Thứ Hai, 26 tháng 10, 2015

Đến muộn

Đến muộn
Tranh: Nguyễn Quang Huân
Gió thốc lên khiến cho những chiếc lá yếu ớt còn bám trên cây rụng xuống. Không phải là một cái chết kiêu hãnh đồng loạt như tôi đã mường tưởng. Những chiếc lá cuối mùa còn lại cố bám lấy dòng sinh khí từ cành cây khô kia cũng không thể cưỡng nổi luật đào thải khắc nghiệt của tạo hoá. Gió mùa này se sắt lắm người bước chân ra đường phải lo khăn áo phủ dầy thì làm sao chiếc lá vàng ở trên cao kia có thể chống chỏi qua đến mùa đông. Từng chiếc lá rơi rơi buồn bã…
Cây cỏ ráo hoảnh đi vẻ mượt mà của tháng trước sau một trận bão lớn đi qua thành phố. Chỉ còn lại những đoá hoa tím vàng nhỏ xíu cánh lá mỏng mảnh mọc lan trên mặt đất bình thản chống trả với thiên nhiên. Mặc kệ mưa sa bão táp, hoa lá chao nghiêng vẫn đẹp đến lạ kỳ.
Cuộc đời không phải là tàn phá mà phải là gây dựng. Những cánh hoa mỏng mảnh đã dậy cho tôi điều ấy dù đã rất nhiều lần chỉ muốn buông tay phó mặc cho vận đời may rủì. Thế nên dù đã ở một bên khoá trái của cánh cửa ký ức nhưng lòng vẫn thấy bơ vơ, hoang mang khi nghe những giai điệu của một bản nhạc về cuộc đời, tình yêu, tình bạn.
Có một nơi chốn tôi đã sống qua dù chỉ một năm ngắn ngủi trong thời niên thiếu. Rất nhiều những hồi ức từ nơi chốn ấy bây giờ nhớ lại vẫn đủ để khóc cười. Một tập thể nhỏ xíu ngót hơn ba mươi người. Ở vào thưở hai chữ tiết kiệm, phấn đấu được dùng để che lấp đi cái kham khổ, thiếu thốn của xã hội thì một lớp học trong thành phố với con số ít ỏi ấy quả là một xa xỉ hiếm hoi. Nhưng nhờ thế mà tôi đã có được sự bình yên và những kỷ niệm khó quên trong một năm cuối của tuổi học trò.
Nằm ngay trước cổng con đường đi vào cư xá. Ngôi trường mới xây vẫn còn mang nét bình dị của lối kiến trúc đơn giản thường thấy. Cổng trường rộng, bờ rào bao quanh và hai bên là những lớp học chỉ vỏn vẹn ba tầng lầu quét vôi vàng ệch. Cái lớp vôi vàng ấy rất dễ dính vào người mỗi khi lơ đãng tựa người vào. Thành lan can ngoài cửa lớp là tường gạch xen kẽ với những chấn song be bé vừa đủ đế cho đứa học trò nghịch ngợm đưa chân vào ngo ngoe. Đôi khi sút cả dép rơi xuống dưới sân trường lại phải hò nhau, một đứa đứng canh một đứa hì hụi chạy xuống sân đem nó về với khổ chủ.
Chỉ là chiếc dép có quý giá gì đâu mà lạ. Chỉ vì sợ bọn con trai cuống chân, gặp gì cũng đá mà chiếc dép bị mất oan tội nghiệp. Thưở ấy tôi có bạn. Những người bạn ngây thơ thương yêu nhau bằng tình yêu trong sáng nên đôi dép của tôi không bao giờ lẻ bạn. Chẳng biết vì thương đôi dép thưở nghèo khó hay vì bạn bè cũng nghèo như nhau nên chẳng ai nỡ làm cho đôi dép bị lẻ đôi.
Đấy là những ngày xưa âm thầm thương khó bạn bè chia nhau từng miếng ổi, viên me ngào đường dấm dúi chuyền tay dưới bàn học. Bây giờ biết bao đủ đầy mà không sao tìm ra được cái tình ân cần thương mến như thế. Chao ơi là thương nhớ.
Nhắc đến cái bàn học của tôi, dãy bàn đầu tiên, chỗ ngồi cũng đầu tiên là một chỗ ngồi bất tiện nhất của lũ học trò nhưng lại được ưu ái dành cho một “ma mới” là tôi. Ngay tầm mắt của thầy thì lấy đâu mà quậy phá, ngay cả cái trò rất ư mạo hiểm là quay cóp thì cũng quên đi. Cũng cùng một dãy bàn như thế, thỉnh thoảng trong giờ thi khi liếc nhìn qua phía bọn con trai tôi không nén khỏi chút thầm ganh tỵ. Ôi những khuôn mặt khoác áo “thầy tu” mà trong bụng lại chứa một bầu… tài liệu! Chẳng hiểu thầy cô biết không, hay có biết cũng giả lơ cho bọn trẻ. Tôi thương nhất thầy Cảo dạy môn Sử. Thầy hay cười, thường xuề xòa thông cảm cho sự vất vả của đám học trò cuối cấp khi chúng tôi chạy theo thầy xin xỏ đề thi. Đến giờ tôi vẫn còn nhớ như in miệng cười thật hiền, giọng nói chậm rãi và khuôn mặt luôn cho tôi một cảm giác bình yên khi nhớ đến. Có lẽ cả quãng đời học trò chưa có một thầy giáo nào để lại cho tôi ấn tượng nhẹ nhàng hiền hoà như thế. Và nếu Bụt có thật trong các câu chuyện cổ tích thì thầy cũng đã là một ông Bụt cho quãng đời học sinh của tôi. Còn tôi chỉ mãi là một cô Tấm suốt đời sàng sẩy những hạt thóc ký ức rơi vãi nên luôn trễ nãi trước những cuộc hẹn hò.
Ngược lại với vẻ chậm rãi thong dong của thầy Cảo là thầy Thương dạy Toán và cũng là thầy Chủ Nhiệm của lớp tôi. Thầy làm gì cũng nhanh, đi đứng như có phép đằng vân. Vừa đứng trên bục giảng, thoắt đã thấy thầy ở cuối lớp rồi. Điểm đặc biệt của thầy khi gọi tên bọn con trai hay bắt đầu bằng chữ “ông”.Ông A, ông T, ông Đ, ông Q … thế là bọn con gái lớp tôi cũng nương theo thầy cho cả lũ con trai mười sáu, mười bảy lên chức “ông” hết! Gọi riết thành thói quen chẳng ai muốn sửa. Đến bây giờ ai cũng chớm chớm hai thứ tóc trên đầu nhìn lại nhau mới thấy mình cũng đang sắp thành ông, thành bà hết cả rồi. Thời gian trôi nhanh có từ khước ai đâu.
Kể về thầy Thương có nhiều điều rất thú vị, riêng điều này thì tôi nhớ kỹ. Trong bài thi, thầy thường rộng rãi hơn khi cho điểm bọn con gái. Chả là lớp tôi học ban Toán, con gái trong lớp đếm lèo tèo trên đầu ngón tay nên đám con trai có phần lấn lướt. Tôi thương lắm những điểm cộng thêm rất rộng lòng của thầy. Riêng tôi, một đứa học trò đã từng đem đến cho thầy sự phiền nhiễu mà chưa bao giờ nhận lại một lời khiển trách từ thầy. Hình như thầy đã hiểu tôi hơn tất cả những người khác, hơn cả chính tôi hiểu về tôi. Cái ranh giới rất gần giữa tự ái và lòng tự trọng đó đã làm khổ tôi nhiều lần trong cuộc đời. Mỗi lần nghĩ đến điều này tôi chỉ muốn khóc, chỉ muốn được bé dại vô tư sống như ngày nào, để đừng phải tự quay quắt với những câu hỏi “tại sao?”.
Tôi đang sống như một kẻ đứng bên lề muộn màng trước những cuộc vui mà lòng vẫn không nguôi thương nhớ nên bài hát của một người bạn học năm xưa viết nên với bao câu hỏi mãi day dứt trong tôi. Chỉ còn một tiếng không vô vọng.
Sao không đến với nhau sớm hơn một chút
Cho ta nói với nhau ước mơ còn lại
Sao không giữ lấy nhau lâu hơn mọi lúc
Để lòng ta bớt cô đơn trên đường về.
Chiều xuống, lời hát khiến lòng người nghiêng đi một nỗi cô đơn ngậm ngùi…
Đến Muộn
Nhạc sĩ: Nguyễn Đình Trung
Nguyên Tú My
Theo https://nguyentumy.wordpress.com 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...