Giữ lại mùa thu
Lần đầu tiên chở cô trên chiếc xe loang lỗ nước sơn và bùn đất,
anh hét lên trong tiếng máy xe nổ phành phạch “Ôm chặt lấy tôi”. Cô chưa kịp
định thần anh đã rồ ga lao vào cơn mưa, bạt mạng như một gã điên. Cô mím môi
hai tay giữ chặt yên xe nghe gió tạt vào mặt mình những giọt nước lạnh buốt của
cơn mưa chiều phố núi. Trời mây ướt sũng, cỏ cây bên đường rũ xuống đẫm mình
trong màn sương mờ dầy đặc. Cô ngoái nhìn phía sau, phố chợ lùi dần vào bóng tối
của ngọn đồi có những hàng thông cao thẳng tắp giờ đã chuyển qua màu xám đục.
Ngày trước cô đã được đến miền cao nguyên này trong một chuyến tham quan cùng
trường. Giữa trùng điệp núi đồi vẻ đẹp đơn sơ, hoang dã của những bụi dã quỳ mọc
dại bên đường đã trở thành một mảng ký ức ngọt ngào thắm sâu trong trái tim hồn
nhiên của cô sinh viên lớn lên nơi thành phố. Năm cuối của bậc đại học, cô cố
nén một tiếng reo khi đặt bút ký giấy về thực tập ở một vùng cao nguyên cách xa
nơi cô ở hơn ba trăm cây số.
Buổi sáng mẹ tiễn cô ra tận bến xe. Dặn dò đủ điều sau khi
dúi vào tay cô túi thức ăn nặng trịch dành cho một chuyến đi dài. “Lên đấy ở
không đuợc thì về ngay con nhé!” mẹ nói với theo. Xe chuyển bánh cô vẫy tay
nhìn bóng mẹ khuất dần trong đám người đông đúc ồn ào. Lấy tay quệt vội những
giọt nước mắt ấm nóng tràn ra trên má. Có một bàn tay từ phía sau đưa lên cho
cô một khăn giấy lau. Cô ngoái lại nhìn. Một người thanh niên đang hướng cái
nhìn tinh nghịch về phía cô. “Nín đi Dế Mèn, hãy để dành nước mắt cho cuộc
phiêu lưu còn dài”. Thì ra anh chàng ngồi phía sau nãy giờ đã nghe lóm hết những
lời đối thoại của mẹ và cô. Cô ngồi thẳng người lên, kiêu hãnh, vò nát tờ giấy
trong tay rồi ngó lơ ra ngoài cửa sổ.
Trong suốt chặng đường dài, cô mải mê ngắm nhìn phong cảnh
hai bên đường nên cũng quên mất đôi mắt tinh nghịch có lẽ vẫn còn dõi theo từ
hàng ghế sau. Trời âm u như sắp mưa, khi đi qua thung lũng cô nhìn thấy từng vạt
dã quỳ như một dải lụa vàng rực vắt ngang cánh rừng thông xanh ngắt. Qua khỏi đồi
thông chiếc xe bỗng chậm hẳn lại gằn giựt từng tiếng khô khốc, cuối cùng tỏa một
đám khói đen xì ở đầu mũi xe rồi nằm ì ngay giữa con đường vắng. Ông tài xế
nhăn nhó: “Xe hư rồi, xuống đi bà con ơi”. Mọi người lục đục xuống xe ngồi rải
rác bên vệ đường. Cô thoáng thấy bóng anh cùng vài người đàn ông đang hò nhau đẩy
chiếc xe chết máy vào bên đường. Hơi gió se lạnh mang mùi cây cỏ ẩm ướt. Từ xa
có tiếng thác đổ lẫn trong tiếng thông reo vi vu ở phía bên kia thung lũng. Cầm
chiếc máy hình trong tay, cô men theo con đường mòn đi xuống dốc. Hai bên cỏ mọc
đầy lấm tấm hoa dại. Bấm vội vài tấm hình ở phía bên kia những vạt đá dài loang
loáng nước cô thấy cả mùa thu đang trở về trên những mái nhà lưa thưa màu đất đỏ
từ đồi núi mang vào. Đâu đó trên cây cao có tiếng chim hót réo rắt. Một mùi
hương ngọt dịu thoang thoảng khắp khoảng không gian. Giữa những nhánh cây lá
xanh tươi tốt một nhánh lan rừng mảnh dẻ buông rơi từng cánh tím thẩm trong
sương chiều. Không chần chờ cô tháo vội đôi giầy tìm cách leo lên trên cây để
hái cành lan. Có tiếng còi nhấn inh ỏi trên đường báo hiệu xe sắp chuyển bánh.
Cô hoảng hốt nhẩy vội xuống đất. Quơ tay tìm chiếc giầy cô bỗng cảm thấy cổ
chân mình đau nhói. Trên đường tiếng còi xe càng lúc càng thúc giục. Ứa nước mắt
vì đau cô ôm chân cố lết trở lên con dốc. Có tiếng ai gọi vọng sâu giữa núi đồi:
“Dế mèn ơi…”. Cô mừng rỡ kêu lớn: “Tôi ở đây…”. Cô thấy bóng anh chạy băng qua
những bụi cây rậm đến bên cô gắt nhẹ: “Đúng là Dế mèn. Sao lại nổi cơn giang hồ
vặt không đúng lúc như thế này!”. Cố nén cơn đau cô ôm vai anh quay trở lên xe.
Mọi người đã trở về chỗ ngồi của mình, mệt mỏi trong một chuyến
đi dài ai cũng mong cho mau đến nơi. Chiếc xe chậm rãi vòng theo khúc quanh đi
vào thành phố. Hai bên đường những căn nhà nằm khuất trong những lùm cây bắt đầu
mờ nhạt trong mưa. Nước chảy thành từng vệt dài theo cái gạt nước trên kính xe.
Xa xa, mặt hồ lững lờ toả lớp sương khói mờ xám. Ông tài xế nhìn cô qua kính
chiếu hậu nói giọng ngại ngần: “Đến bến xe cô phải mướn nhà trọ ở qua đêm, bây
giờ trời tối rồi không còn xe đi vào làng nữa”. Cô bần thần đứng bên quán nước
với chiếc va li bên người. Thì ra mọi chuyện đã không diễn ra suông sẻ như cô
nghĩ. Trong bóng tối ở một nơi chốn lạ nỗi lo âu càng lớn dần che lấp đi cái vẻ
tự tin cố hữu thường ngày của cô gái trẻ. Cô bước vào quán và gọi cho mình một
ly trà nóng. Quán nghèo xập xệ chỉ bán một món ăn duy nhất là mì quảng. Trên
chiếc bàn gỗ đặt vài chiếc bánh giò, bánh chưng và những chai nước ngọt. Có một
cái cửa nhỏ ăn thông ra phía sau được ngăn bởi một tấm rèm hoa tím cũ kỹ. Bà cụ
bán quán có khuôn mặt hiền hậu khoác chiếc áo dạ to sù ngồi hong tay bên bếp bắt
chuyện bâng quơ với ai đó: “Năm nay mưa nhiều không khéo các luống rau phải hái
non, cậu Sơn nhỉ”. Có tiếng đàn ông trả lời bên gian nhà trong: “Không sao đâu
bà ạ, đắp luống cao lên thì không lo bị ủng nước”. Cô rụt rè hỏi thăm nơi ở trọ
qua đêm. Khi biết cô là cô giáo mới về làng, bà cụ mừng rỡ quay vào nhà trong gọi
to: “Cậu Sơn ơi!”. Một người mặc chiếc áo mưa trùm kín người đẩy chiếc xe máy
loang lổ nước sơn từ trong nhà đi ra. Anh hất chiếc nón trùm đầu xuống, nhìn
cô… vẫn bằng đôi mắt tinh nghịch:
– Cô vẫn còn đây à, Dế mèn? Có muốn quá giang theo tôi về
làng trước khi trời tối không?
Thì ra là anh. Cô ngại ngùng không biết trả lời như thế nào
thì bà cụ vui vẻ xen vào:
-Cậu Sơn cũng về làng bây giờ, cô đi theo cậu ấy thì không phải
vào phố mướn nhà trọ đêm nay.
Vẫn ngồi yên trên ghế, cô nhìn anh rồi nhìn bà cụ ngập ngừng
nửa muốn nửa không. Như đoán được ý cô, bà cụ tiếp lời:
-Cô đừng lo, cậu Sơn là người tốt. Cậu ấy sẽ đưa cô đến tận
nơi. Ở làng ai cũng biết cậu ấy.
Anh nhìn cô mỉm cười pha chút hóm hỉnh như muốn bảo rằng, cô
thấy nhé, tôi cũng có đủ uy tín để đi cùng với cô trong đêm đấy chứ. Bà cụ rời
bếp lấy chiếc áo mưa treo trên vách đưa cho cô mượn. Cô lúng túng gửi lại tiền
ly trà thì bà xua tay không nhận và giục hai người nên rời quán trước khi trời
tối.
Khi anh đưa cô đến nơi trời chợt đổ mưa rào dữ dội. Ngôi trường
có lẽ mới xây nằm bên con lộ chính trong làng đi ra đường cái. Xa xa là xóm nhà
lưa thưa xen lẫn vào những luống cây trồng vì tối trời nên cũng không rõ là rau
hay hoa. Đứng dưới mái hiên, cô nhìn theo bóng anh mờ dần trên đường vắng. Ông
Hiệu trưởng kiêm cả thầy giáo lớp Năm có vẻ vui tính, hay chuyện bảo cô: “Cũng
là người thành phố về đây lập nghiệp đấy. Cậu ấy như ngựa trời, chẳng bao giờ
chịu ngồi yên”.
Đằng sau ngôi trường là căn nhà ba gian của của ông. Có vài đứa
trẻ sàn sàn như nhau đứng thập thò nhìn cô. Cô mỉm cười vẫy tay gọi nhưng chẳng
đứa nào dám lại gần. Người vợ thấp bé lại mang cái bụng vượt mặt, trong bóng tối
nhập nhoạng nhìn chị như một bao gạo biết đi. Hai người mời cô ở lại ăn cơm. Viện
cớ đường xa mỏi mệt và vẫn còn thức ăn đi đường, cô từ chối rồi xin phép trở về
phòng. Đặt lưng xuống chiếc giường ấm áp cô chìm vào một giấc ngủ thật sâu
trong đêm đầu tiên trên cao nguyên buốt giá.
Buổi sáng thứ Hai, ông Hiệu trưởng giới thiệu cô với các đồng
nghiệp. Cả trường vỏn vẹn chỉ có năm người. Cô dậy thế một cô giáo lớp Ba vừa mới
bỏ việc trở về thành phố sau khi nhận được thiệp cưới của người yêu. Ông thầy lớp
Tư, vợ đẻ năm một, sở hữu bầy vịt trời toàn con gái nên suốt ngày cứ dán cái mục
kính vào quyển Tử vi Tướng số. Cô giáo lớp Hai lớn tuổi chưa chồng, người khô cằn
như cọng măng khô được nắng vừa gặp mặt đã rên rỉ: “Em còn trẻ, còn tươi đến
cái xứ khỉ ho cò gáy này làm gì cho phí đời hả em!”. Chỉ có cô giáo lớp Một lấy
chồng trong làng xem ra còn chút sinh khí. Sáng đi dậy, chiều cô ấy về xắn quần
cao tới gối nấu cám, băm rau chăn một bầy heo con lúc nhúc thật vui mắt. Trước
khi cô vào lớp, cô giáo lớp Một căn dặn: “Nếu cần phiên dịch thì cứ gọi chị
nhé!”. Cô ngạc nhiên tròn mắt chưa kịp hỏi lại thì đã bị đẩy vào lớp. Học trò của
cô đa số là người dân tộc miền núi da đen ngăm ngẳm nắng gió núi đồi. Ngày đầu
tiên đứng lớp, về phòng cái đầu của cô cứ kêu ong ong như có một bầy ong võ vẽ
bay quanh. Hoc sinh nói tiếng Kinh pha tiếng dân tộc nghe lạo xạo tiếng được tiếng
mất. Cô suýt rơi cả sách khi nghe học trò hồn nhiên giơ tay “Thưa cô, tao muốn
đi ngoài!”.
Lá thư đầu tiên gửi về cho mẹ đầy lời thở than chuyện học
trò. Lớp chỉ có mười lăm đứa, chẳng hôm nào có mặt đầy đủ. Ngày hôm sau đến lớp,
học trò gải đầu sột xoạt nêu ra đủ thứ lý do. Ở nhà trông em, phụ mẹ làm rẫy,
gánh rau ra chợ… Có đứa chỉ đứng nhìn cô cười bẽn lẽn, hỏi mãi học trò tuôn ra
một tràng líu lo nghe như tiếng nước ngoài. Cô thần mặt thở dài đành cho học
trò về chỗ. Được một tuần, cô quyết định đến thăm từng nhà.
Mượn được chiếc xe đạp cà tàng của ông Hiệu trưởng. Sáng Chủ
nhật cô nai nịt gọn ghẽ như đi dã ngoại. Cả tuần lễ bận rộn với công việc mới
hôm nay cô thật sự thảnh thơi ngắm nhìn quanh cảnh chung quanh. Xuống dưới con
dốc là cánh đồng rộng trồng rau xanh rờn. Thỉnh thoảng có vài bóng người đội
nón trùm hụp đang tưới rau. Tia nước từ chiếc vòi phun lên chòm lá non lấp lánh
nắng mai, phản chiếu những tia sáng đủ màu sắc. Có hai đứa trẻ đang lúi húi lượm
cây khô bên đường, môi tím tái ngẩng lên nhìn cô cười ngỡ ngàng. Đến nhà nào cô
cũng được tiếp đón ân cần như khách quý. Nhìn cha mẹ học trò quần ống thấp ống
cao bùn đất còn bám đầy chân, hai tay cứ xoắn vào nhau “trăm sự nhờ cô” khiến
cô cũng chỉ biết ngồi cười trừ và xoa đầu học trò mãi. Ra về, dù cô cứ khăng
khăng từ chối, cha mẹ học trò vẫn treo vào giỏ xe những gói xôi nếp còn ấm
nóng, bó rau hái vội ngoài vườn nhà và đầy hoa tươi dủ màu sắc. Cô mỉm cười chợt
nghĩ, nếu cô cứ đạp chiếc xe này chạy thẳng xuống phố chợ chắc chắn sẽ có vài
người chặn xe lại để hỏi mua hoa.
Lẵng nhẵng mãi rồi cũng qua được một tháng đầu tiên. Cô dùng
đủ các chiêu để kéo học trò đến trường. Hết năn nỉ, đến dọa nạt, rồi ép buộc…
Có lẽ thử thách lòng kiên nhẫn của cô giáo mới như thế cũng đủ rồi, cuối cùng học
trò cũng chăm chỉ đến trường đều đặn. Những lá thư sau cô viết về nhà đã thấy
vui hơn. Cô khoe mẹ về những bó hoa tươi thỉnh thoảng học trò rón rén lại gõ cửa
đặt trước thềm nhà rồi ù té chạy mất. Hay cô viết về căn phòng trọ sau trường học,
một bên là ruộng rau thẳng tắp, bên kia cửa sổ là vườn hoa tươi đủ màu sắc. Chỉ
cần một cơn gió thoảng nhẹ qua là cả phòng lại ngào ngạt hương thơm. Có một điều
cô vẫn chưa kể cho mẹ nghe về một người con trai vẫn thường phóng chiếc xe
loang lổ nước sơn từ phía vườn hoa băng ngang qua trường, tóc hoe nắng bay
trong trời gió. Thư viết lần này mẹ than thở, nhớ con gái quá, xong việc về
ngay với mẹ con nhé! Cô thẫn thờ buông lá thư xuống bàn và chợt nhận ra rằng dạo
này mình hay nhìn qua cửa sổ quá. Có phải vì trời sắp vào đông, hoa cúc ở khu
vườn kia cũng vừa tàn…
**********
Khi hoc trò đã bắt đầu làm được phép tính cộng trừ mà không
phải giơ hai tay, đôi khi phải đưa cả chân ra mà đếm thì lớp nhận thêm một học
trò mới. Đứng sau lưng thầy Hiệu trưởng là một thằng bé người Kinh da đen nhẻm
màu cháy nắng, tóc tai bờm xờm đang giương đôi mắt lên nhìn cô không chớp. Nhìn
cặp chân mày dựng ngược như ông Trương Phi thế kia thì cũng biết là cứng đầu rồi.
Cô xếp nó ngồi ngay giữa hai đứa con gái. Thằng bé chẳng nói chẳng rằng, gườm
gườm con mắt rồi dềnh dàng bước vào bàn xô hẳn con bé ngồi bên ngoài té chúi nhủi.
Cô nén giận quay lưng lên bảng, vừa viết xong tựa bài mới, xoay xuống nó đã nhẩy
qua cửa sổ chạy biến về phía vườn hoa rồi.
Sau buổi đầu tiên ra mắt, học trò trong lớp có vẻ sợ nó một
vành. Hai đứa con gái mếu máo xin đổi chỗ. Những trò chơi quái quỷ của con nít
thành phố nó đem ra dùng hết. Vài lần cô suýt phát khóc khi rờ tay vào ngăn kéo
tìm cây viết lại bốc trúng con sâu róm ngo ngoe. Bình trà trong phòng giáo viên
có hôm lại mặn chát như ai mới cho vào đó một vốc muối. Cô biết thủ phạm là nó
nhưng vẫn im lặng và nhắn học trò cho mời cha mẹ đến trường. Cô ngớ ra khi thấy
anh dẫn tay nó vào lớp. Bên cạnh anh, trông nó ngoan ngoãn hiền lành hẳn ra.
Anh giao cho nó một quyển sách chỉ ra sân ngồi đọc và ngồi lặng yên nghe cô kể
tội. Từ ngày gặp nhau trên chuyến xe, hôm nay ngồi đối mặt cô bỗng cảm thấy có
chút gì nghẹn nghẹn trong cổ. Không hẳn là dỗi hờn, không hẳn là buồn bực. Có
điều gì thật trống vắng chỉ muốn tràn mi. Cô giữ một vẻ xa cách lạnh lùng khi
tiễn anh ra về. Anh thoáng chút bối rối nhìn ra sân nơi thằng bé đang ngồi, ngập
ngừng như muốn nói điều gì rồi lại thôi. Thằng bé leo lên xe ngồi ôm lưng anh,
chiếc xe đổ xiên xiên theo con dốc mờ bụi đỏ. Ở bên hiên nhà thầy Hiệu trưởng,
người vợ đang nhóm lửa nấu cơm chiều, làn gió tạt đám khói bếp bay qua cay mắt.
Cô thấy mình bỗng nhớ nhà chi lạ.
Những ngày sau, thằng bé đến lớp đều đặn và ngoan ngoãn hơn.
Cô biết vì anh nên nó làm ra vẻ phục tùng. Đôi khi cô tim cách lại gần bắt chuyện
nhưng nó lại vờ lảng xa lẫn vào trong đám hồng dại mọc bên bờ rào xăm xoi như
đang tìm kiếm cái gì trong đó. Ở bên bờ rào đó vào mỗi đầu mùa thu, chim kéo về
làm tổ trên mái nhà rơm chứa củi khô và những đồ dùng lặt vặt của trường. Những
chiếc tổ bé xíu làm bằng rơm rạ và cành khô thỉnh thoảng có tiếng chim non líu
ríu đòi ăn khi thấy bóng chim mẹ ngậm mồi bay về. Buổi sáng khi trời còn mờ
sương cô đã nghe tiếng chim hót gọi bầy rồi. Học trò ít khi đi ra phía sau trường
vì gần đó là nhà của thầy Hiệu trưởng. Cũng nhờ thế mà lũ chim cũng được yên ổn
không bị đám trẻ nghịch ngợm phá phách. Mấy buổi sáng nay thằng bé đến trường sớm
hơn thường lệ, nó luôn cầm theo một túi nhỏ và đi thẳng ra phía sau trường. Nó
loay hoay ở đó cho đến khi có tiếng kẻng báo giờ học mới vội vàng chạy vào lớp,
chùi vội hai bàn tay lem luốc đất vào quần. Cô kín đáo quan sát nó qua khung cửa
sổ. Thì ra thằng bé có một tổ chim non lạc mẹ có lẽ do bão thổi rớt xuống đất từ
những đêm trước. Nó đem tổ chim giấu trong bụi hồng gai rậm rạp và hàng ngày nó
đào trùng đem đến nuôi chim con. Ở dưới đất đôi khi cô còn bắt gặp những vụn
bánh mì khô rơi vãi. Cô ngỡ ngàng thì ra bên ngoài cái vẻ lì lợm, bướng bỉnh của
đứa trẻ là một tình yêu thương sâu kín rất bao la, rất người mà đôi khi những
người tưởng mình đã trưởng thành vội vàng đánh mất.
Có tiếng ồn ào của học trò ở phía sau trường. Cô nghiêng người
nhìn ra ngoài cửa sổ, tầm mắt bị chắn bởi bức tường ở cuối dãy lớp. Cô bước vội
ra lại gần đám học trò đang nhốn nháo bên bụi hồng. Thằng bé đang vật nhau với
một đứa học trò lớp Năm lăn lộn trên nền đất bụi đỏ bám đầy người. Nó lồng lên
như một con hổ non ra sức chống trả lại những cú đấm từ thằng bé to lớn hơn nó.
Khi lôi được hai đứa ra, cô chỉ thấy trên khuôn mặt lấm lem bụi đất và máu là
đôi mắt của một con thú bị thương. Đau đớn, hoang mang. Nó gợi lên những gì tha
thiết, yêu thương đang bị đè nén bởi sự bạo tàn, giận dữ. Nhận ra sự có mặt của
cô, nó lặng lẽ đi ra bụi hồng lượm xác con chim non giấu vào trong vạt áo rồi
khập khễnh đi về phía vườn hoa. Cô thấy cổ họng mình khô đắng khi nhìn chiếc tổ
chim nằm lăn lóc trên nền đất còn vương vãi những miếng bánh mì khô.
Đêm. Trời lại mưa lất phất… Cô khó ngủ nằm trằn trọc mãi. Bản
nhạc Serenade yêu thích cũng không làm lắng dịu bớt cái nỗi buồn cứ ngâm ngẩm
trong lòng. Ở vào tuổi hai mươi cô ngỡ mình đã đủ cứng rắn để bước ra đời. Câu
chuyện sáng nay cứ lởn vởn mãi trong đầu. Ánh mắt của thằng bé chất chứa những
đớn đau mà cô không hiểu được. Cô tự trách mình cũng đã quá vô tình, loay hoay
với nhịp sống lạ mà quên đi những điều rất giản dị ở ngay bên cạnh mình. Có tiếng
đập cửa vội vàng ngắt ngang giòng suy nghĩ. Thằng bé đứng ngoài hiên mặt xanh
tái, đôi mắt mở lớn sợ hãi . Cô kéo nó vào phòng lấy tấm chăn quấn quanh tấm
thân gầy gò run rẩy như chim non gặp bão. Nó lắp bắp: “Mẹ con… mẹ con…”
Cô chở thằng bé trên chiếc xe đạp đi về phía vườn hoa. Con đường
đất đỏ lởm chởm ổ gà càng trơn trượt hơn dưới cơn mưa vắng tanh, vắng ngắt. Một
ánh đèn rọi lên từ phía sau lưng và tiếng xe máy gần sát bên người. Thằng bé
reo lên mừng rỡ: “Chú Sơn!”. Như đã đoán được trước, không hỏi han gì nhiều anh
phóng xe về phía căn nhà gỗ nằm khuất ở cuối vườn hoa.
Khi cô bước vào cửa, một cảnh tượng kinh hoàng hiện ra trước mắt. Một người đàn bà tóc xõa rũ rượi nằm lăn lộn dưới nền nhà, hai tay chị ôm vào lòng đỡ lấy cái bụng căng lớn nổi đầy gân xanh. Chị vo cái khăn cắn chặt vào miệng cố nén những tiếng kêu rên đau đớn. Cô nhìn vệt nước loang bết dưới chân chị kêu lên: “Không kịp nữa rồi, nước đã bị bể! Mau giúp tôi khiêng chị ấy lên giường”. Bản năng của người phụ nữ trỗi dậy kéo cô qua khỏi nỗi sợ hãi. Cô nhanh nhẹn trải chiếc chăn ra giường và giục thằng bé, nãy giờ đang đứng nép trong góc nhà mặt xanh tái đi xuống bếp nấu một ấm nước sôi. Người mẹ lại lên cơn quặn đau từng lúc, mồ hôi tuôn ra ướt đẫm. Anh lo lắng hỏi: “Thế nào rồi hả cô?”. “Gắng lên, gắng lên… Tôi đã thấy được đầu em bé rồi. Hít sâu vào và… “. Cô chưa dứt câu người mẹ đã cong người lên bằng cả sức lực còn lại trên thân thể mảnh dẻ, chị bấu chặt những ngón chân cong quắp vào thành giường và hét lên đau đớn. Đứa bé tuột ra khỏi lòng người mẹ nhớt nhát, đỏ hỏn. Cô reo lên: “Con gái!”. Anh đỡ lấy đứa bé trong khi cô loay hoay cột cuống rốn cho nó. Có tiếng người mẹ yếu ớt cất lên: “Con tôi… sao không nghe tiếng nó khóc?”. Cô hốt hoảng đứng lên, đón đứa bé trong tay anh. Đứa trẻ sơ sinh nhỏ xíu nằm bất động, hai mắt nhắm liền thành vệt dài trên khuôn mặt tím tái. Cô lật úp nó vào lòng tay mình và vỗ mạnh vào lưng nó. Đứa bé vẫn nằm im mềm oặt trong tay cô. Người mẹ chợt vùng người dậy, bật khóc: “Con tôi. Hãy cứu lấy con tôi,” Cô gắt: “Nằm yên! Giữ lấy chị ấy. Tôi biết phải làm gì,” Cô ngửa mặt đứa bé lên, hít một hơi dài rồi cúi xuống dùng miệng mình để hút chất đờm rãi làm nghẹt đường hô hấp. Con bé chợt nấc lên, giật mạnh người và bật tiếng khóc chào đời trong lòng cô. Trong giây phút kỳ diệu ấy, chẳng biết vì quá xúc động khi được nhìn thấy một sự sống đang trở về hay vì bao nhiêu sức lực của người con gái mảnh dẻ đã kiệt cạn. Giọt nước mắt lăn dài trên đôi má nhợt nhạt, cô run rẩy muốn ngã quỵ. Anh vội đón lấy đứa bé, vòng tay ôm ngang người cô thì thầm: “Giỏi lắm Dế Mèn! Cô thật can đảm,” Cô bật khóc oà như một đứa trẻ trên vai anh. Thằng bé nãy giờ trốn biệt ở dưới bếp đã lẻn vào phòng tự bao giờ. Nó chạy lại vòng cánh tay gầy guộc ôm lấy người cô và khóc rưng rức. Anh cố nén sự cảm động, lấy giọng bông đùa: “Sao lại như một giàn đồng ca thế này! Lau nước mắt đi nhé. Mình phải ăn mừng chứ. Đến lượt tôi phải phục vụ lại quý vị đây!”.
Khi cô bước vào cửa, một cảnh tượng kinh hoàng hiện ra trước mắt. Một người đàn bà tóc xõa rũ rượi nằm lăn lộn dưới nền nhà, hai tay chị ôm vào lòng đỡ lấy cái bụng căng lớn nổi đầy gân xanh. Chị vo cái khăn cắn chặt vào miệng cố nén những tiếng kêu rên đau đớn. Cô nhìn vệt nước loang bết dưới chân chị kêu lên: “Không kịp nữa rồi, nước đã bị bể! Mau giúp tôi khiêng chị ấy lên giường”. Bản năng của người phụ nữ trỗi dậy kéo cô qua khỏi nỗi sợ hãi. Cô nhanh nhẹn trải chiếc chăn ra giường và giục thằng bé, nãy giờ đang đứng nép trong góc nhà mặt xanh tái đi xuống bếp nấu một ấm nước sôi. Người mẹ lại lên cơn quặn đau từng lúc, mồ hôi tuôn ra ướt đẫm. Anh lo lắng hỏi: “Thế nào rồi hả cô?”. “Gắng lên, gắng lên… Tôi đã thấy được đầu em bé rồi. Hít sâu vào và… “. Cô chưa dứt câu người mẹ đã cong người lên bằng cả sức lực còn lại trên thân thể mảnh dẻ, chị bấu chặt những ngón chân cong quắp vào thành giường và hét lên đau đớn. Đứa bé tuột ra khỏi lòng người mẹ nhớt nhát, đỏ hỏn. Cô reo lên: “Con gái!”. Anh đỡ lấy đứa bé trong khi cô loay hoay cột cuống rốn cho nó. Có tiếng người mẹ yếu ớt cất lên: “Con tôi… sao không nghe tiếng nó khóc?”. Cô hốt hoảng đứng lên, đón đứa bé trong tay anh. Đứa trẻ sơ sinh nhỏ xíu nằm bất động, hai mắt nhắm liền thành vệt dài trên khuôn mặt tím tái. Cô lật úp nó vào lòng tay mình và vỗ mạnh vào lưng nó. Đứa bé vẫn nằm im mềm oặt trong tay cô. Người mẹ chợt vùng người dậy, bật khóc: “Con tôi. Hãy cứu lấy con tôi,” Cô gắt: “Nằm yên! Giữ lấy chị ấy. Tôi biết phải làm gì,” Cô ngửa mặt đứa bé lên, hít một hơi dài rồi cúi xuống dùng miệng mình để hút chất đờm rãi làm nghẹt đường hô hấp. Con bé chợt nấc lên, giật mạnh người và bật tiếng khóc chào đời trong lòng cô. Trong giây phút kỳ diệu ấy, chẳng biết vì quá xúc động khi được nhìn thấy một sự sống đang trở về hay vì bao nhiêu sức lực của người con gái mảnh dẻ đã kiệt cạn. Giọt nước mắt lăn dài trên đôi má nhợt nhạt, cô run rẩy muốn ngã quỵ. Anh vội đón lấy đứa bé, vòng tay ôm ngang người cô thì thầm: “Giỏi lắm Dế Mèn! Cô thật can đảm,” Cô bật khóc oà như một đứa trẻ trên vai anh. Thằng bé nãy giờ trốn biệt ở dưới bếp đã lẻn vào phòng tự bao giờ. Nó chạy lại vòng cánh tay gầy guộc ôm lấy người cô và khóc rưng rức. Anh cố nén sự cảm động, lấy giọng bông đùa: “Sao lại như một giàn đồng ca thế này! Lau nước mắt đi nhé. Mình phải ăn mừng chứ. Đến lượt tôi phải phục vụ lại quý vị đây!”.
Khi cô tắm rửa cho đứa bé xong và đặt nó vào lòng người mẹ
đang thiêm thiếp ngủ vì mệt mỏi, anh đã quay trở lại trên tay lỉnh kỉnh hai túi
xách đầy. Cô ngạc nhiên: “Anh kiếm ở đâu ra nhiều thức ăn thế này?”. Anh chỉ
tay qua bên kia con đường có ngôi nhà lờ mờ anh đèn: “Đó là nhà bếp của nông trại.
Tôi sống ở căn phòng ngay bên cạnh nên không bao giờ sợ đói”. Thằng bé láu táu:
“Mẹ con nấu ăn cho nhà bếp, mẹ nấu ăn ngon lắm phải không chú Sơn?”. Anh mỉm cười
búng vào mũi nó: “Ừ, thì ngon. Bây giờ chú cháu mình phải dọn thức ăn ra mời cô
giáo chứ hả,” thằng bé lăng xăng nhóm bếp phụ anh hâm lại thức ăn. Nhìn khuôn mặt
hớn hở của đứa trẻ, cô chợt thấy nhói lòng khi nghĩ đến sự vắng mặt của người
cha. Như hiểu ý cô, anh nhỏ giọng: “Cha nó là người lái xe của nông trường. Tôi
đưa gia đình anh ta từ thành phố về đây sinh sống. Không hiểu vì sao lại vướng
vào rượu chè, cờ bạc. Được đồng nào lại đổ vào đám lưu linh, rượu vào u mê đánh
cả vợ con. Chị ấy giấu mọi người không ai biết. Cách đây năm tháng, anh ta say
khướt rồi đánh vợ suýt sẩy thai. Tôi gửi anh đi cai nghiện, hy vọng khi trở về
sẽ khá hơn”.
Đêm thinh lặng trong trẻo hơn sau cơn mưa. Những lo lắng mệt
mỏi dường như đã trôi theo đám mây đen về phía bên kia chân đồi. Cô ngồi bó gối
nhìn thằng bé ngủ vùi trong lòng anh với bao ý nghĩ rời rạc, mơ hồ. Cô nghĩ về
những mùa thu sau này, khi mùa thu năm nay ở trên vùng cao nguyên chỉ còn là một
ký ức của đời sống. Trở về thành phố, ký ức về thằng bé với đôi mắt hoang dã,
tiếng chim non buổi sáng, đám học trò chân chất rồi cũng chỉ là chút gió thu
thoảng qua theo nhịp sống vội vàng của phố thị. Chợt thấy nhói lòng. Cô ngước
lên nhìn anh bắt gặp ánh mắt ấm áp thật dịu dàng, cô cảm thấy lòng nhẹ nhõm đến
lạ lùng. Bàn tay anh xiết nhẹ những ngón tay nhỏ nhắn của cô, khẽ thì thầm: “Ngủ
đi em, đêm sắp qua rồi.” Cô mỉm cười, nhắm mắt dựa đầu vào vai anh và chìm đi
trong giấc ngủ bình yên.
Ngoài kia trời vừa ửng sáng…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét