Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2015

Thượng Hồng, một thế giới hư thực hồn hoang

Thượng Hồng, một thế giới hư thực hồn hoang
Nhà văn Thượng Hồng
Phiêu bạt trong một thế giới hoang tưởng, đậm nét huyền hoặc thực hư khác biệt đời thường, tức là đi vào một cõi du hành tràn đầy ảo mộng. Cảnh vật thoạt biến thoạt hiện, phù ảo như sương như khói, vượt thoát ra ngoài ảnh hưởng vật lý của khoa học thực nghiệm, đã bám chặt đời người suốt lộ trình hóa sinh hữu hạn. Cảnh giới (cõi Đông Thắng Thần Châu, Tây Ngưu Hóa Châu, Bắc Cu Lô Châu và Nam Thiệm Bộ Châu) phân chia của cổ sử tôn giáo, thì Nam Thiệm Bộ Châu là cõi Trời và Đất của hiện tại. Vạn vật và người đang oằn lưng gánh bao nỗi truân chuyên của kiếp hóa sinh. Trên lộ trình sinh diệt của thế giới con người, có nhiều đẳng cấp của cuộc sống tâm linh và trí tuệ, đưa đẩy sự hoàn thiện của những trùng kiếp, nhân quả luân hồi, tạo lập thiện căn hay ác nghiệp. Chính vậy, rèn luyện bản ngã bước qua vòng sinh tử lục đạo, thì vạn vật phải hòa mình trong mọi tư thế chánh giác của lẽ đạo, lẽ đời và lẽ người. Bao nhiêu tôn giáo từ cổ đại đến hiện tại, là những bước đường tu tĩnh mà vật thể phải bước qua. Mỗi lúc một hoàn chỉnh sai phạm, như điều chỉnh ốc vít cho một công trình cỗ máy khoa học. Ở thế giới loài người, văn thể mỹ là bản chất giúp tinh thần tinh tấn, để sắp xếp cho bước đi vạn vật đồng nhất thể. Thế gian nhiều ngõ ngách, biến thể của vạn vật cũng nhiều hình dáng phù hợp với môi trường sinh hóa, dù là tâm linh hay vật chất thường hằng…Văn chương là một loại hình riêng biệt trong hằng ngàn loại hình, để chỉnh chan cho hướng đi tạo vật hợp thể với bản ngã…đậm đà tính Folklore trong quá trình hoàn thiện sự sống. Hàng ngàn năm qua, những triết thuyết, khoa học, văn chương, xã hội…đều hướng dẫn trực tiếp (hay gián tiếp) siêu hình, đầy quyền năng lập hạnh phúc hay khổ đau. Thuyết thần đạo, bén sâu vào gốc rễ tâm hồn  người dân Việt Nam. Tin tưởng, nghe theo, làm theo, liều mình tử sinh, bảo vệ đức tin, là chuyện không thể bàn luận chối cãi. Sự thật, họ đã được ấm cúng với lòng tin mà thần thánh ban phát. Tục lệ thờ cúng đình làng, thần hoàng bổn cảnh, miếu hoang ven đường, là một nền văn hóa đặc trưng của bản Việt, không có một quốc gia nào trên thế gian này đa sắc đa diện như đất nước và lòng người nước ta. Văn hóa 5000 – 8000 năm, như Trung Quốc, Hy Lạp, Ấn Độ, Ba Tư… có được bao nhiêu chuyện thần thoại làm giàu chất văn học đầy nhân bản?
Thật ra, mỗi tình tiết của những thế giới siêu hình, có thể đầy những cõi riêng biệt (thế giới thần tiên, thế giới ma trơi,  thế giới phù thủy, thế giới súc sinh ngạ quỷ, thế giới côn trùng thảo hoa…). Tất cả dù hiển hoa hay lõa tử cũng phải nhập thân vào bản thể vi diệu của thế giới nghiệp kiếp của mình, không thể vượt thoát, không thể hóa hiện, nếu không hoàn chỉnh cơ duyên. Các nhà văn viễn tưởng thường dựng cốt truyện cho thông thấu cho các cõi đi – về như khai sinh một đường kỳ ngộ giữa các thế giới thực hư, chỉ chờ dịp bước ngang qua là lọt vào địa phận tồn sinh khác biệt…
Khi tôi đọc Người Khăn Trắng cách đây hơn 40 năm, tâm trí của người đọc trẻ còn mang nặng cuộc sống khoa học đầy kỳ vọng, tôi vẫn có cái nhìn say mê với công trình của nhà văn Thượng Hồng. Trong giai đoạn Người Khăn Trắng xuất bản thật sung mãn, góp mặt đa dạng thể loại liêu trai. Sự đón chào nồng hậu của độc giả, trong thời buổi xem như tiếp nối các Bách Si Ma, Con Tàu Máu, Đau Đớn Phận Nghèo, Hiệp Liệt…còn ấm áp một phương cách văn chương bình dân, với rạch ròi luân hồi, thiện ác…Tác phẩm của Người Khăn Trắng là một cứu cánh mang đầy tính nhân văn.
Liêu Trai Chí Dị của Bồ Tùng Linh là một thể hiện  văn phong cho một thế giới  người và khác người, hầu như chiếm lĩnh tâm hồn chân chính và đầy lẽ phải của người phương Đông. Ở văn học Việt Nam thời trước cũng có nhiều loại sách trích quái như vậy, đánh dấu một sự công nhận tương đồng, ngoài thế giới loài người, vạn vật hữu tình hay vô tình, vẫn có một bản thể riêng biệt, và đồng hóa với sự tự do, lẽ phải, và sự sống được tôn trọng. Đó cũng là một câu trả lời cho đạo, cho đời và cho bá quyền phong kiến. Văn học ta, ngoài Truyền Kỳ Mạn Lục của Nguyễn Dữ ở thế kỷ thứ XVI, có thể kể thêm Nam Hải Dị Nhân, Việt Điện U Linh, Lĩnh Nam Chích Quái. Riêng Cổ Học Tinh Hoa , là bài học nặng chất nho giáo với Liệt Tử, Mặc Tử, Lưu Tử, Mạnh Tử,  Trang Tử, Trương Đông Sơ, Án Tử, gồm Tả Truyện, Dục Hải Từ Hàng, Ngụy Thư Từ Tuân Minh Truyện, Thế Thuyết, Cao Sĩ Truyện, Lã Thị Xuân Thu…thì 4 tác phẩm kể trên mang nặng tính chất Folklore. Nam Hải Dị Nhân ngoài các chương về các bậc Anh Kiệt, Danh Thần, Danh Hiền, Văn Tài, Mãnh Tướng, bậc Danh Tiếng, thì có chương về các vị Thần Linh, và Tiên Tánh… Truyền Kỳ Mạn Lục và Việt Điện U Linh nghiêng hẳn về thế giới siêu hình, mà Truyền Kỳ Mạn Lục của Nguyễn Dữ trong 20 truyện (trừ truyện 12 và 14) thì cốt truyện xoay quanh quỷ thần, ma quái, vạch trần những xấu xa của xã hội phong kiến, công kích tính dị đoan, bài bác quỷ thần trong một xã hội suy hoại, kỷ cương đổ nát. Ví dụ, truyền Đền Hạng Vương, mượn giáo lý của Phật và Đạo lý giải quan niệm luân hồi, báo ứng và nghiệp chướng.
Thông thường, cái gì khác hẳn môi trường đang sống, thì đó có cái nhìn tò mò và được quy nạp một cách hiếu kỳ. Trong thập kỷ gần đây, Harry Potter, với thế giới phù thủy đã chứng minh sự dung nạp một nền văn học sáng hóa thông thái đầy tình người, làm giàu thêm tri thức và lập trình cho cách tân thế giới.
Xuyên suốt hơn vài trăm bộ sách Tân Liêu Trai Chí Dị của nhà văn nhà văn hóa Thượng Hồng, chuyện người và ma vẫn không bao giờ cũ, mọi tình tiết nhân quả gắn chặt trên văn phong nhà văn. Sức sáng tạo kinh hồn, của một cây viết đầy nghị lực và sáng hóa cho dòng văn học riêng mình, độc nhất vô nhị tại Việt Nam, đã giúp ông xuất bản hàng trăm bộ tiểu thuyết liêu trai, mang đầy nét nhân văn, cực kỳ tài hoa. Mang nặng một lý triết đạo đức dù ở thế giới nào, cũng nằm trong cảnh biến luân hồi, nhân quả. Cái tinh túy của tác phẩm liêu trai của nhà văn Thượng Hồng, đi hẳn vào niềm cảm thông với khổ đau muôn loài. Sự băng hoại của cuộc sống, đạo đức và con người là gieo nhiều hệ quả nghiệp chướng, làm hóa đá những hồn ma vất vưởng ở một cõi không âm không dương, phiêu linh, đày ải suốt lộ trình không sống không chết, vì những oan án hoặc bạo lực thủ đoạn xảo trá bất nhân làm nghẹn dòng sinh tử. Hồn oan không bước được trên nẻo đi – về, vất vưởng cùng cực ở cõi vô sinh vô tử, trôi nổi thảm khốc trong nỗi đau nghiệp số.
Hầu như, mỗi truyện của Thượng Hồng Người Khăn Trắng, đều trình bày khúc chiết một hoàn cảnh không trùng lắp nhau, và tư tưởng có hậu của nhà văn nhà văn hóa phương Đông này là một kết cục, làm sáng rực được một chân lý công bằng như ông quan niệm: “Quan điểm nhất quán của tôi từ khởi đầu đến giờ vẫn như một: Dùng chuyện Ma, qua thế giới cõi âm để nói chuyện trần thế. Tôi luôn đứng về phía những người nghèo thấp cổ bé miệng, những con người bị ức hiếp bởi cường hào ác bá, giai cấp bóc lột khi còn sống mà không có điều kiện để phản kháng, khi chết thành Ma để báo oán, đòi công bằng. Điều này, tôi cho là đặc trưng của dòng văn học dân gian Việt Nam”.
Suốt một đời người, ông để hết tâm trí vào con đường được chọn sẵn cho khuynh hướng sáng tác của mình. Bước đi của một người trí không có một giây phút ngập ngừng, và bằng tài hoa sâu sắc càng lúc tác phẩm ra đời đều được nhen nhúm bằng lửa trái tim. Con người mà tâm thức đầy thiện căn, hướng về một xã hội bình yên, công bằng và hạnh phúc dù đó là loài thấp sinh hay quỷ thần, cũng phải quy tông trong hóa hiện chung của vũ trụ.
Thiện ác đáo đầu chung hữu báo,  mà ông thường soi rọi trong từng tác phẩm liêu trai của ông, đều mang nặng một tính chất phù trợ cho tư tưởng  quả báo nhãn tiền,  mà từng lớp người thấp cổ bé miệng thường bị áp bức, đến cái chết cũng không được thăng hoa. Tôi không nghĩ như sự khiêm tốn của nhà văn nhà văn hóa Thượng Hồng là ghi lạinhững câu chuyện huyền bí để bạn đọc thưởng lãm. Mà đây là một dòng văn học đã được thừa nhận, qua bao nhiêu danh tác Ma của thế giới như Dracula ghê rợn của châu Âu, huyễn hoặc ảo diệu của Liêu Trai Chí Dị Trung Quốc, Trùm Hắc Ám Voldermort của Harry Potter… nhưng những oan hồn trong tác phẩm của Thượng Hồng đều có vẻ đẹp củabản chất người, ân oán phân minh. Dàn trải hơn mấy trăm tác phẩm, là mấy trăm cốt truyện đầy nhân bản, có tính sáng tạo và không trùng lắp một cốt truyện nào với cốt truyện nào. Tình tiết khơi dựng một cách linh hoạt, lôgic, đầy vẻ khoa học tính, đấu tranh giữa thiện và ác là chủ đề lập dựng, thôi thúc không ngừng nghỉ trong hiện thực và sương khói mơ hồ của cõi đối diện. Ý nghĩa nhân văn dàn trải trong một tư chất văn phong mạch lạc, khiến ông có một thành tựu vĩ đại hơn với công trình đồ sộ này. Dù rằng, khi trò chuyện, Thượng Hồng vẫn khiêm tốn chỉ là người góp nhặt, ghi chép lại các câu chuyện liêu trai khắp vùng đất nước. Ông không xem mình là một nhà văn, mà chỉ gắn liền những sự thu nhận ở khắp miền, vì vậy, văn phong đa dạng gắn chặt vào tiếng nói của từng địa phương vừa mới bước qua.
Thật ra, ngoài hàng trăm bộ truyện Ma, tác giả Thượng Hồng cũng góp mặt khá nhiều tác phẩm khác cho nền văn hóa văn học Việt Nam. Nên khi Inner Sanctum, của VietNam News đặt câu hỏi: “Một tác phẩm văn học được coi là đứa con tinh thần của người viết bởi vì nó phản ảnh một phần tác giả. Làm thế nào cho câu chuyện của ông phản ánh tính cách và cuộc sống của ông? Nhà văn Thượng Hồng bày tỏ: “Truyện ma của tôi phản chiếu những cái nhìn của tôi về cuộc sống và tình yêu.
Tôi vừa mới phát hành bộ sách, Một Phút Làm Thay Đổi Đời Người.  Tôi chia sẻ với độc giả những câu chuyện thật mà tôi có kinh nghiệm bản thân mình.
Cuốn sách bao gồm những câu chuyện có ý nghĩa  và chuyển động  cuộc sống có thể thay đổi chỉ trong một phút,  và nếu bạn bỏ lỡ những phút đó bạn có thể phải hối tiếc. Cuốn sách đề cập đến mối quan hệ xã hội và mang đến cho người đọc những bài học đạo đức, nhưng rất khó khăn cho hạt giống tâm hồn (*). Tôi kể chuyện của người Việt nam”.
Chủ nghĩa nhân đạo được đề cập trong những sách hoàn toàn thuộc về văn hóa Việt Nam.
Tiểu sử văn học: Thượng Hồng – Người Khăn Trắng
Tên thật: Huỳnh Thượng Đẳng
Năm và nơi sinh: 1938 tại Thoại Sơn, An Giang
Các bút hiệu khác: Hoàng Phương Hùng – Thượng Hồng – Hoàng Huynh – Thượng Vũ.
Thường trú: Sống và làm việc tại Saigon từ 1954 đến nay.
Cuối năm 1954, từ quê hương lên thẳng Saigon, năm 1961 rời trường học và bắt đầu nghề làm báo, viết văn. Qua nhiều năm với nghề phóng viên các hảng tin, nhật báo. viết feuilleton (tiểu thuyết dài kỳ trên báo) trên các báo. Năm 1966 cho ra đời tác phẩm đầu tiên thể loại truyện ma tựa đề Oan Hồn Cô Út Liễu và hàng trăm truyện tiếp theo.
Từ l975 ngưng viết, cho đến đầu năm 1989 mới bắt đầu viết lại cho các tạp chí Mỹ Thuật Thời Nay, Thế Giới Mới…
Từ 2003 hợp tác với Nhà sách Thiên Vương cho tái xuất hiện dòng truyện ma với bút hiệu Người Khăn Trắng như trước.
Từ đó cho đến nay, liên tục cho ra đời hàng trăm tác phẩm “chuyện không kể lúc nửa đêm” và chỉ duy nhất một thể loại này, một bút danh Người Khăn Trắng, chỉ một nơi phát hành là Công ty Văn hoá Thiên Vương, không có nơi thứ hai.
Cho đến nay đã có vài trăm tác phẩm thuộc thể loại truyên ma có mặt trên thị trường và được đông đảo bạn đọc ủng hộ. Tuy thể loại gọi là truyện ma thuộc dòng văn học dân gian, bình dân, dễ đọc, nhưng nội dung không chạy theo thị hiếu cẩu thả. Người viết luôn trung thành với quan điểm để cao tính nhân văn, cổ suý phong cách sống hướng thiện, sống bằng lương tâm trong sáng, đạo đức, nhân bản, “làm ác gặp ác, ở hiền gặp lành”.
Những tác phẩm cũng gọi là “truyện ma” nhưng viết cẩu thả, dâm ô, rùng rợn quá lố là không phải của Người Khăn Trắng.
 Ngô Nguyên Nghiễm
Viết tại Thư trang Quang Hạnh
Tháng 5/2011
Theo http://sangtao.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...