Thứ Ba, 22 tháng 9, 2015

Vẻ đẹp núi Ngọc Nữ qua thơ Lê Thánh Tông

Vẻ đẹp núi Ngọc Nữ qua thơ Lê Thánh Tông
Núi Ngọc Nữ nằm ở phía tây nam thành phố Thanh Hóa, trong quần thể núi Kỳ Lân- Ngọc Nữ - Chùa Đại Bi. Đây là cảnh đẹp nổi tiếng từ lâu của xứ Thanh. Lê Thánh Tông, vị vua anh minh bậc nhất của triều đại phong kiến Việt Nam, chuộng Nho giáo, giỏi thơ văn, yêu thích phong cảnh đẹp, đặc biệt là nơi sơn thủy hữu tình đã nhiều lần qua đây làm thơ, ngâm vịnh…
Trong “Hồng Đức quốc âm thi tập” có 5 bài vịnh về núi thì trong đó có đến 2 bài thơ vịnh về núi Ngọc Nữ. Bài thứ nhất có tên Núi goá:
Toà đá ai đem đặt giữa đồng
Dáng hình Ngọc nữ lựa người trông
Phau phau da đá pha màu phấn
Phơi phới mưa xuân phủi bụi hồng
Ngày ngắm gương ô đáy nước
Đêm cài lược thỏ trên không
Xuân thu ướm hỏi bao chăng tá
Chành chạnh bền gan chẳng lấy chồng
   Bài thơ theo luật thơ Đường biến thể với kết cấu: Đề, thực, luận, kết quen thuộc, thể thất ngôn bát cú, luật trắc vần bằng chặt chẽ. Hai câu đầu tả tổng thể, phác hoạ cho người đọc sự hình dung khái quát về vẻ đẹp của núi Ngọc nữ nhưng ở từng câu đã thể hiện những cung bậc của cảm xúc.
       Câu phá đề: "Toà đá ai đem đặt giữa đồng ", giới thiệu trực khởi về núi Ngọc nữ, là sự trầm trồ ngưỡng mộ: "Toà". Câu thừa đề nâng cao lên dẫn người đọc liên tưởng tới dáng hình và vẻ đẹp mỹ miều của Ngọc nữ. Trong Truyện Kiều, để thể hiện lúc Kiều đẹp nhất, Nguyễn Du cũng đã sử dụng chữ "toà" này: Toà thiên nhiên! 
   Câu hỏi tu từ thể hiện sự ngỡ ngàng trước cảnh thiên nhiên mà như có bàn tay con người xây đắp tạo dựng một cách có nghệ thuật. Câu thơ được thể hiện theo luật trắc vần bằng hợp lý: đá, đặt, giữa. Câu thừa đề, nâng cao lên một bước, dẫn người đọc liên tưởng tới dáng hình và vẻ đẹp mỹ miều của Ngọc nữ. Là sự tiếp nối cái ngỡ ngàng:"Dáng hình Ngọc nữ lựa người trông". Ở câu này, Lê Thánh Tông đã thổi hồn cho đá. Từ ‘lựa’ là từ cổ, thuộc về động từ, nghĩa là ‘tựa’. Ngọc nữ như là một cô gái đang tựa người, đứng ngắm cảnh non nước hay là ai đi qua cũng phải dừng chân ngắm nhìn Ngọc nữ? Bút pháp nghệ thuật ‘ý tại ngôn ngoại’, chỉ một câu nhưng cho ta cách hiểu khác không kém phần biểu cảm. Nếu như câu đề là những nét khái quát tổng thể về dáng núi hình Ngọc nữ với những cảm xúc ngỡ ngàng trầm trồ thì sang câu thực là sự thăng hoa của cảm hứng nghệ thuật. Tác giả tả chi tiết vẻ đẹp của Ngọc nữ qua các cặp từ láy và đối nhau về từ loại, về ý và về chữ kết hợp với nghệ thuật đảo trật tự chữ trong câu hiệu quả: 
      Phau phau da đá pha màu phấn
      Phơi phới mưa xuân phủi bụi hồng
  Từ "phau phau" ở đây ý muốn nói đến màu trắng nhưng không phải là trắng muốt, trắng tinh hay trắng bạch mà là màu trắng phau của da thịt. Màu trắng này mang vẻ bàng bạc của thời gian hay thời gian đã đánh phấn điểm tô cho Ngọc nữ? Từ "phơi phới" đầu câu sau đối lại từng ý, từng từ trong câu cũng đối lại một cách tài tình giữa tĩnh và động; giữa hiện thực và lãng mạn: hiện thực và tĩnh là phau phau và lãng mạn và động là phơi phới…Con người đứng giữa đồng nhuốm màu thời gian, dáng Ngọc nữ như muốn bay lên với hương sắc mùa xuân. "Bụi hồng" là từ cổ mà ta cũng đã từng gặp sau này trong Truyện Kiều của Nguyễn Du: "Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia"; hay: "Hồng trần bụi cuốn chinh an" (Chinh phụ ngâm- Đoàn Thị Điểm). 
         Ngày ngắm gương ô đáy nước 
         Đêm cài lược thỏ trên không
  Nghệ thuật đối ở cả hai cặp “thực” và “luận” đều rất nhuần nhuyễn. Câu thứ năm, sáu là hai câu luận biến thể chỉ còn sáu chữ mỗi câu, bình về núi Ngọc nữ, bình về nàng tiên nữ của núi đá, vần đối nhau trên trắc dưới bằng, trên bằng dưới trắc. Cách đối nhau về ý, vừa có chất thơ vừa có chất họa như vậy, tác giả phải có sự phối hợp nghệ thuật hài hòa lắm mới có thể có được sự miêu tả tinh tế dường ấy. Nàng Ngọc nữ được thiên nhiên ban phát những đặc ân mà người thường không thể có, tạo nên một vẻ tinh khôi cao quý, thần tiên. Trong văn thơ cổ, người ta quan niệm rằng: Trên mặt trời có con quạ đen (gọi mặt trời là vầng kim ô); trong mặt trăng có con thỏ ngọc (gọi mặt trăng là ngọc thỏ: "Hỏi con ngọc thỏ bao nhiêu tuổi"- Hồ Xuân Hương). Nàng Ngọc nữ hàng ngày ngắm vầng kim ô, soi ngắm mình nơi đáy nước và khi màn đêm bao phủ, giữa đồng không, một toà đá cũng đủ cao chạm trăng để rồi cái vầng trăng non chưa tròn đầy ấy như một cái lược cài trên tóc Ngọc nữ ? Hai câu luận đã thổi hồn cho núi, làm cho hình ảnh nàng tiên Ngọc nữ sống động. Nhìn chung, bốn câu giữa bài đều là những câu tả, thế nhưng ở hai câu trên là những đặc ân mà nàng Ngọc nữ được "ban", còn hai câu tiếp theo là nét yểu điệu mà Ngọc nữ thể hiện: Ngày ngắm soi, đêm cài lược. Nếu hai câu đầu là câu hỏi tu từ thì câu kết là câu hỏi để khẳng định:
     Xuân thu ướm hỏi bao chăng tá
     Chành chạnh bền gan chẳng lấy chồng?
  Lê Thánh Tông đã mượn ý thơ của Nguyễn Trãi khi hỏi cô hàng chiếu "xuân thu phỏng độ bao nhiêu tuổi" để hỏi nàng Ngọc nữ: Nàng đã đứng đây bao nhiêu năm tháng, bao nhiêu thế kỷ, bao nhiêu tuổi mà vẫn trinh tiết bền gan chẳng lấy chồng, mãi mãi vẫn là một cô trinh nữ 
   Bài thơ khép lại nhưng âm hưởng vẫn còn lắng đọng trong lòng người đọc những cảm xúc trong trẻo, tinh khôi, thần tiên mà tài thơ xuất chúng của vua Lê Thánh Tông mang tới. Bài thơ Núi goá (vịnh về núi Ngọc nữ) có bản dịch gọi là Quả sơn nhưng câu cuối bài thơ "Chành chạnh bền gan chẳng lấy chồng" cho phép chúng ta hiểu theo nghĩa thứ hai (Quả sơn) tức là đứng riêng một mình, cô đơn lẻ loi.
 Đi hết con đường cong này, 
men theo rìa núi là tới núi Ngọc Nữ
 Bài và ảnh Đặng Phương Mai 
                                                        

1 nhận xét:

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...