Ngy Do Thái, hạt bụi trăm
năm ôm đất quạnh
Chân dung Ngy Do Thái
(Nguyễn Hải Thệ)
(Ảnh tư liệu tác giả)
Tiểu sử văn học:
Tên thật:
Sanh ngày 18.4.1940 (Canh
Thìn ), giờ Ngọ 12 giờ trưa
Quê quán Long Sơn, Tân
Châu - Châu Đốc
Năm 1954-1961: học sinh
trường Thủ Khoa Nghia - Châu Đốc
Năm 1961-1962: trường Sư
Phạm Sài Gòn
Ngy Do Thái còn ký nhiều
bút hiệu khác: Huyền Dân, Dân, Phương Mai, Nguyễn Thiếu Khanh, Nguyễn, Nguyễn
Viên Phương…
Tác phẩm thơ, văn, kịch, kịch
thơ… đăng trên nhiều báo chí Sài Gòn từ năm 1958-1975: Văn, Văn Nghệ Học
Sinh, Bông Lúa, Thời Nay, Gió Mới, Văn Học, Đối Thoại, Khởi Hành… Các tỉnh
như: Đất Mới, Tham Dự…
Tác phẩm:
Ngy Do Thái Nguyễn Hải Thệ
lưu trữ hơn ngàn bài thơ, được phân bố trong
4 tác phẩm đồ sộ:
1/ Phù Du (2003)
2/ Ảo Ảnh (2004)
3/ Cúc Trùng
Dương (2006)
4/ Thu Không
(2009)
Ngoài ra, những bản thảo đều
viết tay mỗi tác phẩn chỉ lưu một bản duy nhất, nên trong thời gian khốn khó ở
làng quê, những tác phẩm thơ – văn - kịch thơ - thoại kịch…của Ông đã thất lạc
như:
1/ Đêm Da
Vàng ( tuổi trẻ, quê hương, chiến tranh)
2/ Khuyết
Nguyệt Động (tình yêu, bạn bè)
3/ Buồn Phố
Nhỏ (thân phận, kiếp người)
4/ Chiếc Lá
Me Vàng ( truyện, kịch, đối thoại)
Những tác phẩm thất lạc nầy,
nhiều bài đăng tải trên các báo và tạp chí xưa.
“Bầy chim hồng hạc xưa bay
mất/ Tiếng gáy còn đồng vọng núi xa/Về gì? Đâu chẳng chốn quê nhà/Nhật nguyệt
đâu ghen người tóc bạc”. Lãng vãng đâu đây thần khí của bài Hoàng Hạc
Lâu xa xưa, khiến tôi chất ngất trên hàng hàng lớp lớp những sợi tơ trời. Như
vướng mắc thiên la địa võng trong hàng ngàn bài thơ Ngy Do Thái, giao truyền
tận tay tôi vào một buổi chiều đầy phong vũ. Tôi mường tượng bóng dáng nhà
thơ trong phong thái cẩn trọng lịch thiệp và đầy nét lãng du, được chất đầy
trong bốn bản thảo nhờ lưu chuyển về thư trang Quang Hạnh. Thì ra, tận phương
trời mây nước biên thùy quê xa, một lòng ký gởi những tâm huyết suốt hơn nửa
thế kỷ thơ về nơi tri ngộ…
Thời gian bay nhảy trên
mái tóc thanh tân đến ngày bàn hoàn bạch phát, quả thật nhìn đi nhìn lại chớp
nhoáng như làn chớp mơ hồ giữa khoảng không. Tất cả qua đi không bao giờ trở
lại, họa chăng chỉ còn vương vấn vài hình ảnh kỷ niệm xa mờ! Chính vậy, tôi
ngơ ngác ngồi bên bốn tác phẩm thơ của Ngy Do Thái, một người mà suốt đời người
có lúc sôi nổi trong dòng trào lưu tân hóa nghệ thuật của đầu thập niên 60, đến
hiện tại quang quả bước lên cõi hư phù mà mở rộng tâm thức hạo nhiên với vũ
trụ và đạo vị .
Cách đây hơn 50 năm, ở một
thời điểm miền Nam mở rộng cỗng nhà, để đón những làn gió sáng tạo của nền
văn minh văn hóa khoa học bốn phương. Trong nước, tiếp nối phong trào tân hóa
văn nghệ khai hoang từ thời tiền chiến, nay lại đón nhận những ý thức triết học
tràn ngập, làm phong phú thêm tư tưởng sáng hóa nghệ thuật, giúp đầy đặn sáng
tác đa dạng. Ngy Do Thái nằm trong lớp người say mê năng nổ và cật lực gom hết
tinh hoa tri thức bước vào lãnh vực văn chương. Nhóm Thế Kỷ Mới thành lập khoảng
thời gian 1959-1960, quy tụ những cây viết đầy uy lực gồm Ngy Do Thái , Mặc
Lan Hoài, Song An Châu… thường xuyên xuất hiện trên các tạp san đương thời
như Văn Nghệ Học Sinh, Bông Lúa, Gió Mới, Mã Thượng… Ngy Do Thái là cây viết
đầu đàn, đa dạng…trải dài qua các báo Văn, Văn Học, Thời Nay, Đối Thoại, Khởi
Hành…với thơ, văn, kịch, kịch thơ, từ những năm 1958 đến 1975.
Thời niên thiếu, khi còn
ngồi trên ngôi trường trung học miền núi quê nhà, những mộng mơ tuổi thơ phải
chăng là định nghiệp, khiến tôi cũng tập tành du hành vào những câu thơ tĩnh
lặng cho riêng mình. Những tiếp cận si mê văn nghệ, giúp những người tương
lân gần nhau và thân nhau một cách tình cờ. Thường xuyên hò hẹn những người
làm thơ, trong những buổi trưa vắng lặng nhẹ nhàng trong công viên bên dòng
sông Hậu, ở những năm tháng cuối thập niên 50. Quây quần giữa bạn bè thi phú,
vạn hạnh nào hơn những thời khắc tương giao, ngoài những tài hoa đương thời
trước mặt như Mặc Lan Hoài, Thương Hoài Diệp, Song An Châu, Hàn Thanh, Mai
Thanh Tuyền, Nguyễn Huy Chương...mỗi người một khí phách riêng tư, sừng sững
với tương lai hiện rõ trên khuôn mặt. Mặc Lan Hoài giới thiệu Ngy Do Thái… một
nhân dáng độc đáo đa dạng trong sáng tác. Ngy Do Thái học trước tôi khoảng 1
năm, nhân dáng sĩ phu hiện rõ trên cung cách. Thật tình, sự ngưỡng mộ tài
năng đã hiện hữu từ lâu trong tôi, vì khi tôi chỉ làm thơ thì giai đoạn nầy
Ngy Do Thái hiện diện nhiều trên báo chí Đô Thành ngoài thơ còn truyện và kịch…Cái
say mê tài năng vì sự đa dạng trong sáng tạo, khiến anh em nể nang và cùng tập
tành viết lách, hy vọng cũng chan hòa trong đường nét đa dạng đó.
Bản tính khiêm cung, đầy
tâm huyết giúp Ngy Do Thái viết nhanh, tác phẩm đầy đặn giá trị. Thời gian
như gió thổi, tất cả đều trôi chảy xuôi theo dòng đời. Cái còn cái mất, cũng
chỉ là phù du. Ngy Do Thái hầu như sáng tác rất nhiều trong suốt khoảng đường
đời hơn 50 năm qua…Nhiều thi phẩm, kịch bản, truyện ngắn, ký, kịch thơ…những
sáng tác đã đưa tên tuổi ông suốt quãng đường dài trôi nổi.Đáng tiếc, Ngy Do
Thái làm thất lạc nhiều tác phẩm…điều mà khiến không biết bao nhiêu văn nghệ
sĩ khổ sở trầm cảm canh cánh trong lòng suốt cuộc sống hóa sinh nầy.
Riêng tôi, khi được trao tặng
và đang lưu trữ cũng gần ngàn trang thơ, truyện và kịch của nhà văn
nhà thơ Ngy Do Thái-Nguyễn Hải Thệ (4 thi phẩm/ Phù Du-Thu Không-Cúc
Trùng Dương-Ào Ảnh, 1 truyện/ Trong Nắng Hạ Vàng, và 5 vở kịch/ Chút Gì Trống
Trong Kẽ Bàn Tay -Hư Tưởng Của Dòng Sống - Chiếc Lá Me Vàng - Tiếng Súng
Trong Đêm - Chờ Sáng…).
Tác phẩm của người làm văn
nghệ bao giờ cũng lả những bảo vật sống, trôi nổi theo tác giả suốt quãng đời
hư thực. Hình và bóng giao thoa không thể tách rời, đã là định luật bất biến
trong cõi hư phù nầy. Chính vì Ngy Do Thái hầu như chỉ viết tay những
tác phẩm thành một bản chính thức lưu giữ, nên khi thất lạc bản thảo thì là
điều tuyệt vọng vô cùng. Nên thỉnh thoảng khi có bằng hữu tâm giao ông mới
sao y vài bản gởi tặng. (Phải chăng, muộn còn hơn không, nhờ vậy đến nay mới
góp nhặt lại và giữ được những tác phẩm kể trên).
Sự bay nhảy ngạo nghễ
trong thơ văn của thời trẻ tuổi, cũng không khác với những tư tưởng sáng tác
của hầu hết thanh niên thời trước. Trong giai đoạn du nhập nhiều triết thuyết,
nền văn minh văn hóa thế giới, và nhất là giai đoạn quê hương trong dầu sôi lửa
bỏng… ảnh hưởng rất nhiều tới tư tưởng anh em văn nghệ. Chính vậy, khi Ngy Do
Thái bước vào trường Sư Phạm Sài Gòn, ( 1961 ) hầu như tác phẩm cũng dằn dặt
trong nỗi nhớ, lưu đày trong thân phận, tuổi trẻ, tình yêu, chiến tranh, bạn
bè và sự trầm luân của con người…Sự xáo trộn trong tâm thức được hoạt biến
mãnh liệt trên sáng tác. Nhưng những gì còn sót lại trong đời sống và lòng
người, bất biến theo thời gian mới là giá trị chính thống của nghệ thuật. Nhiều
lúc, đọc lại nhiều tác phẩm anh em, khi tỉnh thức hay đang nghiêng ngửa trong
cơn say khướt, chợt ngâm nga vài câu thơ …hình như thấy không gian thời gian
ngưng đọng lại. Thơ Ngy Do Thái cũng đầy chuyển biến trong cùng một dòng xoáy
như vậy, bàng bạc trong tận cùng ngõ ngách cuộc đời, tình yêu, và thời thế .
Thời gian sau, bẳng đi gần
mấy mươi năm gặp lại Ngy Do Thái nhẹ nhàng, khiêm dung, lãng du, hàm chứa
phong thái đầy đạo vị. Một ấn tượng không nghi ngờ về chuyển biến tâm thức, vắng
lặng, hạnh phúc, mà tương đồng đến nhật nguyệt đâu ghen người tóc bạc, bởi
sự hoác ngộ như sấm sét đang nhoáng vào tâm linh, hóa thân trong một kỳ
khu Nhất tức nhất thiết/Nhất thiết tức nhất, và bóng dáng thi nhân
đang hiển hiện ngoài dòng chảy hư không như:
Lão hốt nhiên điếng lặng
Một niềm vui vô tận
Chảy tràn lan. Bao la
Thanh khiết. Như trăng ngà
Một dòng sông huyền bí
Đang trôi chảy. Trôi chảy
Tuôn miên man. Chan hòa
Tuôn không ngừng. Vào ta
Ta tan hòa. Rào rạt…
(Ánh trăng/ Thi tập Cúc
Trùng Dương)
Thi phẩm Cúc Trùng Dương
là điển hình ghi lại cái nhìn của nhà thơ trước cái hư không cuộc đời. Thơ
ông như đang bước vào một quả vị trung đạo, vô tận vô biên vì không có gốc rễ
đâu mà nương náo, vì chớp mắt vào đời chớp mắt ra đi, chân trời góc biển chẳng
dựa vào đâu mà bền vững, chỉ tại nơi lòng mà thôi:
Thiên địa vô cùng
Trên đầu mảy lông
Nhật nguyệt trùng trùng
Trong lòng hạt bụi
Suốt đời người trôi nổi
qua hàng bao nhiêu ngày tháng nẩy hạt vươn chồi, trái ngọt bùi lẫn đắng cay
mà sao con đường hướng tới vẫn phía trước? Ảo ảnh giăng mắc trùng điệp quanh
không gian, thì sự tịnh tiến an lạc của chân tâm đã khiến Ngy Do Thái như muốn
hoà nhập cùng thơ, muốn di chuyển linh hoạt như đi trên thập mục ngưu đồ:
Đuôi trâu biến mất. Mênh
mông cõi ngoài
Mục đồng hôm trước qua đây
Bỏ quên ngọn sáo dưới cây
bên đường
(Bóng thuyền quyên xưa/
Thi tập Cúc Trùng Dương)
Thoát khỏi bóng dáng đầy
vướng mắc tục lụy ngày xưa, dòng thi ca Ngy Do Thái chuyển động thoát ra
ngoài những mênh mông hư tưởng. Những bến bờ xa xôi vô tận giờ trả về ngàn
phương với những cuồng nhiệt cháy lửa ngày nào của sắc không. Cái ẩn hiện
của đạo pháp xê dịch luân chuyển trong thi pháp, ẩn mặc trong những khuynh hướng
như tiên tri trước cái hữu nhiên với vô hư. Khiến khách viễn phương nhiều lúc
nhìn thấy nhà thơ như đang quẩy hồn thơ bước trên những sấm giảng lão đạo:
Hốt nhiên. Từ trời đất
Thênh thang cất tiếng cười
Tiếng cười màu tím ngát
Vụt nổ tung giữa đời
Trời mười phương rúng động
Bão tố dậy hắc phong
Tiếng sắt cầm lồng lộng
Núi cổ cháy bập bùng
Cồn đá xưa nát vụn
Muôn tinh cầu vỡ tung
Triệu vì sao xa rụng
Cơn hồng thủy mịt mùng
Đất cuồng quay đảo lộn
Cõi người biển xanh dâu
Bụi tiếng cười xô cuốn
Sập cầu ngang bạch hà
Biển sóng dâng muôn trượng
Đánh chìm dãy đảo xa.
(Ta nghe ta mịt mùng/ Thi
tập Cúc Trùng Dương)
Luân hồi vẫn còn giăng mắc
suốt kiếp số, nên định mệnh của thơ dù đang trên đường thiền hành,
nhưng vẫn loáng thoánghạt bụi trăm năm ôm đất quạnh và thi nhân đang
nhìn y bát mà gói lời kinh tụng thì coi như giấc chiêm bao thôi vậy…..
Viết tại Thư trang Quang Hạnh
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét