Thứ Năm, 24 tháng 9, 2015

Chút thoáng Xuân Hương

Chút thoáng Xuân Hương
Chành ra ba góc da còn thiếu...
Hồ Xuân Hương
Truyện thứ nhất
Tổng Cóc nhìn ra ngoài cửa. Ông ngắm cái sân lát gạch Bát Tràng lâu ngày đã rỗ rạn. Do cống thoát nước đã mấy năm nay tắc nên mưa là nước tràn cả vào sân. Để thế, không những sân mà cả ngôi từ đường cũng hư nát. Thông cống thì sức nhà này không làm riêng được, cái cống đụng chạm đến bao nhiêu nhà.
Tổng Cóc nghĩ ngợi, ông vớ lấy be rượu sành, mở nút lá chuối rót ra chén. Đây là thứ rượu Xuân Hương mang ở quê ngoại Kinh Bắc về nhà.
Tổng Cóc đăm đăm nhìn vào chén. Hơi rượu thơm sực làm ông hắt hơi rịn cả nước mắt. Ông bực mình lấy ống tay áo lau mắt rồi uống đại một hơi. Ông chẳng bao giờ có được phong độ lịch lãm như người. Trời sinh ra ông thô vụng xấu xí thì đành chịu. Ông có cái lố cái hiệp của ông, dễ gì ai có?
Tổng Cóc không chịu được cái vẻ sạch sẽ gớm ghiếc của người đời. Nó chán chết. Ông thích những gì ào ạt của cuộc sống thực trần tục. Ông không được học hành nhiều, việc nhà thì bận rộn. Ông sợ cái nghèo cái đói. Nhìn ra ông thấy một lũ vô học và vô lương tâm vẫn đang nhởn nhơ ăn sung mặc sướng. Như thể ông hoàng bà chúa. Ông điên người. Ông cũng lao động quần quật, ông cũng đã đổ mồ hôi nước mắt. Ông phải có quyền sung sướng theo cách sắp xếp của ông. Tổng Cóc rót chén rượu nữa. Ông biết thiên hạ coi ông chẳng ra gì. Thiên hạ coi ông là thô lậu. Ông chẳng cần.
Ông khinh những kẻ không dám sống thực, không dám lặn sâu xuống đáy cuộc đời. Ông cũng khinh cả những kẻ lặn mình xuống đáy rồi ngập ở đấy không sao lên được.
Ông hiểu sống cho giản dị là khó vô cùng. Thế nào là phải? Sống phải cho mình là đã sống phải cho thiên hạ. Làm điều gì đấy không phải với mình thì sao ép người khác phải? Thiên hạ uốn theo chiều gió, gió thổi bốn phương tám hướng thì biết sao được? Bản tính người Việt là hay trông ngóng, nhiều khi quên gốc ở ngay chính tim óc mình. ăn cũng trông nồi trông hướng, nhưng cứ trông mãi mà quên mất ăn thì chết. Cha chung không ai khóc là thế, vì cứ ỷ nhau, ngóng nhau. Nhà này ông không tự lo mà cứ trông vào họ hàng thì cũng sạt nghiệp lâu rồi, đâu mà xây cất được cả dinh cơ như vậy? Thiên hạ làng nước ghét ông, nó thấy ông cứ trần lực, ông cóc cần gì ai cả, ông cứ lầm lũi lạnh lùng xuyên lên như dao xuyên thịt. Nó nói xấu ông. Nếu chúng cứ sống như ông, liệu mặt chúng có nhàu đi như đúm váy rách?
Tổng Cóc thở dài. Đã từ lâu khi ông ra đường ông đều xâu theo vài ba chuỗi tiền Cảnh Hưng vào cạp quần, ông buộc nó cả vào bụng. Ông coi tiền như rác bùn nhưng cũng coi nó như vua chúa. Đồng tiền giúp ông hiểu rõ đời hơn theo cung cách riêng của nó. Hôm ở hội Gióng có bà quận chúa họ Trần nổi tiếng kiêu kỳ, võng lọng nghênh ngang, coi người như rơm rác. Bà đánh bạc thua, sĩ diện muốn gỡ bạc nhưng chẳng có tiền, cũng chẳng dám vay các bậc công hầu. Ông thấy điều đó và giữa đám hội ông thản nhiên di đến ghé vào tai bà nói nhỏ:

- Tâu lạy quận chúa, quận chúa sẽ đủ tiền đánh cho hết hội.
Quận chúa đưa đôi mắt sắc như dao nhìn kỹ Tổng Cóc, rồi kéo ông ra một góc:
- Nếu ông có cho ta vay thì ta cũng chẳng có tiền để trả! Chồng ta là quan thượng thư nhưng chẳng bao giờ cho ta tiền cả.
- Tâu lạy quận chúa, quận chúa có thứ bán được tôi mua.
Quận chúa đỏ mặt, bà im một lát rồi ỡm ờ:
- Thế ông mua gì mà trả thế nào?
- Tâu lạy quận chúa, nụ cười quận chúa đáng tràm quan tiền. Tôi xin trả gấp hai lần số đó.
Đêm đó, Tổng Cóc lần đầu được ngủ với một bà lớn quyền thế nghiêng trời. Cành vàng lá ngọc cũng chẳng khác gì con đỏ. Hôm sau hai người gặp nhau. Quận chúa nửa đùa nửa thật:
- Ta ngủ với ông mà cứ kinh hoàng tưởng như ông hiếp dâm ta!
Tổng Cóc đáp lại quận chúa:
- Tâu lạy quận chúa, việc mua bán đã xong rồi!
Tổng Cóc uống chén rượu nữa. Ông lấy cái tráp sơn đen đựng tiền dùng những ngón tay thô ráp lần từng đồng. Ông chán ghê gớm. Trong cuộc đời mình ông vất vả nhiều, ông đã buôn một bán mười, đã thu tô cấy rẽ, đã toan tính từng nước cờ đời nhưng trong mình vẫn cứ tê tái cảm giác thua cuộc thế nào. Ông thấy trong đời toàn những thằng ác, thằng hèn nhưng lại ranh khôn như cáo. Ông sợ nhất bọn nho giả, sợ đám chiêu ấm và bọn tập tọng văn chương. ở trong cuộc đời, chúng lấy lý đạo dồn ông vào bẫy thiện tâm tín nghĩa, làm cho ông lơi cái sắc cái lạnh vốn có ở ông. Đúng lúc mà ông do dự thì chúng phỗng sạch, đôi khi đã dăm ba lần ông suýt trở nên tay trắng. Sợ thật, ông thấy gai người. Ông mà thất bại, ông mà ăn đất thì chết ráo hết cả nhà. Ông chịu Xuân Hương ở chỗ bà luôn thất bại ở trong cuộc đời mà vẫn thăng bằng, mà vẫn không có cảm giác thua cuộc. Ông ngờ ngợ bà to lớn hơn ông, bà mạnh mẽ hơn, sống có dũng hơn. Trong cõi nhân gian, tất cả mọi sự nghiêm chỉnh cũng là khôi hài, nên có cơ hội cần phải cười ngay, thế nhưng không hiểu tại sao ông không cười được.
Tổng Cóc đứng dậy ra trước bàn thờ. Ông hài lòng thấy bàn thờ sạch sẽ. Nải chuối trứng cuốc bày trên đa sơn, một đa hoa trà cạnh bên tinh khiết. Hôm nay mồng Ba tháng Ba. Chắc là Xuân Hương đã dọn bàn thờ từ sáng sớm. Ông nhìn theo hút dải khói mỏng mảnh. Ngoài ngõ bỗng có tiếng mõ vọng vào:
Chiềng làng, chiềng chạ...
Trên ngược dưới xuôi
Làng ta có người
Không chồng mà chửa... ửa...

Tiếng rao rất khó chịu. Chắc cánh hương lý bày trò gọt đầu bôi vôi đĩ Huệ dưới Đoài. Tổng Cóc cau trán nghĩ ngợi rồi chạy ra ngõ:
- ơi mõ! - ông đưa tay vẫy. - Mày đừng rao nữa mà chạy vể bảo Lý Cờ lại đây tao bảo.
Ông đóng sập cửa. Ông biết làng này đố có thằng nào dám dây vào ông. Lý Cờ là hạng đàn em. Tất cả lề luật làng này đều trong tay nó. Nó cho mõ rao trước cửa nhà ông là nó nhằm gì không biết. Đĩ Huệ ngủ hết với cánh đàn anh trong tổng.
Ông thấy thương nó. Dĩ Huệ phải nuôi hai bố mẹ già, mảnh đất cắm dùi không có, nó không bán trôn thì nó lấy gì mà sống.
Ông ra tràng kỷ ngồi đợi Lý Cờ. Ông rót nước trong cái ấm đất nung ủ rơm ra chén chiêu từng ngụm. Nước nụ vối nóng, Xuân Hương đã bỏ vào đôi lát gừng nên có vi thơm là lạ. Rặng vối nhà ông năm nay nhiều nụ, một nửa làng nây rồi sẽ phải mua nụ vối nhà ông. Đây là món tiền dành Tết.
Lý Cờ mặc áo the đen lật đật đi vào, trên tay cầm chiếc roi song. Tổng Cóc cười thầm. Ông bỗng chợt nhớ trò chơi ú òa khi ông còn nhỏ, ông, nấp một chỗ nhìn rõ địch quân hoang mang rón rén lại gần.
- Vào đây! - ông giơ tay vẫy. Không để cho khách ngồi yên ông đã phủ đầu.
- Chú làm việc công mà ngu như chó! Chú cho gọt đầu bôi vôi đĩ Huệ. Ra trước hàng tổng, nó khai hết bọn chú ra thì rồi có đẹp mặt không?

Lý Cờ há miệng, bộ ria mép khẽ động đậy. Tổng Cóc rót nước mời khách, ông nheo mắt nhìn khuôn mặt thẳng đuỗn của hắn, ngạc nhiên nhận ra ở vành tai trái có nốt ruồi đỏ. Cái nốt ruồi này tướng lạ.
- Đây là của các cụ... - Lý Cờ đỡ lấy chén nước. - Không làm thì không giữ được lệ làng... Sợ thiên hạ cười...
Tổng Cóc cười khẩy:
- Chú ngu lắm! Các cụ cũng ngu như chú...
- Vậy ý quan bác thế nào? - Lý Cờ nén giận, mắt hắn lừ lừ nhìn theo bàn tay Tổng Cóc lần lần dưới áo - Quan bác thử nghĩ lại xem...
- Ta không bàn bạc với chú! - Tổng Cóc ném lên mặt bàn mấy chuỗi tiền đồng. - Chú cầm lấy chuỗi tiền này về làm bữa rượu bàn với các cụ! - ông nhìn Lý Cờ, đôi mắt nảy lửa nhưng giọng nói ông dịu lại. - Tha cho nó, cho nó ít tiền rồi bảo nó lấy thằng mõ làm chồng.
Tổng Cóc đứng dậy. Lý Cờ điên ruột nhưng vẫn phải cầm lấy mấy chuỗi tiền đồng giật lui ra cửa.
Tổng Cóc tiễn hắn ra ngoài ngõ. Ông bỗng bắt sang chuyện khác. Ông hỏi Lý Cờ:
- Thóc giống vụ này nhà chú khá không?
Lý Cờ bắt chuyện. Đi đến hết ngõ thì cả hai bên đều đã vui vẻ. Hai người biệt nhau thân tình.
Tổng Cóc lững thững đi vào. Ông nhìn rặng vối hai bên bờ ao thở dài: vụ vối năm nay thế là chỉ đủ số tiền đưa cho Lý Cờ lúc nãy. Ông ngắt một bông hoa nhài đưa lên mũi ngửi rồi nhăn mặt. Ông bước lên bậc thềm nhà. Trên sập gụ, một mâm bánh trôi vừa làm xong bốc nóng. Ông ngơ ngác nhìn xung quanh ngôi từ đường tĩnh lặng để tìm bóng của Xuân Hương...
Truyện thứ hai 
Ấm Huy đứng lẫn trong đám chiêu ấm đang tụm ngoài sân công đường. Chàng chán ngấy chuyện khoe khoang nhà cửa, ngựa xe, áo quần của họ. Chốc chốc, vài ba nhóm người trịnh trọng mang câu đối phúng từ cổng đi vào, đàn ông mặc áo the đen, đàn bà mặc áo mớ ba mớ bảy. Chàng nhận ra được rất ít người quen.
ấm Huy sửa lại vành khăn tang trắng trên đầu rồi đi lững thững. Mấy bác lính lệ đang vộí vã bắc thêm rạp. Chiếu hoa trải cả trên hè, trên sân mà vẫn không đủ chỗ ngồi. Mấy bà già đang têm trầu, đống trầu ngồn ngộn đầy mấy tráp sơn. Đằng sau công đường ầm ĩ tiếng lợn kêu. ở giữa công đường, hương khói mờ mịt. Câu đối phúng bằng vải, bằng giấy treo đầy trên cột, trên vách. ấm Huy thấy rất nhiều người đội khăn tang trắng, phải đến gần một chục người vận áo xô gai. Chàng hơi ngạc nhiên, chàng vẫn đi lại thường xuyên với anh họ mình sao không gặp những người này. Chàng biết ông phủ Vĩnh Tường giao du có chọn lọc lắm. Họ hàng đừng hòng nhờ vả gì ông, không làm quan cầu lợi. ấm Huy rất nể anh mình nhưng trong thâm tâm chàng thấy ông cầu kỳ. Chàng trọng Xuân Hựơng vì bà sáng suốt hơn chồng. Bà gieo ở lòng chàng một nỗi kính phục và sợ hãi.
ấm Huy nhìn quanh. Chàng không thích bầu không khí đầy đủ chỉn chu của đám tang này. Chàng đã dự nhiều đám tang người khác, chính việc tang gia bối rối làm chàng thấy yên tâm hơn về người đã chết. Người ta lúng túng, công việc cứ lung tung, thiếu cái này, thừa cái nọ, ai cũng thấy mình làm được, giúp được dẫu rằng có khi chẳng giúp làm gì cho tang chủ cả. Người ta xích lại nhau hơn. Tất cả hướng vào một đích. Họ có thể nói về chuyện mùa màng, công danh, thua lỗ, được bạc, đủ tất cả chuyện thế thái nhân tình nhưng đều hướng về cái chết vô nghĩa hay có nghĩa đang chờ đón họ. Sự hướng nhận ấy vô thức, người chết nằm trong quan tài chỉ là cái cớ gợi ý hướng ấy trong mọi người thôi. ở đây không có điều ấy. ấm Huy ngạc nhiên hiểu rằng dù chàng có mặt hay không có mặt ở đám tang này đều không quan trọng. Thế mà ngoài Xuân Hương ra thì chàng là thân thiết nhất với người đã khuất. Không ai cần chàng. Có lẽ không cần cả Xuân Hương nữa. Tất cả đã sắp xếp rồi. Ai có công việc người nấy. Thời giờ đã được tính toán. Ngay cả tiếng kèn, tiếng. phách của phường bát âm cũng được tính toán, khúc khoan khúc nhặt cho từng người viếng ông phủ Vĩnh Tường. ấm Huy đã biết là Xuân Hương đã giao cho tri huyện Thặng đứng ra làm tang chủ lo toan công việc. Hình thức đám ma chỉ là một chuyện. Có chuyện gì dó liên quan đến cả ông phủ Vĩnh Tường, đến cả Xuân Hương và những người đứng xung quanh đây nữa.
ấm Huy vòng ra sau dinh công đường. Cách đây mấy tháng, ông phủ Vĩnh Tường đã vui Trung Thu với những người quen ở đây. Cột nhà Thủy Tạ vẫn còn vết xém do mấy đứa con của tri huyện Thặng đốt nến. Trong đám quan lại, Thặng thuộc lớp người kỳ cựu có nhiều thâm niên. Thặng không bon chen nhưng lão khét tiếng đục khoét dân lành, cũng lạ, trong hạt của lão không hề xảy ra loạn lạc, kiện cáo như bao huyện khác. Lão coi làm quan chỉ là một nghề. Lão bảo ông phủ Vĩnh Tường:
- Đệ phục quan bác không coi quan trường là nơi kiếm sống. Đệ không làm được - Lão lắc cái đầu múp míp và hổn hển cười - Đệ chỉ ăn no ngủ kỹ, làm tròn bổn phận đối với triều đình. Lính đệ bắt đủ. Thuế đệ nộp đủ. Thằng nào chống lại đệ cùm.
- Nên phải lựa lời thuyết phục dân lành, - ông phủ Vĩnh Tường bảo Thặng. - Dân ta tốt lắm. Bậc cha mẹ dân phải nêu được nghĩa công bằng.
- Đệ có bảo dân xấu đâu... - Thặng cười ha hả. - Đệ chỉ không thích được nghĩa công bằng mâm cơm của đệ với chúng. Quan bác đã nhìn mâm cơm chúng chưa, đệ mà ăn thế đệ chết lâu rồi...
Ông Phủ Vĩnh Tường im lặng. Ông nể mặt Thặng lớn tuổi hơn. Thặng đã giúp ông từ thuở hàn vi, thuở ấy ông chỉ có những hoài bão dự định trong đầu và dăm cuốn sách thánh hiền.
- Dân ta cực khổ. Tôi trông vào đâu cũng thấy xót xa. Phải lấy lý lẽ văn chương và sự công bằng pháp luật hướng đạo dân mình. - ông phủ Vĩnh Tường nói. - Tôi muốn sĩ phu và bậc cha mẹ con dân phải hiểu...
- Đệ chịu khí chí của quan bác vậy, - Thặng cười, - nhưng dân nó ghê gớm lắm, cứ bảo một đằng nó làm một nẻo. Trong hạt của đệ có lão Lý Hồng. Thằng ấy đệ phải phục nó. Đệ bảo gì nó cũng gật nhưng mà về làng nó làm khác cả, nó dùng mình làm ngoáo ộp để nó bóp hầu con đỏ. Dân kêu nó bảo hỏi huyện. Đệ biết đệ phải ngậm tăm, nhiều khi đệ phải học nó xử sự với đời...
- Ông phải cách cổ nó đi mà thay thằng khác - ông phủ Vĩnh Tường bực bội - Luật của triều đình thế còn thể thống cái gì?
- Đệ nghĩ chán rồi! Thay nó thì thằng khác lên cũng thế. Thực ra dân nó chỉ lo làm ăn nó có cần gì chúng ta bày vẽ... Đệ thấy trong hạt của đệ nơi nào mình cứ mặc kệ thì đâu vào đấy, nơi nào mình cứ xăng xái chỉ bảo nọ kia thì loạn...
- Tôi nghe đồn ông hách lắm phải không? - ấm Huy xen vào, chàng biết Thặng cũng là tay sâu mọt nhưng lão cũng có cái thực và sự hào hiệp mà chàng vị nể.
- Hách chứ! - Thặng giơ ngón tay như quả chuối mắn ra trước ấm Huy. - Không hách thì để cho bọn văn chương các chú làm loạn cả à? Văn chương là miếng đất nghịch!
- Dân có nghịch không?
- Không nghịch. - Thặng nói thản nhiên như lão đã từng nghiền ngẫm điều này lâu lắm. - Dân quen nô lệ, luật cứ ngặt nghèo nghiêm khắc là xong. Không có bàn bạc gì cả...
Ông phủ Vĩnh Tường lo lắng nhìn Thặng:
- Cách làm của ông không ổn... Các bậc thánh hiền đều lấy nhân trị làm gốc. Phải lo cho đến từng người...
- Đấy là các thánh. - Thặng không chịu thua. - Đệ nghĩ nhân cũng ba bảy đường nhân. Đệ không lo đến thân phận từng người trong hạt của đệ. Không lo được! Người nào có thân thì lo. Đệ chỉ lo việc triều đình, cũng là lo thân của đệ.
- Không ai lo đến thân phận từng người cả à? - ấm Huy hỏi, chàng như ngồi trên đống lửa.
- Đấy là việc của các chú, của chị Xuân Hương. Văn chương mày lo được đấy! - Thặng nháy mắt cười.
ấm Huy chỉ muốn hắt cả chén nước cầm tay vào ngay mặt lão.
- Lũ người bé nhỏ chúng ta không thể coi chốn quan trường là nơi để ta tiến hành cách tân này nọ. - Thặng nói. - Quan trường khóa ta vào trong guồng máy con Tạo xoay vần, ta không thoát nổi miệng túi càn khôn đã định....
- Chí của tôi khác... - ông phủ Vĩnh Tường nhiêm nghị. - Quan trường là nơi tôi muốn sử dụng...
- Đệ hiểu quan bác muốn nói gì rồi. - Thặng cười. - Quan trường nó sử dụng bác thì có... Đệ không muốn nói nữa đâu! Đệ biết quan bác và chú Huy đây khinh đệ, chữ nghĩa đệ nông cạn đệ nói thế thôi. - Thặng quay lại chỗ Xuân Hương đang ngồi với lũ trẻ con nhà lão. Nàng đang kể chuyện gì đó và lũ trẻ con cười như nắc nẻ. Lão đứng nhìn mấy đứa con thích thú.
ánh trăng vằng vặc lộng lẫy lạ lùng. Lão bỗng quay lại chỉ ra ngoài trời vẫy gọi ấm Huy:
- Chú hãy lại đây... Tất cả những trò bàn luận của chúng ta đều vô nghĩa hết. Thiên nhiên không hề dối trá!
ấm Huy đi lại cúi dầu chào chị dâu mình.
- Chị vốn công bằng. - Thặng bảo Xuân Hương. - Chú ấm Huy đây lúc nãy còn muốn gây sự với đệ. Chị bảo đệ đúng hay đệ sai?
- Đừng hỏi chị ấy, - ấm Huy xen ngang câu hỏi, chàng rất trọng chị dâu và không muốn Thặng đẩy bà vào cuộc. - ông đúng một cách khốn kiếp, thế thôi. Tôi cũng công bằng lắm đấy.
- Thế ông anh họ của chú sai à?
ấm Huy dỏ mặt, máu chàng rần rật trong người. Chàng nuốt nước bọt. Chú tinh tế lắm. - Thặng cười ha hả. - Tôi xin báo trước cho chú: tất cả mọi sự thanh cao hoang tưởng vẫn chết trong cõi dung tục như thường!
- Điều ấy vẫn thế, - Xuân Hương tham gia câu chuyện. - Tôi không ngờ ông tri huyện tiên tri cho cả cuộc thế thời nay điều ấy.
ấm Huy bỗng nhăn mặt lại, chàng thấy nhói ở nơi tim, chàng vẫn văng vẳng lời của Xuân Hương hôm ấy. Đám tang hôm nay tựa như minh chứng cho sự phũ phàng của vòng luân thế. Ông phủ Vĩnh Tường ôm bao dự định tốt lành mà không làm được. Chàng bỗng thấy thương ông quá. Chàng hiểu ra rằng từ đây Xuân Hương sẽ lại bắt đầu chặng đường cay đắng, bao nhiêu là ngọn gió hàn sẽ thốc thổi vào lòng bà. Anh ấy cũng là bé nhỏ với bà nhưng dù bé nhỏ cũng lấp được nỗi cô đơn ít nhiều nào đấy.
ấm Huy sửa áo rồi lại đi về trước dinh công đường. Trước sân công đường chật ních người. Chàng len vào chỗ mấy người đào huyệt đang kể lể gì với tri huyện Thặng:
- Chúng con đào đến ba lần mới được. Lần đầu đào đến nửa chừng thì “cộc”: đụng phải tiểu của người khác. Chúng con đào sang chỗ khác thì lại “thụt”: mai thuổng cứ như đào vào chỗ trống. Hóa ra tổ mối... Chúng con phải sang đến chỗ thứ ba mới được, quan bảo thế có kỳ lạ hay không?
- Thiên di đấy! Thiên di! - Tri huyện Thặng gật đầu. - Không sao cả đâu, thiên di không độc. Bảo với mọi người là không sao cả. Linh hồn ông phủ Vĩnh Tường vẫn còn muốn sống...
Lão chen ra ngoài, người lão chạm vào ấm Huy.
- Này chú, chú đi đâu đấy? Chuẩn bị đưa ma ra đồng rồi đấy! Đầu giờ Mùi rồi! - Lão kéo ấm Huy ra một góc vắng.
- Chú coi chừng chị Xuân Hương! - Lão lấy tay áo lau mồ hôi trán. Lão thở phì phì, ghé cả cái miệng hôi hám vào mặt ấm Huy. - Mấy quan trên xuống mà bọn khóc thuê và bọn mặc áo xô gai đòi giả thêm tiền.
ấm Huy tái mặt, tay chàng bấu chặt vào tay của lão:
- Sao khốn nạn thế. Họ hàng bà con dâu cả?
Tri huyện Thặng cáu, lão rít nho nhỏ vào tai của chàng:
- Chú ngu như chó! Ông ấy có cho bà con họ hàng nhờ vả gì đâu... Ông ấy làm quan nên coi mình là người thiên hạ... Trách nhiệm đám tang hôm nay là của triều dình... - Thặng giằng tay ra giận dữ. - Chú cứ mặc tôi! Chị Xuân Hương giao thì tôi lo hết. Tôi có cách xử của tôi. Đáng ra hay chữ như chú thì phải đứng ghi xem chúng nó phúng viếng thế nào, thằng nào phúng sót thì chú bảo tôi. Đằng này chú cứ như người ngoài cuộc... Tôi không nể ehị Xuân Hương quý chú thì tôi cho lính nó cùm chú lại...
ấm Huy bỗng trào nước mắt. Chàng khóc hu hu. Mọi người xung quanh kinh ngạc nhìn chàng. Tiếng thanh la bỗng vang lên báo hiệu chuẩn bị đưa ma ra đồng, những hàng cờ phướn bắt đầu xếp thành từng hàng ngoài cổng. Ai đó gạt ấm Huy ra nhưng chàng vội vã chen lên phía chiếc quan tài sơn son. Chàng cố chạm vào nâng quan tài len cùng với bao nhiêu bàn tay khác nữa. Chàng hiểu đây là cơ hội duy nhất trong đời chàng không bỏ được. Đây là trách nhiệm bổn phận của chàng. Chàng hiểu cả tri huyện Thặng, cả chàng, cả ngay ông phủ Vĩnh Tường cũng sẽ chẳng là gì cả, tất cả chỉ là nhân chứng cho sự tồn tại của một CON NGườI: nàng Hồ Xuân Hương mặc áo xô gai đang nức nở khóc, đang nức nở khóc cho nỗi cô đơn mênh mông của cõi đời...
Truyện thứ ba 
Khi đạo diễn giao cho anh sắm vai Chiêu Hổ trong bộ phim viết về Hồ Xuân Hương, quả thật anh bối rối vô cùng. Anh hiểu khó khăn của nghệ thuật. Nghệ thuật đòi hỏi dốc lòng, sự trung thực và nhiều thứ khác. Anh được trang bị đến đâu, thực ra anhũng mơ hồ.
Việc giao cho anh sắm vai Chiêu Hổ đơn giản như một trò đùa, một trò đùa ác. Anh hỏi đạo diễn:
- Anh giao cho tôi đóng vai Chiêu Hổ vì lý do gì?
- Cậu là thi sĩ. - Đạo diễn trả lời. - Một thi sĩ trẻ có tài. Cậu hiểu vai trò của cậu.
- Thôi đi... - Anh nhăn nhó nói. - Thơ tôi nào có ra gì?
- Ban đầu đa số đều thế.
- Vì lý do khác phải không? - Anh cố gặng hỏi để cho ra nhẽ.
- ừ - Đạo diễn trả lời. - Cậu có dáng dấp một thằng trai điếm. Phụ nữ mê cậu. Trong phim có cảnh Chiêu Hổ bóp vú các cô thôn nữ, cậu vào vai ấy tuyệt vời.
Anh tái mặt, cổ họng tắc nghẹn. Đạo diễn bỏ đỉ lát sau quay lại cầm tập bản thảo và tờ công lệnh.
- Các cụ ngày xưa cũng du côn lắm... Ra chỗ tài vụ lĩnh tiền rồi về nông thôn mà nghỉ. Cậu được ba tháng chuẩn bị để quay chính thức.
Ba tháng trôi qua... Ngày mai anh sẽ trở về thành phố. Anh thấy dứt khoát mình không sắm nổi vai này. Anh đã thuộc làu kịch bản, một kịch bản khốn nạn, văn không ra văn, chữ không ra chữ. Anh thấy xót xa. Hình ảnh trong phim Xuân Hương nhợt nhạt, bị hiểu sai lệch nhố nhăng. Người ta đắp điếm cho nhiều nhân vật những thứ tư tưởng cao siêu đáng ngờ. Đối thoại đầy rẫy ngôn ngữ hoa mỹ. Diễn viên rất đẹp. Cảnh quay rất khéo. Anh biết chắc chắn sẽ có nhiều đoạn thành công. Cảnh hội làng... Cảnh đám ma... Có khi cả cảnh Xuân Hương “sáng tác”... Một thứ hiện thực huyền ảo mung lung.
Anh đi men theo bờ đê, nhìn xuống dòng sông. Bất chợt, anh thấy một con thuyền nhỏ đậu ở ven bờ. Một thiếu phụ hì hục vác những bao tải nặng từ bến xuống thuyền. Sắc chiều mùa đông xám nhạt.
- Tôi muốn giúp chị được không? - Anh bước lại gần con thuyền. Thiếu phụ ngẩng lên nhìn anh. Anh bỗng sững sờ vì vẻ dẹp lôi cuốn của chị. Vẻ đẹp tự nhiên, không ra ngây thơ, không ra từng trải.
Anh xốc bao tải lên vai và nhận ra bao chứa đầy ngô hột. Tất cả chừng độ chục bao. Cả hai không nói năng gì. Anh cẩn thận bước trên tấm ván chông chênh và cố gắng giữ để không thở dốc. Đến bao cuối cùng, anh vấp vào mạn thuyền gỗ làm cho bao ngô tung tóe, tấm ván bắc cầu trượt xuống làm anh ngã ướt nửa người.
Thiếu phụ bật cười.
- Không hề gì. - Anh trèo vào thuyền cố nén cơn đau. - Chị về đâu đấy?
- Tôi về ưới bến Tầm Xuân.
- Cho tôiđi nhờ thuyền với nhé...
- Anh ngồi xuống đi. Cứ để ngô đấy cho tôi. Ngô mua cho lợn, có bẩn một chút cũng chẳng hề gì.
Thiếu phụ ngồi ở mũi thuyền, khéo léo điều khiển con thuyền trôi theo dòng nước.
Phía bên bờ đê, một đàn chim sẻ bay ào xuống sát mặt sông, qua ngay trên dầu của họ. Họ ngồi như thế một lúc khá lâu, chỉ nghe thấy tiếng mái chèo khè khẽ. Anh rút một điếu thuốc lá rồi châm lửa hút.
- Chị nghĩ gì thế? - Anh hỏi và thoáng nhìn vào đôi mắt xa xăm của thiếu phụ.
- Anh không phải là người ở đây phải không?
- Tại sao chị biết?
- Trông cách ăn mặc... cách anh vác ngô thì biết.
- Chắc buồn cười ghê lắm phải không?
- Không phải người quen lao động...
Thiếu phụ lặng im vẻ như biết hối vì lời nhận xét không đâu. Anh hơi mỉm cười. “Đôi mắt thật đẹp” Anh nghĩ.
- Anh là thầy giáo phải không?
“Cuối cùng sự tò mò đã thắng. - Anh lại nghĩ tiếp: Đôi môi thật đẹp... Cái cổ cũng đẹp... “
- Đại để thế... ở đây thích thật. Sông nước sao mà tuyệt thế.
- Cũng bình thường thôi!
- Tại chị quen đấy. Tôi thì tôi thấy cảnh đẹp tuyệt vời. Chị mua ngô về cho gia đình à?
- Cho trại lợn. Tôi ở trại lợn.
- Công việc chắc buồn phải không?
- Sao lại buồn? Tôi chẳng thấy buồn gì cả.
“ừ tại sao công việc lại buồn? Công việc chỉ cần kết quả. Vui buồn với nó thảy đều vô nghĩa”. Chị có chồng chưa? - Anh đột ngột hỏi.
- Anh thử đoán xem.
- Có! - Anh lưỡng lự. - Không... Chắc là chưa có. Chị hăm tám tuổi phải không?
- Tết này tôi băm hai đấy. - Thiếu phụ nheo mắt và lắc mái tóc. Anh lặng người đi vì vẻ nữ tính giản dị ở cử chỉ ấy. Một sợi tóc mai vương trên đôi môi se khô.
- Tại sao anh nghĩ là tôi chưa chồng?
Nếu chị có chồng thì chồng chị không hiểu chị. - Anh cười nhợt nhạt và cảm thấy đầu gối nhói đau. - Chồng chị là người nông cạn. Anh ấy chỉ tính toán thôi... Có lần anh ấy sắm cho chị cái áo mặc rét thì là áo cũ... Thế là tan vỡ... Chị ra trại lợn và ở một mình trong một căn buồng tập thể có tám mét vuông...
Thiếu phụ cười gượng và tái mặt đi. Cái chỗ chân đau buốt lạ. Anh vén ống quần và hoảng hốt thấy đầu gối tím ngắt và ri rỉ máu.
- Anh sao thế?
- Đau...!
- Ôi trời! - Thiếu phụ gác chèo và lại chỗ anh. - Chết thật! Khéo què thì khốn.
Thiếu phụ lôi dưới gầm thuyền ra chai dầu hỏa.
- Anh đổ vào đấy rồi bóp cho nó tan ra.
Anh nghe theo, lúng túng làm đổ gần hết chai dầu.
- Không phải thế! - Thiếu phụ bực mình cầm lấy chai dầu đổ từng tí một lên đầu gối anh rồi xoa khe khẽ.
Anh nín thở. Anh nhìn chăm chú vào cái lọn tóc loăn xoăn nơi cổ thiếu phụ rồi thở hắt ra. Anh hơi chạm tay vào bên bờ cổ thiếu phụ nơi có sợi gân nổi lên giần giật. Anh cảm thấy được hơi âm lan ra từ đấy và khẽ rùng mình.
- Có đỡ không? - Thiếu phụ hỏi.
- Đỡ lắm...
Một con ong nhặng không biết từ đâu cứ thế bất động bay trước mặt anh. Không dằn lòng được, anh đưa tay vuốt từ cái ngấn cổ trắng ngần xuống lưng thiếu phụ, cảm thấy gờ chíếc áo lót dưới lần vải mỏng. Thiếu phụ oằn lưng nhìn thẳng vào anh. Đôi mắt lạnh lùng giận dữ. Anh đỏ mặt. Chị vùng đứng dậy ra chỗ đầu thuyền và gò mái chèo để cho con thuyền khỏi trôi ra giữa tim sông.
Họ ngồi yên lậng. Sóng vỗ ở bên mạn thuyền đều đều gây nên cảm giác xa vắng.
- Tôi xin lỗi... - Cuối cùng anh lúng túng nói, mắt nhìn vào bàn tay mình như thể nhận ra ở đấy một vật quái dị ở đâu gắn vào. - Tôi ngu xuẩn quá...
Anh nhìn ra phía bờ sông bên lở. ở đấy có một vạt đất vừa mới sụt xuống rào rào.
- Tôi xin lỗi chị. Tôi đã cư xử thật tồi.
Thiếu phụ hướng mắt nhìn phía bờ sông bên bồi. - Thôi đi... Đàn ông các anh ai mà chẳng thế! Anh giúp tôi mấy bao ngô rồi đòi trả ơn... Đàn ông các anh thế hết.
Anh thấy cổ mình dắng ngắt. Một nỗi tê tái lan truyền ở toàn cơ thể. ở phía chân trời có một cánh vạc đơn lẻ bay về. Họ lại lặng im. Lát sau anh ngượng ngập hỏi:
- Chị không giận chứ?
- Hơi đâu mà giận! - Thiếu phụ trả lời, khóe môi mím lại, đôi mắt nhìn anh không hề khoan nhượng.
- Đàn ông chúng tôi đều đốn mạt hết! - Anh buồn rầu nói rồi bỗng cáu lên. - Chị không tha thứ thì mặc kệ chị! Chúng ta là gì ở thế gian này? Trước sau thì tôi cũng chết! Chị cũng chết! Đàn lợn của chị cũng đều chết ráo!
- Anh buồn cười thật. - Cuối cùng thiếu phụ bắt đầu vui lại. - Lúc nãy anh bảo tôi ở một mình trong phòng tập thể có tám mét vuông là vì sao thế?
- Vì sao ư? Vì chị là người đàn bà rất tốt. - Anh nói hơi thiếu tự tin. - Đàn ông không chịu nổi những người bà rất tốt, tâm hồn của người đàn bà phải hơi nhom nhem thì mới sống được. Bao giờ cũng thế. Khi người đàn ông bất lực, thấy những kẻ khác to lớn hơn mình thì họ gây sự, thế thôi.
Thiếu phụ khe khẽ thở dài.
- Chị có tin lời tôi nói hay không?
- Không! - Thiếu phụ lắc đầu. - Đàn ông các anh như trẻ con cả! Cũng giống hệt như đàn lợn của tôi. Khi nào được ăn thì phởn... Cả hai cười phá lên. Dòng sông êm ả tuyệt vời.
- Được trò chuyện với chị thật thích! - Anh thành thực nói. - Chị không giận chứ? Thật tôi ân. hận quá chừng...
- Không. - Thiếu phụ trả lời. - Chúng tôi quen rồi. “Làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu”...
Anh nhìn đăm đăm vào những xoáy nước hút bên mạn thuyền rồi nói:
- Cuộc sống thật buồn. Nhưng nó giản dị vầ đẹp Chị thấy thế không?
- Thỉnh thoảng, - thiếu phụ trả lời.
- Được gặp những người đàn bà như chị thật thích. Tất cả đàn ông chúng tôi đều muốn sống mãi, chúng tôi đều sẽ tốt lên.
- Anh nói khéo lắm! - Thiếu phụ cười khẽ, âm thanh giọng cười quyến rũ. - Thế sao lúc nãy anh bảo nếu tôi có chồng thì chồng tôi sẽ gây sự với tôi?
- Anh ấy sẽ gây sự... - Anh nói sôi nổi và dầy thuyết phục. - Chắc chắn thế! Anh ấy sẽ đau khổ. Anh ấy sẽ sa ngã, sẽ dánh bạc, sẽ nghiện ngập... Anh ấy đuổi theo những người đàn bà không đáng bằng cái gấu quần của chị. Anh ấy thân tàn ma dại! Cái thằng chó ấy! Nó không biết rằng khi nó mất chị thì nó mất cả cuộc đời!
Thiếu phụ hoảng hốt nhìn anh rồi bật òa khóc. Anh sợ hãi. Anh nhìn chăm chú vào khuôn mặt đầy nước mắt của thiếu phụ rồi chậm rãi nói:
- Rồi chị sẽ tha thứ... Phải không... Rồi chị sẽ tha thứ... Mặc dầu chị biết điều ấy cay đắng vô cùng... Anh khẽ thở dài rồi thử cử động cái chân. Cái chân không còn đau nữa.
- Anh thật tốt quả... - Lát sau chị nói khẽ.
- Sắp đến bến rồi...
“Văn chương là thứ bỉ ổi bậc nhất! - Anh cay đắng nghĩ. - Nó gây ra sự nổi loạn trong cuộc đời thường. Cuộc dời trôi đi đơn giản. Day đi dứt lại làm gì?”
- Chị tên là gì? - Anh đột ngột hỏi. - Tôi muốn đến thăm liệu có được không? Tìm chị ở đâu?
- Tôi là Hương. Tôi cặp thuyền vào để anh lên nhé. Tôi phải đưa thuyền vào dưới kênh đào.
Anh gật đầu. Nỗi buồn tràn ngập lòng anh.
- Chị Hương này! - anh nói khi bước lên bờ. - Ngày xưa có một nữ sĩ tên là Hương đấy. Chị có biết không?
- Có! - Thiếu phụ gật đầu và vẻ hân hoan ngập tràn trong nắng chiều. - Thế đến bao giờ anh lại thăm tôi?
Anh bước lên bờ mà chẳng trả lời. “Không. Tôi chẳng bao giờ đến thăm chị cả. - Anh cay đắng nghĩ. - Nếu thế thì rồi mọi việc sẽ nghiêm trọng mất. Tất cả những gì nghiêm trọng dành cho người khác. Tôi là nhà thơ, tôi cũng đòi một chút quyền... Anh bước một mạch lên trên mặt đê mà không ngoảnh lại. Ngày mai anh về thành phố và sẽ bước vào trường quay trong vai Chiêu Hổ. Có tiếng ai gọi vang trên mặt sông nghe rất xa vời, anh chỉ nghe rõ tiếng “ơi”.
Anh dừng lại, chụm tay hướng xuống dòng sông và cũng trả lời hết sức nồng nhiệt.
- ơ.. ơi!
Anh vừa thu được và vừa đánh mất một buổi chiều rồi. Có hề gì đâu? Thời gian thật là hào phóng. Nhưng mà hãy vì sự hào phóng ấy ta phải sống cho nhanh lên, có ích.
Với cuộc đời này. Không chờ gì cả. Có lẽ ngày xưa chính là Xuân Hương sống thế.
Nguyễn Huy Thiệp 
Theo http://lmvn.com/

1 nhận xét:

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...