Ghi chép khoảnh khắc kỷ niệm thời thơ ấu của anh Phan Văn Hà
nhân ngày xuân sắp về.
Chỉ một lần thôi cũng đủ cho bao nổi khát khao của những ai
đi xa, được về thăm quê, thăm lại chợ làng, để tìm lại những kỷ niệm một thời gắn
bó. Chợ làng là hồn quê thổn thức bao đời, là hình bóng của mẹ thủa thời con
gái năm nào.
Xuân ơi xuân đã về ...! Dõi theo từng bước chân mẹ liêu xiêu đi dưới nắng sớm,
đến với chợ làng, ta thấy bức tranh quê đẹp vô cùng.
Hôm nay tôi được đi lẫn vào dòng người đang hối hả đến với chợ làng, được nghe
bà con, cô bác chào nhau đi chợ Hạ, lòng tôi tràn ngập niềm vui. Tôi yêu làng
quê, yêu ngôi chợ làng, nó đã gắn bó với những con người mộc mạc, chân chất,
chân quê từ bao đời nay.
Chợ làng, sân đình, cây đa, bến nước, con đò, cánh cò, đồng lúa vàng ..., đã đi
vào khúc dân ca mượt mà sâu lắng theo lời ru của mẹ. Không biết chợ làng có từ
bao giờ, nhưng khi tôi chập chững biết đi, đã được cha dắt ra đầu ngõ đợi bà, đợi
mẹ đi chợ về. Chợ làng đến cũng rất nhanh từ tờ mờ sáng và tan cũng rất sớm,
khi mặt trời nhô lên khoảng một con sào. Thời gian chỉ có vậy nhưng cũng đủ để
bà con làng trên xóm dưới mua bán, trao đổi hàng hóa cho cuộc sống thường nhật
và cũng đủ cho công việc đồng áng theo mùa vụ.
Tuổi thơ lớn lên theo cùng năm tháng, kỷ niệm của những ngày cõng em ra đầu ngõ
đợi mẹ đi chợ về, cứ đọng lại trong lòng. Hình bóng của mẹ về đầu ngõ sau phiên
chợ, anh em chúng tôi chạy ùa đến bên mẹ. Nhìn thấy mẹ, em tôi mừng ríu rít,
vươn mình đòi mẹ. Một tay mẹ đỡ gánh trên vai, một tay mẹ ẳm em tôi vào lòng.
Như con chim non, em tôi dúi dúi đầu vào ngực mẹ tìm bầu sữa, còn chúng tôi vịn
tà áo mẹ theo sau như đàn kiến về tổ. Những đôi mắt con trẻ ngây thơ đung đưa
nhìn vào gánh của mẹ để tìm quà chợ quê. Quà quê mộc mạc, nhưng nó là món ăn
tinh thần đậm chất truyền thống của bao gia đình làng Việt.
Sung sướng vô cùng, sau những lần mẹ vừa đi chợ về. Mẹ đặt gánh xuống trước
hiên nhà, anh em tôi ùa tới, những bàn tay thon nhỏ nhặt tìm trong đôi thúng
hai đầu gánh của mẹ để lấy quà. Mẹ tủm tỉm cười nhìn đàn con tíu tít đáng yêu,
mẹ vỗ nhẹ vào mông em tôi nói yêu, lớn nhanh ra dành quà cùng các anh, các chị. Mỗi
một phiên chợ, chẳng bao giờ mẹ mua thiếu quà cho đứa nào cả, nhưng vốn tính trẻ
con ai cũng muốn dành phần trước. Nhưng rồi một ngày nọ, anh em tôi bị mẹ đánh
đòn vì lấy nhầm phần quà của ông bà, của cha, mẹ đã để dành riêng.
Mẹ thật nghiêm khắc, mẹ rút cây roi đầu hiên nhà quất vào đít anh em tôi mỗi đứa
một roi đau điếng nhưng chẳng đứa nào dám khóc. Mẹ dắt roi lên hiên nhà, mẹ gọi
chúng tôi từng đứa đến, mẹ vén mông con trẻ. Nhìn lằn roi nổi đỏ, mẹ quay mặt,
giơ vạt áo lau dấu đi những giọt nước mắt của tình mẫu tử. Chúng tôi nhìn mẹ và
biết lỗi, không giận mẹ, thấy thương mẹ nhiều hơn. Sau lần ấy, anh em tôi không
bao giờ lục gánh mẹ lúc đi chợ về, vì sợ nhầm lần nữa, mẹ sẽ buồn. Lằn roi đáng
yêu ấy cũng chỉ thoáng qua, anh em tôi vẫn hồn nhiên, vẫn háo hức, trông đợi mẹ
trở về sau phiên chợ sáng.Ngọn roi “Gia bảo” cũng chỉ đôi lần mẹ dơ lên thôi, nhưng đã
răn dạy anh em tôi, nay đã khôn lớn trưởng thành. Khi ta lớn, rời tổ ấm, xa rời
vòng tay mẹ, cha, đến với cuộc sống mới là cả bao nỗi nhớ nhung. Mỗi lần về lại
căn nhà xưa, quây quần bên nhau tìm lại kỷ niệm, một chút tinh nghịch, chỉ lên
chiếc roi đầu hiên nhà, mẹ cùng cha lại nở nụ cười, gia đình thêm ngập tràn hạnh
phúc.
Ôn lại chuyện ngày xưa, nó mộc mạc đơn sơ, nhưng thật đáng yêu. Mỗi lần mẹ đi
chợ về ngồi trên chiếc võng gai dưới hiên nhà, ẵm em tôi vào lòng, đứa thì lấy
nón quạt mồ hôi cho mẹ, đứa thì lấy nước cho mẹ uống. Chúng tôi cứ quấn quýt
bên mẹ như đàn chim trong tổ. Mừng nhất là khi thấy em bé sau một hồi rúc đầu
ngậm vú mẹ đã no, nó ngẫng lên cười. Lúc ấy một tay mẹ ẵm em, một tay mẹ phát
quà. Quà chợ quê mẹ dành cho thật giản dị, lúc thì cái kẹo lạc, lúc thì chiếc
bánh đa nướng, quả bưởi, quả quýt,... Mẹ dao cho anh cả chia đều cho đàn em. Nhận
được quà đứa nào cũng mừng vô kể.
Đàn chim non lại rời tổ, đứa cõng em ra ngõ chơi, đứa dắt bò đi chăn, đứa vào
phụ giúp mẹ nấu cơm, mẹ trở lại lo toan công việc nhà. Mẹ tần tạo lam lũ để
chăm ẵm đàn con khôn lớn theo tháng ngày. Cuộc đời mẹ gánh trên vai bao nỗi nhọc
nhằn qua từng phiên chợ sáng của làng quê.
Chợ quê mình nó cứ thong thả đi qua bao mùa mưa nắng. Hôm nay bên cạnh những
gian hàng được xây kiên cố, vẫn còn những chiếc lều nghiêng nghiêng nho nhỏ
truyền thống thuở nào. Là hàng thịt, hàng cá, là các loại hàng khô của các bà,
các mẹ. Những chiếc lều mái tranh nho nhỏ, nghiêng nghiêng, nét riêng có của chợ
quê năm xưa, nay được lợp dăm, ba tấm tôn, duyên dáng dưới mưa nắng, gợi lên
trong tôi một cảm giác thân thương. Kỷ niệm xưa tràn về rạo rực, khúc nhạc êm đềm
đưa tôi về với lời hát quê hương.“...Quê hương là đường đi học, con về rợp bướm
vàng bay. Quê hương là con diều biếc, tuổi thơ con thả trên đồng. Quê hương là
con đò nhỏ, êm đềm khua nước trên sông. Quê hương là bờ tre nhỏ, mẹ về nón lá
nghiêng che ...”
Xen kẽ những chiếc lều là những mớ hàng của bà con cô bác thôn quê mang đến. Sản
vật từ vườn nhà, nào mớ rau, dưa, cà, .. ào mớ cá, mớ tôm hay đôi ba con gà,
con vịt, hoặc những sản vật khai thác tự nhiên của sông núi, ruộng đồng. Mọi sản
vật tươi nguyên, trong lành từ bàn tay lao động một nắng hai sương, bà con mang
về chợ để góp nhặt cho con em cái chữ.
Chợ quê, hàng hóa ngày nay phong phú hơn xưa. Những lần về thăm quê tôi thường
ra chợ, dù mua nhiều hay ít, hoặc không mua hàng. Tôi ra chợ dạo một vòng, ngắm
hết các dãy hàng, quán, để tìm lại những con người thân quen cho đỡ nhớ chợ
quê. Bước vào chợ thấy vắng những khuôn mặt thân quen, của các bà, các chị, ...
tôi như thấy thiếu một góc nhỏ trong lòng. Hỏi thăm được biết, nay bước chân
các bà, các mẹ không đến được chợ và có người đã đi xa, lòng tôi bâng khuâng
bao nổi cảm thương. Tôi ngầm hiểu rằng thế là một thời, các bà, các mẹ đã đi
qua chợ làng. Sinh tử là tạo hóa của một kiếp người luôn gắn bó với chợ làng,
ngọt bùi, đắng cay đều có cả.
Hôm nay cuộc sống hiện đại có nhiều đổi thay, phố phường tấp nập. Những siêu thị
ngập tràn hàng hóa, sắc màu, nhưng thiếu vắng đi những lời chào mời mộc mạc, đậm
chất dân quê. Chợ làng là nét đẹp văn hóa của quê nhà, mang đậm tâm hồn Việt. Cứ
mỗi độ xuân về, phiên chợ làng lại tấp nập, rộn ràng đầy tiếng cười và những
ánh mắt trìu mến. Dáng hình của mẹ, của các bà, các chị ..., ngày ngày tới
phiên chợ làng còn đọng mãi trong lòng mỗi chúng ta, nơi làng quê thân yêu ...!
Quê nhà, tháng 02/2015
Phan Văn Hà
hãng máy bay eva air
ve may bay hang eva di my
hãng máy bay korean airline
giá vé máy bay đi mỹ khứ hồi
vé máy bay đi canada giá bao nhiêu
Những Chuyến Đi Cuộc Đời
Du Lich Tu Tuc
Tri Thuc Du Lich