Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2015

Bên dòng sông Trẹm

Bên dòng sông Trẹm 
Dương Hà, ảnh năm 2000
Tôi – CTHàÐông – đã viết khá nhiều về Dương Hà, một người viết tiểu thuyết “Phơi-ơ-tông” - loại truyện dài đăng từng ngày nơi trang trong những nhật báo Sài Gòn trước năm 1975. Dương Hà thành công với tiểu thuyết Bên Dòng Sông Trẹm, tác phẩm đầu tay của anh, năm 1952.
Tết Mèo 2011, có người bạn tôi về Sài Gòn, khi trở lại Kỳ Hoa đem cho tôi quyển Bên Dòng Sông Trẹm mới tái bản của Dương Hà, và Tuyển Tập Thơ Văn “Sài Gòn ngày ấy bây giờ.” Người làm Tuyển Tập này là Thiên Hà, một ký giả của làng báo Sài Gòn trước năm 1975.
Trong “Sài Gòn ngày ấy bây giờ” tôi đọc được một bài ban biên tập viết về Dương Hà, một truyện ngắn năm xưa của Dương Hà; cuối truyện ngắn ấy có một đoạn tôi - CTHÐ - viết ở Kỳ Hoa về Dương Hà.
Mời quí vị đọc bài:
DƯƠNG HÀ. Nhà Văn viết feuilleton ăn khách. Trích “SÀI GÒN Ngày Ấy Bây Giờ”:
Tên thật Dương Văn Chánh. Sinh ngày 25-2-1934. Nguyên quán Bặc Liêu. Hiện sống ở Sài Gòn.
Học Tiểu học ở quê nhà. Học Trung học tại Sài Gòn, cùng trường, cùng lớp với Dương Ðại Tâm tức Ngọc Linh, và Dương Trọng Hải tức Hoàng Hải Thủy. Ba chàng học trò cùng họ Dương nhưng xa lạ nhau này đều, chẳng ai bảo ai, cùng trở thành ba nhà văn có thế đứng ở miền Nam Việt Nam.
Dương Hà khởi nghiệp cầm bút viết truyện ngắn trên các báo Sài Gòn khi còn là học sinh khoảng 1949-1950.
Từ một correcteur (người sưả bản in), một phóng viên săn tin tòa án, viết tin local, viết phóng sự, viết truyện ngắn cho các báo Mạch Sống, Nhân Loại, Sài Gòn Mới… thành ký giả chuyên nghiệp, thành nhà văn viết tiểu thuyết, làm thư ký tòa soạn, làm chủ bút Nhựt báo Dân, chủ nhiệm Nhựt báo Sống Mới, Tuần báo Ðẹp, đạt đỉnh cao của người cầm bút là cả một quá trình phấn đấu vươn lên.
Tác phẩm đầu tay của Dương Hà là tập truyện ngắn “Bên Song Cửa” được Nhà Long Giang – Sài Gòn, ấn hành năm 1950 khi nhà văn vừa tròn 16 tuổi.
Dương Hà là một trong những nhà văn viết feuilleton ăn khách một thời Sài Gòn ( 1954-1975), cùng thời với Trọng Nguyên, Tùng Long, Bình Nguyên Lộc, An Khê, Ngọc Linh, Thanh Nam, Sĩ Trung, Ngọc Sơn, Phi Long, Nguyễn Ngọc Mẫn…Dương Hà được độc giả mến mộ nên được các chủ báo thời ấy đặc biệt ưu đãi.
Ðến năm 1975, ông đã có trên 50 tác phẩm được xuất bản góp mặt trên văn đàn miền Nam Việt Nam.
Ngưng trích.
Mời quí vị đọc truyệm ngắn của Dương Hà, đăng trong “SÀI GÒN Ngày Ấy..”:
Chuyện tình… ngày xưa
Một loạt pháo nổ dài trong đêm vắng. Chiếc đồng hồ treo trên tường rè rè gõ mười hai tiếng.
Kiều và Luận đồng buột miệng:
– Giao thừa rồi!
Ngoài kia, trời tối như mực. Trong xóm nghèo, đèn điện ngoài đường không chiếu lọt vào, nên Luận nhìn qua cửa sổ chỉ thấy một vòm trời đen mịt điểm vô số những vì sao nhỏ li ti.
Gió đêm hơi lạnh, thổi luồn vào mái nhà tranh trống rỗng, làm Kiều phải kéo cao cổ áo ấm.
Im lặng!
Luận nói xa xôi:
– Giao thừa nào cũng không thiếu pháo, nhưng người ta thì thiếu rất nhiều thứ, nhứt là một kẻ như anh.
Kiều hỏi nhỏ:
– Anh thiếu những gì? Em tưởng anh không còn đòi hỏi gì hơn nữa được. Em có hơn gì anh đâu!
Luận, mắt vẫn nhìn ra cửa sổ, đáp:
– Em đã có một thằng bé trai kháu khỉnh! Thằng bé được bốn tuổi rồi. Em đã chẳng hơn anh nhiều rồi ư?
Kiều cười nhạt:
– Anh muốn ám chỉ là em đã qua một đời chồng, còn anh… Em không cần anh thương hại em đâu! Bao nhiêu năm rồi anh vẫn còn giữ nguyên cái tính khó chịu, ích kỷ ấy!
Luận bật cười khô khan:
– Ích kỷ à? Có lẽ em nói đúng! Anh ích kỷ vì anh chỉ nghĩ riêng đến anh thôi. Còn em, em nghĩ tới chồng, tới con. Nhưng bây giờ, Dũng, chồng em, đã chết rồi… em sẽ nghĩ tới ai đây để khỏi mang tiếng là người ích kỷ?
Kiều giận dỗi:
– Lúc nào anh cũng mỉa mai, ngạo đời! Em không nói chuyện với anh nữa. Anh tưởng chỉ mình anh là có quyền khinh đời, khinh người ? Mà anh đã hiểu đời, biết người  hơn ai chứ?
Luận nhìn sâu vào đôi mắt Kiều:
– Chẳng hiểu sao mỗi lần chúng ta gặp nhau là mỗi lần có cãi vã, có giận hờn. Ngày xưa, cũng thế…
Hai tiếng “ngày xưa” làm Kiều thở dài. Nàng u buồn nói:
– Lúc nào anh cũng khởi đầu câu chuyện bằng hai chữ “ngày xưa”. Em ghét lắm! Ngày xưa là cái quái gì?
Luận chậm rãi đáp:
– Ngày xưa ấy, lúc chúng ta cùng học chung một lớp, anh thích chọc em hờn dỗi để được một dịp cười. Bây giờ cũng thế. Em vẫn đẹp mỗi khi em hờn giận…
Chàng hơi cao giọng:
– Ngày xưa ấy, em lấy chồng vào một ngày Xuân đẹp. Anh chẳng bao giờ quên được lúc anh nhìn cô dâu mới bước lên xe hoa…
Kiều khó chịu cắt ngang:
– Luận à, anh đừng nhắc lại chuyện ngày xưa. Tại sao anh lúc nào cũng nhắc nhở ngày em lấy chồng?
– Theo anh, đời người con gái chỉ có hai ngày đáng ghi nhớ: ngày biết yêu lần đầu tiên và ngày lấy chồng. Và ít có ai được hưởng trọn vẹn diễm phúc của hai ngày đó. Em đã sung sướng với ngày biết yêu và đau khổ với ngày lấy chồng.
Kiều cãi:
– Ai bảo anh ngày em lấy chồng là ngày em đau khổ?
– Thế thì anh đã lầm! Như vậy, em phải thêm một ngày đáng nhớ mãi: đó là ngày chồng chết!
Không nhịn được nữa, Kiều vùng vàng đứng dậy, nhưng Luận nắm tay nàng, giữ lại:
– Ai lại đi giận dỗi ngay ngày đầu năm mới? Giao thừa rồi, chúng ta, mỗi đứa thêm một tuổi, còn nhỏ nhít nữa đâu!
Kiều phụng phịu:
– Anh vẫn cứ khó chịu như ngày xưa!
Luận chợp ngay câu nói của Kiều:
– Ngày xưa? Em lại dẫm theo bước đi của anh rồi. Kìa, em ngồi xuống ghế! Chồng em đã chết mấy năm rồi nhỉ?
Kiều ngồi xuống, đáp:
– Em đã để tang chồng  hai năm. Anh hỏi làm gì? Anh còn muốn làm khổ em bằng cách nào nữa?
Khơi tim ngọn đèn dầu, Luận thở dài:
– Phải chi ngày xưa chúng ta lấy nhau, Kiều nhỉ? Ai cũng biết rõ là chúng ta yêu nhau tha thiết, tại sao chúng ta lại tự làm cho chúng ta đau khổ? Có thể tại định mệnh…
Kiều cướp lời:
– Ðịnh mệnh là cái gì? Người như anh cũng tin có định mệnh? Anh không bao giờ chịu nhận lỗi mình. Sao anh không đủ can đảm tự nhận anh là một anh con trai hèn nhát? Anh không biết tranh đấu cho hạnh phúc của anh, anh yêu em mà anh để Dũng cưới em, rồi anh đổ thừa tại định mệnh.
Luận lắc đầu, chua chát:
– Em không bao giờ hiểu nổi anh! Chúng ta sinh ra dưới hai vì sao khác nhau. Em, con nhà giàu. Còn anh, trái ngược lại. Tranh đấu ư? Có lẽ anh đã tranh đấu từ nhỏ tới lớn, tranh đấu nhiều rồi. Em vẫn tưởng ở trên đời này mọi chuyện đều giản dị như cuộc sống trưởng giả của gia đình em.
Ngừng một lát, Luận tiếp:
– Chồng em, Dũng, có đầy đủ lợi khí để đấu tranh và thành công trong cuộc đời này, còn anh, anh có gì? Làm sao anh có thể ngỏ lời xin cưới em khi anh biết chắc gia đình em không chịu!
Luận thở dài:
– Có những hạnh phúc tưởng như ở ngay tầm tay người ta nhưng không sao nắm được.
Kiều cay đắng:
-Anh lý luận nghe hay lắm! Nhưng đến bây giờ anh vẫn chưa thấy sao? Anh không hỏi cưới em vì anh sợ anh bị từ chối, vì anh tự ái. Chính anh là kẻ làm dang dở đời em!
Luận gượng cười:
– Anh là thủ phạm, hay là em? Chúng ta đổ lỗi lẫn nhau được ích gì?
Chàng ngừng nói, lắng tai nghe một loạt pháo nổ ở xa.
– Nhưng ngày nay, chưa phải là đã muộn lắm. Chúng ta còn trẻ, nếu chúng ta yêu nhau, chúng ta có thể bôi xóa dễ dàng những gì đã qua. Em nghĩ sao?
Kiều không trả lời, mắt nàng rơm rớm lệ. Nàng đã khóc và khóc trong đêm giao thừa!
Luận nắm bàn tay Kiều siết nhẹ:
– Chúng ta mới hai mươi ngoài tuổi, đường đời của chúng ta còn dài trước mặt. Em đã qua một chuyến đò, thì đã sao? Tại sao chúng ta không làm lại cuộc đời? Em vẫn còn nguyên là người yêu của anh ngày xưa.
Chàng đắm đuối nhìn Kiều:
– Em à, chúng ta đã đau khổ nhiều rồi, bây giờ chúng ta có quyền hưởng hạnh phúc. Em đang nghĩ gì đó, hở Kiều?
Kiều rưng rưng nước mắt:
– Em đang nghĩ những gì đã đổ vỡ …có nên xây dựng lại hay không?
– Tại sao lại không? Những kẻ đã sống trong đổ vỡ, mới hiểu giá trị của chân hạnh phúc. Xã hội đang cần nhiều xây dựng,  gia đình cũng thế. Trước thềm năm mới, ai nỡ giết chết lòng mình. Chúng ta sẽ hưởng một mùa Xuân đẹp đẽ nhứt của cuộc đời chúng ta. Anh tin tưởng chúng ta chẳng còn bao giờ nhắc lại hai tiếng “ngày xưa”.
Luận miên man nói, nói ra những gì chất chứa trong lòng chàng từ bấy lâu nay.
Kiều ngồi nghe, bồi hồi xúc động. Thuở mới yêu nhau, Luận cũng có lần nói với nàng như thế, nhưng cả hai đều không được diễm phúc đi chung một chuyến đò. Kiều đinh ninh nàng sẽ là vợ Luận. Trớ trêu thay, Kiều lại lấy Dũng, một người chồng do cha mẹ nàng chọn lựa. Kiều lấy chồng năm 18 tuổi, năm 19 tuổi nàng sanh đứa con trai đầu lòng và năm 20 tuổi chồng nàng chết vì bệnh tim. Hai năm để tang chồng, quả là một cơn ác mộng.
Luận chân thành nói:
– Anh nghèo và không có tài như Dũng, nhưng anh tin anh cũng có thể làm được người chồng tốt.
Kiều ấp úng:
– Còn… con… em…
Hiểu ý nàng, Luận cương quyết:
– Con em còn nhỏ, nó cần một người cha hiền, anh sẽ là cha của nó! Em nghĩ sao!
Kiều không trả lời, nàng sung sướng ngã đầu lên vai Luận.
Luận mỉm cười tin tưởng:
– Ngày mai, chúng ta sẽ mừng Xuân, một mùa Xuân tươi đẹp, tưng bừng, em nhé! Chúng ta là hai kẻ hạnh phúc nhứt trong cái Tết này!
Ngoài kia, pháo giao thừa vẫn nổ ròn. Năm mới bắt đầu…
Hết Truyện Ngắn “Chuyện Tình…Ngày Xưa.”
Ðây là bài đăng tiếp “Chuyện Tình..Ngày Xưa.”
Người viết: Hoàng Hải Thủy
Kim Lệ, Nữ độc giả Bên Dòng Sông Trẹm. Ảnh năm 1953.
Tôi từ Hà Nội vào Sài Gòn năm 1951. Năm ấy 18 tuổi, tôi đến học ở Trường Tư Thục Tân Thanh. Trường mới mở, Hiệu Trưởng là Kỹ sư Phan Út, giáo sư chính là hai thầy Phan Thụy, Phan Ngô. Trường sở là một nhà tư nằm trong một góc khuất trên đường Lacoste, sau năm 1956 đường Lacoste là đường Phạm Hồng Thái, Sài Gòn. Tại đây tôi gặp Dương Hà, một trong những người viết tiểu thuyết phơi-ơ-tông nổi tiếng của làng báo Sài Gòn. Dương Hà tên thật là Dương Văn Chánh, người miền Nam, quê Bặïc Liêu, anh suýt soát tuổi tôi. Năm ấy Dương Hà và tôi học chung một lớp ở Trường Tân Thanh. Hai chúng tôi không thân nhau nhưng chúng tôi cũng biết nhau có mộng viết tiểu thuyết.
Chưa hết năm 1951 Dương Hà và tôi đã bỏ học. Năm 1952 Dương Hà nổi tiếng với tiểu thuyết phơi-ơ-tông “Bên Dòng Sông Trẹm”, truyện đăng trên nhật báo Sài Gòn Mới, rất “ăn khách”, tức có nhiều người đọc, nên truyện được xuất bản thành sách ngay sau khi đăng hết trên báo.
… Ðộc giả tiểu thuyết “phơi-ơ-tông” những năm xưa ở Sài Gòn phần đông là phụ nữ. Những thập niên 1950, 1960, trong xã hội thành thị miền Nam một người đi làm, thường là người đàn ông chủ gia đình, kiếm được tiền đủ nuôi vợ con. Người vợ trong những gia đình ở các thành phố, thị xã thường không phải đi làm. Ngoài việc mỗi ngày đi chợ, thường là ra khỏi nhà vài bước đã có cái chợ nhỏ gọi là chợ đầu xóm, chợ chồm hổm nhưng  bán đủ thứ để nấu bữa ăn thường ngày: thịt, cá, trứng, rau đậu. Ngoài việc nấu ăn, trông con, những phụ nữ ấy có nhiều thì giờ nhàn rỗi, họ đọc tiểu thuyết đăng từng ngày trong các nhật báo.
Họ là lớp độc giả chính, trung thành của tiểu thuyết phơi-ơ-tông, và họ rất chịu bỏ tiền mua báo. Báo nào có tiểu thuyết được họ đọc là báo đó bán chạy. Và họ thích đọc những truyện tình ái mùi mẫn, éo le trong đó nhân vật chính là những thiếu nữ xinh đẹp, hiền hậu, con nhà nghèo - nghèo mà vẫn giữ được trong sạch - bị rơi vào những cảnh ngộ oan trái nhưng sau cùng vượt thắng được nghịch cảnh, gặp tình yêu. Hoặc nhân vật chính là một thiếu nữ con nhà giàu sang yêu một chàng trai nghèo nhưng lương thiện. Gia đình nàng không bằng lòng cho nàng làm vợ chàng nhưng…. Họ thích những mối tình trong đó hai người yêu nhau bị chia cách bởi giàu nghèo, sang trọng và bình dân, điều quan trọng nhất là sau cùng Tình Yêu phải thắng, đôi tình nhân sau trăm cay, nghìn đắng, sẽ thành vợ, thành chồng, sống hạnh phúc bên nhau mãi mãi…
“Bên Dòng Sông Trẹm” là tác phẩm tiểu thuyết xuất sắc nhất của Dương Hà. Năm 1995 “Bên Dòng Sông Trẹm” được tái bản ở Sài Gòn, năm 2000 “Bên Dòng Sông Trẹm” được làm thành phim. Truyện đăng nhật báo năm 1951, 1952, được xuất bản thành sách năm 1952, được tái bản ở Sài Gòn năm 1995 và làm thành phim. Như vậy là 50 năm sau ngày ra đời, Bên Dòng Sông Trẹm “sống lại.” Tôi – CTHÐ – không thấy có tác phẩm tiểu thuyết “Phơi-ơ-tông” nào của làng báo Sài Gòn sau năm 1950 có thành tích hồi sinh – và sống lâu – như Bên Dòng Sông Trẹm.
Từ năm 1952 Dương Hà chuyên viết tiểu thuyết để sống, anh không làm phóng viên, tức anh không làm ký giả nhà báo, anh không làm việc ở tòa soạn, anh chỉ viết tiểu thuyết đăng báo, anh viết tiểu thuyết cho Nhật báo Sài Gòn Mới và sau khi Sài Gòn Mới bị đóng cửa, anh viết cho nhiều báo khác, đều đều cho đến năm 1975. H.H.T
CTHàÐông Viết ở Rừng Phong, Xứ Tình Nhân, Kỳ Hoa Ðất Trích Ngày 20 Tháng Ba 2011.
DƯƠNG HÀ, tác giả Bên Dòng Sông Trẹm, 25 tuổi năm 1955.
“Chuyện Tình.. Ngày Xưa” của Dương Hà là một truyện Xuân. Nếu tôi có truyện này trước Tết Mèo, tôi đã đăng truyện như một Truyện Xuân, tất nhiên là truyện của tác giả Dướng Hà, với lời bình loạn “ ăn theo” của tôi, trên những báo Xuân Việt ngữ ở hải ngoại.
Ðọc truyện, tôi ngạc nhiên thấy truyện viết quá khéo. Toàn là đối thoại. Như một vở Kịch Vô Tuyến Truyền Thanh, hay như loại Kịch One Act Play -.Kịch một Hồi, một Cảnh – của TiVi Mỹ. Dương Hà viết truyện ngắn đó những năm anh mới 20 tuổi. Với một người viết Việt Nam 20 tuổi, không giỏi ngoại ngữ, không từng đọc nhiều Kịch Radio-TiVi Âu Mỹ, mà viết được như Dương Hà, phải nói là tay nghề rất vững, kỹ thuật khá cao.
Ðọc “Chuyện Tình..” tôi thấy lại cảnh những xóm gọi là xóm lao động ở Sài Gòn những năm 1950 không có đèn điện, phải thắp đèn dầu hôi. Và “Chuyện Tình..” là một truyện điển hình của loại Tiểu thuyết mà phụ nữ thích đọc: đôi người yêu nhau, không lấy được nhau, nàng có chồng, chàng vì yêu nàng nên sống đời “xê-li-bạt”: không lấy vợ. Rồi chồng nàng chết. Trong Ðêm Giao Thừa, chàng đến nhà nàng. Kịch chỉ có hai nhân vật. Người phụ nữ Việt nào đoc “Chuyện Tình..” mà tưởng tượng nếu mình là nữ nhân vật Kiều thì mình sẽ sung sướng chừng bao nếu mình có người yêu như chàng Luận trong truyện.
Từ lâu dzồi tôi théc méc về chuyện ở Sài Gòn, từ năm 1950.. có người thiếu nữ nào vì yêu một tác phẩm tiểu thuyết mà yêu luôn tác giả, Tình Yêu của người nữ độc giả ấy nồng nhiệt, sâu đậm, bền vững đến cái độ là nữ sinh, nàng tìm gặp tác giả, yêu chàng và tự nguyện dâng hiến, làm vợ chàng suốt đời?? Có Cuộc Tình Văn sĩ-Nữ độc giả nào như thế không? Có người viết tiểu thuyết nào được nữ độc giả đọc tiểu thuyết của mình, mê tiểu thuyết của mình rồi yêu mê luôn mình?
Tôi chỉ thấy có một Cuộc Tình như thế. Ðó là Cuộc Tình Dương Hà – Kim Lệ.
Kim Lệ là cô con một gia đình giầu sang ở Mỹ Tho, nàng có nhiều ông bác, ông chú, ông cậu là bác sĩ, kỹ sư. Khi nàng là nữ sinh Trung học, năm nàng 16, 17 tuổi, nàng đọc tiểu thuyết Bên Dòng Sông Trẹm, nàng mê truyện, nàng tìm gặp tác giả Dương Hà, nàng yêu chàng, nàng muốn làm vợ chàng.
Nữ độc giả – loại được nhà báo gọi là “Nữ độc giả thân mến của bổn báo..”, được bốc là “Nữ độc giả thơm như múi mít” vì mê tiểu thuyết mà viết thư cho tác giả, mà tìm gặp tác giả thì ở Sài Gòn ngày xưa có khá nhiều. Nhưng.. chỉ ái tình hàm thụ thư qua, thư lại một thời gian, nhiều lắm là hẹn hò một vài lần gặp mặt rồi thôi. Gần như sau khi được gặp tác giả, các nàng – những nữ độc giả đa tình, yêu văn nghệ – vỡ mộng vì con người của tác giả ẹ quá, bết quá. Còn vài ông tác giả có bộ mã hào huê phong nhã thì đã vợ con đùm đề. Nhưng Kim Lệ, nữ độc giả thơm như múi mít của Dương Hà thì đi với người viết tiểu thuyết nàng yêu đến những nơi văn huê là cuối bãi, đầu ghềnh, sơn cùng, thủy tận, nôm na là đi đến nhà hộ sinh. Yêu tiểu thuyết của chàng, nàng trở thành vợ chàng.
Dương Hà người nhỏ con – tiếng Nam là “ốm” – cà tong, cà teo, còm ròm, cả áo quần, giầy vớ chàng cân năng 35 ký-lô, ngực chàng là ngực “Oméga du luxe,” tức lép kẹp, bàn tay chàng nhỏ như cái cẳng gà, mềm oặt. Mỗi lần bắt tay Dương Hà, tôi có cảm giác nếu tôi xiết mạnh là cả bàn tay anh gẫy rời ra từng ngón.
Tôi nghe nói khi Kim Lệ đưa Dương Hà về nhà ra mắt song thân nàng, ông cậu nàng hỏi nàng:
– Sài Gòn hết thanh niên rồi hay sao mà mày lại đòi làm vợ cái thằng ho lao ấy?
Tiểu thuyết BÊN DÒNG SÔNG TRẸM
ấn bản tái bản ở Sài Gòn năm 1998.
Những năm 1960 tôi gặp Dương Hà gần như mỗi ngày ở toà soạn báo Sài gòn mới Vợ chồng Dương Hà-Kim Lệ mướn tháng một phòng trên tầng lầu toà nhà đầu đường Hàm Nghi, gần ngay tòa soạn. Khi đi đưa bài, Dương Hà chỉ cần đi 100 bước là đến tòa báo, anh không cần phải có xe máy, hay xe Honda. Những năm 1965, 1966, tôi không nhớ thời ông Nguyễn Khánh hay ông Nguyễn Cao Kỳ làm Thủ Tướng, có ông Nhà văn Dương Hà và ông Ký giả Phan Nghị được làm Chủ nhiệm Nhật báo. Toà soạn hai báo cùng ở hai nhà in cạnh nhau đường Phạm Ngũ Lão. Báo của hai ông ra chừng 6 tháng thì cùng chết. Những tháng ấy đời tôi đang ở trong chu kỳ “Série Noire” – nôm na là đời tôi đang xuống dzốc không phanh – tôi không một lần có dịp đến toà báo của hai ông.
Những năm xưa tôi có thể hỏi Dương Hà:
– Nghe nói khi Kim Lệ đưa mày về nhà giới thiệu, có người trong gia đình Kim Lệ hỏi Kim Lệ: “Sài Gòn hết đàn ông rồi hay sao mà mày đòi làm vợ cái thằng ho lao ấy?” Chuyện đó có không?
Tôi hỏi dễ thôi. Nhưng tôi đã không hỏi.
Tôi còn một số chuyện để kể về Cuộc Tình Kim Lệ-Dương Hà và về tiểu thuyết Bên Dòng Sông Trẹm. Xin quí vị đọc bài tuần tới. Viết ở Rừng Phong tuần tới còn có lời bàn loạn của tôi  về Tuyển Tập “Sài Gòn ngày ấy bây giờ” của Thiên Hà.
Hoàng Hải Thủy
Theo http://thatsonchaudoc.com


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXVăn học miền Nam: Tổng quan 3

Văn học miền Nam: Tổng quan 3 Phần 15 Văn học Từ giai đoạn trước sang giai đoạn sau 1963 người ta có thể ghi nhận nhiều chuyển biến quan...