Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2015

Nhạc Trịnh và những nỗi buồn bên đời tôi

Nhạc Trịnh và những nỗi buồn bên đời tôi
Có những buổi chiều chông chênh, tôi tự thấy mình lạc lõng giữa đám đông, giữa dòng đời xuôi ngược, thèm tựa đầu vào vai ai đó, có thể thân quen, hay xa lạ, khóc thật lâu, nghĩ thật nhiều để tìm thấy chút an yên thuở nào. Tôi vô tình nghe được nhạc Trịnh trong một buổi chiều chênh vênh như thế bên thềm dưới hiên một ngôi nhà ngày mưa .
Tôi cứ lẩm nhẩm lời bài hát trong vô thức:
“Vì tôi cần thấy Em yêu đời
Vì tôi cần thấy Em yêu hoài
Yêu phố phường thức dậy
Người đi xây cất những ngày mai.”
(Vì tôi cần thấy em yêu đời)
Thoáng buồn bã, nghĩ ngợi, chiêm nghiệm rồi cũng chợt bình tâm tìm khi tôi hiểu rằng: Đời người như đóa vô thường, thoáng chốc cũng trở thành cát bụi trở về với đất mẹ, cớ chi phải tự đau lòng, tự dày vò bản thân trước những lẽ thường tình của đời người.
Tôi chọn một niềm vui, chọn cách mỉm cười, tự cảm ơn cuộc đời đã cho tôi thêm một ngày để sống, để yêu thương .
Tôi ví nhạc Trịnh như một thân cây cổ thụ vững chãi, nơi tôi ngã lưng, tựa đầu, tìm kiếm sự chở che, là khoảng không thi vị cho những trái tim trót lạc nhịp với người, với đời .
Tôi tự thấy mình có cái duyên với nhạc Trịnh. Tình cờ gặp rồi yêu lúc nào không hay. Tình cảm, suy tư của cố nhạc sĩ gửi trong bài hát mang dáng dấp của triết lí nhà Phật, lẫn những nếm trải của tác giả làm người nghe phải suy ngẫm nhiều, đôi khi chọn làm lẽ sống đời mình. Nhiều người vẫn hay nghi ngại lúc tôi lựa chọn nhạc Trịnh khi bản thân còn quá trẻ, quá trẻ để nếm hết vị đời, để ngẫm và cảm những ca từ hàm súc ấy. Thế nhưng, có lẽ nhạc Trịnh giống như một hương hoa dại chẳng nồng đượm, chẳng ngào ngạt, chỉ thoảng qua nhưng lưu lại rất lâu. Những giai điệu đến ca từ cứ như da diết, ám ảnh, bám chặt vào lòng người .
Mỗi khi va vấp, gặp khó khăn, thỉnh thoảng đôi lần tôi cũng nghĩ đến việc buông xuôi thế rồi nhớ đến “tôi ơi đừng tuyệt vọng”. Tôi từng nghe một câu nói: “hãy biết khắc những thù hận lên cát”. Đúng, thù hận ấy cũng sẽ được lòng biển mẹ bao dung để sóng xóa nhòa trong chốc lát , thay vì cứ sân si với đời, sao ta không chọn cách mở lòng như thể nhạc Trịnh đã làm với bao tâm hồn người .
Như Trịnh Công Sơn đã viết:
Mỗi ngày tôi chọn ngồi thật yên
Nhìn rõ quê hương ngồi nghĩ lại mình
Tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống
Vì sao tôi sống?

Vì đất nước cần một trái tim (Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui).
Vì nếu mỗi người sớm muộn gì cũng trở về với cát bụi, hà cớ gì không sống trọn vẹn cho mình, và không sống vì mọi người, để mọi thứ trở nên có ý nghĩa hơn?
“Hãy yêu ngày tới dù quá mệt kiếp người
Còn cuộc đời ta cứ vui
Dù vắng bóng ai, dù vắng bóng ai...”
(Để gió cuồn đi)
Cái bi ai, đau thương vốn dĩ trong đời ai chẳng trải qua, chỉ khác nhau là cách mà bạn chọn để đối mặt, vượt qua nó như thế nào. Đôi khi tôi nghe nhạc Trịnh rồi để nước mắt rơi một cách tự nhiên nhất chỉ vì thấy mình còn quá non trẻ với đời, với những vui buồn như một lẽ thương tình mà nếu chưa nhìn thấu có lẽ bạn cũng sẽ khó chấp nhận. Bước qua những ngày tháng ấy có lẽ nhạc Trịnh đã trở thành một người tri kỉ của tôi. Lẳng lặng, dịu êm nhưng cũng đầy sức mạnh dìu dắt tôi qua những tháng ngày tuổi trẻ và chắc hẳn là đến khi tôi trở về với đất mẹ.
Huệ Mẫn
Theo http://www.baomoi.com/



1 nhận xét:

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...