Thứ Năm, 24 tháng 9, 2015

Ru anh - Khúc ru thấm đẫm tình người

Ru anh - Khúc ru thấm đẫm tình người
Ru anh
Đất trời mênh mông như thế
Biết tìm anh ở chốn nào

Lên núi hay là xuống bể

Nhớ nhung... Em biết làm sao?

Gửi nhớ theo làn gió nhẹ
Vuốt ve mái tóc phong sương

Gửi nhớ vào thơ thỏ thẻ

Ru anh say giấc đêm trường

À ơi... ngủ ngoan anh nhé
Ngựa hay cũng mỏi chân rồi

Buông đi cho lòng thanh thản

Tự mình thương lấy mình thôi

Ngày mai... mặt trời lại mọc
Ngày mai... biển động sóng dồi

Có ta, không ta vẫn vậy

An nhiên, muôn sự cả cười!

À ơi... ngủ ngoan anh nhé
Hóa thân em - ánh trăng vàng

Tóc trăng xòa trên gối mộng

Cho nhau… còn chút dịu dàng

Xoa dịu nỗi đau nhân thế
Lắng mình, tìm lại niềm vui

Trong veo cái nhìn con trẻ

Nụ hiền lại nở trên môi

Ngủ ngoan…ngủ ngoan anh ơi…
Chử Thu Hằng. Trại viết Tam Đảo 22/5/2015
Lời bình của Nhà thơ Bùi Hải Đăng, Hội VHNT Hải Dương
Ru anh - Khúc ru thấm đẫm tình người
Có lẽ phải ở độ tuổi lên bà Chử Thu Hằng mới viết được bài thơ sâu sắc và trải đời đến thế! Không khó để nhận ra tầng nghĩa ẩn trong bài thơ “Ru Anh” của chị đã được thăng hoa trong cảm xúc và triết lý nhân sinh cao đẹp, vượt không gian và thời gian... Đó là khúc ru dành cho những người đàn ông giỏi giang, thành đạt khi đã đi sang phía bên kia con dốc cuộc đời. Vì thế, Anh và Em ở đây không chỉ những con người cụ thể, trong tình yêu trai gái thông thường.
Với thể thơ sáu chữ, ngòi bút tài hoa của chị nhẹ nhàng dẫn dắt bạn đọc, như một lời tâm sự, như một lời giãi bày của người em, người vợ, người chị, người mẹ từng trải, mẫn tiệp và bao dung… “Đất trời mênh mông như thế/ Biết tìm anh ở chốn nào…”. Trong cõi vô cùng bao la ấy, người đàn ông đã lao vào vòng xoáy của quyền lực, bon chen, đã dọc ngang trời đất, lên thác xuống ghềnh, đã phiêu lưu, đã thành công và thất bại. Đời người ngắn ngủi, rồi cũng đến một ngày người đàn ông ấy phải rời quyền lực, phải trở về cuộc sống thường dân. Còn bao điều dang dở, còn bao khát vọng chưa thành… khiến người đàn ông hụt hẫng, không thể ngủ ngon. Khi đó, cần biết bao sự khích lệ, yêu thương của những người thân, trong đó có người mẹ sinh thành, người con gái yêu anh tha thiết, cả đời dõi bước theo anh, và bây giờ vẫn lo âu, trìu mến nâng giấc cho anh.
Gửi nhớ theo làn gió nhẹ
Vuốt ve mái tóc phong sương
Gửi nhớ vào thơ thỏ thẻ
Ru anh say giấc đêm trường
Ham muốn của con người là vô hạn, nhưng đời người là hữu hạn. Vì vậy, con người cần chừng mực và biết chỗ dừng của mình. Có câu: “Biết đủ thì không nguy. Biết dừng thì không bị nhục”. Dẫu tài giỏi mấy, cũng đến một ngày, người đàn ông sẽ mỏi gối chồn chân, phải nhường lại đường đua cho lớp trẻ.
À ơi... ngủ ngoan anh nhé
Ngựa hay cũng mỏi chân rồi
Buông đi cho lòng thanh thản
Tự mình thương lấy mình thôi!
Giáo lý Phật dạy: Buông mọi ham muốn, mọi trói buộc thì sẽ hết phiền não, hết khổ đau. Mỗi chúng ta, bữa chỉ ăn được một bát cơm, mặc được một bộ quần áo, tiền nhiều khi chết cũng chẳng mang đi được… Vậy tại sao cứ phải toan tính, mưu mô, phải ra sức kiếm tiền bằng mọi cách, phải dẫm đạp người khác để tiến lên? Mọi việc ta làm, có thể không ai biết nhưng Trời biết, Đất biết và tự mình biết. Để lương tâm thanh thản, không ai có thể giúp mình. Tự mình thương lấy mình thôi, tự mình hãy “buông” đi. THAM, SÂN, SI, HỈ, NỘ, ÁI, Ố… một đời người chưa đủ hay sao?
Kiệm lời, sâu sắc và giản dị, không đại ngôn, thơ chị vẫn truyền tải được một cách hình tượng cái triết lý muôn đời mối tương quan giữa con người và vũ trụ. Dù có ta hay không thì mặt trời vẫn mọc, chim vẫn hót và nắng vẫn vàng. Thế giới vẫn cồn cào biến động bởi chiến tranh, lạm phát, thất nghiệp, nạn đói…Nếu nhận thức được đó là qui luật vận động của cuộc sống, như “hết mưa thì nắng hửng lên thôi”, nếu biết rằng bàn tay không che nổi mặt trời, con người sẽ đạt mức an nhiên, tự tại.
Ngày mai...mặt trời lại mọc
Ngày mai...biển động sóng dồi
Có ta, không ta vẫn vậy
An nhiên, muôn sự cả cười!

"Buông" được những gì cả đời ham muốn, đeo đuổi, người đàn ông mới có thể tịnh tâm tìm về bản ngã con người. Nhân tính và nữ tính, lời ru ngọt ngào, gợi lại những vẻ đẹp của cuộc sống và tình yêu, của trăng và của mộng…
À ơi... ngủ ngoan anh nhé
Hóa thân em - ánh trăng vàng
Tóc trăng xòa trên gối mộng
Cho nhau…còn chút dịu dàng
Trong đời, ai cũng có một Nàng Thơ của mình. Ở đây, Nàng Thơ, Trăng và Mộng đã hòa làm một, với sự nhân hậu và bao dung, đón nhận người đàn ông đã mỏi gối chồn chân trên đường đời, chữa lành những vết thương trong tâm hồn, để anh lại cảm thụ được vẻ đẹp của cuộc sống, trong sự thăng hoa của tình yêu thương đồng loại và muôn loài vạn vật mênh mông.
Xoa dịu nỗi đau nhân thế
Lắng mình, tìm lại niềm vui
Trong veo cái nhìn con trẻ
Nụ hiền lại nở trên môi.
Một lần nữa, với khổ thơ này, tác giả nhắc nhớ những người đàn ông: Không chỉ “Tự mình thương lấy mình thôi”, mà còn phải tự “lắng mình” lại, kiên quyết bứt khỏi những bon chen danh lợi, tự tìm lại niềm vui cho mình trong thơ, trong nhạc, trong tình cảm gia đình, bạn bè… Quá trình thanh tẩy tâm hồn đến “trong veo” như một đứa trẻ ấy, chẳng ai có thể giúp mình.
Tác giả đã sử dụng đắc địa thể thơ 6 chữ, nhịp 2/2 chậm rãi có thể ví như bước chân nhẹ nhàng, như ánh trăng non lai láng. Cũng có khi chị đổi nhịp 3/3 để tạo độ nhấn cho câu thơ, mang âm hưởng riêng, tha thiết và bay bổng hơn.
Hóa thân em - ánh trăng vàng!
Và câu kết của bài thơ được lặp lại như một điệp khúc, như lời ru vĩnh hằng của gió trời và sóng biển.
Ngủ ngoan…Ngủ ngoan anh ơi…
Liệu có ngủ được không, hỡi những người đàn ông còn đang trăn trở trong vòng danh lợi? Tôi e rằng khúc “Ru Anh” ngọt ngào của Chử Thu Hằng lại đánh thức các anh, khiến các anh giật mình, chợt nhận ra cái điều cốt lõi trong cuộc đời một con người là được sống an lành, với tâm hồn thanh thản, với những niềm vui bình dị…
Cảm nhận từ: ngominhvuong [Blogger] 
Tôi đồng cảm với những gì bạn đã nói, cũng như những gì Bùi hải Đăng đã viết. Nhưng lẽ thường ở đời những lời ru thường chỉ giành cho trẻ thơ-ầu ơ khi bé còn thơ. Ở đây không phải vậy bài thơ của Thu Hằng lại giành cho đối tượng là anh-với cái vị thế đáng kính và thứ bậc bề trên. Tất nhiên đây là tâm sự theo kiểu của bạn nói với bạn mượn tứ thơ thông qua kiểu thơ ru để dãi bầy tâm sự. Tất nhiên bài thơ hay trong nó có lời tâm sự của người em gái, hay người tình đối với người người mình yêu quí vv..
Trong cuộc đời những người ít tham sân si thì tự thân người ta đã biết tiết chế, kìm hãm dục vọng của mình. Còn những kẻ ôm dục vọng quá lớn quá tham sân si thì lòng tham sẽ như biển sâu không biết bao nhiêu tới đáy. nhưng thôi bàn luận về cái bản ngã muôn đời muôn kiếp của con người e chẳng thể đủ thời gian, cũng chẳng thể đi đến bến bờ nào.
Chỉ có điều mỗi con người theo qui luật nghiệt ngã của tự nhiên:-sinh- bệnh-lão-tử. Thì dù có tham bao nhiêu rồi lúc phải buông sẽ tự buông. Cát bụi lại trở về với cát bụi thôi. nhưng ở đây điều đáng nói xét về luật nhân quả-thì kẻ làm điều ác tự mình gieo quả ác và sẽ nhận lại cái nhân của việc mình đã tự làm, chứ không thể đổ cho tại người này hay người kia. Nếu không tham ai lấy của ai. Nếu không ác sao cầm dao, cầm súng giết người khác. Nếu không muốn ai xui được mình làm. Có nghĩa tất cả những việc làm của một ai đó đều tự thân mình thôi. Có những người làm vì mục đích tranh quyền đoạt vị,hay tiền bạc. Nhưng cũng có người đơn thuần làm chỉ vì búc xúc với những cái ngang tai trái mắt của cuộc đời. Kiểu như Lục Vân Tiên vv..
Vậy ở đời mỗi người mỗi vẻ không ai giống ai. Những người bản tính lương thiện, học hành thấu đáo lẽ hay, lẽ phải, thường ít bị tác động bởi người khác,hay nói cách khác ít làm những điều gian ác. Chỉ những kẻ miệng nam mô bụng một bồ dao găm thì trước sau cũng lộ diện bản chất và thường làm những điều trái đạo lý, thường bị tham sân si làm mờ mắt. Vì bản chất của hành động đã không đúng luôn thủ ác thì trước sau sẽ bị người này hay người kia vạch rõ chân tướng.
Đây âu có lẽ trời xui đất khiến thông qua miệng người này hay người kia của nhân gian để ông trời thực hiện lẽ công bằng của đạo lý.
có đôi lời trao đổi cùng Chử thu Hằng nhân đọc thơ của bạn vì bạn đã đặt ra một vấn đề rất nhạy cảm đối với mọi người.
 Theo http://chuthuhang.net/

1 nhận xét:

  Thơ có cần thiết cho đời sống? 10 Tháng Ba, 2023 Trong kỷ nguyên nghe nhìn, thơ đang có khoảng cách với đời sống. Độc giả thèm khát nh...