Ông sinh 12-12-1928 tại huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh và mất
năm 1996 tại TP. Hồ Chí Minh. Tham gia cách mạng ngay từ những ngày đầu kháng
chiến chống Pháp, nhạc sĩ Xuân Hồng đã dùng âm nhạc để động viên, cổ vũ nhân
dân tham gia đấu tranh, đánh đuổi ngoại xâm. Các tác phẩm của Xuân Hồng là tiếng
nói chân thực, giản dị nhưng cũng rất đỗi lạc quan yêu đời.
Từ Xuân chiến khu…
Năm 1954, hòa bình được lập lại ở miền Bắc. Trong đoàn văn
nghệ sĩ "Bắc tiến" không có Xuân Hồng, ông đã ở lại tuyến lửa, cùng
nhân dân đánh giặc. Sau phong trào Đồng Khởi, nhân dân miền Nam vẫn
tiếp tục nổi dậy, kết hợp đấu tranh chính trị với vũ trang chống lại Mỹ-Ngụy. Để
đối phó với phong trào đấu tranh ngày càng lan rộng của nhân dân ta, Mỹ đã thực
hiện thí điểm chiến tranh toàn cầu mới ở miền Nam và đề ra chiến lược
Chiến tranh Đặc biệt. Những cuộc càn quét ráo riết, những cuộc dồn dân vào ấp
chiến lược liên tiếp xảy ra, không khí chiến tranh ở miềnNam trong những
năm tháng này rất ngạt thở và khốc liệt.
Trước tình hình đó, nhiều nhạc sĩ, mà Xuân Hồng là một trong
số đó, đã tìm cách “tiếp lửa” cho đồng bào miền Nam ruột thịt bằng lời ca, tiếng
hát. Ông là người chiến sĩ, nhạc sĩ của nhân dân. Ca khúc của ông là tiếng nói
chứa chan tình yêu thương và gieo niềm hy vọng vào trái tim hàng triệu đồng bào
giữa lúc miền Nam đang rên xiết dưới ách kìm kẹp của Đế quốc Mỹ và bọn
tay sai. Trong đời sống âm nhạc của nhân dân miền Bắc lúc đó, cái tên Xuân Hồng
luôn được xuất hiện trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, cũng như trong nhiều
chương trình biểu diễn của các đoàn ca múa nhạc chuyên nghiệp. Giai điệu cũng
như lời ca trong các tác phẩm của ông luôn tạo được chất men cuốn hút người
nghe. Xuân Hồng luôn quan niệm, âm nhạc là để phục vụ nhân dân, phục vụ kháng
chiến. Trong đó, Xuân chiến khu ra đời trong dịp mừng chiến công của
quân và dân ta đánh thắng chiến tranh đặc biệt của Mỹ-Ngụy là ca khúc sớm nhất
và phổ biến nhất ở chiến trường Nam Bộ.
Khi công tác tại Đoàn Văn công Giải phóng, Xuân Hồng được
giao trách nhiệm sáng tác một bài hát cho chương mới, ông suy nghĩ mãi về chủ đề
hát mừng thắng lợi trong những dòng hồi ức của mình: "Về âm nhạc, tôi dự định
tìm một giai điệu trong sáng, tươi trẻ và duyên dáng, có âm hưởng dân tộc...
Tôi lục trong đầu cái vốn cổ đã được trang bị chút đỉnh mà bấy lâu nay ít dùng
tới... Bỗng nhiên tôi cảm giác thấy bài Bình Bán vang lên một âm hưởng rất
xuân, có không khí vui tươi, lạc quan, giản dị, trong sáng... Bài Xuân chiến
khu viết nhạc xong nhưng lời chưa xong, thì chúng tôi nhận được lệnh... đi
phục vụ cho Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 1, trước khi đơn vị xuất quân đi chiến
đấu" (1).
Xuân chiến khu - Trang Nhung
Ý thức chắt chiu nhựa sống từ tâm hồn dân tộc thế là đã rõ,
nhưng vẫn chưa đủ, bởi phần lời cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng. Lại một
sự tìm kiếm nữa đối với nhạc sỹ trong cảnh chiến trường gầm vang tiếng súng.
Ông đã hoà vào không gian thiên nhiên để tìm cho ra cái phần còn lại của dòng
âm thanh kỳ vĩ kia. Và khi không gian ở thời điểm "Sắp bước vào mùa xuân,
rừng miền đông thật đáng yêu...Những cụm mai vàng nở rực cả một góc rừng, những
tiếng chim ca gợi cảnh thanh bình. Vừa hành quân tôi vừa ngẫm nghĩ tìm ý, tìm lời.
Những câu, những ý nghĩ ra, tôi liền lấy bút bi ghi trên bắp tay. Sau một ngày
hành quân đến căn cứ Tiểu đoàn 2, trên bắp tay trái tôi đầy chữ xanh rờn như
xăm mình. Lời bài Xuân chiến khu coi như hoàn tất" (2): Mùa xuân
về trong chiến khu, tiếng chim rừng vang hót khắp nơi, mùa xuân về trong chiến
khu, gió đưa cây rừng cành lá vi vu, chim hót mừng mùa xuân thắng lợi...
Chúng ta nhận thấy, sau khi Xuân chiến khu ra đời,
âm nhạc Việt Nam đã có một số ca khúc về mùa xuân. Nếu Bến xuân (sau
là Đàn chim Việt, của Văn Cao) có chút buồn xa vắng; Tình ca (của
Hoàng Việt) là cái hào sảng của sự ngạo nghễ, thì Xuân chiến khu là
tiếng ca của niềm vui tươi phơi phới, cùng chung âm hưởng với Cùng hành
quân giữa mùa xuân (của Cẩm La) và một số ca khúc khác viết vào cuối những
năm 60, đầu những năm 70 của thế kỷ XX. Cái phơi phới, hào sảng
không còn là sự hô xướng mà đã đi vào chiều sâu của nội tâm. Có được điều ấy, một
mặt cũng là do hoàn cảnh lịch sử mang lại, nhưng cơ bản vẫn là chất văn hóa
cũng như tài năng trong từng người nhạc sĩ. Riêng đối với Xuân Hồng, ông sinh
ra trên mảnh đất vốn có truyền thống âm nhạc, đồng thời lại là một căn cứ cách
mạng, ông đã có sự ứng xử hài hòa giữa quê hương và cách mạng, giữa văn hóa và
kháng chiến. Cũng chính từ cách ứng xử văn hóa ấy đã tạo nên một
Xuân Hồng với phong cách và bút pháp về âm nhạc không thể lẫn với bất kỳ ai.
Như bao nhạc sĩ khác, Xuân Hồng đã trải qua giai đoạn chuyển mình, từ người dân
thành chiến sĩ, nhạc sĩ với tổ quốc, với nhân dân. Nhưng ông là con người điển
hình "không phải điển hình của sự trăn trở để đổi mới, mà là điển hình của
sự bắt rễ hút nhựa từ truyền thống lâu đời của quê hương, điển hình của một chiến
sĩ - chiến đấu bằng cây súng và cây đàn - trở thành nhạc sỹ ngay giữa chiến trường
ác liệt - trong giới chuyên nghiệp không phải bất kỳ ai cũng có thể tự hòa như
vậy" (3). Xuân chiến khu như một dòng nước mát giữa chiến trường
nóng bỏng, động viên tinh thần quân, dân hai miền hăng hái tham gia đánh giặc cứu
nước.
…tới Xuân trong hòa bình và Xuân của tình người.
Với đại thắng mùa xuân năm 1975, đất nước ta hoàn toàn giải
phóng, non sông thu về một mối. Đó là kết quả của một quá trình cách mạng với
"ba mươi năm đấu tranh giành toàn vẹn non sông, ba mươi năm dân chủ cộng
hoà, kháng chiến đã thành công” (lời bài hát Như có Bác Hồ trong ngày vui
đại thắng của nhạc sĩ Phạm Tuyên). Xuân Hồng cũng nhìn thấy sự đổi thay
trên quê hương đất nước, đặc biệt là trên thành phố mang tên Bác: "Mùa
xuân này về trên quê ta, khắp đất trời biển rộng bao la, cây xanh tươi ra lá trổ
hoa... ôi đẹp biết bao, biết mấy tự hào, Sài Gòn ơi cả nước vẫy chào, cờ sao
đang tung bay cao...". Niềm vui là vậy, nhưng âm nhạc không phải là sự hào
sảng, hay tung hô, mà có chút gì đó như đang lắng lại. Một sự chuyển đổi nữa
trong tâm thức, nhận thức của ông trong hoàn cảnh mới. Chúng ta phải xuất phát
từ cách nhìn ấy mới thấy được những nét riêng của nhạc sĩ Xuân Hồng.
Ở Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh, Xuân Hồng vừa hòa
vào niềm vui chung của cả nước, nhưng đồng thời cũng là người đứng ngoài quan
sát, để có thể cảm nhận được trọn vẹn nhất không khí hân hoan của đất trời và
lòng người. Một niềm vui ngập tràn, một niềm vui sau ba mươi năm đằng đẵng xa
cách. Lời hát "Vui sao nước mắt lại trào" thể hiện một cung bậc tình
cảm ở chiều sâu, đó là cảm xúc của một con người từng trực tiếp tham gia cuộc
chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc. Trong cuộc chiến đó, ông đã từng trải
qua bao nhiêu gian khổ, tận mắt chứng kiến những đồng đội ngã xuống vì sự thống
nhất nước nhà. Cuộc chiến tranh vệ quốc chính nghĩa đã giành được độc lập dân tộc,
đó là thiên anh hùng ca sáng chói, đáng tự hảo của lịch sử dân tộc Việt Nam.
Bên cạnh đó, giai điệu mang tính bình ổn, không có đột phá lớn bằng những bước
nhảy rộng, càng làm cho bài hát thiên về nội tâm hơn là sự hô xướng.
Chiến tranh với những đau thương những rất đỗi tự hào đã lùi
vào quá khứ, tất cả hướng về phía trước, cùng nhau xây dựng đất nước. Cái ta hào
sảng trong kháng chiến, lúc này đang từng bước nhường chỗ cho cái tôi của
thời bình. Các nhạc sĩ cũng đã chuyển tâm thức và bút pháp trong các sáng tác của
mình. Trong dòng chảy của sự chuyển đổi tâm thức nói chung, mỗi nhạc sỹ lại chọn
cho mình những cách đi riêng, tùy thuộc vào nhãn quan, cách tiếp cận cũng như
tài năng và kinh nghiệm của từng người. Đối với Xuân Hồng, cái tôi của ông
không hề đơn lẻ, mà biết tư duy, đi vào chiều sâu, đối diện với chính mình và
mang tính nhân văn.
Xuân Hồng đã nhập cuộc với cuộc sống đời thường, nhưng ông vẫn
giữ vai trò quan sát: Quan sát để chiêm nghiệm, chiêm nghiệm để rút ra những điều
tưởng như bình thường nhưng vô cùng có ý nghĩa với cuộc sống của mỗi con người.
Ông đã có một bước đi khá táo bạo khi phổ nhạc bài thơ Mùa xuân bên cửa sổ (của
tác giả Song Hào), một bải thơ đề cập tới tình yêu đôi lứa một cách chân thực
và sinh động. Trước ông, chưa nhạc sĩ nào nhắc tới hình ảnh “nụ hôn” trong sáng
tác của mình một cách thẳng thắn và mạnh bạo. Ở đây, chúng ta nhận thấy, nhạc
sĩ Xuân Hồng không hề coi nhẹ nguyên tắc nghệ thuật, mà ngược lại, ông tôn trọng
và kết hợp hài hòa giữa những nguyên tắc nghệ thuật đó với đời sống thực. Vẫn
là môtíp thường gặp – tình yêu lứa đôi – nhưng qua cách nhìn của Xuân Hồng,
tình yêu đôi trai gái thật thanh khiết, bay bổng, và dường như, nhịp sống sôi động,
gấp gáp của cuộc sống thường nhật không hiện hữu, tất cả trở nên lắng đọng, nhẹ
nhàng: "Cao cao bên cửa sổ. Có hai người hôn nhau. Đường phố ơi hãy im lặng.
Cho hai người hôn nhau. Chim ơi đừng bay nhé. Hoa ơi hãy toả hương và cây ơi
lay thật khẽ. Cho đôi bạn trẻ đón xuân về...". Như vậy, cái tài của Xuân Hồng
chính là cách nhìn nhận vấn đề và sự chuyển đổi trong tâm thức để phù hợp với
hơi thở cuộc sống, điều đó đã dẫn đến thành công trong sự nghiệp sáng tác của
ông.
Xuân kháng chiến, xuân thống nhất non sông và xuân xây dựng
là những điểm nhấn trong hàng loạt tác phẩm của nhạc sĩ Xuân Hồng. Với tài năng
và sự cống hiến lớn lao cho nền nghệ thuật âm nhạc nước nhà, năm 2000, ông đã
được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật. Trong 6 tác phẩm nằm
trong giải thưởng, thì có hai tác phẩm viết về mùa xuân, đó làXuân chiến khu và Mùa
xuân tên thành phố Hồ Chí Minh. 1.2. PGS.TS Tú Ngọc - PGS.TS Nguyễn Thị Nhung - TS Vũ Tự Lân
- Ngọc Oánh - Thái Phiên, Âm nhạc mới Việt Nam tiến trình và thành tựu, Viện
Âm nhạc, H.2000, tr.361.
3. Tuyển chọn ca khúc Xuân Hồng, Hội Nhạc sỹ Việt Nam -
Nxb Âm nhạc, H.1994, tr.6.
TS. Nguyễn Đăng Nghị
máy bay eva air
ve may bay eva di my
korean air vietnam office
phòng vé máy bay đi mỹ
đặt vé máy bay đi canada
Cuoc Doi La Nhung Chuyen Di
Du Lich Tu Tuc
Tri Thuc Du Lich