Thứ Ba, 29 tháng 9, 2015

Bốn gương mặt nữ trong vườn thơ miền núi Ẩn sông Trà

Bốn gương mặt nữ trong vườn thơ miền núi Ẩn sông Trà
Theo dòng chảy thi ca miền núi Ấn sông Trà, riêng trong lĩn vực sáng tác, chúng ta nhận thấy số lượng những cây bút nữ làm thơ, còn ít là số nhỏ, chỉ chiếm một tỉ lệ khiêm tốn so với tác giả nam giới. Tuy vậy, qua từng thời kỳ vẫn có những nữ tác giả có tác phẩm để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người yêu thơ. Đó là: Trần Thị Triều Dương, Trần Thị Cổ Tích, Khôi Nguyên và Bùi Thị Thương.
1.
Trần Thị Kỳ sinh năm 1952 tại thị trấn Sông Vệ, với bút danh Trần Thị Triều Dương. Từ những năm 70 của thế kỷ 20, Trần Thị Triều Dương đã sớm tham gia thi Văn đoàn Âu Cơ Quảng Ngãi.
Thơ Trần Thị Triều Dương phần nhiều là những bài thơ buồn - rất buồn. Trong thơ, Trần Thị Triều Dương viết về thân phận tuổi trẻ, tình yêu, quê hương một thời chiến tranh ly tán với những câu chữ mang đậm nỗi buồn bi lụy trước cuộc sống mong manh:
"Tình nồng thấp thoáng nỗi say
Con sông nước đỏ heo may buồn buồn
Lắng nghe từng giọt tình buông
Dựng xây bia nhớ lên nguồn làm thơ
Một đời ta - nỗi ơ thờ
Mai về rũ tóc phố chờ chiêm bao
Vói lên cao đếm trăng sao
Ngôn từ chứng tích hư hao hình hài".
(Chia xa)
Trong bài thơ "Từng nấc thang cuộc đời", người đọc bắt gặp tâm sự của một người con gái yêu đời, si tình, thốt lên những lời chia xa:
"Từ heo may cánh chim bay
Vó hồng ngàn dặm nỗi ngày xanh xao
Vùng hoang bão cát lao đao
Chim trời gãy cánh, qua mau một đời
Đưa chân đi không một lời
Có con sóng dữ tiễn đời nhau đi
Lời ân tình đó thầm thì
Thời thôi ba tấc còn ghi ngàn đời
Cát vàng tình cũng ra khơi
Châu thân úa mục rã rời tích xưa
Nỗi âm u giọt hương thừa
Còn miền đất cũ sớm trưa võ vàng
Này thinh không gửi cho chàng
Nỗi ngày mệt mỏi, hai hàng lệ khô
Đắn đo tình cũ hư vô
Một lời đưa, một lời chào, vẫy tay
Ừ thôi một kiếp heo may
Người về người cũng theo ngày thênh thang
Xác thân rữa mục bàng hoàng
Từ trong nấm đất võ vàng tình si".
Bài thơ như một điềm báo đã vận vào số mệnh cuộc đời Trần Thị Triều Dương. Ngày 25 tháng 5 năm 1979, khi tuổi đời vừa tròn 19, Trần Thị Triều Dương bị bệnh qua đời tại quê nhà Sông Vệ. Sau khi qua đời, Trần Thị Triều Dương chỉ còn để lại những bài thơ trong các tập thơ in chung: "Vết mực tím", "Xuân quê hương" của Thi văn đoàn Âu Cơ. 
2.
Trần Thị Trầm - cô gái gốc Huế được sinh ra năm 1955 tại sông vệ. Trần Thị Trầm làm thơ từ những năm theo học trường nữ trung học Quảng Ngãi với bút danh Trần Thị Cổ Tích.
Thơ Trần Thị Cổ Tích nhẹ nhàng, dễ thương như màu áo trắng tinh khôi. Trần Thị Cổ Tích viết nhiều về tình yêu thời tuổi ngọc đầy ắp yêu thương:
"Nhưng có một ngày
Nơi quán cà phê ven hồ
Em nhặt được trái tim anh
Trăn trở trên tay em 
Trái tim đầy vết chém
Sao vẫn nồng ấm tươi xanh
Vẫn rộn ràng nhịp đập
Vẫn phập phồng lời yêu thương sóng dội".
(Trích "Ngày của một đời")
Những người yêu thơ còn bắt gặp lại tâm sự của chính mình khi đọc bài thơ "Theo nắng hạ ta về" của Trần Thị Cổ Tích:
"Tôi đã ra đi từ ngôi trường con gái
Chân bước ngập ngừng
Và mắt ướt rưng rưng
Tháng năm chập chùng bao vui buồn được mất
Sáng mãi trong hồn một sắc trắng tinh khôi
Mưa nắng cuộc đời vây phủ quanh tôi
Có ánh mắt thầy cô
Có giọng nói bạn bè
Yêu thương an ủi 
Bóng hoàng hôn
Trôi qua mái đầu chớm bạc
Lá phượng cành bàng
Xanh nỗi nhớ mênh mang 
Nắng hạ chiều nay đưa người
Về chốn cũ
Chân bước rộn ràng sao mắt lại rưng rưng
Ngày hội ngộ vang tiếng cười thơ trẻ
Thầy cô ơi!
Bạn bè ơi!
Kỷ niệm đón ta về! 
Mái trường xưa
Giờ không còn... tên nữa!
Mà âm vang vẫn lắng đọng vô cùng
Vẫn ấm áp từng ngày như mặt trời kia ấm áp
Tà áo lụa năm xưa
Vẫn trắng đến nao lòng..."
(Năm 2009)
3.
Nguyễn Thị Khôi - cô giáo dạy tiểu học ở Hành Tín, Nghĩa Hành, trong những năm gần đây thường có thơ xuất hiện trên các tạp chí văn học trong nước với bút danh Khôi Nguyên.
Bình dị, chân thực là nét đặc trưng của thơ Khôi Nguyên. Cuộc sống và ước mơ của những người nông dân "một nắng hai sương" trên mảnh đất cằn được Khôi Nguyên đưa vào thơ đầy cảm xúc:
"Đường cày cha kéo
Thấm giọt mồ hôi gieo
Cha gói cuộc đời nghèo
Bó cả vào trong đất 
Giọt mắt thì thầm với đất
Mong con tươi sáng ngày mai
Bới lật từng lớp đất
Tim phù sa mỡ màu
Tìm bao niềm hi vọng
Vùi chôn cực nhọc đời cha".
(Lối cày)
Cuộc sống không ngừng chuyển động, xung quanh ta biết bao điều đổi thay theo dòng chảy thời gian. Có những lúc bất chợt, chúng ta thương về chân trời cũ, tìm về lối xưa. Có những bài thơ Khôi Nguyên đã đánh thức ký ức chúng ta, thương nhớ về dòng sông Vệ quê nhà với nỗi niềm hoài cảm:
"Sông Vệ ơi!
Tôi men theo con sông tìm lại những cọng khói thuốc ướt nhè cơn mưa bụi
Những cánh buồm ngày ấy về đâu
Dòng sông chong nồm đứng đợi?
Dĩ vãng chạm vào tôi
Âm âm điệu hò cong bờ nắng hạ
Nhánh trăng lơ lửng Đèo Bà
Buông lơi cánh vạc
Giật mình chạnh khúc sông thưa
Bụi mưa bay
Tìm dấu xưa
Tìm mái chèo khua
Tiếng cười ai bỏ quên bến bãi, hay giấu vào ống tre bờ xe nước?
Chảy dài những giấc mơ xa
Sợi khói thuốc tắm mưa, vắt vẻo ngọn nồm
Thuyền ai sẽ sàng, buông lời da diết
Chờ tôi gửi câu hò:
- Hò lỡ... hò lơ...
(Mắc nợ dòng sông) 
4.
Khi nhận định về phong trào thơ Quảng Ngãi hôm nay, Tiến sĩ Mai Bá Ấn từng có ý kiến: "Thơ Bùi Thị Thương là biểu hiện của một bút pháp mới mẻ, trẻ trung, đa chiều nhưng cũng thắm đằm triết lý...".
Bùi Thị Thương sinh năm 1992, quê ở Tịnh Kỳ - Sơn Tịnh. Bùi Thị Thương viết nhiều thể loại: Tản văn, tùy bút, thơ, truyện ngắn. Nhưng thơ mới thực sự tạo nên tên tuổi của Bùi Thị Thương. Thơ Bùi Thị Thương có nhiều nét mới so với những cây bút cùng thời và cả những người đi trước trong bút pháp và thể hiện nội dung tư tưởng. Những câu thơ Bùi Thị Thương viết về mẹ với những nét chân thực trong cuộc sống cơ cực đã tạo ra độ rung lớn trong lòng người đọc:
"Mẹ về bên phố cuối ngày
Nhặt những mảng nắng rơi bên thềm trống vắng
Đọng lại nơi góc phố vắng teo
Nơi cô hàng rong ngồi
Trời se lạnh phố cuộn mình trong trăn trở
Những con đường vắng
Thở đều nhịp mùa trôi
Ba tôi không về
Mẹ về gom nhặt tuổi thơ tôi
Nơi con sông xưa tôi tắm tuổi thơ lần sau cuối
Nơi mái tranh nghèo hẩm hiu bữa cơm mỗi tối
Nơi gói xôi chiều thay cơm, buổi ế hàng..."
(Trích bài thơ "Mẹ tôi dọn nắng")
Hiện thực cuộc sống đã được Bùi Thị Thương đưa vào thơ một cách tinh tế và đầy chất thơ. Giữa thực và mộng, sự trần trụi, cơ khổ của cuộc sống hàng ngày và những giấc mơ, những hoài vọng luôn luôn hiển hiện trong mỗi chúng ta:
"Nắng rát mùa tôi
Nắng rát hồn tôi
Tí tách hạt mưa trốn tìm trên mí mắt
Lăn
Lăn...
Mùa trốn tìm nhau - hòn đá cũng mòn
Những bài ca còn son chưa một lần được căng tròn
nốt nhạc
Những giấc mơ còn non chưa một lần tỉnh ngủ
mà còn
Tôi ru em ngủ - ngủ thôi em
Ngủ giữa những muộn phiền bão giông chưa kịp
trở mình vun vút
Ngủ thôi em khi giấc chiêm bao chưa được lấp đầy
bởi những mộng mị ảo huyền
Giấc mơ nghiêng nghiêng - em tôi nghiêng nghiêng
Cánh diều nghiêng -
nghiêng giấc chiêm bao
Nắng chiều rớt giọt chênh chao

Mùa vội tàn phai giữa cuộc đời còn bao nhung nhớ?
Còn gì nữa chăng khi sắc nắng nghiêng làm bạc đầu
Những bông bằng lăng đã nhiều lần trổ quả...
Còn gì nữa chăng khi em tôi đã qua bao mùa trăng
mà trăng chưa kịp chín chỉ một lần
Còn gì nữa chăng khi đôi môi em mấp máy
những nỗi niềm thầm lặng không thốt nổi thành tên
Đời còn nhiều những cuộc chia ly
chưa biết bao giờ tái ngộ, khóc làm chi em tôi?
Đời vẫn còn lắm những thị phi
mà giấc mơ mới mang màu cổ tích
Còn chi đâu em khi tuổi lên ba chỉ đến có một lần
Ước mơ đi em vì ước mơ là điều là đời người phung phí
Khát khao đi em vì khát khao là thứ duy nhất
em làm được cho mình...
Còn gì nữa chăng mùa nằm đợi quả - quả chẳng đơm bông
Giữa những nhọc nhằn bão giông
là những bàn tay nắm chặt
Tình người bất chợt lên men...
Tôi ru em tôi ngủ
Trăng nghiêng giữa trời!
(Giấc mơ nghiêng) 
Trần Thị Triều Dương, Trần Thị Cổ Tích, Khôi Nguyên và Bùi Thị Thương, mỗi người mỗi cung bậc đã góp phần làm cho vườn thơ miền núi Ấn sông Trà thêm nhiều hương sắc.
Với những trải nghiệm, gắn bó với cuộc sống, yêu thơ hết mình, chúng tôi tin rằng, trong tương lai: Trần Thị Cổ Tích, Khôi Nguyên và Bùi Thị Thương sẽ gặt được những mùa vui trên cánh đồng thi ca.
Phố biển La Gi mùa Trung Thu 2015
 Lê Ngọc Trác
Theo http://www.dutule.com/

1 nhận xét:

  Thơ có cần thiết cho đời sống? 10 Tháng Ba, 2023 Trong kỷ nguyên nghe nhìn, thơ đang có khoảng cách với đời sống. Độc giả thèm khát nh...