Đốt trái tim trầm gửi gió hương
Mỗi khi nhìn thấy ở đền chùa một người ngồi cho chữ, mỗi lần
năm mới đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám thấy những ông đồ thời hiện đại, tôi lại nhớ
đến một người cũ nổi tiếng tôi có duyên may gặp trò chuyện nhiều lần khi làm
phóng viên tác nghiệp: nhà thơ Vũ Đình Liên, tác giả bài thơ “Ông Đồ”.
Bộ ba Trần Văn Lưu – Vũ Đình Liên
Bùi Xuân Phái (từ trái
qua)
Tôi gặp nhà thơ Vũ Đình Liên lần đầu khoảng năm 1992, vào dịp
chị Vũ Mỵ Hằng - con gái nhà văn Vũ Trọng Phụng xây được ngôi mộ rất đẹp cho
cha ở làng Mọc, nhân kỷ niệm tròn 80 năm ngày ông sinh. Nhà văn của những Số
đỏ, Giông tố, Làm đĩ…sống, viết và chết trong bần hàn, giờ có được ngôi mộ
khang trang do con gái báo hiếu nên các nhà văn, nhà thơ tập trung khá đông để
mừng. Phỏng vấn Vũ Đình Liên, một người của “muôn năm cũ” về cha đẻ
của Xuân Tóc Đỏ ngay bên mộ của ông là một kỷ niệm thú vị không dễ quên.
Bẵng đi ít lâu, khi tôi hỏi nhà nghiên cứu Nguyễn Hào Hải về
chuyện họa sĩ Dương Bích Liên đốt chiếc ghế duy nhất mà ông có để duy trì hơi ấm
trong đêm đông cho thiếu nữ - người mẫu và cũng là duy trì cảm hứng nghệ thuật
nơi ông để hoàn thành một bức tranh, anh Hải tình cờ có nhắc đến chuyện hay ngồi
uống ở một quán bia ngay gần Gác Hương Lửa của nhà thơ Vũ Đình Liên. Tôi lên
Gác Hương Lửa ở chỗ góc đường Bà Triệu cắt Trần Nhân Tông, Hà Nội hỏi chuyện Vũ
Đình Liên chung quanh Thơ Mới nhân kỷ niệm 60 năm khởi đầu của phong trào
này.
Rồi tôi lại nảy ra ý định tìm gặp tất cả những người được
Hoài Thanh - Hoài Chân điểm tên trong “Thi nhân Việt Nam” còn sống
cho đến lúc đó để viết bài “Những người cuối cùng của phong trào Thơ Mới”. Lại
có dịp đến để hỏi chuyện Vũ Đình Liên. Tóm lại thời gian đó, tôi trở thành người
quen của ông, thỉnh thoảng qua lại thăm hỏi, trò chuyện.
Rồi một hôm, tôi đến thì người con trai cho biết ông đã bị lẫn.
Quả thật, lúc đó ông đã yếu lắm, nằm trên giường, nói vài câu vô nghĩa.
Rất may là trước đó, tôi đã hỏi ông tường tận về bài thơ “Ông
Đồ”.
Tôi quan tâm đến Vũ Đình Liên trước hết vì ông là tác giả bài
thơ “Ông Đồ”. Tự mình đọc bài thơ đã thấy hay, lại càng phục hơn khi đọc
những dòng mà các tác giả “Thi nhân Việt Nam” dành cho ông: “Ít khi
có một bài thơ bình dị mà cảm động đến vậy…”, “Theo đuổi nghề văn mà làm được một
bài thơ như thế cũng đủ. Nghĩa là đủ để lưu danh, đủ với người đời”.
Thú vị là Vũ Đình Liên kể rằng ông làm được bài thơ đó là nhờ…
lấy vợ. Vợ ông là người ở phố Hàng Bồ, Hà Nội. Ông nhìn thấy ông đồ ấy, bằng da
bằng thịt ngồi trên vỉa hè Hàng Bồ. Lúc đó Hàng Bồ là một phố bán hàng tạp phẩm,
đủ thứ từ xà phòng, diêm, giấy, bút, mực,…Chắc chắn đó là một ông đồ nghèo, vì
ông không có sẵn giấy. Khi có người đến mua chữ, ông mới chìa tay vào hàng bán
giấy phía sau nói bà ơi, cô ơi cho tôi xin tờ giấy. Mua tờ nào trả tiền tờ ấy.
Bà chủ của một hàng bán tạp hóa như thế là mẹ vợ Vũ Đình Liên. Vợ ông cũng từng
bán giấy cho ông đồ ấy. Khi Vũ Đình Liên lấy vợ năm 1935 thì Hán học đã suy vi
lắm rồi, ông đồ đã quá vắng khách. Năm 1936, ông viết “Ông Đồ”.
Nhà thơ Vũ Đình Liên
“Ông Đồ” là hoài cảm sâu xa về một thời Nho học. Khi văn
minh phương Tây tràn vào với sắt thép và công nghệ, với sơ mi, com lê và bánh
mì, bơ sữa,…,với tư tưởng tân tiến của các nhà triết học, nhà văn, nhà thơ
Pháp, nếp sống cũ bị lung lay tận gốc, Nho học bị tàn lụi nhanh chóng.
Thi Nhân Việt Nam có viết rằng chính Vũ Đình Liên trong một bức thư gửi các tác
giả cuốn sách có nói rằng ông đồ ấy “chính là cái di tích tiều tụy đáng thương
của một thời tàn”. Hoài Thanh - Hoài Chân bình luận khi đọc “Ông Đồ”: “Tôi
tưởng như đọc lời sám hối của bọn thanh niên chúng ta đối với lớp người đương
đi về cõi chết… Đã lâu lắm chúng ta chỉ xúm nhau lại chế diễu họ quê mùa, mạt
sát họ hủ lậu. Cái cảnh thương tâm của nền Nho học lúc mạt vận chúng ta vô tình
không lưu ý. Trong bọn chúng ta vẫn có một hai người ca tụng đạo Nho và các nhà
nho. Nhưng chế diễu, mạt sát không nên, mà ca tụng cũng không được. Phần đông
các nhà nho còn sót lại chỉ đáng thương. Không nghiên cứu, không lý luận, Vũ
Đình Liên với một tấm lòng dễ cảm đã nhận ra sự thực ấy và gián tiếp chỉ cho ta
cái thái độ hợp lý hơn cả đối với các bậc phụ huynh của ta. Bài thơ của người
có thể xem là một việc nghĩa cử”.
Vũ Đình Liên sinh năm 1913, tức khi viết “Ông Đồ”, ông
23 tuổi. Ngoài việc ở cái thời đột biến về văn hóa ấy, nhiều nhà văn, nhà thơ
vượt lớn hơi xa so với tuổi thì Vũ Đình Liên viết được bài thơ không chỉ khái
quát được tất cả sự suy tàn của nghìn năm Nho học mà còn tỏ được thái độ cần có
(như các tác giả “Thi nhân Việt Nam” viết) với một thời đại, một lớp
người đang trôi vào quá vãng như thế còn là do ông thấm đẫm tri thức và văn hóa
Đông – Tây. Trong một bài phỏng vấn cách nay đã 20 năm, tôi hỏi và ông đã đáp
thế này:
- Bài thơ mở đầu bằng hoa đào, mà nó lại là sự hoài cảm
về một thời Nho học. Vậy hoa đào của bác có mang chút hương sắc nào của “hoa
đào năm ngoái còn cười gió đông” không?
- Vâng, nó nở ra từ chính cái câu thơ của Thôi Hộ đời Đường “Đào
hoa y cựu tiếu đông phong” đã được Nguyễn Du Việt hóa một cách tài tình
trong Kiều thành “Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”. Trong máu mỗi nhà
thơ Việt Nam giai đoạn đó đều có một chút thơ Đường.
- Nhưng “Ông Đồ” là một bài thơ của phong trào Thơ Mới,
hẳn trong nó cũng có một chút “chất Pháp”?
- Chính thế. Nhà thơ Pháp thế kỷ XV Francois Villon có
làm một bài ballade “Những người mệnh phụ xưa”, trong đó có những câu, tạm dịch
là: “Đừng hỏi những người phụ nữ xưa ấy bây giờ ở đâu / Những người tài hoa,
son trẻ ấy tìm lại thế nào được / Tuyết mỗi năm tan một lần / Làm sao tìm được
tuyết năm xưa”.
Đó là những câu thơ nổi tiếng bậc nhất thơ Pháp xưa và nay.
Hai câu kết trong bài “Ông Đồ” “Những người muôn năm cũ / Hồn ở đâu bây giờ” chịu
ảnh hưởng của Villon.
“Ông Đồ” là bài thơ mà các tác giả “Thi nhân
Việt Nam” phải chịu là “kiệt tác”. Có lẽ sau một đỉnh cao như thế, Vũ Đình
Liên cảm thấy khó có thể chinh phục đỉnh cao hơn. Từ cuối những năm 30 ấy, ông
đã tiết lộ với Hoài Thanh rằng “đã từ lâu tôi không làm thơ nữa” lý do ông nại
ra là không tin thơ ông có giá trị. Hoài Thanh- Hoài Chân cũng viết rằng ông rời
thi đàn vào khoảng sau năm 1937. Nhưng nàng thơ đâu dễ bỏ đi như thế. Năm 2013,
kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, người ta nói ông có đến 4.000 bài thơ mà hầu
hết chưa công bố. Hồi tôi hay đến, lần nào Vũ Đình Liên cũng nói đến việc sắp
xuất bản một tập thơ có tên “Người kỹ nữ cầu trò”. Không hiểu sao hồi đó
tôi không xin ông cho xem bản thảo. Không biết đó chỉ là ước mơ của một ông già
gần đất xa trời hay đúng là có một bản thảo sẵn sàng in như thế. Chỉ nghe ông
tiết lộ rằng, chủ đề tập thơ là tình thương. “Nó chính là Tỳ bà hành của Bạch
Cư Dị đấy, chỉ có là ở hai thời đại khác nhau mà thôi” - Ông nói với tôi
khi ấy.
Tranh Ông Đồ - cắt giấy của Bùi Xuân Phái
làm năm
1976. Trần Chính Nghĩa chụp lại.
Gia đình giữ bản quyền.
“Ông Đồ” hay và nổi tiếng nên nó mang lại cho ông những
thứ vô giá. Một trong số đó là tình bạn khăng khít với những văn nghệ sĩ nổi tiếng
như họa sĩ Bùi Xuân Phái, nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu. Vũ Đình Liên kể rằng Bùi
Xuân Phái ba lần làm tranh “Ông Đồ”. Bức thứ nhất khi các ông còn chưa
quen nhau. Đó là một tranh cắt giấy. Ông Phái làm vào khoảng năm 1957. Ông Lưu
bạn ông thích nên ông tặng luôn. Ông kể: “Khi người ta đưa tôi đến nhà ông Trần
Văn Lưu ở 11, Hàng Bông, Hà Nội để xem nó, tôi đã lặng cả người. Tôi ngắm bức
tranh vừa xúc động, vừa lấy làm lạ là tại sao một người không quen lại có
thể vẽ một bức tranh thấm đẫm cái hồn mà tôi muốn thể hiện trong bài thơ đến thế.
Mà có khi còn hơn nữa. Bức tranh làm tôi thấy bài thơ của mình nói chưa hết,
chưa đủ. Sau khi gặp mặt Bùi Xuân Phái, tôi có làm bài thơ “Gửi Bùi Xuân Phái” như
sau: Người bảo tranh anh vốn sẵn buồn/ Như thơ tôi vẫn cứ thương thương/
Anh, tôi đâu phải không vui lắm/ Nhân thế vì rằng chửa sướng luôn/ Có lẽ loài
người da bọc thịt/ Há như giống sói mõm phanh sườn/ Thiêu thân nghệ thuật là
duyên nghiệp/ Đốt trái tim trầm gửi gió hương”.
Vũ Đình Liên cũng kể bài thơ được Bùi Xuân Phái chép lại theo
kiểu thư pháp rất đẹp và lấy câu kết “Đốt trái tim trầm gửi gió hương” làm
tên bài. Họa sĩ còn vẽ một cái vi nhét hình trái tim đang bốc ngọn lửa mà sau
này ông Liên lấy làm biểu trưng, làm huy hiệu cho riêng mình và in vào tất cả
những gì ông thích. Ông cũng đặt tên cho căn gác nhỏ của ông là Gác Hương Lửa.
Điều thú vị là Vũ Đình Liên cũng nhiều lần trở lại với hình ảnh
ông đồ trong thơ. Ông có làm thêm 2 -3 bài. Một trong số đó có tên “Bóng
ông đồ” (hay còn gọi là “Ông đồ II”), như sau: Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bút nghiên và giấy đỏ/ Ngồi đúng chỗ ngồi xưa/ Ôi! Cái
nghiệp nghiên bút/ Tô điểm cho cuộc đời/ Người chết nghiệp không chết/ Nợ tiền
kiếp luân hồi/ Trải trăm ngàn dâu bể/ Giấy mực màu không thay/ Chữ Nhân và
chữ Nghĩa/ Vẫn những nét thẳng ngay/ Ông đồ vẫn ngồi đấy/ Khăn áo bạc màu
dưa/ Nhắc cho người qua thấy/ Lẽ nhân đạo, thiên cơ.
Tôi đọc bài thơ này bỗng tự hỏi phải chăng Vũ Đình Liên đã dự
cảm rồi cuộc sống luân hồi, văn hóa tuần hoàn, có ngày thú chơi chữ, chơi thư
pháp lại trở lại, như ngày hôm nay? Có thể như vậy, mà có thể là không, chỉ là
thêm một lần ông ước vọng, ông hoài cảm.
Hồi ông mất ngay trước Tết Bính Tý 1996, tôi có viết bài tiễn
biệt ông. Lúc đó lác đác hoa đào nở. Tôi nghĩ đến mấy câu kết trong bài thơ của
ông: “Năm nay đào lại nở/ Không thấy ông đồ xưa/ Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ”, và viết câu kết cho bài báo của mình: “Hồn của ông chắc
đang phiêu diêu về với thế giới của những ông đồ. Chỉ tiếc ông không còn được thấy
hoa đào năm cũ trong một mùa xuân mới đã cận kề”.
Ông Đồ
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa, rồng bay
Nhưng mỗi năm, mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu
Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay
Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
Vũ Đình Liên
Theo http://www.tienphong.vn/
eva air vietnam
giá vé máy bay từ sài gòn đi mỹ
hãng máy bay korean air
vé máy bay đi mỹ khoảng bao nhiêu
Vé máy bay đi canada
Cuoc Doi La Nhung Chuyen Di
Ngau Hung Du Lich
Tri Thuc Du Lich