Nguyễn Văn Vĩnh với Truyện
Kiều
(Bài viết nhân kỷ niệm
250 năm ngày sinh
Đại thi hào Nguyễn Du 1765-2015).
1. Trong suốt cuộc đời lao động
của Nguyễn Văn Vĩnh, với niềm say mê bất tận, bằng những cảm nhận riêng, ông đã
làm tất cả những gì có thể để truyền bá tác phẩm Truyện Kiều trong mọi hoàn cảnh,
bằng mọi phương pháp với sự nỗ lực bền bỉ được xem là vô tận. Ông không phải chỉ
chủ ý đem đến tình yêu đồng loại cho mỗi người Việt Nam khi đọc câu chuyện, mà
còn cả cho chính đối phương của dân tộc Việt Nam thời đó là những người Pháp thực
dân, cơ hội để họ hiểu được những nét đặc trưng tuyệt hảo của câu chuyện văn
hóa sâu sắc, ẩn chứa bản sắc văn hóa tinh tế của người dân An Nam. Ông đã nhắm
đến mục đích: Các ngài (Tây) hãy biết rằng, người dân An Nam không phải không
có tư duy nhân văn!
Nguyễn Văn Vĩnh thông qua
câu chuyện nàng Kiều với những tình tiết bi thương, ai oán, hậu quả của lối sống
và cách hành xử độc ác trong xã hội phong kiến đã đè lên số phận của người phụ
nữ khi họ thất cơ. Ông muốn khích lệ, gieo mầm và nuôi nấng tinh thần đạo lý
trong mỗi người dân khi đọc câu chuyện này. Ông kiến nghị, hãy đọc Kiều để thấm
cái nỗi đau của kẻ bất hạnh, rồi từ đó biết mà chia sẻ với những nỗi mất mát của
kẻ khác.
Theo Nguyễn Văn Vĩnh, thông
thường, khi một thằng người nhìn thấy nỗi khốn cùng của kẻ khác, nó sẽ động
lòng trắc ẩn. Ông thấy cần phải hướng cái bản năng người đó trong mỗi
cá thể tìm đến sự đồng cảm, đến lòng vị tha, và cũng để từ đó, người ta sẽ nghĩ
tới việc giúp đỡ những kẻ không may ngoài đời. Nguyễn Văn Vĩnh khẳng định
: thì lòng người mới biết động, và đó là đạo đức làm người.
Với quá khứ lao động thực tế
của Nguyễn Văn Vĩnh, khi quan tâm, chúng ta không thể không nhận thấy, nếu ông
không thấm cái nỗi thống khổ của kiếp đàn bà, thấm cái sự mỏng manh của thân phận
người con gái, ông đã không quyết tâm nghĩ đến việc động viên một cuộc cách mạng
hoàn toàn mới để xã hội phải thay đổi những quan niệm tiêu cực truyền đời về
vai trò và giá trị của phụ nữ trong cuộc sống sinh tồn, không kể kẻ sang hay
người hèn, người giàu hay người nghèo, người phụ nữ phải được có quyền là người!
Trước khi quyết định chuyển
tải đến đồng bào mình cái thông điệp lịch sử về việc phải cứu lấy những con người
có số phận cay đắng thông qua việc dịch Kim Vân Kiều của Nguyễn Du từ chữ Nôm
ra chữ Quốc ngữ, Nguyễn Văn Vĩnh đã cảnh tỉnh dân chúng bằng 22 bài viết bằng
chữ Quốc ngữ (khi chữ Quốc ngữ vẫn còn là mới mẻ) về những điều cần chia sẻ với
người phụ nữ và nhận thức này được định hình trong chuyên mục NHỜI ĐÀN BÀ, đăng
trên tờ báo tiếng Việt đầu tiên ở Bắc kỳ đầu thế kỷ XX do chính ông là chủ bút,
bất chấp việc thời đó, người dân chưa hề mảy may có khái niệm gì về vai trò của
văn hóa, và giá trị xã hội của báo chí cũng như truyền thông. Bắt chấp cái gọi
là tôn ti trật tự mang tính áp đặt của xã hội phong kiến đối với thân phận người
con gái hãy biết: tại gia tòng phụ…!
Mang trong óc một quan niệm
sống như trên, nên khi Nguyễn Văn Vĩnh tiếp cận với Kim Vân Kiều của Nguyễn Du,
ông đã trở nên đắm đuối, trăn trở và thổn thức. Ông đã tính đến việc nếu không
chuyển ngữ sang tiếng mẹ đẻ câu chuyện bất hủ này của tiền nhân, “để mà biết
thực giá một cái hương-hỏa quý của người đời trước để lại cho…” thì thật
không được. Với Nguyễn Văn Vĩnh, ông tin việc làm này nhất định sẽ đem đến những
ảnh hưởng, những tác động tích cực đến việc giáo dục nhân cách của con dân Việt.
Ông còn muốn hướng đến lòng kiêu hãnh của mỗi người Việt Nam khi nói đến thế
nào là văn hóa và truyền thống. Ông khẳng định:“Cả nước An Nam duy có truyện
Kim-Vân-Kiều là truyện hay!”.
2. Bằng những mối nhân duyên
Trời cho, tôi được may mắn tiếp cận với cuốn sách Kim Vân Kiều do Nguyễn Văn
Vĩnh chuyển từ chữ Nôm sang Quốc Ngữ ấn hành năm 1915.
Khi cầm cuốn sách quý trong
tay, đọc những dòng chữ in trên trang nhất, chúng tôi mới biết rằng, Nguyễn Văn
Vĩnh đã cho in thành sách lần thứ nhất từ năm 1913, đúng như lời tâm sự của cố
nhà giáo Nguyễn Vinh Phúc (1926-2012), khi ông lưu ý chúng tôi trong dịp trao đổi,
phỏng vấn ông để thực hiện bộ phim “Mạn đàm về Người Man di hiện đại” năm 2006.
Trong buổi phỏng vấn, nhà
giáo Nguyễn Vinh Phúc đã “khoe” với chúng tôi khi nói về tài dịch thuật của
Nguyễn Văn Vĩnh như sau:
“Cụ Vĩnh không phải chỉ dịch
giỏi từ tiếng Pháp sang tiếng Việt đâu, mà cụ còn giỏi cả tiếng Hán và tiếng
Nôm. Năm 1909, cụ cùng với cụ Phan Kế Bính dịch Tam Quốc chí diễn
nghĩa từ Hán văn ra Quốc ngữ, cụ Vĩnh là người sửa bản dịch, ngày xưa các
cụ gọi là ‘nhuận sắc’. Cụ Vĩnh không giỏi, làm sao cụ lại ‘duyệt’ được chứ?! Rồi
đến năm 1913, cụ Vĩnh còn dịch cả Kim Vân Kiều từ chữ Nôm sang chữ Quốc
ngữ. Tôi còn giữ bản in lần đầu đấy!”.
Vậy nhưng đến 9 năm sau, tôi
mới có may mắn cầm trên tay cuốn “Kim Vân Kiều” của Nguyễn Văn Vĩnh xuất bản
năm 1915. Nhớ lại câu chuyện của cố nhà giáo Nguyễn Vinh Phúc…đọc những trang đầu
của cuốn sách in năm 1915, tôi xác định lời nhà giáo Nguyễn Vinh Phúc nói là
chính xác.
Tôi lại lần mò tìm tòi, thăm
hỏi những người yêu sách cũ…và, họ đã giúp tôi tìm được cuốn “Kim Vân Kiều” của
Nguyễn Văn Vĩnh như lời tâm sự của cố nhà giáo Nguyễn Vinh Phúc. Chỉ đáng tiếc,
cuốn sách được hiệu in Ích Ký ấn hành lần thứ ba trong năm 1913, chứ chưa phải
lần thứ nhất như tôi mơ tưởng được nhìn thấy.
Tuy nhiên, chừng đó, theo
tôi cũng đã đủ để hiểu rằng, Nguyễn Văn Vĩnh đã lao tâm khổ tứ đến mức nào
trong công cuộc chuyển tải tâm hồn của thi hào Nguyễn Du đến với người đời sau.
Đặc biệt khi tôi đọc phần chú giải của cuốn sách, mới càng thấm thía cái sâu nặng
của người dịch với hồn cốt của tác phẩm.
Bản in năm 1915 cũng của Hiệu
Ích Ký ở 58 phố Hàng Giấy, Hà Nội. Câu đầu tiên trong “Kim Vân Kiều” được
in như sau:
Trăm năm trong cõi người ta
Chữ
tài chữ mệnh khéo là cợt (1) nhau!
Nguyễn Văn Vĩnh chú giải
(xin sao chép nguyên tác):
· Lần
in trước cho là “ghét nhau”, nhưng cợt nhau thì phải hơn. Nghĩa là chữ Mệnh thường
hay đùa bỡn chữ Tài, có khi cho được hiển vinh xung xướng, có khi làm cho điêu
đứng thiểu não, đó là thấy có tài thì đùa bỡn chơi mà thôi. Nếu ghét nhau thì
bao nhiêu người có tài phải khổ cả.
Đến đây, chúng ta khó có thể
nghi ngờ việc Nguyễn Văn Vĩnh có thực giỏi chữ Hán và Nôm hay không? Hay ông đã
yêu cái tiếng mẹ đẻ của mình đến ngần nào?!
Theo Nguyễn Văn Tố
(1889-1947), Nguyễn Văn Vĩnh có lối dịch văn thấu đáo, “theo cách thức nghệ thuật
được người bình luận bất ngờ đem dùng, để bàn về tính chính đáng của một cách
diễn đạt hoặc một hình ảnh, một chi tiết bếp núc nghiệp văn được gợi ra ngay
trong tiến trình bình luận” (1)
Trên cuốn Kim Vân Kiều xuất
bản năm 1913 của Nguyễn Văn Vĩnh, ở trang nhất ghi rõ: In lần thứ ba có sửa
lại. Vậy là, chỉ trong một năm, cuốn truyện đã được tái bản đến lần thứ ba và
thường xuyên được hiệu đính, chỉnh sửa. Điều này đủ để thấy cái sự gắn bó, cái
sự đam mê và đặc biệt là cái đức tin của người dịch, rằng: việc này cần, cần
làm thật tốt việc này, một thuộc tính quý hóa của những người làm văn hóa chân
chính.
Cho đến 1942 (6 năm sau khi
Nguyễn Văn Vĩnh qua đời), Nhà Xuất bản Alexandre de Rhodes cho ra đời
tập I cuốn Kim Vân Kiều của Nguyễn Văn Vĩnh dịch ra tiếng Pháp, và, được
đánh giá là bản dịch văn xuôi tỷ mỷ và tinh tế nhất (2).
Thực tế này là cơ sở để một
người Nhật là Komatsu Kiyoshi, năm 1941 đến Việt Nam lần đầu tiên và đã may mắn
có được cuốn Kim Vân Kiều dịch ra tiếng Pháp chưa xuất bản. Năm 1942, ông trở lại
Việt Nam với vai trò là cố vấn của Viện Văn hóa Nhật Bản và ông Komatsu Kiyoshi
vì thấm cái nỗi đau của số phận nàng Kiều, vì bị tính thôi thúc của lương tâm
ám ảnh và trên nữa, ông say cái hồn văn của thi hào Nguyễn Du, để rồi ông đã trở
thành người Nhật đầu tiên quyết tâm dịch truyện Kiều ra tiếng Nhật trên cơ sở
cuốn Kiều dịch ra tiếng Pháp của Nguyễn Văn Vĩnh.
“Cái gọi là kỳ duyên thì thường
không chỉ có một. Người chỉ cho tôi biết sự tồn tại của Kim Vân Kiều là
Nguyễn Giang, còn người dịch tác phẩm này ra tiếng An Nam hiện đại tức là Quốc
ngữ, rồi lại dịch ra tiếng Pháp một cách khéo léo hiếm có là thân phụ của anh:
một dịch giả nổi tiếng, một tác gia lớn của văn học An Nam hiện đại – Nguyễn
Văn Vĩnh”.
Cũng cái xuất sứ này, năm
1954, khi Hồ Chí Minh là Chủ tịch nước VNDCCH đã không vô cớ “với trên giá
sách hai tập Kim Vân Kiều của NXB Alexandre de Rhodes ấn hành năm
1942/43 của Nguyễn Văn Vĩnh dịch ra tiếng Pháp” và tặng một nhà báo
người CHDC Đức, đầy tình yêu với Việt Nam là ông Franz Faber (1917-2013) kèm
theo câu dặn dò: “Tôi tặng anh tập sách này, đọc xong anh sẽ có thể làm được
việc gì đó!” (3).
Điều hiển nhiên khi một người
quyết định tặng sách cho ai đó, người đó chắc chắn trong tâm thức đã có những
âm hưởng của sự tán đồng với nội dung tác phẩm mình đem tặng. Đặc biệt, với một
người là Chủ tịch của một nước, việc tặng sách cho bất kỳ ai cũng sẽ nhất nhất
là một thông điệp đầy ẩn ý. Trường hợp kể trên giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhà
báo người CHDC Đức không nằm ngoài nguyên tắc hành xử này.
Hệ quả thật đáng khich lệ.
Năm 1964, nhà báo Franz Faber đã cho ra đời cuốn Truyện Kiều bằng tiếng Đức đầu
tiên. Để chứng minh sức cuốn hút của một tác phẩm văn học của một dân tộc đói
nghèo, nhưng với tâm hồn đầy lòng nhân ái của Kim Vân Kiều nhờ thông qua lời
văn và kiến thức toàn diện của người dịch, ông Franz Faber đã tâm sự: “Mang
sẵn trong lòng mình những xúc động về con người và đất nước Việt Nam, tôi đã
không cầm được nước mắt khi đọc Truyện Kiều. Và suốt một thời gian dài, không
biết bao lần, tôi cứ bồi hồi xao xuyến không nguôi. Chính trong thời điểm ấy,
tôi quyết định tìm hiểu sâu sắc tác phẩm này và sẽ dịch nó ra tiếng Đức”.
Vâng, ông Faber đã khóc…Vậy
ai đã làm cho ông khóc? Thi hào Nguyễn Du, hay thân phận bi thương của nàng Kiều?
Hay là người đã tặng ông bộ sách? Dù là ai đã làm cho ông Faber phải khóc, thì
ông cũng phải thông qua con chữ, và con chữ mà ông Faber đọc là chữ Pháp và phải
do người dịch đã không vô cớ lao vào cuộc “bể dâu” để chuyển đến cho ông. Đây
là một sự thật không thể nói khác!
Để kết thúc sự việc ông
Franz Faber đã chìm ngập trong những cảm xúc mênh mang khi đọc Truyện Kiều bằng
tiếng Pháp do Nguyễn Văn Vĩnh dịch, xin nhắc lại một chi tiết mà ông Faber đã
tâm sự, vô tình ông đã trở thành một người phê bình cách dịch của Nguyễn Văn
Vĩnh như sau:
“Chẳng hạn, mở đầu thi phẩm
là hai từ Trăm năm, không thể hiểu đơn giản đó là một con số. Ở đây có mối
quan hệ hài hòa giữa các đặc điểm của sự vật về hình thức, mầu sắc và số lượng.
Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã mười lần viết: “Trăm năm” và mỗi lần như vậy,
đòi hỏi một cách dịch khác. Cho dù ở trường hợp nào, thi sĩ cũng hàm ý nói đến
độ dài của đời người.” (4).
Trong quá trình tồn tại và ảnh
hưởng của một tác phẩm, Kim Vân Kiều đã tạo ra vô vàn những nhận định của lịch
sử và đạt đến cấp độ siêu việt, mà nếu để nhắc lại ở đây sẽ khó mà nói được bài
viết này sẽ kéo dài đến bao nhiêu trang. Tuy nhiên, có những dấu mốc mang tính
định hình về giá trị của một tác giả, một tác phẩm văn hóa được nhân loại xếp đặt
vào hàng kinh điển trong vô vàn những sản phẩm văn hóa sinh ra từ trí tuệ của
con người.
Năm 1953, Hiệp hội biên soạn
Tự điển và Bách khoa toàn thư của Cộng hòa Pháp đã trang trọng đưa tác phẩm Kim
Vân kiều vào bộ tự điển CÁC TÁC PHẨM CỦA TẤT CẢ CÁC THỜI ĐẠI VÀ CÁC XỨ SỞ
(Dictionnaire des oeuvres de Tous les Temps et de Tous les Pays). Bộ tự điển
gồm 4 tập, khổ sách 22 x 30 cm, dày trên 3.000 trang.
Trước sự thật vừa nêu, 40
năm trước đó, hẳn Nguyễn Văn Vĩnh cũng đã nhận ra cái giá trị trường tồn này của
Kim Vân Kiều?
Trang bìa cuốn Dictionnaire
des oeuvres
de Tous les Temps et de Tous les Pays
Cả một đội ngũ các nhà khoa
học thuộc Hiệp hội Biên soạn Tự điển và Bách khoa thư của Đế quốc Pháp, một quốc
gia được nhân danh là cái nôi của nền văn minh nhân loại, khi nghiên cứu Truyện
Kiều để đưa ra nghị quyết xếp tác phẩm Kim Vân Kiều vào Tự điển, vậy họ đã
thông qua việc tìm hiểu tác phẩm này bằng ngôn ngữ nào? Nếu là bản dịch sang tiếng
Pháp, thì bản dịch đó của ai? Và cơ sở khoa học nào để NXB Alexandre de Rhodes
thực hiện việc ấn hành một tác phẩm văn học dịch cực kỳ phức tạp như Kim Vân Kiều
của một người đã mất từ sáu năm trước đó (chưa nói đến ngày đó, NXB có trả tiền
bản quyền dịch thuật cho gia đình tác giả không?). Đơn giản để suy xét, mọi người
đều sẽ đồng ý, người đó là Nguyễn Văn Vĩnh! Liệu sẽ có ai phủ nhận giả thuyết
này cho dù trong một quá trình dài cho đến thời điểm nước Pháp đưa Truyện Kiều
vào từ điển, cũng đã có không ít người dịch Kiều sang tiếng Pháp.
Hệ thống lại một cách xuyên
suốt những cố gắng và sự miệt mài của Nguyễn Văn Vĩnh trong sự nghiệp làm văn
hóa, mới thấy Nguyễn Văn Vĩnh đã có sự nhạy cảm khác người. Đáng quý hơn là sự
nhạy cảm đó được cộng với tình yêu đồng loại, cộng với năng lực siêu phàm, tạo
nên sự thiết tha với bản sắc văn hóa của một dân tộc, và đã để lại cho hôm nay
những hệ quả không thể không kính trọng!
3. Để đem đến cho các độc
giả cơ sở nhìn nhận về ý thức văn hóa của Nguyễn Văn Vĩnh, một “Người nhà quê”
như chính ông luôn tự nhận, chúng tôi xin gửi tặng những ai ngưỡng mộ Nguyễn
Du, ngưỡng mộ tác phẩm Kim Vân Kiều, toàn văn lời tựa của cuốn sách được Nguyễn
Văn Vĩnh cho phát hành vào năm 1913 cùng với bản chụp trang nhất của cuốn sách.
Chúng tôi hy vọng rằng, với
những minh chứng nho nhỏ này trong tiến trình xây dựng chân dung thực của học
giả Nguyễn Văn Vĩnh, sẽ giúp cho hậu thế tăng thêm niềm tin vào các bậc tiền
nhân xuất chúng của dân tộc Việt Nam. Từ đó tăng thêm niềm hãnh diện về khái niệm
của tính dân tộc học, một điều mà chúng ta chỉ mới quan tâm đến khía cạnh này từ
vài chục năm gần đây.
LỜI TỰA KIM VÂN KIỀU của
NGUYỄN VĂN VĨNH
(In năm 1915).
Cả nước Nam duy có truyện
Kim-Vân-Kiều là truyện hay.
Văn-chương thế mới thực là
Văn-chương!
Kể các truyện nôm của ta thì
bao nhiêu là truyện, nhưng mà không có truyện nào, cốt tầm-thường như thế, mà
nên được những câu tuyệt-diệu, tả được những cảnh não nùng, tính tình con người
ta giãi bày ra một cách rất sâu sắc.
Nhưng mà, ai là người hiểu
cho hết những cái sâu sắc ấy! Hiểu được ắt phải đã
Trải qua một cuộc bể
dâu
Phải đã biết.
Đau đớn lòng vì những điều
trông thấy. Mà hiểu được câu truyện, cái lòng thương nhân loại nó lại càng lai
láng ra bao nhiêu!
Ví trong nước Nam ta, mà bao
nhiêu người ngâm truyện Kiều, hiểu được cả truyện Kiều, thì thực là một nước biết
yêu, biết thương nhau, biết sống làm người một cách êm ái quá.
Ngặt vì mười người ngâm
không được lấy một người hiểu. Sao vậy?
Trước hết là bởi cái lối làm
văn Nước Nam như thế. Nhời là nhời nói với cả bao nhiêu người trong ngực có tấm
lòng thổn thức, mà lại dùng những chữ nghĩa ước với nhau trong một bọn nho mà
thôi; thì sao hiểu thấu hết được? Thế mà hay. Hay là vì cái người biết đau đớn,
biết ngán việc đời, như ông Nguyễn Du, dẫu phải theo khuôn theo lối, nhưng cất
ngòi bút viết, mở miệng nói ra có tiếng não nùng thấm thía vào lòng người ta.
Cái khuân ấy, cái lối ấy, chẳng qua là một cái rào chắn ngang đường, một cái
khó của phong tục nó đố người tài, làm cho lộ thêm cái tài ra mà thôi.
Nay chúng tôi dịch truyện
này ra chữ quốc ngữ, có ý tra cứu các bản từ xưa đến giờ, để dịch cho
đúng mà lưu lại một cái nền văn-chương nước Nam. Các điển tích cùng các câu khó
chúng tôi đã chua ra, để ai ai cũng hiểu những câu sâu sắc trong truyện Kiều; để
mà biết thực giá một cái hương hỏa quí của người đời trước để lại cho; để mà
ngâm câu truyện biết nghĩa lý, thì lòng người mới biết động.
Nay tựa.
Nguyễn Văn Vĩnh
Chú thích.
1. Nguyễn Văn Tố đăng
trên tạp chí “Tin tức – Hội Tương tác Giáo dục Đông kinh” phát hành bằng tiếng
Pháp tại Hà Nội. Số thứ 16, số1 và 2, từ tháng Giêng đến tháng Sáu năm 1936 (Bản
dịch của nhà giáo Phạm Toàn).
(2) Truyện Kiều: 5 kỷ lục
thế giới và 7 kỷ lục Việt Nam. Bài viết của Hà Đình
Nguyên. Đăng trên báo Thanh Niên số 139 ngày 19.5.2005, trong loạt bài:
“Những Kỷ lục khó vượt qua”.
(3). Báo Nhân dân Chủ nhật
tháng 4.2009.
(4) Franz
Faber - người đầu tiên dịch Truyện Kiều sang tiếng Đức.
Tạp chí Hương Việt - Nhịp cầu
văn hóa Việt Đức, số 20.12.2010.
Bài tham khảo:
1. Nhời
Đàn Bà
2. Komatsu
Kiyoshi và Cuộc tái ngộ
3. Nguyễn Văn Vĩnh với Nguyễn Du.
Nguyễn Lân Bình
vé máy bay eva air khuyến mãi
đặt vé máy bay đi mỹ online
korean air booking
khuyến mãi vé máy bay đi mỹ
giá vé máy bay đi canada
Nhung Chuyen Di Cuoc Doi
Ngẫu Hứng Du Lịch
Kien Thuc Du Lich