Chủ Nhật, 20 tháng 9, 2015

Hương đêm cuối hạ

Hương đêm cuối hạ
  Khi cái nắng hè tung lửa đã dịu bớt, bản giao hưởng muôn đời của loài ve cũng đã ngớt miên man, phượng đã thôi trút cơn mưa cánh hồng về đất thì cũng là lúc mùa Lộc Vừng trổ hoa, một mình cài trâm tự làm đám cưới.  
  Không rực rỡ sắc màu, không ngào ngạt hương thơm, mùa hoa Lộc Vừng đến và đi lặng lẽ. Chỉ có hương Lộc Vừng ngai ngái mê hoặc lòng người yêu mến cái tĩnh lặng mà tinh khiết của hương đêm cuối hạ.
  Đường phố và ven hồ như thơ mộng hơn, trữ tình hơn và mướt mát hơn khi mùa Lộc Vừng đến. Những dải hoa Lộc Vừng buông lơi trên nền rêu cũ, thả chiếc mành mành thiên nhiên. Những dải hoa du dương theo làn gió nhẹ phô diễn vẻ đẹp kiêu sa có một không hai, như nàng con gái khuê các đến tuổi cập kê, cài lên mái tóc xanh những chiếc trâm hồng ngọc.
    Sau tết nguyên đán, qua giêng hai, tiết trời ấm hơn, Lộc Vừng trổ chồi tím biếc như những chiếc mỏ chim xinh xắn. Thoắt một cái, những chiếc mỏ chim bé nhỏ ấy thành lá non, những tán tròn rườm rà xanh tốt. Lộc Vừng rộ hoa vào dịp tháng sáu tháng bảy và rải rác đến tận  tháng mười một mười hai. Cuối mùa, hoa kết thành những chùm quả hình thoi bốn cạnh, bóc lớp vỏ xanh, bên trong quả là màu hồng tươi trong suốt...
   Thuở nhỏ nơi sơ tán, khi trẻ con làng tôi quất trâu ra chòm đồng là bắt đầu các trò chơi mà không biết đã có tự bao giờ. Trẻ con làng cứ thế mà lớn lên bên nhau cùng với các trò chơi ấy. Bọn con trai bắt cua nướng, bọn con gái nhặt hoa Lộc Vừng kết thành tràng hoa đội lên đầu chơi trò đám cưới. 
  Quê tôi Lộc Vừng nhiều lắm, mọc khắp nơi từ bờ ao, ngõ xóm đến những bờ đê, ngái ngái hương đêm, đậm trong ký ức tôi đến tận bây giờ. 
  Vậy là đã 40 năm. Cây Lộc Vừng bên mái chùa cổ kính Tường Vân vẫn nép mình vào vách núi Đốn Sơn mà hưởng cái mát rượi hơi nước của con sông Cầu Chày mỗi ngày và hưởng cái hơi đêm sương lạnh của núi tỏa ra mỗi đêm mà nõn nà trong ngọc như gái  làng tôi vào hội tháng tư, đầu quân khiêng kiệu Thánh Trần. 
Lộc Vừng hồ Gươm
 Thành phố khi trời còn mờ sáng, trên con đường đến trường, Lộc Vừng rụng đỏ ngã tư. Một cái gì rất đỗi thân quen vụt trở về. Tôi dừng xe và lấy chiếc điện thoại 5.0 ra bấm và bấm... những cánh hoa đêm qua rụng xuống như trải thảm, như người ta vãi ngô, hồng mặt đất. Trẻ con phố giờ này còn đang ngủ, trẻ con phố không chơi hoa Lộc Vừng rụng...Thời sinh viên sống thủ đô, chiều hồ Gươm thả bước, tóc mây lả lướt ven hồ, lũ con gái chúng tôi mơ màng với những vốc hoa Lộc Vừng kết những hình trái tim đỏ thắm, mơ về một tình yêu thắm màu. Kỷ niệm như mới hôm nào mà đã xa vời vợi...
  Trường tôi từ ngày mới sáp nhập, thầy hiệu trưởng đã cho mang về đây mấy cây Lộc Vừng cổ thụ, trồng trong khuôn viên giảng đường, cành cây vươn lên tận cửa sổ hành lang tầng hai. Mỗi ngày, Lộc Vừng tha hồ đón cái phóng khoáng gió và đẫm đìa sương của đất trời mà tươi tốt, mà tỏa sâu hương vào đêm một mùi thơm tươi ngai ngái, mát lành không thể mát lành hơn được nữa.
    Những ngày cuối hạ, khi tuổi trời đã cho mình sự nhạy cảm giao mùa, sự cảm nhận rõ rệt về thời gian đang đi qua ngay trong chính con người mình... tôi bỗng sinh ra hay hoài cổ nhớ thương, tiếc nuối, hay ngẫm ngợi... 
 Khu nhà K có kết cấu vuông là giảng đường năm tầng với giếng trời ở giữa chừng hơn trăm mét vuông cũng được trồng một cây Lộc Vừng cổ thụ to lớn, hết mùa cũng trút lá, nảy lộc theo đất trời... Thiếu cái nắng mai rười rượi và ngọn gió mát lành nên cằn cỗi, sâu sia, xơ xác. Hoa cũng không phải là thứ hoa mà người ta ngóng đợi. Cây cối còn thế huống chi...! Đêm đêm chỉ có con Vạc về trú ngụ làm bạn.
     Con đường của mặt trời mỗi ngày đã dịu nắng khi đi và đêm về đã bắt đầu lành lạnh hơi sương gió. Một mùa hoa Lộc Vừng nữa lại trôi qua...
 Đặng Phương Mai
Theo http://sentichmich89.blogspot.com/

1 nhận xét:

  Thơ có cần thiết cho đời sống? 10 Tháng Ba, 2023 Trong kỷ nguyên nghe nhìn, thơ đang có khoảng cách với đời sống. Độc giả thèm khát nh...