Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2015

Mùa thu trong thơ Bích Khê

Mùa thu trong thơ Bích Khê
Khi trần gian này chưa bị thế tục hóa, mỗi thi sĩ như một nhà truyền giáo cho tâm hồn mình, mà kinh thư chính là ngôi lời của trái tim, là tiếng nói của thần linh, là sự giao cảm cao sâu của những tầng tâm thức. Đời sống nội tại của một người làm thơ như chính bài thơ hiện hữu. Bài thơ không bị dối trá hóa, không bị mỹ miều hóa, không bị khó hiểu hóa, không bị phi thơ hóa,…trong cảm quan như vậy, thơ như thượng thanh khí vượt qua rào cản sợ hãi, ô trọc và sự tầm thường hóa thi ca đang tràn ngập như hiện nay. Điều này cũng góp phần lý giải vì sao, trong những xã hội bị chủ nghĩa thực dụng nửa vời xâm nhập số đông con người đã lãng quên thơ, ngay cả những giáo viên sống bằng nghề văn cũng quay mặt với thi ca, hay đúng hơn là họ phản bội chính cái bao tử của họ. Vì sao tôi phải dẫn dắt vấn đề này khi đang nói về mùa thu trong thơ Bích Khê? Vì Bích Khê theo nhận định của Hàn Mặc Tử là một thi sĩ thần linh. Chúng ta xúc phạm thơ là xúc phạm “thần linh”, xúc phạm điều thiêng liêng nhất của con người! Thơ với Bích Khê:
Ta là thơ! Phàm tục hãy qui y
Ta sáng suốt chiếu ra mầu Phật tánh
Trong tâm hồn thi nhân mùa thu như một chất xúc tác đã gợi lên một cảm giác mơ hồ, xa xăm, tâm của thi nhân có thể đạt đến vô trú. Nhớ những ngày thu, trên con đường chỉ còn gió và lá như bước chân người lãng đãng phía trời xa. Cảm giác buồn lạnh của hơi thu thúc giục người thơ phải chuyển động. Vậy là thi sĩ thần linh của phái tượng trưng đã di hành cùng mùa thu.
Mùa thu là tượng của thi nhân, là hương của thơ, là men của tình ái, là sắc của họa, là nhạc của đất trời, là nguồn cơn sầu tận của những bước chân cô đơn.
Thượng thanh khí trong tâm hồn Bích Khê đã hòa điệu cùng mùa thu để những khúc nhạc du dương được huy động bằng thần lực vào trong ngôn ngữ:
Nàng ơi! Tay đêm đang giăng mềm
Trăng đan qua cành muôn tay êm
Mây nhung pha màu thu trên trời
Sương lam phơi màu thu muôn nơi
Âm hưởng bốn câu thơ trên nghe như dòng suối đang chảy róc rách trong cánh rừng vàng ngập sắc thu, tiếng đàn tỳ bà trên đỉnh núi lảnh lót lan theo dòng nước chảy, hòa cùng một hồn trăng phiêu diêu.
Thu ôm muôn hồn chơi phiêu diêu
Sao tôi không màng kêu: em yêu
Trăng nay không nàng như trăng thiu
Đêm nay không nàng như đêm hiu
Trong bài mộng cầm ca Bích Khê đã mô tả mùa thu như một người thiếu nữ, có đôi mắt trong như ngọc bích, đôi mắt ấy là nỗi ám ảnh khi những hàng lông mi đã kéo trường liên tưởng của tác giả đến với ánh tơ đêm rờn rợn.
Đâu đôi mắt mùa thu xanh tợ ngọc?
Vú non non? Da dịu dịu, êm êm?…
Đâu đôi mắt mùa thu xanh tợ ngọc?
Lưới lông mi rờn rợn ánh tơ đêm!
Kỹ thuật điệp từ và điệp âm trong thơ Bích Khê đã đạt đến nghệ thuật, âm hưởng trôi chảy tự nhiên gió thổi mây bay.
Trăng gây vàng, vàng gây lên sắc trắng
Của hồn thu đi lạc ở trong mơ...

Người đời thường lầm tưởng mộng và mơ là thuộc tính của thi sĩ, nhưng kỳ thật cái mộng mơ của thi sĩ Bích Khê đã vượt lên cả sự thật nhầy nhụa, cái sự thật trần truồng mà thất tình, lục nhục của con người thường nói chính là cái bản năng con của loài người. Bích Khê đã chiêm ngắm thế giới quan của mình bằng chính sự rung động, bằng trái tim tinh huyết, bằng cả thần trí và ánh sáng của mặt trời.
Trong bài Cuối thu, tác giả như đã thể nhập vào không gian của mùa thu để thế giới bên ngoài và bên trong không còn ranh giới:
Đêm nay hồn lặng làm sao
Cảnh thu ôm cả chiêm bao vào lòng…
Trời lam ứ đặc tình thu
Ô kìa mây bạc nặng lùa về tây!
Lại là một nỗi buồn của mùa thu, trong bài Lòng em, cũng chính là nỗi lòng của tác giả:
Nơi đây: làng cũ buồn thu quạnh!
Anh có khi nào trở lại chưa?
Chỉ hai câu thơ trong bài Tỳ bà, thi sĩ Bích Khê đã vẽ nên một mùa thu man mác buồn, một nỗi buồn của thi nhân, sự trở về của linh ngã trước hư vô hay về với cõi lòng miên man sầu lữ thứ, mà sắc vàng của mùa thu là chìa khóa để đi vào cánh cửa của tâm vô trú.
Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông
Sinh thời, Hàn Mặc Tử đã xem văn thơ Bích Khê như đóa hoa thần dị. Trong lời đề tựa cho tập Tinh huyết, Hàn Mặc Tử đã nhận xét: “Thơ lúc ấy sẽ ham thích hết sức những cái gì thanh cao, như hương thơm nhơn đức của vị á-thánh, hay say mê điên dại cái gì hết sức tội lỗi mà người thế gian chưa từng phạm tới…”. Nhận định trên cũng dành cho thi sĩ Bích Khê, một tín đồ thi ca, một tâm hồn thuần khiết, một người thơ trọn vẹn giữa cõi trần đầy phiền lụy.
Huế, 31/8/2012
Lê Huỳnh Lâm
Theo http://www.vanchuongviet.org/


1 nhận xét:

  Thơ có cần thiết cho đời sống? 10 Tháng Ba, 2023 Trong kỷ nguyên nghe nhìn, thơ đang có khoảng cách với đời sống. Độc giả thèm khát nh...