Giải mã cách đọc kiều của Tản Đà
1. Đi tìm một cách hiểu
Bài viết “Văn Hoa Tiên và văn Kiều” được đăng trên Phụ nữ Tân
văn (PNTV), số xuân 1934, tiềm ẩn nhiều cách cắt nghĩa về cách đọc Kiều của
Tản Đà. Trên thực tế, hầu hết các bài trong số xuân đều là các bài đặt, tập hợp
các tên tuổi lớn. Nếu như đây là bài Tản Đà được “đặt để viết” thì câu chuyện
còn được mở rộng hơn nữa, ngoài phạm vi phê bình văn học (chí ít là mở ra những
vấn đề về xu hướng thị hiếu, về ảnh hưởng thực của Truyện Kiều đối với
công chúng rộng rãi đương thời, về ý tưởng “định hướng đọc” của chủ báo Phụ
nữ tân văn đối vớiTruyện Kiều…).
Mười năm trước thời điểm bài viết của Tản Đà xuất hiện, năm
1924, Hội Khai Trí Tiến Đức do Phạm Quỳnh lập ra và làm Tổng thư ký, đã long trọng
tổ chức kỉ niệm Nguyễn Du với hàng nghìn người tham dự tại tòa nhà trung tâm thủ
đô ngã ba Hàng Trống. Bài bia kỷ niệm Tiên Điền Nguyễn Tiên sinh (Hội
Khai Trí Tiến Đức) viết: “Tập Đoạn trường tân thanh (tức là Truyện Kiều)
thực là một cuốn văn kiệt tác trước sau chưa có bao giờ”[1]. Ông chủ Nam
Phong còn khẳng định: “Hội ta sùng bái tiên sinh, chủ ý chuyên trọng về quốc
văn, mong sau này quốc văn có một ngày hưng thịnh”. Chủ bút Nam Phong đề cao Truyện
Kiều nằm trong chủ trương cổ xuý quốc học, quốc văn.
Phong trào sùng bái Truyện Kiều lan rộng là khởi nguyên cho
cuộc tranh luận nổi tiếng giữa ông chủ bút tờ Hữu Thanh – Ngô Đức Kế với người
khởi xướng kỉ niệm Nguyễn Du - Phạm Quỳnh. Đối tượng tranh luận là một (Truyện
Kiều) nhưng động lực và những xung đột sâu sắc của cuộc tranh luận ấy lại không
nằm ở con số một. Nó là một “khối” vấn đề uẩn khúc liên quan đến vận mệnh
dân tộc, nhãn quan thẩm mỹ, quan niệm văn học, bối cảnh xã hội, sự đan xen, lồng
ghép các vấn đề nhân sinh, chính trị vào không gian thưởng thức văn học nghệ
thuật,…Đặc điểm của cuộc tranh luận này là: không làm sáng tỏ vấn đề của
nó, tức Truyện Kiều, mà ngược lại, làm sáng rõ những vấn đề ngoài nó, tức
bối cảnh của sự nhận thức về tự do, độc lập, xung đột văn hóa Đông - Tây, xung
đột danh dự dân tộc và vinh dự cá nhân [2]. Lần đầu tiên,
Truyện Kiều bị đặt trong cuộc đấu trí giữa giá trị của dân tộc và giá trị của
danh nhân, giữa quốc sỉ và quốc hồn, quốc học; lần đầu tiên, cuộc xung đột giữa
hai ý hướng và thiện chí cốt tử như nhau (chỉ từ mối quan tâm về một tác phẩm
văn học cách đó gần trăm năm) được công khai trong xã hội: khai mở trí tuệ, bồi
đắp đạo đức (Phạm Quỳnh) và cảnh tỉnh lương tri, kêu gọi ái quốc (Ngô Đức Kế),
lần đầu tiên có một cuộc tranh luận nảy lửa và kéo dài thu hút các anh tài có
các quan niệm khác nhau, lần đầu tiên các khái niệm, các quan niệm mới được giới
thiệu( như phương pháp Thái tây, nghệ thuật vì nghệ thuật, nghệ thuật vì nhân
sinh,..).
Chưa hết, các bình luận rầm rộ kéo dài về Kiều
trên Phụ nữ Tân văn cuối những năm 20, đầu những năm 30 của thế kỉ
XX, rồiPhụ nữ thời đàm nữa, cũng mang đến một không khí rất khác biệt
trong việc tiếp nhận Truyện Kiều và những cách đọc về Nguyễn Du.
Bài “Văn Hoa Tiên và văn Kiều” của Tản Đà (1934) xuất hiện
trong bối cảnh những sự kiện lớn đã nêu. Vì thế, bài viết (dù được đặt để viết
cho số Xuân hay là một cảm nhận riêng của Tản Đà gửi đi) cũng đều không thể
không có dư âm những làn sóng sùng bái hay “hủy diệt” Truyện Kiều từ Nam chí Bắc.
Tản Đà viết để hô ứng với phong trào kỉ niệm Nguyễn Du, hay để đáp từ một niềm
tâm đắc kì lạ của dân Hà Thành đối với người con sông Lam núi Hồng: “Ở Hà Thành
ta từ xưa đến nay, có lẽ chỉ có tiệc trà đón quan toàn quyền Sarraut diễn thuyết
ở Văn Miếu năm 1919 là họp được đông người đến thế” (Tạp chí Nam Phong số
86, 1924) thì sự thật không khác nhau mấy. Cũng không thể không đặt “cuộc tự
tranh cãi” của Tản Đà trong sự băn khoăn rất thực về giá trị Truyện Kiều,
nhất là khi ai đó “cặp đôi” Hoa Tiên, Truyện Kiều như một sự sóng
đôi.
Mở đầu bài viết, Tản Đà dẫn ngay tên tuổi một “vị danh nhân
thuở xưa” (cụ Cao Bá Quát) để đặt “đề bài” cho mình. Ông chỉ dẫn một danh sĩ mà
không nêu đích danh một tên tuổi đương thời nào. Do đâu mà ông ẩn danh họ, do
đâu mà không nói với người cùng thời?
Câu hỏi này tuy không phải thật quan trọng đối với vấn đề ta đang quan tâm nhưng rất có ý nghĩa nếu xem xét tâm thế đối thoại mang tính giao thời của Tản Đà. Cái không khí hoài vọng cố nhân, hoặc hồi quang của tâm lí thượng tôn cái cổ, hoặc cái tâm sự “nhà nho cuối mùa”, hoặc khuôn khổ của một bài báo xuân chủ vào sự vui tươi, có lẽ không cho phép ông tự do bàn bạc “tay đôi” với những danh xưng cụ thể; và chắc ông cũng không muốn du nhập cái không gian “khẩu chiến” vào không gian “thưởng thơ ngày Tết”.
Câu hỏi này tuy không phải thật quan trọng đối với vấn đề ta đang quan tâm nhưng rất có ý nghĩa nếu xem xét tâm thế đối thoại mang tính giao thời của Tản Đà. Cái không khí hoài vọng cố nhân, hoặc hồi quang của tâm lí thượng tôn cái cổ, hoặc cái tâm sự “nhà nho cuối mùa”, hoặc khuôn khổ của một bài báo xuân chủ vào sự vui tươi, có lẽ không cho phép ông tự do bàn bạc “tay đôi” với những danh xưng cụ thể; và chắc ông cũng không muốn du nhập cái không gian “khẩu chiến” vào không gian “thưởng thơ ngày Tết”.
Bởi vậy, bài viết của Tản Đà hình thức là tranh luận nhưng bản
chất là mạn đàm, hình thức là đối thoại nhưng bản chất là độc thoại. Và bởi vậy,
bài viết hơn 1000 chữ của ông vừa có dáng dấp một bài phê bình, vừa giống một
thứ văn xuôi lẫn lộn ghi chép, nghị luận, thậm chí tự sự.
Tản Đà, trong khi viết “Văn Hoa Tiên và văn Kiều”, đã có phần
nào đó hàm ý “phê phán” thi sĩ họ Cao khập khiễng trong nhìn nhận hai tác phẩm
bởi không xét hai tác phẩm ấy ở các khía cạnh khác nhau của “thời đại, cảnh ngộ,
tài khí”. Ba yếu tố đó được Tản Đà đặt ra một cách khoa học, một kiểu nhận thức
rất mới, dù người viết về nó lẩy ra bằng bản tính nghệ sĩ và cuối cùng chỉ bàn
riêng chuyện “tài khí” mà không bàn chuyện “thời đại, cảnh ngộ” như ông đã ý thức
được.
Ở một chiều hướng khác, có thể nói, mối quan tâm của Tản Đà
và Cao Bá Quát dường như không trùng nhau. Xét về mối quan tâm, bài tựa Hoa
Tiên của Cao Bá Quát chú trọng về Hoa Tiên và những gì Hoa Tiên làm được;
cho nên Hoa Tiên là đối tượng số một trong bối cảnh viết [3]. Thậm chí, Cao
Bá Quát nhấn mạnh giá trị Hoa Tiên với tư cách là một tri âm tri kỉ;
ông cương quyết bảo vệ Hoa Tiêntrước một “lũ người khinh bạc” dám “kiếm cớ
mà nói, nghiêng bầu chuốc chén, thường chẳng xét suy, lại xếp vào loại “lời
dâm, khúc đẹp”, thật đáng buồn sao!” [4]. Đánh giá của
Cao Bá Quát về công của Nguyễn Huy Tự “dùng bụi bặm tấm cám” (ý nói văn
nôm) “hun đúc nên gạch ngói lâu đài hoàn bị” là một đánh giá cao không những có
ý nghĩa đối với Hoa tiên mà còn rất ý nghĩa đối với tâm lý độc giả
đương thời với truyện nôm, chứng tỏ một điều chắc chắn: truyện nôm đã có chỗ đứng
trong đời sống tinh thần công chúng nhưng trong dư luận vẫn còn nhiều tranh cãi
sai khác mang tính quan niệm.
Thực chất, xét về ý tứ và ngôn ngữ bài tựa, có thể thấy Cao
Bá Quát không đề cao Hoa tiên quá mức như Tản Đà cảm nhận; việc luôn
luôn “cặp đôi” Hoa tiên và Kiều về bản chất không thể khẳng định đơn
thuần rằng Cao Bá Quát xem trọng Hoa tiên hơn Kiều. Cách so sánh: “Kiều
là tiếng nói hiểu đời, Hoa tiên là tiếng nói răn đời” là một so sánh tầm cỡ, chạm
đến những giá trị tột bực của Truyện Kiều mà Hoa tiên có phần
như một đối trọng, hay nói cách khác, như một ảnh hưởng trọng đại. Cao
Bá Quát hàm ýHoa tiên là “một cái gì đó” đủ khiến cho “sau đó Kim Vân Kiều
sinh ra được”. “Cái gì đó” chính là vấn đề mà Tản Đà muốn khơi ra. Có thật là
có “cái gì đó” không? “Cái gì đó” là gì? Trong trường hợp này, Tản Đà mượn ý tứ
đắm đuối với Hoa tiên của Cao Bá Quát để bàn việc đắm đuối riêng của
mình với Truyện Kiều, mượn người “thuở xưa” để nói chuyện đời nay. Do đó,
mối quan tâm của Tản Đà tập trung vào giá trị của Truyện Kiều; ông viết cả
một bài phê bình chỉ bởi duy nhất một câu lẩy ra từ bài tựa Hoa
tiên của cụ Cao mà không có ý quan tâm đến bản chất và ý nghĩ rộng rãi hơn
của bài tựa. Cái nhạy cảm quá mức của Tản Đà nằm trong phong cách nghệ sĩ và
tình yêu quá lớn đối với Truyện Kiều. Vậy nên phần cảm tính bị đẩy lên đến
mức nghiêng lệch, nhưng chính cái nghiêng lệch ấy lại giúp ông bày tỏ những điều
tâm đắc nhất, sâu sắc nhất, thậm chí, rất đúng, rất trúng. Bài tựa Hoa
Tiêncủa Cao Bá Quát còn nhiều vấn đề khác, thậm chí có chỗ ca ngợi Kiều rất
cao, nhưng Tản Đà nhất quyết chỉ “bắt bẻ” câu: “Sử Kim Vân Kiều sinh hồ kỳ hậu
dã”, cố tình dịch “sai” đến mức cực đoan: “Khiến cho Truyện Kiều đờ mắt trông
theo”.
Tản Đà khó mà dịch sai. Cái động từ mới toanh của ông “đờ mắt
trông theo” chẳng hề có trong bản gốc chữ Hán hàm chứa một ý tứ tinh nghịch và
tinh tế. “Đờ mắt” có nghĩa là bị động, một thứ “tê liệt”. Tản Đà cố tình tô đậm
một điểm nào đó trong phát ngôn của Cao Bá Quát. Có thể, theo cách hiểu của Tản
Đà, nhận định “khiến cho Kim Vân Kiều sau đó sinh ra” của Cao Bá Quát là
điều ông không thể chấp nhận nổi, với lý do là (theo cách nói đó) Kiều “bị sinh
ra”, “bị động” trong sinh mệnh của nó, “được đẹp” lên bởi cái khác. Với Tản Đà,
cách nói của Cao Bá Quát chẳng khác nào động chạm đến “linh khí” của Truyện
Kiều. Tản Đà không chia sẻ cách nhìn sâu sắc của Cao Bá Quát về một dòng chảy
truyện thơ Nôm tài tử và những sự sinh nở tất yếu của dòng thơ ấy. Ông chỉ quan
tâm đến một nhận định “nhạy cảm” của bậc danh sĩ xưa để bày ra trận địa chữ và
nghĩa, thỏa chí thưởng thức và (dường như) yên ổn trong không gian cũ, dấu chân
cũ của cách cảm truyền thống: nỗ lực đi tìm “thần cú, nhãn tự” để so sánh hai
tác phẩm trong khi (“tuyên ngôn” bài viết lại có vẻ như) đi vào một đường lối
khá mớinhư giới Tây học từng nói( Phạm Quỳnh yêu cầu “ đứng về phương diện văn
chương mà xét”, Phan Khôi nói đến hai phái đều có lí là nghệ thuật vì nghệ thuật
và nghệ thuật vì văn chương): chuyên chú vào văn chương.
Bản chất cuộc đối thoại có màu sắc độc thoại của Tản Đà thể
hiện ở nội dung: Tầm và Tầm của Tài. Ông nhìnTruyện Kiều và Hoa
Tiên từ cái tầm của nó đối với nền quốc học, trong sự thưởng thức của giới
trí thức tài tử - những người đủ “thẩm quyền” để đọc và tin vào cách đọc của
mình. Bài viết của ông không có ý xác minh văn bản và phân trần đúng sai; Nó chỉ
minh định một giá trị không thể chối cãi. Ông bỏ qua nhiều suy tư đúng đắn của
danh sĩ Cao Bá Quát để nhắm thẳng vào một mệnh đề có thể gây tranh cãi nhiều nhất,
tự nhiên mở ra những “sáng tạo luận” hấp dẫn dù không quyết đi hết con đường.
Theo “giải trình” của Tản Đà, có mấy lý do để nhà thơ so
sánh Hoa Tiên và Kiều:
- Một là: Cụ Cao Bá Quát là “vị danh nhân”, theo cách hiểu
của Tản Đà, cho rằng Hoa tiên hơn Truyện Kiều. Tản Đà hiểu câu của Cao Bá Quát
khác chúng ta, khiến cho sự so sánh thêm lí do xuất hiện (lý do này liên quan đến
cá tính và phong cách văn chương của Tản Đà)
- Hai là: nhiều người cho là Hoa Tiên tương đương hoặc
hay hơn Kiều (lý do này là mấu chốt!)
- Ba là: nhiều người nói hai tác phẩm (Hoa Tiên và Kiều)
hay và tương đương nhưng không chỉ rõ chỗ hay và tương đương (lý do này là cái
cớ thêm chuyện)
- Bốn là: Quan niệm của nhiều người “lấy ở tính chất của
truyện” mà không “chuyên luận văn chương”khi xét đến giá trị Truyện Kiều và Hoa
Tiên (lý do này rất liên quan đến phương pháp luận phê bình văn học, đến tâm lý
văn nghệ)
Thế thì, với bốn nguyên do trên, Tản Đà viết để thay đổi cách
nhìn, cách đánh giá của nhiều người khi so sánh hai truyện Nôm nổi tiếng, trong
đó có “danh sĩ” Cao Bá Quát – người được Tản Đà đưa ra làm đại diện đặc sắc, là
người “đáng” để Tản Đà phê, cãi lại, đáng trở thành nguồn gốc tao nhã cho cuộc
hứng thú viết trong ngày xuân. Mặt khác, cách đánh giá của nhiều người, theo Tản
Đà, vì “lấy ở tính chất của Truyện” không phải “ chuyên luận văn chương” nên
không làm rõ được cái hay thật có của Truyện Kiều. Tản Đà cũng không nói họ
sai, chỉ nói cái cần so sánh là Văn, nên Tản Đà theo hướng Văn. Và cuối cùng, một
điều rất cần lưu ý là: bài viết của Tản Đà cho thấy một đặc điểm của người sáng
tác viết về sáng tác (về bản chất), đồng thời là người “ngưng” sáng tác viết về
sáng tác (về thời điểm). Các yếu tố này âm ỉ tạo ra một phong cách đọc, một
cách “thương lượng”, “điều trần” rất mực tinh tế, chất chứa cảm thông nhưng
cũng không thiếu “sòng phẳng”, “lý tính”.
2. Cách đọc Kiều của Tản Đà từ bản so sánh Hoa Tiên và
Kiều
Hoa tiên dù là con đẻ của Nguyễn Huy Tự song lại có nhiều
sinh mệnh khi bước vào lịch sử tiếp nhận, từ bản nhuận chính của Nguyễn Thiện đến
bản nhuận sắc của Vũ Đãi Vấn, Cao Bá Quát. Cảm hứng nhuận chính, nhuận sắcHoa
tiên đương nhiên không so được với cảm hứng ngâm, vịnh, bói, lẩy, tập,..
Kiều, nhưng về cơ bản, sức hút về văn hóa và không gian mỹ học tiếp nhận của
hai tác phẩm đều rất đáng kể. Vậy mà đối với Tản Đà, chẳng có văn bản nào của Hoa
tiên được đem ra xem xét, nghi vấn, chọn lọc. Ông hoàn toàn không để tâm
vào việc định hình bản của Nguyễn Thiện tốt hơn, hay bản của Vũ Đãi Vấn hợp lý
hơn, hoặc giả bản gần nguyên gốc của Nguyễn Huy Tự và các bản khác có gì cần
truy cứu. Các loại văn bản này không nằm trong mối quan tâm của Tản Đà, bất chấp Hoa
tiên đã được nhuận sắc, nhuận chính, sửa chữa, thêm thắt theo định hướng mỹ
học nào. Mục tiêu lớn nhất của Tản Đà là khẳng định giá trị vô tiền khoáng
hậu và phi thường của Truyện Kiều[5]. Hình thức
phân tích, so sánh là cách làm mang tính khoa học khá rõ ở Tản Đà; một kiểu làm
khoa học bằng tâm thế một nhà nho tự nhiên tiếp nhận cái mới, hệ thống tư duy mới,
cái mà trước đó quãng 10 năm ông chủ bút Nam phong trong bài viết về Truyện Kiều
đã nói và xác định là ông theo “phương pháp thái Tây”, nghĩa là có sự phân
tích, phân loại.
Câu thơ dịch thần bút “buột mồm” của Tản Đà: “Nói láo mà
chơi, nghe láo chơi” [6] thực chất là một
tuyên ngôn nghệ thuật đã đeo bám Tản Đà, thể hiện thành một di sản văn chương
có dấu ấn một tay bút chuyên nghiệp, hiện đại. Cái “láo” ấy và cái “chơi” ấy
không mấy khác triết lý “tự sự hóa” của thế giới này nay, cũng như không có gì
xa lạ với “trò chơi” trong quan niệm tâm lý văn nghệ nói chung.
Phá đi cái tôn nghiêm, chân chỉ đeo đẳng dai dẳng trong truyền thống văn chương khoa bảng Hán học, Tản Đà chỉ thẳng vào bản chất nghệ thuật là “nói láo”, “nghe láo”, và “chơi”. Bởi thế, bài viết “Văn Hoa tiên và văn Kiều” của ông cũng “rậm rạp” đến gần khu vực “chơi”. Nói cách khác, văn chương nghệ thuật là “bịa ra”, “mộng ra”, “vọng tưởng ra” một thế giới khác và du được người đọc đồng hành nơi ấy. Tản Đà “bịa” ra một câu văn dịch bất ngờ và tâm tình với người đọc như thế đó là câu chuyện nghiêm trọng. Và quả thực, ông cũng đem tới nhiều điều nghiêm trọng.
Phá đi cái tôn nghiêm, chân chỉ đeo đẳng dai dẳng trong truyền thống văn chương khoa bảng Hán học, Tản Đà chỉ thẳng vào bản chất nghệ thuật là “nói láo”, “nghe láo”, và “chơi”. Bởi thế, bài viết “Văn Hoa tiên và văn Kiều” của ông cũng “rậm rạp” đến gần khu vực “chơi”. Nói cách khác, văn chương nghệ thuật là “bịa ra”, “mộng ra”, “vọng tưởng ra” một thế giới khác và du được người đọc đồng hành nơi ấy. Tản Đà “bịa” ra một câu văn dịch bất ngờ và tâm tình với người đọc như thế đó là câu chuyện nghiêm trọng. Và quả thực, ông cũng đem tới nhiều điều nghiêm trọng.
Trở lại bài viết của Tản Đà, thấy rằng cách đọc Kiều đáng chú
ý của ông thể hiện ở một số điểm sau:
(1) Kiến
tạo vấn đề, tự sự ra vấn đề để trò chuyện, đối đáp, tranh biện
Tản Đà trích lấy một câu trong bài tựa Hoa tiên của
Cao Bá Quát “Sử Kim Vân Kiều xanh hồ kỳ hậu giã” và dịch, bình luận:
“Khiến cho quyển Kim Vân Kiều đờ mắt theo ở sau. Như lời ấy, thời quyển Hoa
tiên hơn quyển Kiều”.
Tản Đà “dựng chuyện” rất giỏi (nhất là ở chi tiết “đờ mắt”)
nhưng câu văn mà ông chọn lại chính là câu có nhiều vấn đề nhất. Đấy
là cái tài của ông. Ở một góc độ nào đó, Tản Đà đã viết tranh luận, phê bình
văn học dưới hình thức một câu chuyện, một tiểu phẩm trần thuật, thậm chí có phần
“hậu hiện đại”.
(2) “Chuyên
theo văn chương để phê bình hai cuốn truyện đó”
- Tản Đà
quan niệm Văn chương như một tiêu chí cần được phân biệt rõ ràng với các tiêu
chí khác (nhất là các tiêu chí về luân lý, đạo thánh hiền, đạo đức dân sự…vốn
thường lẫn lộn trong quan niệm Văn). Sự phân biệt này khiến Tản Đà gần với các
học giả Tây học hơn là với các nhà nho thủ cựu trong quan niệm văn học như Ngô
Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng
- Tản Đà
có mục tiêu viết phê bình mang phong cách nghệ thuật riêng, với tư duy riêng về
cái hay, về kiệt tác; ông đặt hai tác phẩm lên bàn cân chữ nghĩa chuyên nghiệp
của nghề văn và khảo sát một cách tỉnh táo dựa trên các luận điểm phân tích mạch
lạc.
- Nhìn từ
ngành phê bình văn học, bài viết của Tản Đà là một sự xuất hiện không thể bỏ
qua, hoặc giả ít nhất cũng là có vai trò trongbuổi đầu tư duy phê bình nghệ thuật.
(3) Nền
tảng so sánh là chủ đề và phong cách – một cách đọc có màu sắc khoa học
Tản Đà đặt toàn bộ dung lượng phê bình lên hai cái đế khá chắc:
chủ đề và phong cách. Ông chọn chủ đề “đàn bà” và làm bật lên hai cách nghĩ và
tài thơ khác biệt của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Du. Từ đó, ông di chuyển hẳn sang
cái sang trọng và đa dạng của chữ nghĩa hai nhà thơ mà bình luận. Sáng tạo của
Tản Đà thể hiện khá rõ trong quan niệm “hay một cách bằng phẳng”so với cái hay
một cách “xôi xốc mà thanh lịch”. Theo Tản Đà, “hay một cách bằng phẳng” cũng
là hay nhưng không hay nhất. Đó là cốt lõi phân định giá trị văn Hoa
tiên và văn Kiều.
(4) Mệnh
đề cốt tử: Văn Truyện Kiều là văn chương; văn Hoa tiên tựa ở
luân lý
- Cán
cân định giá ở đây có sự khác biệt giữa Tản Đà và Cao Bá Quát. Cao Bá Quát đặt
nặng cái “trung hậu” của Hoa tiên (nói cách khác, ông hài lòng với sự
an toàn của đức hạnh và đạo nghĩa theo quan niệm Nho giáo, nhất là cái an toàn
của một tuyệt phẩm có thể an ủi được một con người “bị đời ruồng bỏ đã lâu”),
còn Tản Đà hứng thú cái “chuyên nghiệp” của Truyện Kiều (nói cách
khác, ông hả hê với cái phiêu lưu của đức hạnh và sự thăng trầm của đạo nghĩa
theo diện mạo ví von “bà lớn tân thời”). Như vậy, cảm tình của Cao Bá Quát đối
với Hoa tiên vẫn rất khiêm tốn trong quan niệm giá trị, chưa thấy rõ
cơ sở xem Truyện Kiềukém hơn Hoa tiên. Cái giả thiết không được nhìn
thấy qua câu chữ Cao Bá Quát là: cái răn đời hay hơn hay cái “hiểu đời”
hay hơn? Giả thiết này bị Tản Đà “phiên dịch” thành một mệnh đề: “Hoa Tiên
hay hơn Kiều”, và nhân đó, đặt bút “phê” lại.
Câu chuyện của Tản Đà “gây sự” ra với Cao Bá Quát là một chuỗi
“tự sự” rất Tản Đà, một thứ chất thơ tràn trề của một nhà văn “chữ nghĩa Tâu
Tày trót dở dang”. Trong bối cảnh tranh luận này, Cao Bá Quát không phải là một
danh sĩ cần được Tản Đà đối chất theo nghĩa “tranh luận văn học” mà là một
“nhân vật đọc” gây ấn tượng cho Tản Đà. Bài tựa Cao Bá Quát cũng như tên tuổi
ông là cái cớ “xứng đáng” để Tản Đà đối thoại với những ai đó khác đang mơ hồ về cái
gọi là kiệt tác và cái gần với kiệt tác.
(5) Quan
niệm phê bình thực chứng và dấu ấn lối đọc “thần cú”, “nhãn tự” – tích hợp tư
duy Đông – Tây trong phê bình
Tản Đà thuộc số ít các nhà nho đầu thế kỉ XX viết văn theo
phong cách phảng phất chút khoa học xứ Thái Tây. Ông không nói suông, tỏ chí, vịnh
tình. Ông viết để thuyết phục. Có mấy thứ ông bày ra để thuyết phục người ta
trong mấy ngày xuân đầu năm: Cái hay thực sự phải là hay ở chỗ chỉ ra được, cái
hay thực sự là cái hay sống động, có chất đời, cái hay thực sự là cái hay của sự
thần diệu, bao quát, phong phú xuất chúng. Cái hay thực sự là cái hay vượt qua
“mặt phẳng” mà vươn tới sự sâu thẳm, thô ráp của đời sống bao la: “Văn Truyện
Kiều rất là bạo lời; văn Hoa tiên giữ ý cẩn thận. Văn Truyện Kiều nhiều giọng lịch
lõi, văn Hoa tiên toàn vẻ trang nhã. Văn Hoa tiên như mợ ấm khuê các; văn Truyện
Kiều như bà lớn tân thời. Văn Hoa tiên những câu hay, hay một cách bằng phẳng;
văn Truyện Kiều những câu hay có nhiều ý tứ xôi xốc. Văn Hoa tiên những câu hay
không thể chỉ rõ từng chữ; văn Truyện Kiều những câu hay, có thể chỉ rõ từng chữ
hay”.
Giai đoạn này, Tản Đà hầu như không còn sống với hình ảnh một
nghệ sĩ sáng tác nữa mà chỉ viết các bài bình và dịch thơ Đường, chú giải Truyện
Kiều. Bài “Văn Hoa tiên và văn Kiều” của ông thể hiện một đẳng cấp rất cao
trong việc thưởng thức nghệ thuật thơ ca. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lối đọc
“thần cú, nhãn tự” có truyền thống của phương Đông (mang tính trực giác) với
cách phê bình thực chứng phương Tây (mang tính lý trí) đã tạo ra một không gian
đọc mới mẻ, vẫn còn dấu vết “thỏa hiệp” với quá khứ rộng lớn viễn mộng Đông Á,
đồng thời hé ra phương cách kết nối lối mỹ cảm mới về một loại đọc văn bằng
văn. Đoạn này là tuyệt bút phê bình của Tản Đà trong việc kết hợp Đông – Tây:
“Mày ai, trăng mới in ngần
Phấn thừa hương cũ bội phần xót xa
Câu này, cái giá tuyệt thanh quí, chỉ ở một chữ “ai”. Ai, tức
là người ở trong tưởng nhớ vậy. Trông thấy trăng mới in ngần, tựa như cái lông
mày, mà nhận là như lông mày của người ấy. Vậy không cần có chữ “nhớ” mà cái
tinh thần sự nhớ hoạt hiện ở trong câu. Mỗi câu sáu chữ đó, tức như văn Tàu
câu: “Phù dung như diện, liễu như my”. Chữ “ai” đó, tức là chữ “như”. Mà chữ
“như” kia trong văn Tàu còn tục, đến chữ “ai” đây, mới là tuyệt thanh”. Tản Đà
theo lối chọn câu hay, chữ hay, có phần dựa vào kinh nghiệmngâm- đọc (đặt
nặng âm điệu, thanh âm), một cách đọc đến nay không còn mấy người biết, nó gần
với cách thưởng thức, bình phẩm thơ thời Nguyễn Du. Phần viết về câu: “Phòng
không lặng ngắt như tờ - Dấu xe ngựa đã rêu lờ mờ xanh” chính là ví dụ tiêu biểu
cho cách đọc này [7].
3. Xung quanh sự kiện Hoa Tiên và Kiều
– hệ quả từ một mỹ cảm đọc
Dù có nguồn gốc từ một ca bản Trung Quốc (Hoa Tiên kí), truyện
Nôm Hoa Tiên của Nguyễn Huy Tự vẫn làm dấy lên một uẩn khúc về xung đột
sâu thẳm trong lòng xã hội trung đại của người Việt giữa tình yêu nhân bản, tự
do, chính đáng và mối chung tình do sắp đặt của quyền uy lễ giáo. Uẩn khúc đó
đã được người đời sau, đặc biệt là Vũ Đãi Vấn – dưới ngòi bút nhuận sắc mạch lạc
- có ý “hóa giải” để hạn chế tối đa một cuộc đối đầu nặng nề của ước thúc xã hội
với khát vọng con người. Tình yêu giữa Lương Sinh và Dao Tiên được Nguyễn Huy Tự
và Vũ Đãi Vấn dẫn qua nhiều khúc quanh “nguy hiểm” đối với nền tảng phong hóa của
khuôn khổ lễ giáo để làm mờ đi mọi xung đột sâu sắc (thậm chí là những bế tắc,
bi kịch vốn hoàn toàn có thể diễn ra trong đời sống thực). “Có thể tự chọn yêu
đương nhưng phải thông qua tục lệ cưới xin, có thể đính ước trước nhưng phải
trinh chính. Thế là chấp kinh mà có thể tòng quyền” [8] - lối đi
của “mỹ học trung hậu” (chữ của Trần Đình Hượu) trong tinh thần nhuận chính của
Vũ Đãi Vấn đã làm nổi rõ nguyên tắc “trung hậu” của Hoa Tiên như một đóng góp của
loại “truyện thơ ái tình đầu tiên” của xã hội Việt Nam thời trung đại. Như vậy, cái
lớn của Hoa Tiên nằm ở chỗ mà Truyện Kiều không trú vào [9]. Câu chuyện
của Tản Đà với hình thức là một cuộc tranh luận văn học thực chất là một câu
chuyện rất khác biệt với mối quan tâm của Cao Bá Quát – đó là câu chuyện rất
“hiện đại”: Văn. Bài viết của Tản Đà, do đó, dù rất thuyết phục về tầm
cao tuyệt mỹ của Truyện Kiều nhưng vẫn không hề cho thấy Cao Bá Quát sai (vì
hai người không cùng nói một việc); Đó là một kiểu tranh luận “rất Tản Đà”,
kiêu bạc nhưng đôn hậu.
Với bộ công cụ sắc bén “thời đại, cảnh ngộ, tài khí”, Tản Đà
minh chứng một phong cách văn chương (style) là mấu chốt cho giá trị cuối
cùng của tác phẩm. Nhìn lại các cách đọc Kiều của Vũ Trinh, Nguyễn Lượng,
Mộng Liên Đường chủ nhân, Phong Tuyết chủ nhân, Minh Mệnh, Đào Nguyên Phổ, Chu
Mạnh Trinh…, có thể thấy cách đọc của Tản Đà đột phá vào hai bức tường
thành: một là quan niệm nghệ thuật truyền thống đánh giá cao sự hài hòa, vừa
phải, trang nhã, không thái quá, không bất cập (Tản Đà, một mặt vẫn khen
cái hay trang nhã, bằng phẳng của Hoa tiên, mặt khác đã lật đổ nó bằng
cách rất nhẩn nha ca ngợi thứ văn “xôi xốc”, “lịch lõi”, “bạo lời”, “bạo đặt” của
Kiều)- đó là biểu hiện tính giao thời trong quan niệm cái đẹp của Tản Đà; hai
là quan niệm thưởng thức trộn lẫn văn nghệ và đạo hạnh (Tản Đà đã công phá
nó bằng cách chỉ ra sự phân biệt giữa phẩm bình luân lý và phẩm bình văn
chương, nhiệt tình bênh vực sự độc lập tương đối của yếu tố nghệ thuật trong
tác phẩm văn chương).
Sự khác biệt về tâm lý tiếp nhận và khuynh hướng tìm đến tính
thực chứng khoa học (“có thể chỉ rõ từng chữ hay”) là điều không thể không thấy
ở ngòi bút tài hoa của Tản Đà. Ý thức về “sự chia sẻ tri thức” với phong thái
dân chủ kín đáo trong bài viết đầu xuân 1934 của Tản Đà có phần khác với cảm hứng
“tri âm tri kỷ”, “độc quyền” về cảm xúc trong các lời bình của các nhà nho cuối
thế kỉ XIX.
Cái mới và cái không mới ở Tản Đà, suy cho cùng, đều là những
“chất liệu” khó tìm trong cái kho lưu trữ khổng lồ và li loạn của lịch sử. Mới hay không
mới đều có lý do bằng vàng để lưu giữ kí ức về một giai đoạn hoài thai hội
nhập.
a) Cái mới ở Tản Đà:
- Phong cách tranh biện và thực chứng theo lối phân tích lý
tính, tháo gỡ những mơ hồ về nhận xét cảm tính đối với tác phẩm, nhận xét chỉ để
minh họa cho ý tưởng đã được đóng cọc trước.
- Bài viết Tản Đà đặt ra một vấn đề mới về lối phê bình trực
cảm: đặt nặng khả năng về trực giác nghệ thuật để khám phá giá trị tác phẩm,
mang nặng cảm xúc cá nhân, tự do trong thưởng thức – sản phẩm của nền văn hóa đề
cao con người cá nhân ít khi có mặt trong nền văn hóa Đông Á trong quá khứ.
- Bài viết của Tản Đà cũng mang tới một lối tư duy đối thoại,
so sánh bình đẳng truy tìm chân lý, thể hiện ở câu cuối cùng: “Nhất Kiều, Hoa
Tiên cũng là một cuốn giá trị vậy”.
- Tâm lý văn nghệ được đặt vào một bối cảnh đặc biệt
thú vị: tranh luận dựa vào một chứng cớ mang tính tự sự.
b) Cái không mới:
- Vẫn giữ
truyền thống “điểm bình” của mỹ học phương Đông
- Công cụ
“điểm bình” khá mới nhưng động lực lại cũ: trích chọn một câu ra để bàn luận,
không đặt nặng tính hệ thống.
- Có so
sánh nhưng chưa thành khoa học, có phân tích nhưng chỉ dừng ở hé mở, mặc dù độ
thuyết phục là rất đáng kể.
- Viết
vì niềm vui cho bản thân và phần nào thỏa mãn sở thích bình văn chương hơn là một
ý thức về “ngòi bút phê bình”
- Tư duy
về môi trường đối thoại còn mơ hồ. Cộng đồng “bạn đọc” của ông không có địa chỉ
rõ rệt.
- Có tuyên ngôn: “Nghĩa là văn Truyện Kiều quý ở tình-tính;
văn Hoa tiên trọng ở luân lý. Nguyên tự cái gốc của văn chương đã khác nhau như
thế, lại thời đại, cảnh ngộ và tài khí của tác giả đều khác, cho nên văn hai
quyển ấy khác nhau xa” nhưng không triển khai đến cùng.
Từ “Văn Hoa Tiên và văn Kiều” của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, một
sự thật hiển nhiên là Truyện Kiều dù được sinh ra/ hoặc xuất phát/hoặc
xây cảm hứng bởi đâu thì nó cũng đủ nội lực để làm sang cho “dòng dõi” thoát
thai của chính mình: từ Kim Vân Kiều truyện (nguồn chất liệu cốt truyện
ngoại quốc), từ Hoa Tiên (nguồn cảm hứng ái tình, âm hưởng lục bát,
nhãn quan tài tử), từ lối hát phường vải xứ Nghệ (nguồn cảm hứng về trí tuệ và
tình cảm dân gian)… Bởi thế mà Tản Đà “dám” nhận xét rất sắc: “Cứ cái tài Tác
giả quyển Kiều mà làm vào truyện Hoa tiên thời có thừa; tài Tác giả Hoa tiên mà
nếu làm sang truyện Kiều có khi không đủ”. Cuộc lội ngược dòng của Truyện
Kiều (về khả năng lan tỏa ảnh hưởng vô hình, hữu hình và sức lôi cuốn
không ngừng qua năm tháng) là điều quan trọng nhất, hơn cả mọi sự “thu xếp” về
văn bản, nhuận chính, nhuận sắc, tranh luận, bàn bạc… đối với Hoa Tiên. Đó
cũng là lý do mà Tản Đà không quan tâm đến văn bản nào của Hoa Tiêntrong
“công cuộc” so sánh với Kiều, vì làm sao có thể so sánh được (bất kể là
văn bản nào trong số các văn bản của Hoa Tiên đang tồn tại), nếu xét về phong
cách một kiệt tác. Có lẽ ông đã nghĩ như thế và sẵn sàng chọn cách “thiếu sót để
làm đúng”.
Qua “Văn Hoa Tiên và văn Kiều”, sự xê dịch “hệ hình” tư duy từ
lối văn chương khoa cử, điểm bình, phán xét vừa khiêm cung vừa ngạo nghễ, ít
“gây sự”, ít phiêu lưu sang lối văn giàu tính đối thoại, phân tích, so sánh, ví
von bằng trường từ vựng hiện đại đã làm nổi rõ tính chất giao thời đậm nét ở một
trí thức lớn. Tản Đà không chỉ là chứng nhân đứng giữa hai lằn ranh thế hệ, thời
đại, xã hội với nhiều băn khoăn, bi kịch, cuồng ngông (ở một phương diện nào
đó), ông còn là đại diện cho một kiểu trí thức hiếm hoi trưởng thành sâu sắc về
năng lực thẩm mỹ, biết biến cái giao thời hỗn độn thành chất liệu nhận thức, biến
cái giá của sự chuyển đổi tư duy thành cái đẹp nhập cuộc.
Tài liệu tham khảo
1.Tản Đà, về tác gia và tác phẩm, Trịnh Bá Đĩnh – Nguyễn Đức
Mậu tuyển chọn và giới thiệu, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2000
Viện Văn học, Nguyễn Huy Tự và Truyện Hoa Tiên, Kỷ yếu Hội
thảo, Nxb KHXH, H. 1997.
3. Trần Đình Hượu, Tuyển tập, tập 2, Trần Ngọc Vương giới thiệu
và tuyển chọn, Nxb Giáo dục, H. 2007.
4. Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Thiện, Truyện Hoa tiên, Lại Ngọc
Cang khảo thích và giới thiệu, Nxb Văn hóa, Viện Văn học, H. 1961.
5. Nguyễn Đức Mậu: Hoa tiên trong cách nhìn từ Vũ Đãi Vấn,
Cao Bá Quát đến Tản Đà- Bản viết tay, năm 1989.
[1] Hai trăm năm nghiên cứu bàn luận Truyện Kiều, Lê Xuân Lít sưu tầm, tuyển
chọn, giới thiệu.Nxb Giáo dục. H 2005.Tr83.
[2] Đinh Gia Trinh, trong bài Điếu văn Tản Đà (20 năm sau cuộc tranh luận
Truyện Kiều) đã bày tỏ: “chúng tôi, thanh niên trí thức của xứ sở, bao giờ cũng
biết cảm ơn tha thiết những danh nhân của xứ sở” (trích Tản Đà Về tác gia
và tác phẩm, Nxb Giáo dục, H 2003, Tr 34).
[3] “Ta đối với Hoa Tiên thật đã có mối cảm tình tốt đẹp biết bao
nhiêu! (…) Ta bị đời ruồng bỏ đã lâu, tình cờ tìm được quyển này trong đống
sách bỏ quên của ông láng giềng, cầm lấy mà đọc, thật đang cơn sầu muộn mà như
được vật báu lớn” (Truyện Hoa Tiên, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Thiện; Lại Ngọc Cang(
khảo thích và giới thiệu), Nxb Văn hóa, H.1961 Tr 154-255).
[4] Truyện Hoa Tiên, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Thiện; Lại Ngọc Cang (Khảo thích
và giới thiệu) Nxb Văn hóa, H.1961, Tr 154.
[5] Trần Đình Hượu trong bài Hoa tiên và vấn đề của nó trong lịch
sử truyện Nôm (Nguyễn Huy Tự và truyện Hoa Tiên (Kỷ yếu hội thảo),
Nxb KHXH, H. 1997, Tr 194 và Tr213) cho rằng: “Hoa tiên, cả bản chính lẫn các bản
nhuận sắc đều chỉ là chuyện ái tình, không chứa đựng nhiều dung lượng xã hội
như Truyện Kiều. Tác giả và những người nhuận sắc chưa xót xa, trăn trở với cuộc
đời như tác giả Truyện Kiều”, “Hoa tiên mở đường cho Truyện Kiều nhưng có Truyện
Kiều, Hoa tiên trở nên mờ nhạt; có Thúy Kiều, Dao Tiên trở thành mờ nhạt”. Mặc
dù các nhận định thực tế này dọn đường cho một quan điểm “chiêu tuyết” cho mỹ học
trung đại mà Nguyễn Huy Tự và Vũ Đãi Vấn đã để lại trong tác phẩm Hoa tiên, chỉ
ra chỗ “bất công và đáng tiếc” trong tiếp nhận Hoa tiên của người đọc
nhiều thời, song cốt lõi lập luận vẫn cho thấy một sự thật rõ ràng về tầm vóc
không thể bàn cãi của Truyện Kiều trước mọi “đối tác” trước và sau
nó.
[6] Câu thơ dịch từ nguyên tác bài Liêu Trai đề từ của Vương
Ngư Dương, câu đầu tiên của bài tứ tuyệt 姑妄言之姑聽之 (cô vọng ngôn chi cô
thính chi).
[7] “Câu này, tám chữ dưới thực có giá trị ở sự ngâm đọc. Nguyên văn lục
bát là thể văn chẵn, cho nên như câu tám ở dưới phi hai chữ đi với nhau, thường
bốn chữ đi với nhau. Cũng bởi thế, cho nên thường thấy có nhiều người kể truyện,
ngâm truyện cứ hai chữ một lần ngắt hơi; mà nhất là đến chữ thứ sáu ở câu tám,
thời ngừng hơi một cách bỏ lửng, như thể đương đi mà ngồi phịch xuống đất, rồi
mới lại đứng lên. Cách kể truyện như thế, rất là không thanh lịch, mà nghe thường
thấy buồn; nhất là những người đàn bà con gái đã sẵn có cái tính tình ai oán,
mà kể truyện, ngâm truyện đến chữ thứ sáu ở câu dưới, thật như gẩy khúc đoạn
trường vậy”. (trích Văn Hoa tiên và văn Kiều, nguồn
nguyenducmau.blogspot.com )
[8] Trần Đình Hượu, Hoa tiên và vấn đề của nó trong lịch sử truyện
Nôm, in trongNguyễn Huy Tự và truyện Hoa Tiên (Kỷ yếu hội thảo), NXB KHXH,
Hà Nội, 1997, Tr 207.
[9] Bàn luận về Dao Tiên trong tương quan với Thúy Kiều, Trần Đình Hượu viết:
“Tình yêu của DaoTiên, theo tôi nghĩ, là tình yêu của một con người rất có ý thức
về mình, rất nhân tình và cũng rất Việt Nam. Qua nhân vật Dao Tiên, Nguyễn
Huy Tự đã mô tả được trọn vẹn một tình yêu, một người yêu từ những rung động
bâng khuâng chờ đợi, những trằn trọc phân vân, khó quyết định, nỗi buồn tương
tư đau khổ vì bị phụ bạc, lòng hy sinh vì nhau, sự sung sướng được đoàn tụ… Dao
Tiên là hình ảnh một người yêu đẹp, có rất nhiều nét của dáng dấp người phụ nữ
Việt Nam, người phụ nữ trong các gia đình nề nếp truyền thống. Để Dao Tiên mờ
nhạt bên cạnh Thúy Kiều không khỏi có chỗ bất công và đáng tiếc.” (Hoa tiên và
vấn đề của nó trong lịch sử truyện Nôm, Sđd, Tr 215 – 216).
Hà Nội, tháng 7-2015
Lê Thị Thanh Tâm - Nguyễn Đức Mậu
hãng vé máy bay eva
vé máy bay giá rẻ đi mỹ khuyến mãi
vé máy bay hãng korean air
vé máy bay giá rẻ đi mỹ khuyến mãi
vé máy bay đi canada giá rẻ
Nhung Chuyen Di Cuoc Doi
Ngẫu Hứng Du Lịch
Tri Thuc Du Lich