(Đọc tập thơ “Đi qua cánh
rừng” của Hạ Nguyên nxb Thuận Hóa - 5/2009)
Đọc tập thơ “Đi qua cánh rừng” của
Hạ Nguyên (Hồ Đăng Thanh Ngọc) tôi chợt nhớ đến tác phẩm Lâm Đạo (Đường đi
trong rừng) của Bùi Giáng, theo ý của Bùi tiên sinh thì trong rừng không có sẵn
một con đường nào cả, mà nhiệm vụ của một người nghệ sỹ phải khai phá cho
mình một lối đi. Khi chúng ta lạc lối giữa đại ngàn thăm thẳm, chúng ta phải
tự tìm một con đường, cho dù không biết nó sẽ dẫn dắt chúng ta về đâu? Đức Phật
đã từng nói, mỗi người phải tự thắp đuốc mà đi. Trong thế giới thi ca cũng vậy,
mỗi thi sĩ phải chọn con đường cho chính mình, hay nói cách khác mỗi nhà thơ
phải sống trong thế giới xúc cảm của riêng mình, rồi sử dụng vốn ngôn từ và
tài năng diễn đạt để chia sẽ cảm xúc với người đọc. Có lẽ trong mỗi con người
đều có một cánh rừng mà trước sau gì chúng ta phải vượt qua, cánh rừng ở đây
phải chăng là những ưu tư, trăn trở, những cám dỗ, sợ hãi trước cuộc sống...
Và tất cả những cánh rừng trong mỗi con người hình thành nên một đại ngàn
thăm thẳm của xã hội. Chúng ta hãy nhìn Hạ Nguyên đi qua cánh rừng của chính
anh:
Tôi đi qua cánh rừng bằng
bước chân trẻ con
Và nỗi ám ảnh cổ tích cô
bé quàng khăn đỏ
Đúng vậy, tất cả chúng ta
thật nhỏ bé khi đối diện với núi rừng và chỉ có những tâm hồn thơ trẻ mới bước
qua được, cũng như muốn đến với đấng toàn năng, không cách nào hơn là chúng
ta đồng hóa với chính Người, mà cách đồng hóa nhanh nhất là trở thành con của
Người.
Dù không có chiếc khăn
quàng đỏ nào và chỉ với chiếc áo rách mỏng manh và đôi giầy bẩn thỉu nhưng cậu
bé đã vâng lời mẹ dặn để đem cháo đến cho bà, cho dù cậu bé rất thích những
trò chơi của trẻ thơ.
Tôi đã không rong chơi với
cỏ cây - dẫu tôi thích thế
Tôi đã không hái hoa vờn
bướm - dẫu tôi thích thế
Và cũng đã không nằm dưới
bóng cây lắng nghe tiếng chim -
dẫu tôi thích thế
Mặc dù cậu bé đã đi như chạy
để kịp đưa cháo cho bà, nhưng sức mạnh của định mệnh cũng chính là quán tính
của xã hội đã xô đẩy cậu bé đến với lũ sói và tâm hồn của tuổi thơ đã bị xã hội
quy định, ở đây chính là sản phẩm của nền một giáo dục phi nhân kết hợp cùng
sự bùng nổ của hệ thống thông tin và bản năng tham lam của con người đã tạo
ra những kết quả đó, để rồi những đứa trẻ không còn là trẻ thơ ngoan hiền mà
Hạ Nguyên đã phần nào cảm nghiệm trong bài “Đi qua cánh rừng”:
Tôi bị xé ra từng mảnh và
nhai ngấu nghiến bởi cái đói bản năng và sự tham lam tàn ác
Và tôi đã không kịp trở
thành đứa trẻ ngoan dẫu tôi tha thiết thế…
Vậy đó, cho dù mỗi cá thể
đều muốn trở thành người tốt nhưng sống trong cộng đồng đầy rẫy sự tham lam
và vô trách nhiệm thì ngay chính cả lòng tốt cũng bị nghi ngờ, chứ đừng nói
là ý muốn trở thành một người tốt. Điều này đã được nói đến trong tác phẩm
L’engrenage (Guồng máy) của Jean Paul Sarte. Cũng như trong học thuyết cơ cấu
luận, mỗi chúng ta chỉ là cái đinh vít nhỏ nhoi. Tôi chợt nhớ đến thành ngữ rất
thông dụng “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.
Tất cả những điều đó chỉ
là một lối đi nhỏ trong cánh rừng cuộc đời, để rồi trong màn sương buổi sớm,
Hạ Nguyên lại thoát ra khỏi khu rừng đầy rẫy cám dỗ trở về với thị thành và cảm
nhận “những cay-đắng-ngọt-bùi trộn lẫn những chiêm nghiệm của dòng Hương qua
nghìn triệu mắt hến”. Ôi, cái món ăn trở thành đặc sản đã một thời cứu đói
cho biết bao người lao động nghèo, chỉ cần chén cơm nguộn và hai trăm đồng là
đã no bụng để cong lưng đạp xe thồ, phụ thợ hồ, bốc vác,…vậy mà mấy ai biết,
ai cảm được? Chúng ta cùng chia sẻ cảm nhận với Hạ Nguyên trong bài “Gánh cơm
hến đi trong sương” để biết được lễ hội của rau cỏ và mồ
hôi mặn của mình nhỏ xuống khi:
Phá vỡ sự đông đặc trắng
lửa hồng gánh cơm hến của
em
mở lối trong sương
thành phố bắt đầu tỉnh giấc
Những bài thơ khác trong tập
là những mảnh ký ức, những kỷ niệm vui buồn,… được tác giả vẽ lại qua lớp
ngôn từ chân thật, không cầu kỳ và đầy tính nhân văn. Trong bài “Dừng ở ga thứ
bốn mốt” để tiễn người bạn Nguyễn Xuân Hoàng về trời, cũng là một cảm nghiệm
về lẽ vô thường giữa cuộc tồn sinh đầy biến động:
Trên chuyển tàu lăn bánh về
cuối chân trời
Có người đã xuống ở ga thứ
bốn mốt
Hai tay thõng vào túi
thanh thản dạo chơi
Hành lý là những trang văn
trên cao lấp lánh…
Tiếng còi đã vang lên tiếp
tục cuộc hành trình
Chúng tôi lên đường đây,
cõi vô thường còn xa lắm
Những toa tàu nối nhau ồn
ào, chen chúc và chật chội
Người ở lại nhé, mùa mưa
giăng nỗi nhớ theo nhau…
Hay ở bài “Vẽ nỗi buồn”,
tác giả như muốn cảnh báo về tình trạng ô nhiễm những dòng sông, và qua đó
nhà thơ muốn nhấn mạnh đến sự ô nhiễm tâm hồn,… và nỗi đau của những người mẹ
mất con, cùng sự dối lừa đang hiện hữu đầy rẫy giữa cuộc sống, tất cả được diễn
tả bằng một gam màu tối của cõi lòng.
Có một ngày đem nỗi buồn vẽ
chơi
Bảng màu buồn phơi đen kịt
cái chết
của những dòng sông ô nhiễm
chảy vào ám ảnh tâm can
tôi
Màu trong vắt của nước mắt
mẹ khóc
những đứa con không bao giờ
về nữa
Màu chuột chết của những
ngụy tạo ụp lên tôi
Màu phôi pha đầy gió của
những dối lừa
Và rồi, hy vọng lại bừng
lên khi Hạ Nguyên lại vẽ nỗi buồn của em màu xanh
nhiều như những ngôi sao trên trời
Ở đó có những lỗ đen như vực
thẳm tình yêu
Và sau cùng, anh vẽ nỗi buồn
chính mình:
Nỗi buồn của tôi
Trắng xóa.
Đọc “Đi qua cánh rừng” của
Hạ Nguyên, chợt thấy thấp thoáng những vườn hoa xứ Huế, cùng những nỗi niềm
trăn trở của nhà thơ. Tác giả như muốn đem lại cho quê hương một màu xanh của
những kỳ vọng. Tuy nhiên, ngôn ngữ không thể diễn đạt hết cảm xúc. Và trong một
nhận định thật khiêm tốn, Hạ Nguyên đã tâm sự: “Tôi bộc lộ ra cái nghèo trong
sự im lặng của ngôn từ”. Thật ra, ngôn từ trong thơ của Hạ Nguyên rất giàu
hình ảnh và mang âm hưởng của thảo nguyên bạt ngàn gió mà đặc trưng ở bài “Gánh
cơm hến đi trong sương” và “Đi qua cánh rừng”. Xin mời bạn đọc hãy
cùng tác giả đi qua cánh rừng của chính mình. Huế, 5/2009
|
eva air vn
book vé máy bay đi mỹ
hãng korean air
mua vé máy bay đi mỹ
vé máy bay đi canada giá rẻ
Cuoc Doi La Nhung Chuyen Di
Ngau Hung Du Lich
Kien Thuc Du Lich