Hoa nở vội…
Đoạn đường về nhà không xa lắm,
khoảng một trăm cây số đủ dài để cho một kẻ lãng du được thong dong ngắm cảnh
bên đường. Hôm tôi đi đúng vào ngày mưa dầm vừa dứt, vừa kịp cho đợt nắng thu
vàng óng ả trở về. Hai bên đường vẫn thấy mầm xanh cỏ cây hoa dại lốm đốm mọc
lan tràn trên mặt đất. Con đường này tôi đi lại đã nhiều lần nên quen thuộc cả
từng cây xăng, trạm nghỉ và cả những góc khuất của mấy chàng cảnh sát xa lộ
chuyên rình bắt xe chạy quá tốc độ.
Quen thuộc đến thế nhưng
không bao giờ tôi bỏ qua được đoạn đường khi xe đi qua quãng sông ngắn có đầy cỏ
lau, hoa dại mọc ngun ngút chập chờn trong gió. Chỉ vì nơi đó xen vào giữa đám
lau cỏ là một chiếc cầu ván gỗ nhỏ đưa ra ngoài đầm, thỉnh thoảng tôi còn bắt gặp
một chiếc ghe nhỏ dập dềnh trôi cạnh đó. Khung cảnh ấy đẹp và bình yên hơn nữa
khi xen lẫn trong đám cỏ xanh rờn kia là những đoá hoa dại sắc tím, vàng cứ rực
rỡ cả một góc trời. Tôi vẫn tự xem đó là góc cỏ hoa của riêng tôi. Một góc bình
yên rất đỗi dịu dàng luôn đánh thức vào tâm khảm một nỗi nhớ về miền ký ức xa
xăm, của những ngày thơ ấu lang thang cùng hoa cỏ.
Tuổi thơ của tôi chỉ quẩn
quanh với hoa cỏ quanh nhà. Hoa me đất, hoa đậu biếc, hoa mướp vàng, hoa mắc cở…
Tôi vẫn gọi những đóa hoa dại ấy là “hoa nở vội”. Một loài hoa sớm nở tối tàn,
có đời sống mỏng manh ngắn ngủi mà đôi khi tình cờ trên đường đi qua vô tình mắt
tôi chạm phải. Những đóa hoa nhỏ bé mọc len bờ cỏ, ven rào… có khi thành một bờ
dậu tím ngắt như hoa Bìm Bìm hay kết nên một vạt thảm hồng tươi thắm như hoa Mười
giờ.
Hồi đó, quanh xóm nhà tôi vẫn
còn đất rộng người thưa nên cây cỏ cứ hồn nhiên mà mọc tràn lan đi đến đâu cũng
thấy cả một trời cỏ cây dung dị. Có lẽ vì tuổi thơ của tôi lớn lên bên những bờ
dậu, bãi cỏ xanh tươi nên trong ký ức dường như vắng bóng những loài hoa kiêu
sa, quý hiếm. Đâu đó chỉ có toàn hoa dại, cỏ hèn. Quanh xóm tôi ở, nếu nhà nào
khéo tay ươm được vài chậu hồng, hoa kiểng là phải lo giấu kỹ, tránh xa các khe
hở của cái hàng rào nếu không muốn các bàn tay tinh nghịch của bọn trẻ yêu hoa
rình hái trộm.
Trong những buổi chiều rong
chơi ấy, thế nào tôi cũng phải ghé qua mảnh vườn nhỏ chỉ được che chắn bởi một
bờ rào bằng gỗ mỏng mảnh. Khu vườn này trồng toàn hoa Sao nhái đủ màu sắc và
vài ba cụm Vạn thọ vàng ửng, có lẽ được dùng để thờ cúng. Chủ nhà là một
người phụ nữ đứng tuổi nói giọng miền Trung rất nặng. Nhìn vẻ quê mùa bên ngoài
của bà khó ai biết được cái tình của bà dành cho hoa đến dường nào. Có lần tôi
thấy hai đứa trẻ nhẩy vội qua rào đạp gẫy một bụi hoa trong vườn thế mà bà ta cứ
ôm hoa khóc ròng. Cảnh tượng ấy luôn làm tôi rờn rợn khi nghĩ đến, bao năm rồi
vẫn không quên được những sắc hoa màu hồng, vàng, tím… lung linh chập chờn bên
một bóng áo nâu cô lẻ.
Ấn tượng kỳ lạ về người đàn
bà tóc vấn ngồi khóc trong khu vườn nhỏ đầy hoa càng thôi thúc trí tò mò của
tôi tìm biết về đời sống của bà. Có lẽ đó là lần đầu tiên tôi cảm nhận được sự
buồn bã, đau khổ trong đời sống của một con người nhưng ngày ấy tôi còn bé quá
nên cũng chẳng biết gì hơn ngoài những câu chuyện thêu dệt của bọn trẻ về căn
nhà tối bí ẩn và người đàn bà kỳ lạ. Tuổi trẻ vô tư lắm, vậy đó rồi cũng quên
nhanh vì thiên nhiên quanh tôi còn rất nhiều điều bí ẩn quyến rũ một đứa trẻ mới
lớn tìm tòi, khám phá.
Tôi hay có những buổi chiều
như thế, thơ thẩn quanh nhà hay bãi cỏ trước sân. Ở nơi đó cỏ mọc cao dầy che
khuất hẳn những bụi hoa dại nhỏ nhoi mọc ven bờ cỏ. Có một loại hoa màu vàng
tươi hay màu tím nhạt, có ba cánh lá hình trái tim xoay vào nhau rất đẹp. Đó
là hoa Chua me đất thường mọc ở nơi đất ẩm. Cứ sau ngày mưa là tôi thấy bờ cỏ
ven con mương lốm đốm lên màu vàng ửng của những cánh hoa trổ sắc. Có cô bạn nhỏ
bảo tôi loại cây lá này nấu ăn được vì vị chua của nó. Tôi không bao giờ dám thử
nhưng bọn con gái chúng tôi hay chọn hái vài cánh lá của hoa Chua me đất giả
thành dù xoay vòng trong tay. Những chiếc dù bé xíu xoay tít dưới ngón tay nhỏ
nhắn của chúng tôi như những điệu luân vũ màu xanh của ngày thơ tươi đẹp.
Về sau này mỗi khi ngắm nhìn
những loài hoa dại tôi vẫn luôn có một liên tưởng về đời sống của những đoá hoa
nở vội sống đời ngắn ngủi như độ tuổi thanh xuân của người thiếu nữ. Đến một
lúc nào đó nhan sắc xuân thì chợt bừng lên tươi thắm rất bất ngở và rồi khi ta
vô tình lãng quên thì nhan sắc yêu kiều xưa kia đã phôi phai đi mất trong một sớm
một chiều.
Tôi nhận ra điều ấy bởi vì
hoa. Từ hoa đã dậy tôi biết thêm yêu con người, biết học cách tha thứ và gìn giữ
cái đẹp của cuộc đời vốn dĩ đã mong manh. Thời gian đã làm cho những đớn đau,
buồn bã lắng dần. Hành trang cho quãng đường còn lại dường như nhẹ nhàng hơn,
dung dị hơn. Tôi hình dung ra con đường tôi đi tuy đơn độc nhưng với những ký ức
trong lành về cỏ cây, về con người… tôi tin ở đâu đó vẫn có những người bạn - cùng cỏ hoa 0 đang sánh bước với tôi trên cuộc hành trình trở về miền ký ức.
Nhớ quá một khung trời có những
đoá hoa nở vội…
Cánh hoa dầu
Nghe bạn càm ràm khi nhìn tấm ảnh tôi đăng trên entry Mùa lá
đỏ. Bạn làm tôi chột dạ, lò dò mở tấm hình ra xem lại. Ừ, hiện ra trong khung ảnh
một khuôn mặt đã có dấu vết tàn phá của thời gian. Làn da tối đi dưới vệt nắng
loang lỗ, môi đã khô, mắt đã quầng mỏi mệt, và nụ cười đã thấy cái héo hắt của
mùa thu đời người. Tính ra từ ngày tôi rời khỏi quãng đời thiếu nữ đến nay đã
là một quãng thời gian dài mà mỗi khi muốn nhớ lại phải lẩm nhẩm đếm như một bà
già có tính hay quên chuyện hiện tại mà lại nhớ mãi về quá khứ ngày xưa. Đôi
khi tôi nghĩ có điều gì cứ níu kéo tôi mãi với cái quá khứ cũ rích, với những
con người mờ ảo của ngày ấy? Có phải là cái thưở bạn bè còn hồn nhiên vô tư từ
môi cười ánh mắt, cái thưở người đối với người chân thành tình trong như nước đổ
xuống từ con suối thượng nguồn quá khứ?
Vậy đừng trách khi tôi cứ mãi nhắc đến cái thưở nhìn gì cũng
đẹp, thấy gì cũng yêu ấy. Quá khứ dẫn dắt tôi lại nhớ những buổi sáng trên đường
đến trường đi qua con đường có hàng cây dầu. Vào những ngày gió hoa dầu xoay
xoay đôi cánh quay tròn trên không như chiếc chong chóng trước khi rơi xuống đất
thật đẹp. Tôi hay gọi đó là hoa chuồn chuồn. Một người bạn gốc Tây Ninh bảo tôi
đó là quả của cây Chỏ nâu, có người còn gọi là hoa sao nữa. Cây dầu không cao lắm,
vào cuối mùa hạ thì cây ra hoa có hai cánh xoè màu đỏ nhạt gắn liền với thân dạng
quả tròn có khía màu xanh. Vào tháng Mười, Mười Một khi hoa già đi trái dầu sẽ
lớn hẳn ra và đổi qua màu nâu chàm. Đến lúc này hoa sẽ lìa cành. Tôi không nhớ
rõ lắm, vì hơn hai mươi năm nay tôi đã không đi lại con đường ấy nữa nhưng hình
ảnh những cánh hoa như những món đồ chơi của thiên nhiên từ đâu đó rơi xuống để
chúng tôi đuổi bắt sao cứ còn lưu luyến mãi trong tôi.
Nói đến đây chắc bạn sẽ cười thầm. Trời, tưởng gì hay, mấy
cái bông nhà quê vừa cứng lại vừa thô, màu sắc buồn bã rớt đầy trên con đường đến
trường. Một loại cây lá không biết gọi là hoa hay quả mà tụi con trai vẫn lượm
làm cầu đá cho khỏi cuồng chân thay vì phải đá vào nhau. Những ngày tan học về.
Líu ríu một nhóm dăm bẩy đứa con gái. Đứa đi bộ thong dong, đứa xe đạp vướng
víu cũng ráng dắt xe theo bạn đi qua hết đoạn đường đầy nắng, có cánh hoa dầu
bay bay rồi mới chia tay nhau về mỗi ngã khác nhau.
Nhắc đến đây có thể bạn sẽ mường tượng ra được khúc đường
quen ấy. Nhớ ngày đầu tiên tôi đến trường mới, đi vào con đường nhỏ, một bên là
doanh trại, một bên là đồng trống, ao bèo có vài cây so đũa còi cọc, thỉnh
thoảng có tiếng cóc nhái đâu đó kêu ồm ộp như đang ở làng quê. Ngay thành phố
mà có một con đường quê như thế mới lạ. Đường rộng, hàng cây lưa thưa bên đường
không đủ để che nắng đám học trò nên các cô phải dấu kín khuôn mặt mình dưới những
chiếc nón đủ kiểu, đủ màu sắc. Trên đường về với chúng tôi luôn có một người bạn
trai học chung lớp đi cùng. Rất hiền, hay cười dù có bị chúng tôi nghịch ngợm
chọc phá. Mãi về sau này tôi mới biết thời gian đó đời sống của bạn ấy gặp rất
nhiều khó khăn vậy mà bạn vẫn giữ được mãi nụ cười hiền hoà ấy trên môi. Khuôn
mặt nhễ nhại mồ hôi trong nắng của bạn là hình ảnh mà tôi còn lưu giữ trong ký ức
của một thời khốn khó. Hình như vào thời ấy ai cũng phải đi ngược nắng, phải sống
gian truân.
Hơn hai mươi năm rồi, tôi đã đi qua nhiều con đường đầy nắng,
những con đường không phải trên quê hương tôi. Cái nắng xứ người không gay gắt
như những ngày nắng trên con đường học trò ngày xưa, đời sống xứ người không
nghiệt ngã như đời sống của thời gian truân ấy. Những con đường tôi đi không thấy
trẻ con rượt bắt những cánh hoa dầu bay trên không, không có những giọt mồ hôi
đẫm ướt áo trắng học trò giờ tan học. Những điều tôi nhớ tôi thương không có
trên con đưởng tôi đi qua, dù chỉ là một cánh hoa dầu màu nâu buồn nhỏ bé.
Cũng như những cánh hoa dầu màu xanh đang chuyển qua sắc
nâu tràm rất buồn kia, tuổi trẻ của tôi đã ở lại với con đường ngày xưa rồi, bạn
thân mến ạ.
Tiếng xuân
Tuyết tan. Cái lạnh vẫn âm
thầm phủ đều trên những con đường đầy gió. Quanh những ngách. phố thiếu bóng
người qua lại thong dong tản bộ trên đường. Trời lạnh và gió làm người ta ngại
ngùng biết bao khi bước chân ra đường. Thực sự đông chưa qua. Cành cây lá khô vẫn
chưa hé được chút mầm xuân vậy mà một sớm chiều về chợt thoáng bàng hoàng khi
nghe tiếng chim hót réo rắt trên đầu ngọn cây.
Trên những cành khô trơ lá
chim ở đâu kéo về đậu đầy kín cả trăm con lố nhố đốm tròn y như cành khô kia vừa
ra trái giữa mùa đông vậy. Và chúng hót. Réo rắt, đồng nhịp, làm thành một dàn
đồng ca tuyệt vời khiến người có đang ủ dột vì trời đông thiếu vắng sắc xuân
cũng thấy lòng rộn ràng theo tiếng xuân đang đến.
Thiên nhiên diệu kỳ quá nó
không gần gũi con người bằng những cái nắm tay, những lời nói, xúc cảm vồ vập…
Thiên nhiên đến với người đơn sơ, bình lặng khi người biết mở lòng chân tình
đón nhận nó. Và từ đấy, những tiếng chim hót ban mai, những đoá hoa chớm nụ, những
góc phố hoàng hôn, những rặng cây rì rầm chia sẻ cùng người nỗi hư hao, niềm hạnh
phúc của đời sống.
Trước đây vì yêu tiếng chim
hót nên trong nhà tôi cũng có một đôi chim màu xanh biếc. Thỉnh thoảng tôi đóng
kín cửa nhà rồi mở cửa lồng cho chúng tự do bay nhảy đôi chút. Khi ấy chúng cất
tiếng hót, âm điệu réo rắt vui tươi khác hẳn khi bị nhốt ở trong lồng. Một buổi
trưa mùa xuân tôi đem chiếc lồng chim ra sân mở cửa lồng. Đôi chim tung cánh
bay lên ngọn cây hoa mận trắng hót réo rắt một hồi rồi bay đi mất. Tôi dõi nhìn
theo cho đến khi đôi chim chỉ còn là đốm màu xanh nhạt dần sau rặng cây cao.
Tôi vẫn mở cửa lồng đặt thức
ăn nước uống vào đó chờ đôi chim trở về nhưng không bao giờ tôi thấy chúng trở
lại nữa chỉ có lũ chim se sẻ quen bén bóng người chui vào phá phách tỉa lông rỉa
nước. Qua hết mùa hạ tôi cất chiếc lồng chim đi lòng thầm mong đôi chim tìm được
nơi trú ẩn ấm áp bình yên.
Trong một thoáng hoàng hôn
chênh chếch nắng chiều tôi mon men lại gần bụi cây gắng đừng làm động đến bầy
chim đang hót trên cao vì tò mò muốn xem cây đã ra nụ xuân chưa. Loại hoa
Forsythia này sẽ ra hoa khi trời bắt đầu ấm. Thường là vào tháng Tư là hoa vàng
nở chi chít đầy cành trong vài tuần rồi thay lên lớp lá xanh mới cho đến thu sẽ
tàn. Ở miền Đông người ta hay trồng Forsythia quanh nhà làm thành một hàng rào
thiên nhiên. Đến mùa hoa nở màu vàng rực rỡ của nó cứ cuốn lấy bước chân khách
bộ hành. Ấm áp lạ kỳ…
Tôi đã tím thấy vài nụ mầm
chơm chớm từ các kẽ lá nhú ra rồi đấy. Thế là một mùa hoa vàng sắp đến. Miền
Đông lại sắp vào xuân rồi bạn ạ!
Nắng
Một ngày đầy nắng trải dài giữa tháng Ba của miền Đông giá lạnh.
Gió ẩn mình sau những tán lá xanh thỉnh thoảng lại đong đưa những nụ hoa vừa chớm
sau một giấc ngủ đông dài. Dưới lớp tuyết chưa tan hoa crocus trỗi dậy xuyên
qua lớp cây lá mục ửng lên một sắc màu biêng biếc mang dấu hiệu mùa xuân sắp trở
về. Nắng đem cái ấm áp ngọt ngào của mùa xuân tràn qua khung cửa rộng xua tan lớp
màu xam xám buồn còn vương lại của ngày đông trên những mái nhà trên phố.
Nắng trốn trong từng góc khuất. Nắng tràn xuống lòng đường. Nắng ngự trong mắt
ta reo vui bài ca của nắng. Nhẹ nhàng lắm nhưng vẫn đủ ấm để làm mềm lòng người,
để hồn người tan theo sắc màu trong trẻo ấm áp của mình. Người đón nhận nắng
với lòng xôn xao như thể vừa gặp lại một người thân lâu ngày đến thăm. Không có
cái tình nhàn nhạt giữ kẽ như mối quan hệ sơ giao của tuyết. Nắng đầm ấm, nồng
nhiệt hơn nhiều vì chỉ có người mới tự làm ra nắng cho mình, từ những gì mỉnh
đã nhận được từ nắng.
Thiên nhiên đem đến đời sống nhiều chọn lựa. Con người nhẹ
lòng lắm nên đôi khi cũng đặt nỗi niềm riêng vào những ngày mưa nắng mà đất trời
trao tặng. Bạn chọn ngày mưa, tôi chọn ngày nắng. Chia xớt cho nhau cái đẹp của
tạo hoá mà thấy lòng vui nhiều vì khoảng trống giữa ngày cũng chẳng còn chỗ cho
những muộn phiền vặt vãnh chen vào. Thế nên ngoảnh lại nhìn vào những ngày mưa
nắng vẫn thấy kỷ niệm luôn làm mình ngẩn ngơ.
Chợt nhớ có những lần đi dưới tàn cây rợp lá mà thấy nắng
như vỡ ra dưới chân mình. Tay chạm vào nắng, nắng tràn vào mắt, miên man trên
tóc rối, ngập ngừng nơi làn môi cứ như mình đang có hẹn hò với nắng vậy. Nắng
có khi dịu dàng như một cô dâu mới nhưng cũng có khi gắt gao chẳng kém gì một
bà mẹ chồng khó tính.
Bây giờ đang là nắng tháng Ba thì thế, kéo đến tháng Bẩy vào
hè lại hầm hập nóng bức người. Những buổi trưa nồng im gió, nắng lại đưa đẩy
đôi tay mẹ quạt kéo từng luồng gió mát về cho con ngủ. Chén chè đậu đen ngọt
bùi mẹ rẩy vào vài giọt hương dầu chuối làm đứa trẻ tỉnh giấc trưa hè. Ngoài
hiên tiếng rao của người gánh hàng rong như lịm đi vào nắng quái. Tôi đã có những
ngày neo lòng ngủ yên trong những vạt nắng đó. Đến khi khôn lớn lại thêm một thời
khăn gói lang thang đi tìm sự bình dị mà nơi thành phố đã trở nên hiếm hoi. Trở
về một buổi trưa hè nơi thôn dã, cùng nhóm bạn mải miết vào xóm quê đi tìm
mẫu vẽ. Bạn thì thầm vào tai, đi theo mình sẽ có hình mẫu đẹp lắm. Hai đứa len lỏi
qua con đường đê khô nứt nắng ran rát đầu trần, con trâu già ngâm mình dưới
vũng lầy đẫm nước lim dim ngủ. Mùi rơm rạ, mùi cỏ luá thoang thoảng theo gió đẩy
đưa những giọt nắng vỡ ra rồi ghép lại bên hàng tre già lao xao gió.
Giữa buổi trưa hè yên ắng, người mẹ nằm trên cánh võng đưa kẽo kẹt cất tiếng ru con “Ầu ơ… gió đưa bụi chuối sau hè…” buồn rười rượi. Ngoài bờ ao bất chợt có tiếng gà trưa tao tác dẫn đàn con đi tìm mồi. Bạn quay lại nhìn tôi mỉm cười đắc thắng. Cho đến bây giờ tôi vẫn luôn tin vào lời bạn nói ngày ấy vì rằng đó vẫn luôn là hình ảnh đẹp nhất về nắng mà tôi còn lưu giữ cho đến giờ.
Giữa buổi trưa hè yên ắng, người mẹ nằm trên cánh võng đưa kẽo kẹt cất tiếng ru con “Ầu ơ… gió đưa bụi chuối sau hè…” buồn rười rượi. Ngoài bờ ao bất chợt có tiếng gà trưa tao tác dẫn đàn con đi tìm mồi. Bạn quay lại nhìn tôi mỉm cười đắc thắng. Cho đến bây giờ tôi vẫn luôn tin vào lời bạn nói ngày ấy vì rằng đó vẫn luôn là hình ảnh đẹp nhất về nắng mà tôi còn lưu giữ cho đến giờ.
Hình ảnh làng quê luôn trở về trong tôi cùng với nắng. Như tận
cùng ở một nỗi sâu thẳm của tâm hồn là hai tiếng quê hương. Cái nghèo lam lũ của
những ngày mưa bão để nắng được tượng hình như là nỗi ước mơ về một đời sống
thanh bình, no đủ. Có lẽ những gian truân vất vả của đất nước tôi sẽ mãi luôn
là tiếng gọi vô hình đưa tôi về đến cội nguồn. Khao khát đất trời rộng lớn, tìm
tòi cái đẹp hoàn mỹ nhưng rồi cũng nặng lòng mà thương về vạt nắng đổ ban trưa
chênh chếch bên hè.
Lời mẹ ru – Trịnh Công Sơn – Khánh Ly
Ca sĩ: Bảo Yến
Crocus
Ngày hôm trước trời nắng trong veo, bước chân ra sân đã nghe
thấy chim kéo về ríu rít đầy trên cây cao rồi. Cỏ cây đang thẫm một màu lá xanh
như ngọc. Ở dưới lớp đất đã nhú lên những mầm sống của mùa xuân với niềm hân
hoan không che dấu. Từ đám gỗ lá mục, hoa crocus xòe ra những nụ hoa sắc màu
thanh thoát truyền giao một thông điệp luân chuyển bất tử của tạo hóa. Mùa Xuân
đang trở về.
Sống ở miền Đông có đủ bốn mùa đi qua một năm dài. Bước theo
nhịp luân vũ của tạo hóa khi Hạ sang, Thu đến, Đông tàn, rồi lại ngập ngừng nơi
ngưỡng cửa giao mùa khi Xuân sang. Mỗi chớm vào xuân khi cơn gió đầu mùa còn
đang se sắt, tôi thường không cảm nhận được hương xuân qua thời tiết mà cảm nhận
về mùa xuân luôn đến với tôi từ đất. Khi buổi sáng vẫn còn khăn quàng áo ấm bước
ra đường mà đã ngửi được mùi nồng nồng của đất ẩm sau cơn mưa tối qua. Khi tình
cở đi qua mảnh vườn nhỏ chợt bắt gặp một màu tim tím nhẹ nhàng lẻ loi len lén
nhú lên nơi góc vườn. Tôi nhận ra mùa xuân luôn bắt đầu khi crocus nở hoa. Loài
hoa nhỏ bé thấp lè tè mọc khiêm nhường ở những nơi không ngờ nhất. Hoa dại
chẳng ai trồng mà đẹp mê hồn. Hình như những gì hoang dại luôn có một sức quyến
rũ riêng biệt nếu có muốn bắt chước cũng không được. Cánh hoa mỏng mảnh yếu ớt
mà vẫn sống bền bỉ cả một năm trời dưới lòng đất, bất kể mưa nắng nhọc nhằn
trôi qua. Chỉ chờ đông qua lại vươn mình lên cùng nắng.
Tôi yêu biết bao sắc màu thanh thoát của loài hoa dại nhỏ bé
này. Chỉ vài sắc màu rất nhẹ: xanh, tím, vàng, trắng. Hoa crocus bé bỏng âm thầm
đơm hoa từng bụi nhỏ dưới lớp cỏ cây gỗ mục ẩm ướt. Người yêu hoa muốn giữ cho
riêng mình một góc hoa xuân vẫn có thể ươm mầm crocus vào mùa thu là được. Hoa
không kén chọn nên người cũng không cần phải bỏ nhiều công chăm sóc. Không quá
cầu kỳ, đài các. Không quá rừng rực, đam mê. Loài hoa nhỏ bé chống chọi với rét
mướt của cả mùa đông quạnh quẽ cho ta thấy một sức sống bền bỉ, son sắt đến ấm
lòng.
Hoa crocus đã trở về với mùa xuân của tôi nơi phương trời
này. Những cánh hoa mỏng mảnh chẳng bao giờ nở hết mình như một phận người sống
khép nép, khiêm nhường mà làm cho lòng tôi xôn xao kỳ lạ. Một loài hoa ví như
cuộc đời của một con người đa đoan. Sức sống mạnh mẽ, bền bĩ của bông hoa bé nhỏ
ấy dù qua bao dập vùi khắc nghiệt của mưa nắng vẫn sống an nhiên, vẫn vươn lớp
đài mỏng mảnh xuyên qua băng tuyết để đem đến cho đời một hương sắc hồn nhiên bất
tử. Nghiêng mình trước một loài hoa nhỏ bé để thấy lòng mình không còn hẹp hòi,
vị kỷ vào những vặt vãnh từ cuộc đời đem đến. Bỗng nhiên lại nhớ câu hát ngày
nào mà bạn vẫn thường ngân nga cho cả nhóm cùng nghe mỗi khi có ai thấy mình
liêu xiêu bởi cuộc đời.
Mưa hồng – Trịnh Công Sơn – Tuấn Ngọc – Bằng
Kiều
Ca sĩ: Hồng Nhung
Vào thu nửa đời
Thời tiết thật kỳ lạ. Ngày
hôm trước nhìn nắng hanh vàng ngoài cửa tưởng đã bước sang xuân. Hôm nay mây
đen kéo về u ám cả bầu trời. Mưa. Rả rích cả ngày cộng thêm tiết trời lạnh lạnh
như đã vào thu.
Ngày chuyển mùa đã qua trước
cả tháng. Từ cửa sổ trên cao, cũng có thể nhìn thấy được sắc hồng hoa đào nồng
nàn trên phố. Tự nhủ lòng sẽ chờ ngày nắng đẹp đem máy ra bấm vài tấm hình để
sau này còn có “chút gì để nhớ để thương”. Nghĩ để mà nghĩ. Và cứ xoay xoay mãi
với giòng đời tất bật để rồi một buổi sáng bước ra đường phải ngơ ngẩn tiếc nuối
khi thấy những cánh hoa rụng tả tơi trên sân sau trận mưa rào tối qua.
Mùa đến rồi đi vội vàng quá.
Cả đời người cũng thế. Như một chớp mắt vô tình. Có người chưa kịp gặp mặt đã vội
chia xa, lưu niệm còn ở lại chỉ là một tấm hình đăng trên web và những lời phân
ưu tiếc nuối. Quy luật của tạo hóa. Sinh, lão, bệnh, tử. Vẫn hiểu thế. Nhưng
không thể sống theo vốn hiểu biết nghiệt ngã ấy vì máu vẫn còn chảy, tim vẫn
còn đập dù rằng đó là những nhịp đập xót xa.
Những cuộc gặp gỡ trên đường
đời. Vô tình hay hữu ý đều là những khoảnh khắc luôn trân trọng. Một nụ cười
thân thiện, một cái siết tay ấm nồng… vẫn còn đó trong một góc ký ức muộn màng.
Thời gian cứ trắng dần theo những sợi tóc trên đầu. Thời gian ngập ngừng trước
ngưỡng cửa vào thu của nửa đời. Trong buổi chiều muộn, nghe Julie hát “Vào thu
nửa đời” chậm, buồn man mác nỗi lòng của kẻ xa quê. Viết lại bài hát này vì nhạc
quá hay và lời quá thấm. Tự hỏi trong cuộc đời đã có bao nhiêu lần đi qua giây
phút lắng đọng này…
Tôi vốn sinh ra nơi vùng nắng
ấm
Nơi đó qua nhanh tuổi thần tiên ấu thơ
Niên thiếu tôi mang tâm hồn lãng mạn
Với trái tim non xây tình yêu viễn vông
Tôi lớn lên mau với giòng chinh chiến
Như khói chiến tranh lan tràn đi khắp nơi
Nay đã trôi qua một thời tai biến
Theo sóng lưu vong trôi dạt đi xứ xa…
Nơi đó qua nhanh tuổi thần tiên ấu thơ
Niên thiếu tôi mang tâm hồn lãng mạn
Với trái tim non xây tình yêu viễn vông
Tôi lớn lên mau với giòng chinh chiến
Như khói chiến tranh lan tràn đi khắp nơi
Nay đã trôi qua một thời tai biến
Theo sóng lưu vong trôi dạt đi xứ xa…
Như những con sông trôi về
biển lớn
Tôi sống đam mê như điều tôi ước mong
Thêm nét suy tư tâm hồn trải rộng
Nhưng vẫn say mơ chuyện tình yêu viễn vông
Tôi có công danh như là tôi muốn
Đôi lúc cô đơn tôi buồn tôi chán chê
Tôi đã xa hoa hoặc là phung phí
Nên đã tiêu hoang nửa phần đời đã qua
Tôi sống đam mê như điều tôi ước mong
Thêm nét suy tư tâm hồn trải rộng
Nhưng vẫn say mơ chuyện tình yêu viễn vông
Tôi có công danh như là tôi muốn
Đôi lúc cô đơn tôi buồn tôi chán chê
Tôi đã xa hoa hoặc là phung phí
Nên đã tiêu hoang nửa phần đời đã qua
Mùa xuân đã đến… và đã qua rồi.
Mùa thu đang tới… rực rỡ ánh hồng
Còn ta thiết tha vẫn như ngày đã qua
Lòng ta đắm say như những ngày quá khứ
Và ta vẫn thế… vào lúc tuổi người
Gần ba mươi tám… vẩn luôn yêu đời
Rồi ta có thêm kinh nghiệm và thứ tha
Rồi ta mãi nguyên như những ngày mới lớn
Mùa thu đang tới… rực rỡ ánh hồng
Còn ta thiết tha vẫn như ngày đã qua
Lòng ta đắm say như những ngày quá khứ
Và ta vẫn thế… vào lúc tuổi người
Gần ba mươi tám… vẩn luôn yêu đời
Rồi ta có thêm kinh nghiệm và thứ tha
Rồi ta mãi nguyên như những ngày mới lớn
Nhạc nền: http://www.trunghocnguyendu.com
Mưa
Tháng Tư, trời đã vào xuân bỗng dưng chuyển lạnh. Cơn mưa chiều
trở về bất chợt khiến tôi nhớ đến những cơn mưa của Sài Gòn mà lòng không
khỏi nôn nao. “Em còn nhớ hay em đã quên...” Chẳng bao giờ quên được hình ảnh
những ngày mưa dầm vội tạt vào một mái hiên nhà bên đường chờ cơn mưa tạnh hay
những ngày mưa nhẹ lất phất cứ khoác chiếc áo mỏng mảnh đạp xe trên phố thấy giọt
nước nhẹ lây phây qua mắt, qua môi. Trong sự vô thường của vạn vật, những ngày
mưa rơi luôn cho tôi một cảm xúc rất ngọt ngào. Nhớ lại những bài luận văn thời
lớp Bốn, lớp Năm, “Em hãy tả cảnh trời mưa.” Cơn mưa thời niên thiếu có cơn mây
xám vần vũ, gió thổi mạnh cuốn lá bay trên đường, đứng ở đầu này mà thấy mưa rượt
ở sau lưng. Cứ thế mà viết chắc chắn sẽ được cô giáo phết cho con số 9 tròn
trĩnh. Ngày ấy còn bé quá nên nhìn gì cũng thấy to lớn đáng nể lắm. Mưa là nhốn
nháo hẳn lên, người lớn lo kéo quần áo đang phơi ngoài sân, hứng nước vào lu;
trẻ con thì nhấp nhổm đi tắm mưa, nghịch nước. Trời Sài Gòn có những cơn mưa
rào bất chợt chẳng báo trưóc. Trời đang nắng chang chang thoắt lại mưa ào xối xả.
Bởi thế khi nghe tin thời tiết báo những câu vô thưởng vô phạt “trời hôm nay
mưa nhiều không có nắng” (phải nhận rằng ông thi sĩ Nguyên Sa rất tài) nên cũng
chẳng ai bận tâm đến chuyện mưa hay nắng của Sài Gòn.
Thời gian thật lạ kỳ. Có những lúc cứ tưởng nó đã vùi lấp mọi
thứ nhưng cũng có đôi lúc ký ức cứ luôn yên vị trong một khoảnh khắc của quá khứ
không hề suy chuyển. Đã qua bao nhiêu năm rồi mà cảm giác của một đứa trẻ ngồi
bám song cửa đong đưa đôi chân ra nghịch nước vào một chiều mưa ngày nào vẫn
còn nguyên vẹn. Khám phá và thích thú trước những giọt mưa rơi trên sân ngập nước,
bong bóng nước nổi phập phồng tròn xoe, mỏng mảnh rồi vỡ tan khi giọt mưa khác
rơi xuống. Kiếp bong bóng nước phù du là thế. Nhớ có lần xem kịch Lá Sầu Riêng
của cô Kim Cương, người mẹ trẻ hát câu hò ru con “Trời mưa bong bóng bập bồng.
Mẹ đi lấy chồng con ở với ai.” nghe sao buồn quá. Bao nhiêu nước mắt của phận
người đã nhỏ xuống theo mưa? Đó là ngày còn bé. Lớn lên chút nữa nhìn mưa lại
thấy thương người nghèo lam lũ. Mưa đồng nghĩa với buôn bán ế ẩm. Mưa đồng
nghĩa với cái nghèo đeo đẳng lên một kiếp người. Nghe “Phố buồn” của Phạm Duy
càng thấy thương cơn mưa Sài Gòn da diết. “Đường về đêm đêm mưa rơi ướt bước
chân em. Bùn lầy không quên rơi lên lối ngõ không tên. Qua mấy gian không đèn,
những mái tranh im lìm, đường về nhà em tối đen.” Đời sống một góc phố thị Sài
Gòn tăm tối buồn thiu như những tiếng mưa rơi rơi trên mái…Tiếng mưa rơi trên
mái tôn luôn là tiếng mưa buồn của cung tơ lòng trầm lặng, của những ai mang nỗi
lòng chất ngất bẽ bàng câm nín giờ chỉ muốn tuôn trào theo nhịp rơi rào rạt
trên mái ngoài kia.
Kỷ niệm về mưa thì nhiều lắm, không ai mà không cảm thấy có một
lần lòng mình phải chao đảo theo mưa. Đến tuổi học trò tấp tểnh biết yêu, mưa
càng tha thiết lãng mạn hơn nữa. Hãy nghe nhà thơ Phạm Thiên Thư vẽ một bức
tranh rất thơ bằng ngôn từ về một buổi chiều mưa “Em tan trường về. Đường mưa
nho nhỏ. Chim non giấu mỏ. Dưới cội hoa vàng.” Về sau nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc
bài thơ này và người con gái tên Ngọ trở thành dáng dấp yêu kiều trong mơ của
những chàng trai mới lớn đứng lơ ngơ trước cổng trường con gái. Sự giao
duyên tài hoa giữa thơ và nhạc hẳn phải bắt nguồn từ tình yêu nét đẹp của thiên
nhiên tha thiết lắm mới tạo ra được những cung bậc diễm tuyệt như thế khiến
lòng ai cũng thấy man mác một nỗi nhớ nhung về một thuở xuân thì.
Mưa vẫn là đề tài muôn thưở để người nghệ sĩ gửi gấm nỗi lòng
chất ngất. Hỏi người xa quê có thấy lòng xót xa không khi vào một chiều mưa giữa
phố Sài Gòn mà nghe tiếng ai buồn tha thiết trong “mưa Sài Gòn, mưa Hà Nội” của
nhạc sĩ Phạm Đình Chương. “Mưa hoàng hôn trên thành phố buồn gió heo may vào hồn.
Thoảng hương tóc em ngày qua. Ôi người em hồ Gươm về nương chiều tà… Thương màu
áo ngà… Thương mắt kiêu sa…” Mưa xao xuyến buồn, mênh mang gợi nhớ về kỷ niệm
xưa cũ, về nỗi đau chia cắt đôi bờ quê hương. Người một lần ra đi để người ở lại
với nỗi u hoài chất ngất. Mưa rơi xuống thay giọt nước mắt biệt ly, làm thức
lên những kỷ niệm ấm áp của đời người, trôi đẫm hồn người tha phương biệt xứ. Hạnh
phúc và đớn đau. Hội ngộ và ly biệt. Xót xa như một phận đời được định sẵn.
Em còn nhớ hay em đã quên
Nhạc sĩ: Trịnh Công Sơn – Ca sĩ: Mỹ Linh
Mưa Sài Gòn, Mưa Hà Nội
Phạm Đình Chương – Thơ: Hoàng Anh Tuấn – Khánh Ly
Mưa Sài Gòn
Bạn hỏi, Sài Gòn có
gì để cho tôi nhớ đến nhiều nhất? Không ngại ngần, câu trả lời của tôi, đó
là những cơn mưa Sài Gòn.
Thời tiết Sài Gòn chỉ có hai
mùa mưa-nắng vì thế bao nhiêu năm sống ở Sài Gòn tôi cũng bị thấm bởi cái nắng-mưa
bất chợt ấy. Mùa mưa Sài Gòn luôn trở về khi không ai ngờ đến, vào buổi chiều
trời đang xuân hanh hanh nắng, đến giữa khuya chợt nghe tiếng mưa đêm rơi rào
rào trên mái là biết mùa mưa đã đến rồi. Mưa Sài Gòn là thế đó bạn ạ. Khi nhớ về
mưa Sài Gòn là khi tôi nhớ về nỗi hiu hắt, buồn thương của những cuộc đời lam
lũ, những mối tình trắc trở. Đã bao lần vào giữa khuya tôi chìm trong cảm giác
nửa tỉnh nửa mê, để lòng lắng theo tiếng mưa đêm man mác quyện vào tiếng hát
Khánh Ly mộng mị theo “mưa lạnh lùng rơi rớt giữa đêm về nghe não nề”. Mưa
rả rích đổ giọt trên mái tôn trong xóm nghèo đèn vàng hiu hắt khi “em bước chân
qua thềm, mưa vẫn rơi êm đềm và chỉ làm phố buồn thêm...”
Trở về với tuổi thơ của tôi,
bạn hãy ngồi bên khung cửa sổ trên cao kia, phía dưới là những dãy nhà cũ kỹ trong
tầm mắt nối nhau bởi những mảng tường, khung cửa sổ bằng gỗ khép kín. Vào buổi
chiều thường có mưa rất lớn. Mưa ồ ạt, vội vàng trút từng làn nước mờ mờ che
khuất một khoảng trời phía xa, cây cảnh như lẫn vào nhau thành một bức tranh
xám mờ không rõ nét. Thành phố Sài gòn luôn ồn ào bận rộn chợt vắng lặng hẳn đi
dưới cơn mưa. Lẫn trong khung trời xám lạnh bạn sẽ bắt gặp một mái nhọn cao vút
lên của ngôi giáo đường phía cuối trời thấp thoáng trong làn mưa chiều. Rồi khi
có ai đó gửi lòng vào những bài ca từ bên nhà hàng xóm theo gió đưa đẩy tiếng
đàn guitar rưng rưng một cung La thứ buồn “có những chiều thành phố mưa bay,
công viên buồn tượng đá cũng buồn…” nghe sao tha thiết quá. Một nỗi bâng khuâng
thật dịu dàng như một giao cảm cùng đất trời mà tôi đã sớm biết đến. Không thể
khác hơn được nữa khi bạn ở vào lứa tuổi mới lớn như tôi ngày xưa, luôn nhìn cuộc
đời bằng đôi mắt trong veo cùa nắng nên khi bắt gặp giọt mưa rơi sẽ thấy đó là
một diệu kỳ của đất trời đem đến.
Tôi yêu biết bao những buổi
chiều mưa như thế. Cái buồn bã đẹp dịu dàng nhưng không ủy mị của những cơn mưa
chiều ở Sài Gòn luôn làm cho lòng người thêm đằm thắm. Đã là người Sài Gòn chắc
hẳn không ai không có một ký ức về mưa cho riêng mình. Không biết đã bao lần
tôi vướng phải những cơn mưa rào bất chợt rơi trên đường phố. Nhất là khi đang
vào tuổi học trò, bắt gặp được một cơn mưa trên đường về nhà thì không còn gì
thú vị hơn. Lại được thêm một lý do chính đáng để kề cà ghé vào trú mưa dưới một
hiên nhà ở bên đuờng, ngắm nhìn đường phố vắng lặng, nước trôi như một con sông
nhỏ lẫn vào từng chùm bong bóng nước phập phồng trắng xoá. Đẹp như câu hát ẩn dụ
tuyệt vời của Trịnh “phố bỗng là dòng sông uốn quanh”.
Đó là những lúc bạn có một
mình độc hành trong mưa. Còn đang đi với bạn bè, nhóm năm nhóm bẩy mà gặp mưa
thì đã có quán nhỏ bên đường để ghé chân mà tán chuyện viễn vông chờ mưa tạnh.
Quán nước, quán chè bình dân hợp với túi tiền sinh viên luôn đông khách trú
mưa. Chật chội, đông đúc nhưng chẳng ai có vẻ phiền hà, người ta có thể ngồi
sát vào nhau một chút để nhường chỗ cho một nhóm người mới đến. Dường như đây
là một thời khắc gần gủi, nhẹ nhàng nhất để người ta làm quen với nhau dễ dàng
hơn. Đôi ba câu chuyện bâng quơ, lau giùm quyển sách lấm nước của cô bạn mới
quen rồi đến khi mưa tạnh, trời còn lất phất vài giọt mưa đọng lại trên tàng lá
cao, đôi bạn lại song song đạp xe bên nhau như một tình cờ của duyên mưa đã sắp
đặt sẵn.
Đã có bao nhiêu cuộc tình bắt
đầu trong một chiều mưa của Sài Gòn? Không ai đếm và cũng không ai có thể đếm
được, có phải vì mưa lúc nào cũng mong manh…
Thành phố mưa bay
Nhạc sĩ: Bằng Giang – Ca sĩ:
Quang Dũng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét