Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2015

Tế Hanh - Sáng tác, dịch thuật và phê bình

Tế Hanh - Sáng tác, dịch thuật và phê bình
Trong nền thơ Việt Nam hiện đại, thơ Tế Hanh thể hiện là một giọng điệu dung dị, khiêm nhường, không rực rỡ, tân kỳ, không bất ngờ, ào ạt. Thơ ông cũng như con người ông, nhỏ nhẹ và mực thước, vừa đủ để tạo nên dấu ấn riêng. Nói cách khác, thơ ông như dòng sông quê hương bình dị, trôi chảy êm đềm mà đậm chất trữ tình, ân nghĩa. Ở thời kỳ nào, giai đoạn nào ông cũng có những bài thơ hay, được giới phê bình và người đời nhắc nhớ, ghi nhận. Vượt lên số bài thường thường bậc trung, thi sĩ Tế Hanh để đời bằng những tứ thơ đằm thắm tình người, tình đời, man mác những nhớ thương, yêu thương, ước nguyện. Không chỉ thành công ở vị thế nhà thơ - người sáng tác, Tế Hanh còn được biết đến trên tư cách dịch giả và nhà phê bình, người giới thiệu nhiệt tình các giá trị thi ca (đặc biệt từ nguồn thơ Pháp ngữ) đến với nền thơ Việt hiện đại.
Nhà thơ Tế Hanh, tên đầy đủ là Trần Tế Hanh; sinh ngày 20 tháng 6 năm 1921 (Sách Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh – Hoài Chân ghi ngày sinh theo âm lịch: 15 tháng 5 năm Tân Dậu), mất ngày 16 tháng 7 năm 2009; quê ở vạn chài Đông Yên (nay thuộc xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi); chính quán cách một con sông, ở làng Giao Thủy (thuộc xã Bình Thới, cùng huyện Bình Sơn). Cha ông là Trần Tất Tố, theo nghề dạy học và bốc thuốc. Ông có bốn anh em, trong đó người em út là nhạc sĩ Trần Thế Bảo. Thuở nhỏ Tế Hanh học trường làng, trường huyện, sau ra học tại trường Quốc học Huế. Ông sáng tác thơ từ sớm và tham gia phong trào Thơ mới với tập Nghẹn ngào (1939), nhận giải khuyến khích của Tự lực văn đoàn. Tham gia Việt Minh từ tháng 8 năm 1945, trải qua các công tác văn hoá, giáo dục ở Huế, Đà Nẵng, là Ủy viên giáo dục trong Ủy ban lâm thời thành phố Đà Nẵng. Năm 1947, làm việc trong Ban phụ trách Trường trung học bình dân Trung Bộ. Năm 1948, tham gia Ban phụ trách Liên đoàn văn hoá kháng chiến Nam Trung Bộ và là Ủy viên thường vụ Chi hội Văn nghệ Liên khu V, được nhận Giải thưởng Phạm Văn Đồng do Chi hội Văn nghệ Liên khu V tặngcho tập thơ Nhân dân một lòng (1953). Năm 1957, khi thành lập Hội Nhà văn Việt Nam, ông tham gia Ủy viên thường vụ Hội khoá I, II; Ủy viên thường vụ Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam (1963), tham gia Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam nhiều khóa, giữ các chức vụ: Trưởng ban đối ngoại (1968), Chủ tịch Hội đồng dịch thuật (1983), Chủ tịch Hội đồng thơ (1986)…Bên cạnh hoạt động sáng tác, Tế Hanh còn dịch nhiều tác phẩm của các nhà thơ lớn trên thế giới, viết giới thiệu, phê bình văn học. Với những đóng góp xuất sắc của mình cho nền thơ cách mạng, ông được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật đợt I (1996)…
Đóng góp về văn học của Tế Hanh được chia thành hai giai đoạn lớn: trước và sau Cách mạng tháng Tám 1945.
Vào giai đoạn trước Cách mạng, thành tựu thơ Tế Hanh chủ yếu gắn với phong trào Thơ mới. Ông sáng tác từ sớm, đặc biệt từ khi ra học trường Quốc học Huế. Tại đây ông quen biết Huy Cận và nhập cuộc với Thơ mới. Những bài thơ sáng tác ở thời kỳ này tập hợp lại trong tập Nghẹn ngào, được nhận giải khuyến khích của Tự lực văn đoàn năm 1939; sách Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh – Hoài Chân ghi “đã được giải khuyến khích” (Từ điển văn học, Bộ mới (2004) ghi “giải chính thức”, “được Giải khen tặng”); sau ông bổ sung thêm và lấy tên Hoa niên (NXB Đời nay, H., 1945; nhiều tài liệu ghi năm xuất bản 1944 nhưng sự thực bản thảo đưa in cuối năm 1944, in xong và phát hành đầu năm 1945)… Đương thời thơ Tế Hanh đã được nhà thơ Thế Lữ, nhà văn Nhất Linh, nhà phê bình Hoài Thanh - Hoài Chân… cùng quan tâm tìm hiểu, phân tích, đánh giá cao.
Trong mục Tin thơ trên báo Ngày nay (số 121, ra ngày 31-7-1938), nhà thơ Thế Lữ viết lời đề từ nêu rõ quan niệm về việc điểm tin thơ, đọc thơ, luận bình những bài lai cảo, từ đó cảm nhận và đi sâu dẫn giải đặc điểm thơ Tế Hanh:
“Cũng đáng yêu, những câu thơ sau này, tả cái buồn buổi chiều của Tế Hanh, một bạn làm thơ không nản chí. Ông Tế Hanh trước có gửi thơ nhưng tôi không nói đến vì tôi còn đợi ở ông những bài có ý vị hơn bài Chiều là dấu vết một sự tấn tới đáng mừng:
Làn gió đen đêm tự xứ Buồn,
Đưa chiều từng mảnh choáng trời luôn.
Quanh tôi, bóng tối bao vây đặc,
Vài mảnh dần lên tới đáy hồn.
Hoa để hương ra, bước ngập ngừng,
Cây chìm trong tối. Tiếng kêu nương (?)
Đàn chim chắp cánh về mong đợi (?)
Vơ vẩn trên trời mây nhớ thương.
Nhưng cũng như ông Huy Tiến, ông Tế Hanh vẫn chưa chịu kén chọn lời thơ. Hai câu tôi đánh dấu trên kia, ý còn hồ đồ vì những lời còn ngượng. Ở bài Chiều cũng như bài Ý xuân, trong đó tôi thấy ông chịu ảnh hưởng rõ ràng của Xuân Diệu, và cũng như ở bài Nhớ tôi trích ở dưới đây, ông Tế Hanh diễn tả những ý kín đáo và thắm tươi bằng những lời hơi bối rối:
Nghìn năm trước tôi sinh bên khóm liễu,
Nhớ nhung nhiều cúp ngọn kiếm xa xôi.
Ở căn nhà lặng ngắm bóng buồn trôi,
Về mong đợi, từ từ trong nước yếu.
Dáng dượi dượi ngày đi như lẻ thiếu,
Trời xanh buồn, mây trải mảnh hồn tôi.
Hương muôn màu bừng bực muốn chia phôi,
Cùng với tiếng chim chờ luôn hoa điệu.
Những câu lúng túng này mang những tình cảm mới mẻ và phong phú. Nhưng người đọc phải nhân nhượng quá và phải cố đoán mới thấy được. Nhà làm thơ nên lấy điều đó làm bất mãn và tìm những lời thơ xứng đáng với ý thơ của mình”.
Sau khi tập Nghẹn ngào được nhận giải khuyến khích của tổ chức Tự lực văn đoàn, nhà văn Nhất Linh - người đứng đầu văn đoàn - đã viết bài Nghẹn ngào của Tế Hanh in trên báo Ngày nay (số 209, ra ngày 25-5-1940), trong đó trân trọng giới thiệu gương mặt nhà thơ trẻ 19 tuổi với ba năm tuổi nghề:
“Nghẹn ngàolà thơ của một người có tấm lòng giàu, dễ rung động trước muôn nghìn cảnh, hoặc tầm thường hoặc éo le ở đời. Tập Nghẹn ngào gom góp lại tất cả những rung động phức tạp của một đời thiếu niên và không có một chủ ý gì về sự liên lạc của toàn thể như Bức tranh quê.
Cuốn Nghẹn ngào có độ hơn mười bài về tình và độ hai mươi bài về các việc linh tinh ghi chép lại vì đã cảm động tác giả. Ông Tế Hanh là một nhà thơ cũng thuộc về một loại với Xuân Diệu và Huy Cận, có lẽ gần Huy Cận hơn.
Ngay trong bài thơ đầu ông đã tỏ ra là một người đa cảm và có những rung động bâng quơ trước cuộc đời:
Chiều chiều đến tựa người bên cửa sổ
Đợi hồn nào trở lại ở trên sông
Hay nghe ngóng ý gì trong tiếng gió.
Cho nên trong tập thơ Nghẹn ngào có đủ các cảnh rất khác nhau; lẫn trong các bài thơ về tình, có những bài nói về quyển vở nháp, những ngày nghỉ học ra ga tiễn vu vơ, những bài nói về "ông và tôi", lời một con đường quê...
Đặc biệt nhất trong tập thơ có hai bài Quê hương và Những ngày nghỉ học, có thể gọi là hai bài thơ hay của thi ca Việt Nam và hai bài đó đủ định giá trị của nhà thơ Tế Hanh.
Tiếc rằng trong tập thơ được độ mười bài khá như: Cắn đào, Tấm lịch đời, Độc ác, Ao ước, Chuyện buồn, Người hà tiện, Sầu tên, v.v... ít quá để có thể nghĩ đến việc tặng thưởng.
Dẫu sao, ông Tế Hanh rất nhiều hứa hẹn trở nên một nhà thi sĩ có tài; ông có một linh hồn rất phong phú, có những rung động rất sâu sắc và để diễn tả linh hồn, ông có đủ nghệ thuật và cách đặt câu, tìm chữ. Ông chỉ còn chờ thời gian để có thể gặp được nhiều cảnh và viết thêm được nhiều bài hay”.
Theo chủ soái Tự lực văn đoàn Nhất Linh thì hai bài thơ hay nhất của Tế Hanh chính là Quê hương vàNhững ngày nghỉ học và nhấn mạnh “ít quá để có thể nghĩ đến việc tặng thưởng”. Cả hai bài đều được Hoài Thanh – Hoài Chân tuyển vào Thi nhân Việt Nam. Riêng bài Những ngày nghỉ học nổi tiếng vốn có trong tập Nghẹn ngào lại được đổi tên thành Vu vơ vàđược Tế Hanh ghi “Tặng Nguyễn Văn Bổng”. Toàn văn bài thơ như sau:
Những ngày nghỉ học tôi hay tới,
Đón chuyến tầu đi, đến những ga...
Tôi đứng bơ vơ xem tiễn biệt,
Lòng buồn đau xót nỗi chia xa.
Tôi thấy tôi thương những chiếc tầu,
Ngàn đời không đủ sức đi mau.
Có chi vương víu trong hơi máy,
Mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau.
Bánh nghiến lăn lăn quá nặng nề!
Khói phì như nghẹn nỗi đau tê;
Lâu lâu còi rúc nghe rền rĩ:
Lòng của người đi réo kẻ về.
Kẻ về không nói bước vương vương...
Thương nhớ lan xa mấy dặm trường.
Lẽo đẽo tôi về theo bước họ,
Tâm hồn ngơ ngẩn nhớ muôn phương.
Qua năm sau, hai nhà phê bình Hoài Thanh - Hoài Chân tuyển 4 bài thơ Quê hương - Lời con đường quê - Vu vơ - Ao ước của Tế Hanh vào Thi nhân Việt Nam (Nguyễn Đức Phiên Xb, Huế, 1942), ngang bằng số bàicủa các bậc thi bá (Đông Hồ, Anh Thơ, J. Leiba, Đoàn Văn Cừ, Vũ Hoàng Chương) và nhấn mạnh:
“Tôi thấy Tế Hanh là một người tinh lắm.
Tế Hanh đã ghi được đôi nét rất thần tình về cảnh sinh hoạt chốn quê hương. Người nghe thấy cả những điều không hình sắc, không thanh âm như “mảnh hồn làng” trên “cánh buồm giương”, như tiếng hát của hương đồng quyến rũ con đường quê nho nhỏ. Thơ Tế Hanh đưa ta vào một thế giới rất gần gũi thường ta chỉ thấy một cách mờ mờ, cái thế giới những tình cảm ta đã âm thầm trao cho cảnh vật: sự mỏi mệt say sưa của con thuyền lúc trở về bến, nỗi khổ đau chất chứa trên toa tàu nặng trĩu, những vui buồn sầu tủi của một con đường. Tế Hanh luôn nói đến những con đường. Cũng phải. Trên những con đường ngưng lại biết bao nhiêu bâng khuâng hồi hộp!
Nhưng Tế Hanh sở dĩ nhìn đời một cách sâu sắc như thế là vì người sẵn có một tâm hồn tha thiết. Hôm đầu tôi gặp người thiếu niên ấy, người rụt rè ngượng nghịu như một chàng rể mới. Nhưng tôi vẫn nhớ đôi mắt. Đôi mắt nồng nàn lạ. Tôi nghĩ ở một người như thế những điều cảm xúc, những nỗi đau xót sẽ quá mực thường và có khi khác thường.
Như khi yêu, người thấy:
Kìa em, lên! Rực rỡ bốn phương trời;
Đôi mắt to ném lửa sáng nơi nơi;
Vừng trán rộng, hào quang lòa chói rực.
Ta thấy sáng! Hồn phiêu diêu thoát tục,
Lòng lâng lâng không muốn ước mơ chi,
Mắt lim dim đầu cúi gục chân quỳ...
Tuy lời thơ còn có gì lệch với hồn thơ nhưng không có một tâm hồn đắm đuối không thể viết nên những lời như thế.
Khi thất vọng thi nhân ước cho người yêu chết đi để được ngồi trên mồ nhỏ từng giọt nước mắt thấm xuống tấm thân lạnh lẽo.
Tệ hơn nữa, người muốn hưởng cái thú tàn nhẫn được thấy người yêu “đau quằn quại”, được nghe tiếng khóc của người yêu, tiếng khóc:
Rách đau thương như lụa xé tơi bời.
Chúng ta sẽ ngạc nhiên và băn khoăn không biết ở những chỗ sâu kín trong lòng ta có gì giống như thế không. Dầu sao, sự thành thực của thi nhân không thể ngờ được.
Nhưng tôi chưa muốn nói nhiều về Tế Hanh. Tế Hanh còn trẻ lắm và cũng mới bước vào làng thơ, chưa có thể biết rõ những con đường người sẽ đi”…
Thơ hay không đợi tuổi. Tế Hanh thuộc số những nhà thơ trẻ nhất trong số các nhà thơ trẻ thời Thơ mới. Người đương thời đã trìu mến đón nhận ông, cảm nhận đầy đủ vẻ đẹp một giọng thơ dịu nhẹ, chân thực và thẳng thắn chỉ ra cả những câu chữ, lời thơ chưa thật trau chuốt, qua đó kỳ vọng một sự bứt phá, hoàn thiện. Từ bản thảo Nghẹn ngào đến Hoa niên, quả là Tế Hanh đã cố gắng tự vượt lên chính mình, phần nào đáp ứng sự kỳ vọng của đồng nghiệp và đưa tập thơ đến với đông đảo công chúng bạn đọc.
Vào giai đoạn sau tháng Tám 1945, sự nghiệp văn học của Tế Hanh rộng mở với cả sáng tác, dịch thuật và viết phê bình.
Như phần đông các tác gia Thơ mới khác, Tế Hanh vất vả chuyển mình theo nền văn học cách mạng công nông binh, sáng tác theo phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa. Trong tập thơ Hoa mùa thi(mùa thi đây là thi đua, 1949) có bài Đi (được viết vào năm 1947-1948) phản ánh rõ thái độ nhận đường và ý thức dứt bỏ một cái “tôi” xưa cũ:
Sangbờ tư tưởng,talìa ta,
Một tiếng gà lên tiễn nguyệt tà.
Ta đứng bên này đêm quyết liệt:
Con người quá khứ đã theo ma.
Trắng nay ra trắng, đen ra đen,
Ta để lòng ta rọi ánh đèn.
Ta hiến đời ta cho lửa cháy,
Khác chiều theo gió tiếng chê khen.
Vui buồn theo thế kỷ hai mươi,
Ta ngó về phương chói mặt trời.
Nhân loại trườn qua đêm máu tối,
Đưa đời vươn tới cõi xuân tươi.
Chuyển mình bằng tập thơ Nhân dân một lòng (Giải thưởng Phạm Văn Đồng, 1953; Chi hội Văn nghệ Liên khu Năm in tháng 5-1954), Tế Hanh thực sự nhập cuộc với nền văn học mới qua các tập thơ Lòng miền Nam (1955), Gửi miền Bắc (1958), Tiếng sóng (1960), Bài thơ tháng bảy (1962), Hai nửa yêu thương(1963), Khúc ca mới (1966), Đi suốt bài ca (1970), Câu chuyện quê hương(1973), Theo nhịp tháng ngày(1974), Giữa những ngày xuân (1977), Con đường và dòng sông (1980), Bài ca sự sống (1985), Giữa anh và em (1992), Vườn xưa (1992), Em chờ anh(1994)và các tập thơ viết cho thiếu nhi như Chuyện em bé cười ra đồng tiền (1961), Những tấm bản đồ (1965), Thơ viết cho con (1974), Tiếng sáo, tiếng đàn, tiếng hát (1983); sau này được chọn in trong các tập Tuyển tập Tế Hanh, hai tập (1987, 1997) và Thơ Tế Hanh 1938-1988 (1989)… Có thể khẳng định thơ Tế Hanh sau 1945 cơ bản thuộc về nền thơ xã hội chủ nghĩa, gắn bó với giai đoạn văn học chống Mỹ cứu nước và tiếng nói chân thành ngợi ca chế độ mới, con người mới, cuộc sống mới. Ông không nhằm đến và cũng không kịp nhập cuộc với nền văn học thời đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo (1986). Tuy nhiên, trên chặng đường thơ từ khi đi theo Đảng, theo cách mạng cho đến cuối đời, Tế Hanh vẫn có được nhiều tứ thơ trữ tình sâu lắng, phản ánh rõ một tâm hồn nhiều suy tư, nhân ái, nhiều cảm thông, ân nghĩa.
 Gắn bó với dòng sông quê, bài thơ Nhớ con sông quê hương của Tế Hanh thực sự là đỉnh cao của tiếng thơ yêu nước và khát vọng thống nhất đất nước. Tất cả bộc lộ nhuần nhuyễn qua những kỷ niệm buồn vui của một thời thơ trẻ, những chia ly bởi chiến tranh và khắc khoải một ngày đoàn tụ:
Quê hương tôi có con sông xanh biếc
Nước gương trong soi tóc những hàng tre
Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè
Toả nắng xuống lòng sông lấp loáng.
Chẳng biết nước có giữ ngày, giữ tháng
Giữ bao nhiêu kỷ niệm giữa dòng trôi?
Hỡi con sông đã tắm cả đời tôi!
Tôi giữ mãi mối tình mới mẻ…
…Khi bờ tre ríu rít tiếng chim kêu
Khi mặt nước chập chờn con cá nhảy
Bạn bè tôi túm năm tụm bảy
Bầy chim non bơi lội trên sông
Tôi dang tay ôm nước vào lòng
Sông mở nước ôm tôi vào dạ
Chúng tôi lớn lên mỗi người một ngả
Kẻ sớm khuya chài lưới bên sông
Kẻ cuốc cày mưa nắng ngoài đồng
Tôi cầm súng xa nhà đi kháng chiến
Nhưng lòng tôi như mưa nguồn gió biển
Vẫn trở về lưu luyến bên sông...
…Quê hương ơi! Lòng tôi cũng như sông

Tình Bắc Nam chung chảy một dòng
Không gành thác nào ngăn cản được
Tôi sẽ lại nơi tôi hằng mơ ước
Tôi sẽ về sông nước của quê hương
Tôi sẽ về sông nước của tình thương.
Với Bài thơ tình ở Hàng Châu, Tế Hanh dâng trào cảm xúc, bâng khuâng trong cảnh nước mây Bồng Lai tiên cảnh, đằm thắm nỗi nhớ thương đất nước và ước mong một ngày thanh bình:
Anh xa nước nên yêu thêm nước
Anh xa em càng nhớ thêm em
Trăng Tây Hồ vời vợi thâu đêm
Trời Hàng Châu bốn bề êm ái
Mùa thu đã đi qua còn gửi lại
Một ít vàng trong nắng trong cây
Một ít buồn trong gió trong mây
Một ít vui trên môi người thiếu nữ…
… Những ngày buồn nghĩ đến thấy vui vui
Những ngày vui sao lại thấy ngùi ngùi
Anh không muốn hỏi nhiều quá khứ
Ngày đẹp nhất là ngày rồi gặp gỡ…
… Anh mơ thấy Hàng Châu thành Hà Nội
Nước Tây Hồ bỗng hóa nước Hồ Tây
Hai chúng mình cùng bước dưới hàng cây.
Đôi khi nhà thơ một mình đối diện với lòng mình, một mình suy tưởng, chiêm nghiệm, trở lại với mạch thơ lãng mạn bi thương tưởng đã dồn nén, xua tan, gột rửa tự lâu rồi. Bài thơ Bão như một cơn bão tình yêu lạc mùa thổi lại:
Cơn bão nghiêng đêm
Cây gãy cành bay lá
Ta nắm tay em
Cùng qua đường cho khỏi ngã
Cơn bão tạnh lâu rồi
Hàng cây xanh thắm lại
Nhưng em đã xa xôi
Và cơn bão lòng ta thổi mãi.
Cho đến một ngày kia, thi nhân thơ thẩn đi tìm lại một nửa hồn mình. Bài thơ lục bát Hà Nội vắng emgieo từng khổ hai câu nối cái nhìn đo đếm, cái cảm sâu xa, cái gợi quá vãng đơn côi và nối với nhau bằng những bước chân bất định, đi từ phố này đến phố khác:
Thế là Hà Nội vắng em
Anh theo các phố đi tìm ngày qua
Phố này bên cạnh vườn hoa
Nhớ khi đón gió, quen mà chưa thân
Phố này đêm ấy có trăng
Cùng đi một quãng nói bằng lặng im
Phố này anh đến tìm em
Người qua lại tưởng anh tìm bóng cây
Tìm mãi, tìm mãi để rồi cuối cùng thi nhân nhận lại được cả một thi tứ:
Anh theo các phố đó đây
Thêm yêu Hà Nội vắng đầy cả em.
Đi tìm em nhưng chẳng thấy em đâu, chỉ thấy những bóng hình, những kỷ niệm “vắng đầy cả em”! Tứ thơ bình dị mà thật nhân văn, sâu lắng, nao nao hồn người, tình người, tình yêu đôi lứa. Khác với dòng thơ nhiệt huyết như tiếng chào rơi của kẻ qua đường, thăm thẳm trong hồn thơ Tế Hanh vẫn là tiếng nói trữ tình và chính điều đó đã giúp thơ Tế Hanh vượt lên mọi hệ lụy lịch sử, trở nên tinh lọc, sống mãi trước thời gian.
Bên cạnh sáng tác thơ, Tế Hanh còn là dịch giả xuất sắc, có những đóng góp quan trọng nối nền thơ thế giới với nền thơ dân tộc. Vốn là người thành thạo Pháp văn, ông đặc biệt quan tâm đến các nhà thơ Pháp với nhiều bản dịch thơ của Vich-to Huy-gô (Victor Hugo), Rơ-nê Sa (RenéChar), Guy-dôm A-pô-li-nơ (Guillaume Apolinaire),Giăc-cơ Prê-ve (Jacques Prévert), Pôn Clô-đên (Paul Claudel), Pôn Va-lê-ry (Paul Valéry), Xanh Giôn Péc-xơ(Saint John Perse), Pôn Ê-luya (Paul Eluard), Lu-i A-ra-gông (Louis Aragon),…và nhiều tác phẩm của các nhà thơ Nga - Xô, Hunggari, Bungari, Đức, Ba Lan, Chi Lê, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Angiêri, Ănggôla, Séc, Mỹ, Tây Ban Nha, Iran, Haiti, Palestin, Mađagaxca, Thụy Điển, Mêhicô, Inđônêxia…
Đến đây xin dẫn bản dịch bài thơ Em ơi! Em đừng hát của nhà thơ Nga Aleksandr Sergeyevich Pushkin (1799-1837):
Em ơi! Em đừng hát
Những tiếng hát Gruzi
Vị chua cay nhắc lại
Một bờ bên kia, một đời bên kia.
Nghe giọng em ta nhớ
Một đêm trên cánh đồng
Dưới ánh trăng trong
Một người con gái xa xăm đau khổ.
Cái bóng ấy đáng thương và bất hạnh
Mỗi lần thấy em ta quên đi
Nhưng khi nghe tiếng em hát
Hình ảnh kia lại về.
Em ơi! Em đừng hát
Những tiếng hát Gruzi
Vị chua cay nhắc lại
Một bờ bên kia, một đời bên kia.
Nhà thơ, dịch giả Bằng Việt cho rằng có những câu thơ Tế Hanh dịch “hay đến mức xuất thần” và xác định: “Tế Hanh dịch thơ rất tài hoa, và nhiều bài thơ dịch của anh đã trở thành những bản dịch mẫu mực, khó ai vượt qua nổi”...
Đến đây cũng cần ghi nhận những đóng góp quan trọng của Tế Hanh trong hoạt động phê bình, nhận diện nền văn học hiện đại, đặc biệt nền thơ thế kỷ XX. Trên thực tế, phải đến thời kỳ sau 1954 Tế Hanh mới bắt tay vào viết phê bình. Sau khoảng nửa thập kỷ, ông đã có tập tiểu luận, phê bình Thơ và cuộc sống mới (1961) gồm tròn 10 mục bài, trong đó nhấn mạnh ý nghĩa thời đại của nền thơ cách mạng và trân trọng giới thiệu tiếng thơ của Tố Hữu, Huy Cận, Xuân Diệu. Trong các thời kỳ sau này, ông còn nhiều lần nhắc nhớ, luận bình và ghi lại kỷ niệm về các nhà văn Đặng Thai Mai, Khương Hữu Dụng, Trần Mai Ninh, Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Chế Lan Viên, Quách Tấn, Hoài Thanh, Thanh Tịnh, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Huy Cận, Bàn Tài Đoàn, Sóng Hồng, Thanh Hải, Nam Trân, Vân Đài, Ý Nhi, Vương Linh, Nguyễn Viết Lãm, Nguyễn Khoa Điềm… Tiếc rằng những trang viết giàu chất văn học sử và kinh nghiệm sáng tác này lại không được nhà thơ lưu tâm tập hợp, in thành sách ngay khi còn tại thế.
Như đã nói trên, bên cạnh niềm say mê dịch thơ, Tế Hanh còn có nhiều mục bài giới thiệu, phác thảo chân dung cuộc đời và sự nghiệp của nhiều nhà thơ nổi tiếng thế giới trên các trang báo uy tín như Văn nghệ, Tác phẩm mới, Tạp chí Văn học, Văn học nước ngoài…Có thể ghi nhận nhiều bài giới thiệu về nền thơ lãng mạn Pháp, thơ Công xã Paris, thơ “Những nhà thơ da đen”, thơ Campuchia, thơ thế giới viết về Việt Nam hay các trang viết về từng nhà thơ cụ thể như A. Pushkin, X.A. Êxênin, A. Blôk, H. Hainơ, P. Êluya, A. Józsep, A. Vôznêxenxky, L. Aragon, M.G.N. Migjeni, S. Aiđich,… đã thực sự là những tiểu luận nghiên cứu chuyên sâu, giúp người đọc mở ra những ô cửa liên thông với nền thơ thế giới.
Hà Nội, tháng 12-2012
Nguyễn Hữu Sơn
Theo http://vanhoanghean.com.vn/




1 nhận xét:

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...