Có thành ngữ “nước mắt cá
sấu” để ám chỉ những giọt nước mắt giả dối. Nhưng dường như với nhà văn Nam
Cao, ông là không tin vào hình ảnh đó, ý nghĩa đó. Ông tỏ ra là người rất tin
tưởng vào giọt nước mắt hướng thiện, thiên lương của con người. Nhà văn đã có
hẳn một truyện ngắn mang tên Nước mắt. Ông lấy lời của nhà văn, nhà
thơ Pháp Francois Coppée (1812 - 1908) làm đề từ cho truyện ngắn của mình: “Người
ta chỉ xấu xa, hư hỏng trước đôi mắt háo hoảnh của phường ích kỷ ; và nước mắt
là một miếng kính biến hình vũ trụ.” Qua lời đề từ ấy, ta có thể hiểu được
cách nhìn đời, nhìn người của nhà văn hiện thực và nhân đạo. Với “đôi mắt ráo
hoảnh của phường ích kỷ”, tức là với cái nhìn hời hợt, nông nổi, hẹp hòi, lạnh
lùng, người ta chỉ thấy thế giới này toàn là xấu xa, hư hỏng, toàn là cái
đáng buồn, cái làm cho ta buồn.
Ngược lại, nếu cảm nhận cuộc
sống và con người bằng “nước mắt”, tức là đánh giá, nhìn nhận bằng tình
thương và sự trân trọng, bằng trách nhiệm, ta có thể thấy vũ trụ này “biến
hình”, nghĩa là ta có thể bắt gặp những vẻ đẹp cao quý, thánh thiện ngay
trong những điều tưởng chừng như là “gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa,
bỉ ổi …”. Với “đôi mắt” của tình yêu thương, tin cậy, ta có thể đi
sâu phát hiện bản chất đích thực của con người và cuộc đời.
Nói cách khác, lời của nhà
văn Pháp cũng là chân lý nghệ thuật của Nam Cao: vấn đề không phải người ta
nhìn thấy cái gì, mà quan trọng hơn là người ta nhìn thấy như thế nào, bằng
cách nào; “đôi mắt” đúng đắn nhất - cách nhìn đời, nhìn người đúng
đắn nhất – là dựa trên tình thương, dựa trên chủ nghĩa nhân đạo cao quý. “Một
tác phẩm thật giá trị phải vượt lên bên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn,
phải là tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng một cái gì lớn
lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn, lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình
bác ái, sự công bình…Nó làm cho người gần người hơn.” (Đời thừa)
Với một quan niệm như thế,
nhà văn “Nam Cao đã để lại những áng văn nóng hực của một nhân cách và một
tài năng lớn” (Chu Văn Sơn)(1). Bằng lòng yêu thương, gắn bó, ân tình
sâu nặng đối với những người nghèo khổ, Nam Cao đã hướng đến những số phận hẩm
hiu, bị bần cùng đến mức thê thảm. Trong Một đám cưới, vì nghèo mà gia
đình Dần ly tán. Dần phải cho cưới vì khi mẹ Dần mất, nhà không còn một đồng
xu nào, đã nhận của người ta hai mươi đồng bạc cưới. Sau đám cưới, người cha
phải ngược lên rừng kiếm ăn, các em Dần thì gửi nhờ hàng xóm. Lão Hạc trong truyện
ngắn cùng tên thì không còn gì để ăn, vì phải giữ lại mảnh vườn cho con nên
ăn bả chó tự tử. Nhân vật Hộ, Thứ, Điền…(trong Đời thừa, Sống mòn,
Trăng sáng…) phải luôn đối mặt với gánh nặng áo cơm, luôn điên người lên để
xoay tiền, đã không ít lần cư xử thô bạo với vợ con.
Nam Cao không chỉ nhìn thấy
bi kịch của sự đói nghèo, đôi mắt nhân đạo sâu sắc, mới mẻ của nhà văn còn
giúp ông phát hiện những tấn bi kịch tinh thần đau đớn, day dứt, nhưng không
kém giằng co, dữ dội trong tâm hồn những con người cùng khổ(trong Lão Hạc,
Chí Phèo, Đời thừa, Sống mòn …). Ở đây, Nam Cao đã phát hiện ra những cái chết
(cái chết sinh học của lão Hạc, Chí Phèo, cái chết tinh thần của Hộ, Thứ …)
nhưng đó là những “cái chết đòi được sống.”
Ở một số tác phẩm, nhất là
những tác phẩm viết về người nông dân, bằng cái nhìn tuy lạnh lùng, tỉnh táo
nhưng không “ráo hoảnh”, Nam Cao còn phát hiện một quy luật của xã hội
cũ. Đó là sự hà hiếp, áp bức, bóc lột tận cùng của giai cấp thống trị đã đẩy
những người dân nhỏ bé, tội nghiệp đến sự tha hoá, đánh mất lòng tự trọng, mất
lương phẩm. Một bà lão ngót nghét bảy mươi, đói đến mức nghĩ ra một kế : lần
mò đi kiếm một bữa ăn trong sự mắng nhiếc sa sả của bà phó Thụ. “Một bữa
no” của bà lão già ốm yếu, đói vàng cả mắt ấy, tội nghiệp thay, cay đắng
thay, là một bài học cho những ai cố “ăn tộ vào” vì “người ta
đói đến đâu cũng không thể chết, nhưng no một bữa là đủ chết.”! Anh cu Lộ (Tư
cách mõ) là “một anh mõ chính tông”, “cũng đê tiện, cũng lầy
là, cũng tham ăn” và càng lúc càng “tiến bộ mãi trong nghề nghiệp
mõ. Người ta càng khinh hắn, càng làm nhục hắn, hắn càng không biết nhục.” Nhà
văn đã lý giải nguyên nhân của sự tha hoá của những kiếp người cùng khổ ấy là
do hoàn cảnh, do sự đẩy đưa, thúc ép của hoàn cảnh. Vì thế trên những trang
văn chua xót ấy, người đọc vẫn cảm nhận được ân tình của nhà văn đối với các
nhân vật của mình.
Một mặt, Nam Cao không bao
giờ nhìn cuộc đời bằng “con mắt ráo hoảnh của phường ích kỷ”, mặt khác
nhà văn luôn nhìn nhận, đánh giá con người và cuộc sống bằng nguyên tắc của
tình thương. Nếu nhìn nhận cuộc đời bằng nước mắt – tức là con mắt của tình
thương – thì “vũ trụ sẽ biến hình”, “cuộc đời chưa hẳn đã đáng buồn, hay
vẫn đáng buồn nhưng lại đáng buồn theo một nghĩa khác”(Lão Hạc). Trong những
con người bất hạnh vẫn âm ỉ cháy những đốm lửa nhân tính. Họ là những người “đáng
kính”, bậc chí thiện, những thiên lương cao quý. Và những lúc nhân vật Nam
Cao trở lại nguyên vẹn bản chất tốt đẹp, lương thiện, đúng nghĩa của hai chữ
CON NGƯỜI, thì giọt nước mắt lại xuất hiện, lại lấp lánh trên những con chữ,
những trang văn của ông.
1. Gần như truyện nào cũng
có giọt nước mắt
Truyện của Nam Cao trước
Cách mạng là những câu chuyện buồn về kiếp sống lay lắt, xác xơ của những người
nông dân khố rách áo ôm hay những người trí thức thường xuyên thất nghiệp, quẩn
quanh ở xó nhà quê hay những xóm trọ nghèo nàn. Vì thế có thể thấy gần như
truyện nào của Nam Cao cũng đều có giọt nước mắt. Hình ảnh nước mắt xuất hiện
với tần số khá cao vì cuộc đời nhân vật Nam Cao đều là những tấn bi kịch.
Ngay cả truyện ngắn mang tên là Cười thì cái cười cũng là tiếng
khóc lộn ngược. Nhân vật “hắn” lúc “mỉm cười với trăng”, khi“cười
khanh khách”, “cười rũ rượi, cười ngặt nghẽo” bởi với hắn tiếng cười
là “liều thuốc giải uất”. Tiếng cười “tự kỷ ám thị” hắn cứ phải
dùng hoài vì không lúc nào là gia đình không túng bấn, vợ chồng không cãi
nhau, con lúc nào cũng nheo nhéo, the thé khóc, vợ lúc nào cũng nhăn nhó, gắt
gỏng. “Nhà um lên những tiếng dứt lác, dằn vặt, hắt hủi và khóc lóc.” Hắn
cười vì hắn “sợ cái chết trong lúc sống : cái chết đáng buồn của những
người sống sờ sờ ra đấy, nhưng chẳng dùng sự sống của mình vào công việc gì
…”
Đám cưới lẽ ra là chuyện
vui, là hạnh phúc nhưng Một đám cướicủa Nam Cao thì chẳng khác chi một
đám ma, thậm chí một đám ma nhà nghèo. Cả nhà gái nhà trai chỉ vỏn vẹn có sáu
người. Ông bố vợ kéo mấy cành rào rấp ngõ và đám cưới ra đi. Mẹ chồng quần đụp,
áo vá. Cô dâu sụt sịt khóc, đi bên cạnh mẹ chồng. Chú rể dắt đứa em lớn. Thằng
bé thì ông bố cõng. “Cả bọn đi lủi thủi trong sương lạnh và bóng tối như
một gia đình xẩm lẳng lặng dắt díu nhau đi tìm chỗ ngủ …” Một đám cưới
nhưng thực chất là chia người ra để chạy trốn cơn đói. Sau đám cưới là gia
đình phân ly. Vì vậy ban đầu Dần “sụt sịt khóc” rồi Dần “khóc
nấc lên, nức nơ”, “thằng lớn chực khóc, thằng bé ngây mặt ra, người cha
thấy lòng thổn thức…”
Nam Cao có hẳn một truyện
đặt tên là Nước mắt đẫm đầy nước mắt: nước mắt đầm đìa của Điền, của
cái Hường – con Điền, nước mắt giàn giụa của ông Phán láng giềng nhà Điền. “Chỉ
vì người nào cũng khổ cả, vì người nọ cứ tưởng vì người kia mà khổ” nên “nghiến
rứt” nhau, đối xử “tàn nhẫn” với nhau, “làm khổ lẫn
nhau”.
Rồi Sống mòn, Trăng
sáng, Đời thừa, Chí Phèo, Lão Hạc, Từ ngày mẹ chết, Bài học quét nhà, Dì Hảo,
Điếu văn…truyện nào cũng chan chứa, đầm đìa những giọt nước mắt
cay đắng, tủi cực…góp phần làm nên một đặc điểm thi pháp truyện Nam Cao trước
Cách mạng.
2. Giọt nước mắt gắn liền
với những cảnh đời bi kịch
Nghệ thuật miêu tả tâm lý
nhân vật của Nam Cao không tách rời những vấn đề xã hội. Xã hội thực dân
phong kiến Việt Nam trước năm 1945 là một xã hội bất công, phi nhân tính,
giam hãm con người triền miên trong đói khổ, tù túng và dốt nát. Không phải
ngẫu nhiên mà GS. Nguyễn Đăng Mạnh đã nhận xét truyện Nam Cao xoay
quanh vấn đề cái đói và miếng ăn. “Nếu như tác phẩm của Ngô Tất Tố là tiếng
kêu cứu đói, thì ở tác phẩm của Nam Cao lại là tiếng kêu cứu lấy nhân cách,
nhân phẩm, nhân tính của con người đang bị cái đói và miếng ăn làm cho tiêu
mòn đi, thui chột đi, huỷ diệt đi.”(2) Với những người nông dân đáng
thương, Nam Cao đã tập trung khắc hoạ bi kịch quẫn bách vì bần hàn, đói rách,
thậm chí vì thấp cổ bé họng mà họ còn bị bọn thống trị dồn đẩy vào ngõ cụt
nên quay ra chống trả bằng con đường tha hoá, lưu manh hoá. Vì cứ phải triền
miên đối mặt với đói rét, ốm đau nên các nhânvật của Nam Cao hay khóc. Đằng
sau luỹ tre xanh, đây đó lại dội lên tiếng khóc của những cố nông than thân
trách phận, hờn trời oán đất, kể lể tình cảnh bi ai của mình.
Một bữa no là một tiếng
khóc như thế. Bà cái Tý đã phải nhịn đói mấy hôm rồi nên bà hờ con suốt đêm,
bà hờ thê thảm lắm, bà khóc đến gần mòn hết ra thành nước mắt. Đến gần sáng
thì bà không còn sức mà khóc nữa. Vì vậy mà óc bà “sáng suốt”, bà nghĩ ngợi
và tìm ra một kế : bà đi “ăn rình” nhà bà phó Thụ một bữa ! Bà lão bằng mọi
giá phải được “một bữa no” trong sự lườm nguýt, chì chiết, nhục mạ của bà
phó. Bà ăn ngay, ăn vội vàng, lập cập vì sợ người khác ăn hết. Rồi bà còn cạo
nồi sồn sột, bà trộn mắm, bà rấm nốt. Nam Cao bề ngoài có vẻ thản nhiên, lạnh
lùng miêu tả chậm rãi từng chi tiết nhưng kỳ thực trang văn đã đẫm đầy những
giọt nước mắt thương cảm, chua xót trước cảnh vì đói khát mà có những người
nông dân phải đổi nỗi khổ về vật chất lấy nỗi nhục về tinh thần, từ bỏ cả
lòng tự trọng và nhân cách con người.
Dì Hảo là một truyện
gần như không có chuyện, xoay quanh cuộc đời buồn tủi, bất hạnh của dì Hảo từ
ngày dì đi lấy chồng, một người chồng không yêu dì, mà lại còn khinh dì
nữa. Dì phải nai lưng đi làm nuôi hắn. Mỗi ngày người đàn bà nhẫn nại ấy kiếm
được hai hào. Dì ăn có năm xu. Còn một hào thì hắn dùng vào uống rượu. Khi
ông trời bắt dì phải đẻ một đứa con, đứa con chết mà dì thì tê liệt, mỗi ngày
không còn hai hào nữa, hắn đã chửi nhiều lắm. “Dì Hảo chẳng nói gì. Dì
nghiến chặt răng để khỏi khóc nhưng mà dì cứ khóc. Chao ơi ! Dì Hảo khóc. Dì
khóc nức nở, khóc nấc lên, khóc như người ta thổ. Dì thổ ra nước mắt.” Nhưng
rồi bệnh dì cũng qua, dì Hảo lại đi làm, lại có tiền, người chồng bỗng trở về,
về với một người vợ theo trơ tráo. Ban đầu thì dì ngạc nhiên, rồi tức tối
nhưng rồi dì nhẫn nại : nếu hắn không về thì cũng thế.
“Dì chẳng hé răng
nói nửa lời nhưng dì khóc ngấm ngầm khi chúng cười vui”. Rồi đến một ngày
không thấy con vợ bé đâu, hắn lại uống rồi hắn lại chửi. “Dì Hảo cắn
răng lại để cho khỏi khóc nhưng cứ khóc”. Cuối cùng hắn lại bỏ đi. “Dì Hảo
ngạc nhiên, rồi tức tối. Sau cùng thì dì nhẫn nại. Phải, nhẫn nại là hơn : nếu
hắn cứ ở nhà thì cũng thế.”
Truyện về nông thôn của
Nam Cao cũng không thiếu giọt nước mắt của trẻ thơ – những nạn nhân tội nghiệp
của sự thiếu đói, nghèo túng. Trong Bài học quét nhà là bé Hồng mới
có năm tuổi“có một lúc kia, ngước đôi mắt giàn giụa nước mắt nhìn bố như cầu
cứu” khi người mẹ vì “lo lắng quá” mà sinh ra có cử chỉ “vô
lý và tàn nhẫn” đối với con. Từ ngày mẹ chết, ba năm là chuỗi
ngày đẫm đầy nước mắt của Ninh và Đật, nhưng thê thảm nhất là ngày thầy Ninh
bán nhà vì thua xóc đĩa. Người ta đến dỡ nhà, tiếng dùi đục chan chát nghe
ghê rợn như tiếng đóng cá chiếc săng của mẹ, Ninh mếu máo rồi Ninh oà lên
khóc. Bữa tiệc thịt chó của một thằng-cha mất hết tính người là một bữa khóc
của một người mẹ rất còm cõi và bốn đứa con gầy ốm. “Thằng cu Con khóc
oà lên. Nó lăn ra, chân đập như một người giãy chết, tay cào xé mẹ. Người mẹ
đỏ mũi lên và mếu xệch đi, rưng rức khóc. Cái Gái và cu Nhớn, cu Nhỡ cũng oà
khóc theo.” (Trẻ con không ăn được thịt chó)
Năm 1941, Chí Phèo được
in thành sách lần đầu với cái tên Đôi lứa xứng đôi, người ta đã nhận thấy
đây là tấn bi kịch thê thảm nhất của người dân cày trong xã hội cũ. Chí Phèo
là một cố nông lương thiện đã từng có mơ ước hết sức bình dị “một gia
đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải, chúng lại bỏ một con lợn
nuôi để làm vốn liếng, khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm.” Nhưng Bá
Kiến vì ghen tuông đã đẩy Chí Phèo vào tù. Nhà tù thực dân đã biến anh nông
dân cố cùng nhưng lương thiện ấy thành một tên lưu manh. Tiếng chửi mở đầu
truyện lúc Chí Phèo say rượu, khật khưỡng giữa đường làng với ba con chó dữ
tưởng chừng như không gì điên rồ hơn. Ai lại đi chửi Trời, rồi chửi Đời, chửi
cả làng Vũ Đại, chửi những ai không chửi nhau với hắn và chửi cái đứa chết mẹ
nào đã đẻ ra thằng Chí Phèo. Song, cứ xem xét cách thu hẹp dần đối tượng từ
không đâu nhất, xa xôi nhất đến sát sạt hơn, ta sẽ hiểu đó không phải là tiếng
chửi của kẻ say không biết trời đất là gì. Nhà văn viết : “Giá hắn biết
hát thì có lẽ hắn không chửi. Khổ cho hắn và khổ cho người, hắn lại không biết
hát. Thì hắn chửi…” Bài chửi kia là bài hát lộn ngược của Chí Phèo. Cũng
có thể nói bài chửi kia là âm bản của tiếng khóc của một linh hồn méo mó và
đau khổ, tiếng khóc khắc khoải của loài “quỷ dữ” !
Nếu ở đề tài về người nông
dân, Nam Cao thường đi vào những bi kịch của sự bần cùng hoá, lưu manh hoá
thì với đề tài người trí thức tiểu tư sản, Nam Cao xoáy vào bi kịch bị vỡ mộng,
bi kịch chết mòn của họ. Môi trường sống của họ là những không gian chật hẹp,
tù túng, quẩn quanh, suy nghĩ của họ cũng trơ nên tầm thường, nhỏ nhen, vô vị.
Đời họ thường không có biến cố gì to tát nhưng lại không thiếu những sự kiện
làm cho buồn đau đến tê tái, u uất.
Trong Đời thừa, văn sĩ Hộ nhiều khi
không chịu nổi cái không khí bực tức ở trong nhà, “hắn đang ngồi bỗng đứng
phắt lên, mắt chan chứa nước, mặt hằm hằm, vùng vằng đi ra phố, vừa đi vừa nuốt
nghẹn.” Điền trong Trăng sáng đang ngắm trăng, thả hồn vào
trong giấc mộng văn chương lãng mạn thì vụt cái trăng mất đẹp : trong nhà đưa
ra tiếng vợ gắt gỏng, tiếng nức nở, nôn oẹ của đứa con gái. Điền cúi mặt, bẽn
lẽn như bị bắt gặp làm việc xấu. “Một nỗi chua xót gần như là thuộc về
thể chất, ứ lên trong lòng Điền. Nó dâng lên đến cổ, xông lên óc. Nước mắt Điền
ứa ra.” Nhà văn Điền trong Nước mắt nhiều lần “tưởng có
thể khóc oà lên được” vì nhọc, vì nhục, vì những lớp buồn tủi chất chứa
thêm vào lòng… Đó là những giọt nước mắt cay đắng, bất lực, bế tắc của những
người trí thức vốn đa sầu, đa cảm, đa đoan lại phải sống trong một môi trường
luôn “đầu độc” con người.
3. Giọt nước mắt là biểu
hiện của nhân tính
Giọt nước mắt trong truyện
Nam Cao giai đoạn trước Cách mạng đều là những giọt nước mắt gắn liền với những
số phận đầy bi kịch bị thử thách khốc liệt bởi cái đói, cái nghèo nhưng vẫn cố
giữ lấy nhân phẩm, nhân cách trong sạch, cao đẹp. Nhìn đời bằng đôi mắt nhân
đạo, Nam Cao quan niệm giọt nước mắt là biểu hiện của tính người, là tiêu chuẩn
để xác định giá trị con người, phân biệt con người và con vật. Nước mắt được
nhà văn sử dụng như một phương tiện để nhân vật bộc lộ mình, nỗ lực vươn lên.
Quan trọng hơn, nước mắt được nhà văn xem là một tín hiệu nghệ thuật để “biến
hình vũ trụ”, từ bề ngoài tưởng chừng như xấu xa để đi vào khám phá bản
chất lương thiện.
Với trình độ mới của chủ
nghĩa hiện thực, Nam Cao chủ trương đi sâu miêu tả, phân tích thế giới nội tâm
con người. Truyện ngắn Lão Hạc là quá trình từng bước một để ông
giáo nhận ra bản chất đích thực của lão Hạc. Chi tiết lão Hạc bán cậu Vàng thật
đắt. “Lão cố làm ra vẻ vui vẻ. Nhưng trông lão cười như mếu và đôi mắt ầng
ậng nước.” Rồi “mặt lão đột nhiên co rúm lại. Những vết nhăn xô lại
với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng
móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc…” Đó là tiếng khóc của một
con người suốt đời chưa hề lừa dối ai, vậy mà giờ đây đã trót lừa một con
chó. Vì thế đó là tiếng khóc ân hận, ray rứt đến đau đớn. Sâu xa hơn, khi chứng
kiến cái chết vật vã dữ dội của lão Hạc, chúng ta càng hiểu thêm nguyên cớ tại
sao lão day dứt như thế khi bán con chó.
Bán chó là chấm dứt niềm hy vọng
ngày con trở về, bán chó là chuẩn bị cho cái chết của mình. Bán chó là chuyện
hệ trọng bậc nhất của đời lão Hạc vì vậy lão khóc, khóc cậu Vàng, khóc cậu
con trai và khóc cho chính mình. Giọt nước mắt lão Hạc tuy thê thảm nhưng lại
có sức toả sáng vẻ đẹp của một bậc chí thiện.
Cuộc đời nhân vật Chí Phèo
đã thê thảm thì càng thê thảm hơn từ khi gặp thị Nở. Bởi vì chỉ khi gặp thị Nở,
Chí Phèo mới ý thức được tình trạng tha hoá của mình. Nhận bát cháo hành từ
tay thị Nở, ban đầu hắn ngạc nhiên, rồi hắn thấy “mắt hình như ươn ướt.” Sự
thức tỉnh của các nhân vật của Nam Cao đều cùng với nước mắt và bằng nước mắt.
Chí Phèo cũng vậy. Sống trong xã hội làng Vũ Đại khô héo tình người, giọt nước
mắt Chí Phèo tưởng đã khô cạn, tiêu tan nhưng hoá ra vẫn chảy len lỏi, âm thầm
và trong suốt. Nước mắt đã chảy là tính người đã hồi sinh, con người lương
thiện đã hiện nguyên bản. “Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hoà với mọi
người biết bao! Thị Nở sẽ mở đường hắn.”
Nhưng bà cô thị Nở đã gạt
phắt một cách phũ phàng, đánh vỡ mơ ước được sống cho ra một con người của
Chí. Đau đớn cùng cực, Chí Phèo lại mang rượu ra uống. Nhưng lần này khác tất
cả mọi lần, càng uống hắn lại càng tỉnh ra. “Hắn ôm mặt khóc rưng rức”.
Hy vọng : khóc, tuyệt vọng : khóc. Khởi đầu sự tỉnh thức là nước mắt và cuối
cùng cũng lại là nước mắt. Nhưng nếu khởi đầu là giọt nước mắt cảm động, ăn
năn thì cuối cùng là giọt nước mắt tuyệt vọng.
Các nhân vật trí thức của
Nam Cao càng có nhiều lần “khóc cho cái chết của chính tâm hồn mình.” Giáo
Thứ (Sống mòn) nghe tin Đích sắp chết, một ý nghĩ vụt loé lên trong
óc “giá Đích chết ngay đi”, Thứ “chẳng rỏ được một giọt nước mắt
nào tuy lòng y cũng bồi hồi”. Nhưng rồi ngay sau đó nước mắt Thứ ứa ra cho sự
ích kỷ, đồi bại, tàn nhẫn, khốn nạn của mình. Trên chuyến tàu về quê, với ý nghĩ “Đời
y sẽ mốc lên, sẽ rỉ đi, sẽ mòn, sẽ mục ra ở một xó nhà quê. Người ta sẽ khinh
y, vợ y sẽ khinh y, chính y sẽ khinh y. Rồi y sẽ chết mà chưa làm gì cả, chết
mà chưa sống”, Thứ “thấy nghẹn ngào”, khóc cho kiếp sống mòn (hay chết
mòn) trong vô vị, vô nghĩa, vô vọng của mình.
Trong truyện ngắn Đời
thừa, nhân vật Hộ khi tỉnh rượu, nhớ lại hành vi cục súc, thô bỉ của
mình, anh đã hối hận đến đau đớn. Nhìn người vợ đáng thương với cái dáng nằm
thật là khó nhọc và khổ não, “Nước mắt hắn bật ra như nước một quả chanh
mà người ta bóp mạnh. Và hắn khóc… Ôi chao ! Hắn khóc ! Hắn khóc nức nở, khóc
như thể không ra tiếng khóc.” Giọt nước mắt của Hộ lúc này là tiếng khóc
hối hận, đau đớn vì thương vợ, thương mình và vì cả giận mình. Chuyện kết
thúc nhưng cuộc đời Hộ chưa khép lại. Cảnh cuối cùng với những giọt nước mắt
Hộ đã làm người đọc ít nhiều hy vọng nó sẽ thanh lọc tâm hồn, nâng đỡ nhân
cách của anh, giữ anh lại trước vực thẳm sa ngã.
Có thể nói, giọt nước mắt
của các nhân vật Nam Cao đều là phần nhân phẩm, nhân tính được cố giữ hay bị
vùi lấp, hễ có cơ hội là trỗi dậy. Chi tiết giọt nước mắt đã thể hiện niềm
tin tưởng, trân trọng của nhà văn đối với con người, thể hiện chủ nghĩa nhân
đạo mới mẻ, sâu sắc của ông. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hoành Khung vì thế đã viết
: “Trong sáng tác, Nam Cao đã nhiều lần đề cập và ca ngợi nước mắt. Nhân
vật tiểu tư sản của ông có không ít tật xấu và lỗi lầm, nhưng thường là những
người hay bị hối hận giày vò và thường khóc vì hối hận. Đó không phải là thứ
hối hận ồn ào, hời hợt của những kẻ lấy việc xỉ vả mình để khoe khoang, cũng
không phải thứ hối hận có chu kỳ của nhiều kẻ tiểu tư sản dùng để xoa dịu cái
lương tâm rách nát của mình trong khi vẫn buông mình theo cái xấu. Mà đó
là sự giằng xé chảy máu của những tâm hồn trung thực, khát khao lương thiện.
Với Nam Cao, nước mắt là biểu tượng của tình thương và giọt nước mắt là “giọt
châu của loài người”, là “miếng kính biến hình vũ trụ.” (3)
Chi tiết nhỏ làm nên nhà
văn lớn. Những chi tiết giọt nước mắt đã góp phần làm nên thành công của nhà
văn lớn Nam Cao. Nó đã khái quát lên một chân lý nghệ thuật: nghệ thuật chân
chính không những tìm thấy cái bình thường trong sự phi thường mà còn phát hiện
cái phi thường trong sự bình thường, thậm chí tầm thường. Chỉ có nhà văn lớn
có khối óc và trái tim lớn mới làm được điều đó.
(1) Nhiều tác giả - Chân
dung các nhà văn Việt Nam hiện đại, tập 1 - NXB Giáo dục, Quảng Bình,
2005, tr 278.
(2) Nguyễn Đăng Mạnh - Nhà
văn Việt Nam hiện đại - Chân dung và phong cách – NXB Trẻ, TP HCM,
2000, tr 283.
(3) Trần Đình Sử (tuyển chọn)
- Giảng văn chọn lọc văn học Việt Nam – NXB Đại học Quốc gia
Hà Nội, 2001, tr 245.
|
eva air ticket
mua vé máy bay đi mỹ hãng eva
korean air vietnam office
vé máy bay khứ hồi đi mỹ giá rẻ
Vé máy bay đi canada
Cuoc Doi La Nhung Chuyen Di
Ngẫu Hứng Du Lịch
Kien Thuc Du Lich