Thứ Hai, 28 tháng 9, 2015

Điển tích qua các rác phẩm ngâm khúc hình thức song thất lục bát trong văn học Việt Nam trung đại

Điển tích qua các rác phẩm ngâm khúc hình thức 
song thất lục bát trong văn học Việt Nam trung đại [1]
Một trong những biểu hiện nổi bật của thi pháp văn học trung đại Việt Nam là việc dùng các điển tích, điển cố của các văn gia, thi sĩ. Đặc trưng này được quy định bởi quan điểm thẩm mỹ thời trung đại: chuộng cái đẹp có sẵn, cái đã có trong sử sách, thơ ca, …được người trước sử dụng rồi thì người sau coi đó là chuẩn mực để mình mượn vào khi sáng tác.
Tính hàm súc, vẻ đẹp ước lệ ấy làm cho nhiều thế hệ học sinh trung học phổ thông hiện nay tiếp cận tác phẩm văn học thời trung đại gặp không ít khó khăn. Trong rất nhiều nguyên nhân học sinh cho rằng tác phẩm văn học trung đại khô, khó, khổ có một nguyên nhân nội tại của tác phẩm đó là việc sử dụng đầy rẫy các điển xưa, tích cũ, khá xa lạ đối với trình độ tiếp nhận của các em. Bởi để hiểu được một điển nào đấy không có cách nào khác là phải tìm xem chú thích, việc làm ấy làm cho việc tiếp cận tác phẩm rất mất thời gian, lại cắt vụn ý tưởng của các em …
Như đã nói, đây là một trong những thủ pháp nghệ thuật phổ biến nhưng vấn đề lý luận về cách dùng điển thì ít được đề cập đến. Phần tri thức đọc hiểu ở sách giáo khoa Ngữ văn 10 hiện tại cả hai bộ nâng cao cũng như cơ bản không cung cấp cho các em phần này. Chỉ lên đến lớp 11, theo chương trình nâng cao sách Ngữ văn cũng chỉ cung cấp một lượng kiến thức rất ngắn về vấn đề "điển cố văn học” [7, 108]
Trong bài viết này chúng tôi dùng các tác phẩm ngâm khúc hình thức song thất lục bát làm đối tượng để khảo sát cách dùng cũng như công dụng và chức năng của điển tích.
1. Khái niệm điển tích, điển cố
Dương Quảng Hàm cho rằng: Điển: nghĩa tự điển là việc cũ, và nó dùng trong thuật ngữ văn chương với khái niệm điển cố: cổ xưa hoặc điển tích: ám chỉ một việc cũ, một cố xưa khiến cho người tiếp cận tác phẩm phải nhớ đến những  việc ấy, sự cố ấy thì mới hiểu được nghĩa của câu thơ, lời văn trong tác phẩm. [183, 1]
Trần Đình Sử dẫn giải rằng: Điển cố văn học là một biện pháp tu từ cơ bản của văn học trung đại Việt Nam. Theo Vương Lục trong sách Cổ đại Hán ngữ, thì trong văn chương cổ có tám phương thức tu từ thông dụng: Kê cổ; Dẫn kinh; Đại xưng; Đảo trí; Ẩn dụ; Vu hồi; Uỷ uyển; Khoa sức.
Trong đó "Kê cổ" tức là kê cứu việc xưa, cụ thể là viện dẫn sự việc của người xưa để chứng thực cho ý kiến của mình. Đó là mầm mống của việc dùng điển cố. Ví dụ bài thơ "Lệ" của Lý Thương Ẩn, bản dịch của Lê Nguyên Lưu sau đây:
Hẻm tối quanh năm giận lụa là
Chia tay ngày vắng nhớ phong ba
Sông Tương hàng trúc dầm dầm vết
Núi Nghiễn đầu bia giọt giọt sa.
Người bỏ Tử đài thu vượt ải,
Binh tàn Sở trướng tối nghe ca
Sớm mai hàng liễu bờ sông Bá
Chửa chạm bào xanh tiễn ngọc kha.
Đây là bài thơ tác giả tự xót thương mình, tự ví mình với những sự việc, số phận hẩm hiu đau khổ nhất. Hai câu đầu dẫn tích các cung nữ bị bỏ quên trong lãnh cung để chết già, câu thứ 3 lấy tích hai người con gái của vua Thuấn khóc cha đến mức nước mắt làm cả rừng trúc thành vết lốm đốm. Câu 4, nhắc tích Dương Hựu triều Tấn sau khi chết được người ta lập bia trên núi, khi truy điệu bia rơi nước mắt. Câu 5 nói đến việc Vương Chiêu Quân phải sang cống Hồ, gả cho Thiền Vu rời bỏ Tử Đài trong cung Hán. Câu 6 nhắc chuyện Hạng Vũ bị vây khốn nơi Cai Hạ, ở trong trướng nghe Sở ca vang dậy bốn bề. Câu 7 nói đến tích Dương Quan ở Đông Tràng An, nơi chia tay người ta bẻ cành liễu tặng người qua ải, câu 8 nói tới tục học trò nghèo ngày xưa mặc áo xanh (ngọc kha là thứ trang sức quý giá trên đầu ngựa, chỉ người quyền quý). Các sự việc khác nhau mà việc nào cũng xui người rơi lệ. [289 - 290, 6]
Từ điển văn học cho rằng: điển cố là thuật ngữ của giới nghiên cứu nhằm mô tả một trong những đặc điểm nổi bật của văn học cổ trung đại phương Đông trong phạm vi các nước chịu ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa.
Do những nguyên nhân khác nhau, đã hình thành một tâm thế, một phong cách của những người làm văn: trong hành văn thường hay nhắc đến sự tích xưa hoặc một vài câu thơ, câu văn cổ để diễn tả ý mình, nhưng đây không phải là lối trích dẫn nguyên văn, mà là lối dùng lại vài chữ cốt gợi nhớ được điển tích cũ, câu văn cũ ấy. Lối này gọi chung là dùng điển cố, bao gồm phép dùng điển và lấy chữ [416, 2]
Dùng điển: nhà văn “sai khiến” các tích cũ chuyện xưa cho thích hợp vào văn mạch của mình.
Lấy chữ: là mượn, dùng lại một vài chữ trong các áng văn thơ cổ vào câu văn của mình, gợi cho người đọc phải nhớ đến câu thơ, câu văn ở tác phẩm của người xưa.[416, 2]
Như vậy, Từ điển văn học cho rằng “điển cố gồm cả “dùng điển” và “lấy chữ”, tức hiểu theo nghĩa rộng. Theo chúng tôi thì điển cố và dẫn chứng (nhiều nhà khoa học gọi là thi liệu Hán học) khác nhau. Nếu dẫn chứng nhằm nói lý trong việc, thì điển nói đến tình trong việc.
Đây là trường hợp câu thơ sử dụng thi liệu Hán học:
"Cung oán ngâm" của Nguyễn Gia Thiều có câu:
Muôn hồng nghìn tía đua tươi
Chúa xuân nhìn hái một hai bông gần.
Muôn hồng nghìn tía xuất phát từ câu thơ Đường: Vạn tử thiên hồng tổng thị xuân. Muôn hồng nghìn tía, tất cả đều là xuân! "Chúa xuân": lấy từ chữ "Đông quân", là tên một vị Mặt trời hiện ra từ phương Đông, và riêng thống trị mùa xuân. "Đông quân", "đồng hoàng", "chúa xuân" đều cùng một nghĩa.
Còn đây là điển tích.
Cung oán ngâm ở câu 83-84 Nguyễn Gia Thiều viết:
Giấc Nam Kha khéo bất bình
Bừng con mắt dậy thấy mình tay không!
Tích giấc Nam kha được lấy từ chữ: Nam kha mộng, nghĩa là giấc mộng ở cành hướng Nam. Trong một bài ký của Lý Công Tá, đời Đường, chép rằng: Thuần Vu Phần chiêm bao đến nước Hoè An được quốc vương nước này cho làm chức Thái thú và gả con gái cho, hưởng đủ mọi điều vinh hiển; nhưng sau bị thua trận, vợ lại chết; vua sinh nghi cho về. Người ấy giật mình tỉnh giấc, thấy mình ngủ dưới gốc hoè, dưới nhánh hoè hướng nam  có cái hang kiến, mới sự tỉnh biết mình nằm chiêm bao nơi hang ấy. Từ tích ấy để nói rằng mọi thứ vinh hoa phú trên đời này chẳng khác gì giấc chiêm bao, có đó rồi mất đó.
Trong bài viết này, chúng tôi hiểu điển cố, (hay điển tích – chúng tôi cho rằng đây là hai thuật ngữ tương đương) theo nghĩa hẹp, chúng tôi quan niệm rằng: Điển tích (hay điển cố) là một biện pháp tu từ, ở đó nhà văn sử dụng “câu chuyện đó” sao cho phù hợp với văn mạch mình nhằm tạo tính hàm súc cho lời văn, ý thơ. (Chúng tôi nhấn mạnh điển tích phải có tình tiết của một câu chuyện: chuyện trong sử sách, chuyện hoang đường truyền tụng, …). Một ví dụ rất cụ thể:
Cung oán ngâm khúc có câu:
Thù nhau chi hỡi đông phong
Góc vườn dãi nắng cầm bông hoa đào
Hoa đào lấy ý từ bài thơ “Đề đô thành Nam Trang” của Thôi Hộ: Nhân diện đào hoa tương ánh hồng (…) Đào hoa y cựu tiếu đông phong. Nếu dừng lại ở đấy thì nó được coi là thi liệu Hán học (dùng chữ, lấy ý), song bài thơ còn gắn liền với câu chuyện: Nhân ngày lễ thanh minh, Thôi Hộ đi thăm mộ, ghé vào xin chén nước trà của người con gái đương đứng dưới cửa bên cây đào. Người con gái ấy mời chén trà và có ý nhìn thi sĩ với vẽ hữu tình. Năm sau, đi lễ thanh minh, thi sĩ lại ghé thì không thấy người xưa, bèn để lại bài thơ:
Tích niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong.
Năm thứ ba, Thôi Hộ lại đến, cửa nhà đóng kín, lại có tiếng khóc. Hỏi thăm mới biết người con gái ấy vì bài thơ của Hộ đề mà bệnh tương tư, vừa chết, xác nàng hãy còn để đó. Hộ vào thăm và gọi “Có Thôi Hộ đến đây!”. Người con gái ấy tỉnh dậy. (Chuyện chép ở tình sử)
Còn như Đoàn Thị Điểm, chỉ mượn ý thơ (Hốt kiến mạch đầu dương liễu sắc/ Hối giao phu tế mịch phong hầu) của Vương Xương Linh, trong Khuê oán để dịch Chinh phụ ngâm
Lúc ngoảnh lại ngắm màu dương liễu
Thà khuyên chàng đừng chịu tước phong
Chúng tôi quan niệm đây không gọi là điển tích.
Qua khảo sát các ngâm khúc hình thức song thất lục bát, chúng tôi nhận thấy điển tích mà các tác phẩm này sử dụng thường gồm các tình tiết được chép trong sử sách kinh truyện, kể cả các tình tiết hoang đường hư cấu đã được viết ra trong các tác phẩm Trung Hoa cổ trung đại, nổi bật hơn cả là các tác phẩm: Hán Thư; Đường Thư; Kinh Sở tế thời ký; Liệt tiên truyện; Tứ thư (Luận ngữ, Mạnh Tử, Đại học, Trung dung); Ngũ kinh (Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Dịch, Kinh Xuân thu), …
2. Các dạng điển tích trong các khúc ngâm hình thức song thất lục bát
2.1. Điển tích là  tên người:
Tên các nhân vật (chủ yếu trong sử sách, truyền thuyết, giai thoại của Trung Quốc cổ đại) được dùng làm điển tích. Đây là dạng xuất hiện khá phổ biến trong văn học Việt Nam trung đại nói chung và ngâm khúc hình thức song thất lục bát nói riêng.
Tự tình khúc của Cao Bá Nhạ có câu:
Lửa Thái Ất đêm soi Lưu Hướng
Câu Thăng Thiên ngày tưởng Tràng Khanh
Lưu Hướng là bậc danh nho đời Hán, sách xưa chép rằng thuở còn hàn vi, ban đêm Hướng đọc sách có sao Thái Ất soi lửa sáng. Tràng Khanh là tên tự của Tư Mã Tương Như, đời Hán, lúc còn nghèo khổ, khăn gói lên đường ứng thí, đi ngang qua cầu Thăng Thiên ông có khắc vào cột một lời nguyền: nêu không được xe đi, ngựa cởi và không làm nên danh phận thề không bao giờ qua cầu này nữa.
Trong Chinh phụ ngâm khúc cũng có câu:
Săn Lâu Lan rằng theo Giới Tử
Tới Man Khê bàn sự Phục Ba
Lâu, Lăn, Giới Tử là hai tên người: Vua Chiêu đế đời Đường sai Phó Giới Tử đi sứ đến đất Đại Uyển. Giới Tử dùng mưu bắt được vua nước Đại Uyển là Lâu Lan. Sau Tử được phong tước Nghĩa Dương hầu.
Phục Ba: Mã Viện đời Đông Hán giữ chức Phục Ba tướng quân từng sang đáng Giao Chỉ (tên gọi Việt Nam ta thời đó). Ông ta thường nói rằng: Kẻ trượng phu lập chí là khi khốn cùng nên có lòng kiên nhẫn, khi già nua thì nên mạnh bạo. Ông còn nói: Làm trai thì nên chết ở chốn sa trường biên ải, lấy da ngựa bọc thây thi mới đáng gọi là trai. Dùng điển này, ý nói đến người chinh phu quyết ra trận lập công danh thoả chí làm trai.
2.2. Điển tích là tên địa danh
Địa danh có khi là tên nước, tên núi, sông, cung điện, đền đài, thành quách … Những địa danh này gắn liền với những câu chuyện trong sách sử, trong truyền thuyết dân gian. Từ đó liên tưởng đến hoàn cảnh, tâm trạng, cảnh vật, … trong tác phẩm.
Chinh phụ ngâm khúc viết:
Giận thiếp thân lại không bằng mộng
Được gần chàng bến Lũng thành Quan
Bến Lũng: tức rặng núi Lũng Sơn ở Thiểm Tây và Cam Túc; Thành Quan: tức Hàm Cốc Quan hay Đồng Quan, là các tên cửa ải ở Thiểm Tây. Trần Đào, đời Đường có bài "Lũng Tây hành", vịnh sự đi đánh xứ Lũng Tây như sau: Thệ tảo Hung nô bất cố thân/ Ngũ thiên diêu cẩm táng Hồ trần/ Khả liên vô đinh hà biên cốt/ Do thị xuân khuê mộng lý nhân. Nghĩa là: Thề lấy thân đem quét sạch giặc Hung nô/ Cho nên năm nghìn quân đội "mũ gấm lông điêu" tất cả chôn lấp ở đất Hồ/ Thương thay chết mà thành đống xương trắng bên sông Vô Định, mà hồn còn tưởng sống cứ về nhà thăm vợ chốn phòng xuân. Ý chỉ người Chinh phụ ao ước được gặp chồng như người "chinh binh ngày xưa" đi dẹp giặc ở bến Lũng, thành Quan chết rồi mà vẫn về thăm vợ hiền.
Hoặc như Nguyễn Gia Thiều mượn tên "điện Tô" để miêu tả cảnh ăn chơi múa hát của cung nhân trong cung điện của vua. Thân phận của nàng lúc ấy đang được sủng ái hết mực.
Sênh ca mấy khúc vang lừng.
Cái thân Tây tử lên chừng điện Tô.
“Tây tử” tức nàng Tây Thi; “điện Tô” tức là điện Cô Tô, tên một toà cung điện do vua Ngô Phù Sai dựng lên cho Tây Thi ở. Đoạn này mô tả lúc nàng cung phi được ân sủng của nhà vua. Nàng vui sướng tựa như nàng Tây Thi khi mới vào điện Cô Tô của vua Ngô Phù Sai.
2.3. Điển tích là tên một bài hát, bài thơ
Các điển tích này là những dạng mà tác gia ngâm khúc sử dụng tên một bài thơ, một bài hát, nhưng nó lại gắn liền với một câu chuyện, như những trường hợp sau đây:
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai
(Chinh phụ ngâm khúc – Đoàn Thị Điểm)
Ngàn dâu được dịch từ chữ "mạch thương tang". Đó cũng là tên một khúc hát trong "Cổ nhạc phủ" của nàng La Phu là gái đã có chồng ở nước Tần, nàng đi hái dâu gặp Triệu vương. Triệu vương yêu mến bèn đặt tiệc mời rượu nàng. Nàng đến dùng đàn tranh để đàn và hát khúc hát ấy để bày tỏ rằng mình đã có chồng. Triệu vương nghe lắm lời đoan chính trung trinh bèn từ bỏ ý định cưới nàng làm vợ. Ý rất sâu của tích ấy được Đoàn Thị Điểm dùng để diễn tả sự chung thuỷ, buồn thảm khi nhớ chồng của người chinh phụ.
Hay trong Cung oán ngâm có câu:
Ai ngờ tiếng quyên kêu ra rả
Điệu thương xuân khóc ả sương khuê
Thương xuân: là khúc hát than vãn đời người chậm trễ sự hiểu biết. Sách Nam sử chép: Phạm Thận lúc mới 29 tuổi mà tóc đã bạc phơ, chẳng hiểu được thời vận, ông bèn đặt khúc hát "thương xuân" để tự than thân mình!
2.4. Điển tích là đồ vật, cảnh vật
Nhiều khi, điển tích là tên đồ vật, sự vật hay cây cỏ, lá hoa, … Song, tất cả cảnh vật, đồ vật ấy đều gắn liền với “sự tích”!
Cung oán ngâm viết:
Tranh biếng ngắm trong đồ Tố Nữ
Mặt buồn gương tựa cửa Nghiêm Lâu
Đồ Tố Nữ là bức tranh vẽ hình Tố Nữ. Theo sách "Tuỳ thư kinh tịch chí": thì Tố Nữ là bức tranh khêu gợi "nghệ thuật riêng" ở chốn phòng khuê, người đàn bà làm cho chồng yêu đắm đuối. Nghĩa của câu thơ là: vua không còn yêu, không còn đến chốn phòng the nữa thì người cung nữ cũng "biếng" ngắm tranh Tố Nữ.
Nghiêm lâu: là lầu của vua ở, ở đó phải giữ tôn nghiêm. Đây là từ cổ chữ không phải điển cố. (Xem phần phân biệt ở trên)
Trong Ai tư vãn – Ngọc Hân viết:
Nhờ hồng đức gội cành hoà quế
Đượm hơi dương dây rễ cùng tươi
Hoè quế: Cây hoè, cây quế. Sách “Kiến văn lục” chép rằng: “Vương Hựu đời Tống, nhà có âm đức, từng trồng ba cây hoè ở sân, và nói: “Con cháu ta sẽ có người làm đến Tam công”. Sau quả nhiên như vậy. Sách “Ngũ đại” chép rằng: “Đậu quân có năm con đều đỗ tiến sĩ”. Phùng Đạo tặng nhà ấy một bài thơ, trong có hai câu: Linh xuân nhất chu lão. Đan quế ngũ chi phương. (Linh xuân một chồi già đỏ năm cánh thơm). Vì thế chữ “hoè quế” chỉ nhà con cháu thành đạt.
3. Chức năng của việc dùng điển tích:
3.1. Được dùng trong lời trần thuật của nhà thơ – lời nửa trực tiếp:
Dùng điển trong lời trần thuật: là một dạng của lời văn tác phẩm tự sự, ở đó lời người trần thuật (lời tác giả) có hàm chứa những yếu tố lời trực tiếp như ý nghĩ, cảm xúc, từ ngữ, … của nhân vật (nên còn gọi là lời nửa trực tiếp).
Ví dụ như khi nói nỗi nhớ mong của một bà mẹ già chờ đợi con mình khi người trai ấy đang ở ngoài biên ải, Đoàn Thị Điểm dùng điển tích như sau:
Lòng lão thân buồn khi tựa cửa
Miệng hài nhi chờ bữa mớm cơm
(Chinh phụ ngâm – Đoàn Thị Điểm)
Điển tích: tựa cửa là láy từ chữ ỷ môn, trong Chiến quốc sách: chuyện kể rằng Vương Tôn Giả theo phò vua Tề, bà mẹ già thường ở nhà trông con. Từ sáng mai cho đến khi chiều về cứ tựa cửa mà trông, rồi tối đến lại sáng hôm sau, con trai không về bà lại ra tận cửa mà trông. ỷ môn: là tựa cửa trong nhà; ỷ la: là tựa cửa ngõ. ý nói: mẹ trông con làm nghĩa vụ chính đáng mà lòng lo khẩn thiết.
Chí làm trai dặm ngàn da ngựa
Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao
Da ngựa: xem lại điển Phục Ba đã nói ở trên.
Thái Sơn, hồng mao: nghĩa là núi Thái Sơn (một núi cao ở Trung Quốc), lông chim hồng (một loại lông chim rất nhẹ). Tư Mã Thiên có câu: Người ta vẫn có cái chết đáng nặng như núi Thái Sơn, cũng có cái chết đáng nhẹ như lông chim hồng! (Nhân cố hữu tử, tử hoặc trọng ư Thái Sơn, hoặc khinh ư hồng mao). Ý nói có sự đáng chết và cũng có sự không đáng chết.
Tóm lại: Dùng điển trong lời trần thuật là để nhà thơ diễn giải tâm trạng, tình cảm của nhân vật.
3.2: Dùng điển trong lời thoại của nhân vật - Lời trực tiếp
Chủ yếu là lời của nhân vật và một bộ phận lời tác giả ở các đoạn trữ tình ngoại đề hay các đoạn triết lý, bình luận.
Nhiều khi viết thơ, làm văn nếu dùng lời thường mà diễn đạt thì nhiều lúc vô vị, nhạt nhẽo, còn nếu biết khéo léo dùng một tích nào đó dẫn vào làm cho người đọc phải suy nghĩ, liên tưởng, tạo nên sự lý thú.
Nguyễn Gia Thiều trong Cung oán ngâm có đoạn, mà ở đó, nhân vật cung nhân tự than thân mình, rằng:
Trộm nhớ thuở gây hình tạo hoá
Vẻ phù dung một đoá khoe tươi
Nhuỵ hoa chưa mỉm miệng cười
Gấm nàng Ban đã nhạt mùi thu dung
Vẻ phù dung: vẻ đẹp của hoa phù dung. Hoa màu phấn hồng nhạt đẹp nhưng chóng tàn. Là điển cố vì nó ẩn cái "tình" nhan sắc của người con gái cũng như hoa đẹp nhưng sớm nở tối đã tàn ngay! Thơ Bạch Cư Dị trong "Trường hận ca" có câu: " Phù dung như diện liễu như my" (Hoa phù dung như mặt, lá dương liễu như mày) để diễn tả cảnh vua Đường Minh hoàng nhớ quý phi Dương Ngọc Hoàn.
Gấm nàng Ban: Câu này dùng điển nàng Tiệp Dư (một chức vị) họ Ban vốn là cung nhân của vua Thành Đế nhà Hán. Lúc đầu Ban được vua yêu, sau phi yến (cũng là một chức vị) họ Triệu gièm pha, sợ nguy đến thân bà xin vua cho chầu bên Thái hậu (mẹ vua) ở cung Thường Tín. Từ khi ấy, sự yêu thương của vua đối với bà cũng lạnh nhạt dần. Bà mới làm một bài thơ đề ở chiếc quạt tròn. Bài thơ được bà tự ví mình như chiếc quạt từng được vua yêu nhưng nay phải cất vào xó rương vì hơi thu gió mát đã cướp mất cái mát mà quạt mang đến. Ý muốn đề cập là ân tình nửa đường phải đoạn tuyệt! Đáng lẽ phải nói là "quạt nàng Ban" hoặc "lụa nàng Ban" thì tác giả lại dùng chữ "gấm" làm cho nhiều người hiểu nhầm, dẫn đến vô nghĩa!
Dùng các điển này, người cung nữ của Nguyễn Gia Thiều đã diễn tả thành công số phận đang "nhạt mùi thu dung" của mình!
3.3. Điển cố được dùng trong lời gián tiếp một giọng
Nghĩa là lời người trần thuật không có lời đan xen của nhân vật, để miêu tả chân dung nhân vật hay dựng lên một không gian nghệ thuật nào đấy:
Chàng trai trẻ vốn dòng hào kiệt
Xếp bút nghiên theo việc đao cung.
Dòng hào kiệt được Đoàn Thị Điểm dịch từ chữ "ngô môn" trong nguyên tác của Đặng Trần Côn. Đây lấy điển Ngô Khởi là một tướng võ đời Chiến Quốc có công trạng lẫy lừng, đánh đông dẹp bắc thiên hạ ai cũng biết danh. Lý Bạch có câu thơ: Yên Nam tráng sĩ Ngô môn hào, Thái Sơn nhất trịch khinh hồng mao. Nghĩa là: Đất Yên Nam có kẻ tráng sĩ dòng hào kiệt nhà họ Ngô, ném non Thái Sơn nhẹ như cái chim hồng. Họ Lý muốn nói: sự nghiệp anh hùng của người tráng sĩ xem nhẹ tính mệnh..
Xếp bút nghiên: Điển Ban Siêu đời Hán, nhà nghèo đi viết thuê, một hôm phẫn chí tự nói rằng:Làm trai nên có chí lập công danh ngoài muôn dặm như Phó Giới Tử và Trương Khiên, lẽ nào chịu bó tay bên chốn bút nghiên, bèn xếp bút nghiên theo việc binh nhung ra xứ Tây Vực ở đấy 31 năm lập nhiều chiến công được phong tước Viễn Đình Hầu. Khi về tuổi đã ngoài 80.
Tóm lại:
Việc dùng điển tích trong văn học Việt Nam trung đại nói chung và ngâm khúc hình thức song thất lục bát nói riêng là một nghệ thuật theo quan điểm thẩm mỹ của người xưa.
Dùng điển trong văn thơ như đã phân tích trên đây nó có nhiều tác dụng tích cực. Tuy vậy, đối với chúng ta ngày nay, việc tiếp cận những điển xưa, tích cũ ấy gặp không ít khó khăn.
Vấn đề điển tích trong văn học Việt Nam trung đại còn nhiều thú vị chờ đợi nhiều công trình nghiên cứu sâu hơn, kỹ hơn.
Hơn nữa trong nền văn học Việt Nam trung đại các văn gia, thi gia của chúng ta thường sử dụng nhiều điển tích của Trung Quốc chứ  ít khi dùng tích trong ca dao, tục ngữ, hay sách vở, lịch sử nước nhà. Đó cũng là một khiếm khuyết đáng tiếc vậy!
Tài liệu tham khảo
Dương Quảng Hàm, VNam văn học sử yếu, Trung tâm học liệu SG, 1968.
Đỗ Đức Hiểu - Nguyễn Huệ Chi - Phùng Văn Tửu - Trần Hữu Tá (chủ biên), Từ điển văn học (Bộ mới), Nxb Thế giới, Hà Nội, 2003.
Tôn Thất Lương (dẫn giải và chú thích), Chinh phụ ngâm khúc, Sách giáo khoa Tân Việt xuất bản, Sài Gòn, 1950.
Tôn Thất Lương (dẫn giải và chú thích), Cung oán ngâm khúc, Sách giáo khoa Tân Việt xuất bản, Sài Gòn, 1950.
Trần Lê Sáng - Phạm Kỳ Nam (biên soạn), Hợp tuyển ngâm khúc Việt Nam, Nxb Văn học, Hà Nội, 2005.
Trần Đình Sử, Thi pháp Truyện Kiều, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2002.
Trần Đình Sử (tổng chủ biên), Ngữ văn 11, tập một, Sách giáo khoa thí điểm Ban khoa học xã hội và Nhân văn, Bộ 1. NXB GDục. Hà Nội, 2004.
[1] Bài đăng trên Tạp chí Ngôn ngữ, số 5 (240), Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Ngôn ngữ học, Hà Nội, 2009.
[2] Cựu sinh viên,  lớp sư phạm Ngữ văn K 15, hiện là giáo viên Trường THPT Mai Thanh Thế, Ngã Năm, huyện Ngã Năm, Sóc Trăng.
 Ths. Trần Minh Thương [2]
Theo http://se.ctu.edu.vn/

1 nhận xét:

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...