Chủ Nhật, 20 tháng 9, 2015

Nhạc sĩ Xuân Hồng với những bài hát về mùa xuân

Nhạc sĩ Xuân Hồng với những bài hát về mùa xuân
Một trong những nhạc sĩ giàu năng khiếu âm nhạc đã trở thành nhạc sĩ của quê hương, viết lên hàng chục tác phẩm có giá trị, phục vụ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc trước đây cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sau này, trong đó có 3 bài hát về mùa xuân được quần chúng nhân dân yêu mến, cổ vũ, đồng nghiệp kính trọng, đó là nhạc sĩ Xuân Hồng.
Mặc dù chưa một lần được gặp ông, nhưng ngay từ những ngày đầu mới cắp sách đến trường nghệ thuật, tôi đã được học ông thông qua một số tác phẩm của ông sáng tác từ những năm đầu thập niên sáu mươi thế kỷ trước. Rồi hình ảnh của ông cứ lớn dần trong tôi theo thời gian năm tháng. Tình cảm ấy không chỉ được xây đắp bằng hàng loạt tác phẩm nổi tiếng của ông, mà còn được nhân lên bằng phẩm chất trung kiên của một người chiến sĩ và đức tính khiêm nhường, ham hiểu biết, tìm tòi, sáng tạo của một nhạc sĩ trưởng thành trong khói lửa chiến tranh, hòa nhịp đập trái tim, hơi thở của mình với trái tim, hơi thở của quê hương đất Việt...
Xuân Hồng, tên khai sinh là Nguyễn Xuân Hồng, sinh ngày 12 tháng 12 năm 1928, quê ở Châu Thành, Tây Ninh. Ông tham gia cách mạng và hoạt động âm nhạc từ thời kháng chiến chống Pháp. Sau Hiệp định Genève, Xuân Hồng không tập kết ra Bắc mà tình nguyện ở lại miền Nam, vừa làm giao liên vừa sáng tác ca khúc. Mặc dù không được đào tạo âm nhạc một cách chính quy như cách nói của chúng ta ngày nay, nhưng với tài năng âm nhạc bẩm sinh lại được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Tây Ninh - một căn cứ cách mạng và là tỉnh vốn có truyền thống âm nhạc dân tộc, cùng với đức tính ham hiểu biết, tìm tòi, sáng tạo..., Xuân Hồng đã để lại cho nền âm nhạc nước nhà nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao. Đáng chú ý là nhiều tác phẩm của ông được ra đời trong khói lửa chiến tranh, đã thắp lên ngọn lửa hy vọng trong hàng triệu con tim yêu chuộng hòa bình trong nước cũng như ngoài nước. Tiêu biểu là những tác phẩm: Bài ca may áo, Xuân chiến khu, Chiếc khăn tay, Hành quân đêm, đặc biệt là Tiếng chày trên sóc Bom Bo v.v... Ông là một trong những người góp công lớn xây dựng nền văn nghệ giải phóng, từng làm Đoàn trưởng Đoàn Văn công Giải phóng, Trưởng Ban Văn nghệ Cục Chính trị Quân Giải phóng. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất nước nhà, Xuân Hồng có ngay tác phẩm Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tác phẩm trẻ trung làm say đắm lòng người hâm mộ, nhất là lớp trẻ, đó là các tác phẩm: Mùa xuân bên cửa sổ, phỏng thơ Song Hảo, Đôi mắt, Cây đàn ghi ta của Đại đội 3, Người mẹ của tôi.v.v...
Xuất phát từ những đóng góp cho nền âm nhạc nước nhà, Xuân Hồng đã được tặng giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu và nhiều giải thưởng của Hội nhạc sĩ Việt Nam, đặc biệt là Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật của Chủ tích nước, năm 1996. Ông được đánh giá là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu của thời kỳ chống Mỹ cứu nước và được bạn bè đồng nghiệp tín nhiệm bầu làm Tổng thư ký Hội Âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh, Uỷ viên Thư ký Hội nhạc sĩ Việt Nam (khóa 3),  Phó Tổng Thư ký Hội nhạc sĩ Việt Nam (khóa 4).
Viết về mùa xuân, có lẽ Xuân Hồng là nhạc sĩ có nhiều thành công nhất và tác phẩm của ông cũng được nhiều thế hệ mến mộ. Với ba bài hát về mùa xuân, ra đời trong ba không gian, thời gian khác nhau, bối cảnh khác nhau nhưng toát lên một điểm chung rất nổi bật đó là, tính chất lãng mạn hòa nhập vào tinh thần lạc quan cách mạng. Qua các tác phẩm của ông, ta thấy, dù bất cứ hoàn cảnh nào thì mùa xuân vẫn mang đầy đủ ý nghĩa nguyên sơ của nó. Vì mùa xuân là biểu tượng của sự sinh tồn, là niềm tin, tình yêu và sức mạnh của con người trong mọi thời đại. Mùa xuân cũng chính là sự khởi đầu của vạn vật.
Khi chính quyền Mỹ - Diệm lê máy chém khắp miền Nam, gieo bao đau thương cho đồng bào ta từ thành thị đến nông thôn. Trong bối cảnh thương đau ấy, tưởng chừng như không có một mầm sống nào có thể mọc lên được thì từ chiến khu miền Đông Nam Bộ, mùa xuân năm 1963, Xuân Hồng đã cho ra đời bài hát Xuân chiến khu.
Âm hưởng của bài hát vang lên một cách vui tươi, rộn ràng, lạc quan và lắng đọng. Sự vui tươi, rộn ràng của chim muông, hoa lá, cỏ cây hòa cùng tinh thần vui tươi, lạc quan và lắng đọng của người chiến sĩ và đồng bào miền Nam khi mùa xuân về trong chiến khu. Đó là sự thể hiện mối quan hệ không tách rời nhau giữa thiên nhiên và con người trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù thời bình hay thời đạn lửa mà Xuân Hồng muốn gửi gắm vào trong Xuân chiến khu.
Toàn bộ bài hát là sự kết hợp tài tình giữa nhạc điệu và lời ca, hoặc nói cách khác, nhạc và lời trong Xuân chiến khu đã được tác giả  tạo thành một chỉnh thể thống nhất không tách rời nhau. Về mặt này có lẽ Xuân Hồng là một nhạc sĩ tiêu biểu.
Bài hát được thể hiện trên thang âm - điệu thức 5 âm truyền thống của dân tộc (Rề - Mi - Sol - La - Si). Giai điệu tiến hành bình ổn với cách nhảy quãng hẹp, chủ yếu là quãng 2, 3, 4, 5 truyền thống. Tiết tấu đơn giản. Chất liệu âm nhạc mang đậm bản sắc dân tộc, vừa phản ánh chân thật cuộc sống gian lao mà anh dũng của chiến sĩ giải phóng và nhân dân miền Nam, vừa gửi gắm niềm tin vào một mùa xuân chiến thắng. Chính niềm lạc quan, tin tưởng đó đã góp phần động viên hàng vạn trái tim nhiệt huyết miền Bắc lên đường tòng quân giệt thù, để rồi, cùng quân dân cả nước làm nên Đại thắng mùa xuân năm 1975 vang dội núi sông, chấn động địa cầu!
Và, như một cuộc hẹn hò lịch sử, trong niềm hân hoan Đại thắng mùa xuân năm 1975, Xuân Hồng nhanh chóng cho ra đời bài hát Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh đầy ấn tượng. Niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc được Xuân Hồng cất lên từ Xuân chiến khu Mai này xuân về hoa nở khắp nhà đã trở thành hiện thực! Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh thực sự là thiên anh hùng ca ngàn năm sáng chói, lưu danh đến muôn đời. Đó không chỉ là ý nghĩa lịch sử trọng đại của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân ta, mà còn là ý nghĩa nghệ thuật được tỏa sáng trong từng lời ca, giai điệu của bài hát!.
Vẫn thủ pháp quen thuộc, giai điệu và ca từ của bài hát phát triển tự nhiên, giàu hình ảnh, trong sáng, trẻ trung, mạch lạc và mang tính khái quát lớn. Với 2 đoạn nhạc vuông vắn, chân phương, tính chất âm nhạc được thể hiện ở tốc độ nhanh vui - sôi nổi - hồ hởi,  tác giả đã dẫn dắt người thưởng thức, đi từ cái khái quát đến cái cụ thể, rồi từ cái cụ thể nhân lên thành cái khái quát, rất riêng và rất chung. Cái khái quát chính là mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh, là mảnh đất thiêng liêng của tổ quốc Việt Nam. Cái cụ thể chính là tình cảm của con người (tác giả) trước mùa xuân ấy. Hình như tác giả đang bay lên giữa trời cao để ngắm nhìn mùa xuân, sau đó, viết nên giai điệu Mùa xuân này về trên quê ta/ Khắp đát trời biển rộng bao la/ Cây xanh tươi hoa lá trổ hoa/ Chào mùa xuân về với mọi nhà... Xuân Hồng không hề sao chép mùa xuân mà chỉ mô tả mùa xuân đất trời gắn liền với vài địa danh cụ thể: Nước thêm trong dòng sông Bến Nghé, Chợ thêm đông chợ vui Bến Thành. Hầu như tác giả cũng chỉ chép lại nỗi niềm cảm xúc của mình khi được chiêm ngưỡng mùa xuân trong niềm vui đại thắng, nhưng đó cũng chính là niềm vui, niềm tin và niềm kiêu hãnh của cả dân tộc Việt Nam sau bao năm sống trong khói lửa chiến tranh, chia cắt.
Sài gòn ơi cả nước vẫy chào/ Cờ sao đang tung bay cao... Sài Gòn, mảnh đất đi trước về sau! Là người con miền Nam, tha thiết với quê hương, chiến đấu vì tự do - độc lập cho quê hương, sau bao năm xa cách nay được về với quê hương ai lại không thấy bồi hồi xúc động! Nhưng sự xúc động của Xuân Hồng cũng da diết lắm, và cũng khó có câu ca nào hay hơn, đầy đủ hơn Ngày đi như trong đêm mơ, tuổi lớn rồi mà như ngây thơ. Mọi mạch nguồn cảm xúc của Xuân Hồng đều được dồn nén cả vào đó, tạo cho bài hát có một tình cảm đặc biệt, vừa gần gũi thân thương vừa lắng đọng hồn người.
Sau Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh được 10 năm, tức là năm 1985, xuất phát cảm hứng từ một bài thơ Bên cửa sổ của nhà thơ Song Hảo, nhạc sĩ Xuân Hồng lại viết lên bản tình khúc chan chứa tình đời - Mùa xuân bên cửa sổ. 
Bài hát được thể hiện trên điệu thức Rê thứ hòa thanh có biến âm, thể 2 đoạn đơn. Loại nhịp 2/4. Câu cú khúc chiết, mạch lạc. Giai điệu được thể hiện ở tốc độ chậm, nhè nhàng duyên dáng. Đặc biệt, tác giả đã tỏ ra khéo léo khi sử dụng âm hình một nốt đen kết hợp với một chùm 3 với các thủ pháp hỏi đáp, mô tiến - chuyển dịch độ cao và các nốt biến âm bất thường..., tạo cho giai điệu của bài hát mềm mại, uyển chuyển, sâu lắng nhưng không kém phần cháy bỏng. Đó chính là ngôn ngữ của tình yêu. Tình yêu đôi lứa thật đáng nâng niu và trân trọng. Cao cao bên cửa sổ có hai người hôn nhau. Nếu chỉ phát hiện ra hai người hôn nhau bên cửa sổ không thôi thì không có gì phải ngạc nhiên và cũng không có gì mới lạ. Song ở đây, các tác giả đã đồng cảm và nhẹ nhàng “khuyên” đường phố ơi hãy yên lặng..., chim ơi đừng bay nhé, hoa ơi hãy tỏa hương, cây ơi lay thật khẽ cho đôi bạn trẻ đón xuân về... thì tình cảm ấy, nụ hôn ấy như được nhân lên gấp bội. Đoạn 2 của bài hát, giai điệu đột nhiên nhảy lên một quãng 8 với một nốt trắng kéo dài, tạo cho người nghe một cảm giác khác thường, gây sự chú ý đặc biệt: Khi mặt trận bình yên anh lính về thăm phố, cô gái vừa tan ca/ Họ hẹn nhau và chờ nhau, cùng khát khao hạnh phúc/ Họ đón nhau và mùa xuân cũng theo về. Liền sau đó, giai điệu tiếp tục phát triển thành cao trào rồi giải quyết cao trào và kết thúc ở âm chủ của điệu thức. Ôi hạnh phúc đâu chỉ có cơm ngon và áo đẹp, mùa xuân đâu chỉ có hoa thơm và nắng hồng, cuộc đời còn có cả những nụ hôn...
Đúng vậy, chiến tranh đã lùi xa. Đất nước ta đang bước vào kỷ mới, kỷ nguyên xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong hoàn cảnh mới, Xuân Hồng đã mở rộng tầm nhìn và mở rộng nguồn cảm hứng để viết lên bài hát Mùa xuân bên cửa sổ say đắm lòng người. Có lẽ đây là bài hát lãng mạn đầu tiên (tính từ sau năm 1975 đến năm 1985) Xuân Hồng đã mạnh dạn đưa nụ hôn vào trong tác phẩm của mình một cách ngọt ngào, khuyến rũ. Nụ hôn là biểu hiện của tình yêu và đồng nghĩa với mùa xuân, mùa xuân của cỏ cây hoa trái và mùa xuân trong cuộc đời của mỗi con người chúng ta.
Thế là mùa xuân không hẹn lại về, người viết bài này tin tưởng chắc chắn rằng, những bài hát về mùa xuân của nhạc sĩ Xuân Hồng sẽ mãi là “bài ca đi cùng năm tháng”.
Xuân chiến khu - Thanh Thúy
 Lê Xuân Hoan
Theo http://vnmusic.com.vn/

1 nhận xét:

  Thơ có cần thiết cho đời sống? 10 Tháng Ba, 2023 Trong kỷ nguyên nghe nhìn, thơ đang có khoảng cách với đời sống. Độc giả thèm khát nh...