Trong đời người, ta đã đi qua không biết bao nhiêu là con đường rồi vậy? Từ con đường đất quê sình lầy mùa mưa đến con đường ổ gà
mịt mù bụi cát mùa khô, qua con đường trải nhựa mà dầu hắc hâm hấp nắng. Từ
những con đường Saigon rộn rịp, đến con đường của Paris ánh sáng qua những đại
lộ của Hollywood huy hoàng. Từ “đường phố dài, đường phố cười, đường phố buồn“ đến đường rất bền, đường rất mừng, đường rất tình: đường tình yêu“ của
nhạc sỹ TCS qua “con đường tình ta đi“ của nhạc sỹ PD - Là “con đường chiều
thủ đô, con đường tuổi măng tre, con đường trời mưa êm, con đường về ban
trưa, con đường của đôi mình“. Để rồi một ngày, một lần, một lúc nào đó, chợt
nhớ về “con đường vào mộng mơ của từng đôi, từng lứa hay con đường thảnh
thơi nằm, nghe chuyện tình trăm năm“.
Con đường hôm đó trời mưa
Con đường hôm đó tập đưa người về
Con đường hôm đó …u mê
Con đường hôm đó bốn bề trổ hoa – Lê Hân
Cuộc đời vốn là con đường muôn vạn lối: Có con đường qua chỉ
một lần trong đời; Có con đường xa lạ thành quen; Có con đường đi ngang rất
tình cờ; Có con đường phải đi mỗi ngày; Có con đường bắt buộc trước mắt; Có
con đường lang thang tìm lại:
Về ngang qua đường cũ
Lá vẫn xanh nguyên màu
Có đôi chùm hoa lạ
Chợt tím vì mong nhau - Mường Mán
Về ngang qua đường cũ - Lòng bỗng dưng nhớ lại: những bước
chân rộn ràng đâu đó, những vòm lá đan cao, những xanh đầy bóng mát, những nắng
vàng tươi đẹp đẽ, những lòai hoa không tên, những lòai hoa quen tên từ lâu lắm - Những lòai hoa của bốn mùa, của mưa nắng. Những mùa hoa đi qua nhắc ta về
năm tháng, nhắc ta về những kỷ niệm nằm sâu, lắng trong ký ức mà tưởng đã vùi
quên, tưởng đã phôi pha - Những con đường với bao nhiêu là hoa ngàn năm chờ
tiếp nối, cho vương vấn ngàn xưa tới ngàn sau:
Từ độ xa người muôn vạn nẻo
Trưa về nắng quái lấy ai che
Vườn xưa hoa rụng ngang đường cũ
Phảng phất dư hương kỷ niệm hè - QH
Kỷ niệm hè của những ngày cắp sách đến trường: những năm
tháng đẹp nhất của đời người. Có lẽ không bao giờ người ta quên được khi nhắc
đến khoảnh khắc này. Khi chứng kiến những cánh hoa rụng rơi, tan tác báo hiệu
mùa thi hay mùa chia tay: Ta ngẩn ngơ, nuối tiếc.Thương nhớ về tuổi thơ xa
xôi vời vợi, với bạn hữu, trường xưa, lớp cũ: Lòng bỗng rưng rưng. Trong tay
ai ngày đó là những chùm hoa học trò.
Hoa học trò, ngoài hoa phượng còn có hoa BẰNG LĂNGBằng lăng
hoa tím không chỉ là nỗi nhớ quay quắt của mùa hè, màu tím bằng lăng còn gợi
dậy cả một không gian man mác của mùa, trước khi hoa phượng gọi hè về:
Khi phượng vỹ bùng lên rực cháy
Hoa bằng lăng lặng lẽ tím trong chiều
Có kẻ giật mình như thể bắt đầu yêu
Sợ tuổi thơ vì sao xanh bay đi mất - LH
Hoa bằng lăng xuất hiện đầu mùa hè. Thời gian hiện hữu rất
ngắn, chỉ khoảng hai tuần lễ mà thôi. Khi hoa bằng lăng bắt đầu tàn thì hoa
phượng sẽ lộng lẫy, rực rỡ. Hoa bằng lăng cùng với hoa phượng đem đến cho
quãng đời học sinh những bâng khuâng, những tình cảm là lạ:
Hoa bằng lăng! Hoa bằng lăng
Ngồi đây mà nhớ đoạn đường đã qua
Nhớ người nghĩ đến tàn hoa
Tím ơi là tím, chiều qua phố buồn
Bằng lăng hoa tím vấn vương - TVK
Phải! Một khung trời cũ! Chuyện hôm qua đã trở thành chuyện
cũ. Cái thuở thiếu thời đã vụt bay. Cái màu tím bằng lăng của quá khứ chợt sống
lại trong một thoáng, những cảm xúc rung động, bồi hồi:
Hoa bằng lăng sao tím lỡ làng
Nở hết cả góc trời nhức nhối
Cái thuở ban đầu bối rối
...Tình bé bỏng - Bằng lăng hoa mỏng mảnh
Day dứt làm chi lúc hè về - Bùi Kim Anh
Cái nóng oi bức của nắng Saigon chói chang đâu chỉ “chợt
mát “vì một mình “áo lụa Hà Đông“, mà còn tan biến đi nhờ màu tím dịu dàng
của hoa bằng lăng rộ nở ở những con đường, tím ngát cả một góc trời:
Góc phố nhỏ hoa bằng lăng đã nở
Tím ngát một chiều nắng hạ vấn vương - Bùi Kim Anh
Một ngày, hoa bằng lăng khoe đến một chục có dư sắc tím
trong từng sắc nắng: nắng sớm, nắng trưa, nắng chiều... thành những sắc vẻ
khác nhau. Buổi sáng sớm hoa có màu tím non ươn ướt trong sương mù. Mặt trời
lên, hoa chuyển sang sắc tím ánh hồng như được đánh lên một lớp phấn hồng rất
mỏng. Đến giữa trưa thì hoa tím ngắt, cái màu tím gay gắt.
Nắng màu gì cho hoa bằng lăng
đượm màu tím thế
Em đi qua bâng khuâng chợt nhớ
Ôi! Màu tím năm nào - Vũ Hoàng
Rồi chiều xuống, hoa chuyển hẳn sang màu tím than lung linh
buồn rơi rơi. Trong sắc hoa có bao nhiêu cung bậc thăng trầm của một đời thiếu
nữ đa truân
Mùa này bằng lăng nở nhiều lắm em ơi
Nở tím khung trời, một quãng đời thơ mộng
...Trời về chiều sắc tím biếc mênh mông
Hòa sắc tím bềnh bồng của hoàng hôn khuất bóng - Cao xuân Thanh
Bằng lăng hay bằng lăng nước có tên khoa học là
Lagerstroemia Speciosa L, tiếng Anh là Queen 's crape-myrtle, nguồn gốc từ Ấn
độ, có khi được gọi là Pride of India, hay là Banaba (tiếng Tagalog - Phi luật
tân). Bằng lăng mọc rất nhiều ở vùng Đông Nam phần Việt Nam, nên còn có một
tên rất Nam kỳ là cây xăng lẻ. Cây bằng lăng thuộc loại thân đại mộc, cao tới
20m, tróc vỏ như cây phong, cành cao, thẳng, dẻo như cây ổi. Tán dầy.
Lá hình bầu dục hay giáo dài. Cụm hoa hình thang, mọc ở ngọn các cành. Nụ hoa
hình cầu, 6 cánh mỏng, ngắn, quăn queo. Trái bằng lăng thuộc loại quả nang,
bên ngoài có cánh dài bao bọc. Hạt có cánh mềm.
Trái bằng lăng chua chua chát chát
Thời ấu thơ mình làm tiệc nhà chòi
Trái thì nhỏ, bàn tay mình cũng nhỏ
Đủ để cầm chục mười tám trái thôi - Thu Nguyệt
Hoa có mùi ngai ngái, mộc mạc:
Góc phố cũ có hoa bằng lăng nở
Xao động chiều hương tím trong mưa – Lê Hòang Anh
Hoa bằng lăng ở quê hương nở tím những sắc riêng tư, thì ở
xứ người, cũng có một lòai hoa tím buồn rười rượi cả những con đường rộng.
Màu PHƯỢNG TÍM làm thêm nhung nhớ sắc màu bằng lăng hò hẹn đã xa năm nào:
Cali phượng tím rộ đơm bông
Cứ ngỡ bằng lăng mới chạnh lòng
Dụi mắt nhìn da nhăn mấy nếp
Tuổi thơ ngày ấy có còn không? - Trường Phong
Ở California, người ta trồng rất nhiều cây Jacaranda
Acutifolia, thuộc họ Bignoniaceae, còn gọi là Jacaranda Ovalifolia, gốc gác từ
châu Mỹ La tinh, để làm cây cảnh ven đường hay trong các công viên, cành và
lá có dáng, vẻ giống như cây phượng vỹ ở quê nhà, mà người Việt Nam mình gọi
tên một cách rất tự nhiên là cây phượng tím. Thi sỹ Nguyễn Nam An trong bài
thơ “Phượng“ có mấy câu:
Phượng ở công viên nở toàn hoa tím
Phượng xưa đỏ cành đã bỏ đi đâu
Phượng của tình tôi nhánh sầu tay hái
Phượng nay đường dài mình chẳng gặp nhau
Cây phượng tím thân mộc, cao trung bình từ 3-10 m.
Cành nhánh thì dài và thẳng. Tàn lá thưa thớt, đường kính 3- 7m.Lá kép 2 lần,
có hình lông chim mọc đối, thưa với các lá phụ xếp sát nhau, giống như lá loại
cây trinh nữ, nên còn có tên là Jacaranda Mimosifolia. Hoa hình ống, dài từ 4
đến 5m, có lông tơ, mọc thành từng chùm. Thời gian từ lúc hoa nở đến lúc hoa
tàn rụng kéo dài khoảng 3 đến 5 ngày. Các hoa chùy ở đầu cành lại tiếp tục nở,
nên cây có hoa thường xuyên trong vòng vài tháng. Hạt rất nhỏ. Cây trồng chừng
hai năm là có hoa.
Cám ơn thế gian đã tặng mình
Màu hoa phượng tím giữ nguyên trinh
Chan chứa tình yêu bao chuyện kể
Màu hoa màu lá thật chân tình - LC
Nơi tôi ở, dù thuộc miền Nam California, trời tháng 5,
tháng 6 mỗi sáng sớm cũng còn có sương mù, huống chi mùa đông và mùa xuân.
Trong cái mờ mờ như hư, như thực của buổi ban mai chưa có nắng, sương mù như
có màu tím lam của hàng hoa phượng tím. Bởi vì, hoa đã hòa lẫn vào trong
sương, không thể phân biệt - Nhưng rồi nắng cũng lên, sương rồi cũng tan. Một
ngày mới rồi cũng bắt đầu- Những hàng phượng tím lại lung linh trong nắng sớm,
nắng chiều:
Nắng chiều nghiêng xuống thật im lìm
Tìm đâu lại được dáng hoa yêu
Cánh hoa phượng tím màu nhung nhớ
Tim tím hồn ta dáng mỹ miều - LQ
Nhưng đối với tôi, màu hoa phượng tím trong nắng lại không
đượm như lúc ẩn trong sương :
Los Angeles đang vào hạ
Em hãy nhìn kìa: cây lá xanh
Thành phố đẹp ghê!
Hoa tím nở
Sương mù nhỏ hạt, nắng long lanh - Trần Vấn Lệ
Tim tím hồn ta là màu hoa trên những con đường kỷ niệm, những
con đường cũ mênh mông, những con đường mặn mà của ngày xưa:
Từ dạo người đi xa cách biệt
Lá sầu khô úa bóng chơi vơi
Gió lung linh động, hồn lay nhẹ
Phượng tím ngày xưa vẫn đợi chờ - QH
Màu hoa tím trong tâm hồn tuổi mới lớn. Cái màu tím ngan
ngát đâu dễ nhạt phai. Những con đường hoa tím rơi rơi trải đầy lối đi, vướng
trên tóc người - Những con đường hoa tím của lứa đôi, của những người yêu
nhau đưa đón trưa chiều:
Con đường em về ban trưa
Hoa tím bâng khuâng đợi chờ
Tuổi em vừa tròn mười bảy
Tóc em vừa chớm ngang vai
à Con đường em về năm xưa
Có biết hay chăng bây giờ
Hoa tím thôi không chờ nữa
Chỉ còn ta đứng dưới mưa - Cao Vũ Huy Miên
”Kỷ niệm đong đầy, ở đó tâm hồn ta trẻ mãi với hoa tím, với
ngày xưa “- CVHM - “Kỷ niệm những con đường mang dấu chân em bước qua. Con
đường chưa quên tên bàn chân. Bàn chân đã lãng quên con đường nhỏ. Con đường
vẫn đợi, mà đâu thấy, đâu thấy dấu chân em…Đôi bàn chân nào. Để hoa tím rơi
đầy trên sân“- Thanh Tùng
Và những đường em đã đi qua
Anh gọi tên bằng một loài hoa
à Anh ngập ngừng hôn lên
mi người em gái biết yêu âm thầm
như một loài hoa tím
à Người em gái đi xa
Mang theo trong hồn
Những bông hoa tím phai màu - Tôn Thất Lập
Bông hoa của những loài hoa tím này nở khắp cây, trải khắp
cả những con đường như một giải tím trên những hàng cây cao. Những con đường
được trồng riêng một loại cây, nên hoa của chúng nở những màu tím riêng biệt,
sắc thái khác nhau. Những đóa hoa tím này không nở đơn lẻ từng bông, mà mỗi
bông hoa nở là một chùm nở, một cây nở, một con đường nở hoa đồng loạt, giống
như hòa nhịp vào một bản đồng ca với đất trời. Để mình hẹn nhau cuối đường
hoa tím:
Ngày sẽ đến
và mùa sẽ qua
Một chiều gió về
Kỷ niệm rớt trên tay
Hoa vẫn nở bên đường
Xin em hãy nhận lấy
Một đóa cuối chiều,
tim tím bâng khuâng – Bùi Thanh Tuấn
Những con đường hoa tím với những cành chi chít hoa giao
nhau trên không, kết thành những vòm che kín bầu trời. Những con đường hoa
tím mang tên “con đường bằng lăng, con đường phượng tím, con đường SẦU ĐÔNG,
con đường ngô đồng à“
Lá sầu đông rụng vàng chiều đông
Cho hoa trắng đơm mùa xuân tím
Đến rồi đi tình yêu ẩn hiện
Hương sầu đông tìm em giêng hai - Võ Quê
Cây sầu đông có tên khoa học là Melia Azedarach, tiếng Anh
gọi là China ball tree. Cây sầu đông đơm trái vào cuối mùa thu, trái to bằng
ngón tay út của người lớn, có màu xanh ửng vàng, khi già đổi qua màu nâu đen
đậm, héo khô cũng chưa lìa cành. Sầu đông – Nôm na là sầu vào mùa đông. Thật
vậy, vào mùa đông cây trông buồn bã, cô độc vì trơ cành, trụi lá trong gió lạnh
Rồi cuối cùng em cũng ra đi
Tháng chạp- Mùa đông gió lùa hun hút
Anh lang thang dưới hàng cây ngơ ngác
Cây sầu đông đứng dưới trời mưa -TNNĐ
Nhưng chỉ cần một chút hơi xuân trở về trong không khí là
cây bừng tỉnh, đầu cành mơn mởn lộc non, vì lá sầu đông mọc thành từng chùm
nhỏ ở đầu cành. Sầu đông ra hoa từ tiết Lập xuân cho đến tiết Xuân phân (tháng ba). Hoa sầu đông màu trắng sữa, phơn phớt tím, vì giữa hoa có lấm tấm
những điểm nhỏ màu tím nhạt:
Hoa sầu đông nở trắng
Hương xuân thầm lan xa
à Đã qua mùa lá rụng
Nụ xanh cành non tươi - Võ Quê
Hoa có hương thơm thoang thoảng, ngất ngây:
Như hương hoa xoan bên thềm
Nhẹ nhàng nhưng ngất say - Tuấn Khanh
Và hương hoa lan tỏa khắp không gian:
Tháng ba nở trắng hoa xoan
Sang ra mặt đất lan toàn mùi hương - Chế Lan Viên
Hoa sầu đông là hoa xoan, thường được nhắc đến trong văn
chương, thi ca.
“Ngắm nhìn cánh hoa xoan li ti nhè nhẹ, có cảm giác
cởii bỏ hết mọi ưu tư muộn phiền. Cám ơn hoa xoan khẽ khàng dẫn tôi vào khung
trời mộng mơ, biết yêu thương hờn dỗi. Chẳng biết từ lúc nào, những cánh xoan
nở trong góc vườn yên tĩnh, vương vấn đầy sức ám ảnh trong tôi. Phải rồi ngày
đó, chính loài hoa nhỏ bé, mỏng manh e dè ấy đã cho tôi biết nói lời cảm xúc
để một ngày kia, giật mình nhận ra thiếu nữ nhà bên đang làm duyên con gái“-
Trần Văn Toản
Ngày ấy tình yêu còn rất trẻ
Anh vin cành, em nhặt tím hoa xoan
Chỉ biết say mê, chẳng biết lỡ làng
Đầy ắp lối đi về hò hẹn - Bùi Kim Anh
Người Việt Nam mình hay cho thêm hoặc chữ “tây“, hoặc chữ
“ta“ vào tên gọi đồ ăn, thức uống, nhiều vật dụng sinh hoạt hàng ngày...và
cả vào tên hoa lá để phân biệt chủng loại. Thông thường, vật có tên gọi với
chữ ta nhỏ bé hơn vật có tên gọi với chữ tây! Bởi thế nên cây “xoan ta” và
cây “xoan tây” quả có “hai phương trời cách biệt“. Hoa xoan tây là hoa phượng
đỏ:
Từ buổi chàng xa non nước này
Em buồn ngày có tới đêm nay
Xoan tây trước bến hai lần đỏ
Lệ nhỏ hai lần, chàng có hay - Lưu Trọng Lư
Hoa xoan ta là hoa sầu đông:
Thềm xoan
tim tím mùa bông
Thuở hai đứa
tập
làm chồng vợ nhau
Rồi em quên
thoáng
tình đầu
Ta ru ta
trắng
nhánh sầu đông mưa - Nguyễn Đăng Trình
Trong khi người miền Bắc gọi sầu đông là xoan ta, thì người
miền Trung gọi sầu đông là thầu đâu, do đó dễ bị lầm lẫn với cây sầu đâu. Là
một loại cây có rất nhiều ở miền Nam, ở các tỉnh giáp giới Campuchia như An
giang, Châu đốc. Trong khi hoa sầu đâu (màu trắng) và lá non được dùng làm
gỏi, gọi là gỏi sầu đâu thì hoa và lá sầu đông( xoan ta) độc, không ăn được
vì vị đắng, lại có chất độc, có thể dùng diệt sâu. Chắc vì vậy mà gốc xoan
không bị mọt, nên gỗ xoan được ngâm nước dùng làm giường ngủ, làm nhà: cột
cái, cột con, quán gánh, cây đầu, đòn tay à Người xưa có câu: “Lấy vợ đàn
bà, làm nhà gỗ xoan“. Gỗ xoan có hai loại: xoan trắng và xoan đào, xoan trắng
dẻo hơn xoan đào, nhưng vân gỗ xoan đào lại đẹp hơn.
Hoa xoan đã rụng tím bên thềm
Xao xuyến lòng anh thương nhớ em - Lê Hiếu Anh
Từ màu trắng phơn phớt tím trinh bạch, nhẹ nhàng của hoa sầu
đông, bắt đầu ra hoa khoảng cuối đông - Sang đầu hè, hoa bằng lăng nở vội
vàng tím độ xuân thì, những vẻ tím riêng tư hòa cùng màu mực tím học trò - Đến
hoa phượng tím ửng sắc lam, trang điểm cho đường phố thì ta phải kể đến cái
màu tím hồng tĩnh tại, làm sáng cả không gian Huế vào thời kỳ đơm hoa của NGÔ
ĐỒNG HUẾ;
Lạ quá! Sao lòng cứ nhớ nhung
Dáng ai đứng tựa cội ngô đồng
Nụ cười phơi phới theo màu áo
Còn lại cho tôi những cánh hồng - HPNT
Cây ngô đồng cao, thẳng vút, màu xám trắng, dáng cây bị coi
là lỏng khỏng vì tàn thưa, lá ít, không đủ bóng mát.
Cây chỉ thực sự đẹp vào mùa ra hoa.
Lá ngô đồng to bằng hai bàn tayngười lớn, hình tim, trông giống như lá cây bạch
dương (populus), cuống lá dài bằng thân lá. Thật ra, cây có hai kiểu lá:
Trong thời kỳ cây còn non thì hầu hết các lá có hình dáng 5 thùy; Ở cây trưởng
thành lá có 3 thùy hoặc phân thùy.Cây ngô đồng - Firminia simplex L mọc tự
nhiên ở các tỉnh miền Nam Trung Hoa và các tỉnh miền Bắc Việt Nam. Loài
Firminia simplex này có hoa tập hợp thành chùm đầy lông, màu vàng hay trắng
vàng. Trong khi cây ngô đồng ở Huế có điểm nổi bật là hoa đực tạo thành chùm
hoa hơi khác: toàn bộ trục hoa và đài hoa đều được phủ đầy lông màu tím. Do vậy,
khi hoa nở rộ, nhìn giống như hoa đào.
Theo tác giả Đỗ Xuân Cẩm trong bài
“cây Ngô Đồng ở Huế “ thì cây ngô đồng ở Huế là một thứ biến chủng của loài
Firminia simplex L, và xin được gọi là ngô đồng Huế. Hoa ngô đồng Huế nhỏ li
ti như hột cườm, nở thành từng chùm khi những chiếc lá bắt đầu lìa cành. Lá rụng
đến đâu: hoa nở đến đó. Sau khi cây đã hoàn toàn rụng lá, cả cây chỉ có hoa
là hoa. Ở những cây non, hoa ra muộn hơn và lá rụng cũng chậm hơn, nên cây vừa
có hoa, vừa có lá.
Hoa Ngô đồng tím ngắt chiều thơm
Anh mời em ngắm màu hoa tím
Hiểu nhau rồi tình yêu bất biến
Chim phượng hoàng gọi bạn đậu cành ngô - Võ Quê
Trong khi ngô đồng Huế theo khí hậu, thổ ngơi của miền
Trung Việt Nam mà ra hoa vào trung tuần tháng hai âm lịch (tháng ba dương lịch), thì hoa ngô đồng ở Trung Hoa hay Nhật Bản nở vào mùa thu. Đây là cây ngô đồng
mà chỉ một chiếc lá rụng, mọi người cùng biết mùa thu đã về.
Ngô đồng nhất diệp lạc
Thiên hạ cộng tri thu
Cây ngô đồng mà từng chiếc lá lìa cành, hòan thành phận sự
của nó rồi rơi rụng là nguồn cảm hứng vô tận của thi nhân yêu mùa thu. Trước
hết là trong những câu thơ Đường:
Kim tỉnh ngô đồng thu diệp hoàng -Vương Xương Linh
( Lá ngô đồng mùa thu bên giếng đã vàng úa)
Ngô đồng dương liễu phất kim tỉnh - Lý Bạch
(Ngô đồng, dương liễu chạm vào giếng vàng)
Trong “Đoạn Trường Tân Thanh“ của thi hào Nguyễn Du:
Nửa năm hương tiếng vừa quen
Sân ngô, cành biếc đã chen lá vàng
Thú quê thuần hức bén mùi
Giếng vàng đã rụng một vài lá ngô
”Lá ngô đồng không vàng rực rỡ, cũng không phai như màu lá
mùa thu khác, mà lá ở giữa vàng, xám và xanh, như được chồng mờ lên nhau với
những bước chuyển đậm nhạt chân phương và tài hoa của người nghệ sỹ tạo hóa,
đã lặng lẽ đổ cả mùa thu lên màu lá, rồi âm thầm bỏ đi, để lại sau lưng bao nỗi
ngậm ngùi“- NXH. Những chiếc lá ngô đồng rụng mà thi sỹ Bích Khê đã nhìn thấy
và cảm nhận từ văn học cổ điển Trung Hoa, khi đất trời sang thu trong bài “ Tỳ
Bà “:
Ô hay! Buồn vương cây ngô đồng
Vàng thu, vàng thu rơi mênh mông
Cây ngô đồng luôn luôn được xem như một loài cây đẹp một
cách thanh khiết trong văn chương, nghệ thuật Trung Hoa, kể cả văn học dân
gian. Từ ca khúc dân gian nổi tiếng “Khổng Tước Phi“ Thời Hán, tả tâm sự của
một đôi vợ chồng đã cùng nhau tự sát để giữ trọn lòng chung thủy - Cả hai được
hợp táng bên núi Hoa sơn; Phía đông , phía tây trồng tùng, bách; Hai bên tả,
hữu trồng ngô đồng, cành lá sum suê, trong đó có cặp chim uyên ương ngày đêm
hót líu lo, không bao giờ rời xa nhau – Đến ca khúc của Khổng Minh/ Gia Cát
Lượng hát khi Lưu Bị đến cầu hiền lần thứ nhứt trong tích “ Tam cố thảo lư”:
Phượng ngao tầng ư thiên nhận hề
Phi ngô bất thê!
Sĩ phục xử ư nhất phương hề
Phi chúa bất y!
(Ý nói chim phượng chỉ đậu cành ngô, kẻ sỹ chỉ thờ chân chúa)
Chim phượng và cây ngô đồng là biểu hiện cho những gì cao
quý trong văn chương Trung Hoa. Chẳng vậy mà trong Nam Hoa Kinh của Trang Tử,
chương Nước Thu, phần Ngoại Truyện (bản dịch của Nhượng Tống) có ghi: “Phương Nam có giống chim, tên nó là Uyên Sồ. Uyên Sồ cất cánh từ biển Nam,
bay sang biển Bắc … Phi Ngô đồng chẳng đậu, phi hạt luyện chẳng ăn, phi suối
ngọt chẳng uống“.
Phượng hay Phụng, cũng gọi là Uyên Sồ, là chim trống; Còn
Hoàng hay Loan, là chim mái Phượng Hoàng/ Phụng Loan trong thần thoại Á đông
tương đương với Phoenix trong thần thoại Tây phương. Thi bá Đỗ Phủ trong bài
“Thu cảm“ có hai câu:
Hương đạo trắc dư anh vũ lạp
Bích ngô thê lão phương hoàng chi
(Những hạt lúa sót lại sau khi chim anh vũ ăn rồi
Cành ngô biếc trên đó chim phượng hoàng đậu nghĩ đến già)
Ngay trong thế kỷ 20, 21 này, thi nhân Việt Nam cũng có người
cảm nhận “chim phượng hoàng đậu cây ngô đồng, dây cát đằng nương bóng tùng
quân“ như thi sỹ Hoàng Lộc:
Khi vác đời làm gã tình si
Ta ngạo nghễ như cây tùng trăm thước
Tình ta hiếm, là cành ngô xanh mướt
Vì chờ em,sắp sẵn một đời
Ta từng coi khinh những giống chim ngu
Gặp nhánh cây nào cũng sà cánh đậu
Những thứ cây leo tường bám giậu
Thà chịu đời vất vưởng có hơn không?
...Khắp đất cùng trời mất dấu phượng hoàng xưa
Ta lại vác đời tình - đi - cuối mặt
Cái bóng ngô đồng trong ta queo quắt
Đã chắc một đời phải chịu cành không!
Là dây cát đằng, em mọc ở cội tùng
Là phượng hoàng, em tìm cành ngô mà đậu
Tìm không ra cành ngô?
Hãy bật lời thảm tử
Chẳng thấy cây tùng
Hãy tự héo khô đi!
Cây ngô đồng hơn 200 năm trước, đã được đưa từ Quảng Đông,
miền Nam Trung Hoa về trồng đầu tiên tại điện Cần Chánh - Đại Nội Kinh Thành
Huế, dưới triều vua Minh Mạng. Sau đó, vua cho binh lính lên núi tìm kiếm
thêm cây về trồng ở các góc điện. Nhưng không phải ai cũng biết đến cây ngô đồng
mà “cái tên được xưng tụng trong văn chương“ này, thậm chí còn lẫn lộn cây
ngô đồng với cây vông đồng hay cây vông nem nữa là khác.
Cây vông đồng, còn gọi là Mã đậu, Bã đậu thuộc họ Thầu dầu, tên khoa học là
Hura Crepitans L. Cây to lớn; Tàn lá dầy; Thân đầy gai; Lá hình tim, mép lá gợn
sóng; Hoa vông đồng màu đỏ chói; Trái tròn, có khía, hình giống bánh xe, khi
chín phần trong hóa gỗ, khô dần rồi nứt ra, nổ tung phát thành tiếng.
Cây vông đồng là lòai cây phát tán mạnh, có khả năng tái sinh tự nhiên, và mọc
hoang ở nhiều nơi khác nhau. Cây được trồng ở đầu làng, đầu đình, trước am miếu
hay hè phố để lấy bóng mát.
Cây vông nem thuộc họ Đậu, tên khoa học là Erythrina variegala L. Cây
cao10-20cm. Thân cây và cành có gai ngắn, mọc hoang ở nhiều nơi, từ miền núi
đến đồng bằng, nhất là vùng ven biển. Cây thường được trồng cho dây trầu hay
dây tiêu leo, làm hàng rào. Hoa vông nem màu đỏ, mọc thành chùm rất đẹp, nở
sau khi lá rụng. Lá già được dùng để gói nem chua (nên có tên gọi là vông nem), lá non nấu canh ăn dễ ngủ, lá phơi khô dùng làm thuốc an thần nhẹ. Trái
màu đen, hơi hẹp lại giữa các hạt. Gỗ vông nem đốt cháy cho một thứ than xốp
dung làm thuốc súng rất tốt.
“Và sao lại có sự lẫn lộn trên? Chắc chắn vì tình trạng thiếu chính xác hiện
nay về tên địa phương của các loài thực vật. Thế nhưng, hai chữ ngô đồng đã
được thơ văn nói đến từ mấy nghìn năm, tưởng nên cẩn thận, đừng để người thường
có thể hiểu lầm rồi mỉa mai như một nhà văn nọ mà tôi quên tên: “Các nhà thực
vật học quá bận rộn về nghệ thuật làm khổ bông hoa, để rồi sau đó nguyền rủa
chúng bằng tiếng Latin, nên ít khi họ có thì giờ lưu ý đến văn chương!”- (Nguyễn Hữu Đính)
Cây ngô đồng huyền thoại - Chỗ đậu của chim phượng hoàng đã
di cư từ phương bắc xuống phương nam, đến trú ngụ ở Huế, đã tự thay đổi theo
khí hậu, thổ ngơi để trở thành ngô đồng Huế. Những cây ngô đồng này đã làm một
cuộc hành trình như Huyền Trân công chúa nhà Trần “Nước non ngàn dặm ra đi –
Bước đi vào lòng muôn dân“ đổi về hai châu Ô , Rí (Lý) – Để cho đến bây giờ,
mỗi khi chiều xuống châu Thuận, châu Hóa ngày xưa/ xứ Huế ngày nay ngập tràn
một màu tím Huế – “Có lẽ màu tím Huế là màu của thiên nhiên nơi đây. Khung
trời chiều chắc đã tím mênh mang cả nghìn năm trước khi con người có mặt. Phụ
nữ Chiêm Thành, những người đẹp thuở sơ khai của châu Ô, châu Rí ưa mặc màu
tím. Cho đến ngày nay vẫn còn thông dụng trong đời sống và sinh hoạt văn hóa
truyền thống của họ”- ( Trần Kiêm Đoàn )
Nhất Chi Mai đem tỉa cành bứng gốc
Nơi đất người nở rực đóa hoa vương
Trên ngôi cao ngự hoàng hậu Mán Mường
Ba dải đất một mình ta lệ thấm
...Chiêm quốc hỡi!
Đây thân bằng quyến thuộc
Sao hồn ta vẫn quay quắt đi tìm
Hương xưa nào vương vấn mãi trong tim
Hương hoa tím đượm tình quê ta đó - Tiểu Thơ
Màu tím vốn là màu của tình yêu và lãng mạn, nhất là khi
nguồn thi ca lãng mạn của Pháp truyền vào Việt Nam theo phong trào Tiểu thuyết
và Thơ mới. Những đóa hoa Violette, Pensée à tím ngát của Tây phương đến Việt
Nam, trổ đầy hương sắc, gợi nhớ êm đềm, bên cạnh quen thuộc của màu tím hoa
sim, màu tím mồng tơi, màu tím bằng lăng à như nhạc sỹ Hoàng Trọng trong nhạc
phẩm “Tôi vẫn yêu hoa màu tím“:
Tôi đã yêu hoa màu tím
Tôi đã hay mơ thầm kín
Hay đứng bên song trông áng mây trôi lướt dang ngàn nơi...
Tôi vẫn yêu hoa màu tím
Nên mãi ôm duyên thầm kín
Yêu thiết tha nhưng không nói nên câu âm thầm u sầu.
Sắc tím bằng lăng đã dìu dặt, sâu lắng vào tâm hồn của đòan
người tiền phong vào miền Nam khai khẩn đất hoang ngày xưa qua những điệu hò,
câu hát cải lương truyền cảm: ”Gió lên lay động hoa bằng lăng ơi thiết tha.
Hoa mặn nồng. Hoa diễm kiều.Này hoa tươi thắm hoa ơi. Cũng như câu chuyện
tình ta ơi thiết tha ... tưng tưng từng từng tưng tứng tứng tưng từng“. Hoa
bằng lăng ở đây biểu hiện cho tình yêu sắt son. Màu hoa bạt ngàn thủy chung
nói giùm cho những lứa đôi lời yêu không dám ngỏ.
Một nỗi nhớ, một niềm mong
Một chút tình yêu ở trong lòng
Hoa đến bên ta cùng giấc mộng
Bằng lăng sắc tím nhớ mênh mông
Hỡi người, người có nhớ ta không? - Cao Xuân Thanh
Bằng lăng đã từ miền Nam, ngược đèo Hải Vân, vượt ngàn cây
số để đến hội ngộ kinh thành Huế, hội ngộ Hà Nội ngàn năm văn hiến , như một
thiếu nữ miền Nam chân chất giữa kẻ chợ phồn hoa. Bằng lăng đã sống mãi trong
hồn người tha hương một màu tím đượm buồn, để nơi xứ người, màu tím nhẹ nhàng
của phượng tím cũng từ từ đi vào kỷ niệm của người Việt nơi đây như trong bài
thơ “Hoa Lòng“ của nữ thi sỹ Sương Mai:
Tôi trở về đây thấy phố phường
Y như ngày cũ thuở còn thương
...Từng chùm hoa tím nghiêng trong nắng
Mỗi một chùm hoa một nỗi sầu ...
Tôi trở về đây thành phố Los
Đứng nhìn hoa nở dạ nao nao
...Những hàng Phượng tím còn nguyên đó
Gợi lại trong tôi một nỗi buồn
Thời gian trôi biền biệt, nhưng tâm hồn ta còn giữ lại một
chút gì gợi nhớ: cái nhìn, nụ cười, ngọn gió, giọt nắng, hạt mưa à bên những
màu hoa tím trác tuyệt đó. Những cây hoa tím nhiều sắc màu, nhiều cung bậc
tím khác nhau cùng góp mặt để cho ta những con đường hoa tím vấn vương.
Nhớ gì? Không lẽ mùa hoa tím?
Không lẽ sương mù nhỏ hạt rơi?
Không lẽ hàng cây chưa có bóng?
Tình nhân ai đó chửa chung đôi
… Anh nói như là đang cô đơn
Thật ra em chẳng đứng bên đường
Chỉ mình anh với hàng hoa tím
Với nắng đi tìm một chút sương - Trần Vấn Lệ
”Những con đường chạy vòng quanh ký ức, mãi mãi đâu hề
thoát ra, loanh quanh trong tâm tưởng, gợi những thơ ấu xa xăm, như ta chưa từng
lớn. Ta lại nhìn thấy ta trên những con đường hoa tím ấy, tưởng đã thất lạc tự
bao giờ, giữa dòng đời nhốn nháo“- (TTSH)
Con đường, đường đầy hoa
Con đường, đường có ta
Ngoảnh lại năm tháng cũ
Vẫn y nguyên như là - Lê Hân
”Có ai níu được sư ra đi của thời gian bằng chính sự hiển
hiện của thế giới tự nhiên giàu sắc gợi cảm“ - (NT Anh Đào) - Những con đường
hoa tím đã có và sẽ còn mãi mãi: dù quá khứ đã qua, tương lai ai biết, chỉ rõ
an trú trong hiện tại - Những con đường hoa tím ngày tháng mang đi hương hoa
dịu dàng, nhẹ nhàng xao xuyến, man mác không gian, tím ngát thời gian.
Xuân Phương
|
eva air việt nam
gia ve may bay eva di my
số điện thoại hãng korean air
vé máy bay giá rẻ đi mỹ khuyến mãi
săn vé máy bay giá rẻ đi canada
Cuoc Doi La Nhung Chuyen Di
Ngẫu Hứng Du Lịch
Tri Thức Du Lịch