Tìm hiểu cách vận dụng thành
ngữ, tục ngữ
1. Mở đầu
Thành ngữ, tục ngữ (ThN, TN)
là sản phẩm của tư duy, là công cụ diễn đạt những tri thức, kinh nghiệm quý
báu, những triết lí nhân sinh vừa sâu sắc, thâm thuý vừa không kém phần nghệ
thuật; được bảo tồn và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Qua ThN, TN
chúng ta không chỉ hiểu đặc điểm ngôn ngữ mà còn tri nhận được các vấn đề về
văn hóa, tư duy, lịch sử của dân tộc ấy. Cách vận dụng ThN, TN vào tác phẩm phần
nào thể hiện phong cách ngôn ngữ tác giả. Sơn Nam là nhà văn thể hiện được dấu ấn
đó.
Sơn Nam vừa là nhà văn, nhà
báo vừa là nhà khảo cứu. Dường như ở lĩnh vực nào ông cũng để lại trong lòng
người đọc những ấn tượng đẹp, đặc biệt là đối với người dân Nam bộ. Như một chú
ong rừng hiền lành và cần mẫn, Sơn Nam đã âm thầm đi, lặng lẽ ngắm nhìn và cặm cụi
gom góp, chắt lọc những gì được gọi là tinh tuý, là vàng mười của cuộc sống, những
mong để lại cho con cháu đời sau. Đến với Sơn Nam, ấn tượng đầu tiên gieo vào
trong mỗi người đọc chính là ở vốn từ ngồn ngộn chất phù sa của đồng bằng châu
thổ sông Cửu Long, trong đó có ThN, TN. Bài viết này khảo sát cách vận dụng
ThN, TN của ông qua một số tác phẩm văn xuôi và công trình biên khảo như. Hương
rừng Cà Mau, Bà Chúa Hòn, Hình bóng cũ, Xóm Bàu Láng, Đồng bằng sông Cửu Long - Nét sinh hoạt xưa và Văn minh Miệt Vườn.
2. Nội dung
2.1. Tần số sử dụng
Qua quá trình khảo sát các
tác phẩm trên, chúng tôi tạm thời thống kê được kết quả như sau: tổng số ThN,
TN được sử dụng là 683 với tần số xuất hiện là 1.175 lần. Cụ thể như sau:
Đối tượng thống kê
|
Số lượng
|
Tần số
sử dụng
|
Nguyên dạng
|
Cải biến
|
||
Hán Việt
|
Thuần Việt
|
Hán Việt
|
Thuần Việt
|
|||
Thành ngữ
|
545
|
985
|
130
|
503
|
60
|
292
|
Tục ngữ
|
138
|
190
|
19
|
82
|
22
|
67
|
Trong đó, số lượt ThN, TN xuất
hiện trong từng tác phẩm là:
Hương rừng Cà Mau
|
Xóm
Bàu Láng
|
Bà
Chúa Hòn
|
Hình
bóng cũ
|
Đồng bằng sông Cửu Long –
Nét sinh hoạt xưa
|
Văn minh
Miệt Vườn
|
551
|
212
|
141
|
76
|
125
|
70
|
Sự chênh lệch ít hoặc nhiều
tần số ThN, TN xuất hiện trong từng tác phẩm một phần do dung lượng của chúng
chi phối, mặt khác cũng do yêu cầu thể loại (Đồng bằng sông Cửu Long – Nét sinh
hoạt xưa và Văn minh Miệt Vườn là hai tác phẩm biên khảo nên số
lượt ThN, TN xuất hiện trong các tác phẩm này ít hơn so với các sáng tác văn học
như Hương rừng Cà Mau, Xóm Bàu Láng… Tuy nhiên sự chênh lệch này là
không đáng kể). Riêng với tập truyện ngắn Hương rừng Cà Mau, mỗi truyện có
ít nhất 4 – 5 lượt ThN, TN được sử dụng. Trong đó có một số truyện nhưĐơn
Hùng Tín chào đời có đến 20 lượt ThN, TN được sử dụng; Cái va li bí mật là
11 lần ThN, TN; Người tình của cô đào hát là 14 lần ThN, TN…
Số lần ThN, TN được sử dụng
nguyên dạng nhiều hơn so với cải biến. Đây là tình hình chung của các nhà văn
khi sử dụng ThN, TN trong các sáng tác của mình. Tuy nhiên với Sơn Nam sự chênh
lệch này là không đáng kể (nguyên dạng: 633, cải biến: 352). Đáng nói là sự
chênh lệch khá lớn giữa các ThN, TN Hán Việt và ThN, TN thuần Việt (số lượt ThN,
TN Hán Việt cả nguyên dạng và cải biến là 232, số lượt ThN, TN thuần Việt cả
nguyên dạng và cải biến là 944), tỉ lệ sai lệch ở đây là 2/10. Điều này có liên
quan đến sở trường, phong cách ngôn ngữ cũng như mục đích sáng tác của mỗi nhà
văn. Sinh thời, Sơn Nam từng tâm niệm sống và viết về đất và người của quê
hương Nam bộ. Nhưng đó không phải là Nam bộ với cuộc sống hiện đại trong những
năm gần đây mà đấy là miền Nam của một thời mở cõi. Quan niệm đó cộng với tấm
lòng xiết bao trân trọng và yêu thương đối với vốn văn hóa, vốn ngôn ngữ dẫu là
còn quê mùa nhưng chất phác của người bình dân Nam bộ, nhà văn đã nghiên cứu, học
hỏi chắt lọc đưa thứ ngôn ngữ ấy vào trong từng trang viết của mình. Có thể đấy
không phải là thứ vàng mười như ngôn ngữ trong văn của Nguyễn Tuân như bao người
ngợi ca nhưng nó đã làm nên tên tuổi một Sơn Nam với nhiều biệt danh thân
thương trìu mến: nhà Nam bộ học, ông già Nam bộ…
Nhưng dù là ThN, TN thuần Việt
hay Hán Việt thì trong sáng tác của Sơn Nam, chúng cũng đều gần gũi với lời ăn
tiếng nói hằng ngày của người bình dân Nam bộ. Trong đó có nhiều ThN, TN được lặp
đi lặp lại nhiều lần như: ăn chưa no lo chưa tới (6 lần), ăn hiền
ở lành (5 lần), ăn năn hối cải (8 lần), cò bay thẳng cánh (11
lần), công ăn việc làm (7 lần), dầm sương dãi nắng (6 lần), khỉ
ho cò gáy (6 lần), nhanh như chớp (21 lần), nửa mừng nửa tủi (7
lần), nước lên rồi nước lại ròng (7 lần), nước mặn đồng chua (7
lần), tai vách mạch rừng (9 lần), thao thao bất tuyệt (8 lần), xuất
quỷ nhập thần (9 lần)… Một số trường hợp tác giả còn sử dụng ThN, TN đặt
tên cho tác phẩm của mình: Anh hùng rơm, Ăn to xài lớn, Đồng thanh tương ứng,
Xuất quỷ nhập thần…
Nhà văn vận dụng ThN, TN ở
nhiều dạng khác nhau. Tùy theo từng trường hợp mà ông có thể sử dụng chúng ở
nguyên dạng hay cải biến.
2.2. Cách sử dụng
2.2.1. Sử dụng nguyên dạng
Sử dụng nguyên dạng nghĩa là
nhà văn không có bất cứ sự thay đổi nào về cấu trúc hình thức cũng như nội dung
ý nghĩa của ThN, TN. Nói như thế không có nghĩa là làm hạn chế việc sử dụng
ThN, TN trong sáng tạo của các nhà văn. Qua khảo sát các tác phẩm của Sơn Nam,
chúng tôi nhận thấy ThN, TN nguyên dạng thuần Việt cũng như Hán Việt đều được
nhà văn sử dụng một cách nhuần nhuyễn và tự nhiên.
Trong sáng tác của mình, Sơn
Nam không dùng ThN, TN để tô điểm thêm cho lời nói, nếu có thì đấy chỉ là một
cách chơi chữ, một kiểu nói vui.
- Tử viết thiện giả, có con
không gả, tích thiện phùng thiện, tích ác phùng ác, để lâu tác hoác.” (Chuyện
rừng tràm, tr 228)
Sơn Nam vận dụng tục ngữ
(TN) nguyên dạng như một tiền đề chân lí. Nó được đặt trong lời thoại của nhân
vật hoặc lời dẫn truyện của nhà văn, thường là ở đầu câu:
“Anh chồng vỗ bàn nghe rầm rầm:
- Chồng chúa, vợ tôi! Vợ
không được phép cãi chồng. Sửa lại cho mau
Cô vợ lắc đầu:
- Tôi không sửa lại” (Tình bậu
muốn thôi, tr 862)
Sử dụng TN nguyên dạng cả về
nội dung lẫn hình thức như một phản đề để nêu lên chủ đề câu chuyện.
“Cái câu Được kiện như
sọ trâu khô, thất kiện như mồ ma chết dường như không đúng với trường hợp
tranh chấp của hai ông điền chủ làng Vĩnh Hòa thời Pháp thuộc.” (Một kiểu
anh hùng, tr 637)
Dùng nguyên dạng TN ở nghĩa
đen để miêu tả thiên nhiên, đất trời Nam bộ. Trường hợp này chủ yếu xuất hiện
trong các tác phẩm biên khảo.
“Trâu từ Tà Keo đưa đều đặn ở
đồng bằng, với lái chuyên nghiệp. Nơi nước mặn học nước lợ,trâu dễ mất sức,
cần thay đổi trong thời gian ngắn” (ĐBSCL – Nét sinh hoạt xưa, tr 37)
Một ngữ cảnh khác:
“Phía hạ lưu phần lớn diện
tích bùn lầy ẩm thấp, khí hậu khắc nghiệt. Đất úng lần hồi tạo thêm phèn. Muỗi
mòng nhiều, lăng quăng và lá cây mục dẫy đầy, tôm cá sanh sôi, cá lớn nuốt
cá bé, chim chóc và rắn ăn cá.” (ĐBSCL – Nét sinh hoạt xưa, tr 16)
Dùng nguyên dạng TN để kết
thúc câu chuyện hoặc để rút ra chân lí, thường được dùng ở cuối câu.
“Cai tổng Biện cười khì:
- Bỏ qua đi. Lời tục thường
nói: No mất ngon giận mất khôn. Mấy giờ rồi?
- Dạ, hơn tám giờ” (Xóm
Bàu Láng, tr 91)
Thành ngữ (ThN) thực hiện chức
năng định danh nên khi được sử dụng nguyên dạng, nó chủ yếu đóng vai trò làm
thành phần câu. Việc vận dụng ThN của Sơn Nam trong trường hợp này cũng
khá đa dạng.
ThN làm chủ ngữ trong câu:
“Đôi trai tài gái sắc ở
hai nước Ba Tư, Hy Lạp gì đó hiểu lầm nhau, họ xua quân ra trận, rốt cuộc chàng
và nàng bị thương…”
(Hình bóng cũ, tr 366)
ThN làm vị ngữ trong câu: “Hội
đồng Tần gian ác quá. Nó cậy quyền cậy thế. Nó dựa oai quan chánh tham biện
Rờ - Nu” (Ngôi mộ chôn đứng, tr 691)
ThN làm đồng vị ngữ trong
câu: “Thầy hương quản xuống thang, đến tận vũng máu mà xem: - Bậy quá. Tôi
đâm trúng nó, nó la xí hụt để gạt tôi. Tôi rút mũi chĩa lên. Thừa cơ hội đó, nó
tẩu thoát. Chắc nó bị thương chết bờ chết bụi, nằm đâu đây chớ chẳng xa.” (Xuất
quỷ nhập thần, tr 910)
ThN làm định ngữ:
+ “Đôi mươi mái nhà lá,
vài ba gốc dừa không trái, ngọn Xẻo Bần xơ rơ như vậy đó. Chung quanh là cánh đồng cò
bay thẳng cánh nhưng đầy năn kim, ô rô, cỏ ống. Cò lông bông, trích, cúm
núm bay lượn tối ngày” (Bác vật xà bông, tr 73)
+“Lão Khăn Đen nói: - Tánh
tôi không muốn nói quanh quẩn. Con Lài là đứa trẻ tuổi ăn chưa no lo chưa
tới. Muốn trị bịnh thì nên tìm ngay gốc… mà đốn” (Xóm Bàu Láng, tr 190)
+“Cô gái ở Rạch Giá thèm đời
sống miệt vườn “Mẹ mong gả thiếp về vườn; Ăn bông bí luộc dưa hường nấu canh”.
Cô gái mệt vườn lại e ngại khi rời quê, theo chồng tận chốn chim kêu vượn
hú.” (Văn minh Miệt Vườn, tr 387)
+Bổ nghĩa cho động từ: “Có
lẽ hắn biết lội, nên sáng hôm sau không ai trông thấy anh hùng rơm trở
lại làng Bình An và dân chài lưới tuyệt nhiên không gặp cái thây ma chết trôi
nào”(Anh hùng rơm, tr 21)
+ Bổ nghĩa cho tính từ: “Bây
giờ là ngày hay đêm? Ở đây là biển trần khổ hay là ở trên bồng lai? Trong mớ
ánh sáng lung linh, dường như có muôn ngàn gương mặt khác nhau hiện ra không rõ
rệt, dịu hiền như ngọc nữ kim đồng, trong tiếng tiêu, tiếng sáo, tiếng
đờn cò, giữa bầy phụng hoàng bay lượn.” (Một cuộc bể dâu, tr 626)
ThN làm trạng ngữ:
+ “…trong hộp, vỏn vẹn có miếng
giấy vàng, ghi những lời di chúc như trên. Ngày qua tháng lại, ba nó cứ chờ
cơ hội “rồng nằm trước cửa” nhưng mãi thất vọng.”
(Xóm Bàu Láng, tr 11)
Nhìn chung, việc sử dụng ThN
nguyên dạng đảm nhiệm các vị trí khác nhau trong câu giúp cho lời văn trở nên tự
nhiên, sinh động đầy hình ảnh. Bên cạnh đó, khi đóng vai trò là thành phần phụ
bổ nghĩa cho danh từ, động từ, tính từ… ThN còn làm cụ thể hóa nét nghĩa, nhấn
mạnh nội dung ý nghĩa của ngữ cảnh.
Trong một số trường hợp ThN
nguyên dạng còn được dùng làm câu độc lập. Ví dụ: “Lão
khăn đen phục thầm lối ăn nói bóng gió của đối phương. Cai tổng Biện hiểu con
Lài chỉ là con cờ.Không hơn không kém. Và lão ta đoán chắc rằng con Lài bị
xác Hắc Hổ giựt dây…” (Xóm Bàu Láng, tr 193)
Một trường hợp khác:
“- Vậy thì mấy cậu lấy cái
áo ấy đem về đây cho tôi giặt giùm, vài ngày sau, lại đem vô cho anh sui tôi
thay đỡ.
-Rồi! Tùy cơ ứng biến.
Đưa cái áo đây.” (Xóm Bàu Láng, tr 245)
Có thể nói ThN, TN nguyên dạng
trong sáng tác của Sơn Nam được vận dụng linh hoạt, tự nhiên. Chúng có thể xuất
hiện ở đầu câu, giữa câu hoặc cuối câu. Có thể tham gia làm thành phần câu hoặc
đứng thành câu độc lập. Chúng được dùng như những cơ sở lập luận để trình bày
quan điểm cá nhân của nhân vật. Bên cạnh đó, dùng ThN, TN nguyên dạng ở đầu tác
phẩm còn là một cách thức để thu hút sự chú ý của người xem.
2.2.2. Sử dụng cải biến
ThN, TN trong sáng tác của
Sơn Nam được sử dụng dưới một số hình thức cải biến sau:
2.2.2.1. Cải biến về mặt ngữ
âm
Đây là cách sử dụng ThN, TN
dưới hình thức biến thể ngữ âm Nam bộ. Được mệnh danh là nhà Nam bộ học, vì thế
không khó để hiểu ngôn ngữ mà Sơn Nam vận dụng là ngôn ngữ mang đậm chất miền
Nam, và những biến thể ngữ âm trong các ThN, TN được sử dụng là một minh chứng
cho điều này.
Qua khảo sát, chúng tôi thống
kê được 110 ngữ cảnh có sử dụng ThN, TN ở dạng biến thể ngữ âm. Trong đó có đến
55 ngữ cảnh sử dụng ThN, TN Hán Việt, tức là chiếm 50% trong tổng số ngữ cảnh
được thống kê. Ở đây nhà văn không dịch nghĩa các ThN, TN Hán Việt được sử dụng
mà cải biến chúng theo cách phát âm của người miền Nam. Sau đây là một số biến
thể ngữ âm trong cách sử dụng ThN, TN của Sơn Nam:
+ Biến thể phụ âm đầu
N à R, nay đây mai đó à rày
đây mai đó. “Sống ở rừng U Minh Hạ từ lâu rồi mà Hoàng Mai hãy còn có cảm giác
lạc loài tận đâu đâu, bước chân đi không vướng đất. Ví nàng như cánh bèo rày
đây mai đó thì không đúng cho lắm, có lẽ nàng như đóa hoa sen, gần bùn mà
chẳng hôi tanh mùi bùn” (Hương rừng, tr 561)
D à L, dở khóc dở cười à lỡ
cười lỡ khóc hoặc lỡ khóc lỡ cười. “Nhưng đột nhiên lão Nhị chới với,lỡ
cười lỡ khóc. Từ dười cái lu bí mật có tiếng ho sù sụ vang lên” (Xóm Bàu Láng,
tr 138)
Một số trường hợp khác như:
t à d, tụm năm tụm ba à dụm năm dụm ba, gi à d, giòi từ
trong xương giòi ra à dòi từ trong xương dòi ra…
Xuất hiện nhiều nhất là trường
hợp biến đổi i à a, sinh à sanh
“… Để cố gắng ra vẻ bình
tĩnh, con Lài nói:
- Thưa cha, chuyện gì? Nếu
được thì con sẵn sàng… Nữ sanh ngoại tộc, xuất giá tòng phu…” (Xóm Bàu
Láng, tr 184)
Một ngữ cảnh khác “Câu “Thiên
sanh nhơn hà nhơn vô lộc” với nội dung lạc quan, tin tưởng vào kết quả lao
động bản thân lần hồi trở thành lời ngụy biện để chờ thời bó tay trước định mạng,
trước tương lai không lối thoát” (ĐBSCL – Nét sinh hoạt xưa, tr 62)
 à Ơ, chân à chơn. Ví dụ: “Ai
nấy nhao nhao phản đối, trình ra nhiều bằng cớ xác đáng: - Tụi tôi quần áo lêm
luốc tay lấm chơn bùn. Vả lại, chưa đóng giấy thuế thân. Rủi có bề gì
thì… phải làm sao.” (Đồng thanh tương ứng, tr 399). Tương tự như vâỵ, ta
có một số ThN, TN khác như: đắc nhân tâm à đắc nhơn tâm,
địa linh nhân kiệt à địa linh nhơn kiệt, nhân tình
thế thái à nhơn tình thế thái…
Ngoài ra còn có những cách
biến đổi nguyên âm khác như:
- ư à ơ, ăn gửi nằm
nhờ à ăn gởi nằm nhờ, ê à a đầu ghềnh cuối
bãi à đầu gành cuối bãi, â à ư, đồng tâm nhất trí à đồng
tâm nhứt trí …
- Anh à iêng, cò bay thẳng cánh à cò
bay thẳng kiếng . “Các ông đại điền chủ thường núp oai của nhà
binh Pháp để bảo vệ cái tài sản cò bay thẳng kiếng của họ” (Hình bóng
cũ, tr 309)
- Ươ à a, tam cương ngũ
thường à tam cang ngũ thường; ơp à iêp, tâm đầu ý hợp à tâm
đầu ý hiệp, iên à ân, tiến thoái lưỡng nan à tấn thoái
lưỡng nan…
Nhìn chung, cách sử dụng
ThN, TN theo những biến thể phát âm của phương ngữ miền Nam không chỉ với ThN,
TN thuần Việt mà còn có cả Hán Việt. Điều này làm cho ngôn ngữ tác giả mang đậm
màu sắc khẩu ngữ Nam bộ.
2.2.2.2. Cải biến về mặt từ
ngữ
* Thêm hoặc bớt từ trong
thành ngữ, tục ngữ gốc
Hình thức cải biến này được
thực hiện bằng cách lược bớt hoặc thêm một số từ vào trong ThN, TN gốc.
® Lược từ
+ Lược một vài từ trong ThN,
TN gốc vừa làm gọn ThN, TN vừa phù hợp với nội dung của ngữ cảnh. Ví dụ:
“Nỗi lo âu của thằng Thiếu vẫn
là việc A Mách còn sống sót, trốn thoát. Mấy đêm rồi thằng Thiếu ăn ngủ
không yên, nó chẳng dám tiết lộ chi tiết ấy cho cô Huôi biết. Cô Huôi đã hỏi,
nó trả lời rằng đã giết trọn hai tên hộ vệ” (Bà chúa Hòn, tr 190)
Những ThN, TN có từ chỉ số
lượng hoặc chỉ quá trình được tác giả lược bớt. Chẳng hạn, câu TN “Nhất nước,
nhì phân, tam cần, tứ giống” được vận dụng như sau:
“Làm ruộng nước thì cực nhọc,
nhất là phá rừng lúc ban đầu nhưng so với miền trung thì nước phân cần giống không
đặt thành mối quan tâm lớn” (ĐBSCL – Nét sinh hoạt xưa, tr 28)
+ Vừa lược bỏ vừa thay từ.
Chẳng hạn: Nước lên rồi nước lại ròng => nước khi lớn khi ròng;
trăng khuyết rồi trăng lại tròn à trăng khi tròn khi khuyết.
“Thương người như thể thương
thân (nói là thương thân người (nào) khác thể thân ta), thi ơn bất cầu báo, trăng
khi tròn khi khuyết, nước khi lớn khi ròng là những câu thường nhắc nhở.”
(ĐBSCL – Nét sinh hoạt xưa, tr 48)
Hai ThN được cải biến nhưng
vẫn giữ nét nghĩa chỉ sự đổi thay của tạo vật và kiếp người. Có thể nói sự thay
đổi đó như một thủ pháp về ngôn ngữ của Sơn Nam, mạch văn do vậy mà nhẹ nhàng,
chất phác đúng với phong cách của ông.
® Thêm từ
Một ThN, TN nguyên dạng có
thể truyền tải nội dung đến người đọc một cách trọn vẹn, có giá trị biểu cảm
cao nhưng đối với ThN, TN được cải biến bằng cách thêm một số từ vào ThN, TN gốc
thì giá trị biểu cảm của nó cũng không kém.
Qua khảo sát cho thấy tác giả
thường sử dụng các phụ từ quan hệ hoặc mức độ để thêm vào ThN, TN nguyên dạng.
Chẳng hạn:
Ăn cơm chúa múa tối ngày à
ăn cơm chúa thì phải múa tối ngày
Đi thưa về trình à
đi phải thưa về phải trình
Khôn chết, dại chết, biết
thì sống à khôn cũng chết, dại cũng chết, biết thì sống…
Việc thêm từ vào ThN, TN
không chỉ có tác dụng nhấn mạnh nội dung ý nghĩa của ThN, TN gốc mà còn đem lại
cho ThN, TN những sắc thái biểu cảm khác. Bên cạnh đó ThN, TN được cải biến
theo dạng này trong một số trường hợp còn giúp cụ thể hóa nét nghĩa và phù hợp
với lối diễn đạt của nhà văn.
Mượn ý của thành ngữ, tục
ngữ gốc
Trường hợp này xuất hiện khá
nhiều, khoảng 36/1175 ngữ cảnh được thống kê. Ở dạng cải biến này nhà văn không
vận dụng khuôn hình của ThN, TN nguyên dạng mà chỉ mượn ý của nó và triển khai
theo phong cách khẩu ngữ của người miền Nam. Qua khảo sát cho thấy hầu hết các
ngữ cảnh có sử dụng ThN, TN ở dạng mượn ý chủ yếu được đặt trong lời thoại nhân
vật. Mượn ý ThN, TN gốc được thể hiện ở hai hình thức: mượn ý thuận chiều và mượn
ý nghịch chiều.
Mượn ý thuận chiều nghĩa là
nhà văn diễn đạt lại ThN, TN theo phong cách khẩu ngữ đúng với nội dung ý nghĩa
của ThN, TN gốc. Ví dụ:
“ - Vạn vật tuần hoàn, ruộng
dâu hóa biển, biển hóa ruộng dâu. Hơi đâu mà buồn bực” (Xóm Bàu Láng, tr
387)
ThN Hán Việt nhất tiễn
song điêu nghĩa là bắn một mũi tên mà giết được hai con chim, được nhà văn
sử dụng ba lần đều dưới hình thức mượn ý này.
(a) “Hay quá bắn một
mũi tên mà giết được ba con chim. Trừ được Hai Lành, dằn mặt bọn người ở làng
xóm. Nay mai, đám cưới thằng Hai được vẹn toàn, chẳng ai dám bàn tán ra vào” (Xóm
Bàu Láng, tr 85)
(b) “Đội Vinh cười toe toét:
Thiệt là bắn một mũi tên mà giết được hai con chim. Lên đây uống rượu”
(Xóm Bàu Láng, tr 301)
(c) “Đời Minh Mạng, giai đoạn
kéo dài 20 năm thêm khá đông tù tội bị đày vào đồng bằng, qua đất Campuchia với
dụng ý thâm độc: bắn một mũi tên nhưng giết được nhiều con chim. ” (ĐBSCL
– Nét sinh hoạt xưa, tr 42)
Cách phô diễn như lời nói
thông thường làm cho ThN Hán Việt không xa lạ bác học, mà còn miêu tả được thâm
ý của bọn người như cai tổng Biện, đội Vinh và triều đình Huế thời bấy giờ. Một
số trường hợp khác:
Bệnh nào thuốc ấy à Bịnh
ở đâu thì thuốc ở đó
Đánh rắn phải đánh dập đầu à
Muốn giết rắn mình nên cẩn thận, kẻo rắn cắn ngược lại
Mượn ý nghịch chiều, nghĩa
là trên cơ sở nội dung ý nghĩa của ThN, TN gốc, nhà văn diễn đạt với ý nghĩa
ngược lại (những ThN, TN được sử dụng thường có màu sắc âm tính). Xét các ngữ cảnh
sau:
“Vì quá thương con gái mà
mình nghe lời nó. Đúng là mình đang cỡi trên lưng cọp. Thà nhảy xuống
lưng cọp còn sướng hơn là cỡi trên lưng con cọp què.” (Xóm Bàu Láng, tr
272)
Một ngữ cảnh khác:
“Bà chánh thất nằm xuống,
Bá Vạn cười lạt, nghĩ thầm:
Trót lên lưng cọp thì cứ cỡi
luôn! Mình ra về hoặc đính chánh để làm gì? Mình chỉ muốn cho cậu Hai Điền tin
dùng…” (Bà chúa Hòn, tr 143)
ThN cưỡi trên lưng cọp chỉ
một tình thế nguy hiểm, tiến thoái lưỡng nan. Trong hai ngữ cảnh trên, tác giả
mượn ý để miêu tả những suy nghĩ và hành động của nhân vật.
Ghép vế và sử dụng một vế
® Sử dụng một vế
Ở dạng cải biến này nhà văn
chỉ sử dụng một vế nhưng người đọc vẫn tri nhận được ThN, TN gốc mà tác giả sử
dụng. Có được điều này một mặt do sự cố định của khuôn hình ThN, TN; mặt khác
những ThN, TN mà nhà văn sử dụng vốn quen thuộc gần gũi với lời ăn tiếng nói hằng
ngày của nhân dân.
Chó ba khoanh mới nằm, người
ba lăm mới nói à chó ba khoanh mới nằm
Gần mực thì đen gần đèn thì
sáng à gần mực thì đen
Người đời muôn sự của chung;
Hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi à người đời muôn sự của chung
TN thường có hai vế, khi xét
về nội dung ý nghĩa có loại TN cả hai vế đều đồng chức, tức là quan hệ ý nghĩa
của hai vế là đẳng lập, cùng hỗ trợ để suy ra nét nghĩa khái quát. Trong quá
trình vận dụng, nhà văn chỉ sử dụng vế này hoặc vế kia nhưng vẫn đảm bảo được nội
dung ý nghĩa của cả câu TN. Đấy là trường hợp dùng câu TN “Được chim bẻ ná, được
cá quăng nơm”trong hai ngữ liệu sau:
“Bá Vạn uống rồi xua tay, đuổi
đứa nữ tì ra ngoài:
- Cậu Cẩu đòi tôi tới Vàm Rầy.
Nếu tới trễ, tội của tôi thêm nặng. Cô nghĩ coi, tôi như thằng già cõng đứa bé
lên vai để nó xem hát. Dè đâu nó cú đầu thằng già. Đành rằng được cá quăng
nơm là thế gian thường tình, nhưng cậu làm quá đáng…” (Bà chúa Hòn, tr
235)
Một ngữ cảnh khác:
“Bọn hộ vệ dâng rượu cho cậu
Cẩu. Cậu uống một hơi cạn bầu rượu rồi trợn mắt:
- Bậy quá. Thiệt là chó chết.
Lời trách móc vu vơ khiến Bá
Vạn phật ý. Hay là cậu muốn hại ông theo kiểu được chim bẻ ná?” (Bà
chúa Hòn, tr 282)
TN có hai vế, nhưng đôi khi
nghĩa chỉ thiên về một vế nào đó. Câu TN “Đại phú do thiên tiểu phú do cần” có
nghĩa đen là con người giàu có nhờ trời phật phù hộ nhưng nếu siêng năng chăm
chỉ thì họ vẫn có thể tạo dựng được một sự nghiệp nho nhỏ cho mình. Từ đó đi đến
nghĩa khái quát là khuyên con người nên cố gắng, chăm chỉ, chí thú làm ăn. Khi
vận dụng vào sáng tác, Sơn Nam chỉ sử dụng vế chính, tức là vế quyết định nghĩa
khái quát của câu TN.
“Trong chế độ đại điền chủ,
câu châm ngôn tiểu phú do cần là láo khoét. Làm ruộng suốt năm, đến
mùa đong tất cả cho ông điền chủ là chuyện thường xảy ra. Nhiều người không đủ
lúa ăn trong một tháng sau khi gặt cho đến ngày tết, nói chi đến chuyện qua
tháng ba tháng tư năm sau.” (Văn minh miệt vườn, tr 392)
Bên cạnh cách sử dụng một vế,
trong một số trường hợp nhà văn còn ghép vế của hai ThN hay TN có cùng một hướng
nghĩa lại với nhau. Ví dụ:
“Mày đừng lo. Nay mai mày có
vợ đẹp, mày trở thành ông điền chủ giàu sang. Hôm nay, mày tới đây… xin lỗi…
mày là thằng cùng đinh khố rách. Nhưng mai kia mốt nọ mày trở thành
ông vua xóm Bàu Láng. Tin lời tao đi.” (Xóm Bàu Láng, tr 100)
ThN cùng đinh khố rách được
tạo thành từ hai ThN “cùng đinh hạ bộ” và “khố rách áo ôm”. Cả hai
ThN đều có nghĩa là chỉ người nghèo khổ, nhưng ThN Hán Việt “cùng đinh hạ bộ” còn
định danh cụ thể là người đàn ông nghèo. Ở đây nhà văn không nói là khố
rách áo ôm càng không sử dụng cùng đinh hạ bộ mà kết hợp hai ThN
ấy lại thành cùng đinh khố rách vừa miêu tả cụ thể đối tượng vừa nhấn
mạnh đến tình cảnh của nhân vật trong hoàn cảnh hiện tại.
Ngoài ra, còn một số trường
hợp khác như:
Anh hùng nghĩa hiệp + giang
hồ tứ chiếng à anh hùng tứ chiếng
Vừa đánh trống vừa la làng +
vừa ăn cướp vừa la làng à vừa đánh trống vừa ăn cướp
Thay từ
Hình thức cải biến này trong
sáng tác của Sơn Nam được thể hiện dưới hai dạng
® Thay thế từ ngữ trong ThN,
TN nguyên dạng bằng một từ khác có nghĩa tương đương
Ví dụ:
“Rồi ông Hai Tước ghé miệng
sát vào tai thằng Nậu mà nói thật nhỏ:
- Bà cai tổng là con vợ bé…
thứ mười của tao. Tao giấu giếm không muốn cho mấy bà vợ ở nhà hay biết, tao
thương mày, giúp mày tàng hình, rồi hiện hình… chớ thật ra tao đau lòng
xót dạlắm” (Bà vợ thứ mười, tr 69)
Đau lòng xót ruột à đau
lòng xót dạ. Ruột và dạ cùng biểu trưng cho tấm lòng,
tình cảm của con người.
“Tôi nói:
- Hồi xưa, bác làm quốc sự, vào
tù ra khám mấy lượt về tội chống thực dân Pháp. Quan phó tham biện mời bác
ra làm đại hương cả, bác từ chối, cháu khâm phục lắm” (Ngày mưa đầu mùa, tr
670)
Vào tù ra tội à vào
tù ra khám. Tội là một hành vi trái với pháp luật, khám là
danh từ chỉ nơi để giam giữ những người có hành vi không đúng pháp luật. Như vậy
quan hệ giữa hai danh từ này là quan hệ giữa vật chứa khám và vật được
chứa tội. Do vậy ý nghĩa của ThN được cải biến không đổi.
“Mui tam bản hóa ra chật chội.
Bá Vạn nằm ngồi chẳng yên. Khí trời oi bức là một lẽ nhưng nguyên do chính
vẫn là những việc sắp xảy ra” (Bà chúa Hòn, tr 99)
Đứng ngồi không yên à nằm ngồi chẳng yên. Đứng và nằm cùng
ở trong trường chỉ hoạt động tư thế của con người, không và chẳng cùng
là từ phủ định. Cách cải biến ở ThN này chủ yếu là để phù hợp với ngữ cảnh.
Bên cạnh cách thay thế từ có
ý nghĩa tương đương vào ThN, TN gốc là cách thay từ địa phương nhưng vẫn đảm bảo
được nội dung ý nghĩa của ThN, TN gốc. Ví dụ một số ngữ liệu sau:
“Tôi lạnh người, gió thổi
hiu hiu. Phải chăng oan hồn thưở trước đang trở về đây? Họ trở thành cát bụi
đang thu mình vào rễ lúa để vươn lên mặt đất, đòi đơm bông kết trái.”
(Miễu bà chúa Xứ, tr 607)
Đơm hoa kết trái à đơm bông kết
trái
Ngoài ra, còn một số trường
hợp khác như:
Ếch ngồi đáy giếng xem trời
bằng vung à Ếch ngồi đáy giếng coi trời bằng vung
Nhanh như điện
à Lẹ như
điện xẹt
Áo mặc sao qua khỏi
đầu
à Áo bận sao qua khỏi đầu
Trèo cao ngã đau…
à Trèo cao té nặng…
Nhìn chung cải biến ThN, TN
bằng cách thay từ vựng trong sáng tác của Sơn Nam xuất hiện dưới hai hình thức:
thay bằng từ có nghĩa tương đương và thay bằng từ địa phương. Cách biến đổi này
không làm thay đổi ý nghĩa của ThN, TN gốc.
Đảo trật tự cú pháp
Các ThN có quan hệ đẳng kết,
cách đảo trật tự đối với các ThN này trong sáng tác của Sơn Nam diễn ra khá đa
dạng. Có khi đó là sự hoán chuyển toàn khối giữa hai vế:
Chim trời cá nước à Cá
nước chim trời
Hoa thơm cỏ lạ à Cỏ
lạ hoa thơm
Mê tín dị đoan à Dị
đoan mê tín
Tự cấp tự túc à Tự
túc tự cấp…
Có khi tác giả vẫn giữ
nguyên khung kết cấu ngữ pháp của hai vế và chỉ hoán vị các thành tố đối ứng
nhau theo từng cặp được đan chéo giữa hai vế. Chẳng hạn:
Cao chạy xa bay à cao
bay xa chạy
Chân lấm tay bùn à tay
lấm chân bùn
Đầu ghềnh cuối bãi à đầu
bãi cuối gành
Giá sạch tiết trong à giá
trong tiết sạch
Ví dụ các ngữ liệu sau:
“Dân số ở làng mạc chung
quanh chợ Cà Mau không quá thưa thớt như viên chức đi thanh tra đã tưởng. Khi
nghe tiếng tàu chạy dưới sông, bọn đàn ông đã cao bay xa chạy vì tội
trốn xâu lậu thuế, vì sợ ông Tây da trắng, thế nên trong nhà chỉ còn bà già, trẻ
con thôi” (Văn minh miệt vườn, tr 374)
Cách hoán chuyển này vẫn đảm
bảo tính cân đối, nhịp nhàng, đối xứng về mặt cấu trúc và về mặt nội dung ý
nghĩa của ThN. Trong ngữ cảnh trên, ThN cải biến cao bay xa chạy đã
miêu tả chân thực hình ảnh những người đàn ông ở Cà Mau nhanh chân tẩu thoát
trước sự kiểm soát của các viên chức thanh tra.
ThN giá sạch tiết trong chỉ
phẩm tiết cao đẹp, thường là dùng cho các cụ nho xưa. Khi vận dụng vào trong ngữ
cảnh: “Ông hội đồng tự so sánh với một sứ giả thời xa xưa. Nếu có đem theo kiểu
hột ngọc đựng thuốc độc, chắc ông đã uống để quyên sinh, giữ giá trong tiết
sạch” (Hai viên ngọc, tr 496) thì ThN cải biến giá trong tiết sạch cũng
nói lên được dụng ý của hội đồng Tần, tự nhận mình là người tiết tháo, sạch
trong. Cách dùng này của tác giả còn bao hàm cả dụng ý châm biếm nhân vật.
Triển khai khuôn hình của
ThN, TN gốc
Để nhấn mạnh nội dung mới,
nhà văn sử dụng song song, tức là vừa sử dụng ThN, TN gốc vừa trên cơ sở đó triển
khai ý ngược lại. Chẳng hạn:
“Đất lành chim đậu, đất hung
dữ thì chim bay đi. Ai cậy nhiều tiền, tung tiền ra mướn với thái độ hách dịch
thì không làm, nếu cần thì làm không công, giúp đỡ người nghèo để lấy tiếng” (ĐBSCL
– Nét sinh hoạt xưa, tr 51)
Một ngữ cảnh khác:
“Chàng thanh niên liếc qua
chỗ tôi ngồi, rồi nói khẽ:
- Thầy kí giả này khiêm tốn,
chẳng muốn khoe khoang chức vụ với người chung quanh. Bà con chưa nghe câu tục
ngữ phương Tây à? Cái thùng rỗng kêu to, chớ cái thùng đặc ruột của thầy
luôn luôn im lặng” (Người tình của cô đào hát, tr 722)
Ở đây nhà văn sử dụng từ
trái nghĩa với từ trong ThN, TN gốc (dữ >< lành, bay >< đậu, đặc ruột
>< rỗng, im lặng >< kêu to) để diễn đạt nội dung mới phù hợp với ý
đồ của nhà văn.
2.2.2.3. Sử dụng liên thành
ngữ, tục ngữ
Đây là một nét riêng trong
cách sử dụng ThN, TN của Sơn Nam. Sử dụng liên ThN, TN nghĩa là trong một ngữ cảnh
nhà văn có thể vận dụng liên tục 2 hoặc 3 ThN, TN đi liền với nhau. Cách dùng
này có các dạng sau:
* TN và TN
“Lời tục thường nói: Biết
chết nhưng cũng nhào vô. Con chim ghét nhau vì tiếng gáy. Cu rừng gáy hai cốt
ghét con cu mồi gáy tới bốn cốt. Nó cho rằng có kẻ bảnh trai hơn, toan chiếm đoạt
sự sống của nó” (Bốn cái ngu, tr 103)
* ThN và ThN
“Đất cò bay thẳng cánh, chó
chạy cong đuôi nhiều câu hát của giới thương hồ, nhóm công tử Bạc Liêu và
có lẽ tuồng cải lương cũng là hậu quả trực tiếp hoặc gián tiếp của kế hoạch này”
(ĐBSCL – Nét sinh hoạt xưa, tr 97)
* ThN và TN
“Nhưng ở đồng quê, chuyện gì
xảy ra lần lần thiên hạ đều hay biết hết. Họ không tiếc lời mỉa mai con Bảy:
- Ừ, trời cao có mắt.
Cao nhơn tắc hữu cao nhơn trị, trèo cao té nặng. Ngó cao đau ót”(Con Bảy
đưa đò, tr 238)
Một trường hợp khác là các
ThN, TN được sử dụng không đi liền với nhau mà có sự đan xen trong cùng một ngữ
cảnh. Chẳng hạn:
“Tôi thấy vợ con họ bây giờ
giống như mấy bà hồi xưa thắt lưng buộc bụng, gánh gạo đường xa để nuôi mấy
ông đồ cho dài lưng tốn vải” (Hình bóng cũ, tr 288)
Sử dụng liên ThN, TN trong
sáng tác của Sơn Nam có hai trường hợp:
Vận dụng liên tục các ThN,
TN có cùng hướng nghĩa nhằm nhấn mạnh nội dung mà nhà văn cần diễn đạt. Ví dụ:
“Không giúp nước được thì ít
ra ông cũng phải biết những gì xảy ra đau buồn trong nước. Cây có cội, nước
có nguồn. Chim có tổ, cá có hang. Đôi mắt già của ông Từ Thông ngẩn ngơ nhìn
muôn lớp sóng cồn. Ông hỗ thẹn, tủi bấy phận mình không bằng con chim đổ quyên
đêm hè kêu khoắc khoải” (Hòn Cổ Tron, tr 527)
“Trong vũ trụ, đẹp nhất là
hoa. Nhụy hoa được loài ong hút về, tạo ra chất tinh khiết, xứng đáng cho chúng
ta xe lại làm cây đèn sáp để đọc sách hoặc cúng vái thần thánh. Con ong lại làông
Tơ bà Nguyệt, là lá thắm chỉ hồng, đem nhụy bông đực rắc vô lòng bông cái”
(Cái tổ ong, tr 134)
Sử dụng liên tục các ThN, TN
không cùng hướng nghĩa. Trường hợp này xuất hiện khá nhiều, nó cho thấy sự am
hiểu vốn ThN, TN của Sơn Nam cũng như tài năng sử dụng ngôn ngữ của tác giả.
“Hai Lành chán ngán trò đời.
Lão suy ngẫm:
-… Xưa kia mình tưởng lầm rằng
lão ta có máu giang hồ nghĩa hiệp. Mình đang lâm vào tình thế tấn
thoái lưỡng nan, đã trót cỡi trên lưng cọp làm sao nhảy xuống” (Xóm
Bàu Láng, tr 167)
Một ngữ cảnh khác:
“Để chứng tỏ mình là kẻ
khiêm tốn, giáo Phép ngồi xuống, nghe đám anh hùng tứ chiếngthuật lại những
trận hô phong hoán vũ thất bại, lỡ cười lỡ khóc” (Đơn Hùng Tín
chào đời, tr 418)
Hoặc là:
“Hai Khoánh cố che giấu sự
khinh bỉ đối với anh chàng đại ca nhỏ nhen ấy. Nhưng gây gổ, giảng luân lí với
kẻ giết đàn bà, con nít là điều ngu xuẩn, hơi đâu khảy đờn vào tai trâu,
múc nước đổ lá môn. Phải tương kế tựu kế. Áp dụng triệt để câu: quân tử tham tài
tiểu nhân tham thực…” (Cái va li bí mật, tr 145)
Sử dụng liên ThN, TN không
chỉ nhấn mạnh nội dung của đoạn văn, câu văn mà quan trọng hơn là nó tạo nên
tính nhạc cho đoạn văn, câu văn đó. Điều này cũng phản ánh rất rõ cách nói năng
hàng ngày của người nông dân Nam bộ:
“Cầm thử coi nặng không? Tay
anh hùng mới cử nó được. Tạo ra lúa gạo, xuồng chèo là nhờ nó.Nên nhà nên cửa,
nên đất nên vườn, nên chồng nên vợ, xưng hùng xưng bá cũng nhờ nó” (Hương
rừng, tr 572)
Có thể nói trong một câu
văn, vận dụng một ThN, TN đã là vận dụng một lời hay ý đẹp; vận dụng trùng điệp
những ThN, TN là trùng điệp những lời hay ý đẹp vậy.
3. Kết luận
Tóm lại, cách vận dụng ThN,
TN trong sáng tác của Sơn Nam khá phong phú và đa dạng. Chúng có thể được sử dụng
nguyên dạng, cải biến hoặc vận dụng nhiều ThN, TN đi liền với nhau trong cùng một
ngữ cảnh. Cải biến vừa tạo ra những biến tấu ThN, TN về phương diện cấu trúc
hình thức vừa có biến tấu về nội dung ý nghĩa. Điều quan trọng là những ThN, TN
ấy dù được biến tấu ở phương diện nào thì chúng cũng lấp lánh chất phù sa của
vùng sông nước Cửu Long, chúng góp phần quan trọng để tạo nên tên tuổi một Sơn
Nam trên văn đàn của văn học Việt Nam hiện đại. Và như đã nói, bất kì một cách
diễn đạt, cách vận dụng nào cũng không đơn thuần là chuyện hình thức mà nó còn
có cả nội dung. Cách vận dụng ThN, TN trong sáng tác của Sơn Nam đã mang đến
trên từng trang văn của ông những giá trị biểu đạt to lớn và góp phần tạo nên
phong cách ngôn ngữ tác giả.
A. Tài liệu tham khảo:
1. Hoàng Anh, Về cách sử dụng thành ngữ- tục ngữ trên báo chí, T/c Ngôn
ngữ & Đời sống, số 10, 2003, tr. 10- 12
2. Nguyễn Đức Dân, Vận dụng tục ngữ, thành ngữ và danh ngôn trên báo chí, T/c
Ngôn ngữ, số 10, 2004, tr. 01-07.
3. Chu Xuân Diên - Lương Văn Đang - Phương Tri, Tục ngữ Việt Nam, Nxb KHXH,
H., 1975.
4. Vũ Dung - Vũ Thuý Anh - Vũ Quang Hào, Từ điển
thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, Nxb Văn hoá, H., 1995.
5. Nguyễn Thái Hòa, Tục ngữ Việt Nam - cấu trúc và thi pháp, Nxb KHXH, H.,
1997.
6. Triều Nguyên, Khảo luận về tục ngữ người Việt, Nxb GD, H,
2006.
7. Nguyễn Văn Nở, Tục ngữ - ngữ cảnh và hình
thức thể hiện, TC Ngôn ngữ, số 2, 2007, tr.53 – 64.
B. Tác phẩm Sơn Nam
1. Hương rừng Cà Mau (tập
truyện ngắn, 934 trang), Nxb Trẻ, 2008.
2. Bà Chúa Hòn (tiểu
thuyết, 434 trang), Nxb Trẻ, 2005.
3. Hình bóng cũ (truyện
vừa - in cùng với tập truyện Biển cỏ miền Tây, 386 trang), Nxb Trẻ, 2006.
4. Xóm Bàu Láng (truyện
dài, 396 trang), Nxb Trẻ, 2007.
5. Đồng bằng sông Cửu
Long - Nét sinh hoạt xưa & Văn minh miệt vườn (02 quyển biên khảo in
chung, 423 trang); Nxb Trẻ, 2007.
[1] Bài
đã đăng trong Tạp chí Ngôn ngữ & Đời sống số 11, 2010,
tr 35 – 53 (có bổ sung).
Dương Thị Thuý Hằng & Nguyễn Văn Nở
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét