Chóe, nhà hí họa bút sắt số một Việt Nam
Nguyễn Hải Chí
CHÓE
(1944-2003)
Chân dung hoạ sĩ Chóe
(Qua ống kính Đào Hoa Nữ)
Tiểu sử văn học: CHOÉ
Tên thật: Nguyễn Hải Chí
Sinh ngày 11-11-1944
Nguyên quán tại An Giang.
Mất ngày 12-3-2003 tại Hoa Kỳ trong khi anh đang chữa bệnh
hiểm nghèo. Di quan an táng tại đất Thánh Mẫu (Định Quán, Đồng Nai) ngày
24-3-2003
Gia đình anh hiện thường trú tại 5 Quang Trung , P11, Gò Vấp,
TP. Hồ Chí Minh
Hoạt động hội hoạ và báo chí từ năm 1965
Có tranh đăng và được giới thiệu trên các báo: Lao Động, Tuổi
Trẻ, Kiến Thức Ngày Nay, Sai Gon Times Group, Văn Nghệ Tp Hồ Chí Minh, Sóng
Nhạc, Phụ Nữ Tp Hồ Chí Minh, Thanh Niên, Tiền Phong, Quân Đội ND/TB, Công An
ND, An Ninh TĐ, Thể Thao Tp HCM, Điện ảnh TP. HCM, Bà Rịa Vũng Tàu, Khoa Học
Và Phát Triển, TN Thời Đại, Văn Hoá, Sài Gòn Giải Phóng/TB, Thế Giới Mới, Tài
Hoa Trẻ, VDT, Đại Đoàn Kết, VN Investment Review, Time, New York Times,
Chicago Daily News, Kourrier International, Register, Asahi Shinbun, L’
Hebdo, Sapio, The Simotuke-Shinbun, Jyoumou, Kitanihon, Cyuugoku,
Mizasaki-Nitiniti, Niigata-Nippou, Ryuukyuu-Sinpou, Okinawa-Times, Hoa Nam Nhật
Báo, Hãng Kyodo, Đài BBC, VOA…
Sách đã xuất bản:
· 1973: The World Of Choé-Hoa Kỳ
· 1992: Choé Và Kỳ Lâm (Lai Rai Vẽ… Viết…, NXB TP. Hồ Chí
Minh)
Triển lãm và những bộ sưu tập:
· 1992: triển lãm Nhân Vật Của Choé 35 tranh sơn dầu 70x90
cm
(Bộ sưu tập của ông Nguyễn Đăng Quang-Cty Lam Sơn)
· 1993: Những Tổng Thống Mỹ 41 tranh sơn dầu 110x140 cm
(Bộ sưu tập của Nancy Phạm- Hoa Kỳ)
· 1995: triển lãm Hí Hoạ Châu Á tại Tokyo, gồm 10 nước châu
Á và nước chủ nhà Nhật Bản- mỗi nứơc một hoạ sĩ.
· 1995: Những Nhân Vật Việt Nam 57 tranh sơn dầu 50x65 cm
(Bộ sưu tập của Hàn Đức Minh –Tp Hồ Chí Minh)
· 1996: triển lãm Quảng Nam Đà Nẵng Qua Mắt Choé 29 tranh
màu nước 40x60 cm-ký hoạ tại chỗ
· Tiếp theo, hai cuộc triển lãm đặc biệt gồm hai bộ tranh:
1. Những Phụ Nữ Đoạt Giải Nobel 27 tranh sơn dầu 70 x 85 cm
2. Hoạ Thơ Hồ Xuân Hương 40 tranh sơn dầu 77x77 cm
Trên tờ báo Chicago Daily 1973, Larry Green viết về Chóe:
The Vietnam’s Most Potent Pen, khi nhà xuất bản Glade Publications tự gom góp
khoảng 200 tác phẩm hí họa của Chóe đăng rải rác tại Sài Gòn, in lại tại Mỹ
cuốn The World Of Choe (VietNam’s Numberone Editiorial Cartoonist) và giới
thiệu rộng rãi trên thế giới. Chiến tranh Việt Nam đã đến hồi bi thống, đã
khiến anh em văn nghệ sĩ có nhiều chính kiến cật lực bày tỏ tư hướng của bản
thân với hậu quả diệt vong của dân tộc. Chóe cũng vậy, là một nghệ sĩ đa mang
trong hồn nhiều sự sáng hóa và tình cảm sâu rộng, nên trước tai họa cùng cực
đang đổ dập xuống quê hương, thái độ của một người làm văn nghệ được bộc phát
bằng tài hoa sẵn có của mình. Giống như các bằng hữu văn nghệ ở khắp các tỉnh
thành miền Nam, thơ văn hay âm nhạc… là vũ khí của thất phu hữu trách trước
mọi hoàn cảnh bi thương của đất nước. Nguyễn Hải Chí (Chóe), từ làng quê bên
góc nhỏ khu giáo phận Núi Sam (Đầu Bờ), ven sườn Bạch Vân Hộc Lãnh Sơn Châu Đốc,
bước vội lên Sài Gòn năm 1965. Chuyện hòa nhập vào nỗi sống trước
một Sài thành hoa lệ, đã là một can đảm thật bi hùng của một chàng trai 21 tuổi.
Tôi hiểu cái nhìn dịu vợi của chàng trai làng khi đặt chân hòa đồng vào nếp sống
mới, năm 1964 tôi cũng như Chóe bước vào một xã hội phồn hoa đang đầy rẫy xáo
trộn và tiếng bom đạn thường xuyên âm vọng về thành phố. Vừa bước chân lên
Sài Gòn, Chóe đã đoạt được một giải thưởng truyện ngắn, mà đến nay bản thảo của
bài văn này hình như đã không còn lưu lại. Hôm chị Kim Loan (Chóe phu nhân),
hỏi tôi có lưu trữ được không? Tôi thành thật tiếc rẻ những gì kỷ niệm đặc sắc
như truyện ngắn này của Chóe bị thất lạc, nhưng bù lại bản thảo truyện ngắn
Tu Hú mà Chóe giao tôi năm 1969, may mắn vẫn còn. Lúc này Chóe vẫn còn ký tên
thật Nguyễn Hải Chí, kể cả những phụ bản hội họa mà Khai Phá được giới thiệu
trên tạp chí trong giai đoạn 1970 - 1972. Tôi với Chóe là đồng hương cùng một
lứa tuổi, nên sự quý trọng và gần gũi thân nhau như một chuyện tình cảm quê
xa. Trên bước đường lập thân, tất cả anh em từ đồng nội cất cánh bay về
phồn hoa đô thị, tìm một trang trải cho công danh sự nghiệp lâu dài, thì hầu
hết đều ngưỡng mắt trông chờ những hội tụ vinh quang. Trước mặt, là những nối
kết bằng hữu cùng quê nếu tình cờ bắt gặp ở xứ lạ quê người trên quãng đường
bất chợt, là một hạnh phúc không thể nào diễn tả được. Tình cảm quê nhà bao
giờ cũng sâu đậm, khiến những người đồng hương thường xuyên liên lạc, dù chỉ
một lần ngồi tâm sự đôi câu, uống từng ngụm trà vọng quê. Chóe về Sài Gòn sau
tôi một năm, nhưng hầu hết vì lẽ sống và sáng tác, anh dồn hết tâm trí vào những công việc hằng ngày vừa trả nợ áo cơm,
vừa tạo dịp để viết lách. Thời gian này, Chóe trong bút danh Nguyễn Hải Chí,
vẫn sáng tác thơ văn và vẽ phụ bản cho nhiều tờ báo đương thời, giống
như các văn nghệ sĩ trẻ đồng song khác. Trên bước đường lập nghiệp, tài năng
Chóe bộc lộ rõ rệt, có phần không thua kém bạn bè cùng lứa. Chuyện đoạt giải
truyện ngắn trên một tờ báo ngày thời đó, quả là một món quà quý giá,
giúp tay bút của anh đầy tự tin hơn khi bước vào lối đi không còn nghi ngờ chọn
lựa gì. Từ năm 1967 - 1969, tôi và anh em gom hết thực lực để cho ra mắt tờ
nguyệt san Trình Diện Tuổi Đất, là tiền thân của tạp chí xuất bản Khai Phá
sau này, với những ước mong sẽ hội tụ được những tài hoa của những bạn
hữu văn nghệ gốc vùng sông nước Cửu Long, đang sống tại quê nhà hay đang lưu
lạc tứ xứ như những cánh chim trời phiêu bạt. Việc làm được bàn luận cẩn thận,
với nhiều bàn tròn tham dự đồng ý kiến và bài vở góp mặt của anh em. Kể cả dự
tính hết xuất bản hàng chục tập thơ văn, mà cốt yếu của sự thành hình do đóng
góp của bằng hữu cho chính tác phẩm mình. Qua năm 1968, mọi biến cố tang
thương càng xảy ra trầm trọng hơn cho đất nước, nên bao nhiêu dự tính đang thực
hiện, đành dừng lại chờ một ngày mới sáng lạng hơn. Tuy nhiên, bạn bè đều hoạt
động trên mọi tạp chí văn học nghệ thuật tại Sài Gòn, nên tên tuổi vẫn được
nhắc nhở và ghi nhớ cùng nhau trong thời khắc bi hùng của dân tộc. Mỗi người
một hướng với quan điểm sống của tự thân, nên văn nghệ cũng chia ra từng nhóm
nhỏ với những tờ báo trải dài khắp nẻo đường đất nước.
Từ Quảng Trị xuyên dài vào miền Đông, miền Tây Nam bộ, đầy rẫy các tạp chí mang đậm màu sắc của con tim. Tôi bàn bạc với bạn bè nên xốc dậy làm mới hơn với tờ Khai Phá, năm 1969 là một định mệnh an bày, tôi gặp Nguyễn Hải Chí tình cờ tại tờ Diễn Đàn của nhà văn Viên Linh. Anh đến tham gia bài vở như những bạn hữu khác, nhưng đặc biệt với nét nhìn của nhà văn lão luyện Viên Linh, hầu như anh đã hóa thân một cách tuyệt diệu. Từ đó bút hiệu Chóe như một tinh quang đã chói ngời với thời gian… Khi Viên Linh bận bịu thu xếp công việc tòa soạn, Chóe và tôi cùng trò chuyện và đặt nặng vai trò như của những cuộc viếng thăm quê nhà hơn là câu chuyện văn nghệ. Nói thêm, tạp chí Khai Phá 1 đang nằm trên dạng bản thảo, đã đầy đủ bài vở đang chờ xin giấy phép để ấn hành, với chủ đềVăn nghệ trong tình thế hiện tại. Chóe trầm lặng ngồi đọc xong bản thảo, và nói với tôi rằng, tạp chí có vẻ nặng vì nhiều chữ nghĩa quá. Anh xoay qua đưa tôi một phụ bản còn ký tên Nguyễn Hải Chí và hẹn vài hôm nữa sẽ gởi thêm một số phụ bản và sáng tác văn mới. Khai Phá số 2 đăng trong trang truyện ngắn Tu Hú của Nguyễn Hải Chí, từ đó khám phá ra anh có một bút pháp thật tuyệt chiêu. Chóe thật hiền dịu trong cung cách một người làm văn nghệ hết lòng vì nghệ thuật và bằng hữu. Bản chất trầm lắng, từ tốn trên ngôn từ khi phát biểu, và trải tất cả tấm lòng đầy chân thật với tha nhân. Tôi thật xúc động trước nhiệt tình của một người bạn quê xưa, mà cả hai chúng tôi cũng cùng đang trôi dạt tại một phương trời xa, với một ý hướng quang quả trong nghệ thuật. Khi tờ báo ra mắt tháng 4/1970, thêm nhiều đóng góp chân tình của anh em khắp nơi, như họa sĩ Lưu Huỳnh Truyền, nhiếp ảnh gia Châu Thành Thơ, họa sĩ Rừng (nhà văn Kinh Dương Vương), họa sĩ Nguyễn Bá Khanh… từ khắp nơi dành hẳn một cảm tình tuyệt diệu cho tờ báo với những ý kiến thật sâu sắc và sáng tác đa dạng trên mọi phương diện nghệ thuật.
Chóe sáng rực rỡ trên những hí họa đăng rải rác trên báo
chí tại miền Nam, đặc biệt những bức hí họa xuất hiện trong thời chiến tranh,
vẽ các nhân vật như: Kissinger, Nixon, Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, Trần
Thiện Khiêm… đã là đề tài khiến anh gặp nhiều tai họa trong thời đó.
Đằng đẵng gần 10 năm sau, một buổi chiều gần cuối năm 1985,
có hai sự tương ngộ thật kỳ diệu khiến tôi có một ấn tượng sâu sắc về tình
nghĩa bạn bè, sao mà thâm sâu và trân trọng quá. Khoảng 16 giờ chiều, tôi về
tư gia sau một cuộc họp ngành y tế vừa xong, nghe tin báo có một bạn trung
niên ghé thăm và từ giã đạp xe trên cầu chữ Y. Tôi vội vã vòng xe chạy đuổi
theo, qua bên kia cầu, đường Nguyễn Biểu quận 5, thấp thoáng bóng nhà văn
Kinh Dương Vương đạp xe nhẹ lướt đi vội vàng. Tôi chặn lại mừng rỡ và cùng
Kinh Dương Vương bước vào một quán cà phê tâm sự. Chuyện bạn bè bao nhiêu
ngày tháng nói làm sao tận lời được, nên sự khuynh khoái kéo dài hơn 2
giờ trôi qua, và hẹn gặp anh trên Trương Quốc Dung, Phú Nhuận. Bước vội vào
nhà trong trời đêm chập choạng, Chóe ngồi chờ tôi ở một ghế salon có lẽ cũng
hơn một tiếng đồng hồ, anh kiên trì gặp lại bạn xưa đã hơn 10 năm không liên
lạc! Chuyện thăm hỏi trên trời dưới đất, chuyện quê nhà, chuyện sáng tác… đều
được vun vẩy cho thỏa lòng tri ngộ. Bắt đầu ngày đó, có dịp tôi thường xuyên
ghé chợ Hạnh Thông Tây, Gò Vấp thăm anh chị và gia đình. Phong thái Chóe đường
hoàng trở lại ngôi vị như xưa, nét bút sắt vẫn hí ngạo tung hoành trên hầu hết
các tờ báo của xã hội mới. Sự nhập cuộc và hóa thân của một nghệ sĩ đầy tự trọng
và nhân cách đã thể hiện đường nét sáng hóa cho nghệ thuật muôn hình muôn vẻ.
Trước những ngày tháng còn cùng cực của bao cấp, Chóe phát huy một hướng vẽ mới,
ngoài các “hàng chợ” trên lụa hay sơn dầu nhưng không bao giờ có chữ ký của
Chóe, như một đảm bảo hằng ngày cho cuộc sống gia đình. Anh nghiêng hẳn về những
hình tượng nghệ thuật và nắm chặt hơn trong chủ để bài bản sáng tác. Từ năm
1992 - 2003, Chóe thực hiện nhiều cuộc triển lãm bề thế mà hầu như tranh hí họa
của Chóe đều được giới thưởng ngoạn đưa vào bộ sưu tập của người yêu tranh
như: 1992, triển lãm 35 tranh sơn dầu khổ 70 x 90cm, nằm trong bộ sưu tập của
Công ty sơn mài Lam Sơn; năm 1993, khoảng 41 tranh sơn dầu khổ 110 x 140cm được
bà Nancy Phạm ở Mỹ đưa vào bộ sưu tập riêng; năm 1995, có 57 tranh sơn dầu 50
x 65cm được ông Hàn Đức Minh ở TP. Hồ Chí Minh sưu tập; và năm 1996,
Chóe triển lãm 2 bộ tranh về Họa Thơ Hồ Xuân Hương (40 bức sơn dầu 77 x 77cm) và Những Phụ Nữ Đoạt Giải Nobel (27 tranh sơn dầu 70 x 85cm) tại 218A Pasteur quận 3, giới thiệu trân trọng trình diện phục vụ giới thưởng ngoạn mà không bán tranh. Nhưng sau đó, toàn bộNhững Phụ Nữ Đoạt Giải Nobel cũng nằm trong bộ sưu tập của Công Ty Sotraco của bà Phan Thị Thu Mai (Sau đó, công ty Sotraco cũng sưu tập bộ tranh họa thơ Hồ Xuân Hương).
Trên bước đường sáng hóa nghệ thuật, Chóe còn hoài bão thực
hiện nhiều công trình lớn khác như: Bộ tranh mang tên Từ Truyền Thuyết Đến
Lịch Sử với chân dung các nhân vật truyền thuyết như Lạc Long Quân - Âu
Cơ - Phù Đổng Thiên Vương và trong lịch sử như Hai Bà Trưng - Hưng Đạo Vương
Trần Quốc Tuấn - Nguyễn Trãi của Bình Ngô Đại Cáo…
Sau những lần thực hiện các cuộc triển lãm tại Nhật Bản,
như 1995, triển lãm hí họa tại Tokyo với hiện diện của 10 nước Châu Á như Nhật
Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Philippine, Malaysia,
Indonesia, Singapor và Ấn Độ. Ông Kosei Ono là nhà phê bình nổi tiếng của Nhật
Bản đã đánh giá tranh của Chóe độc đáo, từ ý tưởng, đến nét vẽ và bố cục.
10 bức tranh Chóe là 10 số phận của giới phụ nữ Việt Nam, mà theo Lưu Trọng
Văn: Xem tranh Chóe, tiếng cười và tiếng nấc bật cùng một lúc, nhưng tiếng
cười thoát ra ngoài, còn tiếng nấc tọt vào trong.
Trong giai đoạn cực kỳ sung mãn, chuyện sinh lão bệnh tử vẫn
là một diễn biến của thành trụ hoại không, khó tránh khỏi trong một kiếp người
trên cõi tạm này. Nhưng điều để lại cho nhân thế, bằng sự đóng góp cả sức lực,
thần trí và sáng hóa của người nghệ sĩ, đã an nhiên tự tại cho người ra đi và
tiếc thương vô tận của người ở lại. Giai đoạn bịnh tình anh càng lúc càng nặng
thêm, Chóe có mời tôi lên chia sớt cùng anh chút kỷ niệm quê xa, khi anh vừa
chu du vừa trị bệnh tại phương trời Tây, và quy cố hương. Chóe nhìn tôi, trầm
lặng hướng dẫn tôi chiêm ngưỡng chân dung của Đức Giáo Hoàng, mà có dịp anh
tương kiến tại Vatican. Chóe thốt lời tâm huyết, gặp Đức Thánh Cha là điều
mãn nguyện sau cùng của tôi. Tôi như nghẹn lại trước một tâm linh rực rỡ của
người bạn cùng tuổi, cùng bay khỏi quê nhà từ thời tuổi trẻ và cùng ngồi lắng
động trong những giây phút tâm giao.
Cơn bịnh nghiệt ngã, đã dìu dắt Chóe về nước Chúa vào lúc 4
giờ sáng ngày 12/03/2003, lúc anh đang điều trị tại Bệnh Viện Virginia, Hoa Kỳ
(nhằm 16 giờ Việt Nam, 12/03/2003). Linh cữu đưa về quê nhà Việt Nam, an táng
tại đất Thánh Mẫu (Định Quán, Đồng Nai).
Vĩnh biệt Chóe, một tài hoa trăm năm có một, một cây bút sắt
hí họa độc đáo của hội họa Việt Nam chân thành và đầy tình người…
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét