hoa Thịnh Đốn tổ chức “Đại Nhạc Hội 60 năm Am Nhạc Thẩm Oánh” đã phát hành tuyển tập “Nhớ Nhung” để vinh danh một nhạc sĩ đã tận tụy đóng góp cho nền tân nhạc Việt Nam và tri ân một giáo sư đã giảng dậy âm nhạc trong nhiều năm tại các trường Trưng Vương, Chu Văn An và Nguyễn Trãi. Đồng thời, cũng là để lưu lại cho các thế hệ sau một số tác phẩm giá trị của bậc tiền bối.
Bút tích duy nhất của Thẩm Oánh mà chúng tôi có được là lời tâm sự của nhạc sĩ viết trong tuyển tập này, với tựa đề “Nhớ Nhung”.
Xin được trích vài đoạn:
“…Tâm tình đa cảm mang lại Nhớ Nhung. Gặp nhau đâu thấy thoáng chút hương thơm quyện vào vành mũi, thấy mấy sợi tóc mây phơ phất tạt ngang mày, thấy một nụ cười duyên bén tình say, một nét thuần dịu vụng về lộ vẻ thơ ngây trong cử chỉ nhu hoà, duyên dáng…những ấn tượng ấy, bảng lảng nhớ nhung, nhớ nhung đến “ngợp trời”, nhớ nhung đến “gió trăng lạc lối”, và những sự “thấy” và “gặp” ấy kết thành ý nghĩ mung lung để viết ra một số bài.”
“…Đến “Việt Nam hùng tiến” thì thực là “bộc phát”. Vỏn vẹn mươi người hát chưa vững, thế mà ít lâu sau cả vùng, cả đoàn hát lên để dựng cờ. Rồi phong trào đột khởi, lòng hăng say yêu nước đã thai nghén được thêm “Việt Nam hùng tiến”,”Non Nước Việt Nam”, “Nhà Việt Nam”, “Bài ca đoàn kết”, “Người Việt Nam xin đừng quên”, “Người trai Việt nhớ chăng?”có thể vô duyên lúc đương thời nhưng hữu sự về mai hậu…Kế tiếp là những chuyện tình xưa còn truyền khẩu lại cho tới ngày nay, giúp cho tình nghĩa vợ chồng thêm đằm thắm keo sơn, như “Vợ chồng Ngâu”, “Thiếu phụ Nam Xương”, “Nàng Bân”…Rồi những bài ca lịch sử từ “Hùng Vương” tới ”Bắc Bình Vương”, và “A Di Đà Phật”, “Trầm hoa hương ngát”, “Thập phương chúng sinh” cùng với những bài ca lịch sử trên còn tồn tại lâu dài.
“Số bài còn lại đã dấu diếm gần nửa thế kỷ, cuốn gọn vào một sọt giấy cũ nát, hầu như bỏ đi. Ném vào một góc tường mà mưa nắng đã làm ẩm ướt và mục nát, thì mười phần nay chỉ còn non một nửa. Xếp lại từng trang, đọc lại từng dòng, chấm lại từng nốt, mỗi bài một nhạc đề, mỗi dòng một kiểu cách, thoáng hiện nếp “ngũ cung” đa dạng, chuyển âm đột ngột, nhạc điệu ấy đã làm người nghe cảm xúc lúc ban đầu. Đã muốn bỏ quên và chôn vùi theo thời gian, thì lại gặp cố tri hằng mến nhau vì cảnh ngộ phũ phàng, những người bạn cũ đã lưu vong nơi vùng đất hứa này, gợi ý cho sống lại thuở đương thời cách biệt.
Nhạc tập này được ấn hành để đánh dấu một thời chìm nổi của cái ta vô vọng…”
CHÚNG TA BIẾT GÌ VỀ THẨM OÁNH?
Phải nói một cách thẳng thắn rằng: Hầu hết chúng ta không biết gì về người nhạc sĩ tài hoa này cả. Cái tên “Thẩm Oánh” thì ai cũng nhớ, một số nhạc phẩm của Thẩm Oánh thì ai cũng thuộc hoặc cũng đã nghe qua, nhưng hỏi về cuộc dời và sự nghiệp âm nhạc của Thẩm Oánh thì ít người biết một cách rõ ràng.
Phần vì Thẩm Oánh thuộc lớp nhạc sĩ lão thành, tiền phong trong tân nhạc nên phần đông người cùng trang lứa với nhạc sĩ nay đã ra người thiên cổ. Phần khác, Thẩm Oánh là người tính tình nghiêm nghị, khép kín, ít bạn cũng như ít tâm tình trò chuyện nên ngay cả những người trong nhà cũng không mấy ai được Thẩm Oánh chia sẻ.
Thế nên, tìm hiểu về Thẩm Oánh là điều rất khó. Nhạc của Thẩm Oánh lại không phải là loại nhạc để trình diễn, nên ít có ca sĩ nào dám hát nhạc Thẩm Oánh trong một đại nhạc hội. Nét nhạc Thẩm Oánh có một sắc thái, một phong thái riêng, có lẽ chỉ thích hợp với một vài lớp người thưởng ngoạn mà thôi.
May thay, chúng ta còn có được một nhân chứng, người trong cùng giới ca nhạc, rất có uy tín là nhạc sĩ Nguyễn Hiền, đã nhắc đến Thẩm Oánh trong một bài ngắn nhưng đầy đủ khi người nhạc sĩ tiên phong, đa tài này từ giã cõi đời ở tuổi 80.
Nguyễn Hiền viết:
“Tin nhạc sĩ Thẩm Oánh ra đi vĩnh viễn đối với chúng ta chỉ cách vài tháng sau cái chết của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước và Văn Cao đã là một mất mát lớn trong giới âm nhạc Việt Nam. Nếu lịch sử chỉ là sự tiếp nối giữa các thế hệ, thì nhũng lớp người đi trước luôn luôn cần được ghi nhận công lao xứng đáng với việc làm của họ qua những đóng góp không nhỏ cho âm nhạc nước nhà trong suốt cuộc đời đã qua.
Nói đến Thẩm Oánh, công lao ấy rất đáng kể nếu chúng ta quay về những năm ở giữa thập niên 30, khi âm nhạc Việt Nam vừa xuất hiện lác đác mới chỉ có vài bản nhạc.Lớp thanh niên lúc bấy giờ chỉ biết đến những bài ca Pháp thịnh hành do danh ca Tino Rossi trình bày qua đĩa nhựa phổ biến vào nước ta.
Chỉ nhớ là kỹ thuật điện ảnh lúc bấy giờ còn thô sơ với loại phim câm chưa có âm thanh đi kèm. Cho đến năm 1936 mới bắt đầu xuất hiện những cuốn phim có tiếng nói được quảng cáo ầm ĩ trên báo qua danh từ “Cinéma Parlant”, lôi cuốn lớp thanh niên Việt Nam thời đại.
Trong bối cảnh rất hạn chế ấy, nhạc sĩ Thẩm Oánh đã là người đi tiên phong, sáng tác nhạc với lời ca thuần túy Việt Nam.
Bản đầu tiên ông viết – nếu tôi không lầm – là bài “Có ai sang đò”, thanh niên thiếu nữ chuyên tay nhau chép lại tập hát ở nhà, vì hồi đó chưa có nhà xuất bản nào phát hành nhạc như sau này.
Ở Hà-Nội người ta biết đến tên ông cùng với Dương Thiệu Tước qua bản nhạc đầu tiên “Tâm hồn anh tìm em” như một cặp bài trùng xuất hiện trên sân khấu Nhà Hát Lớn những buổi trình diễn kịch nói rất hiếm hoi, có xen kẽ một vài bài nhạc Việt Nam.
Hình ảnh hai nhạc sĩ Thẩm Oánh và Dương Thiệu Tước bận đồ Smoking hay Spencer ra trước công chúng đã tượng trưng cho mẫu người thanh niên hào hoa thời đại ở thành phố ngàn năm văn vật trong phong trào tài hoa son trẻ giữa thập niên 30.
Ngoài việc đi tiên phong về viết nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Thẩm Oánh còn là người đầu tiên đứng ra thành lập ban nhạc Tricéa qui tụ những tay đàn xuất sắc như Lê Yên tác giả “Nghệ sĩ hành khúc”, “Ngựa phi đường xa”, Lê Lôi, Dương Thiệu Tước, Vũ Khánh (anh ruột Vũ Thành), Nguyễn văn Diệp (violon) và Nguyễn văn Hiếu (piano).
Vì say mê âm nhạc, Thẩm Oánh đã chọn con đường nghệ thuật thay vì chạy theo khoa bảng như phần lớn thanh niên trong thời Pháp thuộc, chỉ đua nhau học hành mong kiếm được mảnh bằng và địa vị cao sang trong xã hội.
Ông đi vào nghiên cứu âm nhạc rất sớm cùng với Nguyễn Xuân Khoát, Dương Thiệu Tước, đặc biệt chú trọng vào hệ thống ngũ âm (Pentatonic System) của âm nhạc cổ truyền Việt Nam mà chúng ta thấy thể hiện luôn luôn qua nét nhạc ông viết.
Người viết còn nhớ rõ, Thẩm Oánh có biệt tài ăn nói khúc chiết, dịu dàng mỗi khi ông xuất hiện trước công chúng, đặc biệt dáng dấp trịnh trọng, nghiêm chỉnh làm tăng thêm giá trị của những buổi tổ chức thời tiền chiến.
Uy tín ông vang dội khắp nước và các nhân sĩ Nam Kỳ thời ấy đã mời ông vào Saigon diễn thuyết về đề tài “Aâm Nhạc Việt Nam” bằng tiếng Pháp tại hội quán Samipic đường Galliéni (Trần Hưng Đạo sau này).
Xuất thân từ một gia đình thuộc danh gia vọng tộc Hà-Nội, ông sinh năm 1916 (năm Bính Thìn), suốt cuộc đời đã chỉ hoạt động say mê trong lĩnh vực âm nhạc và sau này trong ngành truyền thanh mà ông là một trong số những người đứng ra sáng lập đài phát thanh Hà-Nội tiếp thu từ tay người Pháp.
Ông cũng là người từng đứng ra cùng nhạc sĩ Nguyễn Văn Diệp tổ chức phòng trà Quán Nghệ Sĩ ở Bờ Hồ Hà-Nội, một trong những phong trào đầu tiên xuất hiện tại Hà-Nội năm 1945.
Ngoài ra, ông còn là giáo sư giảng dạy môn Pháp văn tại trường trung học Duvillier phố hàng Đẫy, Hà-Nội và môn âm nhạc cho nhiều trường học công lập, tư thục từ Hà-Nội vào đến Saigon trước năm 1975.
Là người tha thiết với đất nước dân tộc, Thẩm Oánh đã viết nhiều ca khúc để đời như “Việt Nam Hùng Tiến” được dùng làm đài hiệu cho đài phát thanh Hà-Nội và Saigon, “Nhà Việt nam”, “Trưng Nữ Vương”, “Chu Văn An Hành Khúc”, “Thiếu Phụ Nam Xương”v.v…
Mỗi dịp đón xuân, người ta không thể quên bản “Xuân Về” mang nhiều nét dân tộc ông viết năm 1939, đăng trong Ngày Nay số Xuân Kỷ Mùi do Tự Lực Văn Đoàn xuất bản.
Năm 1949, khi tiếp thu đài phát thanh Hà-Nội, ông thành lập ban Việt Nhạc qui tụ các ca nhạc sĩ thời đó như Minh Đỗ, Ngọc Bảo, Canh Thân, Quách Đàm, Nguyễn Thiện Tơ, Vũ Khánh, Vũ Thành, Nguyễn Trí Trường, Nguyễn trần Du, Nguyễn Hách Hiển và Nguyễn Nghĩa.
Điểm đặc biệt ở Thẩm Oánh là ông khiêm tốn, hoà đồng với tất cả anh chị em trong giới âm nhạc và chẳng bao giờ thấy ông khoe khoang công việc ông làm.
Năm 1961, tôi được vinh dự thay ông trong nhiệm vụ Chủ Sự Phòng Văn Nghệ Nha Vô Tuyến Truyền Thanh Saigon. Trong buổi lễ bàn giao, trước đông đủ anh em trưởng ban văn nghệ, ông tỏ vẻ cảm động khi tôi ca ngợi những đóng góp của ông trong nền âm nhạc Việt Nam. Ông cám ơn lúc tôi nhắc đến ông là người đã sửa lại bài quốc ca của cả hai miền Nam Bắc, điều mà ít người biết.
Đúng như vậy, năm 1943 khi Lưu Hữu Phước viết bản “Tiếng Gọi Sinh Viên” (Marche des Etudiants) còn là sinh viên Nha Khoa ở Hà-Nội, đã đưa đến hỏi ý kiến nhạc sĩ Thẩm Oánh, Hội Trưởng Hội Khuyến Nhạc và ông đã đề nghị sửa chữa một vài chỗ.
Rồi năm 1945, cũng ở cương vị đứng đầu Hội Khuyến Nhạc, chính Thẩm Oánh đã đềø nghị Văn Cao viết lại câu đầu trong nét nhạc “Tiến Quân Ca” cho tiết tấu hùng mạnh hơn, khác hẳn nguyên bản in qua thạch bản phổ biến từ chiến khu Việt Bắc.
Giai đoạn Thẩm Oánh sáng tác nhiều bản nhạc nhất phải nói là từ 1949 đến 1954, trong đó có “Nhớ Nhung”, “Toà Miếu Cổ”, “Bọt Bèo”, “Thiếu Phụ Nam Xương” do các ca sĩ Minh Đỗ và Ngọc Bảo thu thanh trên đĩa nhựa hãng Asia ở Saigon.
Sau 1975, tôi gặp ông có một lần duy nhất trong đám tang ông Vũ Quốc Thông ở Saigon.
Mới chỉ vài năm mọi người vui mừng đón nhận tin ông cùng phu nhân (nữ nhạc sĩ Tô Anh Đào) đã sang Hoa Kỳ xum họp gia đình. Ngờ đâu tin như sét đánh ngang tai, nhạc sĩ Thẩm Oánh đã vội ra đi ở tuổi bát tuần.
Xin hương hồn anh nhận nơi đây lòng thành kính và tiếc thương của một người đi sau trong giới âm nhạc Việt Nam.
Vĩnh biệt nhạc sĩ đàn anh Thẩm Oánh”.
(Nguyễn Hiền)
MỘT SỐ NHẠC PHẨM TIÊU BIỂU…
Bản nhạc nhớ ơn quốc tổ đã dựng nên đất nước gấm hoa, uy linh lừng lẫy một phương trời. Vậy bổn phận cháu con là phải vun đắp, tô bồi giải giang sơn cẩm tú, cho xứng đáng là con Hồng cháu Lạc. Đó là nhạc phẩm “Hùng Vương”:
“Bốn ngàn năm văn hiến nước Nam khang cường là nhờ công đức Hùng Vương
Hoa gấm giang sơn này cùng chung đắp xây, bao thời hùng uy vẻ vang
Đời đời nhờ Hùng Vương đã vì quốc dân lập non nước này
Cho cháu con quây quần, vẽ nên cơ đồ bền vững tới nay…”
Bài hát mang tính chất lịch sử, gợi tình yêu nước, đoàn kết thống nhất Bắc Nam Trung, tay nắm tay cùng nhau xây dựng cơ đồ nước Việt: Bản “Nhà Việt Nam”:
“Nhà Việt Nam, Nam Bắc Trung sáng trưng Á Đông
Bốn ngàn năm đó, văn hoá xây đắp bao kỳ công
Người Việt Nam, cân quắc bao anh hùng
Từng phen nức danh dưới trời Á Đông…
…Khăng khăng thề tay nắm tay
Củng khao khát say ánh vinh quang sáng soi ngợp trời
Nhà Việt từ đây
Trung Nam Bắc cùng một lòng mừng vui”.
Đoạn trên, nhạc sĩ Nguyễn Hiền có nói đến bản nhạc “Việt Nam Hùng Tiến” của Thẩm Oánh được dùng làm đài hiệu cho hai đài phát thanh Hà-Nội và Sài Gòn.
Bài này được viết tới 3 lời, nhịp hùng mạnh.
Đây là nhạc phẩm với lời thứ nhất quen thuộc:
“Đây là lúc quốc dân hùng tiến,
Cờ Việt từ nay phơi phới ngang trời cao.
Vì giang sơn, máu pha tô sông đào
Hồn muôn anh dũng vết thương nay quyết liền.
Bao thời u buồn, nhà Việt Nam lầm than nguy khốn
Nào ai cháu con Tiên Rồng
Một lòng vì giống nòi Nam
(Điệp khúc): Quốc dân ơi! Ta cùng tiến lên đi
Nước Nam đang chờ gót nam nhi
Vời trông ngàn xưa đời bao danh tướng
Quyết mau ta hùng cường…”.
Bài hát được các cựu nữ sinh trường trung học Trưng Vương trân quý, cất cao giọng hát mỗi dịp lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng và còn được truyền tụng lâu dài, chính là bài “Trưng Nữ Vương”:
“Trưng Nữ Vương lau phấn son mưu thù nhà
Mài gươm vang khúc toàn thắng hùng ca
Thu về giang sơn cho lừng uy gái Nam
Bầu trời Á sáng ngời ánh quang.
Nợ nước phó tay người nhi nữ
Tình riêng cứu nguy cho toàn dân
Một lòng trung trinh son sắt bền, Hát Giang sóng rền.
Trưng Nữ Vương dày đức cao ơn
Xin ứng linh ban phúc cho giang sơn hòa bình
Trưng Nữ Vương, nước non còn đó
Giống Lạc Hồng quyết kiên lòng bồi đền non sông…
… Mang phấn son tô mầu sơn hà
Lòng vì nước, vì nhà
Cho Việt Nam muôn đời hùng cường
Nhờ ơn đức Trưng Vương…”
Một câu chuyện xa xưa, nói đến lòng trung trinh của người vợ hiền mà bị nghi oan bỗng thành một thảm kịch trong gia đình, đã được Thẩm Oánh dựng thành truyện ca qua bài “Thiếu phụ Nam Xương” đầy đau thương và nước mắt:
“Ai đời còn nhớ chăng? Xóm Nam Xương có một nàng
Lòng trinh muôn đời muôn kiếp, mang xuống tuyền đài, cam ức ôm hờn ôi đến bao tan?
Từ chàng ra đi chiến tranh phân kỳ, rầu rầu chiếc thân tàn canh soi bóng
Ôm con nhớ thương ngợp lòng, chờ ngày quang thái, tái lai rợp hồng ánh xuân.
Con thơ nhiều đêm hoài kêu nhớ cha
Khi ánh đăng soi mờ bóng nhòa
Chỉ bóng tường dụ dỗ…con thơ
Rằng: Đây chính cha, đêm tối mới về cùng con
Rồi từ đó ánh đèn tàn đêm, hình nàng in trên vách tường
Con rỡn đùa nô bóng cha rộn ràng.
Nào ngờ đâu từ đó ly tan.
Người cha sau ít lâu hồi hương
Một sáng quang minh chim ngàn kêu đàn
Mừng mừng tủi tủi mang mang
Nàng bế con ra: “Đây bố đã về cùng con”
Thằng bé kêu rằng:”Không không, bố tôi đêm tối mới về, không không bố tôi đêm tối mới về, không không không bố tôi đêm tối mới về”
Ôi đau thương, ôi ly tan, đau đớn cho nhau, chua sót cho nhau chim thương lìa đàn.
Ôi đau thương, ôi nguy nan, cuồng ghen sôi máu phũ phàng rày đạp nát tan.

Trời thấu cho lòng thiếp chăng?
Trinh chuyên mang oan phụ chàng
Xin đem thân như hoa tàn
Trôi đi, trôi khuất xuôi với nước dòng Hoàng Giang…
Bóng đêm mờ đèn khêu u uất, chàng bồng con thơ, in bóng lên tường
Thằng bé vui mừng:”Đây đây bóng cha đêm tối đã về, đây đây bóng cha đêm tối đã về, đây đây bóng cha đêm tối đã về…
Ôi nghi oan, ôi ly tan, đau đớn cho nhau, chua sót cho nhau chim thương lìa đàn.
Ôi đau thương, ôi nguy nan, cuồng ghen sôi máu lỡ rồi tình đã nát tan.
Bồng con đứng trông theo dòng Hoàng Giang
Tình oan ngập mây u ám
Muôn năm mối hờn bao tao nơi cửu tuyền
Bao đời còn nhớ ghi…”
Trong chúng ta, ai cũng có riêng một trời tâm sự vơi đầy nhưng hầu hết không thể bầy tỏ, diễn tả qua nét vẽ, lời văn, tiếng đàn giọng ca. Nhưng người nghệ sĩ thì có cái may mắn bắt được của Trời một hai cái hoa tay để nắn nót, đưa đẩy nỗi lòng mình đến khán thính giả bốn phương trời.
Thẩm Oánh nói về cuộc đời nhạc sĩ ca hát, đem cung bậc thanh âm mua vui lòng nhân thế. Người nghệ sĩ tưởng như đi trong mộng, ca ca hát hát điên điên rồ rồ, rút tơ lòng mình se mối tơ hờ mà buồn thương cho thân phận. Xin cùng nghe: “Tôi bán đường tơ”:
“Tôi bán đường tơ,
ca ca hát hát điên điên rồ rồ quên quên nhớ nhớ mơ mơ hồ hồ
thương vay khóc mướn khéo vui cợt đùa
khéo se tình hờ rút tơ lòng ra chiều nhân thế say ước mơ.
Tôi bán đường tơ,
Quên quên nhớ nhớ mơ mơ hồ hồ ca hát hát điên điên rồ rồ
Thương thương nhớ nhớ khéo vay vật vờ
khéo vui cợt đùa rút tơ lòng ra tình duyên ta se mối hờ.
Tục trần nào ai tan hết niềm say
Nhớ tiếc mơ màng luyến ái vô cùng hồn theo áng mây.
Vì đời xin chuốc đường tơ
Chiều ý niềm thơ ta nhớ ta buồn ta ước ta mơ
Con tầm rút tơ, cho đời diêm dúa cho đời trai lơ
Tôi bán đường tơ, cho lòng căng thắt cho ai cợt đùa.
Trần gian còn thương nhớ,góp tiếng tơ chung có tiếng lòng tôi.
Hoà cùng với tơ lòng người, tình tứ ngợp trời nguồn nhớ bao nguôi”.
Mỗi năm, mọi người nao nức chờ chúa xuân sang thì cũng là lúc các ban nhạc trên đài phát thanh cất tiếng đón “Xuân về”:
“Xuân về rồi, muôn đóa hoa đào tươi, cười trong nắng ứ ư
Buông mành tơ liễu soi hồ gương, vờn mầu sắc xuân vừa sang
Ngàn xuân khúc vang lừng ca, chim ghép đôi tung trời bay
Và âu yếm bên ngàn hoa, cô gái mơ màng say.
Xuân về rồi, muôn đóa hoa đào tươi, cười trong nắng ứ ư
Bên phòng the tiếng dương cầm ngân, nhip nhàng khúc ca mừng xuân.
Hoa lá tươi kiêu căng cười đông, chim chóc vui ca vang ngoài song
Làn kim lướt qua bóng mây, thắm tô cho ngàn cỏ cây.
Mưa phất trên bông hoa đào tươi, oanh yến đang mê say mừng vui…”
Tập nhạc tuyển do Nhóm Trưng Vương vùng Hoa Thịnh Đốn thực hiện, kỷ niệm 60 năm âm nhạc Thẩm Oánh, có tựa đề là “Nhớ Nhung” khiến chúng ta phải suy nghĩ rằng hẳn bản nhạc này mang nhiều kỷ niệm của người nhạc sĩ.
Kỷ niệm vẫn là nhớ nhung ngập trời, sắt se lòng quá, nhớ nét mặt trong trăng, âu yếm như mỉm cười, tìm đâu bóng ai, cho tâm hồn say, bóng dáng tơ đào phai phương trời xa xôi, ai nhớ ai chăng là, nào ai nhớ thương ai?…
Những hình ảnh yêu thương, những lời nói thiết tha trìu mến ấy ám chỉ ai?
Tôi cũng muốn tìm hiểu cho ra manh mối. Nhưng trước hết, chúng ta hãy nghe “Nhớ nhung”, rồi “hạ hồi phân giải”:
“Nhớ nhung, nhớ nhung ngập trời
Buồn vương khắp nơi, gió trăng lạc lối
Nhớ nhung, sắt se lòng quá! Phía tây mây mờ, sầu lắng trong mơ.
Bóng dáng mây huyền lướt như tóc ai
Tha thiết buông phương trời, thầm lôi cuốn tim ta rối bời
Đây nét mặt trong trăng, âu yếm như mỉm cười, cùng nhân thế sầu đầy vơi
Nhớ nhung ngập trời, tìm đâu bóng ai, cho tâm hồn say…
Ngoài xa, mây nhớ trăng lững lơ lần trôi
Vườn tà huy chờ gió luyến than chiều rơi.
Bóng dáng tơ đào phai phương trời xa xôi
Ai nhớ ai chăng là? Nài ai, ai nhớ thương ai?
Chập chùng mờ non tây, dón thăm chim xa về đây
Mịt mù quá mây dầy! Ai nhớ ai chăng là? Nào ai, ai nhớ hình ai?
Hỏi ai nhớ ai chăng là? Nào ai, ai nhớ thương ai?
Cùng với nỗi nhớ nhung, chắc hẳn là phải có lý do nào đó. Chúng ta bắt gặp ngay được lý do không thể gần gũi với nhau, vì “Xa cách muôn trùng”. “Muôn trùng” ở đây tuy không xa xôi ngoài ngàn dặm, nhưng cũng có thể chỉ vì ngăn sông cách núi, vì chiến cuộc, vì nhiệm vụ trai thời loạn. Nhưng vì nhớ nhau mà tưởng như nghìn trùng xa cách:
“Xa cách nhau muôn trùng, lòng hoài dâng nhớ nhung
Ai bước đi dùng dắng, ai sắt se tơ lòng!
Trời vương áng mây sầu, hồn quên bay về đâu?
Trông bóng nhau xa dần khuất, bùi ngùi luyến thương hình nhau.
Ôi sắt se tơ lòng, người về mang nhớ mong
Ai khuất xa mờ bóng, xa cách nhau muôn trùng…”
Thẩm Oánh còn gửi gấm tâm sự qua bài “Vương tơ” được nhiều người bết đến nhưng ít ai dám hát vì đây là một nhạc phẩm cần đến giọng thật khỏe, thật vững, có thể diễn tả nổi những nét nhạc, lời ca một cách hoàn hảo.
“Chiều lắng lắng buông, nhạc lơi cung thương, phím tơ muộn màng, se giây bàng hoàng, lạt phai duyên dáng, ơ thờ son phấn úa hoen nhân gian.
Đời lắng lắng trôi, nhạc mơ thế thôi, chấp nê cuộc đời, ép duyên nụ cười, chiều dang mây khói, cho màu pha phôi, não nề hôm mai”.
Một nhạc phẩm khác cũng được phổ biến rộng rãi, hẳn nhiều người trong chúng ta vẫn còn nhớ. Đó là bản “Chiều tưởng nhớ”:
“Chiều tưởng nhớ, nắng gieo sầu biệt ly
Gió mây phiếm du ơ thờ, buồn mà chi
Ai nhớ chăng giờ phân kỳ, đi là vui tháng ngày
Trách nhau hoài quên hết rồi, nào ai thương nhớ ai
Mà lá vàng rơi
Chiều tưởng nhớ, gió gieo sầu biệt ly
Nhớ nhung lắng sâu canh tà, vì người xa
Chiều nhớ chăng chiều, đâu chiều xưa cùng ai ước mơ
khuất xa rồi là quên nhớ chi, trăng nước thờ ơ
Cho tháng ngày ước mơ đâu chiều xưa?
Hoài thương hoài nhớ!
Đây đó chia đôi đường
Khiến đời sui xa mặt cách lòng”.
Trở lại với “Nhớ nhung” mang hình bóng người con gái không phải là tuyệt thế giai nhân nhưng cũng “tóc mây phơ phất ngang mày, nụ cười duyên bén tình say, nét thuần dịu vụng về lộ vẻ thơ ngây trong cử chỉ nhu hòa, duyên dáng… Những ấn tượng ấy bảng lảng nhớ nhung, nhớ nhung đến “ngợp trời”, nhớ nhung đến “gió trăng lạc lối” và những sự “thấy” và “gặp” ấy kết thành ý nghĩ mung lung để viết ra một số bài”.
Đọc đến đây, chắc chúng ta cũng chưa hiểu rõ được là nhạc sĩ muốn nói đến người con gái đẹp nào. Nhân dịp gặp phu nhân, chúng tôi “đặt vấn đề” để mong tìm ra đáp số, thì phu nhân cười mà rằng:
– “Anh ấy viết tặng tôi đấy, chú ạ! Chả là vì những năm 42-45, vì thời cuộc chúng tôi ở xa nhau nên anh ấy viết mấy bài gọi là nhớ nhung, nhung nhớ í mà!”
Phải thế chứ! Có thế mới tìm ra đáp số. Vậy là thỏa mãn và thỏa đáng!
Một nhạc phẩm khác viết về Phật giáo đến nay vẫn còn được các phật tử cất cao tiếng hát ca ngợi. Đó là bài “Thích Ca Mâu Ni Phật”:
“Nam Mô Thích Ca Mâu Ni Phật (2 lần)
Người thương cứu trần gian, nơi trầm luân kiếp cơ hàn
Nam Mô Thích Ca Mâu Ni Phật
Xin Người ban khắp từ tâm đầy tình thương độ thế nhân
Nam Mô Thích Ca Mâu Ni Phật (2 lần)
Người vớt tâm hồn đầy buồn thương
Ban ngàn phúc cho trần gian.
Nam Mô Thích Ca Mâu Ni Phật (2 lần)
A Di Đà Phật!
Một bản nhạc viết cho học sinh mà ít người biết hay nhớ tới, là bài “Học sinh Việt Nam”. Xin trích:
“Học sinh Việt Nam gắng công ta chuyên cần
Mai sau mong sao xứng danh dân Lạc Hồng
Đời đời hùng cường, dòng Việt lừng ngàn năm văn hiến
Theo nhau cùng điều hoà tiến lên
Thanh niên học sinh Việt Nam, xin chớ quên ta người Văn Lang
Gốc nho nền văn vững vàng
Thanh niên học sinh Việt Nam đoàn kết rằng:
Hoa gấm giang sơn, ngàn năm ngời sắc huy hoàng…”
Cả hai bài vừa kể trên đều do phu nhân nhạc sĩ Thẩm Oánh cung cấp vì không còn phổ biến nữa.
Nhạc sĩ Thẩm Oánh còn là người đi tiên phong trong lãnh vực truyện ta (Vợ chồng Ngâu, Thiếu phụ Nam Xương), nhạc kịch (Quán giang hồ), nhạc sử ca (Hùng Vương, Trưng Nữ Vương).
Thế hệ thuộc lớp tuổi 50-60, ít người biết Thẩm Oánh.
Nhà văn Trần Long Hồ, trong bài “Thẩm Oánh: Những ngày cuối” viết khi nhạc sĩ qua đời đã nhắc đến vài kỷ niệm và nhận xét về người nhạc sĩ lão thành này. Xin được trích đoạn.
“Tôi biết đến nhạc Thẩm Oánh và nghe nhạc ông từ thuở nhỏ. Tôi vẫn nhớ những bài như ‘Tôi bán đường tơ’, ‘Xa cách muôn trùng’, ‘Nhớ nhung’, ‘Toà miếu cổ’… được in trên những bản nhạc khổ lớn. Cái tên Thẩm Oánh trên những bản nhạc ấy đã trở nên quen thuộc trong trí nhớ tôi từ dạo ấy.”
“…Tôi gặp nhạc sĩ Thẩm Oánh không do duyên văn chương hay nghệ thuật mà trong sự liên hệ giữa bệnh nhân và thầy thuốc…”
Chúng ta biết Trần Long Hồ cũng còn là bác sĩ Trần Trúc Quang.
Nhà văn tả vóc dáng bệnh nhân của ông khi chưa nhận ra người đó là Thẩm Oánh:
“Đó là một ông già nho nhã, mặc bộ đồ mầu xám, thắt cà vạt mầu cam, tóc ông bạc trắng, khuôn mặt thon dài, nước da hồng hào, mũi cao, miệng nhỏ, môi hồng. Phải nói rằng ông già ấy trông “tiên phong đạo cốt” lắm. Tôi thầm khen cung cách lịch sự của ông nhưng rồi vì công việc đến nỗi cái tên Thẩm Oánh cũng không nhắc nhở tôi một điều gì khác cả.
Lần khác, ông trở lại, tôi cũng không nhớ đến tên. Tôi chỉ biết đến bệnh nhân Thẩm Oánh mà không hề nghĩ đến nhạc sĩ Thẩm Oánh!
Cho đến một ngày kia, giáo sư đàn tranh Kim Oanh đến khám bệnh, chị cho tôi biết, gia đình nhạc sĩ Thẩm Oánh đã định cư tại vùng nay được vài tháng nay. Chị cũng cảm thấy áy náy vì không có báo nào loan tin và cũng không ai tổ chức đón tiếp ông. Cùng lúc ấy, bà Thẩm Oánh cũng có mặt trong phòng đợi bên cạnh chờ khám bệnh.
Chị Kim Oanh giới thiệu cả hai ông bà đều là bệnh nhân của tôi, tôi mới vỡ lẽ và trở nên thân mật. Sau đó tôi có đến thăm và tặng sách cho ông…”.
HỎI CHUYỆN RIÊNG TƯ…
Mục này thì bạn đọc nào cũng thích nghe vì là những mẩu chuyện ít khi phổ biến tổng quát. Mà có phổ biến hạn chế thì cũng ít ai biết được tường tận, ngọn ngành rồi mỗi người hiểu theo một ý, đâm ra tam sao thất bổn.
Nhưng nếu tôi ghi lại, may ra bạn đọc tin tưởng được đôi ba phần vì tính tôi vốn kỹ lưỡng, khi điều nghiên thì rất thận trọng, không để cho tình cảm chi phối như kiểu:
“Thương ai thương cả đường đi,
Ghét ai, ghét cả tông chi họ hàng.”
Tôi lại áp dụng cả phương pháp “tổng hợp” lẫn “phân tích” để từ đó suy ra, đi đến một kết luận khả dĩ chấp nhận được. Với lương tâm chức nghiệp cao độ như rứa, chắc bạn đọc cũng lượng tình tha thứ nếu chẳng may có điều chi không khứng ý.
Mong vậy thay!
Thế bạn hỏi tôi biết gì về Thẩm Oánh?
Xin thưa: Tôi cũng chả biết gì về nhạc sĩ Thẩm Oánh cả vì đôi bên “xa cách muôn trùng”, khác nhau một trời một vực. Tất nhiên tôi là kẻ ở dưới vực.
May nhờ có nhạc sĩ lão thành Nguyễn Túc vốn sẵn tình quen biết với gia đình Thẩm Oánh nên tôi dựa hơi người lớn, cầu cạnh nhạc sĩ Nguyễn Túc xin cho tôi được gặp và hỏi chuyện phu nhân nhạc sĩ Thẩm Oánh.
Phúc đức làm sao, phu nhân lại nhận lời, không đòi hỏi lễ nghi quân cách gì sốt cả.
Thế là, một buổi sáng mùa thu, có nắng vàng tươi mát, có gió lạnh vào hồn không tên, chúng tôi trực chỉ hướng Burke,Virginia đến tư gia của người.
Cụ bà tuổi hạc trong cỡ bát tuần nhưng vẫn còn nhanh nhẹn, tinh tường, vui vẻ đón chúng tôi vào nhà, ngồi chơi sơi nước. Trong phòng khách đặt một chiếc dương cầm ở góc, rõ ra là nhà nhạc sĩ. Bởi chính phu nhân cũng là một giáo sư dạy dương cầm mà lị!
Trò chuyện một hồi, thầy Nguyễn Túc nhắc khẽ tôi:
– Này, có hỏi gì thì mở máy đi! Còn đợi gì nữa?
Tôi khẽ đáp:
– Dạ, em còn chờ chút nữa, nói chuyện thân mật cho xuôi chèo mát mái thì mới mở máy đặng!
Xong mấy tuần trà mạn, nói chuyện xa gần, cảm thấy có thể nhập đề nên tôi mới thưa:
– Thưa chị, em sắp viết một bài về anh. Bây giờ chỉ còn chị là hiểu rõ về anh nhất. Xin chị cho em được hỏi vài câu được không ạ?
Phu nhân cười đáp:
– Chú hỏi gì thì hỏi. Cái gì tôi biết, tôi nhớ thì tôi nói. Bằng không thì bỏ qua… Nói thực với các chú, chứ vợ chồng tôi việc ai nấy làm, ít khi nào chúng tôi nói chuyện với nhau về công việc riêng của nhau cả.
Tôi hỏi:
– Thế thưa chị, thí dụ như anh sáng tác “Nhà Việt Nam”, “Trưng Nữ Vương”, “Thiếu phụ Nam Xương” trong hoàn cảnh nào, vào năm nào thì chị biết chứ?
– Không đâu! Tôi không biết gì cả, chú ạ!
– Rồi, thế chị cho em hỏi về chị vậy nhá?
– Chú cứ hỏi đi!
– Thưa chị, nhũ danh của chị là gì ạ?
– Tôi tên là Tô Anh Đào, con gái lớn trong gia đình.
– Hồi nhỏ, chắc chị đẹp lắm! Chị có là hoa khôi, hoa hậu trường nào không?
– Không, chú ạ! Sao chú lại hỏi thế?
– Dạ, vì em thấy chị “đẹp lão”! Thế chị quen với anh trong trường hợp nào?
– Chả nói dấu gì chú. Cái hồi năm 1938, anh họ tôi là Dương Thiệu Tước có dẫn một người bạn đến nhà chơi dịp lễ Giáng Sinh, mở “Bal famille”. Vì thế tôi biết anh Oánh năm tôi 18 tuổi. Rồi anh Oánh lập một ban nhạc lấy tên là “Myosotis” gồm mấy người, chơi tây ban cầm vĩ cầm, hạ uy cầm, sáo… Còn tôi thì xử dụng dương cầm. Mỗi cuối tuần, chúng tôi lại họp nhau hòa nhạc, vì thế nên quen.
– Em hỏi khi không phải, chị quen anh như thế nào? Có tình thư qua lại? Có hò hẹn nơi nao? Có cầm cái bàn tay, có nắm cái bàn chân không chị?
– Chú hỏi kỹ thế? Thời chúng tôi, làm gì có chuyện tự nhiên đến như vậy! Nhìn nhau còn dè dặt khép nép nữa là, nói chi đến hẹn hò, nắm tay, nắm chân. Thế hệ ấy là thế hệ của chú!
– Dạ, chính thế đấy ạ! Em nhớ cái hồi đi lính Ngự Lâm Quân Dalat năm 1954, con gái Dalat, nữ sinh cả bầy, cô nào cô ấy mơn mởn đào tơ, ca ca hát hát mơ mơ màng màng rất là tình xuân ong bướm. Còn bọn lính chúng em thì như “cú nhòm nhà bệnh” sẵn sàng trong tư thế ếch vồ hoa, rình lúc nào vồ được là vồ cái một. Phong cảnh Dalat lại hữu tình nữa cho nên cảnh với người như cũng một phe.
Chị cho em hỏi tiếp nhé! Thế anh chị lập gia đình năm nào?
– Năm 1948, chú ạ!
– Chị học dương cầm trong bao nhiêu lâu?
– 12 năm, từ năm 1930 đến năm 1942. Sau đó loạn lạc, tản cư. Khi trở về, tôi dậy trường “Quốc Gia Aâm Nhạc”, môn dương cầm.
– Trong gia đình, có ai theo gót anh chị không ạ?
– Các cháu đều chơi đàn và đậy đàn, chú ạ!
– Em nhớ họ Thẩm, ít người họ này lắm. Ở ngoài Bắc, em biết có dược sĩ nổi tiếng là Thẩm Hoàng Tín.
– Ông ấy là bác ruột của nhà tôi.
– Anh là một nhạc sĩ, thế ngoài ra anh có ca hát gì nữa không hả chị?
– Anh ấy hát hay lắm, được mệnh danh là “Tino Rossi Việt Nam” cơ mà!
– Em chắc là anh có viết cho chị nhiều bản tình tứ lắm đấy nhỉ!
– Không nhiều thế đâu. Bản mà anh ấy thích nhất, có nhiều kỷ niệm nhất là bản “Nhớ Nhung”. Hồi năm 42-45, chúng tôi ở xa nhau nên anh ấy viết “Nhớ Nhung” để kỷ niệm. Anh ấy còn viết luôn cả “Chiều tưởng nhớ”, “Xa cách muôn trùng” nữa đấy, chú ạ!
– Thưa chị, tuyển tập của anh lấy tựa đề là “Nhớ Nhung” em đã đâm nghi rồi. Đọc kỹ, em thấy anh không đả động gì đến chị cả. Đọc đi đọc lại cũng vẫn thế thôi. Nhưng khi nhớ ra tên chị là Tô Anh Đào thì em khám phá ra rằng, anh đã nhắc đến tên chị trong bản nhạc này đấy chứ!
– Đâu, chú đọc lại cho tôi nghe nào!
– Dạ, đây nhá! “Bóng dáng tơ đào phai phương trời xa xôi. Ai nhớ ai chăng là, nào ai ai nhớ thương ai?” thì có phải là tên chị hay không nào?
– Phải đấy, chú tinh ý, có óc hài hước thì mới moi ra được chứ cứ như tôi thì xin chịu…
– Dạ còn nữa! Trong bài “Xuân về”, câu mở đầu, anh cũng nhắc đến tên chị: “Xuân về rồi, muôn đoá hao đào tươi…”. Câu chót cũng có “bông hoa đào tươi” nữa đấy ạ! Chị chịu là em giỏi không nào?
– Chịu! Thế còn cái họ “Tô” của tôi thì ở bản nào nào?
– Dạ, cũng ngay trong bản “Xuân về” chứ có đâu xa. Đoạn áp chót như thế này: “Làn kim phấn lướt qua bóng mây, thắm tô cho ngàn cỏ cây…”
– Chịu chú rồi đấy! Thế nhưng vẫn còn thiếu chữ đệm là “anh” nữa cơ nhá!
– Chị “khó” quá à! Để em truy lùng xem sao. Đây rồi! Bài “Nhà Việt Nam”: “Người Việt Nam, cân quắc bao anh hùng…”. Thế là đầy đủ tên chị rồi nhá! Còn như chị muốn anh nhắc đến tiếng “Em” thì nhiều lắm. Thí dụ như trong bài…
– Thôi, thôi, vậy là quá đủ rồi. Mất công thám tử phải đi rình mò, lục lọi. Tôi hỏi thật nhá! Thế hồi nhỏ chắc là chú “lém” lắm phải không?
– Dạ không, nhiều người cũng lầm tưởng như vậy đó, chị ạ! Hồi nhỏ em e lệ, nhu mì, hiền còn hơn cả “ma soeur” nữa cơ! Nhưng mấy năm vào nhà binh, sống với một bọn lính văn nghệ Phòng 5, chúng nó đấu hót như máy, tán tỉnh rất mả cho nên em bị tiêm nhiễm lúc nào không biết. Đúng như câu “Gần mực thì đen, gần đèn thì …tối”.
– Gần đèn thì “sáng” chứ lị!
– Dạ, em biết đó là câu nói thông thường. Còn đây, em muốn nói đến cái đèn ở trong…vũ trường đấy, chị ơi!
– Thôi, tôi cũng xin chịu thua chú rồi.
Phu nhân Thẩm Oánh hỏi lại tôi:
– Thế chú có biết gì về anh Oánh trước đây không?
– Dạ không. Vì hồi em học trung học Nguyễn Trãi, Hà Nội thì anh đã là giáo sư rồi. Em cũng không có cái biệt tài gì như cỡ nhà thơ Vương Đúc Lệ và Mai Trung Tĩnh thành danh khi còn ở tuổi học trò mà được làm quen với các bậc trưởng thượng.
Với nhạc sĩ Thẩm Oánh, em nhớ có kỷ niệm này: Thuở học trò, có lần em lên đài phát thanh, không biết có việc gì hay đi theo ai không biết, em nhìn thấy anh ngồi làm việc sau bàn giấy. Dáng người thanh cao, nghiêm nghị, mặc “com-lê”, hình như lúc nào cũng chú tâm vào công việc.
Trên bàn giấy của anh, em đọc thấy trên một tấm “plaque” có hai hàng chữ khắc trên bảng đồng nhỏ, ghi rằng:
“Thời giờ của quý vị là vàng
Thời giờ của chúng tôi là bạc”
Như ý muốn nói rằng, thời giờ quý lắm. Quý vị có nói năng, hỏi han gì thì xin làm ơn làm phúc nói cho vắn gọn, chứ đừng có cà kê dê ngỗng!
Em đọc xong, đâm ra hãi, không dám nhìn nữa.
Ra về, em nghĩ câu trên, chính ra ý muốn nói rằng: “Thời giờ của chúng tôi là vàng… ròng, thời giờ của quý vị là…bạc giả”. Em chưa có dịp nào để hỏi anh xem có đúng như thế không thì đã muộn mất rồi!
– Không sao đâu! Trước sau rồi cũng gặp mà!
Chúng tôi cùng cả cười.
Tôi tiếp:
– Thưa chị, trong bài viết “Thẩm Oánh: Những ngày cuối”, nhà văn Trần Long Hồ, sau khi biết bệnh nhân của mình là nhạc sĩ đáng kính đã lui tới thăm viếng nhiều lần. Trần Long Hồ có một số nhận xét …
– Chú nhắc lại cho tôi nghe nào…
– Dạ, đây:
“Tôi là người thích nghe nhạc bình thường, không phải là người biết về nhạc hay phê bình âm nhạc. Nhưng tôi có cảm tưởng rằng nhạc Thẩm Oánh rất “khó” nghe và “khó” hát. Người thưởng ngoạn khó lòng thích ngay một bài ca của ông ở lần nghe đầu tiên. Thoạt nghe qua một bài ca của Thẩm Oánh, người ta không thể vồ vập, rối rít tìm nghe tiếp cho được như khi nghe “Cô láng giềng” của Hoàng Quý, “Con thuyền không bến” của Đặng Thế Phong, “Bên cầu biên giới” của Phạm Duy hay sau này như “Diễm xưa”, “Biển nhớ” của Trịnh Công Sơn, và gần nhất như “Mười năm tình cũ” của Trần Quảng Nam hay “Khúc thụy du” thơ Du Tử Lê, nhạc Anh Bằng.
Khi nghe “Nhớ nhung”, “Xa cách muôn trùng”, “Hồ thu”, “Vương tơ”, “Tòa miếu cổ” của Thẩm Oánh, người ta có cảm xúc buồn man mác, bâng khuâng dịu vợi, nối tiếc bâng quơ, sao xuyến nhè nhẹ… như ta nghe một cơn gió nhẹ thoáng qua cửa sổ, lay lất tấm mành mành, như ta nghe tiếng mưa rơi tí tách ngoài hiên, hay âm sương rơi trên lá…
Cái cảm xúc êm ái mong manh ấy chỉ đủ sức lay lắt con tim người thưởng thức, nhè nhẹ chứ chưa đến mức nhồi nắn con tim để họ thổn thức bồi hồi…”
Cũng trong bài viết trên, nhà văn Trần Long Hồ có nhắc đến một kỷ niệm mà nhạc sĩ Thẩm Oánh đã kể cho nghe hồi sinh tiền. Đây là một giai thoại khá lý thú. Nhân vật trong chuyện ai ai cũng biết tiếng biết tên. Nhiều người còn biết mặt nữa. Và rất nhiều người mê nhân vật này. Như em đây chẳng hạn…
“…Ngoài phần việc của Bộ Thông Tin, ông còn làm hiệu trưởng Trường Ca Vũ Nhạc Phổ Thông. Vào năm 1955, ông có gặp một cô gái rất trẻ và đẹp, khoảng 16 tuổi, tên là Nguyễn thị Minh Phụng, xin vào để ghi tên học. Cô Minh Phụng không tha thiết học lắm và một hôm cô đến gặp ông và hỏi rằng, muốn học ngành gì mà được ra sân khấu ngay. Bộ môn mới mở mà đã có hơn 40 người ghi tên rồi. Ông Thẩm Oánh mới khuyên cô ghi tên học bộ môn kịch. Cô Minh Phụng không chịu ở yên một nơi nào và một lớp nào. Cô ghi tên học cả bi kịch và hài kịch. Lúc đó ông Hoàng Trọng Miên (đã mất vào khoảng 1973 hay 1974) là giám khảo tuyển sinh và cũng là giáo sư giảng dạy. Trường Ca Vũ Nhạc Phổ Thông này chỉ mở được từ năm 1955 cho đến năm 1958 thì đóng cửa.
Một hôm, cô Minh Phụng đã học và được cho ra trình diễn, cô đến gặp ông và xin mượn họ ông. Cô hỏi lấy họ Thẩm của ông và từ đó người ta biết cái tên Thẩm Thúy Hằng. Lúc đó cô được 18 tuổi”.
Thưa chị, thế chị có nghe anh nói đến chuyện này hay không ạ?
– Thưa chú, tôi cũng có lần nghe nhà tôi nhắc đến chuyện ấy, nhưng tôi thì tôi không nhớ rõ các chi tiết, chú ạ!
– Dạ, đây chính là nhà văn Trần Long Hồ đã xác nhận với em qua điện đàm, rằng hồi anh còn sống vẫn trò chuyện với nhau và chính anh đã kể lại cho nhà văn này nghe chuyện trên. Như vậy, có thể xác quyết được rằng chuyện trên là thực.
– Tôi nghĩ như vậy là đúng rồi. Nếu chú còn thắc mắc điều chi, xin gọi điện thoại về Việt Nam, hỏi thẳng cô Thẩm Thúy Hằng thì yên chí nhất!
– Thì em cũng xin ghi nhận nhưng chắc là không cần kiểm chứng nữa đâu, chị ạ! À, chị cho em hỏi câu này nhá! Hàng ngày, chị ăn uống tập luyện ra sao?
– Tôi già rồi nên ăn uống ít lắm. Hàng ngày tôi tập “Tai Chi”, đi bộ vài chục phút quanh nhà nên tương đối còn giữ được sức khỏe. Chứ không tập tành, kiêng khem, chắc đã đi từ lâu rồi.
– Qua câu chuyện, em rất vui khi thấy chị còn khỏe mạnh, minh mẫn như thế này. Đó là cái phúc trời cho đấy, chị ạ!
– Thế bên gia đình chú, các cụ có còn ai không?
– Cám ơn chị, em còn ông bố, năm nay mới có 95 tuổi, ở tỉnh Hải Dương ngoài Bắc. Ông cụ chỉ hơi bị lãng tai thôi chứ trí óc rất là minh mẫn.
– Làm sao chú biết?
– Dạ, như thế này. Ông cụ em, mỗi lần điện thoại cho trưởng nam đều căn dặn rằng:
Lâu lâu nhớ gửi tiền về
Gửi nhiều một tí, dễ bề tiêu pha
Giấy trăm quý nhất con à!
Nếu được giấy mới, thực là quý thay!
Với những lời dặn dò kỹ lưỡng, dễ hiểu và dễ nhớ như thế nên em tin là trí nhớ của bố em còn rất tốt, rất yêu đời và yêu quý nhất là giấy một trăm đô la. Các điều dặn dò trên, em đều gắng theo được. Duy có câu chót, bảo gửi giấy trăm đô la mới thì cái đó không thuộc thẩm quyền của em nên em đành bó giáo qui hàng!
Phu nhân Thẩm Oánh cũng chỉ còn biết lắc đầu cười:
– Thế là phúc đức lắm, chú còn được một ông bố để mà chăm nom…
– Em cám ơn chị!
***
Câu chuyện đến đây coi như sắp phải hạ màn và rút lui trong vòng trật tự…
Uống xong một tuần trà nữa, chúng tôi xin phép ra về để phu nhân còn có thời giờ nghỉ ngơi, làm một giấc “la siết”.
Phu nhân dịu dàng nhắn nhủ:
– Khi nào rảnh, các chú cứ lại chơi. Chị ở nhà chứ không đi đâu cả. Già rồi, ngại đi lắm…
Chúng tôi dạ dạ vâng vâng rồi ca khúc tạ từ!
Ngoài trời, nắng thu đã lên đến gần đỉnh đầu. Ánh nắng vàng tươi mát rượi.
Mùa thu trên vùng đất tình nhân này quả thực tuyệt vời.
Nhạc sĩ Nguyễn Túc hình như cũng mong sớm về nhà ngả lưng vì thầy ngồi trong xe hơi, ngáp sái cả quai hàm, mắt lim dim trong tư thế chuẩn bị chìm vào cơn mộng đẹp!
Trên đường về nhớ đầy, trong tôi chợt vang lên một khúc nhạc buồn diệu vợi, đầy những dấu hỏi mà tuyệt nhiên không có lấy được một câu trả lời:
“- Ai nhớ ai chăng là?
– Nào ai, ai nhớ hình ai?
– Hỏi ai nhớ ai chăng là?
– Nào ai, ai nhớ thương ai?”…

Tiếng Khóc Trong Phòng The – Ca sĩ Thanh Thúy
Nhà Việt Nam – Hợp ca
Thiếu Phụ Nam Xương – Ca sĩ Mai Hương
Vương Tơ – Danh ca Thái Thanh
Giấc Hoàng Lương – Ca sĩ Anh Ngọc
Xuân Về – Ca sĩ Hoàng Oanh:

Thích Ca Mâu Ni Phật – Unknown artist:
Các ca khúc của NS Thẩm Oánh:
Nhạc sĩ Thẩm Oánh – Giáo sư Kim Oanh 
 nhóm Văn Nghệ Nhà Nam (Noel 1992)
Theo http://dotchuoinon.com/






1 nhận xét:

  Thơ có cần thiết cho đời sống? 10 Tháng Ba, 2023 Trong kỷ nguyên nghe nhìn, thơ đang có khoảng cách với đời sống. Độc giả thèm khát nh...